Làm mẫu cải cách giáo dục [*]

Thưa quý vị,

Được báo cáo trước Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội về công việc của mình sau 5 năm ra đời và hoạt động quả thật là một vinh dự đối với trách nhiệm của nhóm biên soạn sách giáo khoa chúng tôi.

Nhóm Cánh Buồm chào đời vào nửa cuối năm 2009 với năm thành viên đầu tiên, được Nhà xuất bản Tri thức đỡ đầu trong cuộc hội thảo ra mắt mang tên Hiểu trẻ em – Dạy trẻ em tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội.

Cánh Buồm mơ ước ấy có một mục tiêu là soạn lại bộ sách giáo khoa bậc tiểu học.

 Canh Buom

Ảnh: Các đại diện Cánh Buồm với lãnh đạo UBVHGDTTN của Quốc hội

 1. Nhiệm vụ tự giao

Sao lại tự giao nhiệm vụ soạn sách giáo khoa tiểu học?

Nhóm Cánh Buồm ra đời vì một ý thức được nung ủ. Cái năng lượng nạp cho Cánh Buồm, ngoài lý tưởng và năng lực tạo đổi thay cho sự sống Giáo dục, họ còn được nạp từ năng lượng tiêu cực hoàn toàn dễ cảm nhận thu gom từ sự thất vọng của xã hội trước một công cuộc Giáo dục “phát triển chẳng giống ai”.

Cả xã hội đều nhìn thấy những dị dạng của nền Giáo dục Việt Nam đương thời.

Phản ứng thì đủ kiểu.

Trước hết, có một bộ phận người dân tự tổ chức một nền Giáo dục đào tẩu – tìm mọi cách cho con em ra học nước ngoài, thậm chí “du học” từ bậc phổ thông, nếu không du học ở nước ngoài, chí ít cũng du học tại chỗ ở những trường lớp VIP. Nhóm Cánh Buồm không chủ trương như thế, chúng tôi khuyến khích sự chia ngọt sẻ bùi với dân tộc, nhất hạng trong Giáo dục càng phải nhìn xa hơn đôi ba quyền lợi vị kỷ.

Thứ hai, có những “nhà cải cách” kinh doanh một nền Giáo dục tiếng tăm. Những trường tư mở ra, mỗi trường một khẩu hiệu, chỉ thiếu một khẩu hiệu chung cho cả sự nghiệp trồng người, là điều những nhà lãnh đạo Giáo dục đang còn khất. Có cả cỡ thứ trưởng GD về hưu cũng mở trường tư kiểu “treo khẩu hiệu” như thế. Tuy kiếm tiền trên đầu con em, nhưng lại mang danh “khoa học”: một thí dụ dễ thấy nhất là việc họ bắt trẻ nhỏ “đo IQ” và thi tuyển vào lớp Một. Nhiều gia đình phải tổ chức cho con em “luyện thi” từ khi năm tuổi. Đầu vào càng khó, uy và danh càng cao. Nhóm Cánh Buồm kiên quyết không chủ trương con đường đánh tráo đó.

Và thứ ba là, có một bộ phận trí thức đáng kính kiên trì phản biện và xoay xở đủ cách, từ tác động vào Nghị quyết ở cấp cao nhất, đến tác động vào những ngôi trường ở cơ sở, hòng xoay chuyển tư duy Giáo dục và tác động tới thực tiễn Giáo dục nước nhà – xây dựng một nền Giáo dục trong mơ. Nhóm Cánh Buồm chủ trương không “phản biện”, và càng không than vãn. Nhóm Cánh Buồm chủ trương cái gì làm được thì làm luôn. Sức yếu thì dồn sức vào “huyệt” – làm một cái MẪU – cái “mẫu” không phải như một tấm gương để “noi theo”, mà cái mẫu như một sự vật cụ thể vừa mang tính gợi ý và cũng vừa mang tính kích thích.

Tính gợi ý, đó là làm thực sự điều gì cần phải làm mà giới lãnh đạo Giáo dục chưa biết hoặc có thể đã biết mà chưa tổ chức làm được. Một việc quan trọng nhất nhóm Cánh Buồm phải làm ngay là soạn lại sách giáo khoa tiểu học các môn Khoa học xã hội và Nhân văn.

Tính kích thích, đó là làm thực sự và hết sức mình để đưa ra những đóng góp có thực, nhưng không coi đó là giá trị bậc nhất, mà luôn luôn hy vọng chính mình được đồng nghiệp vượt qua.

2. Hiện đại hóa Giáo dục

Làm thì phải có định hướng. Định hướng chấn hưng nền Giáo dục nước nhà của Cánh Buồm là hiện đại hóa Giáo dục.

Hiện đại hóa là gì? Đó không phải là bắt chước theo nước ngoài, dù là nước tiên tiến – phải xác định như vậy, vì có những ý kiến muốn dịch và dùng nội dung, chương trình của nước ngoài để cải cách nền giáo dục nước ta. Văn hóa phải có hồn cốt dân tộc, để không cho ra lò những sản phẩm lai căng.

Hiện đại hóa phải bắt đầu với trẻ em lớp Một và bắt đầu với việc tổ chức cho các em biết TỰ HỌC – năng lực tự học như một món quà duy nhất nhà giáo dục hai tay dâng tặng trẻ em để các em mang hành trang đó đi suốt cuộc đời.

Một nền giáo dục mang phẩm chất tự học cần phải và có thể tổ chức được ngay ở đây và ngay tự bây giờ và hoàn toàn không tốn tiền: cơ chế tự học nằm trong năng lực tâm trí của người học, là thứ con người hoàn toàn không mất tiền mua.

Những hình thức kích thích tính tự học của học sinh cần được tiến hành từ rất sớm. Theo sách Cánh Buồm, ngay từ lớp Ba, đã có thể cho học sinh tổ chức xemina về những đề tài hấp dẫn các em. Tới lớp Bốn, các em đã học viết đoạn văn và bài văn, trẻ em càng tham gia hình thức xemina ở trình độ cao hơn nhưng lại dễ dàng hơn.

Tinh thần tự học lại phải gắn liền với tinh thần đánh giá, trong đó tự đánh giá là vô cùng quan trọng. Đánh giá không phải là tự nhận xét, tự phê bình cuối học kỳ hoặc cuối năm học như trong nhà trường thời phổ thông 9 năm đầu những năm 1950. Việc tự nhận xét trong nền giáo dục hiện đại được “cài đặt” trong từng thao tác học tập, diễn ra trong từng tiết học, và – đây là điều quan trọng – diễn ra một cách tự nhiên, không cần “nhắc nhở”, không căng thẳng. Nó sẽ gắn với việc bỏ cho điểm, bỏ thi, những điều rồi sẽ phải diễn ra, không chỉ tiết kiệm tiền bạc và thời gian, mà còn để nâng cao Tự do và Nhân phẩm người học. Việc đó sẽ xảy ra không do hô hào, mà do tổ chức lại CÁCH HỌC.

Cách đặt vấn đề như thế dẫn tới việc xác định lại chương trình và sách giáo khoa là hoạt động cốt lõi của một sự nghiệp Giáo dục. Phải làm được sách giáo khoa không chỉ mang tinh thần tự học mà chứa đựng những kỹ thuật tự học.

3. Chương trình và Sách giáo khoa

Để cho một nền Giáo dục vận hành, cần nhiều yếu tố. Nhưng nhà sư phạm không nhất thiết phải đụng tay vào tất cả các yếu tố.

Cái “huyệt” nhà sư phạm phải bấm vào là tổ chức việc HỌC của con em thông qua tổ chức việc DẠY HỌC đúng định hướng một nền Giáo dục HIỆN ĐẠI HÓA.

Dĩ nhiên, điều đó không ngăn cản nhóm Cánh Buồm ước mơ về một ngôi trường Ba Không: không hộ khẩu, không học phí, và không bắt nạt (bằng thi cử, bằng xếp hạng, bằng lấy điểm số ra dọa nạt và mua chuộc…). Song, tổ chức cái “Không” thứ ba thuộc trách nhiệm của mình với tư cách nhà sư phạm mà giải pháp kỹ thuật nằm trong việc tổ chức một nền Giáo dục ở đó trẻ em TỰ HỌC – TỰ GIÁO DỤC và dĩ nhiên, trong đó thay cho kiểm tra cho điểm sẽ có yếu tố TỰ ĐÁNH GIÁ.

Để tạo ra năng lực tự học cho con trẻ, cần xác định nhiệm vụ bậc học là cái “huyệt” ngành GD chưa bấm. Chúng tôi xác định Tiểu học là bậc học phương pháp. Tư tưởng đó được nhắc đi nhắc lại, nhất là qua hội thảo năm 2011 mang tên Tự học – Tự giáo dục hội thảo năm 2012 mang tên Em biết cách học.

Khi đã chiếm lĩnh phương pháp gốc từ bậc tiểu học, bậc Trung học cơ sở sẽ có nhiệm vụ là tự trang bị kiến thức – sao cho hết 9 năm học, trẻ em đã có thể có đủ CƠ SỞ như tên gọi của bậc học để các em vào đời theo ba chọn lựa: (a) đi kiếm sống, (b) đi học nghề, (c) học lên Trung học. Như vậy, có thể thấy là cuộc Cải cách Giáo dục cho toàn dân sẽ phải đặt trọng tâm vào bậc Phổ thong Cơ sở với hai phân khúc: (a) 5 năm đầu: chiếm lĩnh phương pháp học; (b) 4 năm sau, tự trang bị đủ kiến thức cơ sở.

Suy ra từ logich đó, nhiệm vụ bậc học của bậc Trung học sẽ là bậc tập nghiên cứu để sau đó, bậc Đại học là bậc tập độc lập nghiên cứu, dẫn tới bậc sau đại học là bậc hoàn toàn độc lập nghiên cứu. Quan niệm như thế, nên nhóm Cánh Buồm đã từng nói: Đại học nghiên cứu bắt đầu từ lớp Một!

Trong cả chuỗi học đó, yếu tố tự học hiện diện khắp nơi. Làm gì để trẻ em ngay từ lớp Một đã tự học? Bí quyết sư phạm nằm ở chỗ tìm ra những thao tác làm việc của những người tiêu biểu trong các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, và hoạt động xã hội để tổ chức cho trẻ em làm lại những thao tác chắt lọc mà những người đi trước ưu tú đã từng làm.

Xin lấy mấy thí dụ để minh họa:

(a)   Thay cho lối học ê a đánh vần và đọc ngắc ngứ, trẻ em lớp Một sẽ chủ động học những thao tác nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt từng được tiến hành bởi các nhà ngôn ngữ học kể từ thế hệ Alexandre de Rhodes – ba thao tác đó là phát âm – phân tích âm – tự ghi (và tự đọc).

(b)  Thay cho lối nghe bình giảng văn chương, và sao chép những bài văn mẫu, trẻ em ngay từ lớp Một đã học những thao tác nghệ thuật tưởng tượng – liên tưởng – sắp xếp (bố cục) để chính các em tự làm ra cái Đẹp nghệ thuật vừa tầm cỡ các em.

(c)   Cũng trong cuộc tự học đó, trẻ em sẽ không nghe giảng và nhắc lại những răn dạy về đạo đức – các em sẽ được tổ chức một lối sống theo tinh thần đồng thuận như lối sống của những nhà đạo đức, những nhà hoạt động xã hội tiêu biểu.

Hoạt động học thực ra chỉ quay xung quanh trục gồm ba đỉnh ấy, và tư duy của người học cũng sinh ra từ đó: tư duy khoa học, tư duy nghệ thuật, tư duy đạo lý và không cần dạy thêm, học thêm một “tư duy” nào khác nữa cũng đủ để thành những con người tự do – trách nhiệm – tâm hồn phong phú như ước vọng của cả dân tộc chúng ta.

4. Khác gì với quá khứ?

Nhắc lại vài điều trong “lịch sử” có khi cũng cần thiết.

Ngay từ khi ra đời, bộ sách giáo khoa Cải cách hiện hành có tên Chương trình năm 2000 (CT-2000) đã gặp rắc rồi. Các tác giả cãi nhau đó là “thay sách” hay “sửa chương trình” hay “cải cách”. May mà nó được trụ đỡ bởi bộ Luật Giáo dục thông qua nhanh gọn nên chương trình và sách đó có quyền từ năm học 2004 được “tràn ngập lãnh thổ”. Ấy thế nhưng tiếng kẻng báo động đầu tiên đã được phát đi bốn năm sau, vào năm 2008 bởi báo Tuổi trẻ, và một từ ngữ mới cũng ra đời “tràn ngập lãnh thổ” và lặp đi lặp lại: quá tải.

Có vị bộ trưởng cho cân cặp sách của học sinh, để chứng minh rằng trẻ em gò lung đeo cặp đi học không vì quá tải bởi sách của CT-2000. Sau đó, liên tiếp từ 2008 đến mãi năm học 2013-2014, năm nào cũng nói đến giảm tải – riêng ông bộ trưởng đương nhiệm còn dùng thuật ngữ giảm tải sâu. Các nhà sư phạm danh giá thì tự phê phán rằng sách CT-2000 nặng tính hàn lâm. Lẽ ra, nếu các vị thành thực nhận thấy sách giáo khoa CT-2000 nhồi nhét những kiến thức không có tính hệ thống khiến cho giáo viên không biết đường nào mà lần, và kết quả quá tải là một từ ngữ quá lịch sự, đến nỗi phải giảm tải (là một từ ngữ quá mơ hồ).

Nhóm Cánh Buồm tự giao nhiệm vụ giải quyết vụ “giảm tải” đó theo cách của mình: bỏ cái cũ, làm một cái mẫu tổ chức việc học từ bậc tiểu học những môn học khó nhất, đó là: Tiếng Việt, Văn, Lối sống, và năm nay chúng tôi sẽ cho ra mắt sách Lịch sử bậc Tiểu học.

Nghĩ rằng Ủy ban Văn hóa – Giáo dục … không chỉ quan tâm đến ý tưởng, đường lối, mà còn muốn biết sâu vào quan điểm sư phạm cùng nội dung từng bộ môn, nên chúng tôi xin báo cáo rõ như sau.

(a) Môn Tiếng Việt

Nhiệm vụ môn Tiếng Việt là tạo ra ở học sinh một phương pháp ngôn ngữ học để các em nghiên cứu vật liệu tiếng mẹ đẻ, để có năng lực dùng ngôn ngữ chính xác, phong phú trong việc học cũng như trong đời sống hàng ngày.

Lớp Một – Ngữ âm học: nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt để tự biết cách ghi, do đó mà tự biết cách đọc, và đến cuối lớp Một thì có năng lực đọc thầm – năng lực của con người có văn hóa đọc.

Lớp Hai – Từ vựng học: nghiên cứu sự phát sinh và phát triển của Từ tiếng Việt từ khi dùng tín hiệu để “nói” cho đến khi xuất hiện từ thuần Việt, tiến lên những dạng phát triển của từ thuần Việt (từ ghép, từ láy) và sự mở rộng sang từ Hán Việt và từ mượn.

Lớp Ba – Cú pháp học: nghiên cứu câu tiếng Việt trên hai phương diện: “vỏ ngoài” cấu trúc Chủ-Vị của câu, và cấu trúc logich bên trong của câu, nhờ đó mà biết tạo ra những câu không thể sai cú pháp đồng thời có cách diễn đạt minh bạch, uyển chuyển, văn minh.

Lớp Bốn – Văn bản học: nghiên cứu và tạo ra bài văn tiếng Việt. Những tích lũy từ ngữ (lớp Hai và Ba) và những tập luyện về logich (lớp Ba) sẽ được dùng vào việc viết văn bản. Việc học viết bài văn chia làm hai giai đoạn: (a) viết đoạn văn như một bài văn thu nhỏ để tập tìm ý và xử lý ý; và (b) chuyển đoạn văn thành bài văn.

Lớp Năm – Hoạt động ngôn ngữ: ứng dụng tổng hợp năng lực ngôn ngữ học vào các dạng hoạt động ngôn ngữ trong đời sống, bao gồm ngôn ngữ khoa học, ngôn ngữ hành chính, ngôn ngữ xã giao trong đời sống, hàng ngày.

(b) Môn Văn

Môn Văn Cánh Buồm có nhiệm vụ lấy văn chương làm vật liệu mẫu để tạo ra ở học sinh một cơ sở năng lực nghệ thuật, thay cho cái “năng lực văn” nhại lại những cảm thụ của người khác.

Năng lực nghệ thuật của học sinh (cũng như mọi năng lực khác) đều phải do học sinh làm ra, chứ không qua nghe-nhìn dửng dưng.

Lớp Một – đồng cảm: học sinh làm lại những hoàn cảnh đem đến cho nhà văn (hoặc người nghệ sĩ nói chung) một lòng đồng cảm với thân phận con người – nhờ đó mà nhà văn và người nghệ sĩ có được cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Cách tạo lòng đồng cảm cho trẻ em diễn ra bằng những trò chơi đóng vai.

Lớp Hai – Tưởng tượng: cũng giống nhà văn, sau khi có cảm hứng liền “lao vào sáng tác”, khi đó dù muốn dù không, dù có ý thức hay vô thức, người sáng tạo đều cần đến những thao tác bắt buộc. Thao tác đầu tiên và quan trọng nhất, đó là tưởng tượng. Học sinh lớp Hai tập làm lại thao tác đó theo định nghĩa hành dụng (định nghĩa bằng việc làm) Tưởng tượng là làm việc thầm trong đầu.

Lớp Ba – Liên tưởng: những sản phẩm tưởng tượng ban đầu còn chưa đủ ý, chưa diễn đạt hết ý tưởng của nhà văn hoặc người nghệ sĩ. Sự gọt giũa nhào nặn sẽ khiến cho hình tượng mang một ý nghĩa khác với hình tượng “thô” ban đầu. Việc làm đó của người đi trước sẽ được học sinh lớp Ba tập luyện khi học thao tác liên tưởng.

Lớp Bốn – sắp xếp (bố cục): Một hình tượng còn phải nằm trong một toàn cảnh liên quan đến các nhân vật và những tình tiết khác – chưa kể là với những vật liệu khác nhau đòi hỏi cách sắp xếp khác nhau tạo nên những thể loại khác nhau – công việc này được học sinh lớp Bốn làm lại trong thao tác sắp xếp (hoặc bố cục).

Lớp Năm – các dạng hoạt động nghệ thuật: Bốn lớp đầu của bậc tiểu học cung cấp cho trẻ em một năng lực nghệ thuật gồm một lý tưởng (hoặc một tinh thần sáng tác, một đạo đức nghệ thuật) và một ngữ pháp nghệ thuật. Lên lớp Năm, các em mang hành trang đó áp dụng vào các hình thức nghệ thuật cơ bản: âm nhạc, nhảy múa, tạo hình, thơ trữ tình, văn tự sự, và kịch.

(c) Môn Lối sống

Thay thế cho môn Đạo đức, hoặc Luân lý, hoặc Giáo dục Công dân, nhóm Cánh Buồm tổ chức cho học sinh tự xây dựng và cùng xây dựng một cung cách sống khác chắt lọc thành môn Giáo dục Lối sống (gọi tắt là môn Lối sống).

Nhiệm vụ của môn Lối sống là huấn luyện trẻ em (và “vô tình” tác động cả tới những ai liên quan đến các em) một tinh thần và năng lực sống đồng thuận trong cộng đồng.

Nhóm Cánh Buồm không định nghĩa đồng thuận bằng lý thuyết dài dòng, mà định nghĩa bằng việc làm để học sinh SỐNG trong những yếu tố tạo thành sự ĐỒNG THUẬN: (a) cùng lao động theo cương vị khác nhau; (b) cùng chia sẻ những giá trị tinh thần có thể khác nhau; (c) cùng phát hiện và tháo ngòi xung đột.

Lớp Một – sống tự lập: Mục tiêu của lớp Một là tổ chức cho trẻ em sống tự lập. Chúng ta không tổ chức việc đó như một thứ “quy chế”. Trái lại, ngay từ lớp Một, trẻ em phải biết nhà trường em đang học là một xã hội với ba thành phần: (a) Giáo viên; (b) phụ huynh; và (c) học sinh. Cần tổ chức cho trẻ em sống tự lập trong bối cảnh đồng thuận giữa ba thành phần đó. Và sản phẩm sống tự lập của trẻ em sẽ là “phép thử” sự đồng thuận ở cộng đồng trường học đó có đúng nghĩa hay chỉ là hình thức.

Lớp Hai – sống đồng thuận trong cộng đồng: Lên lớp Hai, học sinh được học những nguyên tắc lớn về cuộc sống của cộng đồng. Từ trải nghiệm lớp Một – tổ chức sự đồng thuận giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh để các em được cái quyền sống tự lập (cái quyền mà có khi chính các em cũng từ chối) – học sinh đến với những nguyên tắc chung sống cộng đồng. Từ lớp này, nguyên lý đồng thuận sẽ được các em nhìn nhận một cách có ý thức hơn so với ở lớp Một.

Lớp Ba – sống đồng thuận trong gia đình: mục tiêu của giáo dục Lối sống ở lớp Ba là giáo dục cách sống đồng thuận trong gia đình. Đó cũng chính là một cộng đồng, ở đó cùng lao động, cùng chia sẻ giá trị tinh thần, và nguyên tắc phát hiện – tháo ngòi xung đột được thể hiện một cách hết sức nhân bản.

Lớp Bốn – sống đồng thuận trong tổ quốc và nội dung Lớp Năm – sống đồng thuận trong nhân loại là những nội dung nhóm Cánh Buồm chưa biên soạn xong vì nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan – trong đó có nguyên nhân chưa thực nghiệm đầy đủ.

(d) Môn Lịch sử

Môn Lich sử xưa nay được đưa vào nhà trường phổ thông chỉ như là những tư liệu lịch sử ở dạng thô, sau đó thả nổi về phương pháp, tùy giáo viên nhào nặn theo ý thức và khả năng của mình.

Sách Lịch sử do nhóm Cánh Buồm biên soạn có đặc điểm là chỉ rõ ra những việc làm của học sinh khi các em học Lịch sử. Các giáo viên từ đây có thể căn cứ vào việc làm của học sinh đã cho sẵn trong sách giáo khoa để tổ chức các tiết học lịch sử – sự khác nhau giữa các giáo viên sẽ chỉ là giữa “năng lực thô” dễ dàng phổ cập cho từng giáo viên và “năng lực tinh” của mỗi người làm nghề.

Có bốn việc làm của học sinh khi học Lịch sử:

Việc 1: Tiếp nhận sử liệu. Sử liệu được tiếp nhận như là những “vật tự nó” đối với mọi người. Việc đọc, và nhất là đọc thầm, được dùng để học sinh tự làm việc này.

Việc 2: Nhập thân vào sử liệu. Công việc này sẽ tiến hành thuận lợi vì học sinh học Văn Cánh Buồm đều được luyện các thao tác tưởng tượng qua trò chơi đóng vai, qua kịch câm và kịch nói. Học sinh sẽ vào vai các nhân vật lịch sử trong những bối cảnh có kịch tính.

Việc 3: Bài học lịch sử của em: Phải có những bài tập để học sinh tự rút ra bài học lịch sử chứ không chép những kết luận do giáo viên hoặc sách đưa ra. Đây là một thí dụ: Em đi thăm đền thờ Hai Bà Trưng ở Hạ Lôi, em khấn Hai Bà một điều gì, em ghi lời khấn đó vào vở. Hoặc: ngày Tết, em đi ngang gò Đống Đa, em nói với Sầm Nghi Đống một điều gì, hãy ghi lại.

Việc 4: Góc sưu tầm của em: đây chính là phần tự học thêm, các tài liệu sưu tầm đi từ tranh ảnh, phim, cho đến những tư liệu nghiên cứu. Một khi học sinh ngay từ bậc tiểu học đã thích sưu tầm tư liệu lịch sử cho riêng mình, thì đoan chắc các em sẽ tiếp tục hứng thú và kỹ năng đó khi học lên cấp trên.

Về chương trình chung của môn Lịch sử, nhóm Cánh Buồm đề nghị chia việc học Lịch sử ở bậc phổ thông thành ba giai đoạn như sau:

Giai đoạn tiểu học (học từ lớp Ba) – Nội dung Lịch sử gồm hai phần: (a) khoa học khám phá sự tiến hóa của con người; (b) những trang sử hào hung với những nhân vật đẹp, những hành động kiệt xuất. Mục tiêu là tạo ra tình yêu Lịch sử, do đó mà yêu và nhớ sử liệu.

Giai đoạn phổ thông cơ sở – Nội dung Lịch sử là bằng một tình yêu sự thật mà đi tìm tính chính xác của sử liệu – càng quan trọng, đó là đi tìm tính chính xác của sử liệu do chính học sinh thực hiện. Sách giáo khoa đưa ra những tư liệu gốc như một sự khơi mào. Học sinh tự thâm nhập vào sử liệu, tự các em tìm những sử liệu được coi là trung thực để rút ra những bài học lịch sử xứng với tầm hiểu biết của các em.

Giai đoạn trung học phổ thông – Nội dung Lịch sử sẽ là những vấn đề triết học lịch sử, những “tại sao” của Lịch sử. Tại sao chiến tranh? Tại sao có tôn giáo? Tại sao có giàu nghèo? Mục tiêu lý tưởng ở bậc Trung học này là học sinh vừa được giải đáp thắc mắc đồng thời vẫn giữ được những thắc mắc không giải quyết nổi để ”ôm mối hận” đó mà đi vào đại học…

5. Triển khai thế nào?

Sau khi đã trình bày cả chương trình cùng sách giáo khoa Cánh Buồm, có câu hỏi sau: sách Cánh Buồm có khả thi không?

Dĩ nhiên, chúng tôi nói “Có, hoàn toàn khả thi”, trong khi có thể rất nhiều người sẽ nói “không”. Nhưng nhóm Cánh Buồm thì tin vào sức mạnh của cuộc sống thực, căn cứ từ mấy điều sau.

Một là, chắc chắn xã hội sẽ đòi hỏi phải làm một điều gì đó ngay bây giờ vì đã quá muộn. Chắc chắn xã hội không thể để mặc cho các trào lưu Giáo dục đào tẩu Giáo dục tiếng tăm hoành hành bằng công việc “cải cách” Giáo dục riêng của họ bởi họ và cho họ. Nhưng phải có cái gì đó để thay thế cho cái “nền giáo dục mang hơi đồng tiền” ấy? Nhóm Cánh Buồm đã có sẵn đây một cái gì cao hơn, tầm nhìn xa hơn, và gần với việc tự học của con em hơn, với lý tưởng chấn hưng được nền văn hóa dân tộc Việt.

Hai là, chắc chắn xã hội sẽ đòi vứt bỏ cách làm giáo dục theo lối “giảm tải”, thậm chí giảm tải sâu CT-2000. Vì nếu giảm tải và giảm tải sâu được thì từ khi báo Tuổi trẻ cảnh báo hồi năm 2008 tới giờ chắc là đã khối người làm rồi! Cần thay bằng một TƯ TƯỞNG KHÁC VÀ CÁCH LÀM KHÁC. Nhóm Cánh Buồm đã dự liệu chuyện đó và đã sẵn sàng một cái MẪU khác hẳn.

Ba là, xu thế của đời sống ngày càng cởi mở sẽ đi xa hơn và nhanh hơn quyết định hành chính “Một chương trình nhiều bộ sách”. Nhóm Cánh Buồm đã mở nhiều cuộc hội thảo và nhiều cuộc sinh hoạt sư phạm hàng tháng thu hút vô số người quan tâm. Đó sẽ là lực lượng tiềm năng đón nhận sản phẩm Cánh Buồm.

Có những dấu hiệu cho thấy nhóm Cánh Buồm không ảo tưởng.

Bà nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã cảm nhận được trình độ CAO và KHÁC HẲN song dễ thực thi của sách Cánh Buồm. Từ năm 2012 bà đã động viên chúng tôi: “Chị không nói sách của nhóm các em là tốt nhất, nhưng cho tới nay chưa có bộ sách nào bằng”.

Bất chấp việc có hai người lên tiếng rằng nhóm Cánh Buồm phạm luật, bà Nguyễn Thị Bình yêu cầu Bộ GD và ĐT tìm hiểu công việc của nhóm. Ngày 3 tháng 2 năm 2012, Vụ Tiểu học tiếp và nghe Nhóm trình bày. Bà Bình kiểm tra lại. Một thứ trưởng thưa với bà rằng “anh em báo cáo là sách tốt, nhưng cao”. “Cao” mà là khuyết điểm, thì nên chọn cao hơn là chọn ưu điểm là sự lùn tè!

Bà Nguyễn Thị Bình, và ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó ban Tuyên giáo Trung Ương tìm cách đưa bộ sách tiểu học Cánh Buồm vào dạy thử ở Hội An từ năm học 2013-2014. Tại cuộc họp ở Ban Tuyên giáo TƯ, có mặt người của Sở GD-ĐT Quảng Nam, ông Vũ Ngọc Hoàng khen nhóm Cánh Buồm là “tập thể lao động cộng sản chủ nghĩa” – chắc là không chỉ nhằm nâng cao phẩm chất chính trị của chúng tôi. Song việc vẫn không xuôi, hình như bà Nguyễn Thị Bình và ông Vũ Ngọc Hoàng còn quá cả tin.

Hôm nay, trước một Ủy ban của Quốc Hội trực tiếp chăm lo cho công cuộc chấn hưng Văn hóa – Giáo dục, cho phép nhóm Cánh Buồm báo cáo về những ân nhân của chúng tôi:

Về sự ủng hộ tuyệt vời về tinh thần (và có khi cả về vật chất) của

– Ông Trần Thế Tôn, thương binh hỏng mắt mặt trận Quảng Trị thông qua trợ lý đã đọc được kỹ toàn bộ sách Cánh Buồm, đã trực tiếp đến gặp nhóm Cánh Buồm để động viên chúng tôi;

Và các vị

– Vũ Ngọc Hoàng (ban Tuyên giáo TƯ); Chu Hảo và Nguyên Ngọc (quỹ văn hóa Phan Châu Trinh); nhà xuất bản Tri thức giúp ra đời Tủ sách giáo khoa Cánh Buồm và Tủ sách Tâm lý học Giáo dục Cánh Buồm; Patrick Michel và Patrick Girard, hai vị giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, liền trong 5 năm đã giúp tổ chức mỗi năm 2 kỳ hội thảo; Viện IDECAF Thành phố Hồ Chí Minh đã hai lần giúp giới thiệu sách của Nhóm; giáo sư Cao Huy Thuần đã giúp mời giáo sư Alain Fenet tham gia phản biện các sản phẩm Cánh Buồm;

Ngoài ra nhóm Cánh Buồm cũng nhận được thêm hỗ trợ bằng tiền của:

– Bà Nguyễn Thị Bình; Giáo sư Hoàng Tụy; giáo sư Ngô Bảo Châu; Khoa học gia Thái Văn Cầu và Phùng Liên Đoàn (Hoa Kỳ), hai gia đình Đan Mạch và Na Ụy (giấu tên); bà Nguyễn Thị Mười vợ nhà thơ Hoàng Hưng; các cô giáo Nguyễn Trần Diễm Linh và Nguyễn Ngọc Điệp; các ông Đoàn Minh Tuấn, Nguyễn Viết Dũng, Lê Quốc Quân; gia đình Trung tướng Trần Độ; vợ chồng bác sĩ Nguyễn Kim Cương; các nhà báo nhà văn: Hoàng Hưng, Giáng Vân, Trung Dân, Phạm Lưu Vũ; họa sĩ Trần Trung Chính; các doanh nhân: Nguyễn An Kiều, Nguyễn Trần Bạt, Trang Cà phê, và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (tập đoàn cà phê Trung Nguyên) ngoài việc cho tiền còn cho trụ sở sinh hoạt khoa học sư phạm hang tháng…

Nhờ những giúp đỡ kể trên, nhóm Cánh Buồm có điều kiện in sách mỗi năm. Sách in ra phần lớn dùng làm quà (có khi thu lại được tiền) cho các nhà nghiên cứu hoặc các vị muốn dùng để dạy con em hoặc muốn nâng cao chất lượng công việc nhà giáo tiểu học. Tất cả các tác giả và dịch giả sách Cánh Buồm cho tới nay đều không lấy nhuận bút. Tất cả tiền quỹ đều quay về nhóm dùng vào việc in sách mới hoặc tái bản.

Năm 2014 này, vào ngày 15 tháng 10, tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace sẽ lại có cuộc giới thiệu sách Cánh Buồm đã chữa lần thứ ba, cuộc Hội thảo mang tên CAO HƠN, XA HƠN, … VÀ DỄ TỰ HỌC HƠN. Tự tên gọi đó đã nói gần đủ những điều cần nói. Sách Cánh Buồm năm 2014 sẽ hết sức dễ dùng cho cả người dạy cũng như người học.

Cảm nhận được sự nóng lòng chờ đợi ngoài xã hội, nhìn trước được xu thế phát triển, nhóm Cánh Buồm chủ động đi trước nghiên cứu mẫu chương trình và sách giáo khoa tiểu học cho cuộc Cải cách Giáo dục nhất thiết phải tiến hành.

Chúng tôi không biết mình nên kiến nghị gì. Những kiến nghị sẽ có tác dụng gì. Chúng tôi không vận động hành lang điều gì. Chúng tôi tin vào quy luật vận động của sự vật. Chúng tôi tin vào những quyết định đúng lúc của cuộc sống thực.

Và cuối cùng, đây mới là tâm tư và nguyện vọng chính thức của chúng tôi, những nhà giáo tự nguyện làm mẫu Cải cách Giáo dục: không nghĩ nhiều đến “thành công” và “thắng lợi”, mà chúng tôi lo lắng nhiều hơn đến việc mình càng ngày càng phải nghĩ đúng và làm đúng. Ngay từ khi thành lập, nhóm Cánh Buồm đã tỏ rõ mình phải Hiểu Trẻ em – Dạy Trẻ em (tên Hội thảo ra mắt 2009). Tiếp đó là Chào lớp Một (2020), là Tự học – Tự giáo dục (2011), và Em biết cách học (2012)… Đầu năm 2014, cũng ra đời cuốn sách đầu tiên của Tủ sách Tâm lý học Giáo dục Cánh Buồm với kế hoạch tiếp nối là những đầu sách dịch Jean Piaget, Howard Gardner và Lev Vygotsky. Ba cây đại thụ Tâm lý học đó là những cái mẫu – lại MẪU! – kích thích những nghiên cứu trẻ em, và là trẻ em Việt Nam của Dân tộc Việt Nam trước sứ mệnh dắt tay các em đưa các em tự giáo dục thành những con người Việt Nam tử tế.

Xin trân trọng cám ơn.

Phạm Toàn, người sáng lập

Nguyễn Thị Thanh Hải, trưởng nhóm

Nhóm Cánh Buồm

 

(Báo cáo do Phạm Toàn chấp bút và chịu trách nhiệm)

 

Tác giả gửi Văn Việt.



[*] Tờ trình tổng quát của nhóm Cánh Buồm tại ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG CỦA QUỐC HỘI sáng 16 tháng 7 năm 2014.

 

Comments are closed.