Khi trí thức rời bỏ Tổ quốc: Từ Liên Xô đến nước Nga ngày nay

Lê Thọ Bình

 

(Tưởng nhớ bạn tôi – Anh Đỗ Công Ích (Thi Thanh Vu): “Thưa thầy, Thầy ca ngợi Liên Xô ưu việt hơn Mỹ, nhưng vì sao các nhà bác học Liên Xô toàn chạy sang Mỹ mà không có nhà khoa học nào của Mỹ chạy sang Liên Xô cả?” – anh hỏi thầy trong một tiết học Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô).

Trong lịch sử hiện đại, có ít hiện tượng nào phản ánh sâu sắc mâu thuẫn giữa lý tưởng và thực tại như làn sóng rời bỏ đất nước của giới trí thức, nghệ sĩ và nhân tài thể thao từ Liên Xô trước đây cho đến nước Nga ngày nay, để sang phương Tây mà điểm đến phổ biến nhất là Hoa Kỳ.

Hiện tượng này không đơn thuần là chạy trốn khỏi đói nghèo hay chiến tranh. Nó là sự khước từ một môi trường mà trong đó tư duy bị áp đặt, sáng tạo bị giới hạn, và tự do bị kiểm soát.

Họ ra đi không phải vì thiếu lòng yêu nước, mà vì không còn tìm thấy cơ hội sống đúng với phẩm giá và tiềm năng của mình nơi quê nhà.

Ngay sau cuộc Cách mạng Bolshevik năm 1917, một làn sóng lớn trí thức đã rời khỏi nước Nga.

Theo dữ liệu từ tổ chức After Russia, chỉ trong giai đoạn 1917-1922, có khoảng 0,9 đến 2 triệu người di cư, phần lớn là giới tinh hoa: nhà văn, nhạc sĩ, nhà khoa học, học giả và kỹ sư. Những cái tên như nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff, nhà văn Ivan Bunin – người sau này giành Giải Nobel Văn học năm 1933, hay nhà toán học Paul Vinogradov là minh chứng cho giá trị trí tuệ mà nước Nga đã tự làm hao mòn.

Đến thời kỳ Liên Xô (1922-1991), kiểm soát biên giới và ý thức hệ được đẩy lên cao độ. Mặc dù vậy, nhiều trí thức vẫn tìm cách vượt thoát.

Nhà vật lý Andrei Sakharov, cha đẻ của bom H Liên Xô, sau trở thành nhà hoạt động nhân quyền, từng bị quản thúc vì lên tiếng cho tự do học thuật. Nhà văn Alexander Solzhenitsyn, với Quần đảo Gulag, đã phải lưu vong vì dám nói lên sự thật về hệ thống lao tù Xô Viết.

Những con người ấy, nếu không phải bỏ mạng thì cũng phải bỏ xứ, để tìm nơi mà chân lý không bị bóp méo bởi quyền lực.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, nhiều người kỳ vọng nước Nga sẽ mở cửa và giữ chân được nhân tài.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy điều ngược lại.

Theo một nghiên cứu của Đại học RUDN, từ năm 1990 đến 2010, đã có khoảng 120.000–150.000 người Nga có trình độ đại học di cư sang Mỹ, trong đó có hàng nghìn tiến sĩ, kỹ sư, nhà khoa học và chuyên gia công nghệ cao.

Theo Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS), chỉ trong vòng 5 năm từ 2018 đến 2023, hơn 50.000 nhà khoa học Nga đã rời bỏ đất nước.

Trước đó, The Moscow Times thống kê số lượng nhà nghiên cứu rời đi tăng từ khoảng 14.000 người năm 2012 lên gần 70.000 người vào năm 2021.

Sau năm 2022, khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, xu hướng này không những không dừng lại mà còn tăng tốc.

Novaya Gazeta Europe cho biết chỉ trong hai năm đầu chiến sự, ít nhất 2.500 nhà khoa học Nga đã rời khỏi đất nước, phần lớn vì môi trường nghiên cứu bị chính trị hóa, tài trợ cắt giảm, và cảm giác bất an lan rộng.

Điều đáng nói là không chỉ nhà khoa học, mà giới văn hóa, nghệ thuật và thể thao cũng nối gót ra đi.

Sau năm 1991, nhiều tên tuổi lớn của Nga đã tìm thấy không gian phát triển mới tại Mỹ và châu Âu:

Mikhail Gromov, nhà toán học hàng đầu thế giới, hiện làm việc tại Đại học New York, rời Liên Xô để tự do nghiên cứu hình học hiện đại.

Alexei Kitaev, người đi tiên phong trong lĩnh vực máy tính lượng tử, hiện là giáo sư tại Caltech (Mỹ).

Grigori Perelman, thiên tài toán học, người giải thành công Giả thuyết Poincaré, từng có thời gian nghiên cứu tại Mỹ trước khi rút khỏi giới khoa học.

Trong lĩnh vực văn học – nghệ thuật, cái tên Gary Shteyngart, nhà văn Mỹ gốc Nga, trở thành tiếng nói châm biếm nổi bật về cuộc sống hậu Xô Viết.

Ca sĩ Regina Spektor, rời Moskva khi còn nhỏ, trưởng thành trong nền âm nhạc Mỹ nhưng luôn mang theo âm hưởng Nga cổ điển.

Nghệ sĩ vĩ cầm Maxim Vengerov, từng là biểu tượng âm nhạc quốc gia, sau năm 2022 cũng tuyên bố ngừng biểu diễn tại Nga vì phản đối chiến tranh.

Thể thao không nằm ngoài xu hướng. Những vận động viên gốc Nga như Nastia Liukin (vàng Olympic môn thể dục dụng cụ năm 2008), Sasha Cohen (trượt băng nghệ thuật), hay huyền thoại Sergei Fedorov (khúc côn cầu) đều thành danh trên đất Mỹ, mang theo cùng họ là thành quả của nền đào tạo thể thao Xô Viết, nhưng cũng là một bằng chứng cho sự mất mát của nước Nga.

Ngược lại, không có làn sóng ngược chiều nào đáng kể. Gần như không có nhà bác học Mỹ nào di cư sang Liên Xô trước kia hay nước Nga ngày nay để sống và làm việc lâu dài.

Trường hợp hiếm hoi như William Martin và Bernon Mitchell, hai cựu nhân viên NSA bỏ trốn sang Liên Xô năm 1960, thực chất không phải trí thức học thuật mà là điệp viên bất mãn.

Chính sự vắng bóng dòng chảy trí thức vào Nga, trong khi lại có hàng chục nghìn người rời đi, đã đặt ra câu hỏi không dễ trả lời: Vì sao?

Vì sao họ ra đi? Có thể kể đến nhiều nguyên nhân:

– Thiếu tự do học thuật, nơi tư duy bị uốn nắn bởi mệnh lệnh chính trị.

– Thiếu tài trợ và cơ sở vật chất, trong khi Mỹ có các viện nghiên cứu tư nhân hùng mạnh, Nga vẫn phụ thuộc nặng nề vào ngân sách nhà nước thường xuyên bị cắt giảm.

– Môi trường sáng tạo ngột ngạt, khiến giới trí thức lo ngại bị theo dõi, đàn áp.

– Cơ hội nghề nghiệp và thu nhập thấp so với phương Tây, làm cho việc cống hiến trở nên vô vọng.

-Và quan trọng nhất, là niềm tin vào tương lai – một thứ không thể đo đếm được, nhưng nếu mất đi, sẽ không ai muốn ở lại.

Khi một nhà khoa học, một nhà văn, hay một nghệ sĩ rời bỏ quê hương, đó không chỉ là mất mát cá nhân.

Đó là sự hao hụt của vốn sáng tạo, là lời cáo chung cho niềm tin vào thể chế mà họ từng thuộc về. “Chảy máu chất xám” không chỉ là một hiện tượng nhân sự.

Đó là triệu chứng của một căn bệnh hệ thống: khi thể chế không còn khả năng giữ chân người tài, hoặc tệ hơn, chính là nguyên nhân khiến họ ra đi.

Tự do, dù là học thuật hay tư tưởng, luôn là điều kiện đầu tiên để đất nước phát triển.

Nếu không nuôi dưỡng nó, sớm hay muộn, xã hội sẽ mất đi những người ưu tú nhất, và khi ấy, điều còn lại chỉ là khoảng trống không thể bù đắp.

 

This entry was posted in Vấn đề hôm nay and tagged . Bookmark the permalink.