Trư cuồng (kỳ 1)

Tiểu thuyết

Nguyễn Xuân Khánh

Cuối cùng thì Trư cuồng cũng được xuất bản với cái tên mới nghe khá cải lương: Chuyện ngõ nghèo sau 34 nằm bất động trong tủ sách nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

Nhân dịp Văn Việt đăng toàn văn tác phẩm theo nguyên bản Trư cuồng, chúng tôi xin giới thiệu một bài viết giàu cảm xúc của nhà thơ Hoàng Hưng nhân dịp 30 năm Trư cuồng vẫn chưa tìm được “đầu ra”…

Văn Việt

 

Trư cuồng, lời cảnh báo 30 năm

Hoàng Hưng

30 năm, đọc lại Trư cuồng, cảm xúc vẫn như lần đầu. Lần đầu, chuyến đi Hà Nội mùa thu 1982 đầy sự cố, trong căn nhà nhỏ bên dòng Kim Ngưu đen và thối anh trao cho tôi tập bản thảo viết tay mới chỉ lưu truyền trong một nhúm bạn chí cốt. Cuốn truyện đã làm tôi mất ngủ.

Chỉ riêng những trang tả thực cảnh sống thảm thương của một gia đình nhà văn – nhà báo nháo nhác xoay quanh cái chuồng lợn, khi sức khỏe và sự tăng trọng từng ngày của lợn là mục tiêu sống của cả nhà, lũ lợn “nhai gau gáu” hết xương ông Tchekhov đến sọ ông Dos, “nỗi lợn” làm người chồng thành bất lực trên giường… đã đủ sức đánh gục người đọc bởi sự chân thực đầy cảm xúc những trải nghiệm sống của cây bút già dặn. Những trang sử – văn một thời cười ra nước mắt khi cả Hà Nội lao vào nuôi lợn như con đường duy nhất thoát đói nghèo (không chỉ Hà Nội, ở Sài Gòn lúc ấy nhiều hộ ở chung cư nuôi lợn đến nỗi làm tắc hết đường thoát nước!). Xung quanh đó là những câu chuyện bi thương của người lính “B quay” bị dồn đến bước đường cùng, là nỗi chua chát của những trí thức vỡ mộng sau cả tuổi thanh xuân hy sinh cho một lý tưởng cao vời giờ mới thấy không phải dành cho con người sống thực, là nỗi ám ảnh “hình ngục nan đào” với những thẩm vấn, theo dõi, gài bẫy, phản bội… mà ngành an ninh dùng để khủng bố những người viết có tư tưởng “chống đối”. (Tôi nhớ từ lâu mình đã đùa bảo các ông anh Dương Tường, Xuân Khánh, Châu Diên… ở Hà Nội bị cái “flicisme” nó ám – thấy chỗ nào cũng “flic”, thấy ai cũng “flic” (cớm chìm). Trong bài thơ Người đi tìm mặt năm 1973 của tôi có hình ảnh “Mặt ga đêm/miệng mở ngủ/ Giật thức/ mắt kinh hoàng” chính là ám ảnh “flic” ở mọi nơi. Đến khi bị bắt trong vụ Về Kinh Bắc, tôi mới biết các anh không hề tưởng tượng).

Riêng sức mạnh tả thực xã hội ấy của Trư cuồng đã vượt hẳn tầm “hiện thực phải đạo” chung của văn chương chính thống mấy thập kỷ. Nhưng chưa đâu! Cái chưa từng thấy trong rừng văn làng nhàng kia, chính là nỗi suy tư đau đáu về xã hội, về lý tưởng, về cuộc đời… Từ hiện thực của “lợn và người”, anh Khánh suy tư, những suy tư không chút tư biện mặc dù nhiều chỗ “nghĩ thành lời”, độc thoại, đối thoại (kể cả trong những cuộc thẩm vấn).

Ai cũng biết có một thuở suy nghĩ là việc nguy hiểm ở nước ta. Suy tư, hay “phản tư” về lý tưởng chính trị có thể coi là hành động dũng cảm nhất của mấy thế hệ trí thức dấn thân ở miền Bắc Việt Nam. Ở đây dùng từ “hành động” là theo nghĩa triết học, nhưng cũng theo nghĩa rất thật mà an ninh dùng để buộc tội họ. Chỉ cần mấy kẻ gặp nhau, xới lên câu hỏi Que faire? (theo tiêu đề cuốn sách của nhà Cách mạng Dân chủ Nga TK 19) đã là “hành động”, thậm chí “hành động có tổ chức”, đủ để lĩnh một cái “án cao su” có thể kéo dài hết đời người. (Chắc những blogger, những nhà bất đồng chính kiến thời nay thấy từ thưở đó đến giờ câu chuyện có khác về mức độ nhưng vẫn y xì về bản chất!).

Cũng vẫn chưa! Điều day dứt nhất của tác giả Trư cuồng mà hiện thực “lợn” thúc ông đi đến tận cùng của suy tư: đó là “sự ô nhiễm” của chuồng lợn vào xã hội người. Thực ra “tính lợn” đã tồn tại trong con người qua hàng ngàn năm. Bản chất của nó là gì? Theo tác giả, “lợn sinh quan” chính là:

“Hãy chỉ biết ăn – Ăn toàn bèo cũng được. Cứ ăn cho đến lúc cái bụng ta to bằng cái thúng, và thế là cảm giác no nê, thỏa mãn, hạnh phúc sẽ đến. Tuyệt đối chớ nên suy nghĩ, vì suy nghĩ là mầm tai ương”.

Chế độ chính trị hiện đại đã tạo điều kiện cho “tính lợn” trở thành “bái trư giáo”, khi những tên đồ tể lên ngôi với triết lý sống “cắt tiết cuộc đời” rùng mình của chúng. Càng nguy hiểm khi bọn đồ tể, hoặc con cháu mang máu huyết của chúng, hết cần mặc áo máu và cầm dao lá lúa mà vẫn “cắt tiết cuộc đời” một cách êm ả trong bộ thời trang có khi “made in USA” hẳn hoi với những mối quan hệ dằng dịt và đặc quyền hiến định.

Nguy hiểm cao độ khi chính những người trẻ tuổi một thời tâm huyết, có ngày tặc lưỡi tự biện minh việc quẳng những Tchekhov, Dos, Sartre… cho lợn ăn vì nhu cầu “cái bụng trước đã” (có khác gì những khẩu hiệu “vivre d’abord” – sống cái đã – hay “kinh tế cái đã”, “ổn định cái đã”?), để rồi trở thành “con rể” và học trò của bọn đồ tể lúc nào không biết!

Nguyễn Xuân Khánh dạo ấy thật sự bi quan. Ám ảnh “Trư cuồng” (Porcinomanie – danh từ ông bịa ra, nghĩa đen là thói tật sống kiểu lợn) không lối thoát đã đưa anh vào cơn ác mộng mang dáng dấp Trại súc vật của Georges Orwell, một cõi “Cực-Thiên-Thai” mà những “đỉnh cao trí tuệ” toan tính úp lên đầu nhân loại trong đó gã Công dân số 1 hiện nguyên hình con lợn Bò. Rồi anh tỉnh dậy, chứng kiến đứa con trai mê triết của mình quyết định bỏ sách cầm con dao lá lúa đồ tể để cứu cái bụng của cả nhà!

Anh chỉ còn biết hóa thân vào người cựu chiến binh trèo lên ngọn cây kêu lên lời cảnh báo vô vọng “Pooc xi nô ma ni…” rồi ngã xuống chết tốt giữa đám đông ngơ ngác!

Lời cảnh báo 30 năm còn nguyên vẹn. Những dự báo của nhà văn đang thành sự thực nhãn tiền trên đất nước này: “Bái trư giáo” đã biến thành quốc nạn tham nhũng và ăn cướp, thành lối sống trơ trẽn vô sỉ, đẩy lùi văn hóa giáo dục về điểm báo động đỏ. Trong khi lời cảnh báo thiết tha của tác giả vẫn bị nhốt trong ngục tù kiểm duyệt! Đó là một tội ác!

Mãi đến năm 2005, người đọc mới có được một bản Trư cuồng online do anh Châu Diên giới thiệu cho tủ sách Talawas.

clip_image002

Ảnh: Hoàng Hưng – Dương Tường – Xuân Khánh – Châu Diên, Hồ Gươm 2010

Để kết thúc, xin tiết lộ một chuyện lẽ ra đã động trời từ 30 năm trước, liên quan đến Trư cuồng.

Tháng 8 năm 1982, trước khi tôi chia tay các ông anh vào lại Sài Gòn, anh Khánh nói với tôi rất nghiêm chỉnh: “Cậu có cách nào in cái Trư cuồng này ra, bất kể ở đâu, tớ sẵn sàng chịu mọi hậu quả!”. Tôi nhận lời mà thực sự cũng chưa biết cách nào đáp ứng nguyện vọng của anh. Hình thức “samizdat” (tự xuất bản ở Nga thời cuối Cộng) chưa có tiền lệ ở Việt Nam, mà việc gửi ra nước ngoài thì quá nguy hiểm và tôi cũng chưa có đường. Nhưng tôi cứ nhận. Phút chót, bỗng lo bản thảo bị tình cờ phát hiện trên đường đi bởi việc lục soát hàng buôn Bắc – Nam, mà thưở ấy, chẳng thể trông cậy vào đồng lương chết đói, tôi đang kiếm sống chủ yếu bằng những mặt hàng như thế (máy ảnh từ Sài Gòn ra, Hà Nội vào thì phim giấy ảnh, thuốc lá sợi, giấy cuốn thuốc lá, cả mỡ lợn nước…). Tôi bèn nhờ người bạn học “Đảng viên nhưng mà tốt” là anh Lâm Vinh – anh trai Vụ trưởng Lâm Quang Thiệp – mang giùm bản thảo Trư cuồng. Anh sẵn sàng. Hôm anh đến nhà tôi lấy thư giới thiệu với anh Xuân Khánh thì biết tôi vừa bị bắt. Thật là “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Không bị bắt vì Trư cuồng (nghe còn có lý vì nó “phản động” thật), lại bị bắt (một cách hết sức vô duyên) vì Về Kinh Bắc!

Hôm cùng lên lĩnh giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006 (tôi: tập thơ Hành trình, anh Khánh: tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn), đứng bên nhau anh Khánh bật cười phụt ra nửa câu về câu chuyện 30 năm cũ, nhưng rồi nhịn lại.

Thì bây giờ tôi kể rõ, vì bây giờ tôi mới thực hiện được cái việc anh gửi gắm 30 năm trước. Và đây, nó là cuốn thứ 4 trong tủ sách HHEBOOKS của tôi. Đây là bản PDF tôi chuyển từ file của anh Châu Diên gửi, chỉ sửa lỗi chính tả đôi chút, và nhờ làm bìa (sẵn sàng để in khi có cơ hội).

Tháng 8 năm 2012

H.H.

Thiên chi đạo: tổn hữu dư bổ bất túc

(Đạo trời: bớt chỗ thừa bù chỗ thiếu)

Phản giả Đạo chi động

(Quay trở lại (cái Quân Bình), đó là cái Động của Đạo)

Lão Tử

L’homme n’est ni ange ni bête,

et le malheur veut que qui veut faire l’ange fait la bête

(Con người chẳng thiên thần cũng không thú vật,

song khốn thay ai đó muốn làm thiên thần

thì thành ra lại là thú vật)

Pascal

 

 

Phần 1

 

 

Nhật ký lợn

Nhật ký này là của ông Nguyễn Hoàng; ông Nguyễn Hoàng làm nghề viết báo, kiêm nghề nuôi lợn.

Có lẽ, khi làm nghề cầm bút, ông đã phạm một cái “húy” gì đó nên bị thất sủng, phải về nghỉ hưu, tuy chưa đến tuổi. Ông là người tỉ mỉ, lại vì mắc bệnh nghề nghiệp nên thích ghi chép. Ông đã ghi lại khá tường tận, thú vị công việc chăn nuôi của mình.

Xét thấy nhật ký này có điều hay hay, nên cố sưu góp lại để các bạn cùng đọc.

Ngày… Tháng…

Nhà tôi đã có ba chú lợn ỉn khoảng 10 cân mỗi con rồi, hôm nay tôi lại mua thêm một chú lợn rất đặc biệt: Chú Lợn Bò.

Chú lợn này chỉ nhỉnh hơn cái phích lít rưỡi một chút. Lông nó mầu hung vàng, có một chút óng ánh, giống như mầu cỏ tranh vàng khô vào mùa lá rạc ở Tây Bắc. Mắt nó như thơ dại, ngơ ngác như mắt bò, đôi mắt có vẻ đần đần, nhưng đẹp. Người chủ bán hàng giới thiệu với tôi một cách hoang đường: Các nhà khoa học đã làm thí nghiệm thành công, họ đem tinh trùng của bò thụ tinh cho lợn; kết quả thu được một con thú nửa bò nửa lợn.(1)

Nó biết ăn cả cỏ, ăn cả cám. Giống này được các nhà chăn nuôi sành sỏi và tài ba rất mê, bởi vì nó tăng trọng rất nhanh, có thể nói phi thường, và nó có thể đạt tới trọng lượng ba trăm ki lô gam, thậm chí năm trăm… Nghe lời giới thiệu có vẻ siêu khuếch đại tôi liền vỗ tay đánh đốp vào tay ông lái lợn và cười hơ hớ. Cả chủ hàng và khách hàng đều có chút khoái nhau, cái tiếng cười hơ hớ ấy, và cái bắt tay ròn rã ấy, cái kiểu giới thiệu hoang đường ấy cộng hợp với nhau làm cho cuộc mua bán trở nên dễ dàng thoải mái. Tôi hí hửng suốt dọc đường từ chợ tỉnh Phúc Yên về Hà Nội; hí hửng vì vớ được con lợn tốt bằng một giá rất hời.

Thậm chí tôi còn dám tự khen thưởng mình bằng cách sà vào một quán nhậu ở bến đò Chèm để uống một chén rượu với dăm củ lạc.

Khi tôi định thả con Lợn Bò vào chuồng, vợ tôi theo ra xem, cô ta nói rất mê tín:

– Ông không được thả. Người ông gày đét, ăn uống cảnh giả, tay ông không mát. Để tôi thả cho, lợn mới hay ăn chóng lớn.

Tôi lắc đầu sốt ruột, đưa cho bà vợ lắm điều của tôi chiếc bao tải dứa trong đó đựng con Lợn Bò quí giá. Khi chú lợn lông vàng sợ hãi ngơ ngác từ cái bao chui ra, vợ tôi tròn mắt ngạc nhiên:

– Lợn gì mà kì quái! Lông đỏ như con sâu dóm!

Cơn hứng của tôi như bị dội một gáo nước lạnh; tôi cáu kỉnh vặc lại:

– Lợn quí đấy! Bà biết gì chăn nuôi hiện đại mà dẻo miệng chê bai.

– Hiện đại! – Vợ tôi bĩu môi, nhưng biết tính tôi khi đã thích cái gì là lập tức lên cơn như mê như dại, nên cô ta chẳng dám dây với tôi.

Còn tôi, thực sự lúc này tôi đang lên cơn mê lợn. Đời tôi đã khối lúc lên cơn: cơn bộ đội, cơn viết báo, cơn gác đêm, cơn lý tưởng, cơn mê gái, cơn thợ may, cơn đọc sách…

Vậy thì, giờ đây tôi lên “cơn mê lợn” cũng chẳng có gì lạ. Mà chẳng cứ gì tôi, có thể nói, hiện nay cả Hà Nội lên cơn mê lợn. Cao trào nuôi lợn đang dâng; giới nuôi lợn dạo này rất vinh dự, bởi vì không những chỉ có người nghèo nuôi lợn, mà có cả những vị quyền cao chức trọng nuôi lợn. Người ta kể ra: ông bí thư nhà máy gạch N mới bán đôi lợn đại bạch trên hai tạ; ông thứ trưởng bộ X cũng nuôi bốn con lợn F1, lai giống Landrat, to như bốn con bê; ông T thành ủy viên, cứ đi làm về là vội thay ngay quần áo và cởi trần trùng trục, chỉ mặc độc chiếc quần đùi và xông thẳng vào mê say cùng đàn lợn đẹp như tranh của mình; rồi cả ngài chủ tịch K, hễ mỗi lần đánh xe con đi công vụ nông thôn là khi về thể nào trong cốp xe cũng lỉnh kỉnh những bao ngô, bao gạo, bao thức ăn gia súc, và những rọ lợn giống buộc đằng sau xe mốt cô vích thì tấu lên một khúc nhạc eng éc, rền rĩ, rùng rợn, nhưng vui tai đối với người Hà Nội.

Ngày… tháng…

Con Lợn Bò đúng như một con sâu dóm so với đàn lợn cũ của tôi. Nó đứng ở một xó chuồng, sợ sệt, lủi thủi, ngơ ngác, hèn mọn. Trông mà thương! Lũ lợn ỉn, khi tôi đổ thức ăn vào máng, liền xông ra, tranh nhau sốc lấy sốc để. Còn chú Lợn Bò thì đứng im đần độn bọt mép sùi ra thèm thuồng. Khi quá thèm, nó cố vượt qua nỗi sợ, và mon men đến gần máng; lập tức cả đàn ba con lợn ỉn ngừng ăn xông ngay lại, con cắn tai, con húc bụng, con đấm mõm. Chú Lợn Bò run lập cập, vội vã rút lui trở về xó chuồng, cái xó tối tăm nhất, bẩn thỉu nhất, nơi đọng phân rác, nơi hôi thối, một thứ chuồng xí của các chú lợn ỉn; và cũng chỉ đến lúc ấy, lũ lợn ỉn mới buông tha Lợn Bò.

Tôi vốn là tay hiệp sĩ, thấy sự bất bằng chẳng tha; tôi tức giận vì lũ lợn ỉn cậy mạnh hiếp yếu; sẵn cái chổi tre trong tay, toi vụt cho mỗi chú ỉn mấy quất vào mông. Nhưng kết quả chẳng ăn thua gì; lần thứ hai, chú Lợn Bò lại mon men đến gần máng, lần này ba chú lợn ỉn có lẽ vì tức giận bị tôi trừng trị nên đã tấn công Lợn Bò dữ dội hơn. Rút kinh nghiệm đợt trước, chú Bò vội vã rút ngay vào nơi hang ổ tối tăm của mình để thoát hiểm. Hỡi ôi! Nơi tối tăm bao giờ cũng là nơi cư ngụ của những kẻ hèn mọn. Cái qui luật người ấy cũng đúng cả với loài lợn.

Tôi ngẫm nghĩ, định trừng trị lũ lợn ỉn một lần nữa, nhưng đầu óc tôi bỗng dưng lóe sáng: hãy cứ để mặc cho lũ lợn hục hặc với nhau, cuối cùng thể nào đôi bên cũng thích ứng được với nhau. Ha ha! Tuyệt! Chí phải! Hãy để cho triết học tâm lý học thấm nhuần đến tân chuồng lợn. Triết học thích ứng, thực dụng nguồn gốc tận bên Mỹ; tâm lý học ứng xử của ông Watson cũng mang nguồn gốc Mỹ, nay đang được chiêm nghiệm ở cái xó chuồng lợn của một nhà báo thất thế đi vào nghề chăn nuôi ở một hẻm nghèo Hà Nội. Thú vị thật!

Nghĩ vậy, nên tôi buông chổi, quay vào bếp, tìm một lỗ hổng kẽ vách, để quan sát đàn lợn.

Kìa! Lũ lợn ỉn đã no nê phè phỡn, con nào bụng cũng căng tròn như trống. Chúng rời khỏi máng, ủn ỉn, đủng đỉnh đi về ổ, tức là nơi cao ráo sạch sẽ nhất trong chuồng lợn, chỗ đó tôi đặt một chiếc tải và một ôm rơm thơm tho ấm áp. Và chúng ngủ, mắt nửa hé nửa nhắm; chúng vừa ngủ vừa ì ạch thở.

Chú Lợn Bò lấm lét nhìn bọn ỉn, rồi từ từ, ngập ngừng tiến lại máng ăn. Con ỉn lang chợt ho, chú Bò lùi phắt lại, nhưng sau đó, thấy im ắng, lại tiếp tục mon men đến máng, chú khẽ khàng liếm láp chỗ cám thừa, vừa ăn vừa liếc nhìn lấm lét.

Vẫn im lặng! Tốt quá! Chú vội tranh thủ sốc lấy sốc để. Tộp! Tộp! Tộp! Con ỉn lang choàng mở mắt khi nghe tiếng chú Bò gia tốc ăn hối hả. Nó định đứng dậy, nhưng có lẽ no quá hóa lười, nên nó lại thả người nhắm mắt. Tộp! Tộp! Tộp! Chú Lợn Bò lúc này chẳng cần giữ ý tứ nữa, nó ăn xả láng, nó “vét đĩa” xả láng, nó háu ăn đến mức một cọng rau trong máng cũng chẳng còn. tôi nghĩ: có lẽ nên đặt cho con lợn mới cái tên “Bò – Vét – Đĩa”.

Ngày… tháng…

Tôi ra thư viện đọc sách về lợn. tôi đi sưu tầm, mua, mượn hàng chồng sách về nhà để đọc. Có thể kể tên các cuốn sách: Giải quyết thức ăn cho lợn; Đạm và sự tăng trưởng của lợn; Những biện pháp trong chăn nuôi gia súc; Hỏi và đáp về nuôi lợn lai kinh tế; Những nguyên tố vi lượng trong chăn nuôi; Chuyên đề lợn ỉ; Chuyên đề lợn Móng Cái v.v …

Có thể nói không gian, thời gian của tôi đang bão hòa chất lợn. Tôi sai con đi mua nứa về làm chuồng bèo; tôi phá hoang mấy đám đất đầu trâu mõm bò ở tận cuối hẻm để gơ dây khoai lang; tôi đi xin cô em tận nhà máy gỗ cầu Đuống một số tấm gỗ bìa bắp, và hai cha con tôi vất vả hì hục thồ cả ngày mới đem được hết gỗ bìa về nhà, để chuẩn bị làm một cái chuồng lợn thật đúng qui cách. Tôi phân công cả nhà vào chiến dịch nuôi lợn của tôi. tôi đảm nhiệm việc chăm sóc, cho lợn ăn, quét dọn chuồng lợn hàng ngày. Thằng con lớn là sinh viên đại học, thi thoảng phụ giúp tôi. Thằng con thứ hai đảm nhiệm bèo bã rau xanh. Thằng con thứ ba hàng ngày đi nhặt nước gạo. Thằng con thứ tư và bà mẹ hàng ngày thái bèo. Còn vợ tôi, đi làm suốt ngày nên được miễn việc sưu dịch cho lợn. Tôi nói đùa với cả nhà:

– Chúng ta là những anh hùng nuôi lợn.

Nghe oai chưa!

Ngày… tháng…

Giá cả hàng hóa của Hà Nội leo thang vùn vụt. Tôi ghi chép lại đây những con số đày ý nghĩa với cuộc sống gia đình tôi:

Su hào, một đồng một củ – Khoai lang, 22 đồng một yến – Mỳ 85 đồng một yến – Rau muống lợn 1 đồng 5 hào một mớ – Bèo Nhật bản 4 hào một mớ – Bèo tấm 5 hào 5 nắm tay – Cá giếc 12 đồng một cân – Bơm xe 2 hào một bánh – Trà chén 2 hào một chén…

Ôi chao! Toàn tiền là tiền. Tiền tiêu như rác. Một nắm bèo cũng có giá. Trong khi đó, lương tôi được hơn 60 đồng, lương vợ tôi 70 đồng. tôi mê sảng đi vì lo tiền. Trong nửa năm, hai vợ chồng tôi đã bán dần bán mòn các vật dụng: cái quạt máy, chiếc xe đạp Phượng Hoàng, cái quần lụa, hai mét si mi li, cái phiếu vải của con, ba chục trứng gà…

Chỉ những con số ấy cũng đủ biện hộ cho công việc nuôi lợn, mê say lợn của tôi. Có thể nói “cơn lợn” của tôi là tất yếu, nó là con đường cứu sống gia đình tôi.

Ngày… tháng…

Tôi còn có thể nói: lợn đã mở rộng thêm quan hệ con người. Nhờ nuôi lợn, đời tôi đã thêm những người bạn mới.

Hôm nay, buổi sáng, khi cho lợn ăn xong, tôi thay quần áo, đủng đỉnh sang nhà Lân uống nước.

Nhà Lân là một túp lều, một thứ nhà ổ chuột bên dòng cống đen sì của Hà Nội, mà người ta đã đặt cho một cái tên mĩ miều: sông Kim Ngưu (Trâu vàng), còn tôi, tôi gọi nó là dòng suối đen. Lân là một thương binh, anh sinh viên trường đại học tổng hợp đó đã xung phong vào bộ đội vào những năm đầu của thập kỷ 60. Lân đã nằm trong chiến trường miền Nam suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, năm 1975 anh mới chuyển ngành về một cơ quan. Cuộc sống cơ quan quá bon chen, bê bối làm anh chán ngán, xin về nghỉ ở nhà nuôi lợn. Có lúc, anh đã chua chát nói:

– Sống với lũ lợn còn thấy vui hơn.

Những ngày gian khổ còn lưu lại cho anh một kỉ niệm quá ư vật chất, một cơ thể ốm yếu gày gò, và một bộ óc lúc nào cũng như lửa đốt. Con người anh, lúc cởi trần, giống như một bộ xương được bọc một lần da mỏng, bộ xương quá mảnh dẻ để chống đỡ một cái đầu to quá kích cỡ, ở đó ta bị hút ngay vào một đôi mắt rất sinh động. Đôi mắt hơi to, hơi sếch; có lúc cảm giác như thứ mắt bị ma ám. Khi anh cất giọng nói một điều gì sôi nổi, lúc ấy đôi mắt như mở rộng thêm và bị nhiễm điện, một dòng điện nhấp nháy khi tăng khi giảm làm cho ánh mắt lúc rực rỡ lúc dịu dàng; thứ mắt mang nhiều sắc độ ấy là thứ mắt không dấu diếm, thứ mắt trực cảm của những con người đã quá ê hề cuộc sống, thấy không cần phải mặc một chiếc áo khoác ngụy trang nào dù sặc sỡ, dù nhiệm mâu đến đâu …

Căn lều của anh sặc sụa mùi lợn, mùi lợn toát ra từ một đàn lợn cả to cả nhỏ gần chục con; mùi lợn còn toát ra từ những bộ lòng lợn mà sáng nào, chiều nào anh cũng kiên nhẫn vớt từ dòng cống đen sì lên. Anh nói:

– Cái dân Việt Nam mình thật kì dị. Nghèo khổ nhất mà cũng lãng phí nhất. Từ Lò Lợn, mỗi ngày người ta đổ xuống cống hàng tạ lòng lợn. Lòng lợn nối đuôi nhau lều bều diễu hành bơi trên dòng nước đen sì trông vừa thảm thương vừa man rợ …

Một người đàn bà nghèo khổ ở cuối hẻm đã lén lút vớt những cỗ lòng về, rửa sạch đi bằng xà phòng, rồi đem luộc lên, mang ra quán bia bán cho những con ma men cùng với những bát mắm tôm tím biếc, những quả ớt đỏ chót và những cọng húng nhổi thơm lừng…

Lân đã thở dài khi kể với tôi chuyện đó với một ánh mắt run run hấp hối. Và từ phát hiện ấy, anh đã nghĩ ra một cách nuôi lợn độc đáo: nuôi lợn bằng những cỗ lòng phế thải lều bều trên sông. Từ hôm ấy, Lân dựng thêm một túp lều nhỏ sát ngay dòng cống; đó là nơi sản xuất thức ăn gia súc của anh; ta bắt gặp ở đây một bếp lò than và những thùng phuy, những vại, những hố đào xuống lòng đất và lát bằng những mảnh nilông rách.

Qua Lân, tôi mới hiểu dòng cống cũng có qui luật nước chảy của nó, nước cống cũng dâng lên hạ xuống theo giờ trong ngày, cũng như nước thủy triều dâng lên hạ xuống theo qui luật sức hút. Hàng ngày, nước cống cao nhất vào lúc 10 giờ sáng và 4 gìơ chiều, đó là giờ các bà nội trợ rửa rau vo gạo, và người Hà Nội giặt giũ làm vệ sinh thân thể; cũng vào giờ đó những cỗ lòng từ Lò Lợn ra bị mắc kẹt vì nước cạn nay được giải phóng; những cỗ lòng phả phê nước tung tăng bơi lội như những con rắn trắng lặn ngụp, ve vẩy trong dòng nước đen sì. Đúng vào giờ ấy, Lân hăm hở như một chiến sĩ phục kích chờ giặc, anh cởi trần, mặc quần đùi, lội đứng ở chỗ nông gần bờ, tay cầm một chiếc vợt đan bằng dây sắt, cán bằng cây nứa dài, và anh cắm cúi kiên nhẫn vớt…

Công việc vớt lòng của anh vất vả nhất vào dịp những ngày lễ lớn, hội lớn như mồng một tháng năm, mồng hai tháng chín và tết nguyên đán; vào những ngày ấy người Hà Nội ăn thịt nhiều và Lò Lợn cũng lãng phí nhiều. Những ngày nhiều phế thải ấy, Lân hậm hụi làm việc như một người tù khổ sai bẩn thỉu, hôi thối, quần quật từ sáng cho đến tận đêm. Đầu tiên, anh tháo phân, rửa sạch lòng ngay trong dòng nước đen, sau đó để vào những rổ sồng cho dóc nước. Những thứ dễ hủy như gan, phổi anh đưa lên bếp đun ngay, còn những thứ lâu bị hủy như lòng già lòng non anh đem muối, muối nghĩa là đem trộn nó với bã rượu rồi đem đổ đầy những thùng phuy, những vại, những hố có lót ni lông. Khi một ngọn khói đen bốc lên từ túp lều, tức là xong việc. Lân xin những chiếc lốp xe đạp hỏng về đun; cái thứ cao su hỏng ấy khi cháy tạo ra một ngọn khói đen nhánh, đặc quánh, chỉ cần một thoảng gió khẽ tạt làm nghiêng ngọn lửa là một con rắn khói đen đã quấn ngay vào mặt vào ngực tạo nên những vết đen khó kỳ cọ trên da. Những lúc chui ở bếp chế biến ra, Lân trông thật thảm hại anh như một con quỉ bẩn thỉu, với làn da đen xỉn nhễ nhại mồ hôi; nhưng trái lại, sao lúc ấy đôi mắt anh người đến thế nồng ấm đến thế, đôi con mắt với tia nhìn long lanh, đôi con mắt thỏa mãn, sung sướng. Những khi ấy, nếu tôi sang, anh vội vàng cầm búi giẻ rách khéo léo lau mặt, lau tay, lau ngực và anh rủ tôi ra chuồng lợn, ngắm lũ ỉn; những lúc ấy, chúng tôi thường im lặng, đốt thuốc lên hút; và khi những điếu thuốc phì phèo trên môi đã cháy quá nửa, anh mới ngẩng đầu lên nhìn tôi rồi cười.Trên khuôn mặt vàng sạm của anh, một nụ cười hiếm hoi phô bầy hai hàm răng trắng đều và đẹp. Nụ cười khắc kỉ ấy nhìeu khi làm tôi bối rối.

Lân suốt ngày ở trong lò chế biến thức ăn, hoặc ở bên chuồng lợn, ít khi thấy anh ló mặt ra đường, đến nỗi có lúc tôi phải bỡn:

– Anh say mê lợn quá. Phải tặng cho anh danh hiệu “Nghệ sĩ lợn” mới đúng.

Lân hóm hỉnh:

– Có lúc vợ tôi phát ghen lên đấy. Một đêm, bà ấy bảo: “Ông nên kê giường ra ngủ với lợn có lẽ hơn”. Thật oan cho tôi. Bởi vì tôi mê bà ấy quá nhiều nên mới phải lăn lưng ra nuôi lợn chứ. Từ khi tôi ở chiến trường về, năm năm ở với bà ấy thì đẻ luôn một mạch năm cô con gái…

Hôm nay, trông thấy tôi, Lân đã reo to mừng rỡ:

– Cứ mong mãi. Có trà ngon đãi ông đấy. Trà Thái, loại cực kỳ.

Lân nhóm bếp dầu đun nước, anh hâm ấm chén cho nóng khi chờ nước sôi. Anh xoa tay, vui thú:

– Tôi đã bán được con lợn “Tên lửa” rồi. Con này tăng trọng vượt mức. Mỗi tháng tăng 25 cân.

Tôi mỉm cười. Mỗi con lợn của Lân đều mang một cái tên rất chiến tranh: con “Tên lửa” là con tăng trọng nhanh, con “Lính thủy đánh bộ” là con ưa ăn loãng, con “Thần sấm” là con rú gào suốt ngày đòi ăn, con “Xung kích” là con phàm ăn … tôi trìu mến nhìn người bạn hiền lành cả đời làm lính ấy. Ngoài một mảnh đạn còn nằm trong phổi làm anh hay ho túc tắc, cuộc đời chiến trận còn theo anh kéo dài dấu vết vào đàn lợn. tôi vẫn nói đùa Lân:

– Đàn lợn của cậu sặc mùi thuốc súng.

Hôm Lân sang xem tướng cho con lợn Bò, con lợn sâu dóm của tôi, anh bảo:

– Con lợn này rồi sẽ có một tương lai rất huy hoàng. Sau vài tháng nữa, anh thử chiêm nghiệm lời nói của tôi xem sao. Bây giờ nó còn nhỏ bé, nhưng nó sẽ có một tiền đồ rất vẻ vang – Lân cười – Đáng lẽ ra, anh phải đặt tên cho nó là “Xe tăng cọp” mới đúng. Cái tên “Bò vét đĩa” của anh nghe sặc mùi dân sự …

Lân chế nước sôi vào ấm trà. Anh rót thứ nước thơm phức, vàng quánh ấy vào chén cho tôi, rồi mời mọc ân cần:

– Uống đi. Uống mừng thắng lợi của tôi. Con “Tên lửa” chỉ trong ba tháng đã tăng từ 25 đến 100 cân. Chưa lứa nào tôi nuôi được con lợn tăng trọng nhanh như thế. Tính ra sau ba tháng, trừ chi phí còn lãi hơn hai nghìn bạc. Có khoái không anh? tôi đã sắm cho các cháu mỗi đứa một bộ quần áo.

Lợn còn dẫn tôi đén với người bạn thứ hai độc đáo không kém gì Lân. Đó là Tám Bách Khoa. Tám là một giáo viên cấp ba, dạy sinh vật. Anh này nuôi lợn ít thôi, nhưng lại say mê nghiên cứu về lợn. Tám nói với tôi:

– Ở nước ta, hiện nay, ai nuôi lợn là người đáng quí trọng, bởi vì nuôi lợn là một công việc kiếm sống lương thiện nhất. (Ngay cả những ông lớn, dù lợi dụng đặc quyền mua rẻ con giống và thức ăn, thì việc nuôi lợn của họ cũng đáng khuyến khích hơn chuyện ăn cắp trắng trợn hoặc tham nhũng). Anh biết không, ngày xưa, nghề dạy học của tôi vẫn được suy tôn là nghề cao quí nhất, lương thiện nhất, nhưng thực ra ngày nay những điều đó thay đổi rồi. Có lẽ ta phải cần rộng lượng, bởi vì quan niệm của con người về nghề dạy học đã bị thực tế làm biến đổi, bởi vì tri thức đang dần dần biến thành hàng hóa. Người có tri thức cũng giống bà bán thịt, cô bán gạo, chị bán bách hóa. Một bài toán, một ý tưởng cũng giống như một miếng thịt bò, một cân gạo, một chiếc áo. Thịt tăng giá ư? Gạo tăng giá ư? Vải tăng giá ư? Vậy thì một bài toán đại số của tôi, một bài văn làm mẫu của tôi, một đề luyện thi tủ của tôi cũng phải tăng giá, nếu không, các thầy cô sống bằng gì? Đấy bây giờ người ta lập luận về nghề thầy giáo như vậy đó.

Tôi thầm nghĩ về Tám: “Anh chàng này hơi gàn, nhưng đáng yêu”. Lân bảo, hồi còn là học sinh Tám rất ít nói, và vẫn bị anh em cho là gàn. Hồi ở chiến trường B, Tám đã bị bom B52 của Mỹ chôn sống, lúc được anh em moi lên, Tám chết luôn cho một ngày một đêm. Vì bận đánh giặc, người ta chưa kịp chôn anh, khi Tám sống lại bò ra giao thông hào tiếp đạn, anh em sợ hãi hét lên tưởng Tám là quỉ nhập tràng. Từ đó Tám ít nói hơn trước, và nhiều khi kì dị hơn trước. Có người bảo Tám tâm thần, song những hành vi của Tám trong những phút gay cấn nhất ngoài chiến trận lại tỏ ra vô cùng sáng suốt. Và một điều kì lạ nữa đã xảy ra khi Tám từ chiến trường trở về trường đại học, luận án “Những cây cỏ có tính kháng sinh ở vùng Trường Sơn” của anh đã được công nhận loại ưu. Và hiện nay, đề tài nghiên cứu khoa học của Tám là cuốn “Bách Khoa Toàn Thư về Lợn”. Lân nói với tôi rằng Tám đang định dùng một cách tiếp cận rất mới mẻ đối với đề tài lợn, đó là một cách tiếp cận vừa khoa học vừa văn học. Nói theo ngôn ngữ của Tám thì đó là cách tiếp cận nằm trên giao tuyến của hai phương pháp khoa học và văn học. Có ý kiến cho rằng ý nghĩ của Tám là độc đáo, tài năng; nhưng cũng có ý kiến cho rằng Tám là một thằng điên.

Ngày… tháng…

Tôi hỏi Tám:

– Tại sao anh lại dùng cách tiếp cận Khoa học – Văn học?

– Tôi thích những đường nét rõ ràng rứt khoát, nhưng tôi hiểu trong tôi còn có những vết nhòe mờ. Tôi thích một giai điệu đẹp, uyển chuyển, rực rỡ như một vườn hoa mùa xuân, nhưng thú thật có lúc nghe một tiếng u ơ trẻ nhỏ lòng tôi chợt run rẩy sung sướng. Một âm thanh chưa thành âm thanh ấy có khi còn đẹp hơn cả một giai điệu đẹp.

– Tôi chưa hiểu …

– Cần dè dặt với cái kì bí – Tôi biết mãi mãi trong óc tôi vẫn có những miền bóng mờ và cả một vương quốc tối lòa mà tôi như người mù bước đi dò dẫm.

– Sao ý anh bồng bềnh khó nắm? Cách tiếp cận mới… Định nghĩa của nó…

– Đó là bước đi dè dặt, bước đi của người.

– Có lẽ tôi đã loé hiểu một chút gì.

– Những con số, đó là ân nhân của chúng ta hôm nay; nhưng còn ngày mai? Có khi nào một ân nhân lại biến thành kẻ chôn vùi chúng ta không? Có khi nào miếng cơm ta ăn lại trở thành thuốc độc tàn hại đời ta? Có khi nào người yêu ta mê đắm lại trở thành kẻ thù và đôi tay ngọc ngà lại như chiếc thòng lọng siết quoanh cổ ta mỗi ngày một chặt? Có khi nào nọc độc rắn lại trở thành tiên dược?

Ôi! Định nghĩa! Một định nghĩa làm đầu óc tôi phải sưng tấy lên để tìm ra những đường nét lẩn trốn của nó. Phải chăng cách định nghĩa của người điên?

(Còn tiếp)

N.X.K.


(1) Thực ra giống lợn lông màu hung đỏ này là giống Durox.

Comments are closed.