Kỷ niệm một năm ngày mất của nhà thơ Pham Ngọc Lư
(26 tháng 5 năm 2017 – 26 tháng 5 năm 2018)
Phan Đắc Lữ
Tôi với Phạm Ngọc Lư quen nhau biết từ năm 2000 qua duyên thơ và đã nhanh chóng kết nhau làm tri âm.
Tết Giáp Thân (2004) anh có gửi tặng tôi tập thơ Đan Tâm dưới dạng bản thảo, được in theo lối thủ công nhưng khá trang nhã, gồm 48 bài thơ vừa là hành (trường thiên độc vận), vừa là thơ 5 chữ, thơ 7 chữ nhưng nhiều nhất lại là thơ lục bát. Trong lá thư gửi kèm, Phạm Ngọc Lư có dặn dò: “Theo tôi, cả tập thơ, bài Biên cương hành là tâm điểm, nên mong anh (hoặc sau này những độc giả nào đó) cố gắng đọc cho một bài đó thôi là tôi vui lắm rồi, còn những bài khác chẳng cần đọc cũng được”. Tôi đã đọc rất kỹ, đọc đi đọc lại cả tập thơ nhiều lần và tôi nhận ra rằng lời dặn dò của anh là quá khiêm tốn, bởi cái đã làm nên diện mạo, hình hài và linh hồn thơ Phạm Ngọc Lư chính là những bài lục bát, chứ không phải chỉ riêng một Biên cương hành, Cố lý hành.
Bằng một bút pháp vững vàng, bằng sự miêu tả sinh động đầy chất bi tráng, Biên cương hành gieo vào lòng người đọc cảm giác hãi hùng về chiến tranh. Bài thơ được anh sáng tác lúc mới ngoài hai mươi tuổi, trong một giai đoạn lịch sử đầy đau thương của dân tộc: Đó là cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” như lời ca của Trịnh Công Sơn “hai mươi năm nội chiến từng ngày”, bởi trên chiến trường xác người ngoại bang thì ít còn xác của anh em ruột thịt, của cha con, của đồng bào thì quá nhiều để sau này ”mộ bia dày như nấm”:
Mùa khô tới theo chân thù địch
Ta về theo cho rậm chiến trường
Chiến trường ném binh như vãi đậu
Đoàn quân ma bay khắp bốn phương
Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi
Núi mang cao điểm ngút oan hồn
Một Sông Đông êm đềm của Sholokhov, một Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh của Remarque, một Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và với Phạm Ngọc Lư một Biên cương hành đã cho ta thấy chiến tranh là thế nào. Chiến tranh bùng nổ từ tham vọng của các nhà chính trị, các tướng soái chóp bu bất đồng chính kiến, tranh chấp quyền lực, nhân danh chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ… để rồi xô đẩy những mái đầu xanh tuổi trẻ ra chiến trường chém giết nhau không có ngày về.
Thôi em, yêu chi ta thêm tội
Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
Hoặc ngày ta nhắm mắt tay buông
Thôi em, chớ liều thân cô phụ
Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
Còn bài Cố lý hành thì chất ngất nỗi đau khôn cùng của một người con sau mười năm tha hương trở về, đứng nhìn cố hương đổ nát hoang tàn vì binh lửa:
Ai chết quanh đây mà cú rúc
Mà cơn gió lạnh réo hồn oan
Ai trong muôn dặm không về nữa
Cố lý mười năm mộng bẽ bàng
Cố lý mười năm ngày trở lại
Như ngày Lưu Nguyễn xuống trần gian!
Có lẽ đây là mối đồng cảm sâu sắc nhất giữa tôi và Phạm Ngọc Lư về một cố hương chăng cho dù một người ở tận Phá Tam Giang (Thừa Thiên) còn một người thì quê quán ở làng Bảo An, bên triền sông Thu Bồn (Quảng Nam) nổi tiếng xa xưa.
Có người bảo thơ Phạm Ngọc Lư không ảnh hưởng Thiền. Tôi không nghĩ như thế. Thơ anh ít nhiều có ảnh hưởng Thiền, đôi khi lại nhuốm chút hiện sinh. Đau nỗi đau của đời, lại đau nỗi đau của kiếp người hữu hạn trước cái vô cùng vô tận của vũ trụ và thời gian là đã “chạm” đến Thiền. Chống lại cái Ác, hướng đến cái Thiện cái Mỹ là tâm đã hướng về Thiền. Chẳng hạn, đoạn cuối bài Ngập ngừng trông núi tôi thấy đậm nét phong vị Thiền:
Năm năm ba nổi bảy chìm
Ta mơ làm núi đứng im yên hàn
Trầm ngâm vòi või hiên ngang
Núi ơi… hồn núi miên man nghĩ gì?
Bài Lưu biệt, bài Phù dung và một số bài khác cũng phảng phất chất Thiền. Cũng từ ảnh hưởngThiền mà thơ Phạm Ngọc Lư có chiều sâu triết lý, chiều sâu của tâm hồn, gây nhiều ấn tượng cho người đọc. Ngay cả trong bài Gởi kiều nữ vô danh, tấm lòng thương cảm của Phạm Ngọc Lư đối với người con gái buôn phấn bán hương nơi tửu điếm (như ngày xưa Bạch Cư Dị đã cảm thương người ca nữ trên bến Tầm Dương) chính là Thiền nhập thế:
Hương phấn mấy mùa thôi góp lại
Dọn mình đi ta gởi đóa hồng
Đêm nay tương kiến là tương biệt
Mai em về… một bến nước trong?
Trong một lá thư viết cho tôi, Phạm Ngọc Lư đã đưa ra nhận định này: “Cùng một tứ thơ, cùng một cảm xúc, nếu diễn đạt bằng thể thơ lục bát mà thành công thì vẫn hay hơn những thể thơ khác”. Tôi đồng ý với anh về nhận định đó. Nhắc lại như vậy để khẳng định rằng trong Đan Tâm, thơ lục bát của Pham Ngọc Lư tài hoa hơn, thành công hơn những thể thơ khác. Bằng ngôn ngữ chắt lọc, bằng những suy tưởng phong phú, những cảm xúc tinh tế và một kỹ thuật tu từ vững vàng, Phạm Ngọc Lư đã trải hết nỗi lòng mình qua những bài lục bát mà tứ thơ rất rõ nét, lúc huyền ảo lúc hiện thực, thực và hư đan xen nhau suốt cả tập thơ như hình với bóng. Bốn câu đầu của bài Phù dung thì hư ảo mộng mị liêu trai:
Phải em là khách chiêm bao?
Từ đêm thiên cổ lạc vào đêm nay
Xiêm vàng áo giấy lay bay
Mơn man nét khói đường mây đa tình.
Nhưng bốn câu đầu trong bài Quá giang tự vịnh lại rất thực, rất đời:
Sông Hàn, mệt lắm, sông Hàn!
Mai qua chiều lại trưa sang tối về
Đời mòn lăn chậm bánh xe
Áo cơm bải hoải nặng nề lăn theo.
Cái buồn, cái đau trong thơ anh chính là nỗi đau buồn của nhân sinh trong cõi trần ai này.
Bao năm nay trên thi đàn xuất hiện không biết bao nhiêu “nhà thơ”. Các nhà xuất bản cũng cho in hằng hà sa số các tập thơ, từ vàng thau cho đến đồng chì nhôm nhựa. Có những tập in chung dày hàng nghìn trang với hàng trăm tác giả hữu danh có, vô danh có. Ấy thế mà tập thơ Đan Tâm của Phạm Ngọc Lư thì mãi vẫn còn là bản thảo!
Tháng 8 năm 2004, được sự đồng ý của Pham Ngọc Lư, tôi photocopy bản thảo tập Đan Tâm và đem đến nhà xuất bản Thanh Niên (cơ sở phía Nam ở đường Nguyễn Đình Chiểu) để xin giấy phép và bảo vợ tôi chuẩn bị một số tiền để rồi đây in tập thơ này giúp bạn. Tôi còn nhớ câu dặn dò của Lư: “Bất cứ bài thơ nào bị xóa bỏ thì có thể tạm chấp nhận, nhưng nếu Biên cương hành bị sửa hay xóa bỏ thì thôi, anh rút bản thảo về, không in”. Là chỗ quen biết (tôi đã in tập thơ Buồn của mình với giấy phép của nhà xuất bản này) nên ban đầu họ rất vồn vã và hứa trong vòng hơn nửa tháng giấy tờ sẽ xong xuôi. Nào ngờ, hơn hai tháng trời trôi qua họ vẫn im hơi lặng tiếng, điều này có nghĩa tập thơ “có vấn đề” rồi. Tôi mang một bản photo Đan Tâm khác đến nhà xuất bản Văn Nghệ TP HCM ở đường Lý Chính Thắng, hy vọng nhà xuất bản này “thoáng” hơn. Quả vậy, ở đây họ làm việc khá nhanh và rất kỹ. Khi mời tôi đến để trao đổi và nhận lại bản thảo tập Đan Tâm có chữ ký của ông giám đốc ký duyệt lần cuối ngày 27/11/2004, mở ra, tôi rất thất vọng vì Biên cương hành bị “gác lại” toàn bài, lời bạt của Nguyễn Lệ Uyên cũng chung số phận, bài Cố lý hành thì may mắn còn nguyên vẹn nhưng có chữ ký của ông giám đốc phê cuối bài: “Đề nghị ghi rõ địa danh khi làm bài thơ này để thấy rõ tội ác chiến tranh của Mỹ ngụy”. Ngoài những bài “trọng điểm” ấy ra thì Bên sông, Rụng tim người, Ngồi chợ, Túy hoài, Nhớ làng, Sóng vỗ, Trường dạ khúc, Huế ngày về, Chỉ còn Đan Tâm và nhiều bài khác nữa bị gạch bỏ nhiều khổ, nhiều đoạn. Gạch bỏ cấm đoán là quyền lực của nhà xuất bản, nhưng điều làm cho tôi không dằn được sự phẫn nộ là người biên tập muốn phô trương cái “tài năng uyên bác” của mình bằng cách đã ngang nhiên sửa thơ một cách tùy tiện, làm sai ý câu thơ, làm ngôn ngữ thơ nhiều chỗ trở thành vụng về, lố bịch, kệch cỡm… Chẳng hạn, bài Bên sông chỉ là bài thơ tình bình thường, chẳng “đụng chạm” ai cả, vậy mà các câu
Đời có như không
Tiếc gì tay trắng
Thôi thà rêu rong
Bị gạch bỏ, còn các câu tiếp theo
Ta gieo xuống sông
Vỡ dòng nước chết
Nước đứng tim đêm
Ta còn thở hết?
Thì được sửa như thế này
…Vỡ dòng nước lạnh
Nước đứng im nghe
Ta còn thở dốc
Và hai câu cuối “Người như phong vũ/ lạnh màu thê thê” không biết bị tội gì cũng bị gạch thẳng thừng!
Bài Giã từ thế kỷ, hai câu kết Phạm Ngọc Lư viết:
Trăm năm… thôi chẳng còn gì
Ngàn năm sau… biết lấy chi vui buồn?
Đã được “biên tập” lại một cách ngô nghê thế này:
Trăm năm một kiếp – cũng là
Ngàn năm sau vẫn mặn mà buồn vui!
Còn nhiều và nhiều nữa… thậm chí tựa đề của một số bài thơ cũng bị chỉnh sửa, ví dụ Rụng tim người bị đổi thành “Tình tan tim người”, Đất trích thì bị đánh? nghi hoặc, Hoa tầm thường thì từ “tầm thường” chắc nghe chướng tai nên được vòng lại và ghi: ”Nên đổi từ này”. Riêng bài Biên cương hành thì người biên tập có đọc mươi câu đầu, sửa câu thứ hai “Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương” thành “… rừng thẳm thân thương”, câu thứ tư “Núi chập chùng như dãy mồ chôn” biến thành “…như dãy Trường Sơn”, nhiều từ khác của các câu tiếp theo bị underlined (tức không ổn), rồi không cần đọc tiếp nữa họ ghi ngay lên đầu bài hai chữ “gác lại”một cách dứt khoát.
Quay lại nhà xuất bản Thanh Niên, khi được cho biết một số bài trong Đan Tâm “có vấn đề” tôi đã tìm cách giải thích và biện hộ. Cuối cùng Ban biên tập đồng ý cho in nhưng với điều kiện: Tác giả phải viết một bài tựa giải thích tại sao đã viết Biên cương hành và Cố lý hành; viết ở đâu? Thời điểm nào? Phải nói rõ nỗi chán chường căm ghét chiến tranh của những người lính bị ném ra chiến trường trong Biên cương hành là lính miền Nam, lính chế độ Sài Gòn chứ hoàn toàn không phải là bộ đội Giải phóng quân. Với Cố lý hành thì cũng phải nói rõ: chính bom đạn của bọn Mỹ ngụy đã gây ra cảnh đổ nát hoang tàn cho làng xóm quê hương ta…
Thuyết phục không được, cuối cùng tôi đã cãi vã với trưởng ban biên tập và gọi điện ra miền Trung trao đổi với Phạm Ngọc Lư. Chúng tôi nhất trí với nhau: Thôi, thà không in còn hơn in mà phải chiều theo những đòi hỏi lố bịch của nhà xuất bản!
Phạm Ngọc Lư ơi! Đan Tâm không in được nơi này thì ta in nơi khác, không lúc này thì lúc khác. “Thiệt vàng không sợ chi lửa”! Mà thơ thì “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Chỉ với 48 bài trong Đan Tâm, Lư đã nói lên nỗi lòng của mình với muôn thuở. Mai này, tôi tin rằng Biên cương hành và một số bài thơ khác của Phạm Ngọc Lư sẽ có chỗ đứng xứng đáng trên thi đàn của đất nước. Chắc chắn là vậy!
Sài Gòn, tháng 6/2005
PHỤ LỤC
Thơ Phạm Ngọc Lư
BIÊN CƯƠNG HÀNH
Biên cương biên cương chào biên cương
Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương
Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
Núi chập chùng như dãy mồ chôn
Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
Thổi lấp rừng già bạt núi non
Mùa khô tới theo chân thù địch
Ta về theo cho rậm chiến trường
Chiến trường ném binh như vãi đậu
Đoàn quân ma bay khắp bốn phương
Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi
Núi mang cao điểm ngút oan hồn
Đá mang dáng dấp hình chinh phụ
Chơ vơ chóp núi đứng bồng con.
Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Đá Vọng phu mọc khắp biên cương
cương biên cương đi biền biệt
Chưa hết thanh xuân đã cùng đường
Trông núi có khi lầm bóng vợ
Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương
Thôi em, sá chi ta mà đợi
Sá chi hạt cát giữa sa trường
Sa trường anh hùng còn vùi dập
Há rằng ta biết hen gì hơn?
Đây biên cương, ghê thay biên cương!
Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe truông
Hải hùng chưa trời hoang mây rậm
Mùa mưa về báo hiệu tai ương
Quân len lỏi dưới tàn lá dữ
Là xôn xao xanh mặt hoàng hôn
Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc
Ma thiêng còn ngán bọn cô hồn.
Cô hồn một lũ nơi quan tái
Có khi đã hóa thành thú muông
Cô hồn một lũ nơi đất trích
Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng
Chém cây cho đỡ thèm giết chóc
Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương
Đây biên cương, ghê thay biên cương!
Tử khí bốc lên dày như sương
Đã chảy mồ hôi rừng ứa máu
Rừng núi ơi ta đến chia buồn
Buồn quá giả làm con vượn hú
Nào ngờ ta con thú bị thương
Chiều hôm bắt tay làm loa gọi
Gọi ai nơi viễn xứ tha phương?
Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận?
Ai người thiên cổ tiếc máu xương?
Em đâu quê nhà chong mắt đợi
Hồn theo mây trắng ra biên cương
Thôi em, yêu chi ta thêm tội
Vô duyên xuôi rơi lược vỡ gương
Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
Hoăc ngày ta mắt nhắm tay buông
Thôi em, chớ liều thân cô phụ
Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
Kinh kha đời nay cá vạn muôn
Há một mình ta xuôi biên tái
“nhất khứ bất phục phản” là thường!
Thôi em, còn chi ta mà đợi
Ngày về thân cạn máu khô xương
Ngày về hôn lễ hay tang lễ
Hề chi! buổi chinh chiến tang thương
Hề chi! kiếp cây rừng đá núi
Ngàn năm hồn quanh quẩn biên cương.
Tháng 5 năm 1972
CỐ LÝ HÀNH
Chiều chết đuối trên sông ngờm ngợp
Nước đua chen đớp bọt nắng tàn
Đò qua sông đìu hiu bến đợi
Buồn rút lên bờ cây khai quang
Mây đổ xù lông như chó ốm
Trời bôi nhòe mặt ngóng đêm sang
Thôn ổ tiêu sơ gầy khói bếp
Đồng không mốc thếch lạnh tro tàn
Có biết ta về không cố lý?
Mười năm chưa lạ mặt xóm làng
Sao phên dậu nghiêng đầu câm nín
Rơm rạ làm thinh chẳng hỏi han
Cổng khép rào vây vườn cỏ dại
Tường xiêu mái rách bóng nhà hoang
Ngõ vắng bàn chân như hụt đất
Tre già đang kể chuyện chôn măng
Nương rẫy đang phơi lòng dâu bể
Nói làm sao hết nỗi bàng hoàng?
Khóc làm sao vừa lòng cố lý?
Phải đây là cố lý ta chăng?
Đâu bóng mẹ già sau khung cửa
Và những người em mặt trái xoan
Đâu bóng chị hiền như hoa cỏ
Bên luống cà xanh liếp cải vàng
Đất đá thở ra mùi u uất
Bốn bề hun hút rợn màu tang
Ai chết quanh đây mà cú rúc
Mà cơn gió lạnh réo hồn oan
Ai trong muôn dặm không về nữa
Cố lý mười năm mộng bẽ bàng
Cố lý mười năm ngày trở lại
Như ngày Lưu Nguyễn xuống trần gian!
1972
QUÁ GIANG TỰ VỊNH
Sông Hàn, mệt lắm, sông Hàn!
Mai qua chiều lại trưa sang tối về
Đời mòn lăn chậm bánh xe
Áo cơm bải hoải nặng nề lăn theo
Dài chi nhịp nhịp giang kiều
Tha hồ gió ngạo mưa kiêu rách lòng
Đành như hàn sỹ qua sông
Đành như khuê nữ chậm chồng quá giang
Trông ra trời nước mơ màng
Giật mình trẩy khúc gian nan qua cầu
Đoạn trường lăn bánh xe đau
Sông Hàn lạnh, sông Hàn sâu… im lìm
Sông nào nước xoáy trong tim?
Tháng 2 năm 1997
THUYỀN QUYÊN
Gửi Hiệp
Em từ tình sử bước ra
Y trang yểu điệu đôi tà mộng bay
Chào nhau gác gió lầu mây
Nghìn đêm giọt nến rơi đầy trang thơ
Nghìn đêm song lạnh trăng mờ
Trương Chi bạc tóc bên bờ Tương Giang
Chiều nao nhất kiến hồng nhan
Chiều nay xác bướm rơi đầy mộ hoa
Áo xưa mộng mị đôi tà
Đành thôi xép lại Nam Kha gối đầu
Mơ gí phong các vân lâu
Mà theo chim mộng tìm nhau cuối trời
Đêm nay nước chở thuyền trôi
Thuyền quyên em chở tình tôi xuôi dòng
Ngày mai lặng lẽ hư không
Còn chăng… đôi hạt bụi hồng thơ bay
Tháng 4 năm 1996
VỀ…
Về!
Thôi một lần về!
Bóng chiều thiêm thiếp sau xe
Khói lam chở giọt nắng về hoàng hôn
Chở theo màu nước sắt son
Chậm thôi ly biệt nắng còn thiết tha
Đường về lả tả xác hoa
Xe lăn bánh chậm thôi mà xe đau
Niềm vui giục giã đi mau
Nỗi buồn đứng lại cúi đầu không đi
Dùng dằng thêm nặng chia ly
Trăm năm cười khóc lạ gì buồn vui
Về!
Thôi một lần thôi
Coi như hạt bụi rong chơi lui về…
12-1999
GỞI KIỀU NỮ VÔ DANH
Em mấy mùa vung vãi phấn hương?
Mà đêm nay rũ rượi y thường
Nhìn ta đôi mắt như ngâm rượu
Xanh lét bàn tay rót tang thương
Quán tù mù như một âm cung
Rượu phù hoa rót chén phù dung
Một ly thâm tạ tình nhan sắc
Hai ly bái kiến nợ đào hồng
Em khuấy tiếng cười pha giọt lệ
Rót mời ta cạn một biển lòng
Sao mắt chua như màu rượu bạc
Cứ cụng đầu như cụng thinh không
Gặp nhau như thể trong thơ truyện
Cũng lệ Tầm Dương ươn ướt tình
Chỉ tiếc đời bặt tăm Từ Hải
Em đành vương víu nợ Thúc Sinh
Hương phấn mấy mùa thôi góp lại
Dọn mình đi ta gửi đóa hồng
Đêm nay tương kiến là tương biệt
Mai em về một bến nước trong?