Tản văn của Thái Hạo: Về người thân

Tập sách Hơi thở trong bàn tay của Thái Hạo (NXB Đà Nẵng, in lần đầu tháng 5.2024) dày 227 trang, gồm 46 bài viết.

Văn Việt xin trích đăng một số bài trong tập sách, là cách để tăng thêm nối kết giữa tác giả – độc giả.

Cụm bài này là chân dung những người thân của tác giả, gồm các bài: Em tôi (đã đăng), Bà Công, Bà tôi, Ông tôi.

 

Bà Công

Công là tên con cả của bà. Ở quê tôi có tục như thế, khi người con cả lấy vợ lấy chồng thì cha mẹ sẽ được gọi theo tên của người con ấy, cái tên cha sinh mẹ đẻ sẽ thành tên cúng cơm, như húy kỵ, ai mà gọi thì sẽ là bất kính, hỗn hào. Lúc tôi còn bé tẹo đã thấy mọi người gọi bà Công. Cho đến lúc ngồi viết những dòng này, tôi cũng chưa bao giờ biết tên thật của bà.

Bà Công là chị gái của bà ngoại tôi, mẹ tôi gọi là dì, dì Công. Bà ngoại mất đã lâu, từ lúc tôi còn đi học xa nhà. Tết này bà Công tròn 100 tuổi, mẹ và các cậu tôi xuống thăm bà, về kể rằng bà còn minh mẫn lắm, giọng nói vẫn sang sảng, nhớ và kể những chuyện xa lắc xa lơ.

Bà Công lấy chồng nhưng không có con. Rồi bà tự mình đi hỏi vợ hai cho chồng. Cưới về, nhà thành hai chị em. Người em ấy sinh cho ông dượng bốn con trai, con cả tên Công. Rồi ông chết, chắc phải gần năm mươi năm rồi, để hai bà lại với nhau. Vẫn sống chung một nhà, cùng nhau nuôi con, mọi công to việc lớn trong nhà do bà Công chỉ huy, sắp xếp. Người em thì hiền lành và nghe lời chị lắm, hai chị em tình cảm còn hơn ruột thịt. Mẹ tôi kể, “hai gái lấy một chồng” nhưng hòa thuận, bà hai một mực tôn trọng bà cả, chị chị em em không bao giờ có lời to tiếng nhỏ. Hai bà chung nhau nuôi con, con kêu dì là mẹ, thương và nể sợ có khi còn hơn cả với mẹ đẻ. Nội chuyện dù không sinh nhưng tên bà được gọi theo tên người con cả của bà hai đã thấy “vai vế”, phép tắc trong nhà. Cách đây dăm năm, bà hai mất. Giờ còn mình bà Công ở lại.

Ngày tôi còn bé, nhà nghèo lắm, bà ngoại tôi thì đau yếu quanh năm, lúc nào cũng trùm khăn trên đầu, sợ nước sợ gió, tôi nhớ mãi mùi dầu cao con hổ của bà. Bà ngoại người Đông Tào lấy chồng về Tây Tào trên tôi. Xưa, Đông Tào và Tây Tào làm thành một làng rộng lớn, làng Tào Sơn; cũng không biết từ khi nào, làng được tách ra làm hai. Ngày xưa mà khác xóm, khác làng là nghe như xa xôi nghìn trùng. Dân Tây Tào tôi thì ngoài làm ruộng còn biết chạy chợ buôn bán ngược xuôi. Từ thời Lê, Đông Tào đã có nhiều người đỗ đạt làm quan lớn, như tiến sĩ Lương Chí. Ở làng ấy có một xóm nhỏ sát nằm cánh đồng chuyên nghề bắt ốc mò cua, nổi tiếng khắp vùng vì lam lũ, chịu khó. Nhà bà Công tôi ở xóm ấy.

Bà Công cũng nghèo, nhưng vì thương em gái ốm yếu, bà thường khăn gói lên thăm và phụ việc nhà. Cơm nước, giặt giũ và quét tước hết sân trước vườn sau cho em, xong thì bà lên nhà tôi, cách cũng xa. Tôi nhớ mãi dáng bà với cây chổi vển trong tay. Mỗi bận bà lên là nhà tôi sạch từ ngoài ngõ ra sau vườn, tay quét, miệng nói, giọng sang sảng. Bà ra sau vườn đào dong vào luộc cho chúng tôi ăn. Bà như muốn làm hết tất cả mọi việc, lo hết tất cả mọi việc cho đàn con cháu. Cứ thế, bà đi về giữa hai làng, miệt mài qua bao năm tháng đằng đẵng, tưởng như bước chân có thể làm mòn những con đường hoang vu cỏ dại.

Gần ba mươi năm trước nhà tôi lên núi ở, xa thêm một quãng dài. Rồi bà ngoại tôi mất, nhưng bà Công vẫn thường lặn lội lên thăm bố mẹ và chị em tôi, vẫn quét trước quét sau, vẫn tay làm miệng nói. Bà đi bộ khoảng bảy cây số, miệng nhai trầu, bàn chân Giao Chỉ cong như lưỡi liềm, lội qua những đường đê, bờ ruộng, lội qua đất đá, bụi và sương muối. Sáng bà lên, chiều lại đi bộ về. Lần nào bố mẹ tôi cũng cố giữ bà ở lại nhưng bà không nghe, nói phải về lo cho chúng nó. Năm thì mười họa, có hôm nào bà chịu ở lại, cả nhà sung sướng lắm. Tôi nhớ mãi mùi quần áo bà, cái mùi của trầu không thơm thơm, nồng nồng, âm ấm, không biết phải tả thế nào, chỉ nhớ thôi.

Rồi tôi đi học xa nhà, bà cũng yếu dần, lâu lắm rồi bà không lên nhà tôi được nữa. Năm tôi về quê, xuống thăm bà, bà vẫn còn nhận ra. Chuyện những bụi tre trong vườn, chuyện những củ dong riềng, dong ta, chuyện ngày xưa mỗi bận bà lên…

Ngày mùng 8 Tết năm nay, tôi xuống. Bà đau, vì hai ngày trước bà bước xuống giường bị trượt chân. Tôi hỏi bà nhớ cháu không, bà nói nhớ, nay cháu làm mô rồi… Bà bảo, thôi chết được rồi, cho khỏi đau. Bà cũng muốn sống để nhìn thấy con cháu làm ăn, sum họp, nhưng phải sống khỏe mạnh, không thì làm khổ chúng nó. Bây giờ sướng hơn rồi, ngày xưa có cái võng cói khiêng người chết xong thì ông ngoại mi cũng phải lấy quăng lên mái nhà, rồi mang xuống giặt đi mà nằm, thèm miếng củ chuối cũng không có mà ăn. Bây giờ nhìn con cháu hết đói khổ, bà yên lòng rồi. Bà còn kể, chồng bà và ông ngoại tôi là anh em cọc chèo nhưng thân và thương nhau còn hơn anh em ruột, hợp nhau lắm. Nhà người ta mà vợ bỏ công bỏ việc lên làm cho em thì về nặng nhẹ chửi bới khổ lắm, nhưng dượng [chồng bà] không bao giờ. Tốt lắm, đời như vậy là sướng không gì bằng… Bà nằm, mắt nhắm nghiền, miệng vẫn nói chuyện, bằng cái giọng ấm áp và đầy sức mạnh quen thuộc đã đọng sâu trong trí tôi từ suốt những năm thơ bé.

Người con dâu cả của bà mang sữa vào, đặt lên cổ bà một chiếc khăn đã sờn nhưng giặt sạch sẽ, trắng tinh, trông từng sợi vải như tơi lên, nghe được cả mùi thơm của nắng mới. “Mẹ uống sữa nào”, bác gái vừa nói vừa múc sữa trong ly đút cho bà. Bà bảo uống ít thôi, no khó chịu lắm. Sữa en-sua đấy, mẹ uống đi mới mau khỏi được. Bà bảo “thôi, còn khỏi cái chi nữa”, miệng cười móm mém, lộ mấy chiếc răng đen bóng lưa thưa còn sót lại.

Con cháu bà ở quây quần xung quanh đây cả, chỉ vài bước chân là tới. Tôi không biết nhiều nhưng nghe mẹ kể, dù cả nhà đều là nông dân nhưng nhà cửa sạch sẽ và chăm sóc bà kỹ lắm, ai cũng thương và “sợ bà một phép”, nói là nghe răm rắp… Vài năm trước bà còn tự ở riêng trong gian nhà từ ngày xưa của bà, bà tự hái rau đi chợ bán, tự ăn uống sinh hoạt, chỉ khi nào đau ốm mới cần đến con cháu, bây giờ thì bà nằm rồi. Ngoài kia, bên bờ sân, những cây đào còn lác đác hoa trên cành và ruộng lúa bắt đầu lên xanh trong gió ấm.

Uống sữa xong, người con dâu lau miệng cho bà, bà nói, các ông các bà ấy chết hết rồi, chết từ đời nào cơ, giờ còn mỗi mình bà. Bà sống 100 năm rồi, chứng kiến hết rồi…

Tôi ngồi nhìn bà, như nhìn một thế kỷ dằng dặc của làng mạc và non nước này trên khuôn mặt đã nhăn nheo, dấu vết của trầu và vôi quện đỏ còn hằn sâu trên từng nét chỉ môi. Đôi tai to chảy dài và khuôn miệng rộng, những đường nét cương nghị, hào sảng còn đó dù thời gian đã thổi tàn đi những tươi tắn của một thời quá vãng xa xưa.

Người phụ nữ đi hỏi vợ cho chồng, rồi thời gian lầm lũi đi qua, chồng chết, vợ của chồng cũng chết, em trai, em gái, tất cả đều đã lìa bỏ trần gian. Còn mình bà ở lại, nuôi con, nuôi cháu, như muốn ôm hết vào mình. Tôi hỏi bà, bây giờ bà mong muốn nhất điều gì. Bà bảo, muốn chi nữa, được rồi. Thời của bà khổ lắm, nhìn chúng nó bây giờ có nhà xây, có công việc, ăn uống không thiếu chi, nếu sống thêm thì chỉ mong để nhìn con cháu như thế thôi là đủ vui rồi…

Tôi biết mình sẽ nhớ bà, như nhớ một bà tiên nhân hậu trong cổ tích, nhưng con người nhỏ bé ấy dường như lại cũng mang trong mình một sức mạnh thiêng liêng nào đó gợi những Bà Trưng, Bà Triệu của đất nước này. Chỉ huy cả một đại gia đình, mang theo niềm kính sợ và thương yêu, gần gũi đến lạ kỳ.

Nhìn bà, như nhìn một mảnh hồn làng, hồn nước, hồn của những gia đình Việt nổi nênh mà bền bỉ lạ lùng, đang phất phơ níu giữ một sợi chỉ màu trong chiều xuân nắng nhạt.

Tôi biết, bà sẽ không thể ở mãi, cũng như tôi, như bất kỳ ai đã đến với cuộc đời này, nhưng một người như bà mà ngày nào đó phải ra đi là sẽ mang theo mãi mãi một khoảng trời, một vùng đất, một mảnh hồn làng, không biết phải tìm đâu…

Bà tôi

Ngày tôi còn bé, chỉ khoảng 10 tuổi, tôi ở với bà tôi, vừa đi học vừa chăn trâu cho bà.

Từ những năm tháng thơ bé ấy, tôi luôn bên bà như hình với bóng. Vì ông tôi thì yếu, mọi việc nặng nhọc như cày bừa cấy hái bà tôi đều làm cả. Bà khoác chiếc bừa lên một đầu cày rồi vác đi, tôi cầm thừng trâu theo sau. Tôi đi với bà hết đồng dưới lên đồng trên, từ đồng gần tới đồng xa. Tôi đi như thế, mênh mông những năm tháng tuổi thơ.

Nhà tôi nghèo, bố dù mắt kém vẫn phải theo đồng bạn lên rừng lấy củi về bán, có những chuyến đi cả tuần mới về, thồ củi trên chiếc xe đạp khung nam gỉ vàng. Củi về, đêm bố mẹ thức chẻ nhỏ rồi bó lại thành từng bó nhỏ, sáng mai cùng nhau gánh ra chợ bán. Mà chợ thì xa, chợ Kho cách nhà tôi cũng phải năm cây số, gánh bộ, băng tắt đường đồng mà đi. Để bán được giá hơn thì phải vào mãi chợ Còng trong thị trấn, cách mười lăm cây. Lúc đó tôi còn bé quá không nhớ được, nhưng nghe mẹ kể lại, là bán củi xong thì mua được vài bơ gạo với ít cá mắm rồi lại đi bộ về.

Chúng tôi lớn lên như thế, trong nỗi khó nhọc của bố mẹ mình. Cả làng đều thế, rồng rắn rủ nhau lên rừng lấy củi, đi buôn sắn, buôn ngô. Núi Nga Lĩnh quê tôi một thời bị đào tung, không còn hòn đá lộ thiên nào. Mỗi xe bò đá đổi được vài bát gạo…

Trên núi có hòn đá Nồi Cơm. Gọi như thế vì có ba khối đứng như ông kiềng, bên trên là một phiến lớn chồng lên, trông như nồi cơm đang bắc trên bếp củi. Trẻ con đi chăn bò, gặp những lúc trời mưa thì ba bốn đứa có thể chui vào bên dưới cái đít nồi ấy mà trú. Có lẽ nó đã có ở đó từ thủa khai thiên lập địa. Nghìn năm, vạn hay triệu năm? Rồi vì những năm 90 đói quá, một người dân đã mang búa mang đục lên mà bổ ra, lăn xuống chân núi, chẻ thành những viên đá nhỏ mà bán lấy tiền mua gạo. Đá Nồi Cơm vĩnh viễn biến mất. Những năm ấy tôi ở với bà tôi.

Khi tôi lớn lên rồi, các chú và cô tôi đã lấy vợ lấy chồng và ở riêng, ông bà còn lại một mình. Rồi bà tôi cũng yếu, không đi cày được nữa. Bà nhặt rau trong vườn đi bán. Xung quanh bờ sân có hàng rau ngót, rau mồng tơi, rau bù đất với những thứ rau thơm lít nhít. Quanh năm như thế, bà hái rau từ chiều hôm trước, rửa sạch, bó lại thành từng khóm nhỏ, xếp vào chiếc mủng. Mờ sáng bà ra chợ, có lúc đội mủng trên đầu, có khi quắp bên hông, nếu bữa nào nhiều thì bà gánh, hai đầu lủng lẳng những màu xanh.

Bà nuôi ông suốt mấy chục năm bằng những mủng rau như thế. Điều khiến tôi thấy kỳ lạ nhất, là không hiểu sao, rau trong vườn chỉ loanh quanh có chừng ấy thứ, mỗi loại một chút, mà quanh năm suốt tháng lúc nào bà cũng hái ra được. Như một phép thần kỳ, những hàng rau cứ xanh, cứ ra lá và hái mãi không hết. Những dây mùng tơi, những bụi bù đất, những cây hành cây hẹ và cả những trái bầu trái bí nữa, tất cả đã thành thân thuộc đến nỗi tôi có thể nhớ chính xác chỗ của chúng bên từng cọc rào, từng hòn đất trước sân.

Ngày bé, tôi cùng bà ra đồng cày ruộng. Có những hôm cày xong thì trời đã tối mịt, đường về thì xa, lại phải đi qua một khu nghĩa địa tối om, tôi sợ đến sắp khóc. Bà vừa vác cày, vừa dắt tay tôi và cố ý nói đủ thứ chuyện rôm rả cho cháu khỏi sợ. Cứ đi như thế, chợt thấy vầng trăng lừng lững trước mặt, sáng đến bàng hoàng…

Xưa, dù xa, và ruộng cũng chẳng được bao nhiêu, nhưng vì đói, tấc đất thành tấc vàng, không ai bỏ hoang một khoảnh nào. Đậu lạc khoai sắn, mùa nào thức nấy, ruộng thành thứ tài sản vô giá của người nông dân.

Những năm còn khỏe, bà đã cày hết đồng trên ruộng dưới; lúc lưng còng gối mỏi, bà sống với những cọng rau mỏng manh trong vườn. Cứ thế, bà đi qua tuổi 80 như một quả đồi tròn lặng lẽ sau đỉnh núi. Ngày bà mất, bà giao mấy chỉ vàng và mấy chục triệu lại cho ông, bà nói lấy đó mà lo đám ma cho bà.

Tôi vẫn không hiểu, những ông bà già ở quê đã làm cách nào mà có thể nuôi được năm bảy đứa con trong những đói khổ rã rời của năm xưa. Tôi càng không hiểu, bằng cách nào mà chỉ với những cọng rau nhặt nhạnh quanh vườn những người già ấy vừa có cá thịt trong nồi mỗi bữa, lại vừa có thể để dành được tiền đủ để tự lo cho chính mình khi nằm xuống. Tôi đã chứng kiến, bà ngoại tôi, bà dì tôi, rồi bà nội tôi, một đời chỉ quanh quẩn trong vườn, nhưng khi chết đi đều không phải để con cháu phải chạy vay lo tiền làm tang ma. Ở làng quê Việt, có một sức mạnh ghê gớm nào đó trong những người phụ nữ nhỏ bé quanh năm cúi mặt đã khiến họ bền bỉ đi qua cuộc đời một cách phi thường đến thế.

Chúng tôi ngày nay nuôi một hai đứa con đã thấy khổ, ráo mồ hôi là hết tiền. Bài học học mãi chưa thuộc, là tiết kiệm. Ông bà tôi thương con thương cháu, cho bánh cho quà, cho cả gạo và tiền mua sách, nhưng không bao giờ lãng phí một điều gì. Trời chưa tối là không bật điện. Có những hôm tôi xuống, thấy tù mù trong nhà, nói sao ông bà không bật đèn lên, bà bảo “tốn điện, tối mới bật”. Một cọng rau, một chút ánh sáng, một hạt gạo, tất cả đều chắt chiu. Để dành cho con cháu. Ông bà ở quê tiếc tiền, ăn uống dè xẻn, những ai không gần thì sẽ bảo rằng keo kiệt. Nhưng nào có biết đâu, ai cũng không muốn phiền đến con cháu, cả cái chết của chính mình cũng không muốn chúng nó phải vất vả. Cứ để dành từng đồng, đến khi nằm xuống thì có cả một khoản tiền lớn mà lớp trẻ chúng tôi không thể hiểu được. Đó phải chăng là sức mạnh của tình thương yêu con cháu, yêu thương đến lúc lìa đời còn lo lắng chưa thôi…

Sáng nay hai cha con tôi rong ruổi đồng trên ruộng dưới, nhớ cánh đồng ngày xưa những hôm theo bà về giữa đêm trăng. Thật lạ, cũng chỉ vài cây số mà sao khi bé thấy xa xăm mịt mù. Nay thì cánh đồng còn đó nhưng không ai trồng cấy gì nữa, mấy năm rồi bỏ hoang thành bãi thả trâu bò. Một màu xanh cỏ dại hoang vu bát ngát giữa bốn phía núi đồi lặng phắc. Nông dân, có người đã bỏ ruộng để đi vào nhà máy, có người tha hương cầu thực, làm thuê trên đất khách.

Không biết bây giờ bà ở đâu…

Cố tìm lại mảnh ruộng ngày xưa tôi đã dắt trâu cho bà vực cày, nhưng không còn vết dấu gì để nhận ra. Đứng lặng hồi lâu trên bãi đất mênh mông, bỗng như nghe được cả giọng bà năm xưa đang giục trâu đi mau, tiếng “tắc, vạt” như còn văng vẳng trên đồng.

Mộ bà ở bên kia dòng kênh thủy lợi nay đã không còn nước chảy. Hai cha con trở về giữa trưa mùa xuân nắng hé. Bà nằm đây dưới chân núi bên đường đi, im lìm giữa cây đá bốn mùa mưa nắng.

Trước mộ bà cũng một cánh đồng nữa bỏ hoang, cỏ dại đan bện trùng trùng. Không biết bà có thương nhớ đồng xưa, những ruộng mật bờ xôi một thời, nay đã âm u. Dù trăng xưa vẫn vằng vặc trên đầu mỗi đêm về…

Ông tôi

Sáng mùa đông, trời lạnh căm. Hai cha con thức dậy sớm để đến trường. Ngồi sau xe ba, thằng bé nói bạt trong tiếng gió, “Hôm nay rét hơn đó ba”… “Ừ, rét quá. Trong lớp, con không được cởi áo ấm ra đâu nhé”.

Đứng một lát, nhìn con đi vào lớp, tôi quay ra, về ghé thăm ông nội tôi. Ông ở một mình trong căn nhà nhỏ, ông nói “một mình cho thoải mái”. Thấy cháu, ông cười hà hà, “Rét, đi mô mà sớm rứa”. Ông bảo pha trà đi, nước sôi ông mới nấu đây. Mùa đông, những sợi khói không trôi, cứ đứng dùng dằng mãi giữa hai ông cháu. Ngoài bờ sân, mấy cây mẫu đơn đang nở hoa đỏ rực, trong im lặng.

– Vô đây, ông cho mi coi cái ni.

Vừa nói ông vừa chống tay xuống gối đứng lên, lập cập đi lại trước cửa phòng ngủ. “Đây này, ông mới mua đấy, đẹp không?”. “Cái gì vậy ông?”. “Thọ đường đấy”. “Thọ đường là cái gì?”. “Áo quan, quan tài chứ lây”. Lúc này tôi mới nhìn thấy một chiếc thùng gỗ dài sẫm màu, đặt dọc phía trong sát với giường ngủ. Một cảm giác rùng mình chạy dọc sống lưng. Rồi ông tôi giải thích, quan tài mà mua khi còn sống thì gọi là thọ đường, chưa dùng đến thì đựng lúa cũng được!

– Mà ông mua cái này làm gì?

– Ông cứ sắm trước, khi mô chết nằm vào đó là xong, không phải phiền đứa mô cả.

Hai ông cháu quay ra bàn ngồi. Tôi hỏi ông, “Ông mua cái quan tài để ngay bên giường ngủ như vậy, ông không sợ à”.

– Không, sợ chi, có sống thì phải có chết chứ. Ông chỉ cần chết mau, đừng đau ốm chi cả là được. Mà phải tư tưởng rứa mới khỏe được, chứ sợ chết thì cứ sinh ra lắm bệnh. Ông năm ni 92 tuổi, cả làng chả còn được mấy người, các ông bà ấy đi hết rồi. Ông Châu ít hơn ông cả 5, 7 tuổi mà chừ lẫn, không biết ai là ai nữa. Ông cứ chuẩn bị trước, khi mô chết thì nhẹ nhàng mà đi cho khỏe. Cho ông tí nước sôi vô đây, trời ni trà nhanh nguội quá, uống mất ngon…

Hàng mía bên kia bờ rào khẽ xào xạc. Bỗng nhớ câu ngày xưa bà hay đọc “trời heo mía leo lên ngọn”. Trời trở lạnh thì mía sẽ ngọt dần lên ngọn, bao nhiêu tinh túy của trời đất dồn cả vào ngọn mía để kịp nuôi những mầm mới khi gió xuân sang.

Ông bảo, “may mà trước mua được chỗ đất đẹp. Giờ bà nằm trên đó, khô ráo, sạch sẽ; khi ông chết đi, lên đó với bà mi nữa là yên”. Cách đây hơn 10 năm ông đã mua một mảnh đất nhỏ, xây quách để sẵn. Bà đã mất 6 năm rồi, bà ở đó. Ngày ấy ông bà kêu con cháu xây sẵn hai cái quách, tôi cứ thấy khó chịu trong lòng, không hiểu sao người đang sống mà cứ lo chuyện chết như thế để làm gì kia chứ! Đôi khi tôi lại nghĩ, hay là ông tôi buồn điều chi, chứ cứ chuẩn bị cho cái chết mãi thì sao mà vui vẻ sống được.

Nhưng tôi lầm. Càng lớn mới càng thấy cái vững vàng của những con người thuở trước. Hình như trong những người đã trải qua đói rét nhọc nhằn của một thời gọi là lạc hậu ấy, lại có cái gì như minh triết, như lớn lao mà lớp hậu thế không hiểu được.

Nay, tôi thấy người ta chết trong bất an sợ hãi, chết trong những dây ống lòng thòng. Tôi kể cho ông tôi nghe chuyện một nhà thơ, người mà mới tối hôm trước tôi còn thấy ông đăng status kêu đang bị ốm nặng lâu ngày, nay muốn được chích vacxin mũi 3, thế mà sáng hôm sau thức dậy đã nghe tin ông ấy chết rồi. Ông tôi trầm ngâm bảo, vậy là vẫn còn tỉnh táo mà dùng điện thoại được cơ đấy, nhưng tinh thần thì chưa thanh thản, còn khổ…

Ông cháu tôi ngồi trên hiên nhà, gió mỗi lúc một nhiều, những bụi mía xào xạc nhắc những triền lau trắng muốt. Bụi mẫu đơn vẫn im lặng nở bên bờ sân, mỗi lúc một rực lên như lửa cháy. Ngoài ngõ, một người đi bán chiếu và nệm ấm đang cất tiếng rao trong gió. Ông tôi gọi lớn, “Có chiếu một không?”, “Có cụ ơi, cụ lấy mấy chiếc?”, “Một chiếc thôi”.

Ông khen chiếu dày, còn may mép đẹp nữa. Ông cầm manh chiếu, mân mê, “Chiếu ni mùa hè nằm mát đây”. Rồi ông mang vô trải thử lên giường, cạnh chiếc thọ đường, “Ừ, vừa gớm”, rồi lại khệ nệ mang ra, vắt lên cánh cổng phơi gió.

Tấm chiếu khẽ lung lay trong gió lạnh, màu cói xanh lơ, cái màu của một biền bãi vô tận còn vương lại trong những sợi cói khô mềm hòa với mùi cói mới thơm thơm như mùi cơm nếp mới. Ông tôi bảo, trông vậy chứ bền hơn chiếu nhựa đấy, nằm lại không bị đau lưng. “Ông nằm khi nào hư 5 chiếc chiếu nữa rồi đi đâu hãy đi nha ông”. Hai ông cháu cười vang trong gió buốt, một vạt nắng cũng vừa ló lên trên những cành xoan trụi lá mùa đông…

Trưa rồi, quay ra đón con tan học. Thằng bé con nhảy chân sáo, đưa tay vẫy ba.

– Áo khoác con đâu?

– Chết, con bỏ quên trong lớp. Ba đợi con…

Hai cha con trở về nhà trên con đường buổi sáng âm u giờ đã đầy nắng vàng như mật ủ trong sương mù, làm cả không gian hừng lên. Trời sắp Tết, người đi như lạc vào một bờ bến khác. Vừa quen, vừa lạ…

Comments are closed.