Chuyện ở xứ hạnh phúc

Trần Thùy Mai

 

Từ lâu nay Bhutan vẫn được ca ngợi là một xứ sở hạnh phúc.

“Trăm nghe không bằng một thấy”, tôi đi Bhutan chuyến này với ý định xem thử có quả thật có một nước như vậy trên đời không. Bởi hạnh phúc là một giấc mơ mà ai cũng hướng tới nhưng thật ra cũng là một khái niệm rất mơ hồ, khó mà đong đếm. Chẳng phải là chính dân mình, nước mình cũng đã nói rất nhiều mấy chữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” đó sao?

Paro, thành phố trong cổ tích

Sonam Jontsho đón chúng tôi ở sân bay Paro, sân bay quốc tế duy nhất của Bhutan.

Hai mươi lăm tuổi, Sonam là một thanh niên cao lớn, trắng trẻo, nét mặt hiền hòa. Anh mặc bộ quốc phục Bhutan cổ truyền, kiểu áo tay rộng có thắt lưng dài đến ngang gối. Nhìn kỹ, tôi thấy tai anh có xỏ lỗ, miệng thì hơi ửng đỏ màu quết trầu.

Trông có vẻ cổ xưa vậy nhưng anh nói tiếng Anh hoàn toàn lưu loát, cử chỉ dáng điệu lịch lãm không thua bất cứ một thanh niên phương Tây nào. Nghe tôi nói người Việt Nam cũng có tục ăn trầu, anh vui vẻ lấy trầu trong túi ra mời, không quên dặn tôi ăn miếng nho nhỏ thôi kẻo bỏng môi.

Không những Sonam nói giỏi tiếng Anh mà cả Phinxu, người lái xe cũng nói tiếng Anh rành rẽ. Thấy cả hai mặc y phục “cổ trang”, tôi tưởng là do đang đón khách nước ngoài. Khi xe đi sâu vào trung tâm Paro tôi mới biết 99% dân cư ở đây mặc đồ dân tộc, kiểu y phục như họ vẫn mặc từ cả ngàn năm trước.

Tôi đang lạc vào một thế giới cổ tích…

Về sau tôi có đọc vài bài báo trên mạng, nói rằng ở Bhutan ai không mặc quốc phục sẽ bị bỏ tù! Thật là oan cho đất nước này, bởi chính mắt tôi thấy có những người mặc quần tây trong phiên chợ, các gian hàng cũng có bày bán âu phục. Chỉ có điều người mặc tây rất ít nên họ chìm hẳn đi và không gây ấn tượng gì đáng kể trong bức tranh truyền thống của đường phố Bhutan.

Một nước bé nhỏ nhưng chưa hề bị đô hộ

Bhutan nằm ngay phía dưới Tây Tạng, trong khu vực ảnh hưởng văn hóa Tây Tạng. Tín ngưỡng, phong tục, thần thánh… hầu như đều chung. Tuy vậy, cuộc sống thực tế ở hai vùng đất này hoàn toàn khác biệt.

Thiên nhiên Tây Tạng khô cằn, khắc nghiệt bao nhiêu thì thiên nhiên Bhutan tươi xanh, màu mỡ bấy nhiêu. Không lạnh giá như Tây Tạng, khí hậu Bhutan rất mát mẻ; Đồi núi chập chùng khắp nơi nhưng núi không quá hiểm trở và luôn xanh mượt màu lá non. Những dòng sông trong xanh tuôn trào qua nhiều ghềnh thác, soi bóng những “Dzong” hùng vĩ, dấu tích một giai đoạn lịch sử hào hùng.

Dzong, tiếng Bhutan có nghĩa là pháo đài. Nói pháo đài là tạm dịch thôi, đúng ra phải nói là một căn cứ quân sự – chính trị – tôn giáo kiểu Bhutan: vừa là cung điện của lãnh chúa, vừa là điện thờ Phật, lại vừa là nơi đồn trú của tướng lãnh và quân sĩ.

HÌNH 1

Hình 1: Dzong ở Paro

Mỗi vùng ở Bhutan đều có một pháo đài như vậy, chúng được xây dựng dưới thời của Shabdrung Ngawang Namgyal, người anh hùng đã đứng lên hợp nhất các vùng riêng lẻ của xứ sở để thành lập nên vương quốc Bhutan vào thế kỷ 16. Chính mạng lưới pháo đài tọa lạc trên những triền núi cheo leo hiểm trở đã giúp Bhutan thành một xứ sở bất khả xâm phạm, đương đầu được với những kẻ thù lớn như Tây Tạng và Thực dân Anh. Sonam nói với chúng tôi: “Bhutan là một nước rất nhỏ nhưng chưa hề bị đô hộ trong lịch sử.”

Dzong ở tỉnh Paro có tên riêng là Ringpung (khối ngọc). Đúng vậy, tòa kiến trúc xinh đẹp như viên ngọc trắng nổi bật giữa thiên nhiên xanh mượt. Sonam chỉ cho chúng tôi thấy: Các tòa điện rất cao lớn, sân rất rộng nhưng lối vào trung tâm của Dzong rất hẹp. Người ta cố tình thiết kế như vậy, với ý định nếu quân địch tấn công, chỉ có thể kéo vào theo hàng một, dễ dàng bị đánh tỉa tiêu diệt.

Dzong là trụ sở của cả thế quyền lẫn thần quyền trong xã hội Bhutan xưa. Mỗi Dzong đều có điện thờ, trong đó thường có 3 pho tượng rất lớn ngồi ngang hàng nhau:

– Ở giữa là tượng Phật A Di Đà, là biểu tượng của vĩnh cửu, từ bi và giác ngộ.

– Bên phải là tượng Đức Vua Shabdrung Ngawang Namgyal, người anh hùng khai quốc của Bhutan. Ông đã hợp nhất các bộ tộc rời rạc trước đó thành một quốc gia độc lập. Ông cũng chính là người đã khởi xướng việc xây dựng các Dzong, nhờ đó mà bảo vệ thành công lãnh thổ Bhutan khỏi nhiều trận xâm lăng của các nước láng giềng. Dân Bhutan gọi ông là “Người hợp nhất” (The Unifier).

HÌNH 2

Hình 2: Shabdrung Ngawang Namgyal, người hợp nhất

– Bên trái là tượng Bồ tát Padmasambhava, tức Liên Hoa Sinh, mà người Bhutan kính trọng gọi là Guru Rinpochie (Đại sư cao quý). Liên Hoa Sinh là người đã đưa Phật giáo vào xứ này, có nghĩa là đưa vào xã hội Bhutan cổ sơ một ánh sáng mới của từ tâm và văn minh.

Tượng Liên Hoa Sinh được dựng lên ở nhiều nơi: Tây Tạng, Ấn Độ, Nepal… nhưng có lẽ những pho tượng trong các Dzong ở Bhutan là những pho tượng cao lớn và đẹp nhất, một vẻ đẹp uy nghi tươi sáng mang đậm dấu ấn thiên nhiên và con người Bhutan. Tiếc rằng người Bhutan tuyệt đối không cho phép ai, kể cả chính họ, được chụp ảnh trong điện thờ, nên rất khó có một tấm ảnh về các bức tượng tuyệt đẹp này.

Theo những ghi chép của môn đệ, thì sau hơn năm mươi lăm năm truyền bá Phật giáo trên đất Tây Tạng, Ngài Liên Hoa Sinh đã dời sang “Xứ La Sát”. La Sát là phiên âm của chữ Phạn Raksha, chỉ một loài vừa là người vừa là quỷ thần, vừa xấu vừa tốt, có thể hãm hại mà cũng có thể giúp đỡ người ta. Rất có thể đấy là hình ảnh mà người Tây Tạng lúc đó nghĩ về những người dân Bhutan láng giềng, lúc đó còn đang sinh hoạt theo tập tục của đạo Bon bản địa. Đạo Bon, xuất phát từ một xã hội cổ sơ của những người dân chăn nuôi và đi săn, có tục giết súc vật để tế thần nên khó dung hòa với chủ trương không sát sinh của đạo Phật. Khi Phật giáo du nhập vào Bhutan thì đạo Bon dần dần tiêu vong, ngày nay chỉ còn một ít tín đồ, cũng chẳng có miếu đền gì còn lại.

Hai chữ La Sát làm tôi không khỏi liên tưởng đến nhân vật “Bà La Sát” tức là Thiết phiến Công chúa trong truyện Tây Du Ký. Người đàn bà này có chiếc quạt thần, khi đem ra quạt thì trời lập tức đổ mưa. Huyền thoại về chiếc quạt làm mưa biết đâu chẳng nảy sinh từ những ngọn gió núi và những cơn mưa ngắn mát lành ở Bhutan, nhờ có mưa ấy, gió ấy mà cỏ cây luôn tươi thắm hiền hòa. Vì vậy khi Đường Tăng đi thỉnh kinh, ngang qua vùng Hỏa Diệm Sơn – tức là vùng lòng chảo Turpan đầy núi lửa – ngài đã sai đệ tử Tôn Ngộ Không chạy đến chỗ công chúa La Sát để mượn quạt. Mặc dù thư tịch cổ ghi là Xứ La Sát nằm không xa xứ của người Uyghur, nhưng ngày nay nhìn lại trên địa đồ thì giữa Bhutan và Turpan là cả một vùng rộng lớn của khu tự trị Tây Tạng. Quả thật chỉ có phép Cân đấu vân của Tề Thiên Đại Thánh mới chạy đi chạy lại giữa hai vùng này nhanh như vậy được mà thôi.

Taksang – Đường lên Hang Cọp

Chuyện Ngài Liên Hoa Sinh vào xứ Bhutan cũng là một huyền thoại, gắn liền với một Thánh tích nổi tiếng thế giới, đó là tu viện Taksang (Hang Cọp).

Chúng tôi đã nghe danh tu viện này từ lâu, nên nhất định đến đấy ngay hôm sau, mặc dù theo ý kiến của Sonam và Phinxu, nên hoãn thăm nơi này đến những ngày cuối. Lý do là, leo lên Hang Cọp xong chân cẳng sẽ đau nhừ chỉ còn muốn về nhà nghỉ thôi. Đúng vậy, tu viện Hang Cọp nằm ở độ cao hơn 3000 mét, vắt vẻo bên một vách núi dựng đứng. Chính sự thách thức đó làm du khách càng háo hức muốn đặt chân đến nơi này.

Cũng may, có một trạm ngựa ở chân núi. Con ngựa Bhutan đưa tôi đi qua những khúc quanh cheo leo. Như muốn trêu ngươi, thỉnh thoảng đang đi sát vách núi, nó lại dang ra, mon men đặt vó ở chỗ sát mép vực, làm tôi muốn nổi da gà.

Sau vài giờ hồi hộp, tu viện Hang Cọp đã hiện ra giữa những đám mây. Tôi mừng chưa kịp thở thì Sonam cho biết còn phải đi bộ ngược lên gần hai trăm bậc đá nữa, cậu ta không quên nhắc đi nhắc lại với vẻ mặt nghiêm trọng: “Các bạn phải nghe tôi, các bạn phải bước đi hết sức cẩn thận, nếu trượt té các bạn chắc chắn sẽ chết.”

Dù Sonam không nói thì vực sâu hun hút bên cạnh cũng đủ cho tôi hiểu điều ấy.

Bước lên bậc cấp cuối cùng rồi, tôi nhìn xuống: Mây bay la đà dưới xa kia, che gần hết những đoạn đường quanh co đã đi qua. Nhìn lên, một vầng ánh sáng ngũ sắc hội tụ ngay trước tòa tu viện. Thật sung sướng, hôm nay trong một khoảnh khắc hiếm có, tôi đã có duyên chụp được không phải chỉ Taksang, mà cả chùm hào quang lung linh tỏa ra từ đó.

 HÌNH 3

Hình 3: Hang Cọp trong một khoảnh khắc kỳ lạ

Thật kinh ngạc. Không biết người Bhutan thế kỷ thứ XVII làm cách nào để xây dựng cả tòa điện uy nghiêm trên nền đá cheo leo này. Theo lời truyền tụng, Ngài Liên Hoa Sinh đã đến đỉnh núi cao chót vót này trên lưng một con cọp trắng biết bay! Con cọp này chính là hóa thân của Tashi Khyidren, công chúa xứ Bhutan, một trong những người vợ của Ngài. Nàng đã tình nguyện hóa thành cọp trắng để đưa Ngài vượt qua ngàn dặm đến Bhutan chữa bệnh cho cha nàng là vị vua huyền thoại Sindhu Raja. Sonam chỉ cho tôi cái kẽ núi sâu hun hút giữa hai tòa điện, nơi mà theo lời truyền, khi hoàn thành sứ mệnh, nàng Khyidren trong lốt hổ đã nhảy xuống đó, không bao giờ bước ra lần nữa.

Tôi hỏi Sonam, Ngài Liên Hoa Sinh có nhiều phối ngẫu, đồng thời là nữ môn đệ. Vậy có phải các nhà sư ở Bhutan được phép lấy vợ không? Sonam nói không, chỉ trừ một phái cổ nhất, các nhà sư phái này ẩn tu trong núi, không xuống tóc và không kiêng sắc giới. Còn các phái khác hiện nay đều theo giáo quy chung của Phật giáo thế giới, độc thân, ăn chay và sống chung trong các tu viện. Cách tu hành bây giờ đã khác, nhưng Ngài Liên Hoa Sinh vẫn được tôn kính và được tất cả các môn phái xem là ông tổ Phật giáo ở Bhutan, thường được mệnh danh là Đệ nhị Phật.

Sonam là một Phật tử thuần thành. Mỗi lần bước vào một điện thờ anh lại sấp mình xuống sàn gạch làm lễ. Lễ xong anh một tay lấy một tờ tiền nhỏ cầm ép vào trái tim, bước lên đặt vào đĩa thờ. Tay kia anh cẩn thận che miệng (theo phong tục ở đây, miệng vốn không tinh sạch nên khi đến gần bệ Phật phải lấy tay che). Người Bhutan rất cung kính các đền đài của họ, vào thăm các pháo đài lúc nào Sonam cũng nhắc chúng tôi bỏ hết mũ nón, trong điện cũng như ngoài sân, cho đến khi ra khỏi cổng mới được đội mũ. Cả lúc trời đột ngột đổ mưa (xứ này có lẽ có sẵn quạt ba tiêu của công chúa Thiết Phiến, nên mưa rào thường xuyên!),  Sonam cũng không có châm chước gì cho khách cả, chúng tôi đành phải tôn trọng phong tục của bạn, để cho mưa xối xả xuống đầu.

Lễ hội Thimphu

Từ Hang Cọp trở về, đúng như Phinxu đã báo trước, chúng tôi ai cũng kêu đau chân rụng rời khi bước lên cầu thang. Lý do là vì khi xuống núi, đường dốc quá nên bắt buộc phải đi bộ, không được phép cỡi ngựa. Đau quá nhưng chúng tôi cố nhịn, lên xe đi ngay lên thủ đô Thimphu.

HÌNH 4

Hình 4: Lễ hội Thimphu

Không thể bỏ qua lễ hội vào ngày kế tiếp ở Thimphu, vì không phải ngày nào đến Bhutan bạn cũng có dịp được xem những màn vũ dân gian độc đáo của xứ này. Vũ công múa nhịp nhàng trong những bộ y phục sặc sỡ, đeo mặt nạ hình các con thú hoặc hình thần linh, ma quỷ… Đó là hình ảnh cuộc sống nguyên sơ của những bộ lạc sống bằng nông nghiệp, chăn nuôi và săn bắn trong những thung lũng xanh tươi gần Himalaya ngàn năm trước.

Lễ hội ở Bhutan rất trật tự, hiền hòa, không có cảnh chen lấn hay bụi bặm. Nếu thỉnh thoảng có vài người ngồi chệch ra lối đi, đã có các “Police Community” (cảnh sát cộng đồng) nhẹ nhàng đến nhắc nhở.

HÌNH 5
Hình 5: Cảnh sát cộng đồng

Thimphu có đông hơn những vùng khác, nhưng với con mắt một người từ Việt Nam sang, tôi vẫn thấy Thimphu vắng vẻ lắm. Có gì đó khiến tôi liên tưởng đến xứ Huế bốn mươi năm trước, tĩnh lặng, với những cửa hàng nho nhỏ, hiền hòa, những con đường cũng hẹp. Xe máy và xe đạp hầu như không có, xe hơi thì mới và tốt nhưng rất ít.

Tuy vậy cách tổ chức phố phường thì rất văn minh, các bảng hiệu đều ghi hai thứ tiếng: một hàng rất lớn chữ Dzongkha (ngôn ngữ chính của Bhutan) kèm dòng chữ Anh nhỏ hơn phía dưới, bảng hiệu nào cũng vậy, rất quy củ.

Đường phố rất sạch, không một mảnh rác. Tuy khung cảnh sống ở Bhutan có vẻ như vừa bước ra khỏi thời bộ lạc, nhưng người dân lại có văn hóa công dân rất cao. Đường phố rất sạch, còn sạch hơn nhiều thành phố ở châu Âu. Tôi nhớ lại hôm qua trên đường lên Hang Cọp, tuy là nơi xa xôi vắng vẻ mà trên đường chỉ thỉnh thoảng có phân ngựa chứ không hề có một cái rác nào. Liên tưởng đến đỉnh Fansipan, đỉnh núi cao nhất Việt Nam với đống rác và bao ni lông ngập ngụa, chạnh lòng tôi không khỏi cảm thấy hổ thẹn.

Tôi thầm nghĩ, Việt Nam và Bhutan, ai văn minh hơn ai, ai phát triển hơn ai?

Nếu nói về phát triển thì nhất định là mình phát triển hơn rồi, từ nông nghiệp, công nghiệp, giao lưu kinh tế văn hóa, cho đến bộ mặt đô thị… Bhutan cho đến nay cả nước chỉ mới có vài nhà máy ở phía Nam. Trên đường đến Thimphu, Sonam bảo đưa chúng tôi đi thăm “Industry center”, hóa ra khi đến nơi chỉ thấy mấy cái xưởng nho nhỏ dệt thảm làm từ lông trâu yak.

Còn cái hỗn loạn, cái bừa bãi thường thấy ở xứ ta, phải chăng là hệ lụy tất nhiên của bước đầu phát triển? Hay là vì trong dân tộc tính của ta thiếu một tố chất gì đó, khiến phải thua kém văn minh so với một dân tộc còn bó mình trong những vùng núi non hiểm trở?

Thánh Cuồng và những phong tục kỳ lạ

Rời Thimphu, chúng tôi đến cố đô Punakha.

 Dzong ở Punakha rất quy mô, nằm giữa hai dòng sông lớn là sông Trống và sông Mái.

HÌNH 6

Hình 6: Dzong Punakha soi bóng giữa hai dòng sông Trống và sông Mái

Những tháp cao trắng rực rỡ nổi bật giữa trời trong vắt. Sông nước xanh thẳm cuồn cuộn thác ghềnh. Sông của Bhutan thực chất là những dòng suối lớn, nước trong vắt chảy xiết. Đây chính là vẻ đẹp trời cho và cũng là nguồn sống của dân tộc, vì Bhutan nhờ đó mà làm thủy điện xuất khẩu, hiện nay nguồn thu của thủy điện chiếm một nửa tổng thu nhập quốc dân của nước này.

Punakha cũng là nơi có đền thờ nổi tiếng của vị thánh tăng Phật giáo là Drukpa Kunley, một nhà thơ, nhà truyền giáo, một thuật sĩ nổi tiếng của thế kỷ XV. Người ta thường gọi ông là Thánh Cuồng, vì ông uống rượu và yêu đương rất nhiều. Vốn là một người có thực, nhưng qua những giai thoại, Drukpa Kunley đã thành một nhân vật huyền bí gần như thần thánh.

Dấu ấn của Thánh Cuồng rất sâu sắc trong tâm thức người dân nước này. Khách đi qua Bumthang, Trongsa sẽ lấy làm lạ khi thấy trên nhiều ngôi nhà có vẽ hình những sinh thực khí trên vách, thường là hai bên cửa. Người ta vẽ như vậy là để trừ tà, vì có giai thoại Drukpa Kunley trừ một con quỷ bằng cách tống sinh thực khí vào mồm nó khiến nó bỏng hết cả cổ họng, phải vội vàng cao chạy xa bay. Ở đây còn có tục lúc lợp nhà, đàn ông trèo lên mái, đàn bà đứng dưới tung một sinh thực khí đẽo bằng gỗ lên, những người đàn ông phải bắt cho được mới là điềm tốt.

HÌNH 7

Hình 7: Hình vẽ trên vách một ngôi nhà

Ở Punakha có đền thờ Thánh Cuồng, xây trên một ngọn đồi có hình bầu vú của phụ nữ. Hàng năm rất nhiều người hiếm muộn tìm đến đấy để cầu con. Đạo Phật ở Bhutan gắn chặt với tín ngưỡng phồn thực của dân gian, nên hàm chứa rất nhiều biểu tượng liên quan đến sinh sản và âm dương nam nữ. Sonam hỏi tôi ở Việt Nam có Phật giáo không, tôi nói có chứ, nhưng khác với Phật giáo ở đây nhiều lắm.

Phô mai và ớt

Đến Bumthang, Sonam giới thiệu cho chúng tôi ở lại nhà chị Tshomo, một nông dân: một ngôi nhà hai tầng nằm giữa vườn táo trĩu trịt trái chín.

Thấy ngôi nhà cao rộng có rất nhiều phòng, tôi cho rằng đây là nhà của một người giàu có. Nhưng Sonam bảo, nhà này tất nhiên cũng khá nhưng không phải giàu có gì đâu. Nhà ở đây đa số rộng rãi nhiều phòng là vì cả đại gia đình ở chung, con cái khi có vợ có chồng rồi vẫn ở với cha mẹ.

HÌNH 8

Hình 8: Chị Tsomo (phải) bên ngôi nhà giữa vườn táo

Quả vậy, đi qua năm tỉnh chúng tôi nhìn rất kỹ hai bên đường, cố tìm một ngôi nhà lụp xụp nhưng không hề có. Nhà nào cũng khang trang, sạch sẽ, vách sơn trắng, mái vuông vức, có gác cao, tường vẽ hoa văn xinh xắn, cứ như một “Dzong” thu nhỏ. Đêm ở Bumthang tôi nằm trong căn phòng trên tầng hai. Mùi nhựa thông tỏa ra từ sàn gỗ sạch bóng, lẫn với mùi táo chín, mùi hoa dại ngoài vườn.

Buổi sáng, chị Tshomo mời ăn điểm tâm. Có một món đặc biệt mà tôi rất mê, món ớt tẩm phô mai: Vừa bùi vừa béo, chỉ the the thơm cay, mùi thơm của ớt xanh vô cùng hấp dẫn. Món này là món quốc hồn quốc túy, cũng như dưa cà của ta vậy. Dân ca Bhutan có bài hát Kuzu Zangpoo (Xin chào), có nhắc đến món ăn này:

Khi đàn bà có tấm lòng tử tế,

Thì chẳng cần là tuyệt thế giai nhân,

Nếu có, hãy mời ta rượu yến mạch, rượu vang,

Nếu không có, chỉ cần những lời dịu dàng.

Khi đàn ông có tấm lòng hào hiệp,

Chẳng cần chi phải lắm của nhiều tiền,

Nếu có, hãy đãi ta thịt cừu, thịt bò, thịt gà,

Nếu không có, chỉ cần một dĩa ớt tẩm phô mai cũng đủ.

Ngoài món ớt phô mai độc đáo này, các món khác của Bhutan đều không mấy hợp khẩu với tôi, đặc biệt các món thịt đều dai nhách. Tất cả cá thịt của họ đều là hàng đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ. Người Bhutan hiện nay theo đạo Phật, họ tuyệt đối không làm thịt con vật nào trên đất nước họ. Nghĩa là, trên đất nước này không ai đánh cá, bắn chim, không có lò mổ gia súc. Thảo nào đâu đâu cũng có rất nhiều chú chó nằm ngửa, nằm nghiêng rất thung dung. Những con chó ở Bhutan thật có phước, chúng nằm khơi khơi trên bãi cỏ xanh, bên những stupa cổ kính… Bhutan không thờ bò như người Ấn, người Nepal, nhưng ở đây bò cũng có lúc ngông nghênh, nằm ngay giữa đường xe chạy.

Sonam nhiều lần giải thích cho tôi ý nghĩa hình ảnh “Bánh xe luân sinh” vẽ ở các cổng đền, trong đó có hình quỷ vô thường ôm trong tay sáu cõi: thiên thần, bán thần, người, súc sinh, quỷ đói, địa ngục. Vậy là những linh hồn kém phúc phận mới phải đầu thai làm súc sinh. Nhưng tôi có cảm tưởng, ở xứ Bhutan này, làm súc sinh có khi còn may mắn hơn làm người ở một vài nơi trên thế giới.

Tổng hạnh phúc quốc dân

Bệnh viện ở Bhutan rất ít bệnh nhân, mỗi phòng khám chỉ có cùng lắm năm sáu người ngồi chờ. Dân số Bhutan chỉ có 600 ngàn, người ít thì tất nhiên bệnh nhân cũng ít, nhưng một phần cũng do họ sống gần thiên nhiên và ít bon chen nên sức khỏe cũng tốt. Đáng nể là tất cả viện phí đều có nhà nước lo hết, dân khám chữa bệnh không tốn tiền.

HÌNH 9

Hình 9: Mùa táo ở Bhutan

Tiện đường chúng tôi thăm một trường trung học ở Bumthang. Một mái trường bé nhỏ, có dáng vẻ thơ mộng kiểu “Trường làng tôi”. Các em học sinh nam nữ đều mặc đồng phục theo kiểu quốc phục truyền thống. Nhìn bên ngoài có vẻ quê kiểng, nhưng đi vào bên trong mới thấy nhà trường được tổ chức rất hiện đại. Tất cả các môn học đều được dạy bằng tiếng Anh, trừ ba môn cơ bản dạy bằng tiếng Bhutan: Thơ ca dân gian, Ngôn ngữ Bhutan và Phật giáo. Chương trình học cho thấy mục đích rõ ràng là đào tạo thế hệ trẻ Bhutan thành những người có thể giao lưu tiếp xúc thuận lợi với thế giới, đồng thời vẫn giữ được bản sắc tâm hồn dân tộc.

hình 10

Hình 10: Nữ sinh trường Trung học Wangdue

Cô Sangay Dema, giáo viên trực ngày hôm ấy thay mặt nhà trường tiếp khách. Cô cho biết tôn chỉ giáo dục của nhà trường Bhutan: Dạy và học qua thực tiễn, trong một môi trường lành mạnh và thân thiện, theo các tiêu chuẩn giá trị dựa trên nguyên tắc GNH (Gross National Happiness – Tổng Hạnh phúc Quốc dân, một khái niệm chính trị đầy sáng tạo của quốc vương Jigme Singye Wangchuck với câu nói nổi tiếng năm 1987: “Tổng Hạnh phúc Quốc dân còn quan trọng hơn Tổng Thu nhập Quốc dân.”)

Được biết hiện nay, học sinh đi học không phải đóng tiền cho đến lớp 10. Từ lớp 11 trở lên, em nào học giỏi sẽ được cấp học bổng.

Ở Bhutan, đạo Phật là quốc giáo, nhà vua cai trị theo tinh thần của Phật giáo đại thừa. Đi ngang một khu phố khang trang ở Bumthang, Sonam kể: Có một khu phố bị cháy vào năm 2003, nhà vua cấp tiền cho dân làm lại nhà cửa. Thấy vậy nhiều người tham, họ tự đốt ngôi nhà cũ kỹ của mình để xin trợ cấp làm nhà mới. Nhà vua biết rõ, nhưng… vẫn cho họ tiền để làm lại nhà. Có lẽ không nơi đâu trên thế giới có một nhà cầm quyền cai trị theo tinh thần tha thứ như vậy.

Chúng tôi may mắn có vua hiền

Trên suốt con đường xuyên Bhutan từ Tây sang Đông, cảm giác của tôi về đất nước này thật kỳ lạ. Nếu có ai đó nghĩ rằng con người văn minh là kết quả của một nền công nghiệp hiện đại, thì chắc chắn sẽ thay đổi ý kiến khi đến Bhutan. Bhutan giống như nàng công chúa ngủ trong rừng vừa tỉnh dậy, một chân bước xuống cuộc sống mới mẻ, một chân còn ở lại trong cõi mộng.

Một đất nước chưa phát triển bao nhiêu mà lại có nếp sống văn minh, lịch sự, có văn hóa công dân như vậy, chính là do người dân được giáo dục chu đáo trong tình thương và trong niềm tin vào những giá trị cội nguồn của lịch sử.

Rời Bumthang trở lại Paro, tôi lại nhìn thấy bức hình vua và hoàng hậu Bhutan trên sân bay quốc tế. Nhà vua trẻ và hoàng hậu trẻ, đúng là một đôi nam thanh nữ tú vô cùng xinh đẹp. Đấy là biểu tượng của một gia đình hạnh phúc, và cũng là hình ảnh đáng yêu của đất nước này. Vẫn biết hạnh phúc là điều gì đấy khó đo đếm vô cùng, nhưng đến Bhutan, không ai khỏi bồi hồi cảm động khi thấy hiển hiện trước mắt mình một giấc mơ: Giấc mơ xây dựng một cõi người tốt đẹp, một góc trong lành của thế giới.

HÌNH 11

Hình 11: Hình Quốc vương và Hoàng hậu trên sân bay Paro

“Chúng tôi may mắn có được vua hiền, biết chăm lo cho dân…”. Đó là câu nói tôi đã nhiều lần được nghe trong những ngày tìm hiểu Bhutan. Thoạt đầu tôi chưa vội tin, vì chuyện ca ngợi lãnh tụ không có gì là lạ ở những đất nước châu Á chúng ta. Nhưng ở đây, rõ là có sự đồng thuận rất lớn giữa người dân và nhà cầm quyền: Quốc vương Namgyel Wangchuck thừa hưởng ngai vàng từ một dòng vua đã năm đời được dân chúng yêu mến và vâng phục. Dòng vua này đã đóng vai trò quyết định trong việc làm cho Bhutan trở thành một đất nước tuy chưa phải là cường thịnh nhưng vẫn làm cho người dân những nước giàu mạnh hơn phải kính nể.

Trong lòng tôi gợn chút băn khoăn: Thế nhỡ một ngày kia, nhà vua không còn tốt nữa thì sao? Lẽ nào thịnh suy của một đất nước chỉ trông cậy vào sự tử tế của một người, cho dù người đó là một minh quân? À, mình lại cầm đèn chạy trước ô tô rồi, người Bhutan rất thông minh, họ hiểu tầm quan trọng của dân chủ và đã lo trước công việc của đất nước họ từ khuya: Năm 2008, quốc vương tiền nhiệm đã chủ động chuyển đất nước sang chính thể quân chủ lập hiến, giao quyền cho quốc hội. Một quốc hội mới toanh đã thay mặt dân điều hành đất nước, họ có được nhiều quyền, kể cả quyền buộc tội Vua nếu hội đủ 2/3 đa số.

Xin chào từ biệt Bhutan, chẳng biết bao giờ mới có dịp trở lại. Nếu có ngày trở lại, tôi tin vẫn sẽ thấy một Bhutan đáng yêu như thế này, đáng yêu hơn thế này.

TTM 2014

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.