Ảo tượng Đỗ Quốc Bảo: Từ Kỳ Viên Tịnh Xá đến Rừng Đen Đức quốc[1] (kỳ 2)

Trần Đình Thắng

9. ĐQB dịch:

Theo cách của họ (nach ihrer Weise) thì đây là những người đồng bào và những sự vật, là tất cả cái mà tạo điều kiện/dẫn khởi cho những thứ (sự vật) này và xác định những người (đồng bào) kia.”

Gặng xét:

Câu dịch của ĐQB, kể cả ghi chú (không ăn nhập gì với nội dung của câu dịch), cũng không cho thấy rõ về ý định của Heidegger. Ta sẽ xem xét từng điểm.

– Chữ ‘ihrer’ (‘their’) (trong “nach ihrer Weise”) về ý nghĩa tiếng Đức thông thường thì không có gì là khó, nếu không muốn nói là quá tầm thường và được ĐQB dịch là ‘HỌ’ (tức là ‘NHỮNG NGƯỜI NÓI’) và như vậy, ‘NHỮNG NGƯỜI NÓI’ ở đây là trung tâm điểm: ‘NHỮNG NGƯỜI NÓI’ hiểu và trải nghiệm ‘thế giới’ (cõi sống – bao gồm những người và sự vật khác ), và do đó, xem toàn bộ thế giới đơn thuần là các đối tượng. (Bạn đọc lưu ý, chữ ‘ihrer’, ở đây chúng tôi gọi là “những chữ be bé giết người”, nó cho thấy sự tinh tế chữ nghĩa, tư tưởng của Heidegger, chúng tôi không bắt bẻ lắt nhắt, lặt vặt[51] kiểu “mẹ chồng nàng dâu”; bạn nào quan tâm Heidegger nên đặc biệt chú ý phần này!)

– Đây là cách nhìn truyền thống triết học phương Tây. Trong bài giảng (Martin Heidegger Vật Xây Ở Suy Tư), Heidegger bàn về bản chất của sự vật (Ding) và mối quan hệ giữa con người với sự vật theo cách hoàn toàn khác so với quan điểm khoa học hay truyền thống triết học phương Tây trước đó. Thay vì coi sự vật đơn thuần là đối tượng, Heidegger khám phá cách thức (hoặc thể điệu) chúng xuất hiện và có ý nghĩa trong thế giới của con người: Ngôn ngữ cũng đưa các tồn tại ra khỏi ‘sự hỗn độn nhạt nhoà’ ra ngoài bằng cách gọi tên chúng lần đầu tiên, và do đó đem lại cho chúng ta một cái gì đó để giao tiếp. (Heidegger: A Very Short Introduction). Sự vật không chỉ là một đối tượng, quan hệ giữa con người và sự vật là quan hệ sống cùng, mỗi sự vật đều có bốn phương, hoặc bốn chiều kích (cái Bốn), nói vắn tắt: Heidegger cho rằng con người và sự vật luôn trong mối quan hệ sống chung, cùng nhau tạo thành cõi sống (thế giới) có ý nghĩa.
Cách dịch ‘ihrer’ là ‘HỌ’ đã làm sai lạc hoàn toàn ý nghĩa của câu văn Heidegger, trong trường hợp này, có thể thấy chỉ có thể dịch là ‘CHÚNG’, bao gồm cả con người và [s]ự vật như đã nói ở (4[52]). Cách dịch là ‘CHÚNG’ thật ra nhờ cách vừa dịch vừa diễn rất rõ thấy qua hai câu dịch của Krell, câu dịch của Krell làm rõ hơn ý nghĩa câu gốc tiếng Đức, đặc biệt nhờ chữ ‘own’ của ông để có thể đưa đến cách dịch ‘theo cách riêng của chúng’. Tại sao ‘theo cách riêng của chúng’? Như trong (Martin Heidegger Vật Xây Ở Suy Tư, trang 10-62), Heidegger đã đưa ra câu hỏi: Làm thế nào để [sự] vật như là [sự] vật? Tính cách của [sự] vật nằm ở đâu? Cái riêng biệt của chúng là gì? Tại sao ‘cái vại’ như là ‘cái vại’, ‘ngôi đền Hy Lạp’ như là ‘ngôi đền Hy Lạp’. ‘Chiếc thánh giá’ như là ‘chiếc thánh giá’ trong mắt vị linh mục nhưng lại là miếng gỗ hình chữ thập trong mắt một thổ dân vùng Amazon, … ‘đứa con’ như là ‘đứa con’ dưới mắt người đàn bà Ả rập … tại sao chúng có thể có mặt theo cách riêng của chúng?[53]

– Xét cụm “…ĐÂY là những người đồng bào và những sự vật, là tất cả cái mà tạo điều kiện…”
Cấu trúc này khiến người đọc không rõ: những gì đã kê trước đó… để dẫn tới chữ ‘ĐÂY’ là những gì?
Hãy xem lại câu trước đó:

Đến cái mà với/qua nó họ nói, nơi mà họ đình lưu như là bên cái [mà] thỉnh thoảng liên quan đến họ rồi. Theo cách của họ thì đây là những người đồng bào và những sự vật, là tất cả …

Như vậy, ‘đây’ không lẽ rép (refer) ‘đến cái mà’, ‘nơi mà’??? Nói cách khác, cách dịch cố gắng kiểu một-một giáo khoa này đã khiến ý nghĩa của hai câu này không ăn nhập gì nhau, không nối ý rõ ràng với nhau và đồng thời cụm “những người đồng bào và những sự vật” thì người đọc không biết ở đâu mà mọc ra! Do đó, để nói ra được ý nghĩa của Heidegger, nếu không theo bản Anh, ta buộc phải NẮN, THÊM THẮT cho cả hai câu tiếng Đức như sau:

Trong những gì họ nói và họ cư ngụ – là những gì luôn chạm đến người nói. (*)

Tất cả những thứ này, theo cách [riêng**] của chúng, là những người đồng loại và sự vật, những thứ …[54]

(*) Không thể dùng lại câu của ĐQB vì khó lòng nối qua câu sau.

(**) Thêm chữ ‘riêng’ vì ‘những gì’ ở đây bao gồm cả ‘đồng loại con người’ và ‘sự vật’.

Kết luận

– Về mặt tiếng Đức phổ thông đơn thuần, dịch ‘ihrer’ là ‘họ’ và dịch theo lối một-một của ĐQB đã làm mất sự liên kết giữa hai câu khiến không thể hiểu đúng ý của Heidegger. Ngoài ra, cách dịch với câu cú khá lủng củng (‘cái mà với/qua nó họ nói’, ‘nơi mà…’) và có thể dễ dàng giải quyết qua những kỹ thuật lược bỏ đại từ quan hệ!

– hệ quả là về mặt ý tưởng theo Heidegger, hai câu dịch đã bị lạc ý và mất sự liên kết hoàn toàn giữa các câu.

– ‘Mitmenschen’: chữ này tôi dịch là ‘những người cùng sống với’ theo tinh thần của chữ ‘Mitsein’, tức là dịch và chế theo bản Đức, chứ không dịch là ‘đồng bào’ (‘fellows’); từ dịch này của ĐQB không đúng, cùng lắm chỉ nên dịch là ‘đồng loại’[55], từ ‘đồng bào’ có ý nghĩa rất khác, bạn đọc có thể xem thêm mục “đồng bào” (Từ Điển Tiếng Việt).

10. ĐQB dịch:

“…, là tất cả cái mà tạo điều kiện/dẫn khởi (bedingt) cho những thứ (sự vật) này và xác định những người (đồng bào) kia..”

“…die Dinge, ist alles, was diese be-dingt und jene be-stimmt.”

và ĐQB chú thích:

“…die Dinge, ist alles, was diese be-dingt und jene be-stimmt. Heidegger lại chơi chữ ở đây. ‘be-dingen’ nguyên mang nghĩa ‘thương định (aushandeln), ước định (vereinbaren),’ sau đó lại chuyển thành nghĩa ‘có … là hệ quả,’ ‘dẫn khởi …’ và ‘…’ ở đây chính là ‘die Dinge’ vốn ‘có sẵn’ trong động từ ‘be-ding-t’ (nhân xưng thứ ba số đơn, ngữ khí chỉ thị);…”

Gặng xét:

+ Nếu ĐQB chỉ lẵng lặng dịch “bedingt”(thật ra là “be-dingt”) là “tạo điều kiện” thì chúng ta có thể bỏ qua được, vì đây là chữ khá khó hiểu và rất, rất khó dịch (nếu chú thêm từ này khó dịch thì càng tốt)![56]; song khi ĐQB mở miệng giải thích thì lộ ra nhiều vấn đề.

Câu hỏi đặt ra là: Lộ ra vấn đề gì (đối với tư tưởng Heidegger)?

Chúng ta sẽ xem xét từng điểm một:

+ ĐQB viết: “Heidegger lại chơi chữ ở đây”.

Hệ quả là ĐQB đánh đồng “be-dingen” với “bedingen” và từ đó VÔ TƯ dịch “be-dingen” theo ý nghĩa của “bedingen” và cụ thể là, trong câu dịch lại để bắt bẻ của mình, ĐQB viết “…dẫn khởi (bedingt)”, thay vì “be-dingt”!

Xin thưa: Heidegger hay chơi chữ, nhưng ở đây, Heidegger không hề chơi chữ! Viết như vậy thì y như chúng ta cười hô hố khi diễn viên hài Hoài Linh nói thật: “Đói quá, sáng giờ chưa ăn gì cả!”

Nhắc lại câu nói lừng danh của Heidegger: “Das Nichts nichtet.” (“The nothing nothings”) Danh từ Nichts được Heidegger chuyển thành động từ ‘nichten’ và ghép chúng lại thành câu. (tạm dịch là “Hư vô mở cõi”). Ở đây Heidegger không hề chơi chữ, có điều khi R. Carnap đọc câu này thì không thể chịu nổi, bởi vậy mới có chuyện thế này:

Carnap: Nền tảng của triết học phải là khoa học!

Heidegger: Tầm phào! Ông nói ngược rồi!

Carnap: Ngược thế nào, Herr Heidegger?

Heidegger: Khoa học phải đặt nền tẳng trên siêu hình học.

Carnap: Thế nền tảng của siêu hình học đặt ở đâu?

Heidegger: HƯ VÔ, dĩ nhiên.

Wittgenstein: Carnap, đừng vặn nữa, tôi hiểu Herr Heidegger muốn nói gì!

Carnap: ???

Wittgenstein: Vì nếu ông vặn tiếp, cái HƯ VÔ đó đặt nền tảng ở đâu, thì Herr Heidegger chắc chắn sẽ trả lời: THÌ TRÊN HƯ VÔ KHÁC, DĨ NHIÊN! [57]

Thoạt đầu, khi Heidegger đưa ra những chữ chế kỳ quái mà không giải thích, thì việc nhiều người, trong đó đó Carnap, không hiểu là chuyện bình thường. Nhưng cả bao nhiêu năm trôi qua, nhiều học giả đã giải thích cặn kẽ về chữ nghĩa của Heidegger thì chúng ta không được quyền không biết về những chữ này. Chúng tôi trở lại chữ “be-dingen”.

+ “tạo điều kiện”. Với ý nghĩa thông thường thì chữ này có thể hiểu là: gây ra, quyết định, làm điều kiện cho, quy định… Ví dụ: Nước tạo điều kiện cho cây cỏ tươi tốt; Lửa tạo điều kiện cho sự tăng nhiệt,… Và như vậy, ‘nước’ là nguyên nhân (gây ra) cây cỏ tươi tốt …, và như vậy, chúng ta sẽ hiểu “tạo điều kiện” ở đây là một quan hệ (tác động) MỘT CHIỀU. Heidegger thô thiển đến thế sao? Chúng tôi cho là không, Heidegger thâm trầm, kín kẽ hơn nhiều! Không lẽ Heidegger lấy chữ “bedingen”, bẻ làm đôi, chèn thêm ‘-’, thành “be-dingen” mà ý nghĩa không khác gì “bedingen”, chỉ để chơi thôi sao? Cụ đâu có lẩm cẩm, dở hơi thế! Lấy lại ví dụ vị linh mục và thánh giá: khi vị linh mục nói về chúa ba ngôi, về thánh giá; thế thì vị linh mục ấy “tạo điều kiện” cho “chúa ba ngôi”, “thánh giá”, với cụm “tạo điều kiện” được hiểu theo “Lửa tạo điều kiện cho sự tăng nhiệt hay sao”? Thật vô nghĩa theo tư tưởng của Heidegger! Và như vậy, trước hết, chúng tôi phải giải thích lại chữ “be-dingen”.

+ Nếu chúng tôi nhớ không nhầm, Heidegger đã sử dụng dấu ‘-’ trong một số động từ và ghép thành những từ mới như be-dingen (trong câu “Das Wort be-dingt das Ding zum Ding.”), be-freien, be-stimmen, be-gründen, be-fremden, be-wegen (Be-wegung) lần đầu tiên có mặt trong các bài viết của Heidegger vào khoảng những năm 195x. Trong chữ chế “be-dingen”, Heidegger dùng dấu “-” để tách ra chữ “be” và chữ “dingen” muốn nhấn mạnh “be-” có nghĩa là “đem cho, làm cho, khiến cho” và đây chữ “Ding[en]” nổi bật, có thể diễn ý của chữ này là: “khiến cho [sự] vật trở thành như là [sự] vật” và nếu chúng ta cho phép sự vật xuất hiện như là sự vật, chúng trở thành sự vật, không theo nghĩa là đem lại nền tảng hay cơ sở cho con người mà đúng hơn là để chúng ta trải nghiệm thế giới, nói cách khác, chúng ràng mở thế giới cho chúng ta (A Vulnerable World: Heidegger on Humans and Finitude).

Xin nhấn mạnh, “Be-dingen” là một từ kỹ thuật, mặc dù Heidegger dựa vào động từ bedingen (“quy định”; “điều kiện hóa”,…) và có liên quan đến “Ding (Thing)”; nghĩa đen của “Be-dingen” là “làm một vật trở thành một vật”. Nhưng “Ding” ở đây còn là một từ kỹ thuật còn quan trọng hơn, thậm chí Heidegger viết cả bài báo để hỏi “[Sự] vật là gì?”, để rõ hơn, bạn đọc có thể xem bài VẬT (Martin Heidegger Vật Xây Ở Suy Tư). Trong tác phẩm đấy, cũng như chữ “bedingen”, Heidegger lấy chữ “Ding” (danh từ) và biến nó thành động từ “dingen” và đưa ra cụm từ nổi tiếng: “Das Ding dingt.” (dingt là động từ được chia theo động từ gốc dingen). Cho rằng Heidegger chơi chữ, nhưng chúng tôi không nghĩ thế: Ông chỉ đang cố gắng tìm, chế từ để diễn đạt tư tưởng của mình mà thôi! Heidegger muốn kết nối dingen [sự] vật với khái niệm “tập hợp” (Gs Đậu Văn Hồng dịch là “quy tụ”[58]). Do đó, ông viết: “Wie aber west das Ding? Das Ding dingt. Das Dingen versammelt.” “Nhưng vật hiện diện như thế nào? Vật tập hợp. Chính vật tập hợp như là vật ấy tập hợp.” (Martin Heidegger Vật Xây Ở Suy Tư, trang 26). Ở đây, Heidegger dường như muốn thu hút sự chú ý của chúng ta đến ý nghĩa ban đầu của bedingen (không có dấu ‘-’). Sự vật “tập hợp”, nghĩa là, sự vật sẽ có mặt như là một sự vật (chứ không phải như là một đối tượng – objekt), tức là, trở thành sự vật này, sự vật kia, và đây là cách dịch diễn của chúng tôi, cũng cần lưu ý là Krell cũng dịch thoát là “… that makes a thing a thing” (“… làm một [sự] vật trở thành một [sự] vật”) với cùng ý nghĩa này. Chữ “be-dingen” là từ khó dịch, vì thế, nếu không dịch diễn như chúng tôi, thì buộc phải dịch CHẾ một chữ khác như một số giáo sư nước ngoài đã làm, chẳng hạn “bething”, “be-thing” không phải là cách dịch xa lạ trong một số cách dịch cho chữ “be-dingen”.

Kết luận

– Như vậy, để dịch một chữ “be-dingen”, chúng tôi phải đi một đoạn đường dài, suy nghĩ, chứ không đơn thuần mở từ điển để sử dụng. Thao tác tra từ điển thì có gì khó khăn đâu!

– ĐQB không ý thức được ý nghĩa thật sự của chữ chế này của Heidegger đơn giản là vì không quen thuộc cho lắm triết gia Heidegger. Chuyện không am hiểu một triết gia như Heidegger là việc bình thường: để trở thành chuyên gia về một triết gia lớn có lẽ phải mất cả đời. Chỉ có điều, chúng ta phải cẩn thận, tra cứu cẩn thận, không thể VÔ TƯ phê phán chỉ dựa đơn thuần bằng kiến thức ngôn ngữ thông thường.

@@ THÔNG TIN GIỜ CHÓT (15.4.2025)

1. Chúng tôi xin lấy một ví dụ về sự vô tư này. Trong (Những câu hỏi lớn của triết học – So sánh cách tiếp cận của Phật giáo & Tây phương, p. 109), liên quan đến ‘personal identity’, trang 109:

‘Ứng dụng quan trọng nhất của lập trường hoàn nguyên chủ nghĩa này nằm trong sự phân tích thân phận cá nhân (personal identity). Đức Phật đã miêu họa cá nhân có năm bộ phận, năm thành phần (ngũ uẩn…)…’

Như vậy ‘personal identity’ được dịch là ‘thân phận cá nhân’!!!

Đối với chúng tôi, ở VN, chữ ‘identity’ được hiểu và dịch rất khác nhau tuỳ thuộc ngữ cảnh: bản sắc, căn cước, căn tính, đồng nhất, nhận dạng, … Có thể kể sơ một vài nét nghĩa của Identity:

– Trong triết học, từ ‘Hãy biết chính ngươi’ của Socrates cho đến câu hỏi tuổi mới lớn ‘Tôi là ai?’ được Montaigne cô đọng: ‘every man bears within himself the entire form of the human condition’. Và còn nhiều câu trả lời khác nữa (Descartes – ‘I am I because I think’, Locke, Leibniz, …)

– trong logic và toán học: Aristotle, Leibniz, Frege, Wittgenstein, Quine, …

– xã hội, văn hoá, nhân chủng: ‘ở châu Phi không ai gọi tôi là thằng đen cho đến khi tôi đến Mỹ…’

– trong chính trị: xem ‘Những cộng đồng tưởng tượng’ của Benedict Andersen.

– vị thế/thân phận xã hội: thân phận xã hội ở Trung quốc, đẳng cấp ở Ấn, giới vô sản ở Liên xô, …

– vị thế pháp lý/công dân: Legal identity

– tâm lý học: id, ego (I ), superego, self, …

(* Những từ này trông có vẻ khác nhau nhưng thật ra chúng dính vào nhau, như bắt nguồn từ một thể duy nhất mà Wittgenstein đã dùng một từ rất hay: thể-ý nghĩa (Bedeutungskörper; meaning-bodies). Do đó, mấy năm trước, chúng tôi cũng thử chế một từ duy nhất để dịch chữ ‘identity’ với đầy đủ những nét nghĩa nói trên, nhưng không thành công!)

Trở lại ‘personal identity’ (triết học) là để giải quyết các câu hỏi như “Điều gì làm cho một người tại thời điểm này cũng chính là cùng một người ấy tại một thời điểm khác?”, hoặc cụ thể hơn, “Mr. A ngày hôm nay có là một (đồng nhất) với Mr. A giết người ngày hôm qua không?” – vấn đề này còn được gọi là “identity through time” (Modern Philosophy – An Introduction & Survey), khá quan trọng, cùng được hai cánh triết lục địa và phân tích tham gia giải quyết.[59]

Do sách (Những câu hỏi lớn của triết học – So sánh cách tiếp cận của Phật giáo & Tây phương) không biết đây là một khái niệm quan trọng trong triết học nên đã VÔ TƯ dịch là THÂN PHẬN CÁ NHÂN. Dù sao thì chữ THÂN PHẬN nghe rất nhân bản, rất người, chúng tôi đề nghị THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN khô khan nên đổi thành THẺ THÂN PHẬN CÔNG DÂN hoặc THẺ THÂN PHẬN NGƯỜI!

2. Nhân tiện, cũng trong cuốn (Những câu hỏi lớn của triết học – So sánh cách tiếp cận của Phật giáo & Tây phương, p. 129), có một đoạn được dịch như sau:

“…Như Chalmers nói,

“Nan đề ý thức là vấn đề của kinh nghiệm. Loài người có kinh nghiệm chủ quan: có một cái gì đó mà [họ tự ý thức được là] nó giống như họ. Chúng ta có thể nói rằng một sinh vật có ý thức trong nghĩa này—hoặc là có ý thức trên phương diện hiện tượng như đôi lúc được biểu thị khi có một cái gì đó mà [nó tự ý thức được là] nó giống như sinh vật ấy. Một trạng thái tinh thần có ý thức khi có một cái gì đó mà [nó tự ý thức được là] nó giống như là ở trong trạng thái đó.”

và trong phần cước chú:

“David J. Chalmers, ‘Consciousness and Its Place in Nature,’ trong Blackwell Guide to the Philosophy of Mind, biên tập bởi S. Stich và F. Warfield (Malden, MA: Blackwell, 2003), 103. Một locus classicus cho tiêu chuẩn ‘something it is like’ là Thomas Nagel, ‘What Is It Like to Be a Bat?,’ Philosophical Review 83, số 4 (1974): 435-50.… —

Bổ sung của dịch giả: …nguyên văn Anh ngữ ‘the hard problem of consciousness is the problem of experience. Human beings have subjective experience: there is something it is like to be them. We can say that a being is conscious in this sense-or is phenomenally conscious, as it is sometimes put-when there is something it is like to be that being. A mental state is conscious when there is something it is like to be in that state.

Đặc biệt đoạn “there is something it is like to be them” TỐI NGHĨA, và cũng có người đã đặt vấn đề là văn phạm được dùng ở đây có đúng hay không. Dịch giả cho rằng cấu trúc văn phạm của câu phải được chỉnh lí chút ít/bổ sung để câu văn có thể được hiểu đúng: ‘there is something [that][60] it is like to be them’ hoặc một cách mô phỏng khác rõ hơn là “there is something that ‘to be them’ is like.” (hết cước chú)

Gặng xét

What Is It Like to Be a Bat?” là bài viết của Thomas Nagel, được xuất bản lần đầu trên tạp chí The Philosophical Review vào tháng 10 năm 1974, và sau đó là trong Những câu hỏi chết người của Nagel (Mortal Questions; 1979). . Câu “There is something it is like to be an X” cũng như biến thể của nó, “what it’s like”, vô cùng nổi tiếng, đã đạt được vị thế đặc biệt trong những nghiên cứu về ý thức (triết [về] tâm trí). Triết gia hiện đại, Daniel Dennett thừa nhận bài báo này của Nagel là một “thí nghiệm tư duy có ảnh hưởng và được trích dẫn rộng rãi nhất về ý thức.”

Chúng tôi (TĐT), cho rằng, câu này không hề TỐI NGHĨA, dĩ nhiên là một luận đề triết học nổi tiếng thì không thể rõ nghĩa như câu “sáng nay má tui đi chợ mua hai con gà mái dầu”!

Bạn đọc dễ dàng thấy rằng: 1. ĐQB không ý thức được câu “there is something it is like to be them” phát xuất từ luận đề, câu nói lừng danh của T. Nagel: “There is something it is like to be an X.”, câu này nổi tiếng không kém gì câu “existence precedes essence” của Jean-Paul Sartre. 2. Do không hiểu, nên dịch rất “chặt nhảm”, dĩ nhiên sai không thể chấp nhận được ở tất cả các câu có cụm “there is something it is like to be…”, ví dụ, “có một cái gì đó mà [họ tự ý thức được là] nó giống như họ.”

Theo chúng tôi, để dịch câu này chấp nhận được thì:

1. Phải hiểu ý tưởng của câu “There is something it is like to be an X.”

2. Cố gắng dịch cho ổn, nếu không hiểu câu này thì không thể dịch được.

Bạn đọc có thể cho rằng chúng tôi viết ngớ ngẫn: “Phải hiểu thì mới dịch được chứ!” Không, có những người không hiểu mà vẫn dịch, đồng thời HIÊN NGANG chê thẳng câu mình đang dịch (mà không cảm nhận được là mình không hiểu) là TỐI NGHĨA!

Câu này của Nagel dễ hiểu hơn rất nhiều so với các câu “existence precedes essence”, hoặc đặc biệt, câu “Ngôn ngữ là ngôi nhà của Tồn tại” của Heidegger thì khó hiểu hơn rất nhiều!

Bạn đọc lưu ý: (Những câu hỏi lớn của triết học – So sánh cách tiếp cận của Phật giáo & Tây phương) đã được in thành sách, không phải là bản dịch tạm dùng và trong phần cước chú, tác giả ghi chú:

“Một locus classicus cho tiêu chuẩn ‘something it is like’ là Thomas Nagel, ‘What Is It Like to Be a Bat?’”

nghĩa là, cụm từ này của Nagel xứng đáng được tìm hiểu kỹ càng trước khi phán như thánh – mà việc này đâu có khó khăn gì: Bạn đọc với IQ trung bình thì chỉ cần đọc 2-3 lần bài ‘What Is It Like to Be a Bat?’ thì sẽ hiểu tương đối câu này của Nagel, nếu đọc đến lần thứ 4, 5 mà vẫn không hiểu thì thôi, gấp sách lại không đọc nữa, có lẽ không phải vì IQ của bạn thấp mà do bạn không thích hợp hoặc thiếu một nền tảng nhất định – nhưng nhớ đừng chê câu đấy tối nghĩa là được! 🙂

Chúng tôi nhấn mạnh, câu này không hề tối nghĩa, chỉ có điều hơi khó ‘bị’ dịch sao cho suông tai và cũng lưu ý, chúng tôi chỉ nói là dịch sao cho “ổn” (nói dịch “chính xác” là vô nghĩa!), chẳng hạn, có những chỗ, chúng ta có thể dịch, đảo trật tự từ ngữ của Nagel: ‘What Is It Like to be a Bat?’ thành ‘Là dơi thì như thế nào?’, ‘Là dơi, nghĩa là như thế nào?’, hoặc ‘‘Là dơi thì [cảm giác] như thế nào?’’ (người Đức cũng vậy với câu “Wie ist es, eine Fledermaus zu sein?”)… để câu cú gọn gàng, dễ nghe. Tuy nhiên, là một bài báo được trích dẫn, gặng xét nhiều , câu này gần như biến thành câu chốt lừng danh qua các tác giả khác, chúng ta không thể không biết (nhất là một công trình đối chiếu, so sánh triết học phương Tây với triết học Phật giáo), chẳng hạn, “There is something it is like to experience pains”, “There is something it is like to be in love”, “There is something it is like to be in that state”, hoặc “What is it like to be an idiot”, “There is something it is like to be a petty person”,…

Nhắc lại, bạn đọc muốn hiểu và cảm nhận ý nghĩa của cụm từ này thì có thể xem kỹ bài gốc “What Is It Like to Be a Bat?” của T. Nagel hoặc bản dịch Việt do Ts Nguyễn Thị Minh, NNC Bùi Văn Nam Sơn, Ts Nguyễn Trung Hậu cùng dịch chung, link: http://triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-hoc/nhan-thuc-luan-khoa-hoc-luan/la-doi-thi-nhu-the-nao_868.html hoặc bản dịch “Là dơi, nghĩa là như thế nào?” của chúng tôi.[61] Ở đây chúng tôi không nhặt sỏi, chỉ chỉ ra vị trí của sỏi và không phân tích, không giải thích vì đã quá chán ngấy!

Chúng tôi muốn nói điều khác quan trọng hơn:

> Khi gặp câu, vấn đề mà ĐQB không hiểu thì hùng hồn chê là “TỐI NGHĨA” (không dám chê Nagel vô nghĩa), với một thái độ vô cùng VÔ TƯ, TỰ TIN dù ni không hiểu gì cả và không một chút cảm nhận được vấn đề mà mình đang đụng đến (điện thế 60 ngàn Volt đấy!), do đó thiếu ý thức tối thiểu là phải tìm hiểu kỹ thêm.

> Chê câu cú, văn phạm của câu trên, cho là TỐI NGHĨA, may mà Thomas Nagel là triết gia Mỹ nổi tiếng (điều này cho thấy, ngoại trừ B. Russell, dịch chính văn của triết gia lớn thì khó khăn như thế nào), chứ câu này nếu do người Việt viết ra thì không thể đoán được ĐQB dùng lời lẽ nào nữa!

> Sửa lại câu mà ĐQB cho là có vấn đề về văn phạm của triết gia Mỹ Nagel (về mặt tiếng Anh, câu này với [THAT] được ngầm hiểu, nói cách khác, nó bị lược gọn, không hề có vấn đề gì về văn phạm!), vậy mà dịch vẫn quờ quạng: nói dịch sai nặng nề là không ra vấn đề, phải nói là “dịch chặt nhảm[62] – và hệ quả là, nếu có ai dịch khác mình thì lại cho người khác dịch sai!

> Cuối cùng, chúng tôi xin trích lại đoạn viết, một trong những tuyên ngôn, cương lĩnh hùng hồn của ĐQB trong bài viết Hiện Tượng Nguyễn Hữu Liêm:

“… Sau khi xem qua một số tác phẩm do ông NHL viết và những bài giảng công khai của ông trên Youtube, chúng tôi hết sức ngạc nhiên vì chúng chứa đựng rất nhiều sai lầm nghiêm trọng ở trình độ hết sức cơ bản. Trong rất nhiều trường hợp, những sai sót này xuất phát từ việc ông NHL không biết gì về chủ đề mình đang nói nhưng vẫn muốn bàn luận về chủ đề này.” [63]

(* Ngoài lề) Chúng tôi có liếc qua bài “Hiện tượng Nguyễn Hữu Liêm (NHL)” của nhóm Bảo Tích thì chỉ có thể nói đây là “đống … xà bần” khổng lồ: từ “ngây ngô” khi nhận xét về gu âm nhạc thay đổi, bất nhất của NHL (đơn giản là vì cuộc đời thay đổi, chúng ta thay đổi: chúng ta có thể mê mệt một nhạc sĩ, ca sĩ, ca khúc năm nào nhưng giờ đây không buồn nghe lại mà!) cho đến những nhận xét liên quan đến triết học: Bảo Tích không hiểu do có vô tình hay không mà đã sai lạc ngay từ đầu khi nhập nhằng giữa tư cách “học giả” với “triết gia” của NHL. Chúng tôi không có nhận xét, đánh giá nào về sự nghiệp triết gia của NHL vì việc này nằm ngoài khả năng của chúng tôi – Chỉ có một điều chắc chắn: NHL không phải là một học giả! NHL muốn “làm triết”, đôi khi nhắc đến ý tưởng của triết gia này triết gia kia là chỉ để muốn nói lên ý tưởng riêng của mình, NHL không làm công việc khảo cứu của học giả! Ngày xưa, Phạm Công Thiện và Bùi Giáng cũng thế: gọi Phạm Công Thiện hay Bùi Giáng là một học giả, thì đó là cách gọi sĩ nhục rất lớn đối với họ, vì họ là nghệ sĩ, họ viết, họ sáng tạo, cũng như NHL tự hào có Liemism! Hoặc có thể đơn cử một ca lớn hơn: B. Russell. Russell thường xuyên trích lại ý của các triết gia khác theo trí nhớ, quý hoá lắm thì mới ghi thêm những ý ấy nằm trong tác phẩm nào, chứ đừng nói gì đến việc chỉ ra chúng thuộc ấn bản nào, trang mấy…!

Từ những phê phán đầu tiên của ĐQB về bản dịch Đường Về Ngôn Ngữ của chúng tôi, chúng tôi thấy ngay là ĐQB không một chút căn bản tối thiểu về Heidegger nên trong thâm tâm không muốn trả lời (xem lại toàn bộ phần gặng xét của chúng tôi: chúng tôi phải giải thích những câu, những chữ mà ĐQB đã làm sai lạc, tàn phá Heidegger như thế nào – một công việc chán ngắt).

Nhưng vấn đề còn tệ hơn thế, vì theo đuổi một triết gia lớn là công việc của cả đời, không ai bắt ĐQB phải am hiểu Heidegger NHƯNG… sau khi liếc nhanh bản dịch (Những câu hỏi lớn của triết học – So sánh cách tiếp cận của Phật giáo & Tây phương) thì chúng tôi nhận thấy, không những bản dịch này kha khá sạn và sỏi (ngoại trừ những câu đơn giản như “cuốn sách này thì đỏ”, những phần liên quan đến những ý tưởng quan trọng của Nagel, Chalmers, G. Priest,… thì hỏng hoàn toàn!) mà còn hiểu rằng ĐQB chỉ biết ngoại ngữ, nhưng kiến thức về triết học tây phương chỉ ở mức lào khào đại cương, ni có lẽ cũng có tham gia lấy được một vài chứng chỉ triết học; việc trích văn của Kant để bắt bẻ thừa chỗ này, thiếu chỗ kia … thì có lẽ may mắn do đã CÓ SẴN những bản dịch của BVNS!

Lấy một ví dụ cụ thể, đâu đó ĐQB đã dịch chữ “VORSTELLUNG” (REPRESENTATION) của Schopenhauer là “TƯỞNG TƯỢNG”. ĐQB hùng hồn giải thích “Vorstellung/vorstellen”, vẫn theo kiểu của mình là chỉ lý luận dựa trên TỪ ĐIỂN (động từ vorstellen nghĩa là thế này, sich vorstellen nghĩa là thế kia …), trong bộ sách cả ngàn trang của Schopenhauer (“Die Welt als Wille und Vorstellung”) thì chủ đề “VORSTELLUNG” (REPRESENTATION) chiếm gần phân nữa: Chữ này xứng đáng để cân nhắc thấu đáo, tiếc rằng ĐQB không chút đoái hoài gì đến tư tưởng của Schopenhauer. Ở VN, vấn đề nên dịch “Vorstellung” (representation) của Schopenhauer như thế nào cũng đã có nhiều cuộc tranh luận sôi nổi và đề ra nhiều cách dịch khác nhau. Nhưng dịch “Vorstellung” là “TƯỞNG TƯỢNG” thì dịch giả Cao Việt Dũng cho ý kiến:

“… tên gốc tiếng Đức: Die Welt als Wille und Vorstellung, tên tiếng Pháp: Le Monde comme volonté et comme représentation, tên tiếng Anh: The World as Will and Representation) theo ý Schopenhauer muốn nói ý chí của chúng ta, trí tưởng tượng của chúng ta về thế giới như thế nào thì thế giới là như thế

không có gì sai hơn thế

Schopenhauer không định nói vậy (nói vậy thì NGU thật)”[64]

Chúng tôi cho rằng, có lẽ ĐQB chỉ mới đọc qua cái bìa sách của Schopenhauer dù cái bìa này NẾU dịch theo ĐQB cũng khá thơ mộng:

THẾ GIỚI NHƯ LÀ Ý CHÍ VÀ TƯỞNG TƯỢNG!

Tiếc rằng, nếu lật vài trang bên trong sách, chẳng hạn, (bản của E. F. J. Payne, §21) Schopenhauer viết:

“Phenomenon means REPRESENTATION and nothing more. All REPRESENTATION, be it of whatever kind it may, all object, is phenomenon.”

tạm dịch theo ĐQB

“HIỆN TƯỢNG có nghĩa là TƯỞNG TƯỢNG và không là gì khác nữa. Mọi TƯỞNG TƯỢNG ([dù] thuộc bất cứ loại nào), mọi đối tượng, đều là HIệN TƯợNG.”

Nói vắn tắt, Schopenhauer hiểu theo ĐQB thì HIỆN TƯỢNG CÂY SẮT NÓNG ĐỎ cũng chỉ là TƯỞNG TƯỢNG, cây sắt nóng đỏ này dí vào người thấy ĐAU thì đấy cũng chỉ là TƯỞNG TƯỢNG! Do người đó đau quá nên LA VANG TRỜI thì tiếng LA VANG TRỜI ấy cũng chỉ là TƯỞNG TƯỢNG! Thật là siêu tuyệt! Chúng ta cần lưu ý răng, mặc dù ảnh hưởng phương Đông lên Schopenhauer là không thể bác bỏ, nhưng dù sao thì ni vẫn là một triết gia phương Tây, Schopenhauer không thể là một đạo sư giảng giải kinh Bát nhã: Sắc tức thị không!!! Do đó, cách duy nhất để hiểu chữ “Vorstellung” (representation) là phải đọc Schopenhauer, hoặc ít nhất cũng nên đọc kỹ mấy lời tựa, hoặc nếu làm biếng nữa thì có thể đọc kỹ lời nói đầu trong (Thế giới Như Là Ý chí và Biểu tượng, 2022); và để hiểu Schopenhauer thì phải đọc Kant!

Chúng tôi chấm dứt bàn về việc ĐQB dịch “Vorstellung” của Schopenhauer là “Tưởng tượng” ở đây. Chúng tôi muốn nói đến Kant. Cái xương sống triết học của Schopenhauer được tìm thấy ở Kant (cho dù cái xương sống ấy bị vặn vẹo theo ý của Schopenhauer) và dĩ nhiên có chữ “Vorstellung” được Kant sử dụng. Chữ này là chữ khó dịch, nó được các dịch giả tiếng Anh dịch khá là khác nhau, người Tàu cũng cố gắng dịch nó là “biểu tượng” vì không có chữ tương đương; trong (Từ điển triết học Kant) cũng lấy lại cách dịch cũ “biểu tượng” (danh từ) và “hình dung như là biểu tượng” (động từ). Chúng tôi không bàn về các cách dịch khác nhau này, chúng tôi không bắt bẻ một cách dịch mà chúng tôi bắt bẻ một cách nhìn, một cách hiểu: chúng ta cần lưu ý vai trò của chữ này được dùng qua một số tác giả, chẳng hạn giữa Schopenhauer, Kant,…nếu không muốn nói đến các tác giả Berkley, Hume, Locke … Triết học Schopenhauer được xây dựng dựa trên Kant, và dĩ nhiên có khái niệm “Vorstellung”. Và như vậy, theo ông ĐQB, để cho nhất quán thì cũng phải dịch “Vorstellung/representation” của Kant là “TƯỞNG TƯỢNG”! Đến đây chúng tôi cạn lời, đành nhường lời cho các chuyên gia về Kant ở Việt Nam.

Hơn nữa, bất chấp một vài dị biệt giữa Schopenhauer và Kant; mô hình của hai triết gia này cũng thuộc “mô hình triết học phương Tây, hầu như là mô hình ‘mental representation’ (A Companion to Schopenhauer), tạm nói thế này, mô hình ‘subject/object’ ”. Như vậy, theo ĐQB, mô hình triết học phương Tây chính là một loại mô hình TƯỞNG TƯỢNG [65] hay sao? (Being-in-the-World – A Commentary on Heidegger’s Being and Time, Division I, 1995) Và hơn nữa, cũng cần lưu ý, ‘mental representation’ là cụm từ quan trọng, có nhiều nét nghĩa, tuy nhiên trong chương “II. Tri thức là gì?” (Những câu hỏi lớn của triết học – So sánh cách tiếp cận của Phật giáo & Tây phương, p. 101), “mental representations”, do không ý thức được mình đang đụng phải vấn đề, khái niệm gì, và do chỉ dịch theo mặt chữ, nên ĐQB dịch vừa không nhất quán vừa sai bát nháo thành “BIỂU TRƯNG TÂM LÝ” (trang 101)[66] , chỗ khác lại dịch thành “BIỂU TRƯNG TINH THẦN” (trang 137), và chỗ khác nữa dịch là “SỰ TRÌNH BÀY” (trang 94), hoặc “tri thức có tính BIỂU TRƯNG” (“representational knowledge”) (trang 93):

ĐQB không hề ý thức rằng mấy chữ “representation”[67] ở đây, là tơm kỹ thuật cứng, lại có liên hệ đến Schopenhauer và Kant như thế nào!

Bên trên, chúng tôi khá cân nhắc khi viết “…mà còn hiểu rằng ĐQB chỉ biết ngoại ngữ, nhưng kiến thức về triết học tây phương chỉ ở mức lào khào đại cương…”; song đến đây, chúng tôi – và có lẽ bạn đọc – sẽ nhận thấy thêm một điều: nguy hiểm còn ở chỗ ĐQB không thấy rằng kiến thức về triết học tây phương của mình chỉ ở mức lào khào đại cương và hơn nữa, hết sức tự tin khi nghĩ rằng chỉ cần ngoại ngữ là dịch được sách triết học, nhất là chính văn của triết gia lớn![68]

Nốt: Để có chút cảm giác về ‘[mental] representation’, bạn đọc có thể xem nhanh (Representation in Kant) hoặc các tác phẩm trình bày khá hiện đại là (Meaning and Mental Representation, 1991) và (Philosophy of Mental Representation, 2002), (The Mechanical Mind: A Philosophical Introduction to Minds, Machines and Mental Representation, 2003).

Nhân tiện, chúng tôi đề nghị dịch ‘represent[ation]’ là ‘biểu diễn’ hoặc ‘diễn bày’ (có chất Việt), một mặt, chữ này mang sắc thái khoa học, trung tính, mặt khác, để cho nhất quán trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn, triết học [tâm trí], khoa học tâm lý/nhận thức, toán, logic, AI,… đặc biệt, vấn đề “biểu diễn [trong] tâm trí” (“the problem of mental representation”):

Tâm trí có thể biểu diễn thế giới như thế nào? (How can the mind represent the world?)

hoặc đặt vấn đề biểu diễn dưới góc độ triết học:

Làm thế nào mà một thứ này có thể biểu diễn được một thứ khác?

(Hết ngoài lề ĐQB – “Hiện Tượng Nguyễn Hữu Liêm”)

Lưu ý: 1. Trong (Đường Về Ngôn Ngữ, p. 242), “be-dingen” đã được dịch thoát lại là “ràng giữ”, nay chúng tôi tạm dịch lại là “ràng mở” 2. Chữ “be-stimmen” chúng tôi chưa nghĩ ra được cách dịch ưng ý, nên vẫn dịch tạm theo kiểu cũ.

11. ĐQB dịch (bỏ khúc trên vì tương tự như trường hợp sau đây)

“…Thường thì chỉ cái-đã-được-nói-ra (das Ausgesprochene) là cái hoặc thoắt biến đi mất hoặc được gìn giữ bằng một cách nào đó. Cái (đã) được nói (das Gesprochene) có thể đã quá khứ, song cũng có thể đã được ban cấp/hướng (ergangen) đến con người như là cái-đã-được-nói-cấp-cho (das Zugesprochene).”

“…Das Gesprochene kann vergangen, kann aber auch langher schon an den Menschen ergangen sein als das Zugesprochene.”

Gặng xét

– ĐQB dịch das Ausgesprochene là “cái-đã-được-nói-ra”, das Gesprochene là “cái (đã) được nói”, nghĩa là muốn phân biệt hai từ này có ý nghĩa khác nhau, thế thì người đọc sẽ đặt câu hỏi: “cái (đã) được nói” khác với “cái-đã-được-nói-ra” ở chỗ nào? Không lẽ nói rằng, chúng khác nhau ở chỗ “cái-đã-được-nói-ra” có những dấu vạch ngang (‘-’) và có thêm chữ ‘ra’ hay sao? Hơn nữa, Heidegger dùng những cụm từ (phrase) theo nghĩa đặc biệt, chẳng hạn, “In-der-Welt-Sein; being-in-the-world”, thường được dịch với dấu nối ‘-’ để giữ vững ý nghĩa theo Heidegger: “tồn tại-ở-trong-thế giới”, “sống-ở-đời”,… [69] Ausgesprochene, Gesprochene không phải là các từ kỹ thuật của Heidegger (như các chữ Sein, Erde, Lichtung, Welt,…), do đó bạn sẽ không thấy chúng như là những mục từ trong các từ điển Heidegger chuyên dụng. Chẳng hạn, ‘ausgesprochene’ chỉ đơn giản là ‘cái/điều [đã] được nói ra’ (A Heidegger Dictionary, p. 114). Trong Being & Time, để phân biệt aussprechen khác với ausdrücken, ở chỗ aussprechen chỉ bao gồm các hành vi biểu đạt mang tính ngôn ngữ. Macquarrie và Robinson đã dịch ausgesprochen thành “speak out” (nói ra), “expressed”[70] (được biểu đạt [ra]), xem thêm (The Cambridge Heidegger Lexicon, p. 278). Trong đoạn văn đang được xem xét trên đây, Ausgesprochene, Gesprochene gần như đồng nghĩa với nhau.

“cái-đã-được-nói-cấp-cho” (das Zugesprochene): khác với cụm “je und je” nghiệt ngả có hai nghĩa khác nhau khiến ĐQB phải chơi trò may rủi. Ở đây, Heidegger lại dùng chữ “Zugesprocheneoái oăm, không có trong từ điển nên ĐQB đã đoán mò và đồng thời không hiểu ý Heidegger nên đã đưa ra cách dịch rất kỳ quái không thể tưởng được! 🙂 Tôi cho rằng không người đọc nào có thể đoán được chữ này có nghĩa là gì? Và nếu có đoán được, thì cũng đoán sai! Thật ra, đoạn này mặc dù ý tưởng kín kẽ nhưng Heidegger lại dùng những chữ rất thông thường, đặc biệt chữ “das Zugesprochene”! Trong (Triết Lý là gì?), Phạm Công Thiện cũng chỉ dịch Zugesprochene đơn giản là “điều đã nói ra”. Về das Zugesprochene, bạn đọc xem tiếp bên dưới.

Ở đây, tạm sửa lời nói đùa của Sheehan:

“Dĩ nhiên, để dịch Heidegger thì trước tiên người ta phải hiểu ông ấy – điều này có thể giải thích tại sao các dịch giả thường để nguyên những từ không dịch (Dasein chẳng hạn), hoặc dịch rất kỳ quái như “cái-đã-được-nói-cấp-cho”, như thể muốn nói rằng, “Gọi chữ ‘cái-đã-được-nói-cấp-cho’ đại diện cho chữ mà chúng tôi chưa biết, sau này khi hiểu được ý nghĩa của nó, chúng tôi sẽ quay lại giải thích, nếu có dịp.” (How Not To Translate Heidegger)

Và quan trọng nhất, với “Cái (đã) được nói có thể đã quá khứ, song cũng có thể đã được ban cấp/hướng đến con người như là cái-đã-được-nói-cấp-cho .”, cách dịch của ĐQB đã xoá trắng, làm mất ý tưởng của Heidegger: [bạn đọc lưu ý], trong đoạn (câu) trước, Heidegger viết “Những gì đã nói hoá ra rất đa dạng.” và đến câu này, ông cho thấy một trong những đa dạng đó là gì: Sự TƯƠNG PHẢN giữa những lời nói thoáng qua, đã không còn nữa VỚI những lời nói có đời sống lâu dài hơn!

– Xét cụm “an den Menschen”. Với tiếng Đức thông thường hoặc những context triết học khác, có thể dịch ‘con người’ là đúng. Tuy nhiên, “‘những lời nói ấy’ (chúng tôi dùng chữ của mình) hướng đến ‘con người’” thì lại có vấn đề ở đây. Có lẽ chỉ trong văn chương, tôn giáo mới có những lời nói cố tình hướng đến [toàn thể] con người; chẳng hạn: “Ta là Alpha và là Omega”, “Hãy có ánh sáng” (Thượng đế nói). Heidegger không quan tâm đến những kiểu nói này cũng y như G. Frege từng mai mỉa hai chữ ‘nhân dân’ là trừu tượng, vô nghĩa!
Trong bài viết (Trên đường đến ngôn ngữ) cũng như nhiều bài viết/giảng khác, Heidegger luôn tiếp cận việc tìm hiểu “ngôn ngữ” (Sprache) dưới một góc nhìn chịu ảnh hưởng sâu sắc của hiện tượng luận, mặc dù ông đã vượt qua những giới hạn nhất định của hiện tượng luận kiểu Husserl truyền thống. Ông mô tả cấu trúc và cách thức vận hành của ngôn ngữ như một hiện tượng; Heidegger thường sử dụng cách diễn đạt của mình theo cách gợi ý (suggestive) và so ví, ẩn dụ (metaphorical) để cố gắng diễn tả những khía cạnh sâu sắc và khó nắm bắt của ngôn ngữTồn tại, điều này đôi khi vượt ra ngoài sự mô tả thuần túy của hiện tượng luận truyền thống; tuy nhiên không vì thế mà ông khảo sát, mô tả theo kiểu “trừu tượng” như Hegel với “Tinh thần tuyệt đối”: Heidegger làm triết rất cụ thể: cả cuộc đời mình, ni luôn quay về với cái cụ thể, với những thứ gọi là “sự” (Faktizität) của đời người! Do đó, không thể dịch thành ‘con người’ trừu tượng chung chung (toàn thể nhân loại) như ĐQB đã dịch: “an den Menschen” ở đây là hướng đến một [hay những] con người nào đó (addressee), cụ thể, dù có thể những con người ấy chưa hề tồn tại. Lấy ví dụ, một người, sắp chết, viết thư chuyện trò, nói với đứa con hay những đứa cháu nội tương lai của mình. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Hertz đã chỉ dịch thành ‘somebody’ (ai/người nào đó) hoặc cắt bỏ hẳn như trong cách dịch của Krell[71]; nói cách khác, nếu không sợ nhầm lẫn (không có việc lời nói với cỏ cây, muôn thú,… Lời nói ở đây được hiểu là lời nói hướng về những cái đích cụ thể [addressee]), có thể dịch rất ngắn gọn như sau:

“…Lời nói ra có thể đã mất, đã qua đi, nhưng cũng có thể dài lâu như những gì mà lời ấy hướng đến, mời gọi.”

thử so với cách dịch của ĐQB:

“Cái (đã) được nói có thể đã quá khứ, song cũng có thể đã được ban cấp/hướng đến con người như là cái-đã-được-nói-cấp-cho.”

Đến đây (và xem tiếp phần giải thích bên dưới), khi ĐQB viết:

“‘hướng đến người khác’ cho ‘an den Menschen’ là một lỗi nặng.”

chúng tôi xin trả ngược về cho ĐQB cái lỗi này !

+ Để có cái nhìn rõ hơn về cả đoạn văn nói trên, hãy xem lại đoạn văn (TĐT) và xem lại những ví dụ cụ thể được tôi nói trong phần trên để hiểu rõ ý nghĩa của chúng:

“Những gì đã nói hoá ra rất đa dạng. Thường thì chúng sẽ thoáng qua hoặc được bảo tồn bằng cách nào đó. Những gì được nói có thể đã qua đi, nhưng cũng có thể đã đến từ lâu, hướng đến người khác như những gì gửi gắm, hứa hẹn.”[72]

Như đã nói, Heidegger viết “Những gì đã nói hoá ra rất đa dạng.” và ở đây lại là một trong những đa dạng khác mà Heidegger muốn nói đến: sự tương phản giữa “nói chơi, tám, bá láp, vô nghĩa” (chúng sẽ thoáng qua) với “lời nói mang những chân lý, sự thật sâu xa” (dài lâu và chúng sẽ như những gì gửi gắm, hứa hẹn, trao ban, mời gọi,…)!

Chẳng hạn, chúng ta hãy hình dung ở đất nước Việt vài ngàn năm trước, có một chàng trai nói với cô gái của mình: “cái nà cái nọc cái nà”, “tỉ tì na!”. Ý nghĩa của câu nói này chỉ có họ hiểu với nhau, nhưng sau khi họ chết, “cái nà cái nọc cái nà”, “tỉ tì na” hoàn toàn đã qua đi, mất dấu. Trường hợp khác, hai ngàn năm trước, một người Do Thái nói: “Hãy theo ta. Không ai vào được nước trời mà không qua ta”. Bằng những cách nào đó, các lời này vẫn còn được lưu truyền cho đến nay. Và chúng ta cần hiểu rằng, lời nói của người Do thái ấy, vào thời điểm nào đó, có thể chỉ nói cho vài người thân thiết với người Do thái đấy; nhưng ngày nay, lời nói ấy, ‘Hãy theo ta. Không ai đến được với Cha ta mà không qua ta’ thì vẫn có thể có những ai đó (chẳng hạn một người đang lưỡng lự có nên đi theo con đường của chúa hay không) cảm giác người Do thái ấy đang nói trực tiếp với mình (“hướng đến mình”) như một lời hứa hẹn, gửi gấm, mời gọi (‘Hãy theo ta. Không ai vào được nước trời mà không qua ta’) một cách trực tiếp. Đến đây, có lẽ hầu hết bạn đọc đã hiểu được đoạn văn này muốn nói gì!

Tóm lại, đoạn này của Heidegger mô tả sự đa dạng và biến động trong cách thức mỗi một con người sử dụng lời nói như thế nào. Những điều được nói, lời nói ra,… chúng không cố định mà thay đổi theo từng ngữ cảnh, được nhắc đến, bàn luận, và thảo luận theo nhiều cách thức (thể điệu) khác nhau. Lời nói[73], một khi được thốt ra, số phận của chúng gắn liền với Tồn tại: hoặc biến mất, hoặc gìn giữ ở đâu đó. Việc nói không chỉ diễn ra giữa người với người mà nói năng cũng có thể là cuộc trò chuyện với chính mình. Nói chung, những lời nói ra vẫn luôn phong phú và đa dạng và theo Heidegger, lời nói vận hành trong cõi sống như một hiện tượng không thể bị đóng khung hay quy giản vào một hệ thống cố định – lời nói: chúng chuyển động*[74] và rất tiếc ĐQB đã không nắm bắt được cả đoạn văn đơn giản này và thể hiện bằng lối dịch không thể hiểu và chấp nhận được!

III. Kết luận

Qua toàn bộ cách phê phán, dịch lại và các ghi chú[75] của ĐQB, bạn đọc dễ dàng nhận thấy ĐQB chỉ đơn thuần sử dụng kiến thức ngữ văn tiếng Đức phổ thông, không một chỗ nào cho thấy ông có liên hệ nào, ít nhất thông qua ‘một ví dụ cụ thể’ về những gì Heidegger muốn nói; hệ quả là bản dịch lại của ĐQB làm sai lạc toàn bộ tư tưởng của Heidegger[76], sai từ cách dùng chữ, sai ý cả câu cho đến sai cả ý tưởng liên kết các câu! Nói chung, ĐQB đã phá huỷ hoàn toàn Heidegger – đơn cử, một chữ thôi: “je und je” ; chúng tôi phải trích dẫn, giải thích… để bác bỏ ĐQB, và đến đây bạn đọc thấy rõ là tôi phải đi giảng giải cũng như phải đưa ra những luận cứ bác bỏ cho người không biết chút gì về Heidegger, đây là một công việc chán ngấy, do đó, có lẽ đây là lần cuối của chúng tôi nói về vấn đề này: CHÚNG TÔI KHÔNG MUỐN TRANH CẢI VỚI NGƯỜI KHÔNG BIẾT GÌ VỀ HEIDEGGER!

Ngoài ra, với phong cách dịch của mình, ĐQB không nhận ra cũng như không chấp nhận những sắc thái của việc dịch thoát[77], dịch diễn những ý tưởng phức tạp nhưng sử dụng bằng ngôn ngữ đời thường của Heidegger, thành thử ĐQB không hiểu được đoạn văn ngắn ngủi và đơn giản này (chỉ 8 câu, 130 từ), đưa đến dịch sai hầu như tất cả và hệ quả, dĩ nhiên, là cho rằng chúng tôi đã dịch sai! Lối phê bình của ĐQB gây ra sự bất công quá đáng: ngay cả bản dịch tài hoa (Martin Heidegger Vật Xây Ở Suy Tư) thì với cách phê phán này thì cũng đầy lỗi![78]

Xuyên suốt bài báo này, chúng tôi đã chỉ ra những lỗi dịch sai, những lỗi đặc biệt do không hiểu Heidegger với cách dịch một-một (word by word) của ĐQB. Đối với trường hợp Heidegger thì không thể áp dụng cách dịch đó vì đơn giản: Heidegger làm thơ bằng triết học! Cách dịch của ĐQB có lẽ do thói quen của dân khảo cứu văn bản tiếng Phạn, kinh kệ: không bỏ sót một dấu phẩy! Việc này làm chúng tôi nhớ lại một luận án tiến sĩ y khoa của Nguyễn Văn X: “Khảo sát độ tăng trưởng răng của người Việt cổ đại”; nhưng có lẽ khi đau răng cần nhổ thì chúng ta đi kiếm nha sĩ nổi tiếng “nhổ răng không đau” thay vì tìm đến tiến sĩ nha khoa Nguyễn Văn X!

Nhắc lại câu hỏi “…chỉ cần biết tiếng Ðức thông thường là hiểu được Heidegger?

Đến đây, chúng tôi cho rằng hầu hết mọi người sẽ cho là không! Và chúng tôi cho rằng, “Ảo Tượng Đỗ Quốc Bảo” xứng đáng là một case study trong văn hoá nước nhà.

Dịch Heidegger thực sự rất khó[79] và bạn chỉ thấm điều này khi bắt tay thực sự vào việc dịch, ngay như người Nhật ban đầu dịch Sein und Zeit cũng tranh cãi rất nhiều: Sein nên dịch là Hữu hay Tồn tại? Ở VN hiện nay, mặc dù xu hướng dịch Sein (Being) là Tồn tại, nhưng vẫn còn những cách dịch khác, chẳng hạn (trước 1975) Hữu thể hoặc lạ lùng như tính, tính thể, thể tính (Phạm Công Thiện); hữu thể, tồn thể, vĩnh thể (Bùi Giáng); (hiện nay) chẳng hạn, “hữu thể” trong “Heidegger và Thông diễn học Hiện đại” của Trần Văn Đoàn[80]. Bài viết “Đường về Ngôn Ngữ” có thể coi là tâm điểm suy tư của Heidegger già về vấn đề ngôn ngữ mặc dù ngôn ngữ vẫn đóng vai trò quan trọng trong những tác phẩm trước đó: Tồn tại và Thời gian (§34), Nguồn Gốc của Tác phẩm Nghệ thuật, Về xim nhân bản. Trong khi tiếng Việt chỉ có từ ‘nói’[81], thì ‘nói’ với chữ Đức (của Heidegger), Anh,… lại có rất nhiều chữ để chỉ cho chúng (sprechen, sagen, reden,… ; speak, say, address, … talk,…), do đó, việc chọn lựa chữ, sắp xếp ý nghĩa để dịch sao cho ổn và nhất quán thì thật sự rất vất vả, khó khăn.

Ở phần trên, chúng tôi viết: “dịch theo kiểu ‘cat’ là ‘mèo’, ‘book’ là ‘cuốn sách’, dịch “chính xác” Heidegger như vậy thì, xin lỗi, chỉ có thần tiên đọc được!” – thật ra ban đầu chúng tôi viết “… dịch “chính xác” Heidegger như vậy thì, xin lỗi, ma nó đọc!”, thấy không nhã cho lắm nên chúng tôi bỏ chữ MA, đổi lại là THẦN TIÊN. Sáng nay ngồi ngẫm lại tất cả, chúng tôi thấy MA rồi, chưa hề thấy THẦN TIÊN, nên xin sửa lại cho “chính xác” (kể cả khi hiểu được Heidegger chứ không cứ gì “chính xác” theo từ điển):

“… dịch “chính xác” Heidegger như vậy thì, xin lỗi, MA nó đọc!”

(Cho các dịch giả) Một điều nữa, có những triết gia sử dụng loại ngôn ngữ rất đặc biệt, chẳng hạn như Heidegger, nếu bạn chỉ dịch theo các bản Anh, Pháp,… thì bản dịch của bạn sẽ đi lạc khá xa, giống như dịch Đạo Đức Kinh từ tiếng Anh. Do đó, việc dịch Heidegger từ tiếng Đức không có nghĩa là bạn phải đi sát sườn theo cấu trúc ngoắt ngoéo của tiếng Đức – các học giả Anh, Pháp họ đã bỏ nhiều công sức để dịch Heidegger sang các bản Anh, Pháp và trong đó đã có những biến đổi câu văn cho trong sáng hơn, tại sao bạn không tận dụng những công sức này? Nói gọn, bạn vẫn phải xem bản tiếng Đức như là một điểm mốc như một cột mốc, tránh đi lạc đồng thời tận dụng công sức của những bản dịch sang tiếng Anh, Pháp,…

Cuối cùng, tôi xin trích lại lời nhận xét của Đinh Bá Anh[82] (dịch giả, giảng viên tiếng Đức) về các bản dịch Heidegger trước 1975:

“Ung đầu vì Heidegger

Tôi không biết có bao nhiêu người đọc và hiểu được chút ít Heidegger qua các bản dịch âm u dày đặc những hữu thể, thời tính, sở ngã tính, hiện thể tính, tại thể tính. Hy vọng đến một lúc nào đó, Việt Nam sẽ có một dịch giả thiên tài, hiểu Heidegger và chuyển tải Heidegger sang tiếng Việt một cách sáng sủa, tận dụng được tất cả các khả năng của tiếng Việt hiện đại, một thứ tiếng Việt cần phải trở nên chặt chẽ, giàu có và tươi mới. Trong tiếng Đức, những khái niệm như Sein, Seiendes, Dasein, Befindlichkeit, Sprache, Rede, Welt-in-der-Weltlichkeit đều rất “nôm”, rất hiện đại, rất đương đại, rất sáng rõ, đầy sinh khí, đầy nhựa sống, thoát hẳn những tử ngữ Latin hay Hy Lạp; vậy mà đi vào tiếng Việt, chúng trở thành kinh viện, âm u, tối tăm, như những bóng ma từ thời Hán-Đường đội mồ sống dậy, phả vào những đô thị Việt Nam một bầu không khí chết chóc của những tử ngữ. Mệt.”

Để có thể dễ dàng theo dõi, tôi cóp lại hai đoạn văn được nhắc đến cho phép bạn đọc dễ dàng tham khảo, hoặc xem xét (lưu ý những chỗ chữ đậm và in nghiêng).

Đỗ Quốc Bảo Trần Đình Thắng
Hệ thuộc vào hành động nói là những người (đang) nói, nhưng không chỉ theo cách như nguyên nhân hệ thuộc vào hiệu quả. Nhiều hơn thế nữa, những người nói sở hữu trong hành vi nói sự gia nhập hiện diện của mình. [Gia nhập hiện diện] đến đâu? Đến cái mà với/qua nó họ nói, nơi mà họ đình lưu như là bên cái [mà] thỉnh thoảng liên quan đến họ rồi. Theo cách của họ thì đây là những người đồng bào và những sự vật, là tất cả cái mà tạo điều kiện/dẫn khởi cho những thứ (sự vật) này và xác định những người (đồng bào) kia. Toàn bộ cái này đã luôn được nói đến lúc thì theo cách này, lúc theo cách nọ, như là cái-đã-được-nói-đến, nó được luận bàn và luận bàn xuyên suốt/triệt để, được nói theo một cách mà những người nói nói cho/đến nhau và nói với nhau và nói cho bản thân cũng như nói với bản thân. Cái (đã) được nói trong lúc đó vẫn còn đa dạng. Thường thì chỉ cái-đã-được-nói-ra là cái hoặc thoắt biến đi mất hoặc được gìn giữ bằng một cách nào đó. Cái (đã) được nói có thể đã quá khứ, song cũng có thể đã được ban cấp/hướng đến con người như là cái-đã-được-nói-cấp-cho.” Người nói thì thuộc về sự nói, nhưng không phải kiểu nguyên nhân thì đưa đến kết quả. Thay vào đó, người nói có mặt trong sự nói. Người nói có mặt ở đâu? Trong những gì họ nói và họ nấn náu, quanh quẩn – là những gì luôn chạm đến người nói. Nghĩa là, theo cách riêng của chúng, chính những người cùng sống với và sự vật sẽ cùng nhau khiến sự vật là sự vật và quy định [quan hệ giữa ta với] người khác. Tất cả những điều này luôn được nhắc đến[83] theo cách này hay cách khác, được nhắc đến và thảo luận với tư cách là người được nói đến; được nói theo cách người ta nói với nhau, nói cùng nhau và nói với chính mình. Những gì đã nói hoá ra rất đa dạng. Thường thì chúng sẽ thoáng qua hoặc được bảo tồn bằng cách nào đó. Những gì nói ra có thể đã qua đi, nhưng cũng có thể đã đến từ lâu hướng đến người khác như những gì gửi gắm, hứa hẹn.”[84]

IV. Phụ lục 1

Về mặt triết học, tôi chỉ là dân tay ngang, chỉ xem nó như một hobby. Tôi đọc Heidegger khá lởm khởm và hiểu ni lại càng lởm khởm hơn nữa: có những câu đọc không hiểu ni muốn nói gì, do đó, việc tôi dịch Heidegger là gan cùng mình, tôi ý thức điều này và nói rõ trong bài dịch “Đường Về Ngôn Ngữ”:

“Bản dịch mà các bạn đang đọc, phiên bản eVersion 0.22[85], nghĩa là, chỉ mới tạm dịch; hiện giờ người dịch không được khoẻ mạnh và sáng suốt để tút lại kỹ lưỡng, song nghĩ rằng bạn đọc cũng có thể tạm dùng được, hy vọng sau này sẽ có người khác dịch lại tốt hơn, và sau đây là phần dịch chính của bài luận này.”

Song cũng an ủi phần nào là văn phong mông lung, nhì nhằng, quanh quẩn, kỳ dị và rất khó dịch của Heidegger[86] thì đã có nhiều nhận xét tiêu cực: một tên điên chữ lộn nghĩa, một tên lừa đảo, phỉnh phờ. Thậm chí có vị còn giễu, “Chẳng ai hiểu được Heidegger muốn nói gì, nhưng chỗ nào hiểu được thì ni sai be sai bét!”.

Mà thôi, việc đó dành cho các bậc cao nhân, phụ lục này mới viết thêm do một bài phản hồi mới của ĐQB[87]. Tôi liếc sơ qua, như đã nói ở phần trên, thì bài viết này của ĐQB vẫn vậy: dùng tiếng Đức thông thường để bắt bẻ, không một nhận xét nào cho thấy sự hiểu biết tối thiểu liên quan đến chỗ mình đang bắt bẻ và có liên quan đến Heidegger!

Để không mất thời gian cho tôi và cho mọi người, tôi sẽ lấy ra một phê phán đặc trưng của ĐQB. (Xem hình) với một câu rất ngắn, rất đơn giản về mặt chữ nghĩa:

“Die Sprache als[88] die Sprache zur Sprache bringen.”[89]

Sau đây là một vài nhận xét của tôi:

A – Nhận xét nhanh

ĐQB đã khéo léo trưng ra mục với cái tít vỗ mặt người đọc

2. KHÔNG BIẾT IDIOM CỦA NGÔN NGỮ MÌNH ĐANG DỊCH’,

nghĩa là, bất kỳ người đọc nào đọc đến đây cũng ấn tượng là tôi dịch sai câu Đức vì không biết idiom (‘zur Sprache bringen’) trong câu mà tôi dịch.

Các lập luận của ĐQB đi như thế này:

– Do không biết là ‘zur Sprache bringen’ là một idiom trong tiếng Đức, có nghĩa là “nhắc đến/nói ra về một điều gì đó để bàn luận, đề cập đến một vấn đề để thảo luận”, nên TĐT đã dịch SAI thành “Đem ngôn ngữ như là ngôn ngữ vào ngôn ngữ”. Bạn đọc lưu ý, với điểm này thì ĐQB đã cho rằng tôi đã dịch dịch SAI, nói cách khác, dốt tiếng Đức, mà thực ra, không biết hay quên một idiom nào đó thì là chuyện thường tình có gì đâu mà ầm ỉ!

– Cho rằng ‘Nếu như độc giả đọc câu “đem ngôn ngữ như là ngôn ngữ vào ngôn ngữ’ mà không nhìn vào câu gốc trong tiếng Đức thì chắc sẽ không hiểu được câu này đang định nói điều gì.”.

– Song ĐQB không hề đưa cách dịch nào cho câu “Die Sprache als die Sprache zur Sprache bringen” với ‘zur Sprache bringen’ là một idiom. TẠI SAO? Vì KHÓ, rất khó dịch sao nghe cho ổn mặc dù câu này rất đơn giản về mặt chữ nghĩa, câu cú, ngữ pháp!

– Do đó, ĐQB rất khôn khéo, đẩy qua Hertz[90]: “Krell dịch tự do hơn câu này thành: ‘we try to speak about speech qua speech’, ‘chúng ta thử nói về lời nói như là lời nói’, và đã dịch sát nghĩa idiom gốc trong tiếng Đức.” Và như thế, người đọc sẽ hiểu rằng, ĐQB chấp nhận cách dịch của ông này.

– Đến đây, cách dịch của tôi giống Krell, và ĐQB thì chấp nhận cách dịch của Hertz: ĐQB không dám nói Krell sai, do đó, mới cẩn thận THÒNG thêm “Bản tiếng Anh của Krell (xem cước chú) mà có thể ông TĐT dựa vào để dịch (câu gốc chỉ có ba đơn vị nghĩa, không lẽ chỉ dựa vào một, hai thôi?) đã dịch idiom này thành ‘bring to the language’…” và hơn nữa, ĐQB còn thòng thêm: “…ông (TĐT) PHẢI ghi chú nghĩa của idiom này trong cước chú vì nếu không thì người ta không hiểu Heidegger đang nói gì.” Bản của Gs Krell không hề có ghi chú nào như thế, có lẽ ĐQB cũng nên khuyên Gs Krell PHẢI ghi chú như vậy!

NÓI CÁCH KHÁC, ĐQB ĐÃ CHẶN CẢ HAI ĐẦU:
1. TĐT DỊCH SAI TỪ TIẾNG ĐỨC DO KHÔNG BIẾT IDIOM CÓ TRONG CÂU.
2. TĐT DỊCH DỰA VÀO BẢN ANH.

Đến đây, logic của ĐQB bạn đọc có lẽ đã hình dung được sự khéo léo của ĐQB như thế nào (ở đây chưa bàn đến việc cách dịch khác biệt giữa Krell và Hertz)!

B – Đào sâu

Tóm tắt vấn đề, câu đơn giản “Die Sprache als die Sprache zur Sprache bringen” có hai cách dịch:

– “Đem ngôn ngữ như là[91] ngôn ngữ vào ngôn ngữ”
(Krell và TĐT dịch song bỏ qua idiom ‘zur Sprache bringen’)

– “Chúng ta thử nói về lời nói như là lời nói”
(Hertz và ĐQB, dịch theo idiom ‘zur Sprache bringen’)

Như đã nói ở trên, dịch Heidegger không thể chỉ dựa vào tiếng Đức thông thường, ông Đỗ Quốc Bảo[92] NỢ bạn đọc:

a. Dịch câu “Die Sprache als die Sprache zur Sprache bringen” với idiom như ĐQB đã chỉ ra.
Lưu ý: Dịch sao cho ‘người đọc không nhìn vào câu gốc trong tiếng Đức mà vẫn hiểu được câu này đang định nói điều gì’.[93]

b. Vì thế, quan trọng hơn: hãy diễn giải, làm rõ cụ thể ý tưởng của Heidegger qua câu dịch nói trên để bảo vệ cách bắt bẻ và dịch của mình.

Ngay sau bài viết nay, bạn đọc có thể đòi nợ ĐQB trả lời tại đây, link:

https://www.facebook.com/baotichratnakarah (Bảo Tích)

IV. Phụ lục 2 – Bảng tơm lõi của Heidegger

Lưu ý: bảng này vẫn còn đang dang dở và sai sót tuy nhiên bạn đọc vẫn có thể tạm dùng để soi so với bài dịch “Đường về Ngôn Ngữ” trên TapChiTriet[94].

Đức Anh Việt
als as như là, xét như [là], với tư cách là
angesprochen addressed được [vẫy] gọi, nói ra
Anmut grace phong nhã
Anspruch claim đòi hỏi
Anwesen presence có mặt/hiện diện, sự
Anwesende, das that which presences, that which is present có mặt/hiện diện, cái
Aufriß design (rift-design) Bản vẽ mặt cắt đứng, bản vẽ, [bản] thiết kế, bản phác thảo, cấu trúc
Austragen carry out dàn xếp (phân giải)
Bedeutung signification tỏ nghĩa, sự[95]
be-dingen be-thing; bething ràng giữ, ràng mở (“hạn chế”, “quy định”)
Befürchtung fear sợ hãi, e ngại
Bezug attraction, attractive relation, relation quyến rũ, cuốn hút (quan hệ); quan hệ
Darstellung present , represent trình bày
Dasein existence tồn tại, sinh tồn
Ding thing sự vật, vật, cái gì đó
dingen thinging gom mở, sự vật hoá
Eigen owning riêng mình , riêng có, bản thân mình
Eigentum patrimony, property [đặc tính] vốn có của mình (của cải, tài sản, của riêng)
eigentümlich peculiar đặc thù, đặc biệt, chỉ có riêng ở mình
Eignen owning có tự mình, riêng có, chiếm riêng, thuộc về bản tính riêng; thuộc sở hữu, của ai
eignen (sich) to be apt or suitable for something thích ứng/phù hợp (cho cái gì)
Einfach simple, simple unity đơn giản , cái thuần nhất đơn giản
Einfalt oneness, one-fold, simplicity thuần nhất (sự/cái); cái [một]
Enteignen expropriate [tự] nấp vào, tự khuất lấp (khác: xuất nhượng)
Ent-sprechen responding nói đáp, ứng đáp
Ereignen [das], ereignend, Ereignens, ereignen appropriation (propriating) xảy ra, xuất hiện, diễn ra thế giới riêng, xảy ra theo cách riêng
Ereignen [das], ereignend, Ereignens, ereignen[96] adapt trở nên hoặc làm [cho] thích nghi
ereignen (sich) happen, occur xảy ra, xuất hiện
Ereignis appropriation (propriating) sự kiện, sự biến, sự xuất hiện , chiếm/cư hữu, diễn chiếm một không gian tỏ nghĩa riêng
Ereignis adaptation thích nghi, sự
fugen join khâu [nối], hàn gắn, đâu lại
Gebärde gestures điệu bộ
Gebärde gesture, gestate, bear dàn diễn (gánh vác và hiện thực [hoá]); cưu mang
Gefahr danger, risk nguy hiểm
Gefüge structure cấu trúc
Geheiß command lệnh
Geläut peal âm vang
Gnaden graces ân sũng
gestellen frame đóng khung; đưa vào khuôn khổ
Geviert four-fold cái [gấp] Bốn, cái Bốn chiều
Heißen bidding Lời gọi bảo
Hermeneutik hermeneutics giải thích học
Innigkeit intimacy gần gũi, thân mật (sự)
Kehre, die reversal, turning bước ngoặt, bước rẽ
Laut sound thanh [âm], âm thanh
Läuten peal âm vang, tiếng vang
Lichtung clearing, illumination, lighting sáng trong, dọn sạch, trảng trống (BVNS dịch là khai quang)
Mitte middle đứng giữa, điểm giữa (cái, phần), trung gian, trung tâm
Originalität originality sáng riêng, độc sáng (tính)
Rede[n] talk nói về, nói với, nói diễn
Riß sign (rift) vết nứt
Sage[n], das lời/câu nói lời nói
sagen say[97] nói ra
Seiend being tồn tại, cái/vật
Sein Being Tồn tại, sự
Sinn sense nghĩa
sinnlichen sensuous cảm tính
Sprache language ngôn ngữ
Sprachgeist spirit of the language, the tinh thần ngôn ngữ
Sprechen speak nói; lên tiếng; sự nói; tiếng nói, nói năng
Spruch saying câu răn [châm ngôn]
Sterbliche mortal con người rồi sẽ phải chết, con người, người đời
Stille stillness lặng lẽ, tĩnh lặng (sự)
übereignen make over tự từ bỏ mình (chuyển quyền sở hữu)
übersinnliches suprasensuous siêu cảm tính
Unter-Schied difference rời biệt, sự
vereignen/ Vereignung appropriate có được chính mình, bản chất riêng, chiếm có, chiếm hữu
Vorstellung idea; representation, presentation ý niệm/tưởng, quan niệm (idea), diễn/biểu/trình bày
Welt world thế giới
Welt weltet The world worlds Thế giới chuyển mở (thé giới thế giới hoá)
welten worlding [thế giới] chuyển mở
Wesen essence, being, nature bản chất
Wink hint gợi ý, ám chỉ, manh mối; vẫy gọi
wohnen dwell ngơi ở, ở (cư lưu, cư ngụ)
zeigen show chỉ ra, phô ra, thể hiện
Zukunft origin, source nguồn gốc, nguyên lai/tuyền
zuspruch words (of comfort/encouragement) lời khuyên
zwiefach twofold gấp hai (tính); cũ: song trùng (tính)
Zwiefalt two-fold cái [gấp] hai
Zwischen Between [ở] Giữa, (cái/sự)

—Hết—

Tham khảo

Buholzer, A. (2023). Representation in Kant. UCD School of Philosophy. UCD School of Philosophy.

Cao Xuân Hạo; Hoàng Dũng. (2004). Thuật ngữ Ngôn ngữ học Anh Việt – Việt Anh. TP HCM: Đề tài khoa học cấp bộ.

Caygill, H. (2013). Từ điển triết học Kant. (B. V. Sơn, Ed.)

Clapin, H. (2002). Philosophy of Mental Representation. Oxford University Press.

Crane, T. (2003). The Mechanical Mind: A Philosophical Introduction to Minds, Machines and Mental Representation. Routledge.

Culbertson, C. S. (2010). The Claim Of Language: A Phenomenological Approach (Dissertation). Department of Philosophy; University of Oregon.

Cummins, R. (1991). Meaning and Mental Representation. MIT Press.

Đạo, T. T. (2008). Từ Chủ Nghĩa Hiện Sinh Đến Thuyết Cơ Cấu. NXB Tri Thức.

Dreyfus, H. L. (1995). Being-in-the-World – A Commentary on Heidegger’s Being and Time, Division I. Cambridge, Massachusetts: The MIT Press.

Dreyfus, Hubert L.; Wrathall, Mark A. . (2005). A Companion To Heidegger. Blackwell Publishing.

Emmanuel. (2025). Những câu hỏi lớn của triết học – So sánh cách tiếp cận của Phật giáo & Tây phương. (Đ. Q. Bảo, & N. H. Đăng, Trans.) NXBKHXH.

Giáng, B. (2006). Martin Heidegger và Tư tưởng Hiện đại. Tp. HCM: NXB Van học.

Hảo, N. V. (2018). Giáo trình Triết học phương Tây. NXBĐHQG Hà nội.

Harman, G. (2007). Heidegger Explained. Illinois: Open Court.

Heidegger. (1967). Về Thể Tính Của Chân Lý. (P. C. Thiện, Trans.) Hoàng Đông Phương.

Heidegger. (1971). Poetry, Language, Thought. (A. Hofstadter, Trans.) New York: Harper & Row, Publishers.

Heidegger, M. (1968). Về Thể tính của Chân lý. (P. C. Thiện, Trans.) Sài Gòn: Hoàng Đông Phương.

Heidegger, M. (1969). Triết Lý là gì? (P. C. Thiện, Trans.) An Tiêm.

Heidegger, M. (1971). On the Way to Language. (P. D. Hertz, Trans.) New York: Harper & Row, Publishers, Inc.

Heidegger, M. (1971). On The Way To Language. New York: Harper & Row, Publishers, Inc.

Heidegger, M. (1973). Hữu thể và Thời gian. (T. C. Tiến, Trans.) Quê Hương.

Heidegger, M. (1985). Gesamtausgabe, Band 12. FRANKFURT AM MAIN: Vittorio Klostermann.

Heidegger, M. (1985). Unterwegs Zur Sprache (GA, BAND 12). Frankfurt am Main: Vittorio Klostermann.

Heidegger, M. (1993). Basic writings: from being and time (1927) to the task of thinking (1964). (D. F. Krell, Trans.) San Francisco: Harper San Francisco.

Heidegger, M. (2000). Vorträge und Aufsätze. Frankfurt am Main.

Heidegger, M. (2021). Martin Heidegger Vật Xây Ở Suy Tư. (B. V. Sơn, Dịch giả) Tp. HCM: Nhà Xuất Bản Hồng Đức.

Heidegger, M. (2024). Đường Về Ngôn Ngữ. (T. Đ. Thắng, Trans.) TP HCM: Nội bộ.

Herrmann, F.-W. v. (2020). The Unity in the Transformation of Martin Heidegger’s Thinking. (T. Sheehan, Trans.) Gatherings – THE HEIDEGGER CIRCLE ANNUAL VOLUME 10, 2020, 68.

Hợp, Đ. M. (2014). Lịch Sử Triết Học Phương Tây (2). NXB Chính Trị Quốc Gia.

Hubert L. Dreyfus;Mark A. Wrathall. (2005). A Companion to Heidegger. Blackwell Publishing.

Inwood, M. (1999). A Heidegger Dictionary. Blackwell.

Inwood, M. (2000). Heidegger: A Very Short Introduction. Oxford University Press.

Janaway, C. (2017). Dẫn Luận Về Schopenhauer. (T. H. Hoá, Trans.) TP HCM: NXB Hồng Đức.

Kant, I. (2006). Phê Phán Lý Tính Thuần Tuý. (B. V. Sơn, Trans.) NXB Văn Học.

Minh, T. V. (2014). Từ Điển và Danh từ Triết Học. TP HCM: NXB Phương Đông.

Mumford, Stephen; Rani Lill Anjum. (2018). Quan Hệ Nhân Quả. (H. P. Phương, Trans.) NXBTH TP HCM.

Nghiêm, L. T. (2007). Đâu là Căn nguyên Tư tưởng Hay Con đường Triết lý từ Kant đến Heidegger. Tp. HCM: NXB Văn Học.

Phê, H. (2016). Từ Điển Tiếng Việt. NXB Hồng Đức.

Polt, R. (2025). Heidegger On Presence. Cambridge University Press.

Richardson, W. J. (2003). Heidegger – Through Phenomenology to Thought. New York: Fordham University Press.

Richardson, W. J. (2003). Heidegger from Phenomenology to Thought. New York: Fordham University Press.

Rô-Den-Tan; P. I-U-Đin. (1976). Từ điển Triết học. NXB Sự Thật.

Schopenhauer, A. (2022). Thế giới Như Là Ý chí và Biểu tượng. (T. N. Pháp, Trans.) NXB Hồng Đức.

Scruton, R. (1994). Modern Philosophy – An Introduction & Survey. Allen Lane The Penguin Press.

Sheehan, T. (n.d.). How Not To Translate Heidegger. Stanford University.

Thiện, P. C. (1970). Ý Thức Bùng Vỡ. Sài Gòn: Đồng Nai.

Thương, P. T. (2014). Kết Cấu Nghĩa Của Nhóm Từ Chỉ Hành Động Nói Năng Speak, Say, Tell, Talk Trong Tiếng Anh Và Các Đơn Vị Tương Ứng trong tiếng Việt. Hà Nội: Luận Văn Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học ĐHKHXHNV Hà Nội.

Trương Văn Hùng & Cộng sự. (2004). Từ Điển Đức Việt. TP HCM: Nhà Xuất Bản Trẻ.

Vandenabeele, B. (2012). A Companion to Schopenhauer. Wiley – Blackwell.

Wrathall, M. A. (2021). The Cambridge Heidegger Lexicon. Cambridge University Press.

Young, J. (2019). Triết Học Nghệ Thuật của Heidegger. (N. Huy, Trans.) NXB Thế Giới.

Ziarek, K. (2013). A Vulnerable World: Heidegger on Humans and Finitude. The Johns Hopkins University Press.

Розенталь, М. М. (1986). Từ điển Triết học. NXB Tiến bộ & Sự thật.


[51] Ví dụ như kiểu bắt bẻ lắt nhắt, lặt vặt trong bài “Hiện tượng Nguyễn Hữu Liêm”. Một ví dụ không thể tưởng tượng là vụ Trần Thiện Đạo phê phán bản dịch “Những ruồi” của Phùng Thăng: Trần Thiện Đạo đã phê phán đăng báo rồi, sau khi Phùng Thăng chết, Trần Thiện Đạo lại quật mồ Phùng Thăng đánh tiếp qua việc tái bản cuốn (Từ Chủ Nghĩa Hiện Sinh Đến Thuyết Cơ Cấu, p. 102). Không biết nên gọi ‘thái độ’ của Trần Thiện Đạo cho đúng, đành tạm mượn lời PCT, “Tại sao người bần tiện làm gì đi nữa thì vẫn bần tiện?”. Bạn đọc có thể xem tại đây: https://vanviet.info/thao-luan/thao-luan-ve-dich-thuat-tran-thien-dao-ph-phn-ban-dich-nhung-ruoi-cua-phng-thang/ (trên mạng đầy những bài nhận xét về bản dịch của Trần Thiện Đạo, chẳng hạn: https://nhilinhblog.blogspot.com/2016/02/van-chuong-mien-nam-phung-thang.html).

[52] ‘Tôi’, ‘anh’, ‘ông X’, ‘chúa’, ‘Giêsu’, ‘thiên đàng’, ‘chiếc thánh giá’, ‘cuộc sống đời đời’, ‘vĩnh hằng’, ‘sự dữ’, ‘anh Ba’, ‘xị đế’, ‘be bờ’, ‘lúa được mùa’, ‘nước’…

[53] Lưu ý thay vì dịch bằng những thuật ngữ cứng ngắc theo kiểu của Kant, tôi dịch thoát bằng cụm từ mềm mại hơn là ‘khiến sự vật như là sự vật’. Xem thêm (Martin Heidegger Vật Xây Ở Suy Tư, trang 18; 31)

[54] Ở đây, những thứ chạm đến người phụ nữ này là “ánh đèn chiều”, “mái nhà thân thuộc”, “đứa con”, “người chồng”, “tiếng bước chân”, “bó len lông cừu”, “chiếc bát”,… “đứa con” như là “đứa con” của nàng, “người chồng” như là “người chồng” của nàng,…

[55] Luận án của Karl Löwith “Das Individuum in der Rolle des Mitmenschen” (“Cá nhân trong vai trò của Đồng loại”, Löwith 1928), phân biệt giữa “thế giới” (Welt), “thế giới hoàn cảnh/xung quanh” (Umwelt) và “thế giới sống chung/với” (Mitwelt) và dành toàn bộ một chương cho “sống với nhau” (Miteinandersein). (The Cambridge Heidegger Lexicon, p. 113)

[56] + Chúng ta có thể bỏ qua những giải thích, ghi chú lằng nhằng, không liên quan (thương định, ước định) gì ở đây (tức tư tưởng của Heidegger), ĐQB đơn thuần giải thích tiếng Đức phổ thông – chỉ cần lưu ý là ĐQB dịch là “tạo điều kiện”, “dẫn khởi”, cơ bản là đúng theo từ điển tiếng Đức. Riêng đối với cách dịch “dẫn khởi”, chúng tôi đoán ĐQB đã dựa vào từ điển Đức Hoa hay Anh Hoa, chẳng hạn, xem ở đây:

https://de.langenscheidt.com/deutsch-chinesisch/bedingen (Kết quả: bedingen ~ 引起 (dẫn khởi), 支配 (chi phối)

[57] chuyện do chúng tôi bịa đăng trên FB cho vui, nhưng câu “Das Nichts nichtet.” và ác cảm của Carnap đối với Heidegger là có thật.

[58] xem https://sjjs.edu.vn/heidegger-va-buoc-chuyen-tu-huu-the-den-cai-vat-trong-tac-pham-das-ding-the-thing/

[59] Hình như Locke là người đầu tiên bàn về vấn đề này (An Essay Concerning Human Understanding), tiếp theo là các triết gia Hume, Derek Parfit, Daniel Kolak, … Có thể xem nhanh khái niệm này tại https://en.wikipedia.org/wiki/Personal_identity. Sạn này do dịch giả Huỳnh Duy Thanh phát hiện.

[60] ĐQB không cần bổ xung vì “there is something it is like to be them”, về mặt tiếng Anh, câu này với [THAT] được ngầm hiểu, nói cách khác, nó bị lược gọn!

[61] https://tapchitriet.com/?p=1843

[62]Dịch chặt nhảm” không phải là dịch sai do không hiểu, chuyện sai sót trong khi dịch thuật là chuyện bình thường. “Dịch chặt nhảm” thoạt nhìn thì có vẻ CHẶT CHẼ, “chính xác” nhưng sau khi nghiền ngẫm thì nhận ra “rặt là NHẢM”. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến thái độ học thuật: không biết là không biết, không thể nhưng vẫn cố nói, cố dịch và rồi áp đặt giải thích CHẶT NHẢM, mang tâm thế coi thiên hạ như là đám dốt nát, trong khi ở VN thì không phải là không có những người có thể đọc, hiểu Heidegger bằng tiếng Đức; dịch/hiểu sai thì cứ lẳng lặng đi, khổ nỗi, mỗi khi mở miệng ra để giải thích thì lại hỏng bét!

[63] Không hiểu (thật ra chúng tôi hiểu) là ĐQB và nhóm Bảo tích viết hàng trăm trang này đến trăm trang khác, họ hít không khí mà sống hay sao, để tạo ấn tượng dữ dội; thật ra đây chỉ là chiến thuật biển người – nếu bạn đọc để ý, chúng tôi đôi lần lịch sự dùng chữ “liếc”, nhưng một GS, có lẽ xuất thân từ lính nước đánh bộ (thuỷ quân lục chiến) nên nói năng khác người khi có người hỏi “Thế anh có đọc hết 185 trang không?”, vị GS này sổ toẹt: “Không, em thấy kớt thối thì em có ngửi không?”. Vị Gs này thật may mắn!

[64] link: https://nhilinhblog.blogspot.com/2016/06/schopenhauer-quyen-sach-cuoc-doi-va-kem.html

[65] ở đây chúng ta chưa xét đến ý nghĩa rất khác giữa “biểu diễn” (Vorstellung) và “tưởng tượng”, có thể diễn nôm thế này: “biểu diễn” (Vorstellung) là cách thức thế giới được đem lại cho tâm trí; còn “tưởng tượng” là chúng ta tạo dựng mọi thứ trong đầu (tưởng tượng một con rồng 9 đầu cắn con kỳ lân hai sừng).

[66] Nguyên văn: “… beyond the domain of MENTAL REPRESENTATIONS of objective facts.” ĐQB dịch: “vượt qua lĩnh vực của những BIỂU TRƯNG TÂM LÝ của những sự thực khách quan.”

[67] Trong (Dẫn Luận Về Schopenhauer, p. 50). Trịnh Huy Hoá dịch tốt hơn, dù không đúng lắm nhưng không đến nổi sai bét: “mental representation” > “ý niệm tâm trí”.

[68] Chúng tôi nói thế là lịch sự. Sau khi trao đổi với một vị có trình độ về triết học, ni phán luôn: ĐQB chẳng biết gì về triết học [phương tây]!

[69] Ngày trước, do phương tiện in ấn còn thô sơ nên Heidegger có thể dùng những dấu nối ‘-’ để bảo đảm tính thống nhất của chữ, cụm từ. Nhưng hiện nay, với nhiều kỹ thuật định dạng phong phú, chẳng hạn in nghiêng, vẫn bảo đảm được yêu cầu này đồng thời lại đẹp mắt, dễ nhìn hơn; ví dụ, thay vì “tồn tại-ở-trong-thế giới”, có thể viết “tồn tại trong thế giới”, xem (Giáo trình Triết học phương Tây, p. 163).

[70] “expressed”: được nói rõ, nói thẳng, rõ ràng, dứt khoát; được nói ra, phát biểu, bày tỏ (Từ điển Vdict online).

[71] “What is spoken can be long gone, but it can also be what has long gone on, as what is addressed.”

[72] đoạn sau có thể dịch theo kiểu không bóng bẫy nhưng ngắn gọn: “… Lời nói ra có thể đã mất, đã qua đi, nhưng cũng có thể dài lâu như những gì mà lời ấy hướng đến, mời gọi”.

[73] Nốt: cần phân biệt lời nói hiểu theo thông thường với lời nói hiểu theo nghĩa tơm kỹ thuật.

[74] Khái niệm ‘chuyển động’ cũng được Heidegger đề cập khá nhiều trong một số bài viết khác.

[75] Chẳng hạn, ĐQB giải thích “ ‘Anwesen’ (n) ‘trang viên,’ nghĩa là một mảnh đất khá lớn …; và cũng có nghĩa là ‘sự gia nhập hiện diện.’ … Tuy nhiên, trong Đức ngữ sauf Heidegger, từ này gần như luôn được dùng với nghĩa ‘trang viên,’ nghĩa là một mảnh đất khá lớn với một căn nhà chính/biệt thự và những căn nhà nhỏ xung quanh. H. lại chơi chữ ở đây.” thì không giúp gì người đọc hiểu ‘sự có mặt/hiện diện’ (‘Anwesen’) thực sự có ý nghĩa gì ở đây! Tạm vắn tắt: Heidegger đã diễn giải Sein (Tồn tại) là Anwesen (sự có mặt/hiện diện). Tồn tại như là sự có mặt (Anwesen) không ám chỉ sự có mặt trong không gian và theo thời gian của một vật “ở ngoài kia”. Anwesen có nghĩa là sự có mặt mang ý nghĩa có tương quan với sự hiểu về ý nghĩa đó. Để hiểu rõ hơn về từ này, có thể xem mục 162. Presencing (Anwesen) (The Cambridge Heidegger Lexicon, p. 603).

[76] Cho rằng “je und je” là thỉnh thoảng; nốt ghi chú của ĐQB cho ‘das Zugesprochene’ nói chung là đưa vào cho có, làm màu, người đọc xem qua thì cũng chẳng vỡ ra điều gì liên quan đến câu văn đang xem!

[77] ĐQB đã phê phán cách dịch “bei der Sprache” là “trong ngôi nhà của ngôn ngữ” do tôi trực giác dịch thoát, nay phát hiện Gs. Carol J. White dịch y như vậy: ‘He suggests that the prefix “par” shares a meaning with the German preposition “bei,” indicating “at” or “near” as well as “during” or “while.” “Bei” also means “at the home of,” similar to the French “chez.’ (A Companion to Heidegger, p. 126). và thêm một ví dụ khác, cụm “bei den Dingen” được dịch thoát là “SỐNG CÙNG VỚI vật” (Martin Heidegger Vật Xây Ở Suy Tư, trang 48). Điều này nói lên chữ nghĩa của Heidegger không thể dùng tiếng Đức thông thường để dịch hay xử lý, trong ca này là một chữ ‘BEI’ rất đơn giản!

[78] Chẳng hạn, “Wie aber west das Ding? Das Ding dingt.” (“But how does the thing presence? The thing things.”) được dịch là “Nhưng vật hiện diện như thế nào? Vật tập hợp.” (Martin Heidegger Vật Xây Ở Suy Tư, trang 22)

[79] Chẳng hạn, cụm “bei der Sprache”, sau khi nghiền ngẫm, được tôi dịch thoát là “trong ngôi nhà của ngôn ngữ” và ĐQB đã phê bình kịch liệt cách dịch này, cho là sai, là dịch từ tiếng Anh, … ĐQB đưa ra cách dịch của mình là “cận kề ngôn ngữ” và nhấn thêm: “Chúng tôi tạm dịch ‘bei der Sprache’ ở đây là ‘kề cận ngôn ngữ’, ‘bên cạnh ngôn ngữ’ hoặc ‘ở nơi ngôn ngữ’. Chúng tôi có lấy ý tưởng từ một slogan quảng cáo khá nổi tiếng tại Đức là ‘Mittendrin [mitten da in] statt nur dabei [da-bei] sein’, sát nghĩa là ‘ở ngay bên trong chứ không chỉ ở kế bên.’”Một ví dụ chẳng ăn nhập gì để minh hoạ ý tưởng của Heidegger!

[80] https://dongten.net/heidegger-va-thong-di%E1%BB%85n-h%E1%BB%8Dc-hi%E1%BB%87n-d%E1%BA%A1i/

[81] Thật ra tiếng Việt cũng có ‘bảo’, ‘lên tiếng’,… tuy nhiên chúng chỉ thích hợp dùng ở một vài câu rời rạc nào đó; để dùng chúng nhất quán trong toàn bộ tác phẩm của Heidegger gần như là điều không thể, đặc biệt khi người dịch né tránh dùng từ Hán Việt.

[82] Cám ơn bạn Đinh Bá Anh đã cho phép dùng lại nội dung này.

[83] “nhắc đến”: dịch thoát, chữ “ansprechen” hình như được Bùi Giáng dịch là “chiêu hô”.

[84] Phiên bản mới (Ver 0.23) cho đoạn này sẽ là: “Lời nói ra có thể đã mất, đã qua đi, nhưng cũng có thể dài lâu như những gì mà lời ấy hướng đến, mời gọi”. Nói cách khác, ‘das Zugesprochene’ ở đây được hiểu là “những gì [lời nói] hướng đến”.

[85] Vài năm nay tôi có dịch một ít sách, các bước dịch tôi thường tiến hành như sau:

Bước 0: cóp nội dung cần dịch vào Google Translate (Gúc), kết quả dịch được sẽ là [e]Ver (phiên bản) 0.0.

Bước 1: Tút thật nhanh từ đầu đến cuối (mà tôi gọi là một tua) vài chỗ ngớ ngẫn, sai quá rõ của Gúc, kết quả dịch được sẽ là ver 0.1.

Đôi khi trên FB bạn sẽ thấy kiểu: [Nháp 0.1] hoặc [Gúc 0.1] hoặc [Ver 0.1], hoặc sau này làm biếng nên mặc định bạn đọc hiểu nên không ghi nữa.

Bước 2: Giống trên, nhưng giờ sẽ tút, rà soát kỹ hơn, mục đích để câu văn thành hình, thành nghĩa; kết quả bước này sẽ là Ver/Gúc 0.2.

Bước 3: Giống trên, tút, rà soát kỹ hơn nữa, kết quả sẽ là Ver/Gúc 0.3.

Bước 9: Giống trên, nhưng giờ sẽ kỹ hơn, xem xét mọi góc canh của văn bản, và thường là format, …, kết quả sẽ là Ver 0.9.

Bước 10: Tua này là tua cuối cùng, kết quả có thể được đem in, và tương ứng, Ver 1.0.

Tuy nhiên, đấy chỉ là lý tưởng. Khi dịch cuốn Những Tìm Sâu Triết Học, hình như đến tua thứ 7 (khi đó tôi chưa đánh Ver thống nhất như sau này), tôi rất đuối và mệt mỏi nên đành chấm dứt ở tua này, không thể làm đủ 10 tua như đã định (các bạn cứ hình dung cuốn sách 400 trang đầy chữ, và mỗi lần (tua) phải duyệt từ đầu đến cuối).

Đến những cuốn sau, Hệ Ghi Ý (Frege) và Về Tính chắc Chắn (Wittgenstein) hình như chỉ còn 4 tua, đến Bài Giảng Mỹ học thì chỉ còn ba tua. Vài năm nay, tôi đã mỏi mệt, đành phải hạ tiêu chuẩn xuống ba tua, với tinh thần là chấp nhận bản dịch tạm có cái cho bạn đọc sẽ đọc và hiểu được. Nôt: Không đưa lên FB những thứ có thể đi in thành sách.

[86] Xem thêm, “Bàn tới Heidegger, ông Roger Verneaux trong cuốn Leçons sur l’Existentialisme -có bảo rằng bản dịch Qu’est-ce que la Métaphysique (của Henry Corbin dịch tác phẩm Was ist Metaphysik) nghe ra bê bối líu lo cà riềng cà tỏi…” (Martin Heidegger và Tư tưởng Hiện đại). Hoặc ví dụ khác, (Triết Học Nghệ Thuật của Heidegger, p. 29), Julian Young viết về bản dịch của Albert Hofstadter: “Một lý do khác cho sự chú ý đến mức ám ảnh trong thế giới Anh ngữ đối với tác phẩm “Nguồn gốc”, thật đáng tiếc, lại ở chất lượng không khả tín của bản dịch tiếng Anh duy nhất của Albert Hofstadter in trong cuốn Thi ca, Ngôn ngữ, Tư tưởng (Poetry, Language, Thought). Bản dịch này chứa nhiều sự suy diễn thêm thắt hoàn toàn không có trong bản gốc tiếng Đức, các sự bỏ sót, những lỗi ngớ ngẩn, lạc đề và các chỗ hài hước ngờ nghệch do dịch giả không phải là người nói tiếng Anh bản ngữ. Tôi sẽ đề cập tới các lỗi đó mỗi khi cần làm rõ (Bản dịch cũng có rất nhiều sự cẩu thả, mà cho đến nay, sau 30 năm, vẫn không được hiệu đính…)

[87] Xem bài tại link: https://drive.google.com/file/d/1ggkCpTaFoy7C-gFYOMHX6h2_1nJIgEEO/view?fbclid=IwY2xjawI18KtleHRuA2FlbQIxMAABHWk7TsP_v08BCK5Pn1H_wSZMcmj0ByZlk28PGCiBAdqRJ54MvAu5EzKwMQ_aem_Lb7mM_YmQ31h8SS2nMDH1w

[88] Chữ “als (as/qua)” là chữ thường được dùng trong một số văn bản triết học, nói cách khác, nó là một từ kỹ thuật. Chữ này có vài cách dịch, nhưng ở đây cứ tạm dùng “như là”.

[89] “Die Sprache als die Sprache”: “ngôn ngữ như là ngôn ngữ”; bringen: “đem, mang,…”; “zu”: “tới/đến/về…”

[90] Chỗ này ĐQB nhầm tên dịch giả: Là Hertz, chứ không phải Krell.

[91] Ngoài lề, cho bạn đọc muốn tìm hiểu thêm, chữ ‘như là’ (‘als’) của Heidegger được Phạm Công Thiện giảng giải suốt mấy chục trang trong (Ý Thức Bùng Vỡ, pp. 79-114)

[92] Link FB: https://www.facebook.com/baotichratnakarah

[93] Thú thật, dịch Heidegger để người đọc đọc và hiểu được Heidegger muốn nói gì, điều này tôi làm không nổi! 🙂

[94] https://tapchitriet.com/?p=2107

[95] + Ở đây BedeutungSinn được dịch theo lối thông thường và lưu ý rằng cách hiểu về cặp từ này của Heidegger rất khác với cách hiểu của G. Frege.

[96] + Hai mục này phản ánh hai lối dịch và hiểu khác nhau về ‘Ereignis’. Ban đầu dịch theo lối dịch thứ nhất, sau có cập nhật lại theo lối dịch thứ hai, nhưng chắc chắn còn sót lại những chỗ chưa thống nhất.

[97] Có tác giả dịch Sagen là “utter (thốt ra)” vì cho rằng Heidegger đã cho thấy mối quan hệ giữa SagenZeigen (phô/chỉ/trưng ra)”.

This entry was posted in Vấn đề hôm nay and tagged . Bookmark the permalink.