Cục xuất bản đòi đình chỉ phát hành „Mối chúa“ của Tạ Duy Anh[i]

Phạm Viết Đào

CỤC XUẤT BẢN: “HÌNH SỰ HÓA, THÙ ĐỊCH HÓA”… QUAN HỆ GIỮA NHÀ NƯỚC VỚI NHÀ VĂN TRONG VỤ TIỂU THUYẾT “MỐI CHÚA”

Phạm Viết Đào.

clip_image002

Là người đã đọc kỹ tiểu thuyết “Mối chúa” ( MC) của Đãng Khấu-Tạ Duy Anh- NXB Hội Nhà văn VN xuất bản 2017; từng là Trưởng Phòng Thanh tra Báo chí-Xuất bản của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, (trong năm 2007, tôi đã để xuất, tham gia ban hành quyết định xử phạt các TBT báo và NXB số tiền xấp xỷ 2 tỷ VNĐ, được Thanh tra Chính phủ tặng Bằng khen), tôi cho rằng: tiểu thuyết Mối chúa không vi phạm các điều cấm kỵ được quy định tại Điều 10 Luật Xuất bản 2012 (Điều 10-LXB) …

Đọc đoạn ghi trong công văn số 914/CXBIPH-QLXB ( CV 914), do Cục trưởng Chu Văn Hòa, ký ngày 13-9-2017 sặc mùi “bạo lực cách mạng” của loại ngôn từ quy chụp thời cải cách ruộng đất năm 1956 và của thời cách mạng mạng văn hóa bên Tàu những năm 60-70 thế kỷ trước:

“… Nội dung cuốn sách phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay. Qua đó, tác giả đã vạch trần những tiêu cực và bất công trong xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp đến cao đều đen tối, vô vọng, đau đớn. Qua lời kể của các nhân vật, hiện lên những thế lực hắc ám, một xã hội hầu như được chỉ huy bởi những kẻ ngu dốt, tham lam, thủ đoạn. Toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền bộc lộ sự tàn nhẫn, vô đạo, đàn áp nông dân, giết hại lẫn nhau, giết người chống đối chỉ vì tiền. Một số chi tiết được viết với giọng giễu nhại sâu cay, miêu tả tiêu cực có phần tô đậm và có tính khái quát khiến cho hiện thực trở nên đen tối, u ám (trang 38, 43, 74, 129, 140, 141, 158, 161, 173, 198, 251,…). Các trang viết về chính quyền cưỡng chế nông dân trong việc thực hiện các dự án được miêu tả một cách cường điệu, coi đó như hai lực lượng thù địch, chính quyền đàn áp như một trận đánh được chuẩn bị kỹ lưỡng từ vũ khí đến lực lượng bí mật (trang 113, 115, 124, 167, 168, 207, 209, 220, 248,…)

Để có thể quy vào cái tội vi phạm Điều 10 LXB thì phải căn cứ vào toàn bộ hệ thống hình tượng, nhân vật được thể hiện bằng ngôn từ được kết cấu trong tiểu thuyết MC. Vậy cái nội dung công văn CV 914 thật sự đã phản ánh trung thực, khách quan, khoa học, đúng LXB nội dung của tiểu thuyết MC không ?

Các cơ quan chức năng như Ban Tuyên giáo TW, Bộ TT-TT và Bộ Công an cần phải thận trong trong việc so đo này vì: chúng ta đang sống vào những năm của thế ký XXI chứ không phải ở vào thời kỳ CCRĐ năm 1956 hay CMVM Tàu những năm 60-70…

Nội dung CV 914 có 2 vế:

Vế thứ nhất của CV 914: “Nội dung cuốn sách phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay. Qua đó, tác giả đã vạch trần những tiêu cực và bất công trong xã hội…”

Theo người viết bài này, CV 914 tóm lược nội dung tiểu thuyết MC như trên là sát đúng khách quan và trung thực ?

Vậy cái nội dung trên của MC có vi phạm Điều 10 LXB không ? Theo người viết bài này nội dung của MC không vi phạm Điều 10 LXB bởi: những nội dung đó rất nhiều tác phẩm văn học và nhất là báo chí đã đề cập công khai…

Bằng chứng xác thực, hùng hốn nhất đó là hàng loạt vụ án hình sự đã tuyên và hàng ngàn tội phạm hình sự gây nên những vấn đề nổi cộm như tiểu thuyết MC đã mô tả và được CV 914 tóm lược…

Như vậy, nội dung cơ bản của MC đã phản ánh trung thực khách quan “những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay” như CV 914 thừa nhận là đúng, không vi phạm Điêu 10 LXB!

Vế thứ 2 của CV 914: “Tuy nhiên, phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp đến cao đều đen tối, vô vọng, đau đớn. Qua lời kể của các nhân vật, hiện lên những thế lực hắc ám, một xã hội hầu như được chỉ huy bởi những kẻ ngu dốt, tham lam, thủ đoạn. Toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền bộc lộ sự tàn nhẫn, vô đạo, đàn áp nông dân, giết hại lẫn nhau, giết người chống đối chỉ vì tiền. Một số chi tiết được viết với giọng giễu nhại sâu cay, miêu tả tiêu cực có phần tô đậm và có tính khái quát khiến cho hiện thực trở nên đen tối, u ám (trang 38, 43, 74, 129, 140, 141, 158, 161, 173, 198, 251,…). Các trang viết về chính quyền cưỡng chế nông dân trong việc thực hiện các dự án được miêu tả một cách cường điệu, coi đó như hai lực lượng thù địch, chính quyền đàn áp như một trận đánh được chuẩn bị kỹ lưỡng từ vũ khí đến lực lượng bí mật (trang 113, 115, 124, 167, 168, 207, 209, 220, 248,…)

Là một tác phẩm văn học, hơn nữa lại là tiểu thuyết nên khi nhà văn muốn thuyết phục, lôi cuốn và quan trọng hơn là lôi kéo người đọc tham vào tiến trình lên án, đấu tranh với “cái tiêu cực nổi cộm”; nhà văn không có cách nào khác là phải tô đậm các hình tượng đó bằng “nghiệp vụ nhà văn” của mình, “nghệ nhân của ngôn từ”…Nghiệp vụ đó được pháp luật bảo hộ và xã hội thừa nhận cũng giống như “nghiệp vụ của cảnh sát hình sự” đó là: tài bắn súng, tài võ thuật và mưu trí truy bắt tội phạm…

“Cái tiêu cực nổi cộm” mà tiểu thuyết MC mô tả thực ra báo chí, các loại hình nghệ thuật như sân khấu đã mô tả rất nhiều; Ngay trong các văn kiện của Đảng đã thừa nhận đó là “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” chứ không do tác giả tiểu thuyết MC bịa tạc ra để nói xấu nhà nước, bôi xấu chế độ, xuyên tạc sự thật ?

CXB nên nhớ rằng, tiểu thuyết MC chỉ giới hạn mô tả các nhân vật của mình, không gian tiểu thuyết của mình trong một cái dự án chạy đất làm sân golf. Quan chức cao, to nhất, người đại diện cho nhà nước được MC mô ta, nêu lên thành nhân vật trung tâm, có cương vị nhà nước cao nhất đó là 1 vị huyện trưởng, không đề tên cụ thể, không ghi địa chỉ nhân thân…

Thế mà CV 914 lại hạ một câu mang đầy tính quy chụp, vu khống, vu vạ được triện dấu đỏ:” Toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền bộc lộ sự tàn nhẫn, vô đạo, đàn áp nông dân, giết hại lẫn nhau, giết người chống đối chỉ vì tiền…”

Đối với ý kiến này trong CV 914 của Cục Xuất bản, Nhà xuất bản Hội Nhà văn VN và tác giả MC có quyền khởi kiện Cục trưởng Cục Xuất bản Chu Văn Hòa can tội lợi dụng chức vụ quyền hạn “vu khống”, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của một chủ thể, pháp nhân hợp pháp-Nhà xuất bản Hội Nhà văn VN?

Tôi đã đọc kỹ MC thấy tác giả chỉ mô tả câu chuyện xảy ra xung quang việc chạy cái dự án sân golf nằm trong khu đất của 1 huyện bán sơn địa nào đó? Loáng thoáng xuất hiện bóng dáng một số quan chức nhưng không hề ghi rõ chức danh, tên cơ quan, phẩm hàm ?

Trong khi đó thì sự thật báo chí đã đưa tin: tòa hình sự, BCHTW Đảng đã tuyên bố bỏ tù, kỷ luật hành chục ủy viên BCHTW Đảng trong đó có cả ủy viên Bộ Chính trị, một vị Thủ tướng được đưa ra xem xét hình thức kỷ luật vì liên quan tới các quyết sách làm thiệt hại cho nền kinh tế, ngân sách; một số Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, Phó ban của Ban của Ban chấp hành TW đã phải chịu án kỷ luật thậm chí bị bỏ tù…do dính dáng tới các đường giây làm ăn phi pháp…

Theo người viết bài này: Chủ tịch Hội Nhà văn VN nên chính thức có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông yêu cầu Cục trưởng Cục Xuất bản rút lại cái nhận đình vụ vạ tiểu thuyết MC trong CV 914, xin lỗi NXB Hội Nhà văn :” Toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền bộc lộ sự tàn nhẫn, vô đạo, đàn áp nông dân, giết hại lẫn nhau, giết người chống đối chỉ vì tiền…”

Tôi đã đọc MC và thấy bóng dáng một số vụ cưỡng chế đất như Đồng Tâm, Văn Giang, Thủy Nguyên Hải Phòng, bóng dánh dự án Formosa được tác giả mô tả, những đoạn đó cũng chưa lấy gì làm cao thủ lắm…Trong khi các vụ này báo chí chính thống đã đưa, thậm chí một số kênh truyền hình TW và địa phương cũng đã đưa lên sóng…Vậy thì tiểu thuyết MC mô tả một cách vu vơ, không nói rõ xảy ra tại địa phương nào, xã nào, huyện nào thì có gì là quá đáng đâu ? Đó là 1 sự thật mà hàng triệu người đã biết, đã nghe và đã thấy ? Thế mà…nhà văn viết lại điều này lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự ?

CV 914 viết:”Các trang viết về chính quyền cưỡng chế nông dân trong việc thực hiện các dự án được miêu tả một cách cường điệu, coi đó như hai lực lượng thù địch, chính quyền đàn áp như một trận đánh được chuẩn bị kỹ lưỡng từ vũ khí đến lực lượng bí mật (trang 113, 115, 124, 167, 168, 207, 209, 220, 248,…)

Báo chí chính thống đã chụp ảnh đưa tin, truyền hình đã quay cảnh hàng trăm cảnh sát với vũ khí trấn áp trang bị hiện đại xuất quân trong một số vụ cưỡng chế đất; Đó là sự thật hình ảnh mà hàng triệu người đã thấy, đã xem, đã biết, có gì xa lạ ? Tiểu thuyết MC có mô tả lại thì cũng bằng ngôn ngữ của 1 nhà văn, làm sao mà sánh bằng được hình ảnh truyền hình…

Trong MC không có dòng nào, đoạn nào khẳng định đó, “coi đó như hai lực lượng thù địch” cả ? Còn coi các vụ cưỡng chế đất của nông dân như 1 trận đánh thì đó chính là lời của vị Giám đốc CA thành phố Hải Phòng phát biểu về báo chí, coi vụ cưỡng chế đất của gia đình Đoàn Văn Vươn là “ một trận đánh đẹp” ?

Trong khi sau đó, nhiều cơ quan đã xác định đây là một vụ cưỡng chế đất trái Luật Đất đai nên gia đình Đoàn Văn Vươn mới bảo vệ được khu đất do họ lấn biển !

Còn đoạn sau đây của CV 914:”Một số chi tiết được viết với giọng giễu nhại sâu cay, miêu tả tiêu cực có phần tô đậm và có tính khái quát khiến cho hiện thực trở nên đen tối, u ám (trang 38, 43, 74, 129, 140, 141, 158, 161, 173, 198, 251,…)

Nếu quy kết thí rất khó cho nhiều cảnh sát hình sự trong khi truy bắt tội phạm không khỏi họ quá tay khiến cho tội phạm bị thương tích? Quy kết như vậy thì chả ông cảnh sát hình sự dám lao vào tỷ thí với đám tội phạm; các nhà văn cũng không dám trổ tài nghiệp vụ viết văn khi viết về các vụ tiêu cực nổi cộm…

Đọc mấy nhận xét của Cục Xuất bản trong CV 914, người viết xin trích 1 đoạn trong Sử ký Tư Mã Thiên nói về tấu trình của Thiệu Công can gián Chu Lệ Vương người đã làm cho nhà Chu suy vong:

“Chu Lệ vương (? – 828 TCN) bạo ngược kiêu ngạo, người trong nước đều chỉ trích vua. Thiệu công can gián nói: “Dân không chịu nổi chính lệnh nữa rồi”.

Vua nổi giận, tìm được thầy mo nước Vệ, sai giám sát những kẻ chỉ trích, đem bẩm lại để giết. Người chỉ trích ít đi, chư hầu không tới chầu. ]

Năm thứ ba mươi tư, vua ngày càng hà khắc, người trong nước không ai dám nói, đi đường chỉ dùng ánh mắt nhìn nhau. Lệ vương vui mừng, bảo Thiệu công rằng: “Ta có thể cấm tuyệt lời chỉ trích rồi, không ai dám nói nữa”. Thiệu công nói: “Ấy là bịt miệng vậy.

Đề phòng miệng dân còn hơn phòng lũ. Đê ngăn mà vỡ, thương tổn ắt nhiều, dân cũng như vậy. Thế nên người trị thủy phải cho sông được khơi thông, người trị dân phải cho dân được bày tỏ. Vậy nên thiên tử xử lý chính sự, phải sai công khanh cho tới liệt sĩ dâng thơ, nhạc quan dâng khúc hát, sử quan dâng sách, thái sư dâng bài trâm, kẻ mù dâng bài phú, kẻ thong manh dâng bài tụng, trăm quan can gián, dân chúng truyền lời, cận thần khuyên nhủ, thân thích góp ý, nhạc – sử bảo ban, bô lão chỉnh sửa, rồi vua cân nhắc.

Vậy nên chính sự thi hành mới không trái đạo. Dân có miệng cũng như đất có núi sông vậy, của cải từ ấy mà ra; cũng như đất có chỗ phẳng trũng cao thấp, cái ăn cái mặc từ ấy mà ra.

Qua lời truyền miệng, thành bại từ ấy rõ rệt. Làm việc tốt, ngừa việc xấu, ấy là cách tạo ra của cải, ăn mặc vậy. Dân suy nghĩ trong lòng mà phát lời ở miệng, chín chắn rồi làm. Nếu bịt miệng họ, liệu được bao lâu?”

Vua không nghe. Thế rồi cả nước chẳng ai dám nói lời nào, ba năm sau theo nhau tạo phản, tấn công Lệ vương. Lệ vương bỏ chạy đến đất Trệ…”

(Sử ký của Tư Mã Thiên, Trần Quang Đức dịch)

P.V.Đ

“Điều 10. Những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản

1. Nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung sau đây:

a) Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;

b) Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;

c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;

đ) Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân…” ( Luật Xuất bản 2012…)

Nguồn: https://www.facebook.com/dao.phamviet.3/posts/482112998827066


clip_image004

clip_image006

clip_image008

[i] Tựa đề của Văn Việt

Comments are closed.