Không khói hoàng hôn (Tập II – kỳ 11)

Nguyễn Thị Kim Thoa

Về những trang sách cũ

Phần I

Những ngày học tiểu học, trung học, đại học ngoài sách, truyện, âm nhạc, vui chơi dã ngoại chúng tôi không có thú giải trí nào khác.

Sách là bạn của chúng tôi. Mua sách thời đó không phải là dễ vì giá cả cũng không phải là rẻ. Tuy nhiên người ưa và có thời gian đọc sách, việc tìm kiếm sách để đọc không khó. Huế có Thư viện Đại học, nơi có khá nhiều sách. Thư viện nằm trên đường Lê Lợi, con đường đẹp nhất cố đô. Thư viện cũng là ngôi nhà cổ rất đẹp, mùa hè mát, mùa đông ấm, mở cửa cả thứ bảy, chủ nhật nên rất tiện lợi cho việc đọc sách. Huế là thành phố nhỏ, việc đi lại trao đổi, mượn sách giữa bạn bè với nhau cũng không quá khó khăn.

Xin được kể về những trang sách cũ của tôi:

Năm học lớp tư (lớp hai bây giờ), cha cho tôi quyển sách có bìa màu gạch cua, in hình người cấy lúa ở giữa: quyển TẬP ĐỌC VUI, đây là cuốn sách đầu tiên tôi được tặng. Ngày đó, bên thềm nhà tôi say sưa đọc, đọc vang cửa vang nhà.

 “Chiều qua thằng nhỏ xin ra/ Sáng nay em phải ở nhà thổi cơm/ Nồi đồng đổ gạo tám thơm/ Tính em háu đói chất rơm bốn bề/ Không ngờ quá lửa thành khê/ Mẹ em nhiếc mãi thật ê cả người/ Em xin các bạn đừng cười/ Xưa nay em vẫn vốn lười nấu ăn”. Những bài viết ngắn: “Bát canh hẹ”, “Chiếc áo lót mình của người sung sướng”, “Chị Ếch đi chợ”…, tôi đọc đến thuộc làu.

Khi đọc thông thạo rồi, chị hai Kim Hoa thỉnh thoảng mua về cho tôi các tập Sách Hồng khổ nhỏ (10x15cm) bìa mỏng của nhóm Tự Lực Văn Đoàn: BÔNG CÚC HUYỀN, ÔNG ĐỒ BỂ, CÁI ẤM ĐẤT, CÓC TÍA, CÂY TRE TRĂM ĐỐT, AI MUA HÀNH TÔI… Tôi mê mẩn đọc, thích nhất là cuốn Bông Cúc Huyền: “Ở Đông cung thái tử có một vườn hoa không đẹp bằng vườn thượng uyển nhưng gọn gàng và xinh xắn hơn…”. Tôi yêu nàng Bạch Cúc khoác tấm áo choàng đen của thái tử ngủ quên trên thượng đình hoa trong đêm hội hoa đăng, biến mình thành bông cúc huyền cứu chủ khỏi cái chết do ác tâm của bà thứ phi. Tôi yêu con Cóc Tía kêu trời gọi mưa…

Lên lớp nhì, anh hai Đắc Hồng đem về cho tôi cuốn TÂM HỒN CAO THƯỢNG do Hà Mai Anh dịch. Cuốn sách đã dạy cho tôi lòng kính yêu cha mẹ, yêu quê hương đất nước, bạn bè và nhiều đức tính khác.

Cuốn sách chính là cuốn nhật ký của đứa trẻ 10 tuổi tên Enico Bottini. Tôi thích thú đọc từng câu chuyện nhỏ từ “Ngày khai trường”, “Thầy giáo mới”… “Lòng yêu nước của cậu bé thành Pađôva” đến “Em bé quét mồ hóng”, “Lòng biết ơn”,  “Chú hề con”… Cuốn sách đã để lại trong tâm trí tôi bao nhiêu điều muốn hỏi, muốn tìm tòi.

Những cuốn CỔ HỌC TINH HOA mẹ mua về là những trang đọc nghiền ngẫm của tôi. Những câu chuyện viết ngắn về đông tây kim cổ của nhiều tác giả được kể lại với những lời chú giải, tuổi thơ tôi thêm phần ý nhị: “Không quên được cái cũ”, “Hết lòng vì nước”, “Khuất Nguyên với ông lão đánh cá”, “Lời ký trên bia mộ vua Sác-Đa-Na-Pa”, rất nhiều và rất nhiều nữa.

 Lên trung học đệ nhất cấp (cấp hai trung học) ở trường Đồng Khánh, với sự hướng dẫn của các cô giáo dạy văn, tôi đọc các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn: HỒN BƯỚM MƠ TIÊN (Khái Hưng), NỬA CHỪNG XUÂN (Khái Hưng), GÁNH HÀNG HOA (Khái Hưng – Nhất Linh), ĐOẠN TUYỆT, LẠNH LÙNG, ĐÔI BẠN, BƯỚM TRẮNG (Nhất Linh), TRỐNG MÁI (Khái Hưng), GIÓ ĐẦU MÙA (Thạch Lam), DƯỚI BÓNG HOÀNG LAN (Thạch Lam), TIÊU SƠN TRÁNG SĨ (Khái Hưng) và một số tác phẩm khác. Chúng tôi họp nhóm làm bài thuyết trình.

Vào tuổi mười ba, mười lăm chúng tôi yêu thích những mối tình nhẹ nhàng của chú tiểu Lan và chàng trai Ngọc trong Hồn Bướm Mơ Tiên. Cảm thông, thương mến những trắc trở trong cuộc tình của Mai và Lộc trong Nửa Chừng Xuân. Trân trọng, quí mến tình yêu, tình bạn của ba nhân vật Minh, Liên, Văn trong bối cảnh tuyệt đẹp của làng hoa Ngọc Hà trong Gánh Hàng Hoa.

Qua lời giảng của cô giáo chúng tôi thấy văn chương Tự lực Văn Đoàn thật tuyệt. Chúng tôi cũng cảm nhận lối viết nhẹ nhàng, vương vấn buồn của Thạch Lam qua “Nhà Mẹ Lê”, “Dưới Bóng Hoàng Lan”, “Gió Lạnh Đầu Mùa”. Đến nay tôi vẫn còn nhớ một đoạn trong truyện “Dưới Bóng Hoàng Lan” của Thạch Lam.

“… Buổi chiều rất êm ả, về phía tây mây trời rực rỡ những mầu sáng lạn và ánh nắng chiều loàng một khúc sông, trông như một giải vàng nổi lên giữa đồi ruộng đã bắt đầu tím lại, một đàn chim đi ăn về vút bay qua ngang đầu, tiếng vỗ cánh rào rào như trận mưa; tôi ngửng đầu lên nhìn theo đến cái vệt đen linh động của đàn chim lặng hẳn với chân mây…”

Chúng tôi tranh cãi kịch liệt về mới và cũ trong Đoạn Tuyệt. Chúng tôi thích anh Vọi trong “Trống Mái”, chúng tôi ao ước được đến bãi biển Đồ Sơn.

Tự Lực Văn Đoàn đã đến với chúng tôi trong bốn năm học đầu của thời trung học và lưu giữ mãi trong ký ức về sau. Cũng xin nói thêm trong phần thưởng cuối năm của các lớp ở cấp hai trung học lúc nào cũng có những tập truyện của Tự Lực Văn Đoàn.

***

Về các tác phẩm văn học trong nước, chúng tôi chuyền tay nhau đọc khi mua hay được tặng với số lượng không nhiều. Do áp lực của hai kỳ thi Tú tài một và Tú tài hai (cách nhau một năm) nên thời gian đọc sách hạn chế. Lúc vào đại học cũng vậy.

Trong miền Nam lúc bấy giờ, tên tuổi của các nhà văn: Doãn Quốc Sĩ, Võ Phiến, Mai Thảo, Bình Nguyên Lộc, Dương Nghiễm Mậu, Nhật Tiến, Lê Tất Điều, Võ Hồng, Duyên Anh, Nguyễn Đình Toàn, Đinh Tiến Luyện, Thế Uyên, Duy Lam, Chu Tử, Vũ Hạnh… và các nhà văn nữ Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nhã Ca… đã được biết đến khá rộng rãi trong tầng lớp học sinh, sinh viên chúng tôi.

Số truyện của các nhà văn trên xuất bản khá nhiều, thế nhưng tôi chỉ đọc được một vài cuốn trong số đó, một phần bận học hành, một phần không phải lúc nào cũng có sách để đọc. Tôi chỉ xin nhắc lại những tác phẩm mà tôi đã đọc và còn nhớ để ghi lại đã có một thời như thế.

 GÌN VÀNG GIỮ NGỌC của Doãn Quốc Sĩ là tập truyện gồm 7 truyện ngắn: Khu Vườn Bên Cửa Sổ/ Căn Nhà Hoang/ Tiền Kiếp/ Cái Chết Của Một Người/ Hương Nhân Loại/ Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều/ Gìn Vàng Giữ Ngọc.

Tôi thích nhất là truyện “Chiếc chiêu hoa cạp điều”.

Trong “Chiếc chiếu hoa cạp điều”, với giọng văn nhẹ nhàng, từ tốn, ông kể cho chúng ta nghe cuộc sống tản cư thời kháng chiến chống Pháp cùng lòng yêu thương, sự tử tế của con người. (Xin trích một vài đoạn trong Chiếc chiếu hoa cạp điều)

“Mùa Ðông năm đó rét lạ lùng. Gió hun hút giật từng cơn, quết như dao cắt từng mảnh thịt hở, thế mà hôm nào mẹ và em gái tôi cũng phải dậy từ bốn giờ rưỡi sáng để sửa soạn gồng gánh ra đi. Quần áo và chăn chiếu của gia đình tôi thiếu rất nhiều. Thằng em thứ ba của tôi có được cái chiếu rách mướp vừa nằm vừa đắp, chân thò ra ngoài thì nó lấy rơm phủ lên.

“Tôi hỏi: “Sao mẹ về muộn quá thế, cả nhà lo tưởng phát điên lên”. Mẹ tôi cho biết hàng hôm nay bán ở chợ không hết, người phải đi sâu vào một vài làng lân cận để bán nốt. Rồi khi xuống khỏi đê, qua cái lạch lớn, thấy có chiếc chiếu trôi, vội tìm cách vớt lên và giặt luôn bên lạch. Ðó là một chiếc chiếu còn khá tốt tuy chiều rộng bị xén đi mất một phần ba.

“Tối hôm đó khi đi ngủ thằng Tư được mẹ tôi đắp cho chiếc chiếu vớt ở lạch. Chân nó thò ra một tí khiến tôi nhận thấy chiếc bít tất cũ vàng xỉn của tôi, chỗ đầu rách được buộc túm lại để các ngón chân xinh của nó khỏi “thoát ly” ra ngoài”.

 Tôi đọc cuốn DÒNG SÔNG ĐỊNH MỆNH của Doãn Quốc Sĩ vào cuối năm đệ tam (1967), đọc cuốn hút theo câu chuyện tình từ tấm bé của Thiệu và Yến nhưng tôi thích những đoạn tác giả mô tả làng quê Việt Nam, các đoạn uốn khúc của các dòng sông, mô tả lịch sử kháng chiến tại làng La Chữ Huế… và buồn khi cuộc tình của họ phải hẹn đến kiếp sau.

“Chiến khu khi đó là làng La Chữ cách Huế chừng hai cây số về phía núi! Ba ngày trước cuộc tổng khởi nghĩa nhân dân đã tự động nổi lên chiếm Bao Vinh, một địa điểm ngoại ô Huế. Cờ, truyền đơn được tung ra như bươm bướm. Dân trong thành phố bắt đầu đi cà khịa và ẩu đả với lính Nhật ở ngoài đường. Chập tối 19 tháng 8 một cuộc biểu tình đông hàng ngàn người, dẫn đầu là hai lá cờ đỏ sao vàng, từ Bao Vinh tiến qua Hàng Bè vào đường Gia Long lên đường Trần Hưng Đạo. Trong số những người đi đầu này có Thiệu!” …

“Thái độ của các đảng viên vô sản đối với các thành phần tiểu tư sản quả như lời những người đã chán Khu về nội thành trùm chăn. Thiệu không quên một cuộc cãi nhau điển hình thời đó: – Pasteur là một tên phản động”…

Tôi đọc Mai Thảo không nhiều. Tôi nhớ đâu đó ghi nhận tác phẩm của ông chừng 40 – 42 cuốn.

Tôi đã đọc: tập truyện MƯA NÚI gồm các truyện ngắn: Đêm Giã Từ Hà Nội – Nhà Mới – Mưa Núi – Một Chiều Qua Cửu Long – Chiếc Xe Hàng Cũ – Tháng Giêng Cỏ Non – Người Bạn Đường – Giai Đoạn Chị Định – Đêm Tân Hôn.

Tôi thích và còn nhớ: Đêm giã từ Hà Nội với hai nhân vật Phượng và Thu, họ rời Hà Nội vào Nam, đêm giã từ tại ga Hà Nội, ướt sũng nỗi nhớ:

“Phượng nhìn xuống vực thẳm.

Hà Nội ở dưới ấy.

Từ chỗ anh đứng, Phượng nhìn sang bờ đường bên kia. Những tảng bóng tối đã đặc lại thành khối hình. Từng chiếc một, những hàng mái Hà Nội nhoà dần. Phượng nhìn lên những hàng mái cũ kỹ, đau yếu ấy, giữa một phút giây nhoè nhạt, anh cảm thấy chúng chứa đựng rất nhiều tâm sự, rất nhiều nỗi niềm. Những tâm sự câm lặng. Những nỗi niềm nghẹn uất. Của Hà Nội. Của anh nữa….

Qua bóng tối, Phượng nhìn thấy những hình khối của Hà Nội bên kia: một cửa ô đọa đầy. Một hàng mái cũ. Những lớp phố phường sa đọa. Những ánh đèn nhạt tái trên những bờ tường câm đen. Bóng tối chính thể đổ xuống làm nghiêng ngả những sự kiện này.

Buổi chiều, hồi năm giờ, gặp Thu ở cuối nhà Thuỷ Tạ, anh đã nhắc Thu đến một ngả đường. Đúng hơn đến một chuyến đi. Anh lại nhắc cả Thu đến một hạn định: Hôm nay là ngày cuối cùng người ta được tự do rời khởi Hà Nội.

Phượng đưa Thu đi. Những ánh đèn xanh biếc của Hà Nội nghiêng theo những bước chân bắt đầu dời khỏi Hà Nội.

Bóng Phượng, bóng Thu nhòa dần. Rồi mất hẳn. Họ đã đi vào Tương Lai”…

 Trong phần thưởng cuối năm đệ nhất (lớp 12), năm rời trường trung học Đồng Khánh của tôi có cuốn “BẢN CHÚC THƯ TRÊN NGỌN ĐỈNH TRỜI” của Mai Thảo do cô giáo dạy Triết Hà Thị Vy tặng với lời nhắn nhủ thân thương: “Gắng lên trên mọi nẻo đường – Đỉnh hay không là Đỉnh cũng là nơi ta đã đến”.

Nội dung sách là câu chuyện thuật lại chuyến đi của một cô gái trẻ đi thăm người yêu cũng là chồng sắp cưới, chàng trai trẻ đi chinh phục ngọn Đỉnh Trời, khi sắp lên đến đỉnh, trong lúc mọi người trong đoàn reo hò vui sướng, chàng trai trẻ nhìn xuống vực sâu và lao mình xuống con dốc… Cô gái đọc lại những dòng ghi chép cuối cùng của người yêu và chôn chàng dưới chân ngọn đồi.

Tôi đã đọc cuốn này năm 18 tuổi, đọc lại lúc 20 và cả lúc này đây đọc lại vẫn thấy lảng vảng bóng hình một vài người bạn thân yêu của thế hệ chúng tôi và cả mình trong đó. Xin trích một vài đoạn:

 “Con đường của chàng đây. Con đường nhỏ này bây giờ tuyết phủ kín, hai bên đứng trơ vơ những hàng cây gầy guộc trụi lá, những mùa xuân, mùa hạ, bóng mát dầy đặc che nghiêng như một vòm mái xanh biếc, hoa nở chói chang hai bờ cỏ bồng, mùa thu, những trận lá vàng lả tả, con đường tịch mịch, lối đi thiên đường này tôi đã bao lần sung sướng nép vào chàng, tay luồn trong tay chàng, đầu ngả trên vai chàng, những buổi chàng đưa tôi đến tình tự bên bờ con suối nhỏ. Chiếc xe lăn lộc cộc, tiếng người xà ích quát tháo, tiếng roi đập vun vút lên mình con ngựa già yếu, tôi lắng nghe những âm thanh lạ tai vang lên trong buổi sáng yên lặng…

“Chúng ta đến đây để tuyên dương và công bố cho toàn thế giới về sự đắc thắng rực rỡ của những anh hùng đã chinh phục ngọn Đỉnh Trời. Thế kỷ của chúng ta dành chỗ cho những anh hùng đó và không có chỗ cho những phần tử bất lực thất bại”…

“Vị bác sĩ và người tu sĩ già giúp tôi trong việc chôn cất chàng trong cái nghĩa địa dưới chân ngọn đồi bệnh viện. Tâm hồn yên tĩnh, chàng nằm đó, đầu hướng về ngọn núi Đỉnh Trời, và tôi có cảm tưởng như chàng và ngọn núi, hai tâm hồn cao lớn ấy sẽ kết bạn và sẽ kính trọng nhau muôn đời qua không gian. Chàng nằm đây mà chính là chàng nằm trên đó, trên cái đỉnh cao ngời ngời tuyết băng bao phủ cũng kỳ lạ như con đường chàng đến, chàng đi, kỳ lạ như sự có mặt, sự mất đi, như định mệnh của đời chàng. Tôi rời khỏi bệnh viện, cái thị trấn miền núi đang tưng bừng tiếp rước đoàn người chiến thắng, vào buổi sớm hôm sau. Nắng đã lên và tuyết bắt đầu tan trong thung lũng…

“Chàng chết đi, tôi lại thấy bớt cô đơn hơn khi chàng còn sống, gần chàng muôn nghìn lần hơn khi chàng ở bên tôi. Chàng chết rồi, nhưng chàng đã ở trong tôi. Tôi biết tôi sẽ khởi một cuộc sống mới từ đây, không bằng những bóng hình kỷ niệm chàng để lại mà bằng sự hiện hữu thường trực của chàng”.

 Những năm học trung học tôi có thói quen nghe chương trình “Đọc chuyện đêm khuya” của đài phát thanh Sài Gòn. Một trong những truyện đã nghe là “ĐÒ DỌC” của Bình Nguyên Lộc. Do nghe qua đài phát thanh nên không nghe liên tục vì có hôm bận học hay có việc này việc nọ.

Nhờ chị ba Kim Ngọc, nhân viên tại thư viện Viện đại học Huế tôi mượn được một vài số sách trong đó có cuốn Đò Dọc của Bình Nguyên Lộc.

Đò dọc viết về gia đình ông bà Nam Thành và bốn người con gái. Ông Nam Thành nguyên là thầy giáo làng, gốc ở Bạc Liêu, trôi dạt lên Sài Gòn thời Pháp thuộc những năm 50, kiếm sống bằng nghề bán rương và va-li da cho lính Pháp. Năm 1954, khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, gia đình này phải về quê, tìm cách chăn nuôi và trồng trọt để độ thân. Ông Nam Thành có 5 cô gái ông đặt tên: Hương, Hồng, Hoa, Thơm, Quá. Cô Thơm mất lúc lên ba nên còn lại bốn cô. Về quê thời loạn lạc bốn cô gái có nguy cơ ở góa. Nhưng rồi mọi chuyện êm xuôi, mấy cô gái có được chồng. “Đò Dọc” là câu chuyện kể với nhiều đoạn văn đối thoại với âm ngữ Nam bộ, rất thích hợp để nghe đọc trong đêm khuya.

Tôi còn đọc được một vài truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc: RỪNG NẮM, CHUYỆN BA CON CÁO. Đọc Bình Nguyên Lộc tôi biết thêm về miền Nam cùng các phương ngữ xứ này.

Một hôm chị ba Kim Ngọc đem về hai tập truyện ngắn của Võ Phiến. Đang học dự bị y khoa, bài vở nhiều, học hành căng thẳng, hai tập truyện tôi đọc không hết. Đến nay tôi còn nhớ tên bốn cô gái Hồng, Hoàng, Thanh, Bạch, con gái ông Nghĩa trong truyện ngắn THƯƠNG HOÀI NGÀN NĂM. Ba cô đầu không phải là con của ông, họ có cuộc sống đầy dục vọng, theo lối suy nghĩ bình thường hồi đó có thể gọi là thác loạn, nổi dậy. Riêng cô út Bạch hình như là con của ông, cô Bạch lại khác ba cô chị…

Tôi cũng còn nhớ đến các cái tên dân dã, lạ tai: chị Bốn chìa vôi, anh Ba càng cua, chú Năm cáng vá. Anh Ấm sứt… trong BÀ CON CHÒM XÓM cùng những chuyện kể về những con chim, con rắn, cánh đồng, cây lúa…

Thú thật hồi đó tôi không hiểu hết những câu chuyện của Võ Phiến, nhưng rồi những năm lớn hơn đọc lại mới nhận ra trong truyện của Võ Phiến không như là những gì mình nghĩ hồi còn thơ dại, nó chứa đựng một sự ẩn ức nào đó, một tư duy hiện sinh nào đó mà bản thân mình thấy khó lý giải.

Vào ngày sinh nhật thứ 18, anh tư Đắc Hùng tặng tôi tập truyện ngắn ĐÔI MẮT TRÊN TRỜI của Dương Nghiễm Mậu. “Đôi mắt trên trời” truyện gồm 9 chuyện ngắn: Lấy Máu, Những Chuột, Mỗi Người, Khuôn Mặt Nước Rút, Lời Chúc Cho Kẻ Phản Bội, Giọt Cường Toan, Nói Một Mình, Nước Mắt, Vết Xám, Ám Ảnh Đen.

“Những Chuột” kể về một nhân vật gọi là ông Chệt, làm nghề bắt chuột cho đứa con tên Lai đem lên Sài Gòn bán. Ông Chệt ăn, ngủ cùng chuột. Rồi lúc người dân trong làng chết gần hết vì dịch chuột, con trai, con dâu đều chết…, ông Chệt bắt chuột nhưng không còn ai đem đi bán. Không có tiền ông ăn chuột nướng, rồi ăn cả chuột sống. Bệnh dịch hoành hành, một vị bác sĩ trẻ về bám trụ chữa bệnh cho dân. Một hôm ông Chệt lên cơn điên giết vị bác sĩ rồi nhét chuột và mồm vị bác sĩ, thực hiện hành vi tội ác của mình xong, ông bỏ trốn khỏi làng…

Truyện đọc từ thuở đó đến nay, “nỗi hiện sinh đau buồn, niềm thất vọng tận cùng” của con người trong truyện của ông còn in đậm trong tôi.

Hè 1970, chị ba Kim Ngọc đưa cho tôi tập truyện “NHỮNG GIỌT MỰC” của Lê Tất Điều, chị bảo: “Sách được tặng, chị đọc xong rồi, rất thích, em lấy về đọc”.

Tôi đọc cuốn “Những Giọt mực” một mạch không nghỉ. Các đồ vật trong căn phòng nhỏ như sống cùng với tôi: Ông Bàn, chú Ngăn Kéo, Anh Ghế, ông già Cung Tên, chàng Guốc Mộc, con Quay, Tờ Lịch, Chị Tranh, Cái ô, Bác Đinh, cô Nến Hồng và Lão Dao được tác giả nhân cách hóa một cách thần tình.

Đây không những là cuốn sách dành cho trẻ con mà nó còn dành cho người lớn. Những lời đối thoại, những suy nghĩ sâu lắng sau những sự việc. Xin trích một vài đoạn:

“Xin cám ơn quí vị đã có lòng thương mà khuyên bảo. Thực ra, tôi đâu có sợ cô đơn, tôi chỉ thất vọng vì bỗng dưng mình thành vật vô ích. Phải đứng cạnh thằng kia đời tôi mới có ý nghĩa, số mệnh đã xếp đặt như vậy. Tôi rất ghét phiêu lưu, không muốn làm việc ngoài khả năng, phạm vi mình. Nhưng tôi phải đi tìm thằng bạn, dù nguy hiểm cũng phải đi tìm. May mắn gặp lại nó, chúng tôi trở lại là đôi guốc có ích. Nếu không gặp lại nó, tôi cũng yên tâm rằng những ngày cô đơn tôi không sống như một kẻ tàn phế. Xin vĩnh biệt quí vị”…

Hoặc đoạn cuối của truyện: “Lỗi tại tôi dốt nát, ngu si. Đáng lẽ không nên tin tưởng vào một con dao sắc và độc ác như thế. Tôi sẽ ghi nhớ thêm trong lòng, ở những trang cuối cùng, lời nhắc nhở cậu bé: “Đừng bao giờ đùa nghịch với một con dao và để quên nó trong phòng, nhất là những con dao quỉ quái”.

Hai đứa em kế tôi Kim Dung và Kim Hạnh lại thích mấy tập TUỔI HOA và văn chương chữ nghĩa của Duyên Anh. Nào là: HOA THIÊN LÝ, THẰNG VŨ, THẰNG CÔN, CON SUỐI Ở MIỀN ĐÔNG, ĐIỆU RU NƯỚC MẮT… Nhờ hai đứa em gái tôi đọc được một số truyện của nhà văn Duyên Anh. Trong tập truyện ngắn “Hoa Thiên Lý” tôi thích nhất là truyện Con Sáo Của Em Tôi.

Tôi có người chị họ, chị em cô cậu là một người đẹp ở Hội An, chị Hoàng Thị Kim Chi, chị ấy học trường Luật, chúng tôi có thói quen mỗi chiều chủ nhật, diện áo dài đẹp, thả bộ từ Vỹ Dạ lên trường Đồng Khánh, ăn yaourt ở nhà bà Bửu Tiếp, nhà bà ở trong khuôn viên trường.

Con đường Lê Lợi với nắng chiều vàng, hàng long não xanh bên dòng sông thơ mộng làm thế nào quên được!

Hôm nào đó, trên đường về, có chàng trai trẻ lúng túng đón đường, tặng chị Kim Chi tập “ANH CHI YÊU DẤU” của Đinh Tiến Luyện…

Tôi đọc ké cuốn sách của chị Kim Chi rồi mơ màng về những lời yêu thương ngọt mật. Tôi thương Anh Chi và chàng sinh viên Sài Gòn Thanh Huy cùng mối tình không hồi kết của họ.

Chị Kim Chi còn đưa cho tôi cuốn GIỜ RA CHƠI của Nguyễn Đình Toàn, sách cũng được ai đó tặng nhưng đang là thời gian thi cuối năm, chị Kim Chi không rảnh để đọc. Còn tôi, con sâu, con mọt đọc truyện dù cuối năm hay đầu năm tôi vẫn đọc. Hai nhân vật Thục và Lãm đến nay vẫn ở trong tôi với nhiều mến yêu.

 Gọi là chuyện dài nhưng thật ra cuốn sách mỏng chừng hơn trăm trang, khổ cỡ 12x20cm nhưng thuở đôi mươi tôi đã khóc theo từng trang thư của cô bé Hạnh gởi cho mẹ. Chuyện CHIM HÓT TRONG LỒNG của Nhật Tiến. Tôi đọc và dõi theo tâm trạng của đứa bé không biết cha mình là ai. Đây là một trong những cuốn truyện mà tôi yêu thích.

THỀM HOANG một tác phẩm khác của Nhật Tiến cũng làm tôi đau nhói tim gan, tôi đau theo câu chuyện của người mù hát dạo có tên lão Tốn cùng cậu bé Ích, cô gái làng chơi tên Huệ. Tôi đau khi nhớ đến xóm Cỏ, nơi cùng khổ…

“Trên một khoảng nền đất rộng, những mái lều được dựng lên san sát đang nghiêng ngả dưới những đợt mưa. Nước vẫn xoáy tròn, miết vào đống kèo rui cháy giở, làm rác nổi dềnh lên, táp vào những khoảng thềm hoang trơ trụi đất. Gió thổi ào ạt trong lùm cây, lùa qua những ống nứa ngổn ngang trên đống vật liệu xây cất, văng vẳng nghe như có tiếng sáo trỗi lên ở đâu đây…” (trích đoạn cuối truyện Thềm Hoang).

 Vào những năm đầu của thập niên 70 thế kỷ trước, từ Đà Lạt chị hai Kim Hoa thường gởi về cho chúng tôi những sách truyện chị đã đọc. HOA BƯƠM BƯỚM và NGƯỜI VỀ ĐẦU NON là hai tác phẩm của Võ Hồng, chị gởi qua đường bưu điện về cho chúng tôi. Chị đọc, ghi chú, gạch dưới dòng bằng bút chì những đoạn chị thấy hay.

“Hoa Bươm Bướm” chuyện kể về thời gian Pháp thuộc, thời Nhật chiếm đóng đến thời kỳ kháng chiến với những nhân vật hăng say nhập cuộc cứu nước trong mọi hoàn cảnh. Cẩm Quỳ, Luân, Thức, Mai Trang… với công việc và tình yêu của họ.

“Người về đầu non” Võ Hồng viết về kỷ niệm của mình với người Bác cũng là cha nuôi trong bối cảnh làng quê, mùa gặt, nhà trường… “Có những buổi chiều cô đơn vắng lặng, tôi thả hồn về từng chặng dĩ vãng, thấy lại Bác trong những khung cảnh sinh hoạt quen thuộc, từ gần gũi đến xa xôi, từ lần gặp Bác cuối cùng trí nhớ đi ngược thời gian về đến hình ảnh Bác cầm tay tôi dắt đi trên những con đường âm u cây lá trong vườn, ra cái bến nhỏ để cùng nhìn xuống dòng sông”!

Chị Hai Kim Hoa yêu văn Võ Hồng, yêu những câu chuyện làng quê, yêu chuyện kháng chiến… Với tôi ngòi bút của Võ Hồng thật tuyệt qua rất nhiều nhân vật đơn giản, mộc mạc, thân thương.

 Hoàn tất bậc trung học, chuẩn bị vào đại học (1969), xôn xao quanh chúng tôi là việc xuất hiện tập truyện VÒNG TAY HỌC TRÒ của Nguyễn Thị Hoàng. Như thường lệ, không mua được tôi lại đến chị ba Kim Ngọc nhờ mượn ở thư viện hay đâu đó. Chị Kim Ngọc nói với tôi: “Em đã đọc Bonjour Tristesse của Françoise Sagan chưa? Đã đọc rồi thì thôi không cần đọc “Vòng tay học trò nữa”. Chị không tìm sách cho tôi. Một người bạn thân cũng ham đọc truyện như tôi, bạn Nguyễn Thị Hoài đã cho tôi mượn. Những chương đầu của cuốn sách, với lối viết ngắn gọn, tôi đọc nhanh nhưng đến chừng nửa cuốn, ở tuổi đôi mươi tôi thấy ngượng ngùng, và có lẽ tôi bỏ dở cuốn truyện ngang đó. Tôi chỉ còn mường tượng nhớ những cái tên. Cô Trâm, chàng học trò tên Minh và vài nhân vật khác: Tuân, Thảo, Lưu…

Do dư âm từ truyện “Vòng tay học trò” đọc dở chừng, tôi chưa đọc truyện của Nguyễn Thị Thụy Vũ, một phần cũng vì những năm đầu Y khoa quá bận rộn, một phần do lời khuyên của chị Hai, chị Ba: “Thôi em đừng đọc nữa hãy dành thời gian cho việc học ở trường”.

Tôi có đọc “DẢI KHĂN SÔ CHO HUẾ” và “MƯA TRÊN CÂY SẦU ĐÔNG” của Nhã Ca.

Là người Huế, sống tại Huế suốt thời gian Huế bị chiếm đóng trong Tết Mậu Thân, “Dải Khăn Sô Cho Huế” viết những điều tôi đã biết, câu chuyện kể với giọng Huế, với cái chết đó đây khắp trên đất Thần Kinh, thật sự không làm tôi khóc bằng chính bản thân mình ở trong sự cố đó. Theo tôi “Dải khăn sô cho Huế” chưa nói hết cái đau thương mà người dân ở đây đã chịu đựng, cũng như không lột tả hết được cái gọi là “Tội ác của chiến tranh” của cả hai phe tham chiến. Và cũng có cái gì đó không phải là bút ký hay hồi ức.

“Mưa trên cây sầu đông” kể lại cuộc sống của gia đình bà Phúc Lợi, cuộc tình không rõ ràng của bà với người bạn hàng buôn bán ông Bồ Đào. Cuộc tình của Đông Nghi và Vũ Tuấn. Những buổi trò chuyện qua về của Đông Nghi và những người bạn … Tôi thích “Mưa trên cây sầu đông” hơn “Dải khăn sô cho Huế”.

Nhớ về các nhà văn nữ, tôi yêu thích hơn cả là văn chương của nhà văn Túy Hồng. Có lẽ những dòng viết của bà mang hình ảnh quê hương tôi. Tôi nghe nói nhiều về các tác phẩm của bà như: THỞ DÀI, VẾT THƯƠNG DẬY THÌ, TÔI NHÌN TÔI TRÊN VÁCH, MÙA HẠ HUYỀN…

Tôi đọc Túy Hồng qua những tạp chí Bách Khoa số cũ. Xin trích một vài đoan:

“Anh thời đi…, người Huế khoái thịt gà luộc xé bóp muối tiêu rau răm, còn người Bắc chắc răng nên thích cắn thịt gà chặt khúc chấm muối tiêu. Mình thấy người Bắc khôn hơn… Anh hí, thịt gà xé nhỏ dễ phi tang mất tích, bà nội trợ có ăn chùng trước một miếng cũng không ai biết, còn thịt chặt ra từng miếng theo cách Bắc thì chịu, không ăn chùng được, thịt chặt ra rồi còn phải sắp lại cho có thứ tự, theo hình cũ cho tử tế, sắp lên đĩa cho bà gia hoặc chồng đếm lại, kiểm soát, mất một miếng là lòi ra ngay…” (Thở dài).

“Những đêm rằm, tôi chèo thuyền về xóm Đập Đá đất khô cứng, ngó xuống thôn Vĩ Dạ xanh um hàng cau lả mình trong gió đa tình, trong ánh trăng Hàn Mạc Tử, lòng thấy nhớ những cuốn sách dày, những tập thơ mỏng, những tên tuổi người viết lách…

Những ngày thứ bảy, tôi phóng xe đạp lên đồi Vọng Cảnh, hướng về điện Hòn Chén, thả tầm mắt ngắm núi Ngự Bình trọc đầu, nhìn xa xa về cửa Thuận An, rồi đăm chiêu ngắm Thành Nội êm đềm tĩnh lặng…” (Võ Phiến – Người xứ nẫu).

***

Nhắc lại những trang sách cũ không thể không kể đến những tạp chí: Tuần san, Bán nguyệt san và Nguyệt san.

Thời học tiểu học, cha mẹ tôi, anh chị lớn đọc: PHỔ THÔNG, VĂN HÓA NGÀY NAY. Đến nay tôi chỉ còn nhớ đến những cái bìa in màu mà lúc đó tôi cho là đẹp cứ mân mê, mà không đọc được lấy một trang.

Thời trung học cấp hai, chị hai Kim Hoa đặt mua báo cho chúng tôi gồm các loại TUỔI HOA (nguyệt san rồi sau đó là bán nguyệt san). Lên cấp ba chị Kim Hoa đặt mua thêm bán nguyệt san VĂN và bán nguyệt san BÁCH KHOA. Thỉnh thoảng chị còn gởi về các số rời tạp chí TƯ TƯỞNG, VẠN HẠNH, SÁNG TẠO mà chị đã đọc.

Xin mở một ngoặc đơn viết tí chút về người chị kính yêu: Cha tôi mất sớm, năm tôi lên 13, chị hai Kim Hoa vừa xong trung học, không học tiếp, chị chọn học cao đẳng Bưu Điện rồi đi làm, phụ giúp mẹ chăm lo các em. Ngoài việc sắm sửa áo quần, giầy dép, sách vở chị còn quan tâm đến học vấn, tâm hồn các em bằng cách đặt mua các sách báo và gởi về cho chúng tôi đọc hàng tháng, hàng năm.

Tạp chí Văn và tạp chí Bách Khoa xem như là người bạn tinh thần của các anh chị em chúng tôi thời buổi đó.

Qua Văn, Bách Khoa, Tư Tưởng, Vạn Hạnh, Sáng Tạo… tôi biết thêm nhiều về thơ ca, truyện ngắn, truyện dài, biên khảo, các bài viết về triết học.

Tôi đã đọc những đoạn viết về chiến tranh của Thế Uyên qua các tạp chí này. Tôi nghe nói nhiều đến Thế Uyên với NHỮNG HẠT CÁT, MƯA TRONG SƯƠNG (kịch), TIỀN ĐỒN, rất tiếc là mình chưa có cơ hội để đọc các truyện của ông.

Với Duy Lam cũng vậy, tôi đọc văn ông qua các tạp chí. Tôi biết có: các tập truyện: GIA ĐÌNH TÔI, CÁI LƯỚI…, là những tác phẩm hay của ông nhưng tôi chưa có dịp đọc.

 Sách là người bạn cung cấp thức ăn tinh thần mà bất cứ ai nếu có điều kiện không nên bỏ lỡ. Có một thời làm bạn với những trang sách như thế. Tôi nhớ vô cùng!

***

Phần II

Thuở còn thơ, những buổi chiều vàng, bơi dọc theo dòng Hương, hái những trái mâm xôi chín đỏ, tôi thường bơi ngang qua bến của các cô tôn nữ: Phùng Khánh, Phùng Thăng, Á Nam, Lai Huyền Lục, Phương Chi, Phương Thảo… Tôi ngắm nhìn các chị hong tóc trong nắng chiều bên bến nước, tôi ngắm nhìn các chị đọc sách trong những khu vườn xanh mướt.

Tôi say mê sách vở, chữ nghĩa từ ngày ấy.

Năm 1966 khi lên cấp ba trung học, cô Phùng Khánh người thầy khai tâm của tôi tặng tôi cuốn sách mà cô là dịch giả: “CÂU CHUYỆN CỦA DÒNG SÔNG”(1), (Siddhartha – của Hermann Hesse – Lá Bối xuất bản năm 1965).

Thú thật khi đọc lần đầu, “Câu chuyện của dòng sông” không thu hút tôi lắm. Tôi quên đi.

Năm 1970 nhân một chuyến về Huế, ni sư Trí Hải tặng tôi cuốn: “BẮT TRẺ ĐỒNG XANH” do cô dịch từ “The Catcher in the Rye” của Jerome David Salinger, Thanh Hiên xuất bản năm 1967. Tôi đọc say mê cuốn sách này, cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ một đoạn giới thiệu:

“Bắt được hay bắt gặp một đứa trẻ băng qua một cánh đồng xanh, qua giọng kể khề khà của tác giả, là mộng tưởng tuyệt vời của nhân vật, cũng là mộng tưởng tuyệt vời của tuổi trẻ, vì đấy chính là bắt gặp thiên đàng tuổi thơ. Thiên đàng xanh của tuổi thơ đã thất lạc hoàn toàn khi cuộc sống đều bị nhiễm độc, vây bủa bởi những bọn nửa người – nửa ngợm (phony) trong một xã hội máy. Trong khung cảnh đó, tiếng cười của Caulfield vụt vã xô dạt, hư vô về ngự trị. Và khi chạm phải hư vô cùng độ, nhân vật biến nụ cười thành điệu khóc”…

Năm 1972 khi học năm thứ ba trường Y, trong một đêm trực cuối tuần tại khoa sản, tôi đã chứng kiến cảnh người cha ôm xác đứa con vừa chào đời, quấn trong tấm khăn lông đỏ, thất thểu bước đi trong tiếng nấc. Trong tôi niềm yêu thương dâng trào, nỗi đớn đau thân phận con người ngút dậy.

Trọn hai ngày cuối tuần sau đó tôi đã dành thời gian đọc lại cuốn: “Câu chuyện của dòng sông” . Lúc này đây từng chữ, từng câu của cuốn sách thấm đẫm trong tôi:

“… Cạnh những con thuyền, dưới ánh nắng ven sông, trong bóng cây cổ thụ… Này Thiện Hữu. Chúng ta đã đi đúng đường chưa? Chúng ta có tăng thêm tri thức không? Chúng ta gần đạt đến giải thoát chưa? Hay chúng ta chỉ đang đi trong những vòng luân hồi – trong lúc chúng ta đang nghĩ cách thoát khỏi?…

“Có một cây dừa trên bờ sông; Tất Đạt ngồi dựa vào cây ấy, choàng tay qua thân cây và nhìn xuống dòng nước lục chảy bên dưới… Chàng thương mến nhìn dòng nước chảy, nhìn màu xanh trong suốt, những đường pha lê vẽ nên bức tranh thần tình trong lòng nước…

“Thiện Hữu cúi thấp. Những giọt nước mắt khôn ngăn rỉ xuống gương mặt già nua. Chàng thấy tràn ngập một cảm giác yêu thương lớn rộng, tràn ngập niềm kính cẩn. Chàng phủ phục quì trước con người đang ngồi bất động, mà nụ cười nhắc chàng nhớ đến mọi sự chàng đã từng yêu thương trong cuộc sống, mọi giá trị và thánh thiện trong đời chàng”… (2)

Những dòng chữ chậm chậm chảy như dòng nước, tôi đã rưng rưng.

***

Từ Đà Lạt chị hai Kim Hoa gởi về cho tôi hai tập sách:

Nhật Ký ANNE FRANK do Bửu Ý dịch – An Tiêm xuất bản 1963.

HOÀNG TỬ BÉ – Le Petit Prince của Antoine de Saint Exupéry – Bùi Giáng dịch – An Tiêm xuất bản 1966.

Hai cuốn sách là món quà của chị Hai tặng khi tôi vào đại học. Tôi thích thú đọc, bao nhiêu là câu hỏi, bao nhiêu là ước muốn, bao nhiêu là mộng tưởng nẩy sinh trong tôi.

Vào thời điểm này đây, sống trong khu vườn rộng có cây trái lá hoa, có dòng sông sau nhà trong xanh, đọc Nhật Ký Anne Frank đôi lần tôi đã khóc. Tôi thật sự rung động với những đoạn viết của cô bé 13 tuổi tâm sự cùng một người bạn tưởng tượng có tên là Kitty:

Xin trích một vài đoạn viết của Anne Frank:

“Thứ tư 24-6-1942

Kitty thân mến,

Tiết trời đại hạn! Ngột ngạt chín người, ai nấy thở không ra hơi. Nóng thế mà đi bộ trọn mấy quãng đường. Giờ tôi bắt đầu hiểu chiếc xe buýt là một của quý biết bao, nhưng cái thú này, người Do Thái chúng tôi không còn được hưởng. Chúng tôi phải bằng lòng với đôi chân mình vậy”…

“Thứ năm 9-7-1942

Kitty thân mến,

Thế là lên đường dưới làn mưa quất mạnh. Bố Mẹ mỗi người đèo một xắc đồ dự trữ không biết đầy ứ những gì, còn tôi với chiếc cặp đầy muốn nứt.

Thợ thuyền làm sớm nhìn chúng tôi mà thương hại: khuôn mặt họ tỏ ra tiếc không thể giúp một phương tiện chuyên chở nào: ngôi sao màu vàng của chúng tôi đã đủ nói lên tất cả”…

“Thứ ba 29-9-1942

Kitty thân mến,

Hạng người ở ẩn bày ra những trò thí nghiệm quái gỡ! chúng tôi không có bồn tắm, Kitty à, nên mới rửa ráy trong một cái chậu lớn. Và vì có nước ở văn phòng (ở đây tôi muốn nói cả tầng lầu dưới) cả thảy bảy người thay phiên sử dụng…”

“Thứ bảy 15-1-1944

Kitty thân mến.

…Tôi không ngớt tự hỏi sự sống chung với người khác, dù họ là ai, bắt buộc phải đưa đến cãi cọ hay sao. Hay có lẽ chúng tôi đặc biệt gặp nhằm người? Thế phần lớn người ta là ích kỷ keo kiệt sao? Có thể tôi được ở vào chỗ tốt để thu thập kiến thức nào đó về con người… Sự xích mích của chúng tôi, sự khao khát không khí và tự do của chúng tôi… Và tôi có một mong muốn cực lớn là vẫn được hưởng thụ những năm tháng làm nữ sinh.

Chào Kitty – Anne”

“Thứ sáu 26- 5- 1944

…Hơn một lần, tôi tự hỏi, đối với tất cả chúng tôi, đừng trốn tránh mà chết phứt lúc này có phải hơn không, còn hơn trải qua tất cả lầm than này, nhất là đối với các người che chở chúng tôi, ít ra là họ đâu phải lâm nguy. Ý tưởng ấy đã làm chúng tôi chùn lại, nhưng chúng tôi vẫn còn yêu đời, chúng tôi không quên thanh âm của thiên nhiên, chúng tôi còn hy vọng đối với tất cả và bất chấp tất cả. Điều gì đó hãy đến thật nhanh đi, bom cũng được nếu cần, bởi bom chẳng thể đè bẹp chúng tôi nỗi niềm lo sợ này. Kết thúc hãy đến, dù tàn bạo, ít ra chúng tôi biết được, tàn cuộc chúng tôi phải thắng hay tiêu tan.

Chào Kitty – Anne”.(3)

***

Tôi như bay bổng với bao ước mơ khi đọc Hoàng Tử Bé. Tôi mơ hành tinh mà tôi đang ở có thật nhiều hoa yêu thương, có thật nhiều lồng đèn thắp sáng ở mọi nơi, tôi mơ đi đến những nơi xa lạ với bầu trời đầy sao, tôi đã mơ và tôi đã mơ rất nhiều điều.

“Hoàng tử bé băng qua sa mạc và chỉ gặp một đóa hoa. Một đóa hoa ba cánh, một đóa hoa nhỏ nhít tí tẻo.

“Chào hoa ngày lành”, hoàng tử bé nói.

“Chào chú ngày lành”, đóa hoa nói.

“Người ta ở đâu?”, hoàng tử bé lễ phép hỏi.

Đóa hoa, vốn từng có thấy một đoàn lữ khách đi qua:

“Ngươi ta? Hình như có chừng độ sáu, bảy chi đó. Cách đây bao năm rồi, ta có thấy thoáng họ đi qua một lần. Nhưng làm sao mà tìm ra họ được. Gió đưa đẩy họ đi. Họ không có rễ, điều đó gây nên khó khăn bối rối cho họ rất nhiều.”

“Vĩnh biệt”, hoàng tử bé thốt.

“Vĩnh biệt”, đóa hoa nói…

“Hoàng tử bé, một khi ghé địa cầu, đã ngạc nhiên vô cùng vì chẳng thấy bóng một ai cả. Chàng đã e sợ mình nhầm lẫn hành tinh, thì chợt thấy một cái vòng khoanh màu nguyệt bạch, rục rịch trong cát.(4)

Một tác phẩm khác của Antoine de Saint – Exupéry là Terre Des Hommes, sách do cha Pettitjean tặng tôi khi xong trung học, tiếng Pháp. Vốn liếng tiếng Pháp của tôi (sinh ngữ 2) đọc lõm bõm chỉ hiểu được chừng 70%.

Thời gian này trong bạn bè, học sinh, sinh viên trao đổi nhau rất thích thú nhóm từ: “Cõi người ta” của Bùi Giáng dịch từ nhóm từ “Terre des hommes”.

Thế là tôi đến nhà sách Ưng Hạ tìm mua cuốn sách CÕI NGƯỜI TA mà Bùi Giáng dịch từ TERRE DES HOMMES, của nhà xuất bản Quế Sơn năm 1960.

Quả thật tôi rất hào hứng với bản dịch này. Xin trích vài đoạn:

“… Trong bóng tối bao la mờ mịt, mỗi ánh đèn báo hiệu mỗi hiện diện huyền diệu của mỗi tâm linh. Chốn này người ta đang xem sách, người ta đang suy tưởng, người ta đang thổ lộ tâm tư. Nơi kia có lẽ người ta đang dò dẫm không gian, người ta đang mỏi mòn trước những con số, tính toán mãi về tinh vân Andromède. Chốn nọ, người ta đang yêu đương. Đó đây, lác đác trên cánh đồng, những ánh lửa đang đòi hỏi được nuôi dưỡng, giữ gìn. Cho đến cả những ánh đèn kín đáo nhất, của nhà thơ, của nhà giáo, của người thợ mộc. Nhưng giữa đám sao ràn rạt sống động kia còn biết bao cánh cửa kín bưng, biết bao tinh cầu tắt lịm, biết bao con người ngủ say.

Phải gắng làm sao tiếp ứng nhau.

Phải gắng thử tương giao với một vài đốm lửa đang thưa thớt cháy trong cánh đồng bình lặng dưới kia…”.

“Cho dẫu hành trình sau trước vẫn bình yên, người phi công yên dặm bay nào đó, cũng không hề nhìn phong cảnh như ngắm cảnh tượng trước nhãn quan. Những sắc màu trên mây, những sắc màu trước mắt, những dấu vết gió dàn trên mặt biển, những bóng hoàng vân hoặc ráng đỏ chiều hôm, đâu có phải để cho mình thưởng ngoạn, chính là để cho người suy tưởng, ưu tư. Cũng như thế người nông dân đi xem xét ruộng đồng, còn phải chú ý đoán thời tiết, coi chừng qua trăm nghìn tiên triệu, nhịp động của xuân đi, xuân đến, của băng giá hăm dọa đường về, của mưa dầm đang tới, thì phi công cũng vậy, cũng phải xem dò dấu hiệu mà đo bước tuyết về, mù sa sắp phủ, hoặc đêm sắp tới sẽ hạnh phúc hồng vàng…

Máy móc ban sơ tưởng như chừng xui anh lìa xa những vấn đề thiên nhiên lớn rộng, thật ra lại buộc người quy phục vào đó một cách nghiêm mật hơn. Một mình giữa tòa án mênh mông mở ra một con bão dậy, người phi công phải binh vực khối thư tín của mình trước lời kết tội của ba hung thần sơ thủy: non ngàn, biển thắm và bão going”.

***

Vào những năm cuối của thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, tôi và những người bạn cùng trang lứa đọc say sưa “GIỜ THỨ HAI LĂM” của nhà văn Constantin Virgil Gheorghiu người Roumanie do Lê Ngọc Trụ và Lê Thị Hay dịch, sách do Thời Nay xuất bản 1963.

“Giờ thứ hai lăm” là tác phẩm đầu tay của nhà văn Constantin Virgil Gheorghiu. Cuốn sách đưa ra những nhận định: Rằng thế giới máy móc sẽ làm mất đi tình người. Rằng thân phận của con người trong chiến tranh thật là bi đát. Tác giả còn trình bày cho chúng ta thấy sự tàn bạo dã man của Hồng quân Sô Viết khi họ tràn qua tàn sát người dân Đông Âu.

Theo tôi thời đoạn này, e rằng cuốn sách vẫn còn nguyên tính thời sự.

Chúng tôi chuyền tay nhau đọc: “MẶT TRẬN MIỀN TÂY VẪN YÊN TĨNH” – “A L’ouest rien de nouvean” của Erich Maria Remarque, Phạm Trọng Khôi dịch – Lá Bối xuất bản năm 1969.

Câu chuyện tự thuật của nhân vật Paul Bäumer một thanh niên 19 tuổi tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất, có lúc anh nói với xác chết của kẻ thù mà anh đã hạ gục:

“Này anh bạn, mình có muốn giết cậu đâu… Tại sao người ta không nói cho bọn mình biết rằng chính các cậu, các cậu cũng chỉ là những con chó khốn khổ như bọn mình, rằng các bà mẹ của các cậu cũng đau khổ như mẹ chúng mình, rằng chúng ta đều sợ chết như nhau, đều chết một cách giống nhau, chịu những nỗi đau đớn như nhau? Bạn ơi, hãy tha thứ cho mình; tại sao cậu lại có thể là kẻ thù của mình? Nếu chúng ta bỏ những vũ khí và bộ quân phục này đi, thì cậu rất có thể là người anh em của mình”…

“GIÃ TỪ VŨ KHÍ” – A Farewell to Arms – của Ernest Miller Hemingway. Đến nay tôi không nhớ tên dịch giả là ai (hình như là trước 1975 tác phẩm có tên là Vĩnh Biệt Chiến Trường do Nguyễn Lương Sắc dịch?). Tôi nhớ cuộc tình của viên sĩ quan Frederic Henry người Mỹ và Catherine Barkley y tá người Anh, ký ức về tình yêu trong chiến tranh của họ đẹp đến nỗi tôi mong chiến tranh qua đi để họ tái hợp, nhưng câu chuyện đã không là như thế.

Một cuốn sách khác của E.M Hemingway: “CHUÔNG NGUYỆN HỒN AI” (Whom the bells tolls). Nếu tôi nhớ không lầm, có hai bản dịch đầu sách này: “Chuông gọi hồn ai” của Huỳnh Phan Anh dịch năm 1972 và “Chuông nguyện hồn ai” bản dịch của Nguyễn Vĩnh – Hồ Thể Tần năm 1963.

Chuông Nguyện Hồn Ai là một bản anh hùng ca về cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Tây Ban Nha chống lại bọn phát xít Franco bảo vệ chế độ Cộng Hòa, một cuộc chiến kéo dài từ năm 1936 tới năm 1939.

Qua câu chuyện, cuộc tình của Robert Jordan một chiến sĩ người Mỹ trong Lữ đoàn quốc tế và cô du kích người Tây Ban Nha Maria cùng chiến đấu cho mục tiêu và lý tưởng của họ.

Những đoạn độc thoại nội tâm của các nhân vật và những dòng trữ tình trong cuốn sách khiến khi đọc Chuông nguyện hồn ai những suy nghĩ của tôi sinh động và phong phú, lôi cuốn theo cốt truyện khó dừng lại được.

Một cuốn khác của E.M Hemingway là The Old Man And The Sea –  NGƯ ÔNG VÀ BIỂN CẢ do Mặc Đỗ dịch nhà xuất bản Đất Sống xuất bản năm 1973.

Sách được thầy dạy Anh văn năm đệ nhị trích dẫn. Chuyện kể về một ông già đánh cá người Cu-ba đã chiến đấu trong ba ngày đêm với con cá khổng lồ trên một vùng biển và khi ông câu được nó vào ngày thứ ba, ông dùng lao đâm chết được con cá, buộc nó vào mạn thuyền và lôi về, nhưng đàn cá mập đánh hơi thấy và lăn xả tới, ông lại đem hết sức tàn chống chọi với lũ cá mập. Ông giết được nhiều con, đuổi được chúng đi, nhưng con cá của ông chỉ còn trơ lại một bộ xương khổng lồ khi ông kéo lên bờ…

“Giờ thứ hai lăm”, “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”, “Giã từ vũ khí”, “Chuông nguyện hồn ai”, ‘Ngư ông và biển cả” và nhiều chuyện khác …

Những trang sách nói lên thân phận giống chúng tôi trong cuộc chiến chưa biết hồi kết thúc.

***

Theo học trường Y, những đêm trực, những câu chuyện không lối thoát của bệnh nhân, những chọn lựa, những lời an ủi, giải thích cần phải có, khiến chúng tôi gần hơn với những trang sách nghe chừng như khó đọc, nhưng đọc rồi chúng tôi tìm được những câu trả lời, có khi rõ ràng mạch lạc, có khi mơ hồ, rối rắm. Chúng tôi tìm đọc những tác phẩm của Albert Camus, Françoise Sagan, John Ernst Steinbech.

LƯU ĐẦY VÀ QUÊ NHÀ (L’ exil et le Royaume)  của Albert Camus – dịch giả  Vũ Đình Lưu – Giao Điểm xuất bản 1957.

Lưu Đầy và Quê Nhà là tập truyện gồm hai cuốn: Cuốn I gồm các truyện: “Người Đàn Bà Ngoại Tình” (La Femme Adultère), “Kẻ Phản Đạo” (Le Renégat ou Un Esprit Confus), “Những Người Câm Lặng” (Les Muets). Cuốn II gồm các truyện: “Người Khách Trọ” (L’Hôte), “Jonas hay là Người Nghệ Sĩ lúc Sáng Tác” (Jonas ou L’artiste au Travail), “Mầm Đá” (La Pierre Qui Fousse).

L’exil: lưu đày, Royaume: quê nhà. Hai từ lưu đày và quê nhà trong truyện ngắn “La femme aldultère” trong tập L’exil et le Royaume xuất hiện trong khái niệm của Janine, người đàn bà theo chồng đi buôn ở một thành phố Ả Rập, nơi bao quanh toàn sa mạc hoang vắng. Một đêm nàng một mình rời khỏi khách sạn nơi nàng cùng chồng đang lưu trú, nàng chạy đến một pháo đài hoang, nàng leo lên cao ngắm nhìn sa mạc, nàng tự do thưởng thức sự yên lặng, mênh mông, thực hư lẫn lộn trong tâm hồn nàng, nàng yêu thích nơi này không muốn trở lại khách sạn tiếp tục cuộc sống cùng chồng, nhưng rốt rồi nàng cũng phải trở về.

Trong tâm cảnh của nàng nhà và không nhà là tâm giới chứ không phải là cảnh giới.

KẺ XA LẠ (L’etranger) của Albert Camus, dịch giả

Dương Kiền và Bùi Ngọc Dung – Đời Nay xuất bản 1965. Qua Người xa lạ, nhân vật Meursault hoàn toàn xa lạ với chính mình, với thế giới, với cái chết, với tình yêu và với mọi mối quan hệ xã hội. Meursault thờ ơ, không đau xót trước cái chết của mẹ, Meursault quan hệ tình dục trong ý niệm thể xác… Trong sự vô nghĩa của đời sống con người, Meursault phạm tội giết người, trên con đường đến với cái chết, Meursault đã đi qua vô thức, tỉnh thức và cuối cùng là nổi loạn, phản kháng.

DỊCH HẠCH (La Peste) của Albert Camus, dịch giả Hoàng Văn Đức – Thời Mới xuất bản 1966.

Tại thành phố Oran bị dịch chuột. Trước sự lây lan mau lẹ của bệnh, các bác sĩ trong mọi cố gắng khống chế dịch nhưng rồi cũng đành bó tay.

Nhà cầm quyền tại Oran ra lệnh cô lập thành phố, cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài. Thế nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn:

Có người sợ bênh, sợ chết sống trong hãi hùng.

Có người tìm những thú vui để quên nỗi lo âu.

Có người lợi dụng bệnh tật để làm giàu không chút áy náy.

Có người dũng cảm, đầy yêu thương dù với phương tiện ít ỏi vẫn kiên trì chống chọi lại sự hoành hành của dịch bệnh.

Cuốn sách còn cho thấy dịch bệnh trong mỗi con người: dối gian, kiêu ngạo, tham lam, ghen ghét: chúng chỉ chờ cơ hội bùng phát nếu chúng ta không biết làm chủ chính mình.

Một tác phẩm mà chúng tôi đọc ít nhất hai hoặc ba lần rồi suy ngẫm lâu dài: “CỦA CHUỘT VÀ NGƯỜI” (Of Mice And Men) của John Ernst Steinbech. Sách do Hoàng Ngọc Khôi và Nguyễn Phúc Bửu Tập dịch, hình như vào năm 1967, với tựa đề “Của Chuột Và Người”, không nhớ nhà xuất bản nào.

Trong bối cảnh nước Mỹ đang thời suy thoái vào những năm cuối thập niên 30 của thế kỷ XX, cuốn sách tái hiện số phận chung của toàn bộ lớp người nghèo, dân lao động, dân di cư ở nước Mỹ. Hai nhân vật George và Lennie cô đơn trong một xã hội đầy bất trắc, lang thang đi kiếm việc trong mơ ước chung có một trang trại riêng để lao động kiếm sống. George thực tế, khôn ngoan, từng trải. Lennie sức vóc khỏe mạnh nhưng lại thiểu năng trí tuệ, tin vào sự che chở của George. Nhưng rồi mọi hy vọng của họ đã bị kết liễu ngay khi số phận đẩy Lennie ngờ nghệch đến chỗ gây ra tội giết người, để rồi từ đó hy vọng lao thẳng tới thất vọng và tất cả rơi vào một kết cục bi thảm không thể vãn hồi.

Một tác phẩm khác của John Steinbech mà tôi được đọc là “CHÙM NHO UẤT HẬN” (The grapes of the wrath) do Võ Lang dịch, Khai Trí xuất bản năm 1972.

“Chùm nho uất hận” phản ánh những biến đổi sâu sắc trong nông thôn nước Mỹ khoảng những năm đầu thế kỷ 20 dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của thời đại công nghiệp hóa.

Chùm nho uất hận đưa độc giả tới bang Oklahoma Đông nước Mỹ vào một mùa hè oi bức khi những gia đình tiểu chủ ở đây bị tịch thu đất đai và buộc phải rời bỏ ruộng đồng để di cư về miền Tây sinh sống.

Trong hoàn cảnh khốn khó đến cùng cực, tình người vẫn thể hiện như nó vẫn có. Khi đọc đến đoạn mô tả cảnh con gái của gia đình Rozahan trên đường di tản, cô có thai, sinh non, con chết, gia đình đưa cô vào trú trong một nhà kho, cô vừa ngấm lạnh vừa đói gần như kiệt sức, tại đây họ gặp hai người đàn ông, một già, một trẻ. Người già đã gần như lả đi sau nhiều ngày nhịn đói. Thấy Rozahan bị ướt lạnh, anh thanh niên nhường chiếc chăn duy nhất của mình cho cô. Phần cô gái động lòng thương cảm, với sự khuyến khích của mẹ, Rozahan đã đi đến một quyết định mạnh bạo là ghé bầu vú căng sữa của mình vào miệng ông già đang kiệt sức. Tôi đã khóc.

Ngoài ra chúng tôi còn đọc các tác phẩm dịch khác như KHUNG CỬA HẸP (The narow corner) của Andre Gide – Bùi Giáng dịch. KIẾP NGƯỜI (Of human Bondage) – Nguyễn Hiến Lê dịch, PAPILLON NGƯỜI TÙ KHỔ SAI của Henri Charière do Thái Huy Quang dịch, Vàng Son xuất bản năm1973…

***

Chúng tôi còn được tiếp cận một góc văn học Nhật qua một số dịch phẩm. Những cuốn sách này đa phần khó đọc, nhưng không phải không cuốn hút. Chúng tôi thưởng thức những áng văn đẹp như mây mùa thu, thanh thoát như mảng tuyết trắng ngần, rạng rỡ như những đóa hoa xuân, cằn cỗi như những đụn cát trải dài.

NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG CỒN CÁT (Woman in the dune) của Kobo Abé – Trùng Dương dịch – An Tiêm xuất bản năm 1971.

Câu chuyện kể về một nhà côn trùng học bị bắt cóc, ông bị đưa vào ở trong ngôi làng bị cát vùi lấp mà hàng đêm cư dân ở đây phải dốc toàn lực hốt cát. Nhà côn trùng học sống chung trong một hố cát cùng một người đàn bà chết chồng. Câu chuyện xảy ra giữa họ vô cùng phức tạp từ ăn nghỉ, tắm rửa đến yêu đương. Ban đầu người đàn ông tìm mọi cách trốn thoát, hai lần trốn thoát đều bị bắt lại. Lần thứ ba ông trốn được nhân dịp dân làng bận rộn đưa người phụ nữ sống cùng ông đi bệnh viện do cô có thai ngoài tử cung, ông đã trốn thoát, dân làng lơ để ông đi nhưng ông đã quyết định ở lại nơi này.

Sáng tác của Kobo Abe hiện đại và phá cách, gần như khác hoàn toàn với mỹ quan truyền thống Nhật Bản. Như hầu hết tác phẩm của Abe, “Người đàn bà trong cồn cát” tạo hình tượng vừa cụ thể lại vừa siêu thực để diễn tả sự mâu thuẫn trong nội tâm con người. Mỗi độc giả sẽ tìm được ở quyển sách này một ý nghĩa cho riêng mình.

XỨ TUYẾT – Snow Country – của Yasunari Kawataba – Chu Việt dịch – Trình Bày xuất bản năm 1970.

Xứ Tuyết là câu chuyện của một người đàn ông có tên là Shimamura, ông ta đến vùng phía Tây Nhật nơi có nhiều tuyết trong các mùa thu, xuân và đông để thưởng thức cảnh đẹp và trò chuyện cùng các kỹ nữ. Qua các chuyến đi câu chuyện được mô tả lại thực thực, hư hư qua ánh sáng phản chiếu…

Xin trích lại đôi dòng trong bản dịch của Chu Việt.

“…Khoảng trời tối sẫm phía trên những rặng núi hãy còn day dứt một vài vệt đỏ tía. Xa xa phía chân trời, những đỉnh núi còn in lên những hình dáng rõ rệt, nhưng phong cảnh rừng núi gần hơn loang loáng trải ra đều đều và buồn hiu qua những dặm đường không nhìn thấy gì rõ, không còn lấy một sắc mầu. Tuyệt không còn một chút gì để đưa mắt nhìn. Phong cảnh bềnh bồng trôi qua trong một cảm xúc mơ hồ và quạnh hiu mênh mông, chìm ẩn dưới khuôn mặt đẹp gợi cảm và dạt ra chung quanh. Hình ảnh hư ảo ấy khiền cho khuôn mặt trông như trong suốt, nhưng có thật nó trong suốt không? Shimamura cố gắng tìm hiểu, có lúc chàng tưởng chừng phong cảnh như hiện ra trên gương mặt, nhưng những hình ảnh trôi qua mau lẹ khiến chàng không biết chắc ảo giác ấy có thật không”.

“Đó là lúc một ánh lửa xa xôi bỗng ngời sáng ngay giữa khuôn mặt. Trong sự phản chiếu chập chùng, hình ảnh khuôn mặt không đủ sáng để làm át ánh lửa đi nhưng ánh lửa cũng không sáng đến độ làm cho khuôn mặt chìm xuống dưới. Ánh lửa di động lần lần ngang qua khuôn mặt. Đó là một ánh lửa lạnh lẽo lấp lánh ở xa xôi. Và khi những tia sáng yếu ớt của nó rọi ngay chính giữa tròng mắt của người con gái, ánh nhìn lẫn với ánh lửa xa, con mắt ấy tưởng chừng như một đốm lân tinh đẹp huyền ảo đang vật vờ trên trùng dương núi rừng buổi tối”.

Xứ Tuyết thực sự là bản giao hưởng ngân vang trong lòng người một nỗi u buồn, một hoài niệm về cái đẹp.(5)

***

Truyện dịch của Trung Hoa là một mảng văn học mà chúng tôi yêu thích. Thuở đó chúng tôi đọc hai loại: Một là truyện cổ Trung Hoa như Hồng Lâu Mộng, Thủy Hử, Tây Du Ký… Một của Pearl Sydenstricker Buck: Gió đông gió Tây (East Wind West Wind), Yêu muộn (Pavilion of women). Người Mẹ (The Mother), Người Cung Nữ (Imperial Woman) và nhiều chuyện khác.

HỒNG LÂU MỘNG: Hồng Lâu Mộng nguyên tác của Tào Tuyết Cần do Nguyễn Quốc Hùng dịch, nhà xuất bản Chiêu Dương ấn hành năm 1965 tại Sài Gòn.

Tập sách gồm 12 quyển này là của người anh họ Huỳnh Đắc Tân tặng khi tôi thi đỗ tú tài phần I.

Dưới ánh đèn dầu tù mù của những ngày sau tết Mậu Thân (1968), tôi đọc mê mẫn những tập tập truyện này. Một cuốn tiểu thuyết có đến 448 nhân vật trong vương phủ họ Giả: Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa, Giả Nguyên Xuân, Vương Hy Phượng… Những nhân vật xuất hiện dưới ánh đèn tù mù ngày đó và bây giờ vẫn còn ẩn hiện tù mù. Giả Bảo Ngọc, Chân Bảo Ngọc, giả và chân…

THỦY HỬ – nguyên tác của Thị Nại Am – Á Nam Trần Tuấn Khải dịch. Tôi không còn nhớ tác phẩm này là của nhà xuất bản nào và xuất bản khi nào. Tôi chỉ còn nhớ vào những năm học trung học đệ nhất cấp chúng tôi chuyền tay nhau đọc những tập sách khổ lớn đóng tập bằng chỉ cước, 108 anh hùng Lương Sơn Bạc: Tống Giang, Lỗ Chí Thâm, Lâm Xung, Lý Quì, Tiểu Cái… những cái tên chúng tôi nhớ nằm lòng.

GIÓ ĐÔNG – GIÓ TÂY (East wind – West Wind) Sách do Ngày Nay xuất bản năm 1966.

Truyện mô tả Quế Lan, một phụ nữ Trung Hoa và những thay đổi mà cô và gia đình đã trải qua. Tác giả mô tả sự khác biệt trong cuộc sống hôn nhân giữa Trung Hoa và phương Tây.

Sau cùng Quế Lan gỡ bỏ tháo chân (bỏ tập túc bó chân) và anh trai cô không chấp nhận từ bỏ người vợ Mỹ. Họ phải đấu tranh thay đổi quan niệm xưa cũ để có cuộc sống hạnh phúc hơn.

YÊU MUỘN (Pavilion of women) – Văn Hòa – Thiên Văn dịch – Sống Mới xuất bản 1969.

Yêu muộn diễn tả mối tình của bà Vũ với vị giáo sĩ ngoại quốc mà bà thuê dạy con trai thứ ba học. Đọc Yêu Muộn, qua các cuộc nói chuyện của bà Vũ với vị giáo sĩ chúng ta bắt gặp các nền văn hóa đa dạng, những tục lệ cổ của người Trung Hoa. Chúng ta cũng sẽ thấy sự biến đổi trong tâm hồn của bà Vũ, một người Á đông trong thời buổi giao thoa văn hóa giữa các vùng miền khác nhau trên thế giới.

***

Về văn học Nga tôi chỉ đọc được hai cuốn đó là “BÁC SĨ ZHIVAGO” do Trương Văn – Song Tích dịch có lẽ từ bản tiếng Pháp (?) “Docteur Zhivago” của Boris Pasternak – do Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa xuất bản năm 1959.

Truyện kể về nhân vật Yury Zhivago, qua các thời kỳ lịch sử nước Nga những năm đầu thế kỷ hai mươi và cuộc tình của Yury Zhivago cùng Lara Guishar, một mối tình đẹp, lãng mạn và đầy nước mắt. Qua câu chuyện chúng ta cũng thấy được sự tàn khốc của chiến tranh và sự tàn phá của nó là vô giới hạn.

ANH EM NHÀ KARAMAZOV của Fyodor Mikhaylovich Dostoevsky dịch giả Vũ Đình Liên, nhà xuất bản Nguồn Sống năm 1972.

Cuốn sách nói lên sự bất hạnh của một gia đình trong một xã hội mà các giềng mối đều lỏng lẻo: Một người cha, ba người con chính thức và một đứa con kết quả của một lần đi lại như cưỡng hiếp một người phụ nữ điên dại. Trừ người con trai thứ ba – Alecxey – cả gia đình sống trong sự căm thù lẫn nhau mà kết quả là vụ giết bố và một người bị án oan đi tù khổ sai. Nhìn qua nội dung là như vậy nhưng đọc đi đọc lại nhiều lần ta sẽ thấy rất nhiều phức tạp tâm lý của mỗi nhân vật.

***

Sách kiếm hiệp của Kim Dung: “Anh Hùng Xạ Điêu”, “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, “Lôc Đỉnh Ký”… Sách đa phần do Hàn Giang Nhạn hay Từ Khánh Phụng dịch. Có đứa trong chúng tôi đọc say mê, quên ăn, quên ngủ. Loại truyện này chúng tôi đi thuê ở tiệm cho thuê truyện do vậy phải đọc thật nhanh. Đọc nhanh nên chỉ nắm cốt truyện và chỉ nhớ tên các nhân vật.

Xuất hiện trong thế hệ chúng tôi tại miền Nam còn có truyện của Quỳnh Dao người Đài Loan. Về truyện của Quỳnh Dao tôi chỉ đọc một vài ba truyện do Liêu Quốc Nhĩ dịch: “Song Ngoại”, “Hoa chùm Gởi”, “Hải Âu Phi Xứ”… Đó là những câu chuyện tình yêu lãng mạn, những mối quan hệ xã hội gặp nhiều trắc trở khó khăn… chuyện kể là những câu chuyện hay gặp trong cuộc sống ngày thường nhưng lối dẫn chuyện trong hầu hết na na giống nhau.

Còn nhiều và nhiều chuyện khác nữa…

***

Có một thể loại khác mà riêng tôi rất mến chuộng, đó là phóng dịch, chẳng hạn như cuốn HOA NGÕ HẠNH, Bùi Giáng phóng dịch theo OTHELLO của Shakespeare. Cuốn KIỀU GIANG của Hoàng Hải Thủy phóng tác theo JANE EYRE của Charlotte Bronte.

Có người bảo rằng “dịch là phản” nhưng theo tôi, truyện dịch rất cần cho những người mà vốn liếng ngoại ngữ không đủ để đọc nguyên tác. Mặt khác qua dịch giả chúng ta có thể tiếp cận với nhiều nguồn văn học khác nhau trên thế giới.

Nhờ các dịch phẩm tôi nhận ra rằng: Nhân loại cho đến ngày hôm nay đã đi qua bao nhiêu đoạn đời đầy máu và nước mắt không như câu thơ của Chế Lan Viên: “Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn”.

Xin cám ơn tất cả các dịch giả.

Ghi chú

(1) “Câu chuyện của dòng sông” là tựa đề cuốn sách của dịch giả Phùng Khánh dịch từ cuốn Siddharrha của Hermannn Hesse. Khi nhà xuất bản Nhã Nam tái bản năm 2012 đổi lại là “Câu chuyện dòng sông”

(2) Đoạn trích từ Câu chuyện Dòng Sông.

(3) Trích từ cuốn “Nhật Ký Anne Frank bản dịch của Bửu Ý

(4) Trích chương XVII Hoàng Tử Bé – Bùi Giáng dịch.

(5) Trích từ Xứ Tuyết Chu Việt dịch.

This entry was posted in Văn and tagged . Bookmark the permalink.