(Nhân hiện tượng Donald Trump đọc lại Quân vương của N. Machiavelli)
Dương Thắng
Thủ lĩnh là một hiện tượng nhiều chiều và nhiều nghĩa. Văn cảnh sử dụng khái niệm “thủ lĩnh” là tương đối rộng – từ việc nêu đặc trưng sự thống trị của một cá thể được xác định trong môi trường động vật cho đến sự xuất hiện các lãnh đạo trong cuộc sống của cộng đồng người. Thủ lĩnh của bầy động vật là cá thể mạnh nhất về mặt thể chất, những cá thể khác được định hướng dựa vào lối ứng xử của nó trong quá trình sống của mình. Thủ lĩnh xã hội là một chức năng xã hội, được quy định bởi năng lực của con người trong việc tự giác đặt ra các mục đích có ý nghĩa chung và xác định các phương thức đạt tới chúng trong khuôn khổ các thiết chế chính trị được tạo ra cho điều đó. Những hình thức và phương thức cụ thể để thực hiện vai trò thủ lĩnh phụ thuộc vào trình độ phát triển văn hóa của xã hội, mức độ độc lập của các nhóm lợi ích khác nhau, ý thức về nhu cầu đối với hành động tập thể để duy trì sự tiến bộ của toàn thể hệ thống xã hội.
N. Machiavelli đã đưa vấn đề thủ lĩnh từ lĩnh vực tưởng tượng, thần thoại , từ những huyền thoại như “thủ lĩnh là người được Chúa trời lựa chọn” về bình diện cuộc sống hiện thực. Trong tác phẩm Quân vương, ông xác định bản chất, các chức năng và công nghệ làm thủ lĩnh. N. Machiavelli phân biệt nội dung của vai trò thủ lĩnh nhờ xuất phát từ những quan sát hiện thực đôí với hành vi thực tế của nhà cầm quyền và quan hệ của ông ta với thần dân. Theo Machiavelli, cơ sở của vai trò thủ lĩnh là sự định hướng vào quyền lực mà việc làm chủ sẽ đi liền với việc nhận được của cải và đặc quyền. Tố chất ham muốn quyền lực không phụ thuộc vào những phẩm chất tốt đẹp hay những khuyết tật cá nhân. Nó có tác động giống như quy luật khách quan, không phụ thuộc vào ý chí và ý thức con người. Thắng lợi trong việc leo lên đỉnh cao quyền lực được quy định không hẳn bởi cường độ định hướng vào quyền lực mà chủ yếu được quy định bởi những phương tiện hiện có. Muốn khởi xướng thành công, nhà cầm quyền phải làm cho hành vi của mình phù hợp với các quy luật tất yếu (số phận) và với lối ứng xử của thần dân. Sức mạnh sẽ đứng về phía ông ta khi ông ta có tính đến tâm lý của người khác, các đặc điểm tư duy, các nguyên tắc đạo đức, những ưu điểm và khuyết điểm của họ.
Theo Machiavelli, cơ sở ứng xử của con người là hai động cơ: nỗi sợ hãi và tình yêu. Nhà cầm quyền cần phải sử dụng chúng. Tốt nhất là biết cách kết hợp hai động cơ ấy khi thực hiện quyền lực. Nếu điều này là không đạt được trong cuộc sống hiện thực, tốt nhất là nhà cầm quyền nên giữ thần dân trong trạng thái sợ hãi. Nhưng, cần phải hành động sao đó để sự sợ hãi không biến thành sự căm thù, nếu không thì những thần dân căm phẫn có thể lật đổ thủ lĩnh. Để điều đó không xảy ra, thủ lĩnh không nên xâm phạm các quyền về tài sản và nhân cách của công dân.
Ngoài sự sợ hãi và tình yêu thì sự háo danh cũng chi phối hành vi của con người. Nó là cái vốn có của mỗi người. Thủ lĩnh cần phải biết ai chính là người háo danh và do vậy là mối nguy hiểm đối với ông ta với tư cách thủ lĩnh: người đó muốn giữ lại những gì đang có hay là cố gắng có được cái mình không có. Những người giàu có sợ hãi đánh mất những gì họ đã tích lũy được, còn những người nghèo có khát vọng có được những gì có ở người giàu. Cả hai khát vọng về quyền lực mà đứng ở đằng sau đó là khát vọng phá huỷ, đều nguy hiểm như nhau. Những người giàu có nắm đòn bẩy quyền lực và những người nghèo cố gắng giành lấy quyền lực ấy đều có lối ứng xử giống nhau về nguyên tắc. Sự vô đạo đức không phụ thuộc vào nguồn gốc xã hội, nó được quy định bởi bản thân sự tham gia vào cuộc đấu tranh vì quyền lực.
Theo Machiavelli, công nghệ làm thủ lĩnh ổn định là ở sự kết hợp khéo léo giữa những phương tiện ban thưởng và trừng phạt. Con người thường trả thù vì những phật ý và bị xúc phạm nhỏ nhặt. Sự gây áp lực mạnh sẽ tước mất khả năng trả thù của họ. Khi hướng tới quyền lực tuyệt đối, thủ lĩnh cần phải giữ thần dân trong trạng thái sợ hãi để tước mất mọi hy vọng kháng cự của họ. Cần phải ban phát những việc thiện một cách nhỏ giọt để thần dân có đủ thời gian đánh giá chúng một cách thoả đáng. Những phần thưởng chỉ được đánh giá cao khi chúng hoàn thành sứ mệnh của mình. Người ta quý trọng những phần thưởng và việc đề cao trong công việc trong trường hợp chúng là hiếm hoi và được nhỏ giọt. Nếu ngược lại, cần phải áp dụng sự trừng phạt ngay lập tức và với “liều lượng mạnh”.
Xây dựng lý luận về thủ lĩnh dựa trên quan hệ qua lại “nhà cầm quyền – thần dân”, N. Machiavelli cũng rút ra tính cách của thủ lĩnh từ quan hệ ấy. Thủ lĩnh sáng suốt hợp nhất trong mình phẩm chất của sư tử (sức mạnh và sự trung thực) và phẩm chất của con cáo (thần bí hoá và dối trá). Do vậy, thủ lĩnh có những phẩm chất bẩm sinh, cũng như những phẩm chất do đào luyện mà có được. Con người khi sinh ra thường sở hữu ít thứ hơn so với những gì nó có được nhờ sống trong lòng xã hội. Là người ngay thẳng, láu cá hay tài năng là do bẩm sinh, nhưng thói háo danh, thói tham lam, thói hèn nhát là hình thành trong quá trình xã hội hóa cá nhân.
Sự không thoả mãn là nguồn kích thích đối với hoạt động tích cực. Vấn đề là ở chỗ con người luôn mong muốn nhiều hơn nhưng không phải bao giờ cũng đạt được điều đó. Sự không phù hợp giữa điều mong muốn và hiện thực sinh ra một trạng thái căng thẳng nguy hiểm, có khả năng làm cho con người mất tinh thần, làm cho nó trở thành con người tham lam, hay căm thù và tàn ác, vì khát vọng nhận được bao giờ cũng vượt quá khả năng của con người. Rốt cuộc đã xuất hiện thái độ không thỏa mãn với những gì con người đang có. Machiavelli gọi trạng thái ấy là sự bất mãn. Chính nó góp phần biến điều mong muốn thành hiện thực.
Tuy nhiên, sự bất mãn cũng có thể xuất hiện do có sự đố kỵ và sự kiên tâm. Theo Machiavelli, sự đố kỵ sinh ra kẻ thù, còn sự kiên tâm nhận được người ủng hộ. Thể hiện là một người am hiểu tuyệt vời về tâm lý con người, ông đã bất ngờ đưa ra những sự so sánh chính xác và có những phát hiện quan trọng: “Tôi dẫu sao vẫn cho rằng làm người kiên tâm là tốt hơn làm người thận trọng, vì số phận giống như người phụ nữ, để chiến thắng nó thì cần phải đánh đập và chửi rủa nó. Trong trường hợp như vậy, nó thường nhượng bộ hơn là khi bộc lộ thái độ lạnh nhạt đối với nó. Và, giống như người phụ nữ, số phận có thiên hướng kết bạn với những người trẻ tuổi vì họ không thận trọng, mà lại hăng hái và dũng cảm chiếm lĩnh nó”.
Vai trò của thủ lĩnh trong xã hội được quy định bởi những chức năng mà thủ lĩnh có nhiệm vụ phải hoàn thành. Machiavelli coi những chức năng quan trọng nhất là việc bảo đảm trật tự xã hội và ổn dịnh trong xã hội; là việc huy động nhân dân vào việc đạt tới các mục đích có ý nghĩa chung. Nhìn chung, lý luận về thủ lĩnh của Machiavelli được xây dựng dựa trên bốn luận điểm là: 1) quyền lực của thủ lĩnh bắt nguồn từ sự ủng hộ từ phía những người bảo vệ ông ta; 2) những người phục tùng phải biết họ hy vọng cái gì ở thủ lĩnh của mình và hiểu được thủ lĩnh hy vọng cái gì ở họ; 3) thủ lĩnh cần phải có ý chí sống sót; 4) nhà cầm quyền bao giờ cũng là tấm gương về sự thông thái và công bằng đối với những người ủng hộ mình.