Ẩn dụ, cuộc phiêu lưu của chữ (kỳ 7)

Chương 7

Ẩn dụ ý niệm: những ý niệm căn bản

Ẩn dụ ý niệm là một quan điểm về ẩn dụ được George Lakoff, nhà ngữ học Hoa Kỳ (1941-) và Mark Johnson (1949-), triết gia Hoa Kỳ, lần đầu tiên khảo sát trong tác phẩm Metaphors We Live By xuất bản vào năm 1980. Được xem là mới mẻ nhất về ẩn dụ trong ba thập niên qua, quan điểm này tạo nên một ảnh hưởng sâu rộng, không những chỉ trong lãnh vực của ẩn dụ học mà còn lan tỏa ra trong nhiều lãnh vực khác nhau. Nhiều tác giả đã áp dụng quan điểm này trong việc nghiên cứu văn chương, triết học, chính trị, thẩm mỹ, quảng cáo, âm nhạc và cả trong khoa học.[1]

Ngôn ngữ và ý niệm

Trong lời tựa viết cho cuốn Metaphors We Live By, hai tác giả cho biết họ tìm thấy những quan điểm ưu thế trong triết lý và ngữ học Tây Phương về nghĩa (meaning) là không hoàn chỉnh. Nghĩa, theo truyền thống này có rất ít quan hệ với cái mà người ta gọi là có ý nghĩa (meaningful) trong đời sống.[2] Theo họ, một quan điểm như thế chỉ dành cho ẩn dụ một vai trò rất nhỏ nhoi trong việc hiểu biết thế giới của chúng ta và của chính chúng ta.

Quan niệm đó, nói chung, cho rằng ẩn dụ là một thứ ngôn ngữ bất thường, mới mẻ và khác lạ của thi ca, gây ra những ấn tượng bất ngờ, đầy tính sáng tạo. Vì thế, đối với nhiều người, ẩn dụ được xem như là một thủ pháp của thi ca và tu từ học, đồng thời là nét đặc thù riêng của chỉ ngôn ngữ, tức là của “chữ”, hơn là của tư tưởng và hành động. Điều đó dẫn đến chỗ cho rằng ẩn dụ chẳng dính líu gì đến ngôn ngữ trong đời sống bình thường. Câu hỏi thực nghiệm cần đặt ra, theo hai tác giả, là: ẩn dụ thi ca như thế chỉ dành riêng cho thơ hay có những nguyên tắc tổng quát nằm đàng sau chúng?[3]

Tìm cách trả lời câu hỏi đó đưa Lakoff và các tác giả theo trường phái ẩn dụ ý niệm đến việc khảo sát ngôn ngữ qua nhiều trường hợp khác nhau, trong sinh hoạt đời thường cũng như trong thi ca. Khác hẳn với cách nghiên cứu ẩn dụ chủ yếu chỉ dùng lý luận, các ông luôn luôn dẫn chứng các phát ngôn ẩn dụ, thường được gọi là diễn đạt ngữ học (linguistic expressions), đủ loại, đủ dạng và đủ tình huống. Đó là một công việc có tính cách thực nghiệm, chứ không thuần túy chỉ là vấn đề định nghĩa. Và căn cứ trên những bằng chứng thực nghiệm đó mà hai tác giả khẳng định ngay trong chương đầu của Metaphors We Live By rằng “Hệ thống ý niệm thông thường của chúng ta, dựa vào đó chúng ta vừa suy nghĩ vừa hành động, chủ yếu là có tính ẩn dụ trong bản chất.”[4] Ẩn dụ, như thế, có mặt khắp nơi bất kể cái mà chúng ta nghĩ về là cái gì. Nó có thể đến với bất cứ ai, kể cả trẻ con.[5] Nó là một phần trong tư tưởng và ngôn ngữ hàng ngày, không thay thế được. Mặt khác, những nghiên cứu đó còn cho thấy các diễn đạt thi ca tuy dùng ngôn ngữ một cách khác, nhưng có cùng một loại ẩn dụ như ngôn ngữ thường ngày. Tất cả đều xuất phát từ ý niệm.

Đó chính là nguyên tắc tổng quát nằm đàng sau ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ đời thường. Nhưng ẩn dụ không nằm trong những chữ ta dùng. Chính ý niệm, chứ không phải ngôn ngữ, là yếu tố duy nhất chịu trách nhiệm về hiện tượng được gọi một cách truyền thống là ẩn dụ. Nói cách khác, sở dĩ ẩn dụ có thể diễn tả ra bằng ngôn ngữ rõ ràng là vì cơ cấu ẩn dụ đã nằm sẵn trong hệ thống ý niệm của con người. Và vì ẩn dụ có tính cách hệ thống, nên ngôn ngữ chúng ta dùng để nói về khía cạnh này của ý niệm cũng có tính cách hệ thống.[6] Với cách hiểu mới mẻ như thế, Lakoff và Turner thừa nhận rằng các ông đã sử dụng từ “ẩn dụ” một cách phi truyền thống, khác với cách hiểu cho rằng ẩn dụ chỉ là những diễn đạt ngữ học và chỉ có trong thi ca. Nếu thừa nhận cách hiểu truyền thống thì đồng thời phải thừa nhận lý thuyết dẫn đến cách hiểu này. Bây giờ, do cách hiểu bản chất của ẩn dụ thay đổi, thì thuật ngữ sử dụng cũng phải thay đổi cho phù hợp với cách hiểu mới.[7] Rõ ràng là Lakoff và Turner muốn tái định nghĩa ẩn dụ.

Ý niệm ở đây được hiểu không chỉ giới hạn trong vấn đề tri thức mà còn chi phối các chức năng hoạt động hàng ngày, từ những lãnh vực bao quát cho đến các chi tiết tầm thường nhất. Nó cấu trúc cái chúng ta nhận thức, cái chúng ta giao tiếp với ngoại giới và với người khác. Nó đóng vai trò chính trong việc xác định hiện thực hàng ngày trong cuộc sống.[8] Một phần ý niệm được cấu trúc một cách bình thường, phi-ẩn dụ (nonmetaphorical) mà ta có thể hiểu một cách trực tiếp, nhưng phần lớn ý niệm được cấu trúc một cách ẩn dụ. Khi nói “Anh A chết,” đó là một ý niệm bình thường về cái chết của một người. Nhưng khi nói “Máy điện thoại của tôi chết,” hay “Xe tôi chết máy,” đó là ý niệm ẩn dụ. Vì ở đây, người ta hiểu sự hỏng hóc của cái điện thoại hay cái máy xe bằng cách sử dụng ý niệm về cái chết của một sinh vật. Nghĩa là hiểu ý niệm của một lãnh vực này bằng cách sử dụng ý niệm của một lãnh vực khác.

Xem nền tảng của mọi ẩn dụ là ý niệm, Lakoff và Johnson mệnh danh lý thuyết của hai ông về ẩn dụ là “ẩn dụ ý niệm” (conceptional metaphor) hay còn được gọi là “ẩn dụ tri nhận”[9] (cognitive metaphor), vì quan niệm mới mẻ này nằm trong trường phái Ngữ Học Tri Nhận (Cognitive Linguistics), một ngành của Tri Nhận Học (Cognitive Science).

Trước khi đi sâu vào “ẩn dụ ý niệm”, xin tạm dừng một chút để nói về hai chữ “tri nhận”. Sao gọi là “tri nhận” (cognitive)? Theo Lakoff và Johnson, thuật ngữ cognitive có hai nghĩa khác nhau:[10]

– Trong “Tri Nhận Học” (Cognitive Science), cognitive là nhận thức, nhưng được hiểu một cách bao quát hơn, dùng để chỉ định bất cứ vận hành hay cấu trúc tinh thần nào có thể được khảo sát bằng những từ ngữ rõ ràng. Như thế, các hoạt động nghe, nhìn, ký ức, tất cả những khía cạnh của ngôn ngữ và tư tưởng (vô thức hay ý thức), hình ảnh tinh thần, cảm xúc và những ý niệm về các thao tác thần kinh vân vân…đều thuộc lãnh vực tri nhận. Về mặt thực hành, thuật ngữ này dùng để diễn tả bất cứ thao tác hay cấu trúc tinh thần nào dính dáng đến ngôn ngữ, ý nghĩa, tri giác, hệ thống ý niệm và lý trí. Thêm vào đó, hệ thống ý niệm và lý trí chúng ta bắt nguồn từ thể xác, nên nó còn dùng để chỉ các khía cạnh của hệ thần kinh cảm giác góp phần vào khả năng ý niệm hóa và lý luận. Vì các thao tác này phần lớn là vô thức, nên còn được gọi là “vô thức tri nhận” (cognitive unconscious). Cognitive hiểu theo nghĩa này là “tri nhận”.

– Trong lúc đó, theo triết lý truyền thống, cognitive cũng là nhận thức, nhưng chỉ có nghĩa là cấu trúc ý niệm (conceptional structure) và bao gồm các vận hành theo quy luật dựa trên cấu trúc đó. Ngoài ra, cognitive ở đây không chỉ nằm trong tinh thần và thể xác mà còn quy chiếu đến sự vật ngoại giới nữa. Do đó, cái được gọi là vô thức không nằm trong lãnh vực này. Cognitive hiểu theo nghĩa này có nghĩa là “nhận thức” (knowledge).

Tóm lại, “tri nhận” có nội hàm rộng hơn “nhận thức”, đồng thời bao gồm cả ý thức lẫn vô thức.

Trong tác phẩm Philosophy in the Flesh: The Embodied Mind and Its Challenge to Western Thought triển khai lý thuyết về “Tri Nhận Học”, hai ông khẳng định ngay từ trang đầu tiên rằng:

– Tình thần có tính nhập thể (The mind is inherently embodied),

– Tư tưởng hầu hết đều vô thức (Thought is mostly unconcious),

– Các ý niệm trừu tượng phần lớn đều có tính ẩn dụ (Abstract concepts are largely metaphorical).

Theo hai ông, đó là ba khám phá quan trọng nhất của “Tri Nhận Học”. Hai ông hãnh diện cho rằng, với ba khám phá này, hơn hai ngàn năm lịch sử của lý thuyết triết lý bàn về các khía cạnh của lý trí đã chấm dứt và do đó, “triết lý không bao giờ còn có thể trở về như cũ nữa.”[11]

Ẩn dụ ý niệm

Ẩn dụ ý niệm là gì? Zoltán Kovecses, một nhà ngữ học thuộc trường phái “Ngữ Học Tri Nhận”, tóm tắt năm đặc điểm của quan điểm ẩn dụ ý niệm như sau:[12]

– Ẩn dụ là đặc tính của ý niệm chứ không phải của ngôn ngữ. Bất cứ khi nào nói về ẩn dụ, phải hiểu rằng “ẩn dụ” có nghĩa là “ý niệm ẩn dụ”.

– chức năng của ngôn ngữ là để hiểu rõ hơn một số ý niệm nào đó chứ không phải chỉ vì mục đích nghệ thuật hay thẩm mỹ.

– ẩn dụ không dựa trên sự tương tự có sẵn. Ẩn dụ có thể từng phần dựa vào những tương tự cô lập. Nhưng những tương tự quan trọng là những tương tự tạo ra bởi ẩn dụ.

– ẩn dụ được sử dụng một cách tự nhiên, không cần nỗ lực trong sinh hoạt hàng ngày bởi những người bình thường, chứ không phải từ những người có tài năng đặc biệt.

– ẩn dụ không hề là một thứ trang sức màu mè mà là một tiến trình không thể tránh khỏi của tư tưởng và lý luận con người.

Ẩn dụ ý niệm được hình thành như thế nào?

· Dùng ý niệm để hiểu ý niệm

Hầu hết trong những điều nhỏ nhặt hàng ngày, chúng ta suy nghĩ và hành động ít nhiều có tính cách tự động và vô thức một cách nào đó. Làm sao để nghiên cứu chúng? Những nhà ngữ học tri nhận cho rằng, vì chuyện giao tiếp được căn cứ trên cùng một hệ thống ý niệm mà chúng ta dùng trong khi suy nghĩ và hành động, nên ngôn ngữ là nguồn bằng chứng quan trọng. Và căn cứ trên nguồn bằng chứng này mà chúng ta tìm thấy hầu hết hệ thống ý niệm là ẩn dụ trong bản chất.[13] Do đó, ngôn ngữ là yếu tố thực nghiệm để tìm hiểu ý niệm.

Để hiểu tính cách ý niệm chứa đựng trong ẩn dụ, Lakoff nêu ra một ví dụ tương đối gần gũi với mọi người, đó là loại ngôn ngữ thường được sử dụng để nói về tình yêu.[14] Hãy tưởng tượng một quan hệ yêu đương được diễn tả như sau: Tình yêu chúng ta đang lâm vào ngõ cụt. Cụm từ “lâm vào ngõ cụt” cho thấy tình yêu ở cách nói này đã được ý niệm hóa như một chuyến du hành, hàm ý rằng quan hệ yêu đương giữa hai người đang bị chững lại, rằng hai người không thể tiếp tục theo cách như hiện nay, và rằng họ phải quay lại để tìm một lối thoát khác hay tệ hơn nữa là đành phải bỏ nhau. Cách nói về tình yêu như thế không phải là một trường hợp riêng lẻ, đặc thù. Tiếng Anh cũng như tiếng Việt có nhiều cách diễn đạt thông thường như thế dựa trên sự ý niệm hóa tình yêu theo chuyến du hành. Chúng không chỉ dùng để diễn tả hay để bàn về tình yêu mà còn được dùng để lý luận về nó nữa.

Một vài diễn đạt đề cập thẳng đến tình yêu như:

– Mối tình chúng ta sẽ không đi đến đâu.

– Hôn nhân quả là lắm chông gai.

Trong lúc đó, một số diễn đạt khác chỉ là những ám chỉ:

– Chúng ta đã tiến quá xa rồi.

– Quả là một con đường đầy trở ngại.

– Chúng ta không có cách gì quay trở lại, chỉ phải tiến tới thôi.

– Chúng ta đang đứng ở ngã ba đường.

vân vân…

Những diễn đạt này rõ ràng là mô tả chuyến du hành, tuy nhiên, nếu đặt trong ngữ cảnh đề cập đến quan hệ tình cảm giữa đôi trai gái, thì chúng cũng áp dụng một cách hợp lý để nói về tình yêu. Tất cả những cách diễn đạt như trên đều là những diễn đạt thông thường hàng ngày. Chúng không có tính cách thi ca, và vì thế, không cần phải dùng một hình thức tu từ đặc biệt nào. Do đó, câu hỏi đặt ra đối với một nhà ngữ học tri nhận là:

– Có một nguyên tắc tổng quát nào chi phối cách mà những diễn đạt ngữ học như thế để nói về du hành lại cũng được dùng để nói về tình yêu hay không? Và:

– Có một nguyên tắc tổng quát nào chi phối cách chúng ta suy ra (inference) về mối liên quan giữa chuyện du hành và tình yêu khi gặp phải những diễn đạt như thế?

Câu trả lời là “Có”. Có một nguyên tắc tổng quát. Nguyên tắc này không phải là vấn đề văn phạm, cũng không phải là vấn đề từ vựng, mà là vấn đề ý niệm hay đúng hơn, là một phần của hệ thống ý niệm nằm bên dưới ngôn ngữ. Trong các ví dụ nêu trên, có hai ý niệm: ý niệm về tình yêu và ý niệm về du hành. Hai ý niệm đó hoàn toàn khác biệt, không dính dáng gì đến nhau cả. Một bên là sự chuyển dịch trong không gian của con người và một bên là một điều trừu tượng. Nhưng tình yêu, từng phần, được xếp đặt, được hiểu, được trình diễn và được bàn về theo ý niệm về một chuyến du hành. Có thể trình bày điều này như một kịch bản ẩn dụ: những người yêu nhau đang cùng du hành với nhau, qua đó, mục đích của cuộc tình được xem như là chỗ cuối cùng họ phải đi đến. Quan hệ giữa họ được xem như là chiếc xe họ dùng. Chiếc xe đó cho phép họ cùng theo đuổi một mục đích chung. Chuyến du hành có lúc rất thuận lợi nhưng cũng có lúc không thuận lợi chút nào vì gặp phải những chướng ngại bất ngờ trên đường đi. Đến một chỗ có ngã ba đường, họ phải dừng lại, đắn đo suy nghĩ xem phải theo hướng nào để vẫn còn được đi cùng nhau cho đến chỗ hẹn. Vân vân và vân vân.

Bản thân ý niệm về tình yêu là trừu tượng, nên không rõ ràng. Ta không thể hình dung nó bằng chỉ chính nó. Hay nói một cách khác, vì không thể hiểu những quanh co rắc rối trong tình trường chỉ bằng chính ý niệm về tình yêu, nên ta phải mượn ý niệm về chuyến du hành. Và vì phải dùng ý niệm du hành để hiểu tình yêu nên phát sinh ra ẩn dụ :TÌNH YÊU LÀ CHUYẾN DU HÀNH. Có thể dùng một câu hò của người Việt để hiểu thêm cách lý giải trên về tình yêu của quan điểm ẩn dụ tri nhận:

Thương nhau, tam tứ núi cũng trèo

Ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua.

Câu ca dao cho thấy người xưa đã dùng chuyến du hành để hiểu tình yêu, nhưng ở đây, hai người yêu nhau nhất định vượt qua mọi trở ngại để đạt cho được mục đích, bất chấp mọi gian khổ!

Nhưng tình yêu không chỉ hiểu bằng chuyến du hành. Nó có thể được hiểu bằng một ý niệm khác. Trong những diễn đạt sau:

– Sau hai năm trời đeo đuổi nàng, anh đã thất bại.

– Nhờ tài ăn nói và đẹp trai, chàng luôn luôn là kẻ chiến thắng trong tình trường.

– Tôi đã chiếm được trái tim nàng

– Hắn tấn công nàng liên tục.

Thất bại, chiến thắng, chiếm, tấn công là những từ liên hệ đến ý niệm về chiến tranh. Ở đây, tình yêu được hiểu bằng ý niệm về chiến tranh. Do đó, ta có ẩn dụ: TÌNH YÊU LÀ CHIẾN TRANH

Tóm lại, Lakoff và Johnson quả quyết ẩn dụ không nằm trong chữ ta dùng, mà nằm ngay trong ý niệm. Nhận định này được Lakoff và Johnson nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các công trình nghiên cứu về ẩn dụ của hai ông. Trong những ví dụ trên, các phát ngôn rõ ràng là có nghĩa thông thường, không có gì khó hiểu, nhưng tự bản thân chúng chưa phải là ẩn dụ. Chính ẩn dụ TÌNH YÊU LÀ CHUYẾN DU HÀNH hay TÌNH YÊU LÀ CHIẾN TRANH đã là nền tảng tạo ra những phát ngôn như thế. “Ẩn dụ trước hết là vấn đề tư tưởng và hành động, và chỉ từ đó mới phát sinh ra ngôn ngữ,” theo hai ông.[15]

· Đồ chiếu: lãnh vực nguồn và lãnh vực đích

Những kết quả thực nghiệm khi khảo sát ngôn ngữ nói về tình yêu như trên cho thấy ẩn dụ liên quan đến việc hiểu một lãnh vực kinh nghiệm (ở đây là tình yêu) theo một lãnh vực kinh nghiệm hoàn toàn khác (ở đây là chuyến du hành hay chiến tranh). Lakoff và Johnson mệnh danh sự kiện đó là đồ chiếu (mapping):[16] đồ chiếu ý niệm về chuyến du hành hay chiến tranh vào ý niệm về tình yêu. Hai ông khẳng định: một lý thuyết tổng quát về ẩn dụ là phải nêu lên được đặc điểm của những đồ chiếu xuyên lãnh vực (cross-domain mappings) như thế.

Đó là ý niệm căn bản của Lakoff và Johnson trong việc giải thích ẩn dụ. Nói một cách kỹ thuật, ẩn dụ có thể được hiểu như một đồ chiếu (theo nghĩa toán học)[17] từ một lãnh vực nguồn đến một lãnh vực đích, được cấu trúc một cách chặt chẽ. Vậy đồ chiếu là gì? Đồ chiếu là một bộ gồm những tương liên (correspondences) được xếp đặt một cách có hệ thống nằm giữa những thành tố của “lãnh vực nguồn” (source domain) và “lãnh vực đích” (target domain).[18] Nhận biết một ẩn dụ ý niệm là nhận biết bộ đồ chiếu áp dụng cho một cặp nguồn-đích đã cho. Đây là nguyên tắc tổng quát và nguyên tắc này áp dụng không chỉ cho những diễn đạt thơ ca, mà cho nhiều cách nói trong ngôn ngữ bình thường hàng ngày. Nói tóm lại, quỹ tích của ẩn dụ không hề nằm trong ngôn ngữ, nhưng nằm trong cách mà chúng ta ý niệm hóa một lãnh vực tinh thần này theo một lãnh vực tinh thần khác. Kết quả là ẩn dụ (tức là đồ chiếu xuyên lãnh vực) “tuyệt đối có tính cách chủ yếu đối với ngữ nghĩa luận của ngôn ngữ tự nhiên bình thường và sự khảo sát ẩn dụ văn chương là mở rộng việc nghiên cứu các ẩn dụ hàng ngày.”[19]

Để tránh lầm lẫn, theo những nhà ngữ học tri nhận, cần phân biệt giữa “ẩn dụ” và “ biểu đạt ẩn dụ” (metaphorical expression), còn được gọi là “biểu đạt ngữ học” (linguistic expression). Từ “ẩn dụ” là để chỉ những đồ chiếu xuyên lãnh vực trong hệ thống ý niệm. Còn “biểu đạt ẩn dụ” hay “biểu đạt ngữ học” quy cho một diễn đạt nào đó – hoặc là một chữ, hoặc là một nhóm chữ (quán ngữ, thành ngữ…) – là biểu hiệu bên ngoài của một đồ chiếu xuyên lãnh vực như thế. Ví dụ:

– He’s without direction in life (Hắn mất phương hướng trong cuộc đời)

– I’m at a crossroads in my life (Tôi đang bước vào bước ngoặt của đời mình)

Without directionat a crossroads là những biểu đạt ẩn dụ, nhưng chưa phải là ẩn dụ. Theo Kovecses, tất cả những câu trên thoát thai từ ẩn dụ LIFE IS A JOURNEY (Đời là một cuộc hành trình).[20]

Trong ẩn dụ TÌNH YÊU LÀ DU HÀNH, có những tương liên bản thể, theo đó, những thực thể trong lãnh vực đích (tình yêu: người yêu, mục đích hôn nhân, khó khăn gặp phải, quan hệ yêu đương…) tương liên với những thực thể trong lãnh vực nguồn (du hành: người du hành, xe cộ, nơi đến…). Lakoff, trong The Contemporary Theory of Metaphor, lưu ý: không nên lẫn lộn giữa tên của đồ chiếu, tức là tên của ẩn dụ, chẳng hạn như “Tình yêu là du hành”, với chính sự đồ chiếu. Tên của đồ chiếu có một hình thức mệnh đề (propositional form), còn đồ chiếu là một bộ các tương liên (set of correspondences), không phải là một mệnh đề.

Để cho dễ nhớ và cũng là để nhấn mạnh đến tính cách ý niệm nằm trong ẩn dụ, Lakoff và Johnson đã sử dụng công thức: “Lãnh vực đích là lãnh vực nguồn” (TARGET-DOMAIN IS SOURCE-DOMAIN) hay “Lãnh vực đích như lãnh vực nguồn” (TARGET-DOMAIN AS SOURCE-DOMAIN) viết bằng chữ in hoa (upper case) để đặt tên cho ẩn dụ. Chẳng hạn khi đồ chiếu lãnh vực nguồn “Du Hành” vào lãnh vực đích “Tình Yêu”, tên của ẩn dụ là TÌNH YÊU LÀ DU HÀNH hay TÌNH YÊU NHƯ DU HÀNH. Với công thức này, lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu về ẩn dụ, ẩn dụ được đặt tên theo ý niệm liên quan. Cách đặt tên này là nét đặc trưng của trường phái Lakoff, được tìm thấy ở các tác phẩm nghiên cứu về ẩn dụ.

Có thể hiểu đồ chiếu như là là hình thức ví von trong tiếng Việt.[21] Đồ chiếu lãnh vực Nguồn vào lãnh vực Đích có nghĩa là ví lãnh vực Đích với lãnh vực Nguồn. Nói TÌNH YÊU LÀ DU HÀNH, có nghĩa là “ví tình yêu như một cuộc du hành” hay “ví von tình yêu với một cuộc du hành”.

Kovecses lập ra một bộ tương liên (hay cũng gọi là bộ đồ chiếu) của ẩn dụ TÌNH YÊU LÀ DU HÀNH như sau:

image

Qua bộ tương liên này, ta thấy: những kẻ du hành được đồ chiếu vào (hay tương liên với) những người yêu nhau; phương tiện vận chuyển đồ chiếu vào quan hệ yêu đương; những trở ngại trên đường đi đồ chiếu vào gian nan trong tình trường. Nói theo kiểu “ví von”: ví “những người yêu nhau” với “những kẻ du hành”, ví “quan hệ yêu đương” với “phương tiện vận chuyển”, ví “gian nan trong tình trường” với “những trở ngại trên đường đi”, vân vân.

Nhìn bộ tương liên này, người ta có thể cho rằng ẩn dụ này được hình thành do những tương tự vốn có sẵn giữa hai lãnh vực. Điều này không đúng. Theo Kovecses, “lãnh vực tình yêu không hề có những yếu tố này trước khi được cấu trúc (Kovecses nhấn mạnh) bởi lãnh vực du hành. Chính sự áp dụng lãnh vực du hành vào lãnh vực tình yêu đã cung cấp ý niệm về tình yêu với cơ cấu hay bộ những yếu tố đặc thù này. Có thể nói, chính ý niệm về du hành đã “tạo ra” ý niệm về tình yêu.”[22]Do đó, Kovecses quả quyết rằng tương tự trong ẩn dụ không mang “tính tiên đoán” tức là có sẵn, mà mang “tính thúc đẩy”, nghĩa là khả năng tạo nên những tương tự mới.[23]

Một số lãnh vực nguồn và lãnh vực đích thông thường

Dựa theo một số tự điển ẩn dụ nổi tiếng như Master Metaphor List, Cobuild Metaphor Dictionary, Meraphors Dictionary, Dictionary of Everyday English Metaphors, Roget’s Thesaurus và công trình nghiên cứu của những nhà ngữ học, Zoltán Kovecses tìm thấy một số lãnh vực nguồn và lãnh vực đích thông thường nhất trong các ẩn dụ bình thường như sau:[24]

a. Lãnh vực Nguồn:

– Cơ thể con người

– Sức khỏe và bệnh tật

– Thú vật

– Cây cỏ

– Lâu đài và kiến trúc

– Máy móc và dụng cụ

– Trò chơi và thể thao

– Tiền bạc và kinh doanh

– Nấu nướng và đồ ăn

– Nóng và lạnh (nhiệt độ)

– Ánh sáng và bóng tối

– Sức mạnh

– Chuyển động và chiều hướng.

b. Lãnh vực Đích:

– Xúc cảm/tình cảm

– Ứớc muốn

– Luân lý

– Tư tưởng

– Xã hội/quốc gia

– Chính trị

– Kinh tế

– Quan hệ nhân sinh

– Giao tiếp

– Thời gian

– Sống và chết

– Tôn giáo

– Sự kiện và hoạt động.

Cần lưu ý, trong bảng liệt kê trên, hai lãnh vực nguồn và đích toàn là những danh từ. Trong khi dùng ý niệm liên hệ đến những danh từ đó, người ta có những động từ, tính từ hay trạng từ liên hệ. Ví dụ động từ gánh vác thì liên hệ đến cái vai là danh từ; động từ níu liên hệ đến tay là danh từ; cả hai đều thuộc về lãnh vực Nguồn là “cơ thể con người”. Một ví dụ khác: tính từ lành mạnh hay bệnh hoạn liên hệ đến lãnh vực Nguồn “sức khỏe và bệnh tật” trong lúc đó, động từ tiếp đón liên hệ đến lãnh vực Đích là “giao tiếp”, vân vân.

Có thể đối chiếu với bảng liệt kê hai lãnh vực Đích và Nguồn nêu trên để tìm ra tính cách ẩn dụ chứa đựng trong những cách nói thông thường sau đây theo công thức “Lãnh vực đích là lãnh vực nguồn” mà Lakoff và Johnson đề ra ở phần trước:

bán rẻ lương tâm, đền danh dự (thuộc về ẩn dụ: LUÂN LÝ LÀ KINH DOANH)

hâm nóng tình yêu; tình yêu chín tới (thuộc về ẩn dụ: TÌNH CẢM LÀ NẤU NƯỚNG)

– tiếp đón lạnh nhạt, bữa tiệc ấm cúng (thuộc về ẩn dụ: GIAO TIẾP LÀ NHIỆT ĐỘ (nóng, lạnh)

yên giấc ngàn thu (thuộc về ẩn dụ: CHẾT LÀ GIẤC NGỦ DÀI (cơ thể con người)

Kovecses nhấn mạnh: không có một lãnh vực Đích nào chỉ dành để đồ chiếu đặc biệt đến một lãnh vực Nguồn nào. Nghĩa là bất cứ lãnh vực Nguồn nào cũng có thể đồ chiếu cho bất cứ lãnh vực Đích nào. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những ẩn dụ ý niệm là đơn hướng (unidirectional): chúng đi từ lãnh vực cụ thể đến lãnh vực trừu tượng. Những lãnh vực nguồn thông thường nhất là có tính cụ thể, trong lúc những lãnh vực đích thông thường nhất là có tính trừu tượng. Do đó, ẩn dụ có thể được sử dụng để hiểu: dùng cái cụ thể để hiểu cái trừu tượng.[25]

Trong mấy thí dụ vừa nêu trên, ta nhận thấy:

– Để hiểu sự tráo trở, phản bội của một con người chỉ biết đến quyền lợi riêng tư của cá nhân mình, ta dùng đến sự buôn bán: bán rẻ lương tâm; xem lương tâm như là một món hàng ế, không còn giá trị.

– Để hiểu tình cảm con người, ta phải dùng chuyện nấu nướng: hâm nóng tình yêu, tình yêu chín tới; xem tình yêu như một món đồ ăn.

Ẩn dụ ý niệm trong sinh hoạt thường ngày

Ẩn dụ ý niệm như thế, theo Lakoff, được tìm thấy nhiều trong ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày. Những cách nói như: “nền tảng của lý thuyết”, “lý thuyết cần những yếu tố nâng đỡ”, “chúng ta cần xây dựng một luận cứ mạnh mẽ” hay “lý thuyết đó đã sụp đổ xuất phát từ ẩn dụ LÝ THUYẾT LÀ XÂY DỰNG, dựa trên những từ đề cập đến việc xây dựng một tòa nhà. Trong lúc đó, những phát biểu như: “lý thuyết tương đối được khai sinh bởi Einstein” hay ”Ông ta là cha đẻ của học thuyết xã hội” thuộc về ẩn dụ LÝ THUYẾT LÀ NGƯỜI.

Cũng thế, trong sinh hoạt hàng ngày, ta thường tìm thấy những ẩn dụ ý niệm sau:

– Ý TƯỞNG LÀ ĐỒ ĂN: tiêu hóa ý tưởng; nuôi dưỡng ý tưởng; đọc ngấu nghiến cuốn sách.

– Ý TƯỞNG LÀ CÂY CỎ: y tưởng đã nẩy nở; mầm mống của tư tưởng.

– Ý TƯỞNG LÀ TÀI SẢN: một ý tưởng phong phú; giàu ý tưởng; kho tàng kiến thức.

– GIÀU CÓ LÀ VẬT GIẤU KÍN: tìm kiếm sự may mắn; săn lùng tài sản; lấy vợ nhà giàu để đào mỏ.

– CUỘC ĐỜI LÀ MỘT THÙNG CHỨA: đời trống rỗng; đời chất đầy bất hạnh.

– NHÌN LÀ MỘT VẬT: ném (vào hắn) một cái nhìn hằn học; tránh cái nhìn (của nàng).

– MẮT LÀ THÙNG CHỨA XÚC ĐỘNG: tìm thấy nỗi sợ hãi (trong đôi mắt nàng); đôi mắt chứa đầy tia nhìn giận dỗi; mắt rực lửa căm thù.

– THỜI GIAN LÀ TIỀN BẠC: không có đủ thời gian; tiêu hết thời gian; lãng phí thời gian; chẳng còn thời gian để (học); quỹ thời gian đã cạn.[26]

Ẩn dụ ý niệm trong vài trường hợp đặc biệt

Khác với những ẩn dụ thông thường ở trên, những ẩn dụ ý niệm sau đây được tìm thấy qua những nghiên cứu riêng biệt.

· Tâm Thức

Lakoff và Johnson cho rằng không thể nào suy nghĩ hay bàn về tâm thức (mind) một cách nghiêm túc mà lại không ý niệm hóa nó theo ẩn dụ. Bất cứ khi nào ta nắm bắt những tư tưởng, đạt tới một kết luận hay bài bác một quan điểm, ta phải sử dụng ẩn dụ để hiểu rõ những gì ta đang làm với tâm thức của mình. Một trong những cách ta thu nhặt thông tin là di chuyển trong thế giới chung quanh. Đó là nền tảng của một ẩn dụ quan trọng: SUY NGHĨ LÀ DI CHUYỂN (Thinking Is Moving)[27]

Ẩn dụ này bao gồm có những ẩn dụ sau:

– TÂM THỨC LÀ MỘT CƠ THỂ (The Mind Is A Body)

– SUY NGHĨ LÀ DI CHUYỂN (Thinking Is Moving)

– Ý TƯỞNG LÀ VỊ TRÍ (Ideas Are Locations)

– LÝ LUẬN LÀ MỘT SỨC MẠNH (Reason Is A Force)

– TƯ TƯỞNG DUY LÝ LÀ CHUYỂN ĐỘNG TRỰC TIẾP, THẬN TRỌNG, TỪNG BƯỚC MỘT VÀ PHÙ HỢP VỚI SỨC MẠNH CỦA LÝ TRÍ (Rational Thought Is Motion That Is Direct, Deliberate, Step-by-Step, and In Accord With The Force Of Reason)

– KHÔNG THỂ SUY NGHĨ LÀ KHÔNG THỂ CHUYỂN ĐỘNG (Being Unable To Think Is Being Unable To Move)

– MỘT DÒNG TƯ TƯỞNG LÀ MỘT LỐI ĐI (A Line Of Thought Is A Path)

– SUY NGHĨ VỀ MỘT ĐIỀU X LÀ DI CHUYỂN QUANH QUANH TRONG KHU VỰC X (Thinking About X Is Moving In The Area Around X)

– TRUYỀN ĐẠT LÀ DẪN ĐƯỜNG (Communicating Is Guiding)

– HIỂU LÀ ĐI THEO SAU (Understanding Is Following)

– SUY NGHĨ LẠI LÀ ĐI LẠI LỐI ĐI CŨ (Rethinking Is Going Over The Path Again)

Những ẩn dụ trên liên hệ và kế tục nhau.

Ta chỉ có thể hiểu tâm thức của mình như một cơ thể. Khi tâm thức hoạt động, tức là suy nghĩ, thì cũng như một cơ thể hoạt động, tức là di chuyển. Do đó mà SUY NGHĨ LÀ DI CHUYỂN. Ví dụ như: My mind is racing (Đầu óc tôi đang vận hành), My mind wandered for a moment (Đầu óc tôi đi lang thang đâu đó một lúc).

Suy nghĩ là tìm ý tưởng, tức là tìm nơi mà ý tưởng có mặt. Do đó mà Ý TƯỞNG LÀ VỊ TRÍ. Vi dụ: How did you reach that conclusion? (Làm thế nào mà anh đạt tới kết luận này?); We have arrived at the crucial point in the argument (Chúng ta đã đến điểm quan trọng nhất của cuộc tranh cãi); Where are you in the discussion?(Anh đang ở đâu trong cuộc thảo luận?)

Muốn hiểu một ý tưởng là phải đi theo. Do đó mà HIỂU LÀ ĐI THEO SAU. Ví dụ: Slow down, you’re going to fast for me, I can’t catch up with you (Xin chậm lại, anh đi nhanh quá, tôi không thể bắt kịp ý anh).

· Cảm xúc

Xúc động thường được xem như là vấn đề thuần túy cảm xúc, không dính dáng gì tới ý niệm. Bằng cách khảo sát cách nói, các thành ngữ và liên hệ giữa cảm xúc và thân xác, Lakoff không đồng ý với nhận định đó. Theo ông, có một cấu trúc ý niệm, cả ẩn dụ lẫn hoán dụ, nằm bên dưới những diễn đạt đó.[28] Một trong những ẩn dụ đó là: CƠ THỂ LÀ MỘT VẬT CHỨA CẢM XÚC (Body Is A Container For The Emotions). Ví dụ:

Tiếng Anh: He was filled with anger, She couldn’t contain her joy, she was brimming with rage; try to get your anger out of your system, he was foaming at the mouth, I suppressed my anger

Tiếng Việt cũng có cách nói tương tự: tức anh ách, lòng tràn trề niềm vui, để giận hờn trong bụng, giận cành hông, giận sùi bọp mép, nuốt giận, nén giận, dằn lòng.

Khảo sát những diễn đạt về cơn giận (anger), Lakoff nhận thấy có một liên hệ sinh lý giữa cơn giận và cơ thể: giận ai thì nhiệt độ cơ thể tăng lên, áp lực bên trong tăng lên, sắc diện bên ngoài thay đổi như đỏ mặt, người run rẩy. Điều này tạo thành một ẩn dụ tổng quát về cơn giận, đó là: GIẬN LÀ SỨC NÓNG (Anger Is Heat). Ẩn dụ này có hai ẩn dụ phụ liên hệ:

1. Nếu sử dụng cho chất lỏng, ta có ẩn dụ: GIẬN LÀ SỨC NÓNG CỦA MỘT CHẤT LỎNG CHỨA TRONG MỘT VẬT CHỨA (Anger Is The Heat Of A Fluid In A Container). Ví dụ:

Tiếng Anh: You make my blood boil; Simmer down; I had reached the boiling point; His anger welled up inside him.

Tiếng Việt: giận sôi máu, tức hộc máu, giận sôi gan, cơn giận dâng lên trong lòng, sôi sục căm hờn.

2. Nếu sử dụng cho chất rắn, ta có ẩn dụ GIẬN LÀ LỬA (Anger Is Fire). Ví dụ:

Tiếng Anh: He was bursting with anger; He blew up at me; He exploded; He erupted; After the argument, she was smoldering for days.

Tiếng Việt: Rực lửa căm thù, nộ khí xung thiên, nổi nóng, cơn giận (cháy) âm ỉ trong lòng.

· Hình thức ngữ học

Lakoff và Johnson tìm thấy hình thức ngôn ngữ cũng được ý niệm hóa một cách ẩn dụ. Vì nói hay viết liên quan với thời gian và thời gian được ý niệm hóa một cách ẩn dụ theo không gian, do đó mà chúng ta thường ý niệm hóa ngôn ngữ một cách ẩn dụ theo không gian. Hệ thống chữ viết Tây phương giúp tăng cường hình thức này. Viết xuống một câu cho phép ta ý niệm hóa câu đó về mặt không gian. Do đó, mà rất tự nhiên, những ý niệm không gian áp dụng cho các hình thức ngữ học.

Vì chúng ta ý niệm hóa hình thức ngôn ngữ theo những từ liên hệ đến không gian, cho nên một số ẩn dụ không gian nào đó có thể áp dụng trực tiếp cho “hình thức” của một câu, khi chúng ta nhận thức nó theo không gian.

– HÌNH THỨC NHIỀU THÌ NỘI DUNG NHIỀU (More of Form is More of Content). Ví dụ:

Nói “He ran and ran and ran and ran” (Nó chạy và chạy và chạy và chạy) cho thấy người ta chạy nhiều hơn là nói “He ran” (Nó chạy)

Nói “He is very very very tall (Nó rất rất rất cao) cho thấy nó cao nhiều hơn là nói “He is very tall” (Nó rất cao)

– GẦN GÂY HIỆU QUẢ MẠNH (Closeness is Strength of Effect)

Nói “I taught Harry Greek”(Tôi dạy Harry tiếng Hy Lạp) nghe mạnh hơn nói “I taught Greek to Harry”(Tôi dạy tiếng Hy Lạp cho Harry) vì ở câu đầu chữ “I” gần với chữ “Harry” hơn câu sau.

– CÁI GẦN NHẤT NẰM TRƯỚC (Nearest is First). Gần đây là gần với người nói, tức là nhân vật “Tôi”, do đó, còn được Lakoff và Johnson gọi là “ME-FIRST Orentation” (Định hướng TÔI-TRƯỚC).

Về định hướng, thông thường ta nói front and back (trước-sau), up and down (trên-dưới), here and there (đây-đó), good and bad (tốt-xấu) chứ không nói sau-trước, dưới-trên, đó-đây hay xấu-tốttrước, trên, đây, tốt thì gần với nhân vật “Tôi” hơn là sau, dưới, đó, xấu.

Với những ví dụ tim thấy như thế, Lakoff và Johson cho rằng những hình thức quy tắc ngữ học không có thể được giải thích chỉ bằng hình thức bên ngoài của nó. Nhiều quy tắc trong số đó chỉ có nghĩa khi chúng áp dụng những ẩn dụ ý niệm vào việc ý niệm hóa không gian của các hình thức ngữ học. Nói một cách khác, ngữ pháp không độc lập với nghĩa, nhất là những khía cạnh ẩn dụ của nghĩa. “Luận lý” của một ngôn ngữ dựa trên sự gắn kết giữa hình thức được không gian hóa của ngôn ngữ và hệ thống ý niệm, nhất là những khía cạnh ẩn dụ của hệ thống ý niệm.[29]

Định nghĩa ẩn dụ bằng ẩn dụ ý niệm

Vì có qua nhiều ý niệm quan trọng đối với con người, nhưng vì hoặc quá trừu tượng hoặc không được diễn tả rõ ràng trong kinh nghiệm (xúc động, ý tưởng, thời gian…), người ta cần nắm bắt chúng bằng phương tiện của những ý niệm đã được hiểu rõ ràng (tức là các vật, các định hướng không gian). Điều này đưa đến hệ quả là: cần định nghĩa ý niệm qua ẩn dụ, được gọi là định nghĩa ẩn dụ (metaphorical definition).[30] Nói đơn giản, định nghĩa ẩn dụ là giúp cho người ta hiểu một ý niệm này bằng cách dựa vào một ý niệm khác.

Cách hiểu định nghĩa này khác với cách hiểu định nghĩa theo quan điểm tiêu chuẩn (standard view) của những nhà biên soạn tự điển. Định nghĩa tiêu chuẩn tìm thấy trong các tự điển thường dựa vào những yếu tố khách quan và giả định rằng kinh nghiệm và sự vật có những đặc tính vốn sẵn (inherent properties). Muốn hiểu chúng, ta chỉ cần dựa trên những đặc tính đó. Do đó, định nghĩa chỉ cần nói lên những đặc tính này bằng cách nêu lên những điều kiện cần và đủ để sử dụng ý niệm. Chẳng hạn như định nghĩa tình yêu có nhiều nghĩa khác nhau: tình cảm, sự yêu thích, sự mê đắm, dự hiến dâng… và ngay cả ham muốn tình dục. Lakoff và Johnson có một cái nhìn khác. Thay vì chỉ quan tâm đển một số đặc tính vốn sẵn, hai ông quan tâm trước hết đến cách mà con người hiểu biết kinh nghiệm của họ. Theo hai ông, chỉ một phần nhỏ các đặc tính trong ý niệm tình yêu là vốn sẵn, còn hầu hết những gì còn lại là dựa vào những kinh nghiệm ta có về tình yêu: tình yêu là du hành, tình yêu là sức khỏe, tình yêu là sự si mê, tình yêu là chiến tranh, vân vân. Đó là những đặc tính tương tác (interactional properties).

Định nghĩa tiêu chuẩn cho một ý niệm là nêu rõ đặc điểm của những sự vật gắn liền với chính ý niệm đó. Định nghĩa ẩn dụ đề cập đến cách mà con người vận dụng ý niệm này, cách họ hiểu ý niệm này như thế nào và từ đó hành động theo chúng. Do đó, định nghĩa tình yêu phải gắn với hoặc là du hành, hoặc là sức khỏe, hoặc là nấu nướng (vd: hâm nóng tình yêu) hay định nghĩa về ý tưởng phải dính líu đến thực phẩm (vd: tiêu hóa ý tưởng) hay định nghĩa về đạo đức phải dính líu đến kinh doanh (vd: bán rẻ lương tâm) như đã được nêu ra trong nhiều ví dụ trên.

Tóm lại, định nghĩa là nhằm mục đích để hiểu. Hiểu, theo Lakoff và Johnson, diễn ra theo toàn thể những lãnh vực kinh nghiệm chứ không theo chỉ những chữ hay những ý niệm riêng lẻ. Ngôn ngữ được sử dụng như là những dữ liệu có thể dẫn đến những nguyên tắc tổng quát về hiểu biết. Và những nguyên tắc này thường có tính ẩn dụ ngay trong bản chất vì dính líu đến việc hiểu một loại kinh nghiệm này theo một loại kinh nghiệm khác.

Ý niệm mới

Ẩn dụ quy ước là những ẩn dụ cấu trúc hệ thống ý niệm bình thường của một nền văn hóa, phản ảnh qua ngôn ngữ bình thường hàng ngày. Nhưng có những ẩn dụ nằm ngoài quy ước, nghĩa là năm ngoài hệ thống ý niệm bình thường, gọi là những ẩn dụ tưởng tượng hay sáng tạo (imaginative,creative) theo Lakoff và Johnson.[31] Những ẩn dụ này có khả năng cho ta một cách hiểu mới về kinh nghiệm. Do đó, chúng cho một nghĩa mới cho quá khứ, hiện tại và cho cái ta biết và tin tưởng. Cũng như những ẩn dụ quy ước, ẩn dụ mới này mang ý nghĩa lại cho kinh nghiệm, cung cấp cấu trúc mạch lạc, làm nổi bật một số đặc điểm và giấu một số khác. Và cũng giống như ẩn dụ quy ước, ẩn dụ mới kéo theo những ẩn dụ phát sinh (entailments).

Ẩn dụ mới tạo ra những hiện thực mới bằng cách cung cấp cho ta một cách nhìn, một ý niệm mới về hiện thực có sẵn. Có thể nói, ẩn dụ mới có quyền năng tạo ra hiện thực mới. Điều này diễn ra khi ta bắt đầu hiểu kinh nghiệm chúng ta theo một ẩn dụ và nó trở nên một hiện thực sâu hơn khi ta bắt đầu hành động theo nó. Vì thế mà hệ thống ý niệm thay đổi thì tri giác và hành động thay đổi theo. Hầu hết những thay đổi văn hóa xuất hiện khi một ẩn dụ mới được đưa vào và làm mất đi ảnh hưởng của ẩn dụ cũ.

Ý tưởng này đi ngược lại cái nhìn truyền thống về ẩn dụ. Vì cái nhìn này xem ẩn dụ là vấn đề của chỉ ngôn ngữ, Lakoff và Johnson cho rằng chữ không hề thay đổi hiện thực và khẳng định: Chính sự thay đổi trong hệ thống ý niệm khiến thay đổi cái có thực đối với chúng ta và thay đổi cách chúng ta nhận thức thế giới và cách chúng ta hành động dựa trên nhận thức này.[32]


[1] Ở Việt Nam hiện nay, quan điểm “ẩn dụ ý niệm” (cũng được gọi là “ẩn dụ tri nhận”), được giới thiệu và áp dụng rộng rãi trong nhiều công trình nghiên cứu về ngữ học cũng như văn học và khoa học như Ẩn dụ tri nhận của Trần Văn Cơ, Ngôn ngữ học tri nhận. Từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt của Lý Toàn Thắng, Ẩn dụ ý niệm của phạm trù thực vật trong tiếng Việt (có liên hệ với tiếng Anh) của Trần Thị Phương Lý, Nghiên cứu so sánh đối chiếu ẩn dụ trong tiếng Việt và tiếng Hán từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận (trên tư liệu tên gọi bộ phận cơ thể người) của Trịnh Thị Thanh Huệ, Ẩn dụ tri nhận, mô hình ẩn dụ cấu trúc trên cứ liệu ca từ Trịnh Công Sơn của Nguyễn Thị Thanh Huyền, vân vân.

[2] George Lakoff & Mark Johnson Metaphors We Live By (MWLB)/ Lời tựa, University of Chicago Press 1980, tr. ix.

[3] Lakoff và Johnson, MWLB, 136, 137.

[4] MWLB, tr. 3.

[5] “It is accessible to everyone: as children, we automatically, as a matter of course, acquire a mastery of everyday metaphor.” Dẫn từ George Lakoff và Mark Turner, More than Cool Reason (MTCR), Lời tựa.

[6] George Lakoff và Mark Turner, MTCR, tr. 6, 7.

[7] George Lakoff và Mark Turner, MTCR, tr. 138.

[8] George Lakoff và Mark Turner, MTCR, tr. 3.

[9] Lý Toàn Thắng đã dựa vào từ điển Anh-Hán để dịch cognition là “tri nhận”: “Cognitive Linguistics” là “Ngữ Học Tri Nhận” và “cognitive metaphor” là “ẩn dụ tri nhận”. Xem Lý Toàn Thắng, Ngôn ngữ học tri nhận. Từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Dẫn theo Trần Văn Cơ, Ẩn dụ tri nhận, nxb Lao Động, Hà Nội, 2009, chú thích số 4, tr. 18.

[10] George Lakoff và Mark Johnson, Philosophy in the Flesh: the Embodied Mind and Its Challenge to Western Thought (PIF), Basic Books, New York, 1999, tr.11, 12.

[11] George Lakoff và Mark Johnson, PIF, tr. 3.

[12] Zoltán Kovecses, Metaphor, a Practical Introduction, Oxford University Press 2002, Preface, tr. viii.

[13] George Lakoff và Mark Johnson, MWLB, tr. 3, 4.

[14] George Lakoff, The Contemporary Theory of Metaphor (CTM),

http://www.scribd.com/doc/15523804/Cognitive-Linguistics-Lakoff-G-The-Contemporary-Theory-of-Metaphor.

[15] Metaphor is primarily a matter of thought and action and only derivatively a matter of language. (MWLB, tr. 153)

[16] Mapping: có tác giả dịch là “ánh xạ”, “sơ đồ ánh xạ” hay “đồ họa”. Dương Xuân Quang trong “Tìm hiểu ẩn dụ trong khuynh hướng tri nhận luận qua ý niệm “cuộc sống” của tiếng Việt” dịch là “đồ chiếu”. Tôi nhận thấy chữ “đồ chiếu” hợp lý hơn vì ở đây bao hàm sự “phóng chiếu” (projection).

Xem: http://lib.ussh.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/2697/1/50.pdf.

[17] The metaphor involves understanding one domain of experience, love, in terms of a very different domain of experience, journeys. More technically, the metaphor can be understood as a mapping (in the mathematical sense) from a source domain (in this case, journeys) to a target domain (in this case, love), CTM. Mapping trong toán học được dịch là “ánh xạ”.

[18] Cũng còn được dịch là “miền nguồn” và “miền đích” (từ một số tác giả như Lý Toàn Thắng, Trần Thị Phương Lý, Trịnh Thị Thanh Huệ, Nguyễn Thị Thanh Huyền, vân vân).

[19] George Lakoff, CTM.

[20] Zoltán Kovecses, sđd, tr. 3, 4.

[21] Xem chương 2: Nhận diện ẩn dụ.

[22] Zoltán Kovecses, sđd, tr. 7.

[23] Xem chương 5: Vấn đề tương tự trong ẩn dụ.

[24] Xem Zoltán Kovecses, sđd, chương 2: Common Source and Target Domains, tr. 15-27.

[25] Zoltán Kovecses, sđd, tr. 25.

[26] Nhiều ví dụ về các ẩn dụ ý niệm trong ngôn ngữ hàng ngày được Lakoff và Johnson liệt kê ở MWLB, tr. 46-51.

[27] Xem George Lakoff và Mark Johnson, PIF, tr. 235-238.

[28] Xem George Lakoff, Women, Fire, and dangerous things, phần “Case Study 1, Anger”, The University of Chicago Press, Chicago, 1987, tr. 380-415.

[29] Lakoff và Johnson, MWLB, tr. 138. Xem chương 20: “How Metaphor Can Give Meaning to Form” , tr. 126-138.

[30] Lakoff và Johnson, MWLB, tr. 115-125.

[31] Lakoff và Johnson, MWLB, tr. 139.

[32] Lakoff và Johnson, MWLB, tr. 145, 146.

Comments are closed.