Đỗ Trọng Khơi ở thế gian bằng lục bát

Chu Văn Sơn

 

Thi đàn thời nào cũng vậy, người yêu thơ thì nhiều, người sợ thơ thường ít. Mà chừng như, chưa biết sợ thơ là chưa thật tới thơ, thì phải. Kẻ nặng nghiệp thơ sớm biết sợ hơn ai hết. Bởi hơn ai hết, họ thấm thía rằng gốc của thơ đâu phải chuyện chế câu tạo chữ, trái lại, thơ là phần người được gửi vào ngôn ngữ, là phận người cất thành tiếng, thậm chí, là mệnh người kí trú trong lời. Thơ đòi người thơ phải chưng cất chất người trong mình mà tinh luyện thành ngôn từ. Không thế, dù hoa mĩ đến đâu, cái làm ra cũng chỉ là mớ câu chữ yểu mệnh. Đã nặng nghiệp, thì dấn thân vào thơ hay trốn chạy khỏi thơ, đều khốn khổ như nhau.

Với Đỗ Trọng Khơi, dường như thơ mệnh hệ hơn thế cũng thiết thực hơn thế. Thơ là chiếc phao cứu sinh của anh. Thắt ngặt trong cõi đời, anh bơi vào cõi chữ. Cõi chữ hư huyền vô bờ bến lại là miền sống thực của Khơi. Chiếc phao ấy đã cùng anh lênh đênh suốt phận người trong thăm thẳm cõi chữ. Số mệnh khắc nghiệt với anh tới đâu, thơ lại bù trì cho anh tới đấy. Thơ không là chốn dung thân duy nhất, nhưng là cuộc gửi thân cuối cùng! Bấy nhiêu năm thầm lặng sống thơ, miệt mài làm thơ, hồn Khơi ở trọ trong chữ, thường trú nơi chữ, hay đã đồng thể với chữ? Câu hỏi như thế liệu có cần đặt ra nữa không, một khi thơ và Khơi đã nương náu trong nhau tự bao giờ rồi?

*

Thơ là trải nghiệm từ những lăn lộn, va xiết trong trường đời. Thơ còn là những chiêm nghiệm về thế sự nhân sinh. Thơ trải nghiệm thường giàu chất sống với những cảm giác, cảm xúc tươi nguyên nhựa đời. Thơ chiêm nghiệm lại nặng đồng cân bởi những suy tư thâm trầm nhằm kết lắng bao nỗi đời thành những lẽ đời. Thơ Khơi thuộc về chiêm nghiệm hơn là trải nghiệm. Đó là lựa chọn của một sở thích cũng là lựa chọn của một số phận. Chiêm nghiệm bằng thơ chính là cách thế sống của Khơi. Bằng cách ấy, Khơi đã xuôi ngược một đời trong cõi chữ.

Nhỏ nhoi trên chiếc xe lăn, tù túng ở chốn quê, quẩn quanh góc đời hẹp. Nhưng bằng mối bận tâm sâu xa, Khơi vẫn lặng lẽ mở hồn mình vào thế gian vô cùng, kiên nhẫn mở tầm nhìn bao quát cõi nhân sinh. Cái nhìn ấy từ cái tôi bé nhỏ đã giúp Khơi vượt lên sự bé nhỏ của cái tôi. Khơi suy cảm về phận mình trong thế gian, phận người trong trời đất. Ta là ai? Ta từ đâu và tới đâu? Ta có nghĩa lí gì không trong cõi nhân gian này?… Những câu hỏi thiết cốt từng dằn vặt con người mọi thuở, đến nay dường như cũng không buông tha Khơi. Trầm sâu trong những suy tư như thế, mỗi cá nhân có cơ ngộ ra những lẽ đời bình dị sâu xa sau những nỗi đời bộn bề phiền tạp. Cá nhân có dịp ngộ ra những cái có – cái không, cái còn – cái mất, những thực – hư, thật – giả, được – thua, thành – bại, may – rủi, sướng – khổ, nghĩa lí – vô nghĩa lí… trong cuộc thế phù du này. Theo mạch ấy, người có quan niệm riêng về giá trị sẽ có thể hình thành một nhân sinh quan khác lạ cho mình và không chỉ cho minh. Không có, thì người ta sẽ gặp và sẽ dừng ở những điều về bản thể luận và vũ trụ luận mà bao người đi trước đã từng băn khoăn.

Không là triết nhân, Khơi đâu có tham vọng về triết mà ta đòi hỏi những ý tưởng mới cho triết học nhân sinh. Bù lại, Khơi có niềm băn khoăn chân thực của một thi sĩ về những lẽ nhân sinh ấy. Đáng nói, là băn khoăn từ chính đời mình, chính phận mình. Nhờ băn khoăn, Khơi ngộ ra, Khơi thấm thía, Khơi có được tâm thế bình thản để sống giữa những dâu bể, sống với cái sắc sắc không không của cõi này và bình thản ngay cả khi đôi ba lần đã thập thò trên ngưỡng cửa của Hư vô. Băn khoăn, thấm thía ấy chính là nguồn thơ Ở thế gian. Nó đã đem đến cho Khơi những câu thơ khiến người đọc không khỏi giật mình: Ta – phiến đá sống bên đường/ trái tim lặng lẽ thấm hương sắc mùa, Mà đời con nước chân cầu / mà tôi trong cuộc chơi câu bóng mình, Mà giờ thiếu một ta thôi/ bao năm ta lạc ta rồi. Còn em? Từ ngày biết có chiêm bao/ dắt tay hư ảnh tìm vào gọi tên, Vầng trăng đáy nước ngấn vàng / từ lâu ta đã để tang ta rồi, … Chả riêng gì những suy tư về bản thể như thế, mà về tạo vật, về cõi người, Khơi cũng có những chiêm nghiệm khiến ta bất ngờ: Hương thơm chẳng nói chẳng rằng / cứ dìu xuân lại ăn năn bên vườn, Xanh về thì vàng ra đi / nhẹ nhàng lá chẳng bấc chì gì đâu, Bây giờ trời cuối một thu / gió như ngàn lưỡi gươm mờ trong sương… Hay, Men dòng nhật nguyệt ta đi / bao nhiêu sắc sắc đã về không không… Men theo mạch ấy, Khơi đã gặp những bậc hiền nhân trong Phật Kinh, những tiền nhân trong thơ thiền Lý Trần, gặp dấu hình còn ấm không gian của những bậc đàn anh như Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Duy… Nhưng, Khơi không bị rối lòng trước dấu người trước. Khơi nương theo, Khơi đồng hành. Dẫu có lúc lẫn vào những hình bóng ấy, nhưng Khơi vẫn là Khơi với những chiêm nghiệm từ cảnh mình, phận mình, bằng giọng mình. Không thế, làm sao câu chữ có được hồn riêng. Đọc Khơi, thấy tâm hồn anh ngậm ngùi mà tâm trí anh bình thản. Bình thản mà ngậm ngùi, ngậm ngùi mà luôn bình thản, dường như đó chính là điệu hồn của Khơi! Khơi đã phổ trọn vẹn điệu hồn ấy trong mỗi lời thơ Ở thế gian này: Ngợ hư vinh cãi phù du/ trong binh boong tiếng chuông chùa thu không, Ta về ở ẩn trong ta / tấm thân cát bụi như là… thế thôi, Mai kia bóng rụng hình rơi/ sống vào cõi chết nhẹ rời bước đi, Một mai cát bụi về trời / nước – non ai gặp bóng tôi cất giùm… Thế nên, trong cõi chữ bao la ấy, người ta vẫn thấy một bóng hình riêng của Khơi và chắc sẽ cất giùm anh bóng hình ấy.

*

Thơ lục bát đã thuộc về hồn Việt. Hàng ngàn năm nay, lục bát đã thăng trầm cùng người Việt, thủy chung cùng tiếng Việt. Vào cái thời thiên hạ bị cuốn mạnh vào nhịp sống nhanh này, ngỡ lục bát rất dễ bị đánh rớt, ngỡ lục bát đã đuối sức đeo bám hồn người, nào ngờ lục bát vẫn dồi dào sung sức. Sự xuất hiện của hàng loạt tập thơ thuần lục bát gần đây thêm một lần nữa minh chứng điều đó. Tập này của Đỗ Trọng Khơi cũng tuyền lục bát. Lục bát đã nâng đỡ hồn Khơi, Khơi cũng thật nâng niu lục bát. Có thể nói lục bát đã giúp Khơi sống chậm Ở thế gian này.

Người ta có thể kể, có thể tả, có thể giãi bày, có thể triết lí, có thể hài, có thể quậy… bằng lục bát. Nhưng, dùng độc một chiêu nào trong đó không thôi đều khó. Bởi nguồn lực không sung thì dễ hụt hơi. Nên ít ai diễn độc chiêu, mà thường phải liên tục đổi chiêu. Lục bát của Khơi dường như nghiêng hẳn về một lối: chiêm nghiệm triết lí. Vẫn phải tựa vào kể, vào tả, vào than…, nhưng suy nghiệm, triết liết vẫn là dáng điệu căn bản của lục bát Đỗ Trọng Khơi. Vì thế đọc thơ Khơi, thấy trĩu nặng tâm sự tư tưởng.

Cho đến bây giờ, không ít người vẫn ngộ nhận rằng phải tư biện “ra mặt” thì mới là thơ tư tưởng. Người ta quên rằng tư tưởng trong nghệ thuật là quan niệm ẩn sau thái độ. Mỗi thái độ thẩm mĩ thực sự đều chứa trong nó một quan niệm thẩm mĩ. Chính những quan niệm ấy là tư tưởng của chủ thể. Còn thứ ngôn ngữ tư biện chỉ là một trong nhiều cách để thể hiện tư tưởng đó thôi. Dạng ẩn sâu mới là dạng thâm hậu của tư tưởng thơ và thơ tư tưởng chứ đâu phải dạng “ra mặt”. Người sớm ngộ điều này cũng sớm có hòa giải: vừa tăng hàm lượng tư tưởng cho thơ mình, vừa tránh được lối “tư tưởng ra mặt”. Chọn lối suy nghiệm, thơ thật cheo leo. Bởi nghiêng về suy nghiệm thì thơ dễ cuốn theo lí, mạnh thơ dễ thành lí sự, giọng thơ dễ thành thuyết lí, lời thơ, hình ảnh thơ dễ ôm đồm luận lí. Mà, lại chỉ thuần chơi một thể vốn nặng căn duy cảm như lục bát, thì khó tránh khỏi đơn điệu, lục bát có nguy cơ… thất bát. Rất may, các ý tưởng triết lí của Khơi đã từ chối những hình thức tư biện. Vả chăng, tâm sự chân thật của Khơi tự nó đã là một mối băn khoăn đẫm những triết lí về phận người, kiếp người trong thế gian rồi, có cần chi phải “tư tưởng ra mặt” đâu. Thế nên, Khơi chiêm nghiệm bằng lục bát thật nhuyễn: Từ lâu tôi khinh tôi rồi / từ lâu tôi thả tôi trôi mịt mùng, hay: Tôi câm tôi hát không lời / khép thời gian lại tôi ngồi chơi đêm, Và rằng trời trọ vào tôi / đi tìm cái nghĩa con người thế gian… Một đêm ở trọ nỗi buồn / cùng hòn sỏi với đám sương nằm kề / chợt nghe hòn sỏi nói mê / màu hoa năm ngoái đang về cũng xuân… Những câu lục bát như thế có thể buông neo lâu dài trong cõi chữ của Khơi.

Đọc Khơi, ta gặp một con người ở thế gian.

Đọc Khơi, hình như tôi biết sợ thơ hơn trước.

 

Làng Quốc tế Thăng Long, Kỉ Sửu

 

Nguồn: Trích từ Quê, thơ Đỗ Trọng Khơi, Nxb Quân đội Nhân dân, 2013

Comments are closed.