Nhà văn Thuận trả lời nhà báo Nguyễn Quỳnh Trang

FB Anh Thuan Doan

*Một người Việt sống ở Nga rồi Pháp như chị đã trải nghiệm những điều gì?

– Trong trường hợp của tôi, “sống ở Nga” có thể cũng không chính xác lắm: 5 năm ở Nga thực chất chỉ là 5 năm đi học, ăn ở đều giới hạn trong ký túc xá, bạn bè không có ai ngoài sinh viên, chủ yếu nhìn đời qua sách vở và truyền thông Liên Xô – những thứ mà vào thời điểm ấy vẫn mang nặng tinh thần “hiện thực xã hội chủ nghĩa” rực rỡ sắc đỏ. Cuộc sống thật của người Nga, mặt kia của tấm huân chương, tôi chỉ dần hiểu ra không phải trong lúc ở Nga mà chính là khi đã rời Nga sang Pháp. Có vẻ như đến Pháp rồi tôi mới ý thực được rằng mình vừa trải qua 5 năm trong thành trì lớn nhất của chủ nghĩa cộng sản. So với những đồng nghiệp Pháp hoặc Việt thì đây cũng có thể coi là một trải nghiệm quí mà không dễ gì có, nhất là năm năm đó lại được đánh dấu bằng cuộc cải tổ Perestroika đặt dấu chấm hết cho cái gọi là “cold war” từng chia nhân loại làm hai phe – tư bản và xã hội chủ nghĩa – mà một trong những hậu quả của nó có thể là cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975. Sau này, bạn bè của tôi nhiều người vẫn bày tỏ tiếc nuối thời gian đi học ở Nga, tôi không có cảm giác này, tuy vậy nước Nga, người Nga vẫn đều đặn xuất hiện trong hầu hết tác phẩm của tôi và tôi luôn cố coi đó là những đối tượng sáng tác, giữ một cái nhìn khách quan nhất có thể. Nói cho cùng thì yêu không có nghĩa là tô hồng, tôi vẫn muốn biết những gì đã dẫn đến việc sau 7 thập kỷ phát triển sung sức, người khổng lồ ấy đã đột ngột rơi vào trạng thái tan rã từ trong ra ngoài, không một vùng vẫy, quẫy đạp để tôi ở ngay trong lòng mà chẳng hề hay biết. Và tôi nghĩ rằng giờ đây trong lúc đi tìm sự thật về nước Nga và người Nga những năm tháng ấy, tôi đã vỡ thêm không ít điều về nước Việt và người Việt. Nhưng đấy có vẻ mới chỉ là lớp vỏ cứng trên bề mặt một cái mỏ.

*Chị đã làm gì để hòa nhập khi đặt chân tới Pháp?

– Đến Pháp là bắt đầu một cuộc sống tự lập hoàn toàn, không còn học bổng để chỉ việc rút ra mà tiêu, không còn ký túc xá để chỉ việc xách va li đến mà ở, không còn cửa hàng thực phẩm dành riêng cho sinh viên ngoại quốc để chỉ việc nhắm mắt mua thịt gà và bắp cải vì quanh năm có mỗi thịt gà và bắp cải. Cảm giác lần đầu tiên trả hóa đơn tiền điện cho một tháng ở Paris không khác gì lắm cảm giác lần đầu tiên mua vé khứ hồi Moscow-Hanoi, cũng ngẩn ngơ y hệt như vừa bị móc ví. Ngoài ra thì tuy luôn tự cho là cái nôi của nhân quyền và bình đẳng nhưng chính phủ Pháp vẫn giữ một chính sách khá hẹp hòi với dân nhập cư. Các nhân vật của tôi, gốc Việt hay không, đều bị ám ảnh và hành hạ bởi các thủ tục hành chính nhiêu khê, thậm chí có vẻ còn cố tình khiến những ai chân ướt chân ráo đến đây phải nản lòng và bỏ cuộc, người nào quá tự trọng có thể còn không thoát khỏi cảm giác bị làm nhục: mỗi năm phải xếp hàng từ sáng tinh mơ trước cổng Sở Nội Vụ để xin thẻ cư trú tạm thời, khúm na khúm núm với một nụ cười không tắt trên môi và một cặp hồ sơ dầy cộp, mà không phải một lần đã xong, không phải cứ vào đến bên trong là được, thế nào cũng có một giấy tờ nào đấy không ổn, một hóa đơn nào đấy không còn hạn, một giấy chứng nhận nào đấy không hợp lệ, chầu chực nheo nhóc quá mua gạo thời bao cấp ở Hà Nội và các nhân viên Pháp cũng cư xử không lịch sự hơn các mậu dịch viên Việt ngày trước là bao nhiêu. Sau này, khi đã trở thành nhà văn, những lần đi giới thiệu sách, tôi vẫn nhìn thấy trong ánh mắt của độc giả Pháp một sự ngạc nhiên, có phần hổ thẹn. Tôi không thích kiếm nước mắt của người đọc và luôn cố viết những câu chuyện như vậy của dân nhập cư với rất nhiều hài hước. Nhưng có lẽ đó là một thứ “humour noir” – hài hước đen – mà người ta khó có thể cười một cách vô tư.

Tôi không biết mình đã hòa nhập vào xã hội Pháp chưa và có một mô-đen nào để người nhập cư biết mà tuân theo, nhưng người Pháp đương đại tránh sử dụng những cụm từ “đặc Pháp”, “chuẩn Pháp” hay “rất Pháp”. Nước Pháp từ thể kỷ XX đã bắt đầu vinh danh những gương mặt đến từ những miền đất khác góp phần tạo nên một nền văn hóa Pháp đa dạng và cởi mở như Stravinski, Chagall, Kandinsky, Appolinaire, Kundera, Gainsbourg, Aznavour, Cao Hành Kiện…

*Sau hành trình đến với nước Pháp, con đường đến với văn chương của chị cũng bắt đầu?

– Tôi bắt đầu viết một thời gian ngắn sau khi đặt chân sang Pháp. Đầu tiên là những truyện ngắn mà sau này tôi vẫn đỏ mặt mỗi lúc nghĩ đến. Tuy nhiên, ngay cả lúc ấy, viết, với tôi, không phải là để khỏa lấp nỗi cô đơn của một người tha hương. Từ nhỏ đến lớn, sau những lần theo gia đình dời Hà Nội vào Sài Gòn, lại một mình dời Việt Nam sang Nga, tiếp tục dời Nga sang Pháp, tha hương không còn khả năng đặt tôi vào một tình trạng bất thường. Dù khó chịu với các thủ tục hành chính nhiêu khê như kể trên, tôi vẫn cảm thấy thoải mái và thú vị trong hoàn cảnh là người từ xa đến. Thú vị là bởi trí tưởng tượng và óc quan sát – phân tích của tôi được sử dụng triệt để. Còn thoải mái là vì tôi được tự do, không phải gánh cái trách nhiệm nặng nề là thay mặt cho một dân tộc nào đó, cho một nền văn hóa nào đó. Đây là những điều kiện thuận lợi cho những ai muốn cầm bút. Cái còn lại chỉ là lao động. Lao động viết văn, như chị biết, ở đâu cũng như nhau. Bao giờ cũng âm thầm trong bóng tối. Và đừng nên tơ tưởng đến một nhuận bút có thể giúp ta sống đúng như công sức bỏ ra. Nhà văn có lẽ là những kẻ kiếm được ít nhất trong các ngành nghệ thuật.

*Độc giả lại biết đến chị qua nhiều tác phẩm tiểu thuyết, thay vì truyện ngắn. Liệu chị có cho rằng: là nhà văn đích thực thì phải viết tiểu thuyết?

– Không, tôi chưa bao giờ quan niệm như vậy. Với cá nhân tôi, tiểu thuyết vẫn luôn là một thể loại văn chương đầy thách thức, một chuyến phiêu lưu trong cấu trúc và ngôn từ mà mỗi tác phẩm chỉ là một chặng nhỏ. Hoàn toàn có thể viết một trang thú vị, mười trang thú vị, nhưng năm mươi trang mà vẫn thú vị là bắt đầu thấy oải. Một mạch hai trăm trang, ba trăm trang vẫn khiến độc giả bất ngờ là một việc không dễ chút nào. Tiểu thuyết đòi hỏi người viết phải có một đầu óc tổng hợp, sắp đặt, dẫn dắt thế nào để tất cả mọi yếu tố – ngôn từ, hình ảnh, chi tiết, nhịp điệu – hòa quyện vào nhau tạo nên một tổng thể chắc nịch. Tôi thích sự hấp dẫn của một cuốn tiểu thuyết đến từ nghệ thuật viết hơn từ nội dung câu chuyện, từ sự miên man của chữ nghĩa hơn là từ những éo le của tình tiết. Nào phải ngẫu nhiên mà Kundera quan niệm tiểu thuyết không phải là một nhánh của văn học mà là một ngành nghệ thuật đầy đủ và riêng biệt, giống như hội họa hay âm nhạc.


Hỏi – Nguyễn Quỳnh Trang
Trả lời – Thuận
Tranh – Marc Chagall (Les amoureux dans le ciel de Paris)

https://www.facebook.com/anhthuan.doan/posts/1524095364375111

Comments are closed.