Lê Học Lãnh Vân
Chuyến tàu vũ trụ Apollo 8 đã chụp được hình Trái Đất “mọc” lên từ đường chân trời của Mặt Trăng. Điều này cũng giống như người trên Trái Đất thấy Mặt Trời mọc buổi sáng từ đường chân trời của Trái Đất.
Khi con người đứng trên Trái Đất, lấy Trái Đất làm trung tâm, nói kiểu Toán học là lấy Trái Đất làm gốc tọa độ, thì con người thấy Mặt Trời mọc, Mặt Trăng mọc. Thời xưa, con người chưa đủ tiến bộ về khoa học, kỹ thuật để có thể bay lên Mặt Trăng. Khi con người lên tới Mặt Trăng, cái nhìn của người đứng trên Mặt Trăng phải khác cái nhìn của người đứng trên Trái Đất! Trái Đất đã mất vị trí độc tôn là gốc tọa độ rồi!
Bây giờ khoa học kỹ thuật của con người đã tiến bộ rất xa so với năm 1969, tức năm con người đặt bước chân đầu tiên lên Mặt Trăng. Con người hiện nay đủ sức đưa phi thuyền lên Sao Hỏa cách Trái Đất gần hai trăm lần so với Mặt Trăng! Kiến thức của con người cũng cách thời đó một khoảng xa tương ứng!
Vậy mà có người lại nói chuyện Apollo 11 đổ bộ lên Mặt Trăng là dàn dựng! Những người này không chấp nhận thay đổi, không tin vào các chứng cớ khoa học được công khai rất rõ ràng.
Điều này không khác gì một người chỉ chăm chăm cho rằng cái mặt đồng xu mình nhìn thấy là hình ảnh thực của đồng xu mà không chấp nhận mặt bên kia. Chỉ việc xoay đồng xu lại xem mà họ cũng không chịu làm, lại ngăn cản người khác xem nữa chứ!
Những người như vậy cũng giống như những người chỉ biết có triết thuyết mình học từ thủa mới vào đời, rồi bám vào triết thuyết đó mà hoạt động, mà sống, mà tranh đấu giành giật… Họ ngoảnh mặt với tất cả các triết thuyết khác dù thực tế cuộc sống cho thấy những triết thuyết khác phù hợp hơn với cuộc sống, họ phủ nhận tất cả các bằng chứng rất thuyết phục rằng triết thuyết họ theo đã lỗi thời. Họ dùng tất cả sức lực và tinh thần bảo vệ cái triết thuyết mang lợi cho họ theo phương châm “còn triết thuyết còn mình”, mặc kệ triết thuyết đó đang gây chậm tiến cả xã hội…
Hơn nữa, kiến thức con người là một dòng chảy không ngừng. Thế hệ sau đứng trên vai thế hệ trước, thu thập, tổng hợp kiến thức của các thế hệ trước mà đưa kiến thức thế hệ mình lên một mức cao hơn của vòng xoáy kiến thức đi lên. Sao có thể đóng đinh mình và thế hệ mình vào một kiến thức ra đời hàng trăm năm trước và cho đó là đỉnh cao nhất của kiến thức loài người? Có phải những người tự đóng đinh đó đang cố gắng chặn tiến trình diễn biến và diễn tiến của xã hội, một quy luật tiến hóa của nhân loại?
Ông Kant, người mà năm nay thế giới kỷ niệm ba trăm năm ngày sinh, cho rằng những người chỉ nhìn một mặt triết thuyết như thế là những người nếu không bị dẫn đường bởi cảm nhận mù quáng thì cũng bởi nhận thức thiếu thực tế!