Bảo Chân
Linda Lê, nhà văn Pháp gốc Việt, là một tiếng nói nữ sĩ có vị trí đặc biệt trên văn đàn Pháp đương đại. Ngay từ đầu, chị đã lựa chọn tiếng Pháp làm ngôn ngữ sáng tác, ngôn ngữ ấy vốn không phải tiếng mẹ đẻ. Từ đó, hành trình văn chương của chị đã được định hình vừa độc đáo vừa kinh điển. Chị đã được văn giới chú ý từ rất sớm, năm chị 23 tuổi, với tiểu thuyết đầu tay Un si tendre vampire (1986). Sự nghiệp kéo dài hơn ba thập kỷ của Linda Lê đã để lại một di sản văn chương có tầm vóc – với văn học Pháp chính thống lẫn văn học di cư Pháp-Việt – với hơn 30 tác phẩm, bao gồm cả tiểu thuyết và tiểu luận.
Không hề quá lời khi khẳng định Linda Lê là một nhà văn đương đại lớn của văn học Pháp. Bằng một văn phong tinh tế, đa tầng, sâu thẳm, các tác phẩm của chị đã luôn chinh phục giới phê bình và độc giả. Những giải thưởng văn học danh giá chị đã đạt được lúc sinh thời là minh chứng cụ thể nhất: giải prix de la Vocation (Giải Triển Vọng – 1990), giải Renaissance de la nouvelle cho tác phẩm Les Évangiles du crime (1993), giải Fénéon cho tiểu thuyết Les Trois Parques (1997), giải Wepler cho tiểu luận Cronos (2010), giải Renaudot cho tiểu thuyết A l’enfant que je n’aurai pas (2011), giải Louis-Barthou cho tiểu luận Par ailleurs (exils) và và tiểu thuyết Œuvres vives (2015), và đỉnh cao là giải thưởng Pierre de Monaco cho toàn bộ sự nghiệp sáng tác vào năm 2019.
Có một điều đặc biệt là chị viết và sử dụng tiếng Pháp từ năm bốn tuổi, ngôn ngữ này, không phải là “vay mượn” mà là “số phận đã trao cho chị”, không chỉ là phương tiện biểu đạt mà còn trở thành một quá trình phản tư sâu sắc về những mất mát và tổn thương nội tại, nó giúp chị soi tỏ trên bề mặt câu chữ những trải nghiệm của sự biệt xứ như một hành trình lưu đày.
Tôi là một người đọc, tiếp cận văn chương Linda Lê bằng trải nghiệm cá nhân sâu sắc về mặt xuyên ngôn ngữ và văn hoá thông qua việc đọc cả bản gốc lẫn bản dịch tiếng Việt của các tác của chị, chúng cho tôi cảm giác có một sự đồng vọng thầm kín, như thể văn của chị khơi gợi những tầng sâu tiềm thức xa xôi của tôi về xuyên không gian ngôn ngữ và văn hoá.
Đối với độc giả phương Tây, ngôn ngữ văn chương của Linda Lê vừa mang vẻ đẹp lạ lẫm, vừa ẩn chứa sự quen thuộc kỳ diệu. Sự độc đáo ấy không hề tạo ra khoảng cách, mà ngược lại, nó tạo nên một nghệ thuật vừa tinh tế vừa chuẩn mực mà giới hàn lâm Pháp cũng phải nghiêng mình – chị là một trong những nhà văn Pháp đương đại được nghiên cứu nhiều nhất ở Đại học Pháp. Dù là tiểu thuyết hay tiểu luận, tất cả đều thấm đượm nỗi niềm về sự lưu vong, không phải là một hành trình tìm kiếm một nơi chốn mới, mà là một sự cắt lìa, một nỗi trăn trở về sự xa rời dòng chảy của cuộc đời.
Với Linda Lê, viết chính là một cuộc hành trình rời xa cái “tôi” hữu hình, và việc chọn một ngôn ngữ khác để diễn đạt càng khắc sâu thêm cảm giác “lưu vong” đến một miền đất khác. Kỳ diệu thay, chính trong sự “xa lạ” của tiếng Pháp, chị lại tìm thấy một con đường riêng để khám phá và tái khẳng định bản sắc của mình trong một không gian văn hóa mới. Qua ngôn ngữ “khác” ấy, Linda Lê đã chạm đến những tầng sâu nhất của mất mát, của sự khác biệt, và của hành trình lặng lẽ kiếm tìm ý nghĩa của bản thân trong thế giới này.
Hình ảnh Linda Lê ngoài đời dường như cũng mang một chút bóng dáng của những nhân vật chị tạo ra – những tâm hồn đứng bên lề, những người lữ khách cô đơn. Không gian và con người trong thế giới văn chương của chị mang một nỗi “tha hương” man mác, một sự đơn độc, xa lạ với chính mình và lạc lõng giữa dòng đời. Họ chìm sâu trong những nỗi đau và những “điên loạn” nội tâm, như một cách để tìm kiếm một lối thoát, một sự giải phóng cho tâm hồn.
Bảo Chân, 9.5.2025
Linda Lê (trái) và Bảo Chân trong một buổi hội thảo tháng 10. 2010 ở New York