Đinh Thanh Huyền
Tôi nhớ lần đầu nhìn thấy một bức tranh của Chu Hồng Tiến ở một triển lãm của nhóm họa sĩ G39. Đó là bức vẽ với những hiệu ứng màu rất đẹp có tên là Vào đêm. Một phức hợp các tông màu nâu, hồng, xám, đen, đỏ, tím có chỗ tan chảy vào nhau có chỗ bật lên một mảng độc lập theo cách khá ngẫu nhiên. Sắc đỏ mờ của bông hoa cân đối với phần cành và đài hoa đen thẫm trong bóng tối. Nhưng gây ấn tượng nhất ở bức tranh lại là những vệt màu tím hoa cà nhảy nhót trong mảng màu đen huyền bí. Một đường màu tím phớt chéo qua như một vệt sáng bất chợt. Bức tranh là sự giao thoa dịu dàng giữa ánh sáng và bóng tối đem lại cảm giác bình yên lẫn một chút cồn cào. Tôi bắt đầu tìm, ngắm tranh của Chu Hồng Tiến, những bức đã cũ và những tác phẩm mới.
(Buổi trưa, Acrylic trên toan, Chu Hồng Tiến)
Tranh Chu Hồng Tiến không đa dạng về đề tài. Trở đi trở lại là phong cảnh, tĩnh vật, hoa, một ít bức vẽ người (chủ yếu là người thân). Dường như với anh, đề tài không quan trọng bằng cách truyền tải đề tài thành màu sắc và hình khối. Không có câu chuyện nào xuất hiện trong tranh Chu Hồng Tiến. Tất cả đều là những khoảnh khắc và sắc thái mà ấn tượng về chúng trở thành mối quan tâm lớn nhất của người nghệ sĩ. Tranh Chu Hồng Tiến thường có những nét vẽ đơn giản, mãnh liệt. Những nhát cọ mạnh mẽ và việc chuyển sắc độ đầy ngẫu hứng giúp tạo chiều sâu cho tranh. Họa sĩ bắt lấy những góc độ đặc trưng nhất của đối tượng, đưa cọ thật nhanh, ưu tiên hiệu ứng tổng thể chứ không đi sâu vào chi tiết. Bức tranh dưới đây là một ví dụ:
(Dòng sông chiều, Acrylic trên toan, Chu Hồng Tiến)
Không gian sông nước mênh mông bàng bạc tĩnh lặng được tạo bởi những mảng màu xám, nâu, vàng, đen tách bạch bằng vài nét cọ dứt khoát. Họa sĩ gần như không pha trộn màu sắc mà đặt những màu cơ bản vào các hình khối nổi bật đem đến ấn tượng về không gian ba chiều. Vẻ rực rỡ của ánh sáng trên mặt nước và những gợn sóng nhẹ được tạo ra bằng vài vệt màu trắng trên nền xám xanh khiến bức tranh sống động và gợi cảm.
Tranh Chu Hồng Tiến không chú trọng việc khắc họa vẻ bề ngoài đầy đủ của đối tượng, trái lại, hình luôn có vẻ bị khuyết, thiếu. Nhưng chính đặc điểm này tạo cảm giác họa sĩ chừa lại không gian cho người xem tùy ý tưởng tượng, tham gia vào tác phẩm. Bức vẽ dưới đây là một minh chứng.
(Hoa trắng, Acrylic trên toan, Chu Hồng Tiến)
Ở đây, dường như họa sĩ không chú ý đến vẻ hoàn chỉnh của lọ và hoa. Những nét thẳng biểu thị cành hoa được tạo ra khá lộn xộn, đứt đoạn. Những bông hoa chỉ là vài vệt màu trắng trong suốt lửng lơ bên trên. Nhìn có vẻ vô lí, nhưng đây chính là chỗ dụng công của họa sĩ. Chỉ cần vài gợi ý đích đáng, mắt và tâm trí người xem tự lấp đầy những chỗ trống, chỗ thiếu, “vẽ” nốt trong tâm tưởng những gì theo họ lẽ ra phải có ở đó. Khi không bị trói buộc vào những khuôn hình cố định, người xem tranh bỗng thả lỏng, phiêu lưu trong thế giới của liên tưởng bất tận. (Khác với việc thưởng thức tranh truyền thống, sự hoàn thiện của tác phẩm khiến người xem chỉ có thể trầm trồ, thán phục tài năng của nghệ sĩ mà khó có thể tham gia sáng tạo nên “bức tranh” của chính mình). Chính những phần được gọi ra từ sự tưởng tượng khiến cho trải nghiệm thị giác của người xem được kích thích, đầy khoái hoạt, năng động, phong phú.
Liên quan đến đặc điểm vừa nói ở trên, không thể không chú ý đến ánh sáng trong tranh Chu Hồng Tiến. Không phải là thứ ánh sáng được tạo ra bằng cách phối hợp màu sắc, Chu Hồng Tiến thường phết những vệt màu nhỏ để diễn tả ánh sáng trực tiếp chiếu lên đối tượng. Phương pháp này tạo nên kiểu ánh sáng đầy rung động khiến cho hình ảnh bị bẻ gãy hoặc khuếch tán trong không gian. Chu Hồng Tiến ít vẽ bóng đổ, có chăng là những mảng màu sẫm giúp cho bức tranh không phẳng dẹt. Vì không tập trung vào chi tiết, nhìn tổng thể, bức tranh là một tổ hợp các tông màu đẹp đẽ và sự phối hợp thú vị giữa màu sắc và hình khối. Sự đan xen các sắc thái khác nhau thật rực rỡ và hài hòa đem lại ấn tượng về một tạo vật trong suốt, lung linh ngập tràn ánh sáng.
(Tĩnh vật, Acrylic trên toan, Chu Hồng Tiến)
Mĩ thuật Việt Nam nhiều năm trở lại đây khá ảm đạm. Thế hệ họa sĩ đi trước người thì ngừng vẽ, người thì chuyển sang “sản xuất” hàng loạt, nhái chính mình. Tranh của một số họa sĩ có tên tuổi trở nên điệu đà, đầy tính trang trí, sự duy mĩ nặng nề thay cho tính chất tự nhiên cần thiết. Giới họa sĩ trẻ lao vào các khuynh hướng mới nhưng ít người thành công. Không nói đến những chuyện vĩ mô như mang mĩ thuật Việt Nam lên sàn quốc tế hay phát triển năng lực thẩm mĩ cho công chúng, ngay cả việc duy trì một nền tảng mĩ thuật tương đối chân thật cũng không đạt được. Trong bối cảnh đó, những họa sĩ đang điềm tĩnh, kiên trì mục tiêu sáng tạo những tác phẩm đơn giản, rõ ràng, đầy cảm xúc như Chu Hồng Tiến luôn có công chúng riêng. Họ dồn hết tâm trí vào những vấn đề nghệ thuật mà bản thân đặt ra. Vẽ, với họ luôn là nỗ lực khắc họa vẻ đẹp của tự nhiên và sự thôi thúc của cảm xúc. Suy cho cùng, nghệ thuật vẫn là cách để con người đến gần hơn, thậm chí cảm thấy mình có thể hiểu và sinh tồn cùng tự nhiên.
(Đầm, Acrylic trên giấy bìa, Chu Hồng Tiến)
(Mùa đông, con gái, Acrylic trên toan, Chu Hồng Tiến)
(Ngõ xanh, Acrylic trên toan, Chu Hồng Tiến)
Ngày nay, công chúng và các nhà phê bình gần như không còn ngạc nhiên trước những xu hướng mới lạ trong hội họa. Thời hiện đại là thời của những hành vi nổi loạn, của những thể nghiệm lập dị thách thức mọi kinh nghiệm thẩm mĩ. Chính lúc này, những nghệ sĩ từ chối chạy theo các thể nghiệm nặng tính hình thức lại là người có thể thành công (ở sự thực hành nghệ thuật). Họ đã chứng minh rằng trong nghệ thuật, sự thay đổi và cái mới lạ không phải là yếu tố quan trọng nhất. Một cuộc cách tân trong nghệ thuật không thể thay thế sự chân thực về tư tưởng và cảm xúc, cùng với những phương pháp sáng tạo khắt khe mà người nghệ sĩ phải đảm bảo.
Chu Hồng Tiến được biết đến không chỉ là một họa sĩ mà còn là một nhà thơ. Thơ Chu Hồng Tiến, thật thú vị, có sự tương đồng rõ rệt với tranh của anh. Chu Hồng Tiến viết ít, anh chỉ có tập thơ Phố đồng thảo xuất bản năm 2008 và vài bài thơ đăng rải rác trên báo Văn nghệ. Thơ Chu Hồng Tiến nổi bật ở sự tối giản. Mỗi bài thơ thường rất ít chữ, kiệm lời. Khoảng trống trong thơ anh lớn đến mức có cảm giác nhà thơ chỉ điền vào khoảng trống ấy vài từ ngữ để người đọc nhận ra sự im lặng bao quanh bài thơ (giống như khi đặt một bình hoa vào căn phòng trống, người ta mới nhận ra nó trống).
Anh và cách im lặng của loài hoa
Khóm mẫu đơn vườn vắng
Bông đồng tiền cuống nâu
Anh và cách im lặng của câu thơ trắng
Thức lâu thấy gan ngọn lửa
Anh và cách im lặng của em
Khép hờ cánh cửa
Bờ sông lở bồi
Mây tóc bây giờ chót bạc…
Đâu đêm
Đâu hoa.
(Trong đêm)
Cái tối giản của chữ dẫn đến sự mênh mang của nghĩa. Đâu đó giữa những khúc quanh của lời thơ là ảnh tượng mơ hồ chập chờn cơn mê của người đàn ông cô độc với nỗi buồn dai dẳng lan xa. Những bài thơ như thế này khiến người đọc “không nghĩ” về nó mà chỉ đón lấy cái cảm giác nó gợi lên.
Khoảng trống trong thơ cũng giống như khoảng thiếu trong tranh Chu Hồng Tiến, nó cho phép người đọc/người xem thâm nhập vào tác phẩm. Trái với những gì người ta thường nói về tính cực đoan, tự trị của nghệ thuật, khi nghệ sĩ tạo được không gian cho người thưởng thức tiến vào, anh ta mới thực sự làm chủ tình thế. Giá trị của nghệ thuật nằm ở khả năng gợi ý chứ không phải ở khả năng nói hết. Khi nghệ sĩ trao quyền năng cho người thưởng thức, lúc ấy tác phẩm nghệ thuật có cơ hội được hoàn thiện theo những cách bất ngờ nhất.
Cũng giống như tranh, thơ Chu Hồng Tiến chỉ ghi lại những khoảnh khắc mà không triết lí, không bình luận.
Phố đồng thảo
Bầy chim sẻ dung dăng…
Hòn sỏi son reo ca nắc nẻ
Tóc thật dài và lời rất khẽ
Trời đang xanh và chiều bình thường
(Chiều violette)
Những khoảnh khắc đời sống trong thơ và trong tranh Chu Hồng Tiến tưởng đơn giản, thực chất tuân thủ rất đúng quy luật nhận thức của tâm trí. Với hội họa – loại hình nghệ thuật không gian – ta không bao giờ nhìn thấy những sự vật riêng lẻ mà luôn tiếp nhận một hỗn hợp các tông màu và hình dạng cùng lúc. Với thơ – loại hình nghệ thuật thời gian – ta chỉ có thể tiếp nhận từng chi tiết và trình tự xuất hiện của chi tiết đó trong chỉnh thể quyết định ý nghĩa mà ta hiểu được. Ở cả hai tình thế sáng tạo ấy, Chu Hồng Tiến dường như không chút lúng túng. Khi chuyển ấn tượng về khoảnh khắc lên mặt tranh, họa sĩ đặt nét cọ vào khoảng trống và truyền sức sống vào đó. Khi ghi lại khoảnh khắc bằng ngôn từ, nhà thơ bao lấy khoảnh khắc đó bằng sự im lặng giữa các từ ngữ. Khoảng trống chính là căn cơ của tranh và thơ Chu Hồng Tiến:
Bó hoa
không lá
Chùm hoa
không hoa
Tiếng hát không đàn đệm
Bản nhạc không lời
Cặp mắt ướt đi qua trưa nắng
Đôi cánh khô khong bay qua cơn mưa rào
Tôi và em
Có nhiều khoảng cách trong tưởng tượng
Cách xa một đường bay
Một cọng cỏ
Chúng ta lạc nhau trong cuộc hẹn
Em hút vào ngõ trái
Anh ơ hờ một cành lá không hoa
(Khoảng cách)
Cuối cùng, điều gì làm nên sức hút riêng của tranh và thơ Chu Hồng Tiến? Đó là chất trữ tình quen thuộc nhưng vẫn rất hấp dẫn tỏa ra từ mỗi bức tranh, mỗi bài thơ. Trong sinh quyển nghệ thuật đương đại quá phồn tạp hiện nay, cái lãng mạn bình dị, hồn nhiên của Chu Hồng Tiến đem lại một làn không khí mát, dịu thật quý. Không viết, vẽ về những đề tài có tính xã hội nóng bỏng, không chạy theo những xu hướng thời thượng, hướng ngoại, Chu Hồng Tiến bền bỉ đi con đường của mình. Anh đã khẳng định quan niệm nghệ thuật riêng ở cả hai lĩnh vực hội họa và thơ bằng bút pháp, kĩ thuật vẽ, viết chắc chắn, tài hoa, nghiêm cẩn mà bay bổng. Không áp đặt tư tưởng, mỗi bức tranh, mỗi bài thơ của Chu Hồng Tiến chỉ là một cách gợi mở. Tính không cố định của hình tượng nghệ thuật được đẩy đến mức tối đa là điều không phải nghệ sĩ nào cũng làm được. Trung thành với mục tiêu biểu đạt chiều sâu cảm xúc, Chu Hồng Tiến đã tiến đến với một đề mục cực kì quan trọng: biểu đạt khoảng trống. Không phải sự lấp đầy mà sự thừa nhận khoảng trống mới là điều cốt yếu trong nghệ thuật của Chu Hồng Tiến. Khi xem tranh, đọc thơ anh, nếu cảm giác khó nắm bắt, cảm được mà gọi tên không được xuất hiện, ấy là lúc người thưởng thức đã được nghệ sĩ dẫn đường để đi vào cõi hư không trong chính mình, để yêu quý hơn mỗi khoảnh khắc được sống.
Hà Nội, tháng 7/2024