2000 thuật ngữ tâm lí học tiếng Anh (kỳ 5)

Hoàng Hưng

41. Agression: Sự xâm kích (xâm hấn), sự hung hăng.

Hành vi có mục đích trước nhất hay duy nhất là làm tổn hại người (hay tổ chức) khác, về mặt thể chất hay tinh thần.

42. Agitated depression: Trầm cảm kích động.

Dạng trầm cảm đi kèm với sự kích động mang tính tâm vận động (psychomotor agitation: vận động quá khích, đi kèm với sự lo âu, căng thẳng).

43. Agnosia: Sự mất nhận biết.

Thuật từ do Sigmund Freud (1856-1939) đưa ra năm 1891, ngày nay dùng để chỉ sự khiếm khuyết năng lực nhận ra hay nhận dạng những vật, thực thể hay người quen biết, thường là kết quả của một suy thoái hay rối loạn thần kinh.

44. Agoraphobia: Chứng ám sợ chỗ đông người.

Một rối loạn lo âu sợ hãi việc ra khỏi nhà, lạc giữa đám đông, ở những chốn chợ búa hay trung tâm mua bán, trên các phương tiện giao thông công cộng, hay trong những tình huống khó thoát ra, nơi có sự tấn công khó đối phó…

45. Agraphia: Chứng mất khả năng viết.

Kết quả của tổn thương thần kinh ở những trung tâm ngôn ngữ trong não.

46. Aha experience: Trải nghiệm bừng hiểu.

Tình cảm đi kèm sự bừng hiểu một cái gì (hốt nhiên đại ngộ). Cũng gọi là aha reaction (phản ứng bừng hiểu) hay eureka moment (khoảnh khắc bừng hiểu).

47. Akinaesthesia: Sự mất cảm giác tư thế vận động.

Thường là kết quả của tổn thương hệ thần kinh trung tâm.

48. Akinesia: Sự suy thoái vận động bộc phát.

49. Akinetopsia: Sự mất khả năng tri giác chuyển động.

Nhìn thấy các vật thể bất động nhưng khi chúng chuyển động thì lại như biến mất.

50. Akrasia: Chứng thiếu ý chí.

Cũng thể hiện ở việc hành động ngược với phán xét đúng đắn của bản thân. Khái niệm được Aristotle (384-322 TCN) bàn luận nhiều.

Comments are closed.