Tác giả: Dan Slater và Joseph Wong
Việt dịch: Nguyễn Quang A
Nhà Xuất bản Princeton University Press, 2022
LỜI NÓI ĐẦU VÀ LỜI CẢM ƠN.. xvii
Sức Mạnh versus (đối lại) sự Yếu kém.. 8
Vì sao Dân chủ hóa từ Sức mạnh?. 20
2. Định hình Châu Á kiến tạo-Phát triển.. 27
Các Nét phác họa và Nguồn gốc của một Khu vực. 29
Chủ nghĩa đế quốc và Chủ nghĩa Kiến tạo-Phát triển.. 32
Chủ nghĩa nhà nước kiến tạo-phát triển (Develomental Statism) 36
Britannia kiến tạo-phát triển.. 38
Chủ nghĩa quân phiệt Kiến tạo-Phát triển (Developmental Militarism) 42
Chủ nghĩa xã hội Kiến tạo-phát triển (Developmental Socialism) 44
Từ sự Phát triển tới nền Dân chủ.. 48
Từ các Hình mẫu đến các Cơ chế. 50
Các Đặc điểm Chủ chốt của các Cụm.. 52
Từ các Thiên hướng đến Chính trị 56
Thử nghiệm với nền Dân chủ.. 63
Xây dựng nền Dân chủ hậu chiến.. 68
Ở lại trong Trò chơi Dân chủ.. 77
Củng cố sự Thống trị Bảo thủ.. 81
Nguồn gốc và sự Lưu vong của QDĐ.. 90
Nhà nước kiến tạo-phát triển và QDĐ.. 94
Đỉnh cao của sự Thống trị Độc đoán.. 98
Xã hội Đòi hỏi Khắt khe, Chính thể Chia rẽ. 102
Củng cố sự Thống trị Dân chủ của QDĐ.. 114
Bình thường hóa nền Dân chủ ở Đài Loan.. 117
Nền dân chủ Thất bại Đầu tiên của Hàn Quốc. 122
Thời gian dễ lung lay giữa hai vương triều.. 127
Chủ nghĩa Độc đoán Kiến tạo-Phát triển.. 128
Khởi động lại Chủ nghĩa Độc đoán.. 131
Tăng Gấp đôi Chế độ Độc tài 135
Thừa nhận với sự Tự tin (Nào đó) 142
Trở thành một nền Dân chủ Bình thường. 146
Mao và sự Phát triển Xã hội chủ nghĩa. 153
Cái Chết của chủ nghĩa Mao. 157
Sự Cất cánh Kinh tế của Trung Quốc. 160
Hiện đại hóa thứ Năm của Trung Quốc đến Đâu.. 165
Áp lực Tăng lên, Chế độ Yếu đi 167
7. Chủ nghĩa quân phiệt Kiến tạo-Phát triển.. 176
Phát triển Kinh tế Độc đoán.. 184
Sự Phát triển Thể chế Độc đoán.. 186
Thừa nhận với sự Thận trọng. 192
Sự Sống chung và các Liên minh.. 196
Sự Phát triển Kinh tế Độc đoán.. 203
Sự Phát triển Thể chế Độc đoán.. 204
Các Tín hiệu và các Nhượng bộ. 205
Đoạn cuối: Những sự Đảo ngược và các trận Đấu lại 208
Phát triển Kinh tế Độc đoán.. 211
Sự Phát triển Thể chế Độc đoán.. 213
Đoạn cuối: Thua Trò chơi Tự tin.. 216
8. Britannia Kiến tạo-phát triển.. 220
Giàu mà không có Cải cách.. 220
Phát triển Kinh tế Độc đoán.. 227
Các Tín hiệu Yếu, các Chiến lược Cũ.. 230
Phát triển Kinh tế Độc đoán.. 234
Các Cải cách Hời hợt và Chủ nghĩa Độc đoán Cay đắng. 244
Đoạn cuối: Sự Yếu kém Độc đoán, sự Không chắc chắn Dân chủ.. 247
Phát triển Kinh tế Độc đoán.. 249
Sự Phát triển Thể chế Độc đoán.. 250
Các Tín hiệu và sự Xơ cứng dưới sự Cai trị Trung quốc. 251
9. Chủ nghĩa xã hội kiến tạo-phát triển.. 256
SỰ THỐNG TRỊ VÀ TRÁNH DÂN CHỦ.. 256
Việc Tích tụ các Sức mạnh Chế độ. 265
Các tín hiệu báo điềm xấu?. 268
Các Triển vọng Dân chủ của Trung Quốc. 273
Các Trở ngại cho nền Dân chủ Trung quốc. 275
Hấp thụ các cú Sốc đối với Hệ thống. 282
Các Khả năng Địa-chính trị 284
Nổi lên từ một Biến động lớn.. 286
Tích lũy sức Mạnh Kinh tế. 288
Dùng sức Mạnh tới sự Thống trị 290
Nền dân chủ và Sự ổn định.. 295
Thảm kịch của các Đảng Thống trị 299
LỜI GIỚI THIỆU
Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ 70 của tủ sách SOS2,* cuốn Từ Phát triển đến Dân chủ – Sự Biến đổi của châu Á Hiện đại (From Development to Democracy – The Transformations of Modern Asias) của Dan Slater và Joseph Wong, do nhà xuất bản Princeton University Press xuất bản năm 2022.
Đây là một cuốn sách có đóng góp rất quan trọng cho các lý thuyết về dân chủ hóa, hiện đại hóa. Nó khảo sát 12 trường hợp Đông Á và Đông Nam Á, đi theo mô hình phát triển kinh tế của Nhật Bản được bắt đầu từ thời Minh Trị và nhất là sau sự kết thúc của Chiến tranh Thế giới II. Vùng Á châu ven Thái bình Dương này được các tác giả gọi là vùng Á châu Kiến tạo-phát triển (developmental Asia) gồm các nền kinh tế: Nhật bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Việt Nam, Cambodia, Thái Lan, Myanmar, Singapore, Malaysia và Indonesia. Đặc trưng cơ bản của mô hình kiến tạo-phát triển Nhật bản là: nhà nước chủ động hiện đại hóa, công nghiệp hóa qua các chính sách kinh tế, sự phân bổ các nguồn lực công, khuyến khích hoạt động thị trường, khuyến khích công nghiệp định hướng-xuất khẩu.
Ba nước đầu tiên tạo thành một cụm họ gọi là cụm nhà nước chủ nghĩa kiến tạo-phát triển (statist developmental claster: Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan) là những nước đã dân chủ hóa từ sức mạnh độc đoán thành công và hiện là các nước dân chủ, rất giàu, có nền công nghiệp tiên tiến, làm chủ công nghệ cao hàng đầu trên thế giới.
Ba nước Trung Quốc, Việt Nam và Cambodia là các nước gia nhập muộn vào châu Á kiến tạo-phát triển, nhưng cũng có sự phát triển kinh tế ngoạn mục, có sức mạnh thể chế đủ để dân chủ hóa qua sức mạnh nhưng vẫn tránh dân chủ hóa và họ gọi ba nước này là cụm xã hội chủ nghĩa kiến tạo-phát triển.
Ba nước dưới sự cai trị của chế độ quân phiệt gồm Indonesia, Thái Lan và Myanmar cũng gia nhập châu Á kiên tạo-phát triển vào những thời gian khác nhau và đều thử dân chủ hóa qua sức mạnh với thành công (Indonesia) hay thành công nửa vời (Thái Lan) hoặc bị đảo ngược (Myanmar) vào những thời gian khác nhau.
Ba nền kinh tế một thời là các thuộc địa Anh (Singapore, Malaysia và Hồng Kông) được các tác giả gọi là cụm Britania kiến tạo-phát triển đã có sự phát triển kinh tế rất ngoạn mục và có sức mạnh thể chế đủ để dân chủ hóa qua sức mạnh nhưng đã tránh dân chủ hóa.
Thuyết hiện đại hóa kinh điển được Seymour Martin Lipset, phát triển (1959) trong tiểu luận “Some social requites of democracy: Economic development and Political Legitimacy” được đăng trong The American Political Science Review, vol. 53, No.1 (Mar,, 1959) pp. 69-105. Lipset lập giả thuyết rằng “dân chủ liên quan đến trạng thái phát triển kinh tế. Một cách cụ thể điều này có nghĩa một quốc gia càng sung túc thì cơ hội càng lớn rằng nó sẽ duy trì nền dân chủ” (p.75) và “sự giàu có tăng lên không chỉ liên hệ một cách nhân quả đến sự phát triển của nền dân chủ…” (p.83). Chính vì thế nhiều người diễn giải lý thuyết của ông như sự phát triển kinh tế sẽ dẫn đến nền dân chủ, mặc dù ông không khẳng định như thế (xem cả p. 104 và hình ở p.105). Nhiều tác giả đã nhận ra những hạn chế của thuyết hiện đại hóa kinh điển và đã phát triển thuyết hiện đại hóa mới như Christian Welzel. Theo đó, hiện đại hóa hay phát triển kinh tế tạo ra các nguồn lực hành động (vật chất, trí tuệ, kết nối), trên nền các nguồn lực hàng động này các khát vọng tự do (mà Phan Châu Trinh gọi là dân khí) nảy sinh và chính các khát vọng tự do này là động lực thúc đẩy người dân tham gia vào các phong trào xã hội. Các phong trào xã hội gây áp lực (nâng cầu tự do lên) đòi chính quyền phải thay đổi các định chế cung cấp các quyền đó (nâng cung tự do cho phù hợp với cầu). Quá trình trao quyền đó cũng chính là quá trình dân chủ hóa (khi tất cả các quyền tự do cơ bản, kể cả các quyền chính trị được thực thi trên thực tế). Lý thuyết hiện đại hóa mới minh họa cho các tư tưởng của Phan Châu Trinh về xây dựng dân chủ: nâng cao dân trí, hậu dân sinh [hiện đại hóa để tạo ra các nguồn lực hành động], chấn hưng dân khí [nâng các khát vọng tự do], thực thi dân quyền [tham gia các phong trào xã hội].
Lý thuyết chuyển đổi dân chủ bàn về diễn tiến của sự chuyển đổi của một chế độ phi-dân chủ (chuyên quyền, độc tài, độc đoán trong cuốn sách này gọi chung là chế độ độc đoán) sang chế độ dân chủ. Đó chính là cuộc đấu tranh của nhân dân qua các phong trào xã hội với các nhà lãnh đạo độc đoán để thiết lập chế độ dân chủ. Sự chuyển đổi dân chủ có thể diễn ra theo nhiều cách (từ ôn hòa đến bạo lực) và nhiều phương thức (từ trên xuống đến từ dưới lên) và có những kết cục khác nhau đối với chế độ độc đoán đương nhiệm (từ sụp đổ, đến tự chuyển biến thành chế độ dân chủ).
Các tác giả của cuốn sách này bàn về chuyển đổi dân chủ từ sức mạnh độc đoán (tức là chuyển đổi từ trên, ôn hòa, với kết cục các thế lực độc đoán tự chuyển biến thành các nhà lãnh đạo tiếp tục hay có khả năng cao để tiếp tục nắm quyền trong nền dân chủ) tại châu Á kiến tạo-phát triển. Các nước không theo mô hình Nhật như Philippines (với sự chuyển đổi từ sự yếu và sự sụp đổ của chế độ Marcos) hay Mông Cổ (với sự chuyển đổi dân chủ thành công từ trên và Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ [Đàng Cộng Sản] đã lấy lại tên đảng cũ, Đảng Nhân dân Mông Cổ, tiếp tục có vai trò to lớn trong nền dân chủ Mông Cổ từ đầu các năm 1990 đến nay: chiếm đa số trong quốc hội trong hơn nửa thời gian; 4 trong 6 vị tổng thống Mông Cổ từ 1990-2024 kể cả tổng thống đương nhiệm đều thuộc Đảng Nhân dân Mông Cổ) tuy cũng thuộc về vùng địa lý này không được đề cập trong cuốn sách này. Tất nhiên những sự chuyển đổi phòng ngừa (preemptive) từ trên như Bulgari, hay những chuyển đổi từ sự yếu dẫn đến sụp đổ như ở Tiệp Khắc hay nhiều nước Đông Âu khác cũng không được đề cập do không thuộc châu Á kiến tạo-phát triển. Nói cách khác, chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh là một tập hợp con của chuyển đổi từ trên. Với sự tập trung chỉ vào 12 nền kinh tế theo mô hình Nhật và ở vùng ven Thái Bình Dương của châu Á, các tác giả đã có những đóng góp quan trọng cho lý thuyết chuyển đổi dân chủ.
Sức mạnh độc đoán, theo các tác giả, là sức mạnh thể chế chứ không phải là sức mạnh cá nhân của các người hùng (strongmen) lãnh đạo: đó là sức mạnh tổ chức của đảng độc đoán cầm quyền; của bộ máy nhà nước đương nhiệm; của quân đội và lực lượng an ninh. Sức mạnh thể chế là một trong những nhân tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế ngoạn mục. Và đến lượt thành công kinh tế cũng góp phần làm tăng sức mạnh thể chế, nhưng phải phân biệt sức mạnh thể chế và sức mạnh kinh tế. Thành công kinh tế tạo ra tính chính danh thành tích. Nhưng vì hiện đại hóa tạo ra sự bất bình của nó, tạo ra các công dân có đòi hỏi khắt khe hơn nên tính chính danh thành tích phát triển kinh tế là chưa đủ. Như đã nói sức mạnh thể chế của một chế độ độc đoán là sức mạnh tổ chức của đảng độc đoán cầm quyền, sức mạnh tổ chức của bộ máy nhà nước, sức mạnh tổ chức của quân đội và các lực lượng an ninh của chế độ độc đoán đó. Sức mạnh thể chế càng mạnh, thì sự chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh càng có khả năng và càng suôn sẻ. Chúng ta có thể mường tượng sự thay đổi của sức mạnh thể chế độc đoán theo hình sau:
Lưu ý rằng hình trên chỉ giúp chúng ta mường tượng về sự thay đổi sức mạnh thể chế của một chế độ độc đoán. Chế độ cần thời gian để xây dựng và tích lũy sức mạnh của mình (phần đường cong bên trái); sức mạnh tăng lên đến điểm A mà trên đó sự chuyển đổi qua sức mạnh là khả thi, còn dưới đó thì không; sức mạnh thể chế lên đỉnh điểm tại B và bắt đầu giảm dần; khoảng thời gian từ điểm B đến C được các tác giả gọi là cửa sổ cơ hội hay vùng buồn vui lẫn lộn (bittersweet spot): buồn vì sức mạnh bắt đầu giảm nhưng vẫn vui vì vẫn còn đủ mạnh để chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh và vẫn có thể giữ quyền lực (thượng sách, như trường hợp của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Indonesia); vượt ra ngoài cửa sổ cơ hội, tức là từ điểm C trở đi thì chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh không còn khả thi nữa: các nhà lãnh đạo độc đoán giỏi nhất có thể thương lượng với đối lập để chuyển đổi dân chủ (trung sách), hoặc tồi nhất sự chuyển đổi với sự sụp đổ của chế độ độc đoán đương nhiệm (hạ sách, như đã xảy ra ở Malaysia 2018).
Tất nhiên, các điểm mốc A, B, C thay đổi theo từng nước (ví dụ điểm B ở Đài Loan và Hàn Quốc và Thái Lan là khoảng 1980; Malaysia 1995; Cambodia 2003; Singapore giữa các năm 2000); còn sức mạnh thể chế của Trung Quốc trước vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 đã vẫn yếu (vẫn trên đường cong bên trái chưa đạt điểm A), chưa đủ mạnh để chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh nhưng đã đủ mạnh để không sụp đổ, rồi sức mạnh thể chế đã tăng lên nhanh đã vượt quá điểm B nhưng dứt khoát tránh dân chủ hóa. Việt Nam đã vượt quá điểm B nhưng chưa xuống đến điểm C. Nói cách khác ngoài bốn nước đã chuyển đổi dân chủ thành công, còn ba nước ứng viên cho chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh hiện nay là Trung Quốc, Singapore và Việt Nam nhưng ba nước này vẫn tránh dân chủ hóa.
Cũng lưu ý là hình trên chỉ giúp chúng ta mường tượng để hiểu lý thuyết của các tác giả, thực tế phong phú hơn rất nhiều, ví dụ đường không nhẵn nhụi như trên hình, độ dốc của đoạn B-C của mỗi nước rất khác nhau, có trường hợp rất dốc, có trường hợp giảm thoai thoải hơn nhiều.
Tại sao có những nước chọn dân chủ hóa qua sức mạnh với thành công tuyệt vời (Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc) hay thành công khá tốt (Indonesia) trong khi Thái Lan với thành công nửa vời và Myanmar bị đảo ngược, hoặc số khác lại tránh dân chủ hóa? Lý thuyết của hai tác giả này giúp chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi này.
Trước hết nên hiểu một quy luật khách quan không phụ thuộc vào ý chí của bất kể ai hay tổ chức nào: một mặt, hiện đại hóa, sự phát triển kinh tế tạo ra sự bất bình của chính nó, tức là nó không nhất thiết sinh ra các công dân dân chủ, nhưng chắc chắn tạo ra một xã hội và các công dân có đòi hỏi khắt khe hơn (tạo ra cầu tự do tăng lên) và mặt khác, nếu cung tự do (các quyền tự do được luật pháp bảo vệ và được thực thi trong thực tế) không theo kịp cầu tự do, thì nảy sinh căng thẳng hay bất ổn xã hội cần được giải quyết bằng cách nào đó và chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh là cách hay nhất để giải quyết sự vênh cung-cầu này (nếu tránh dân chủ hóa qua sức mạnh thì có thể dẫn đến trung sách hay hạ sách như được nêu trong hình ở trên).
Điểm mấu chốt của lý thuyết của họ là việc làm rõ khái niệm về sự tự tin ổn định và sự tự tin chiến thắng.
Sự tự tin ổn định là sự tự tin của các nhà lãnh đạo độc đoán rằng chuyển đổi dân chủ thì xã hội vẫn ổn định, sự phát triển kinh tế vẫn tiếp tục và dân chủ không gây ra sự mất ổn định. Các nhà lãnh đạo quân đội và các lực lượng an ninh lo nhất là sự mất ổn định và việc tạo cho họ sự tự tin ổn định là cực kỳ quan trọng, họ cũng phải có sự tự tin được miễn trừ, tức là không lo bị trừng phạt về pháp lý trong chế độ dân chủ vì các hành động của họ trong chế độ độc đoán.
Sự tự tin chiến thắng là sự tự tin của các nhà lãnh đạo độc đoán rằng họ và đảng của họ có khả năng cao trong việc thắng các cuộc bầu cử dân chủ tự do và công bằng, giúp họ tiếp tục nắm quyền hay vẫn có vai trò chính trị to lớn trong một nền dân chủ.
Các sự tự tin ổn định và chiến thắng càng cao thì khả năng chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh càng lớn.
Và cuối cùng, hết sức quan trọng là sự LỰA CHỌN của các nhà lãnh đạo độc đoán để tiến hành chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh hay không. Khác với trường hợp khi sức mạnh thể chế độc đoán đã yếu đi và chế độ đôc đoán chỉ có thể chuyển đổi dân chủ khi áp lực dân chúng mạnh đến mức các nhà lãnh đạo độc đoán buộc phải thương lượng với đối lập hay đành chịu sự sụp đổ, một kết cục rất xấu cho các lãnh đạo độc đoán, nhưng cũng không tốt cho đất nước nói chung vì xã hội có thể rơi vào sự bất ổn định; khi sức mạnh thể chế độc đoán còn lớn họ có thể chủ động dân chủ hóa một cách phòng ngừa (để tránh các kết cục xấu) từ sức mạnh thể chế độc đoán. Cái gì thúc đẩy họ làm vậy hay tránh làm vậy? Một đóng góp quan trọng của các tác giả này là họ phân biệt các tín hiệu mà chế độ độc đoán nhận được. Họ phân biệt bốn loại tín hiệu: bầu cử, lôi thôi (hay gây tranh cãi), kinh tế và địa-chính trị.
Các tín hiệu bầu cử là tín hiệu rõ nhất cho biết chế độ độc đoán đã qua đỉnh điểm B hay chưa. Nhiều chế độ độc đoán vẫn tổ chức các cuộc bầu cử toàn quốc (bầu cử quốc hội chẳng hạn) hay địa phương cạnh tranh, tuy có thể không công bằng, và số phiếu hay số ghế mà đảng độc đoán và liên minh của nó nhận được là một chỉ báo rõ nó được lòng dân thế nào. Tất cả 12 trường hợp được khảo sát đã đều có các cuộc bầu cử định kỳ như vậy trừ Trung Quốc và Việt Nam (dù có bầu cử nhưng do không thực chất nên tín hiệu bầu cử không rõ).
Các tín hiệu lôi thôi (contentious), là các tín hiệu mạnh nhất. Khi hàng ngàn (và đôi khi hàng chục và trăm ngàn) công dân đổ xuống đường để đòi cải cách hay thậm chí đòi sự loại bỏ một chế độ độc đoán, thì là không thể cho các nhà lãnh đạo độc đoán để bỏ qua. Tại Hàn Quốc các tín hiệu lôi thôi là rất mạnh nhưng tín hiệu loại này ở Việt Nam là yếu.
Các tín hiệu kinh tế là các tín hiệu không rõ ràng lắm, nhưng các cú sốc kinh tế khi rõ ràng như trong khủng hoảng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp lớn, lạm phát tăng, khiến đời sống nhân dân khó khăn, thì các tín hiệu như vậy có thể quan trọng khiến các nhà lãnh đạo độc đoán phải cân nhắc xem có chuyển đổi dân chủ (như Indonesias) hay không (như Malaysia) trong khủng hoảng tài chính Á châu 1997-1998.
Các tín hiệu địa chính trị đôi khi cũng rất quan trọng và góp phần thúc đẩy sự chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh (như ở Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc) và theo các tác giả này có lẽ cả Việt Nam, còn với Trung Quốc thì các tín hiệu địa chính trị có thể lại chỉ tăng cường sự tránh chuyển đổi dân chủ.
Các tín hiệu có thể báo điềm gở hay điềm xấu (ominous signals) cho biết rằng rằng việc duy trì chủ nghĩa độc đoán hay tăng cường đàn áp không phải là thuốc bách bệnh cho bất kỳ bệnh quản trị hiện hành nào hiện thời đối mặt với chế độ nữa, tức là phải thay đổi. Các tín hiệu làm yên lòng (reassuring signals) cho biết rằng việc triệu tập các cuộc bầu cử tự do và công bằng sẽ không dẫn đến một kết quả tai hại cho các nhà độc đoán đương nhiệm do họ có sự tự tin ổn định và sự tự tin chiến thắng. Nếu bốn loại tín hiệu trên cả báo điềm gở và làm yên lòng một cách mạnh mẽ thì khả năng chuyển đổi từ sức mạnh càng cao.
Việc nhận được các tín hiệu rõ ràng, mạnh thúc đẩy các lãnh đạo độc đoán chủ động chuyển đổi qua sức mạnh, trong khi nếu các tín hiệu là yếu, hay thiếu vắng hay không rõ ràng thì các lãnh đạo độc đoán vẫn nghĩ mình tài giỏi, không có vấn đề gì và tránh hay từ chối chuyển đổi thẳng thừng.
Cấu hình và sự thay đổi của các sự tự tin ổn định và tự tin chiến thắng, của việc nhận được (hay không nhận được) bốn loại tín hiệu cho biết chế độ đã vượt qua đỉnh điểm sức mạnh thể chế và làm rõ tính báo điểm gở và làm yên lòng của các tín hiệu đó, ảnh hưởng lớn đến sự cân nhắc, tính toán của các lãnh đạo độc đoán đương nhiệm và đến sự LỰA CHỌN của họ liệu có tiến hành chuyển đổi dân chủ từ sức mạnh hay không. Đó là những đóng góp lý luận quan trọng của các tác giả cho lý luận về chuyển đổi dân chủ. Thế bất chấp mọi thứ, các nhà lãnh đạo độc đoán đương nhiệm vẫn CHỌN tránh, hay CHỐNG chuyển đổi dân chủ từ sức mạnh thì sao? Họ sẽ không thể tránh khỏi phải chịu chế độ độc đoán cay đắng (embittered authoritanism, như Cambodia, Hồng Kông, và Malaysia phải chịu) và các nước tránh chuyển đổi dân chủ sẽ phải chịu; hoặc họ sẽ phải chọn trung sách hay hạ sách trong tương lai. Chúng sẽ không tránh khỏi phải chịu bi kịch của nền chính trị đảng-thống trị hay thảm kịch của các đảng-thống trị (tradegy of dominant-parties).
Qua chín chương của cuốn sách bạn đọc được hai tác giả kể câu chuyện rất lý thú về 11 nghiên cứu trường hợp rất gần chúng ta nhưng đôi khi chúng ta chưa để ý kỹ, kể cả một nghiên cứu ngắn về chính Việt Nam.
Theo các tác giả này Việt Nam là một ứng viên cho chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh. Việt Nam đã vượt qua đỉnh điểm B khoảng giữa các năm 2010, vẫn nằm trong cửa sổ cơ hội. Các nhà lãnh đạo ĐCSVN có chọn chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh hay khăng khăng tránh nó? Chúng ta nhân dân Việt Nam có thể làm gì để bảo ĐCSVN hãy tự tin hơn để chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh, để xã hội tiếp tục ổn định, tiếp tục phát triển kinh tế, để ĐCSVN “tự diễn biến” (ví dụ qua việc lấy lại tên Đảng Lao động Việt Nam) thành một đảng dân chủ có khả năng tiếp tục thắng cửa trong các cuộc bầu cử dân chủ, tự do và công bằng ở Việt Nam trong tương lai? Chủ động chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh cũng làm tăng tính chính danh hay trao tính chính danh mới cho đảng độc đoán cũng như các nhà lãnh đạo của nó. Trong trường hợp này ĐCSVN có thêm tính chính danh mới như đảng đưa dân chủ vào Việt Nam. Mỗi người hãy đọc cuốn sách này và rút ra bài học cho chính mình.
Tôi chân thành giới thiệu cuốn Từ Phát triển đến Dân chủ của Don Slater và Joseph Wong cho tất cả những người Việt mong muốn có một Việt Nam tự do, dân chủ, giàu mạnh, văn minh. Tôi đặc biệt mong các đảng viên ĐCSVN đọc cuốn sách này để cùng những người khác góp phần vào việc tranh luận, xây dựng hay làm rõ nội hàm của Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam. Tôi cám ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang đã giới thiệu cuốn sách này cho tôi.
Hà Nội, 14-11-2024
Nguyễn Quang A
* Những cuốn trước của tủ sách SOS2:
1. Kornai János, Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội Tin học Việt Nam 2001, Nhà Xuất Bản Văn hóa Thông tin 2002.
2. Kornai János, Hệ thống xã hội chủ nghĩa, Nhà Xuất Bản Văn hóa Thông tin 2002.
……….
23. Daron Accemoglu, James A Robinson, Vì sao các Quốc gia Thất bại, 2012 (NXB trẻ có bản dịch khác được xuất bản 2013)
…….
41. Triệu Tử Dương, Tù nhân bí mật của Nhà nước – Nhật ký bí mật của Triệu Tử dương, NXB Dân Khí, 2019
42. Gabriel Zucman, Của cải Giấu giếm của các Quốc gia, NXB Dân Khí, 2019
43. Emmanuel Saez và Gabriel Zucman, Chiến thắng của sự Bất công:
………
53. Amartya Sen, Quê Nhà trong Thế giới, NXB Dân Khí, 2021
54. Desmond Shum, Roulete Đỏ, NXB Dân Khí, 2021
55. Katherine M. Gehl và Michael E. Porter, Ngành Chính trị, NXB Dân Khí, 2021
56. Ronald Inglehart và Christian Welzel, Hiện đại hóa, sự Thay đổi Văn hóa và Dân chủ, NXB Dân Khí, 2022
57. Ronald Inglehart, Sự Tiến hóa Văn hóa, NXB Dân Khí, 2022
58. Blanko Milanovic, Bất bình đẳng Toàn cầu, NXB Dân Khí, 2022
59. Blanko Milanovic, Chủ nghĩa tư bản, Một mình, NXB Dân Khí, 2022
60. Julia Cagé, Cứu Media, NXB Dân Khí, 2022
61. Moisés Naím, Sự Trả thù của Quyền lực, NXB Dân Khí, 2022
62. David Van Reybrouck, Chống Bầu cử – Biện hộ cho Dân chủ, NXB Dân Khí, 2022
63. John Gastil và Eric Olin Wright biên tập, Cơ quan Lập pháp bằng rút Thăm, NXB Dân Khí, 2023
64. Timothy Snyder, Đường tới không-Tự do, NXB Dân Khí, 2023
65. Yves Sintomer, Chính phủ Tình cờ, NXB Dân Khí, 2023
66. Daron Accemoglu và Simon Johnson, Quyền lực và Tiến bộ, NXB Dân Khí, 2024
67. Jason Hannan, Trolling bản thân chúng ta đến chết, NXB Dân Khí, 2024
68. David Daokui Li, Thế giới quan của Trung Quốc, NXB Dân Khí, 2024
69. Fareed Zakaria, Thời đại cách mạng, NXB Dân Khí, 2024
LỜI NÓI ĐẦU VÀ LỜI CẢM ƠN
Phát triển kinh tế liên kết mạnh với dân chủ, nhưng sự phát triển kinh tế không nhất thiết dẫn đến dân chủ. Chúng ta biết ngần ấy rồi. Từ Phát triển đến Dân chủ không khẳng định khác; không có quỹ đạo lịch sử chắc chắn xảy ra hay tự động nào theo đó các nước giàu hơn trở thành các nước dân chủ hơn. Nhưng tiêu đề của cuốn sách của chúng tôi làm sáng tỏ cái bạn đọc sẽ bắt gặp theo ít nhất ba cách hữu ích.
Thứ nhất, “từ phát triển đến dân chủ” nói đến phạm vi của cuốn sách của chúng tôi. Trong mọi chương thực nghiệm, chúng tôi bắt đầu bằng việc khám phá những lịch sử phát triển kinh tế đáng chú ý đã quét qua châu Á trong thời hiện đại. Chúng tôi xem điều này như nền tảng cần thiết cho việc phân tích hầu như bất kể kết cục nào trong vùng chúng tôi gọi là “châu Á kiến tạo-phát triển (developmental Asia).” Trong cuốn sách này, kết cục chúng tôi tìm cách giải thích là thành tích dân chủ hóa không đồng đều của châu Á kiến tạo-phát triển. Chúng tôi hy vọng để thuyết phục bạn đọc rằng việc bắt đầu với một sự hiểu biết về những kiểu phát triển kinh tế đa dạng của vùng cần một đường dài tới sự hiểu vì sao một số chế độ độc đoán Á châu đã thử nghiệm thành công với những cải cách dân chủ, một số nước khác đã thử nghiệm không thành công với dân chủ, và còn một số nước khác đã không can đảm mạo hiểm với dân chủ hóa chút nào.
Thứ hai, “từ phát triển đến dân chủ” đề cập đến một trình tự lịch sử được chia sẻ. Không ở đâu trong châu Á kiến tạo-phát triển các elite chính trị đã thử nghiệm với dân chủ trước khi dành hàng thập niên cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh. Dân chủ đôi thi đã tiếp sau sự phát triển, và lúc khác đã không. Nhưng vấn đề dân chủ không thể bị bỏ qua mãi mãi, và các áp lực cho cải cách chính trị không thể bị chặn trước mãi mãi khi đối mặt với một xã hội đang hiện đại hóa, ngày càng đòi hỏi khắt khe.
Trong tất cả mười hai trường hợp Á châu chúng tôi nghiên cứu trong cuốn sách này, các nhà cai trị độc đoán đã đối mặt với thế lưỡng nan về liệu có đáp ứng với những thay đổi xã hội đi cùng sự phát triển kinh tế nhanh bằng những cải cách dân chủ hóa lớn, hay không. Không giống hầu hết cách nhìn quy ước về các triển vọng dân chủ, chúng tôi không cho là dân chủ nổi lên chỉ từ đống tro tàn của một chế độ độc đoán đã sụp đổ (tức là, dân chủ qua sự yếu kém). Đúng hơn, chúng tôi cho và chứng minh rằng các nền dân chủ ổn định và thực chất một cách đáng ngạc nhiên có thể tiến hóa từ các chế độ độc đoán mạnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và sau đó thừa nhận các cải cách dân chủ, thậm chí không thừa nhận thất bại (tức là, dân chủ qua sức mạnh).
Lý thuyết của chúng tôi đưa ra một sự giải thích vì sao một số nước ở châu Á kiến tạo-phát triển quả thực đã chuyển “từ phát triển đến dân chủ” trong khi các nước khác đã tránh trình tự này—một trình tự được lý thuyết hiện đại hóa dự đoán từ lâu. Trong một số đáng kể trường hợp, các elite độc đoán đương nhiệm chọn dân chủ bởi vì họ xem việc dân chủ hóa qua sức mạnh như một kết cục tối ưu trực tiếp sau sự phát triển kinh tế.
Theo cách quan trọng này, lý thuyết của chúng tôi về dân chủ qua sức mạnh là một sự ca ngợi các đặc tính cấu trúc của cách tiếp cận hiện đại hóa cổ điển tới sự phát triển và dân chủ hóa. Nhưng tuy nhiên chúng tôi bổ sung lý thuyết hiện đại hóa: thứ nhất, bằng việc khảo sát tỉ mỉ những kiểu phát triển khác nhau định hình các triển vọng khác nhau thế nào cho dân chủ hóa qua “các cụm kiến tạo-phát triển” đa dạng của châu Á; và thứ hai, bằng việc nhấn mạnh sự quyết định giữa các elite để dân chủ hóa, và sự tự tin elite sâu sắc (tức là, sự tự tin chiến thắng và sự tự tin ổn định) định hình ra sao quyết định đó. Dân chủ không “chỉ xảy ra” như một lẽ đương nhiên với sự hiện đại hóa của một xã hội; đúng hơn, những người thực cần đưa ra những quyết định mạo hiểm có các hệ lụy sống còn cho số phận của nền dân chủ.
Thứ ba và cuối cùng, “từ phát triển đến dân chủ” nói cái gì đó về những câu chuyện cá nhân và nghề nghiệp riêng của chúng tôi. Khi cả hai chúng tôi bắt đầu nghiên cứu chính trị Á châu như các sinh viên đại học trong đầu đến giữa-các năm 1990, thực sự đã không có câu hỏi nào về nghiên cứu khía cạnh nào của chính trị Á châu. Chính trị Á châu đã có nghĩa là kinh tế học chính trị Á châu; châu Á đã có nghĩa là phát triển. Nó là phần của thế giới nơi sự phát triển đang xảy ra, và mọi người quan tâm đến sự phát triển đã đều muốn học từ nó. Khủng hoảng tài chính Á châu 1997–98 vẫn chưa có thể thấy trên đường chân trời. Như thế khi cả hai chúng tôi như các học giả bắt đầu xem xét châu Á, phát triển đã là cái chúng tôi xem xét; phát triển đã là cái chúng tôi đang tìm kiếm. Nghiên cứu và những bài viết đầu tiên của chúng tôi với tư cách các sinh viên sau đại học đã tập trung chỉ vào các chủ đề liên quan đến các quỹ đạo phát triển kinh tế ở Đông và Đông Nam Á.
Chuyển đổi dân chủ ở châu Á được xem như một vấn đề phụ hơn là một hình mẫu biến đổi đòi hỏi sự nghiên cứu có hệ thống. Sự thực rằng nước khổng lồ Đông Á, Trung Quốc, và nước giàu nhất Đông Nam Á, Singapore, vẫn nhất mực độc đoán đã kéo sự chú ý học thuật của chúng tôi khỏi các triển vọng, các năng lực, và thành công dân chủ của khu vực. Nhưng khi cả hai chúng tôi bắt đầu xem xét kỹ hơn, chúng tôi đã thấy nhiều nền dân chủ hơn nhiều—và đã thấy rằng dân chủ quan trọng hơn nhiều ở châu Á kiến tạo-phát triển—hơn chúng tôi đã kỳ vọng.
Đối với cả hai chúng tôi, sự định hướng lại này về quan điểm—từ việc cố gắng để giải thích sự phát triển Á châu sang việc cố gắng để hiểu cả sự phát triển và dân chủ Á châu, cùng nhau, bằng cách nào đó—đã bắt đầu trong cùng khung cảnh khó có thể xảy ra: Madison, Wisconsin. Tại đó, trên những sườn dốc thường-đóng băng của Núi Bascom, Edward Friedman đã giúp cả hai chúng tôi để nhìn thế giới theo những cách hoàn toàn mới. Ông đã khiến chúng tôi nghĩ theo một cách nghiêm túc hơn, ít phiến diện hơn, và đam mê hơn về các vấn đề nghèo đói và chế độ chuyên chế ở châu Á. Ông đã cho cả hai chúng tôi thấy bằng ví dụ rằng chúng tôi có thể đồng thời nghiên cứu các nguyên lý phổ quát và các chỗ cụ thể, mà không phải hy sinh sự cống hiến của chúng tôi cho cả hai. Ed đã thách thức chúng tôi để nghĩ về dân chủ không như một đích đến cố định và cuối cùng mà đúng hơn như một thử nghiệm không hoàn hảo đòi hỏi sự táy máy và sự thích nghi liên tục. Hệt như các chế độ chuyên chế mang dấu ấn của cá nhân các nhà độc tài, các nền dân chủ được cá nhân các nhà cải cách chính trị khéo léo tạo ra. Dân chủ là có thể ở bất cứ đâu, Ed đã dạy chúng tôi, nhưng chẳng ở đâu nó chắc chắn xảy ra.
Đấy là vì sao chúng tôi đề tặng Từ Phát triển đến Dân chủ cho Edward Friedman, bạn và mentor (thầy) của chúng tôi. Thành thật mà nói, mong muốn của chúng tôi để viết loại sách có thể đề tặng cho Ed đã là một lý do chính chúng tôi tiến hành dự án này trước tiên.
Tất nhiên, các món nợ cá nhân và nghề nghiệp của chúng tôi là rộng và sâu hơn nhiều. Chúng bắt đầu với các bà vợ của chúng tôi, Jennifer DiDomenico-Wong và Tracey Lockaby. Việc theo dõi Jen và Tracey trở thành bạn đã là một trong những điểm nổi bật của sự làm việc cùng nhau rất mật thiết trong thập niên qua, một điểm nổi bật chỉ có thể sánh bởi cơ hội để kết bạn và chứng kiến tài năng nở rộ của các con tuổi teen của nhau (Ria, bây giờ 19 tuổi; Kai, 17; và Oliver, 15)—từ sân khấu đến âm nhạc đến bóng rổ. Sẽ là sự đánh giá thấp trong tất cả các đánh giá thấp để nói rằng cuốn sách này sẽ chẳng bao giờ có thể mà không có sự ủng hộ thân yêu và sự sẵn lòng hy sinh của Jen và Tracey. Chúng tôi cảm hơn họ vì cái trước và xin thứ lỗi vì cái sau, từ đáy lòng của chúng tôi.
Chúng tôi cũng mang ơn vì sự ủng hộ chúng tôi nhận được từ các bộ môn và các đồng nghiệp tại các tổ chức tương ứng của chúng tôi. Tại Đại học Toronto, rất cảm ơn nhiều đồng nghiệp và bạn bè trong khoa học chính trị, với lời cảm ơn đặc biệt cho Jacques Bertrand, Dan Breznitz, Vic Falkenheim, Diana Fu, Seva Gunitsky, Jeffrey Kopstein, Lynette Ong, Louis Pauly, Ed Schatz, Janice Stein, và Lucan Way. Các động nghiệp tại Asian Institute and Munk School of Global Affairs and Public Policy của Đại học Toronto đã cung cấp một cộng đồng hỗ trợ, gây cảm hứng trí tuệ, và học thuật nghiêm túc phi thường. Từ thời gian chung tại Đại học Chicago, những lời cảm ơn đặc biệt và sự yêu mến cho Mike Albertus, Kathy Anderson, Lis Clemens, Cathy Cohen, Bernard Harcourt, Will Howell, Ben Lessing, Stan Markus, John Mearsheimer, Monika Nalepa, Tianna Paschel, Paul Poast, Alberto Simpser, Paul Staniland, Jenny Trinitapoli, Lisa Wedeen, và vô số sinh viên sau đại học không thể sánh được. Tại Đại học Michigan, sự cảm ơn chân thành cho Nancy Burns, Christian Davenport, Mary Gallagher, Derek Groom, Allen Hicken, Pauline Jones, Gitta Kohler, Marysia Ostafin, tất cả các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tuyệt vời tại Weiser Center for Emerging Democracies, và trên hết cho Rob Mickey (và tất cả thị tộc McTraig) vì sự ủng hộ mang tính cá nhân cũng nhiều như nghề nghiệp. Adam Casey xứng đáng những lời khen ngợi đặc biệt vì sự trợ giúp nghiên cứu và quản lý nghiên cứu xuất sắc ông cung cấp, sự làm việc với các nhà nghiên cứu thông minh vượt trội Bill Achariyasoonthorn, Wilson Liu, và Max Shpilband trong các giai đoạn cuối của cuốn sách.
Bên goài các tổ chức của chính chúng tôi, là khó để biết ngay cả bắt đầu ở đâu. Và một khi chúng tôi bắt đầu, là khó để hình dung chúng tôi sẽ kết thúc ở đâu. Nhưng sự mang ơn và sự cảm ơn lớn nhất vì tình bạn quý giá và lời khuyên xuất sắc là cho Aries Arugay, Tun-Jen Cheng, Bruce Dickson, Iza Ding, Richard Doner, Alexandra Filindra, Edward Friedman, Anna Grzymala-Busse, Stephan Haggard, Mohamad Hanafi, Walter Hatch, Jeffrey Javed, Adrienne LeBas, Steve Levitsky, Rachel Riedl, Shelley Rigger, James Scott, Victor Shih, Ben Smith, Tariq Thachil, Kai Thaler, Kathy Thelen, Kellee Tsai, Maya Tudor, Tường Vũ, và Daniel Ziblatt. Rachel và Daniel xứng đáng sự nhắc đến và lời cảm ơn đặc biệt vì sự cộng tác với chúng tôi trên một bài báo trong Annual Review of Political Science mà đã đưa những bài học chung của chúng tôi về dân chủ hóa được độc đoán-dẫn dắt lại với nhau trong một chỗ.
Làm việc trên một cuốn sách lâu thế này có nghĩa là bạn chia sẻ nó với các đồng nghiệp và trình bày nó cho rất nhiều khán giả. Trong thập niên qua, chúng tôi đã vô cùng được lợi từ những sự hiểu thấu và phản hồi quan trọng từ các đồng nghiệp gồm Ben Ansell, Nancy Bermeo, Yun-Han Chu, Larry Diamond, Dafydd Fell, Douglas Fuller, Chang-Ling Huang, William Hurst, Bruce Jacobs, Cedric Jourde, Robert Kaufman, Byung-Kook Kim, Erik Kuhonta, Jih-Wen Lin, Chunrong Liu, James Loxton, Scott Mainwaring, Eddy Malesky, Marcus Mietzner, T. J. Pempel, Liz Perry, David Rueda, Paul Schuler, Jonathan Sullivan, Netina Tan, Shiping Tang và Steve Tsang. Chúng tôi cũng được lợi rất nhiều từ phản hồi có tính xây dựng và phê phán về các buổi trình bày tại Đại học Quốc gia Australia, Đại học Khoa học Chính trị và Luật Đông Trung Quốc, Đại học Phúc Đán, Đại học Harvard, Đại học Hồng Kông, Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, Institute for Southeast Asian Studies, Juan March Institute, King’s College London, Đại học Triều Tiên, Đại học McGill, Đại học McMaster, Malaysia campus của của Đại học Monash, Đại học Murdoch, Đại học Quốc gia Chính trị (Chengchi), Đài Loan, Đại học Quốc gia Đài Loan, Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Northern Illinois, Malaysia campus của Đại học Nottingham, Royal Military College, School of Area and International Studies (SAIS), School of Oriental and African Studies (SOAS), Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Quản lý Singapore, Đại học Stanford, Đại học Stellenbosch, Quỹ Dân chủ Đài Loan, Đại học Thanh Hoa, UC Berkeley, UC Irvine, UCLA, Đại học British Columbia, Đại học Cambridge, Trung tâm Bắc Kinh của Đại học Chicago, Đại học Helsinki, Đại học Hokkaido, Đại học Illinois-Chicago, Đại học Michigan, Đại học Notre Dame, Đại học Oregon, Đại học Oxford, Đại học South Carolina, Đại học Sydney, Đại học Tokyo, Đại học Toronto, Đại học Washington, Đại học Yale, Trường khoa học Chính trị Yangon, và Đại học Yonsei, và tại các hội nghị hàng năm của American Politcal Science Association và Midwest Politcal Science Association.
Thời gian dài của dự án này cũng có nghĩa là sự thuyết phục được sự kiên nhẫn của các bạn và các cộng tác viên của chúng tôi tại Nhà xuất bản Princeton University Press. Chính “sự tự tin chiến thắng” của Eric Crahan vào khả năng của chúng tôi để xử trí thành công một nghiên cứu lịch sử về mười hai trường hợp Á châu đã thực sự khiến chúng tôi bắt đầu. Và chính lời khuyên hiểu biết và sự giúp đỡ của Bridget Flannery-McCoy, cũng như việc biên tập tuyệt vời của Elizabeth Byrd, Kate Gibson, và John Donohue, đã giúp chúng tôi cán đích.
Cuối cùng, chúng tôi muốn cảm ơn nhiều học giả, nhà hoạt động, nhà bất đồng chính kiến, và nhà lãnh đạo chính trị mà chúng tôi đã gặp và phỏng vấn trong ba thập niên qua, và những sự thấu hiểu của họ đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuốn sách này. Dân chủ chẳng bao giờ là một đề xuất không có rủi ro, hoặc cho các elite cai trị chấp nhận nó hay các công dân quyết định để đòi nó. Chúng tôi hoan nghênh sự can đảm của tất cả những người đã từng đưa ra các sự lựa chọn rủi ro này.