Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – từ nhà thương đến nhà thương xót và nhà tình thương, bệnh viện (phần 25)

Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về cách dùng nhà thương vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo. Đây là lần đầu tiên danh từ này được dùng trong tiếng Việt, so với cách dùng nhà Thương (Thương triều 商朝) cùng một cách phát âm nhưng nghĩa hoàn toàn khác nhau. Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) Từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán). Chúng ta hãy xem qua các hoạt động của giáo hội CG và khái niệm ‘nhà thương’ vào thời LM de Rhodes sang ĐNA truyền giáo. Bằng cách nhìn rộng ra xem văn hóa xã hội Âu Châu vào thời điểm này thì ta dễ cảm thông với nét nghĩa nguyên thủy của cơ cấu từ thiện này.

1. Nhà thương trong từ điển VBL

1.1 VBL ghi nhà thươngmisericordiae domus: tiếng Pháp là maison de miséricorde (J. Bonet, sđd), tiếng Anh là House of Compassion (xem mục 6 bên dưới), có nghĩa là nhà hay nơi (domus, tiếng La Tinh) có lòng từ bi, thương xót (misericordiae, tiếng La Tinh – chữ ghép từ gốc La Tinh misereri/thương hại và cor/tim – so sánh cấu trúc misericordia với thương tâm HV 傷心). Một trong những hoạt động thường thấy ở các hội thánh Công Giáo thời Trung Cổ là dựng một nhà để cho người nghèo hay bệnh tật đến ăn và ở. Từ truyền thống này mà chữ misericordia (lòng từ bi, bác ái, thương xót) được dùng để đặt tên cho một số nhà thờ, nhà thương, đại học, chỗ trú cho những người không nhà (homeless).

clip_image002 

VBL – trang 787

Thời VBL không có quy ước viết hoa nên nhà thương nhà Thương viết giống nhau, tuy LM de Rhodes có thể đã nhận ra sự khác biệt (cũng là một khuyết điểm của chữ quốc ngữ). Hãy xem lại khái niệm nhà thương ở Âu châu khi các thừa sai đến ĐNA truyền đạo để cho thấy cách dùng này vào thời bình minh của chữ quốc ngữ.

clip_image004

VBL – trang 786

Một nghĩa liên hệ mà VBL ghi là Xenodochium: tiếng La Tinh có gốc là tiếng Hi Lạp cổ Xenodochium ξενοδοχεῖον (xenodokheîon, nhà trọ, nhà cho khách đi đường xa/người lạ). Tiếng Hi Lạp ξενοδοχεῖον gồm có hai căn ngữ ξένος (xénos[2], người lạ) và δέχομαι (dékhomai, thu nhận/chứa) hàm ý là nơi, nhà hay phòng chứa khách trú tạm thời – thường là một phần của một tu viện – so với cách dùng nhà khách (guesthouse, inn/A) trong tiếng Việt hiện đại. Để ý là ngoài định nghĩa "nhà tình thương" trong tiếng Bồ là caza de misericordia, VBL còn ghi thêm chữ hospital. Đây là bằng chứng từ VBL cho thấy nghĩa cổ của hospital chỉ là một nơi cho lữ khách ở tạm vì ‘lòng thương người’ (nhà thương cho khách lạ ở), khác với nghĩa hiện đại (nhà thương chữa người bệnh) – xem thêm chi tiết về từ nguyên của hospital ở dưới. Vì nghĩa khá bao quát của nhà thương (hay "nhà tình thương") nên vào TK 17 và trước đó ta thấy có những danh từ đặc biệt chỉ các cơ cấu từ thiện này – dựa vào cuốn "A copious Dictionary in three Parts" xuất bản năm 1664 (sđd):

a) nhà (tình) thương nuôi trẻ mồ côi (hospital for orphans/A) gọi là orphanotrophium/L.

b) nhà (tình) thương nuôi trẻ bị cha mẹ bỏ (hospital for foundlings/A) gọi là brephotrophium/L

c) nhà thương cho trẻ em nghèo khó (hospital for poor children/A) gọi là epitrophium/L.

d) nhà thương cho người nghèo (hospital for poor folks) gọi là ptochium/L hay ptochotrophium/L.

e) nhà thương cho người già cả (hospital for old folks/A) gọi là gerontochomium/L

f) nhà thương cho người hành hương/du lịch/khách lạ (hospital for pilgrims/travellers/A) gọi là xenodochium/L – chữ này cũng là ghi nhận của VBL (xem hình chụp trên).

g) nhà thương cho người bị bệnh tật (hospital for sick folks/A) gọi là nosochomium/L hay valetudinarium/L (theo tác giả Francis Gouldman/1664 sđd – xem thêm nhận xét của NCT phần dưới về danh từ này). Nosocomus là ‘chủ nhà thương’ (hay còn gọi là orphanotrophus, nosocomii præfectus – xem trang chụp bên dưới và Taberd), hàm ý người có trách nhiệm chăm nom khách hay người bệnh (~ nam y tá).

clip_image006

Từ điển Anh – La Tinh của Francis Gouldman (1664, sđd): hospital[3] có nhiều cách dùng

clip_image008

Trích Từ điển Anh-La Tinh của Christopher Wase (1662/1675, sđd) – cột HOS.

Từ TK 18 thì nhà thương đã thu hẹp nghĩa và chỉ dùng để chỉ nơi chăm sóc người bệnh, và nếu thêm chức năng đặc biệt nào thì thêm phụ từ/tính từ sau nhà thương như nhà thương thí, nhà thương công, nhà thương tư, nhà thương điên, nhà thương mắt, v.v. Có lẽ nên nhắc ở đây một cách dùng cổ đại trước thời hospital/hôpital (nhà thương): vào thời đế quốc La Mã rất hùng mạnh, một cơ cấu hậu cần gọi là Valetudinarium (tương ứng với quân y viện hiện đại ~ bệnh viện quân y) được xây dựng để chăm sóc binh lính bị thương tích, và để quân đội tiếp tục di chuyển xa hơn nữa. Nên nhắc ở đây là LM Béhaine giải thích valetudinarium là nhà liệt, còn LM Taberd thì giải thích là nhà thương, phòng cho kẻ liệt (sic). Một lần nữa vì nhu cầu quân sự mà sinh ra những cơ cấu ‘mới’, trước là phục vụ chiến tranh cho hữu hiệu, sau mới có những ứng dụng ích lợi hơn cho xã hội con người. Vấn đề trở nên oái ăm khi các danh từ hospital/A (hôpital/P) nghĩa là nhà thương hiện nay có gốc La Tinh là hospes nghĩa là người lạ/khách, liên hệ đến nghĩa nguyên thủy là nhà khách (nhà cho người lạ trú) chứ không quan hệ gì đến người bị bệnh! Gốc La Tinh hospes còn cho ra các dạng host/A (chủ, khách, người lạ), hôte/P (chủ quán), hospice (nhà trọ), hospitium/L (nhà trọ), hotel/A ~ hôtel/P (khách sạn), hostel/A (nhà tập thể), v.v. Qua đến thời các LM Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838), nét nghĩa "domus misericordiae" của thời VBL đã trở nên rất rõ/hẹp hơn và ghi là nosocomium (nhà chứa/chữa người bệnh) có gốc Hi Lạp νοσοκομεῖον (nosus – bệnh, komeion – chữa/chăm nom). Đây cũng là cách hiểu hiện nay của "nhà thương" trong tiếng Việt hiện đại với chức năng rõ ràng hơn. Dĩ nhiên nhà thương vào giai đoạn VBL ra đời (năm 1651) không thể có bác sĩ, y tá hay thuốc men và tổ chức có hệ thống và chuyên môn như hiện tại, mà chỉ là nơi giúp đỡ ăn uống hay cho người nghèo/khách qua đường tạm trú.

clip_image010

Taberd (sđd/1838) – để ý danh từ nhà liệt ngay sau nhà thương

Béhaine (1772/1773), Taberd (1838) đều ghi nhà thương là nosocomium, một dạng nữa mà Taberd ghi là nosodochium (đều là có nghĩa nhà thương hay nơi chăm sóc bệnh nhân). Cả hai tác giả đều ghi lại cách dùng nhà liệt tương đương với nhà thương, giải thích nghĩa của nhà thương là cho người phải liệt (ốm liệt, đau liệt, liệt lào – 4 cách dùng đều có nghĩa là bị bệnh theo VBL). Liệt vào thời VBL (1651) cho dến thời Taberd (1838), Huỳnh Tịnh Của (1895) và đầu TK 20 đều có nghĩa là ốm đau[4]. Từ khoảng thập niên 1920 (ngay trước thời Việt Nam Tự Điển[5]) thì liệt có nghĩa là bại/tê liệt (không cử động được) như liệt chân, liệt tay, liệt giường, liệt chiếu (VNTĐ).

clip_image012

phải liệt~ốm liệt~đau liệt~liệt lào, VBL trang 414

1.2 Nghĩa của liệt trong ‘nhà liệt’ (nhà thương) – biến nghĩa theo thời gian

Tiếng Việt vào thời VBL vẫn còn duy trì nghĩa cổ của liệt HV là yếu (nhược – TVGT) trong nét nghĩa ốm yếu (đau yếu). Xem lại các cách đọc của liệt, chữ liệt 劣 (thanh mẫu lai 來 vận mẫu tiết 薛 nhập thanh, hợp khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

力輟切 lực xuyết thiết (TVGT, ĐV, QV, CV, TVi) TVGT/QV/TV ghi nghĩa của liệt là nhược 弱 (yếu)

力別反 lực biệt phản (LKTG)

龍輟切 long chuyết thiết (TV, LT, VH)

力拙切 lực chuyết thiết (TTTH)

TNAV ghi nhập thanh tác khứ thanh (入聲作去聲)

CV ghi cùng vần/nhập thanh 劣 鋝 埒 (liệt luyệt), v.v.

Giọng BK bây giờ là liè so với giọng Quảng Đông lyut3 và các giọng Mân Nam 客家话: [海陆丰腔] lot7 [梅县腔] lot7 [宝安腔] lot7 [客英字典] lot7 [台湾四县腔] lot7 [客语拼音字汇] liad6 lod5 [东莞腔] lot7, giọng Mân Nam/Đài Loan loat1, tiếng Hàn ryeol và tiếng Nhật retsu. Liệt là âm trung cổ của 劣với nghĩa vẫn còn bảo lưu trong tiếng Việt vào thời LM de Rhodes, tuy nhiên nghĩa trong tiếng Việt bây giờ đã thay đổi ("ốm đau" đã trở thành "tê liệt") so với một số cách dùng đã đổi nghĩa[6] như mực tàu (dụng cụ kẻ/vạch đường thẳng), nhà xe (nhà táng, dựng trên mồ người chết), tinh thần (ngôi sao), đích xác (không hợp lý, không đúng), sinh thì (qua đời, chết), con mày (con nuôi, không phải là con mày hay con tao), râu xanh (râu đen), tóc xanh (tóc đen), thợ sắt (thợ rèn), v.v.

2. Nhà thương trong các tác phẩm Nôm của LM Maiorica

2.1 Cũng vào thời gian LM de Rhodes soạn VBL và PGTN, LM Maiorica đã soạn một số bài giảng bằng chữ Nôm. Tìm hiểu cách dùng nhà thương trong các tài liệu này cho ta thấy rõ hơn cách dùng và phạm trù nghĩa của nhà thương, nhất là khi so sánh với các cách dùng vào cùng thời trong VBL và PGTN. Nhà thương có một dạng chữ Nôm là 茹傷 trong các tài liệu này – để ý văn cảnh khi dùng nhà thương thường là trong một chuỗi hoạt động từ thiện:

Các Thánh Truyện/CTTr Tháng Hai trang 78 viết "thì người vào nhà thương giữ kẻ liệt cùng kẻ khó khăn (~ nghèo khổ/NCT) ở đỗ".

CTTr Tháng Năm trang 99 viết "Bấy giờ người làm nhà thương mà dạy làm ba trăm giường cho kẻ khó nằm, chữa kẻ liệt, thí áo mặc cho kẻ rách rưới".

CTTr Tháng Mười trang 64 viết "cùng công đức nhiều của nơi thờ, và nuôi nhiều kẻ ở nhà Đức Chúa Trời, lại làm những nhà thương nuôi những {kẻ} liệt".

CTTr Tháng Mười Một trang 91-92 ghi "hãm mình cùng giúp thiên hạ, thí một nhà làm nhà thương nuôi những kẻ liệt".

CTTr Tháng Bảy trang 25 (sđd) viết "Người lại làm nhiều nhà thờ và nhà thương chứa kẻ liệt mà người yêu năng đến viếng, cùng lấy tay làm việc cho nó"; trang 15 viết "Ở đấy năng làm phúc cho các nhà thờ, cùng nhà thương"; trang 141 viết về lịch sử ông Thánh Ignatius of Loyola (1491-1556, sáng lập Dòng Tên) và vài hoạt động trong ngày như "Đoạn đi tu một năm ở nơi nhà thương kia, năng vào hang mà ngắm sự Đức Chúa Trời một ngày ba giờ[7], mỗi một ngày đánh mình ba lần, ăn chay liên". ‘Nhà thương kia’ nơi LM Ignatius ở chính là nơi cho các người nghèo khó hay bệnh hoạn (kẻ liệt) tạm trú qua ngày, chứ không phải là nơi khám bệnh và chữa bệnh như nhà thương ngày nay. Có thể coi đây là ngôi ‘nhà tình thương’ đầu tiên ở Catalonia – xem hình vẽ lại nhà thương này vào những năm 1522-1523 bên dưới (còn gọi là nhà thờ Santa Lucia):

clip_image014

Nhà thương của thành phố Manresa[8] cho người nghèo (ngay trung tâm của vùng tự trị Catalonia trong nước Tây Ban Nha) vào TK 16. Bây giờ không còn nữa vì bị phá hủy sau cuộc nội chiến, thay vào chỗ đó là một nhà thờ (Chapel of the Rapture). Hàng ngày ông Thánh Ignatius of Loyola từng ăn uống và làm việc cùng chăm sóc các người bệnh ở đây. Hình trên trích từ cuốn "Manresa and Saint Ignatius of Loyola" (sđd).

Các bản Nôm của LM Maiorica cho thấy nhà thương là một cơ cấu từ thiện, phù hợp với định nghĩa trong VBL, lập ra để giúp đỡ những người kém may mắn như bị nghèo đói, bệnh hoạn, mồ côi, góa bụa… Ngoài ra, nhà thương là một dạng dịch trực tiếp từ tiếng Bồ Đào Nha caza (~ nhà) de misericordia (~ thương, thương xót – xem trang chụp trang 786/VBL bên trên), đây là một ảnh hưởng gián tiếp của tiếng Bồ trong tiếng Việt cũng như cách gọi ngày (thứ nhất > chủ nhật, thứ hai, thứ ba… thứ bảy) mà ít người nhận ra.

2.2 Có lẽ nên bàn thêm về chữ thương và phạm trù nghĩa của chữ này trong vốn từ Hán so với Việt. Trước hết là chữ thương HV 傷 (thanh mẫu thư 書 vận mẫu dương 陽 bình/khứ thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

式羊切 thức dương thiết (TVGT/ĐNT, ĐV)

少羊切 thiểu dương thiết (TVGT/ĐTB 大徐本)

尸羊切,音商 thi dương thiết, âm thương (TV, LT, VH, CV, TG 字鑑, TVi)

式亮切 thức lượng thiết (QV, CV, TVi, KH)

TNAV ghi vận bộ 江陽 giang dương

CV ghi cùng vần 陽 商 謪 傷 殤 禓 觴 鬺 湯 畼 愓 饟 (dương thương hướng)

CV cũng ghi cùng vần 陽 餉 向 饟 傷 蟓 愓 蠰 珦 (dương thương hướng)

余章切 dư chương thiết (TV, LT)

尸張切,音商 thi trương thiết, âm thương (CTT)

音尚 âm thượng (CTT)

Cổ văn dùng như dương 陽 (TG 字鑑, TVi), v.v.

Giọng BK bây giờ là shāng so với giọng Quảng Đông soeng1 và các giọng Mân Nam 客家话: [沙头角腔] song1 [台湾四县腔] song1 [梅县腔] shong1 [陆丰腔] shong1 [客语拼音字汇] song1 [海陆丰腔] shong1 [客英字典] shong1 [宝安腔] song1 [东莞腔] song1, giọng Mân Nam/Đài Loan siong1, tiếng Nhật shou và tiếng Hàn sang.

Thương HV có nghĩa tiêu cực như tổn thương, vết thương, thương tích[9], thương hại, thương vong, trúng thương ~ bị thương (thương thường không dùng một mình một cách tự do/free morpheme):"Uống rượu nhiều thì thương can. Không nên gây lộn nhau cho thương hòa-khí"; còn thương trong tiếng Việt hàm ý tích cực như thương yêu, người thương ~ người yêu (dilectus/L – Béhaine/Taberd), "Thương người như thể thương thân" trích Việt Nam Tự Điển (1931/1954). Trong cách dùng ‘nhà thương’ thời các LM de Rhodes và Maiorica, thương hàm ý rất tích cực vì là vì giúp đỡ người gặp cảnh khó khăn từ lòng thương xót/nhân từ.

3. Cách dùng nhà thương thời LM Philiphê Bỉnh

Đến cuối TK 18, vào thời LM Philiphê Bỉnh thì nhà thương còn gọi là nhà thương xót (Đàng Ngoài[10]) hay nhà làm phúc so với cách gọi nhà liệt (Đàng Trong, Béhaine/Taberd) – xem bảng từ vựng Bồ-Việt bên dưới (cuối TK 18 – đầu TK 19):

clip_image016

Từ điển Bồ Việt (cuối TK 18)

clip_image018

Từ điển Bồ Việt (cuối TK 18)

Sách Sổ Sang Chép Các Việc/SSS trang 221-222 ghi lại chuyện thầy cả Jacobe như sau "khi Đức Thánh Papa có gởi tiền bạc đến tay, thì người lại chia cho kẻ khó, mà mình cùng bạn thì cứ ăn của hành khất từng ngõ, cùng trú ở nhà thương xót cho được giúp kẻ liệt, mà chẳng chịu thuê nhà như các Đấng … cũng chẳng chịu ở trong Đền, cũng chẳng chịu ăn lương nhà Vua phát, thì cứ ở nhà thương xót mà giúp kẻ liệt, cùng ăn của minh đi hành khất " (viết lại theo chính tả hiện nay/NCT).

LM Philiphê Bỉnh giải thích một cách gián tiếp là nhà thương xót nuôi trẻ em "từ bé đến blớn (lớn/NCT) " vì mồ côi "chg? có cha mẹ (chg? ~ chẳng ~ không/NCT)":

clip_image020

Nhà thương (xót) còn là nơi nuôi các trẻ mồ côi – Sách Sổ Sang Chép Các Việc trang 422.

Nhà thương (~ nhà thương xót) cho những người nghèo từ phương xa đến trú ngụ để làm ăn sinh sống, thường gần nhà thờ để dễ đi làm lễ – trích từ SSS:

clip_image022

Nhà thương xuất hiện trong SSS trang 518

clip_image024

Ở Bắc Kỳ, trích "Vocabulaire franco-tonkinois" Gaston Kahn – năm 1887 (Hanoi)

So với cách dùng trong Nam Kỳ, hôpital cũng là nhà thương theo "Dictionnaire annamite-français" J. M. J. – Imprimerie de la Mission, năm 1879 (Tân Định) – trang 470.

Ở Trung Kỳ, hôpital vẫn là nhà thương – trích "Petit lexique de poche français-annamite" của LM Paul-André Maheu[11] (QuiNhon) năm 1910.

Tình hình vẫn không khác nhiều từ cuối TK 18 đến cuối TK 19, nhà thương vẫn là danh từ thông dụng cùng với một số danh từ tương đương mới hơn như nhà liệt, nhà kẻ liệt (Theurel/1877, Vallot/1898 – Đàng Ngoài), nhà dưỡng (Huỳnh Tịnh Của/1895). Một điểm đáng nhắc ở đây là Đàng Trong có khuynh hướng duy trì cách dùng cổ hơn[12] như "nhà thương nuôi người có tật phong" (~ léproserie/P trích Trương Vĩnh Ký/1884 – Đàng Trong) thì Đàng Ngoài[13] gọi là “trại phong” (Vallot/1898, Ravier/Dronet/1903 – Đàng Ngoài).

4. Nhà thương từ đầu TK 20

Từ đầu TK 20, cách dùng nhà thương vẫn hiện diện từ Bắc[14] vào Nam như trong "Nghị định về việc vệ sinh… Thành phố Hà Nội" (Recueil des Actes émanant de l’Autorité francais et intéressant les Annamites de la ville de Ha Noi – 1919):

clip_image026

Trích (điều) khoản 167 trong 338 khoản tất cả[15].

Năm 1918, Nam Phong Tạp Chí/NPTC ghi lại các hoạt động về y tế của chính phủ bảo hộ ở Bắc Kỳ, và dùng danh từ nhà thương (xem phần dưới về bệnh viện trong NPTC)

clip_image028

Cần đọc kỹ các tài liệu này vì chính vào thời kỳ này mà danh từ bệnh viện bắt đầu xuất hiện tuy rất hiếm thấy trong tiếng Việt; thí dụ như chỉ một lần trong bài viết của cụ Phạm Quỳnh (Nam Phong Tạp Chí số 5 – tháng 11 năm 1917) tuy nhà thương cũng xuất hiện cùng trong một tờ báo (số 5 – tháng 11 năm 1917):

clip_image030

NPTC số 5 – 11/1917

Vào cùng năm 1919 của "Nghị định về việc vệ sinh… Thành phố Hà Nội", báo Lục Tỉnh Tân Văn ở Nam Kỳ (số ra ngày 24/9/1919) cũng dùng nhà thương trong mục Báo Việc Quan (Partie officielle) như sau:

clip_image032

Hay trong mục tin tức khắp nơi của báo Lục Tỉnh Tân Văn, cách dùng nhà thương vẫn xuất hiện cho thấy danh từ này rất phổ thông ở Nam Kỳ – xem hình chụp bài viết ”Có phải chó dại không?" bên dưới.

clip_image034

Lục Tỉnh Tân Văn 4/7/1919

Trở ra Bắc Kỳ, cuốn “Y Sinh Chỉ Nam” của tác giả Ưng Hoát xuất bản năm 1922 (sđd, Hà Nội) hoàn toàn dùng nhà thương. Cuốn "Luân-Lý Giáo-Khoa Thư" lớp dự bị có 68 trang in năm 1928, chỉ dùng nhà thương một lần (và nhà đẻ) và không thấy dùng bệnh viện. Tuy nhiên sau “Nghị định về việc vệ sinh thành phố Hà Nội (1919)” vài năm thì danh từ bệnh viện cũng đã hiện diện dù rất hiếm, thí dụ như trong tài liệu "Xứ Bắc-Kỳ ngày nay" (dịch ra chữ quốc ngữ năm 1924 từ nguyên bản tiếng Pháp) thì nhà thương dùng 10 lần so với bệnh viện 1 lần, đánh dấu giai đoạn bắt đầu/phôi thai của danh từ HV mới nhập này (xem NPTC số 5 vào tháng 11/1917) – xem các trang chụp lại ở dưới. Bệnh viện hàm ý điều trị các chứng bệnh đặc biệt và dùng chỉ 1 lần.

clip_image036

"Xứ Bắc-Kỳ ngày nay" có 88 trang, hình trên từ trang 23, nhà thương dùng 10 lần

clip_image038

"Xứ Bắc-Kỳ ngày nay" trang 14, bệnh viện dùng 1 lần

Trong khi đó, cuốn "Sơ Học Yếu Lược Toàn Thư" của tác giả Nguyễn Đức Phong, xuất bản tại Hà Nội năm 1925 thì dùng nhà thương 2 lần. Sau tài liệu "Xứ Bắc-Kỳ ngày nay" (1924) thì cụ Đào Duy Anh (Pháp Việt Từ Điển, 1932/1936) đã ghi các cách nghĩa tương đương của hôpital, nhà thương là đứng đầu trong 3 cách dùng:

Hôpital nét nghĩa 2. Nhà thương, bệnh viện, y viện – để ý nét nghĩa 1 là nhà chứa khách đường xa (đây là cách dùng xưa, xem phần trên) – so với phạm trù nghĩa nguyên thủy khá rộng của hôpital đã bàn ở phần trên. Như vậy bệnh viện đã bắt đầu ‘chính thức’ xuất hiện trong từ điển HV vào khoảng đầu thập niên 1930 so với các cách dùng khác như nhà thương xót, nhà làm phúc, nhà liệt, nhà kẻ liệt, nhà dưỡng – bệnh viện đã tồn tại và trở thành phổ thông hơn hết. Như vậy ta hãy thử tìm hiểu lịch sử cách dùng bệnh viện và do đó có thể hiểu được phần nào lý do cách dùng này lại còn sống cho đến ngày nay.

clip_image040

Hình vẽ nhà thương vào thập niên 1920 trích từ trang 100 "Quốc Văn Giáo Khoa Thư[16]" – để ý cách dùng nhà thương đi chung với hình ảnh các bà phước (bà mụ, bà sœur) và từ thiện – không nên nhầm với (nữ) y tá[17] – điều này phù hợp với sự xuất hiện của nhà thương và Thiên Chúa giáo (td. VBL của LM de Rhodes và các bản Nôm của LM Maiorica như đã đề cập ở trên) vào giai đoạn đầu trong quá trình hình thành chữ quốc ngữ. Năm 1924 trong "Xứ Bắc-Kỳ ngày nay" thì tỷ số lần dùng nhà thương so với bệnh viện là 10:1 ~ 10, sau đó chỉ vài năm thì trong "Quốc Văn Giáo Khoa Thư" (1926/1927), tỷ số lần dùng nhà thương:bệnh viện6:2 ~ 3, giảm đến 70%. Khuynh hướng gia tăng cách dùng bệnh viện (hay giảm cách dùng nhà thương) càng ngày càng rõ nét cho tới ngày hôm nay.

Lục Tỉnh Tân Văn số ra ngày 22/8/1919 dùng y việnnhà thương trong cùng một bài báo:

clip_image042

Để ý cách dùng "nhà tiếp sanh" Đàng Trong ~ "nhà đẻ" Đàng Ngoài vào thập niên 1910 – bây giờ là bảo sanh viện/nhà bảo sanh.

5. Hòa chế Hán ngữ (hchn)

Thời Minh Trị bắt đầu thấy một số lớn danh từ khoa học kỹ thuật Tây phương nhập vào tiếng Nhật: cấu trúc của đa số các từ này là gốc Hán nhưng được tạo ra ở Nhật Bản, dùng để dịch các thuật ngữ mới. Vì các từ này có gốc Hán nên khó nhận ra nguồn gốc từ Nhật, ngay cả người TQ cũng thường lầm về nguồn gốc của chúng. Các từ mới tạo này đã nhập vào TQ, Việt Nam và Hàn quốc vào cuối TK 19 và đầu TK 20 (đặc biệt sau chiến tranh Nhật Trung 7/1894-5/1895) và gọi là Hòa chế Hán ngữ 和製漢語: vài thí dụ[18] trình bày theo thứ tự Hán – Nhật (Anh – Việt) như sau

直接 chokusetsu (direct – trực tiếp)

出口 deguchi (exit – xuất khẩu)

電子 denshi (electron – điện tử)

動脈 dōmyaku (artery- động mạch)

原子 denshi (atom – nguyên tử)

經濟 keizai (economy kinh tế) nghĩa Hán Cổ (kinh bang tế thế/sửa nước cứu đời, kinh thế tế dân/trị đời giúp dân…) bao gồm nhiều hoạt động như chính trị, kinh tế, xã hội khác với nghĩa bây giờ là theo hchn (dịch từ tiếng Anh economy – liên hệ đến sản xuất và tiêu thụ cũng như dịch vụ tiền bạc)

入口 iriguchi (entrance – nhập khẩu)

時間 jikan (time – thời gian),

空間 kǖkan (space – không gian)

企業 kigyō (business – xí nghiệp)

工業 kōgyō (industry – công nghiệp)

広告 kōkoku (advertisement – quảng cáo) 広 là một giản thể của 廣 quảng

革命 kakumei (revolution – cách mệnh/mạng) nghĩa Hán Cổ là đổi triều đại vua, nghĩa hiện đại theo hchn là một sự thay đổi lớn (như chế độ, hệ thống…)

解放 kaiho (liberation – giải phóng)

国際 kokusai (international – quốc tế)

世界 sekai (world – thế giới) từng dùng để dịch tiếng Phạn लोकधातु (lokadhātu)

民族 minzoku (people – dân tộc)

農民 nōmin (farmer – nông dân)

歴史 rekishi (history – lịch sử)

政党 seitō (political party – chính đảng)

社会 shakai (society – xã hội)

市場 shijō (market – thị trường)

科学 kaɡaku (science – khoa học),

自然科学 shizen kagaku (natural science – tự nhiên khoa học)

出版 shuppan (publishing – xuất bản)

主体 shutai (main subject – chủ thể)

相対 sōtai (relative – tương đối)

教科 kyōka (course – giáo khoa)

教科書 kyōkasho (textbook – giáo khoa thư) tiếng Việt bây giờ gọi là sách giáo khoa

体育 taiiku (physical education – thể dục)

体操 taisō (calesthenics – thể thao)

投資 tōshi (investment – đầu tư)

優勢 yǖsei (superiority – ưu thế)

絶対 zettai (absolute – tuyệt đối)

銀行 ginkō (bank – ngân hàng) nghĩa nguyên thủy (Hán) là người/tiệm buôn vàng bạc

自由 jiyū (freedom – tự do) hiện diện từ thời Hán (nghĩa là tự mình), nhưng dùng từ thời Minh Trị hay là hchn với nghĩa tự do (nghĩa mở rộng ~ làm theo ý mình, không bị ràng buộc)

文化 bunka (culture – văn hóa)

病院 byōin (hospital – bệnh viện), v.v.

Bệnh viện 病院 là một loại Hòa chế Hán ngữ, tương ứng với nhà thương mà TQ gọi là y viện, y cục, y quán 醫院, 醫局, 醫館. Danh từ/hchn bệnh viện byōin của tiếng Nhật nhập vào tiếng Hàn thành 병원 (byeong-won) và đảo Jeju thành 벵완 (beng-wan – đọc hơi khác so với byeong-won), nhập vào tiếng Việt thành bệnh viện, nhập (ngược) vào tiếng TQ thành bìngyuàn (đọc theo pinyin) – tiếng Trung[19] (Quốc) cũng được thêm nhiều danh từ khoa học kỹ thuật mới từ hchn. Xúc tác cho quá trình nhập từ vựng hchn vào tiếng Việt khoảng đầu TK 20 phải kể đến phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, Duy Tân Hội và Đông Kinh Nghĩa Thục. Sau một thời gian hoạt động và có ảnh hưởng lớn thì chính phủ Pháp ra lệnh đóng cửa Đông Kinh Nghĩa Thục (11/1907) và cụ Phan Bội Châu cùng Kỳ Ngoại Hầu Cường Để bị trục xuất (3/1909), dẫn đến sự tan rã của các phong trào Duy Tân trên. Tuy nhiên ảnh hưởng về ngôn ngữ vẫn còn để lại nhiều vết tích, nhất là đào luyện được một số cây bút xuất sắc cho Đăng Cổ Tùng Báo, tạp chí Nam Phong và tiếng Việt hiện đại có thêm nhiều từ và khái niệm mới, thí dụ như bệnh viện chẳng hạn.

Gần đây hơn, Anh Việt Từ Điển[20] của tác giả Nguyễn Văn Khôn (đầu thập niên 1950, in lại nhiều lần, Sài Gòn) ghi hospitalnhà thương, bịnh viện, dưỡng đường – để ý nhà thương vẫn đứng đầu trong ba cách dùng. Tuy nhiên, đến cuốn Từ điển Anh Việt (Viện Ngôn Ngữ Học – 1993) thì ghi hospitalbệnh viện mà thôi. Đây là một chỉ dấu cho thấy cách dùng nhà thương không còn phổ thông nữa trong ‘sách vở’ tiếng Việt hiện đại. Một số tác giả cũng nhận xét là nhà thương là tiếng dùng thời trước và "Ngày nay, ngay cả dân Sài Gòn cũng ít người còn gọi bệnh viện là nhà thương. Hy vọng rằng đó chỉ là sự thay đổi về thói quen ngôn ngữ chứ không phải do nhà thương đã trở thành “nhà ghét” như dân gian vẫn hay trào phúng" trích từ bài báo[21] của tác giả Lương Gia Cát Tường (13/3/2017).

6. Nhà tình thương

Những thập niên gần đây cho thấy một số căn nhà được xây dựng để giúp đỡ người nghèo không có khả năng mua nhà để ở. Các chương trình xây nhà tình thương này thường là những hoạt động thiện nguyện đến từ lòng thương người hay bác ái, do đó nhà tình thương còn gọi là nhà tình nghĩa hay nhà đại đoàn kết, v.v. Danh từ ‘mới’ của TK 21 này thật ra cũng chính là danh từ ‘nhà thương’ đã xuất hiện vào TK 17 với cùng một nét nghĩa[22], hay là ‘maison de miséricorde’ (‘nhà bác ái’ tiếng Pháp – định nghĩa của nhà thương theo VBL là misericordiae domus tiếng La Tinh) – trích định nghĩa của nhà thương theo học giả J. Bonet (1898), còn học giả Génibrel (1898) ghi là ‘maison de charité’ (nhà từ thiện). Một khác biệt lớn của ‘nhà tình thương’ TK 21 và ‘nhà thương’ TK 17 là nhà riêng giao cho (có quyền sở hữu nhà/ tư cách pháp lý độc lập) từng gia đình kém may mắn ở so với ngôi nhà cho cả cộng đồng người nghèo hay ốm đau. Nói cách khác, đối tượng đã thay đổi từ cộng đồng bao quát (mục tiêu của ‘nhà thướng) nay đã trở thành một hộ gia đình.

Điều cần biết là ‘nhà thương’ không chỉ hiện diện ở VN vào vào đầu TK 17 qua chữ quốc ngữ trong VBL, giai đoạn mà phong trào truyền đạo CG nở rộ đến các đại lục như Á Châu, Mỹ Châu và Phi Châu. Thí dụ như ở khu vực São Salvador của Phi Câu (thuộc địa của Bồ Đào Nha, bây giờ là thành phố M’banza-Kongo của nước Angola), cũng từng xây dựng một số ‘nhà thương’ (domus misericordiae) vào những năm[23] 1609, 1621 và 1626 – so với thời VBL ra đời vào năm 1651 và các hoạt động của giáo sĩ Bồ Đào Nha ở Đông Nam Á trước đó. Đây là loại nhà tình thương/từ thiện (House of Compassion) cho dân nghèo địa phương do giáo hội CG đề xướng. Bằng cách nhìn rộng ra xem hoạt động truyền giáo của tòa thánh La Mã vào TK 17, ta có thể thấy rõ hơn phạm trù nghĩa của ‘nhà thương’, một cách dịch trực tiếp từ tiếng Bồ Đào Nha và tiếng La Tinh vào thời kỳ này.

Tóm lại, nhà thương từng có nghĩa là ‘nhà của/cho tình thương’ và xuất hiện trong giai đoạn bình mình của chữ quốc ngữ vì nhu cầu dịch ra tiếng Việt một số hoạt động thiết yếu của giáo hội CG vào TK 17. Sau thời VBL thì có những cách dùng tương đương như ‘nhà thương xót, nhà làm phúc, nhà liệt’ vào cuối TK 18 và đầu TK 19 phản ánh hàm ý nguyên thủy của cơ cấu xã hội từ thiện này. Ngoài ra, nét nghĩa bao quát của nhà thương còn thể hiện khi là nơi giúp đỡ từ người nghèo đến người bệnh, người lỡ đường (lữ khách) cho tới trẻ em mồ côi. Đến cuối TK 19 và đầu TK 20, nhà thương vẫn là danh từ phổ thông ở Đàng Ngoài và Đàng Trong so với những cách dùng khác như ‘nhà kẻ liệt, nhà dưỡng’. Chiến tranh Trung Nhật và khuynh hướng tiếp cận nền văn hóa kỹ thuật ‘tối tân’ của Tây phương cho thấy một số từ mới được chế ra ở Nhật Bản, đa phần dựa vào vốn từ Hán đã có sẵn, nhóm từ vựng này gọi là Hòa chế Hán ngữ (hchn). Nhóm từ vựng này nhanh chóng nhập vào ngôn ngữ trong vùng như tiếng Hàn, Việt Nam và Trung (Quốc), trong đó có danh từ bệnh viện phản ánh nền y tế tiến bộ của Âu Châu. Y khoa Tây phương chỉ khám phá nguồn gốc của bệnh là do các sinh vật cực nhỏ (vi khuẩn) gây ra khoảng cuối TK 19 qua các công trình của hai nhà bác học Louis Pasteur (1822-1895) và Robert Koch (1843-1910) và các thuốc chủng ngừa liên hệ. Các phát minh khoa học đã đưa nền y tế Tây phương lên thế thượng phong, hỗ trợ cho khuynh hướng dùng thuật ngữ mới như hchn trong ngôn ngữ Đông phương. Vào thập niên 1910 và 1920, danh từ bệnh viện chỉ xuất hiện rất hiếm hoi so với danh từ nhà thương[24], tuy nhiên càng ngày danh từ bệnh viện càng trở nên phổ thông hơn cho đến ngày hôm nay. Tiếng Việt và các ngôn ngữ trong vùng cũng trở nên phong phú hơn khi bắt đầu sử dụng hchn. Các xúc tác đầu tiên trong quá trình hội nhập hchn phải kể đến phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục và các báo tiên phong bằng chữ quốc ngữ như Đăng Cổ Tùng Báo, Nam Phong tạp chí, Lục Tỉnh Tân Văn… Ngoài ra, các sách giáo khoa bằng chữ quốc ngữ (td. Quốc-Văn Giáo-Khoa Thư) cũng góp phần không nhỏ trong quá trình đưa các danh từ khoa học kỹ thuật mới đến gần với quần chúng hơn. Vấn đề trở nên thú vị khi khái niệm ‘giúp đỡ vì lòng thương’ được thể hiện qua các hoạt động xây nhà tình thương[25] trong TK 21 này, hay là một dạng của nhà thương theo nét nghĩa truyền thống từ TK 17. Xuyên suốt qua những cách dùng này là lòng bác ái của người với người, thể hiện phần nào qua câu ‘lương y như từ mẫu’ nói lên chức năng chữa bệnh (bệnh viện) cũng như người mẹ hiền trong một gia đình (nhà thương xót). Hi vọng bài viết nhỏ này gợi ý cho người đọc tìm hiểu sâu xa hơn và khám phá thêm nhiều điều rất đáng quan tâm trong tiếng Việt.

7. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

clip_image043 (1774/Quảng Đông à Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).

2) Phillipe Bỉnh (1822) "Sách Sổ Sang Chép Các Việc" NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

clip_image044 (khoảng 1794-1802) "Nhật Trình Kim Thư Khất Chính Chúa Giáo" – xem bài viết trên mạng như https://www.scribd.com/document/118931952/Nh%E1%BA%ADt-Trinh-Kim-Th%C6%B0-Kh%E1%BA%A5t-Chinh-Chua-Giao-Philiphe-B%E1%BB%89nh

3) Jean Bonet (1899) "Dictionnaire annamite-français, langue officielle et langue vulgaire" NXB Imprimerie nationale, E. Leroux – Paris (Pháp quốc).

4) Chen Haijing (2014) "A Study of Japanese Loanwords in Chinese" Luận án Thạc sĩ/MA – Department of Culture Studies and Oriental Languages (IKOS) – UNIVERSITY OF OSLO

5) Karen Steffen Chung (1999) "Some Returned Loans: Japanese Loanwords in Taiwan Mandarin" National Taiwan University – có thể đọc trên mạng như http://homepage.ntu.edu.tw/~karchung/pubs/Japanloans_rev.pdf, v.v.

6) Henri Cucherousset (1924) "Xứ Bắc-Kỳ ngày nay" dịch ra quốc văn (chữ quốc ngữ) bởi Trần Văn Quang – Imprimerie d’Extrême-Oriente Hai Phong – Ha Noi.

7) J. F. M. Génibrel (1898) "Dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

clip_image045 (1906) "Petit dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

8) Francis Gouldman (1664) "A copious Dictionary in three Parts" NXB John Field, London (Anh Quốc).

9) Ưng Hoát (1922) "Y Sinh Chỉ Nam" Guide pratique pour les Infirmiers – Thuc Nghiep Ấn Quán (Hà Nội).

10) Trần Trọng Kim/Nguyễn Văn Ngọc/Đặng Đình Phúc/Đỗ Thận (1930) "Quốc-Văn Giáo-Khoa thư" lớp sơ đẳng – Nha Học-Chính Đông-Pháp xuất bản – in lần thứ tư.

clip_image046 (1935) "Quốc-văn giáo-khoa thư" lớp dự bị – Nha Học Chính Đông Pháp xuất bản – in lần thứ 10.

clip_image047 (1928) "Luân-Lý Giáo-Khoa Thư" lớp dự bị – Nha Học Chính Đông Pháp xuất bản – in lần thứ 3.

11) Trương Vĩnh Ký J.B.P. (1884, 1920) "Petit dictionnaire francais annamite" Imprimerie de l’union Nguyễn Văn Của (SAIGON)

clip_image048 (1867) "Abrégré de Grammaire Annamite" Imprimerie Impérial – SAIGON

12) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) "Mùa Ăn Chay Cả", "Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển thượng", "Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển trung", "Đức Chúa Giê-Su – Quyển chi cửu & Quyển chi thập", "Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh", “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”, "Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh – Quyển thứ ba", “Các Thánh Truyện”. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003, LM Nguyễn Hưng).

13) Joan Segarra Pijuan SJ (1992) "Manresa and Saint Ignatius of Loyola" bản dịch ra tiếng Anh, xuất bản bởi Ajuntament de Manresa, Manresa (Tây Ban Nha).

14) Nguyễn Đức Phong (1925) "Sơ Lược Yếu Học Toàn Thư" soạn theo thể vấn đáp – Tân Dân Thư Xã (Hà Nội).

15) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

clip_image049 (1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

clip_image050 “Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

clip_image051 "Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

16) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).

17) Nguyễn Cung Thông (2013) "Tản mạn về từ Hán Việt thời-thì" có thể xem toàn bài trang này https://khoahocnet.com/2013/06/15/nguyen-cung-thong-tan-man-ve-tu-han-viet-thoi-thi-phan-6-2/ .

clip_image052 (2011) "Tản mạn về từ Hán-Việt: các từ Hán-Nhật-Hán-Việt so với Hán-Nhật-Nhật-Việt" có thể tham khảo toàn bài trên trang này chẳng hạn http://chimviet.free.fr/ngonngu/nguyencungthong/ncthong_HanNhatViet_1.pdf, v.v.

18) Pierre-Gabriel Vallot (1898) "Dictionnaire franco-tonkinois illustré" NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

clip_image053 (1905) "Grammaire Annamite à l’Usage Des Français de l’Annam Et Du Tonkin" Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, HaNoi.

19) Christopher Wase (1662/1675) "Dictionarium Minus, a Compendious Dictionary English-Latin and Latin-English" NXB Maxwell (London, Anh quốc).


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com

[2] Một chữ rất thường gặp trên báo chí thời nay là xenophobia/A hay xénophobie/P là ghét/sợ người nước ngoài (~ bài ngoại): xeno ξένος là người lạ (ngoại quốc) và phobia φόβος (phóbos) là ác cảm – hai ngữ căn trên đều có gốc Hi Lạp. Khí hiếm Xenon cũng có gốc Hi Lạp xenos (lạ) trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học.

[3] Để ý tiếng Anh vào TK 17: mạo từ an đứng trước danh từ hospital vì phụ âm đầu h- của hospital câm (không đọc/mute vì có gốc tiếng Pháp hôpital), bây giờ tiếng Anh dùng a hospital vì phụ âm đầu h- đã được phát âm cũng như các chữ history, host

[4] VBL ghi ægritudo tiếng La Tinh, tiếng Bồ doença đều có nghĩa là bệnh hoạn, ốm đau.

[5] Tuy nhiên VNTĐ vẫn ghi một cách dùng của liệt (với nghĩa cổ của 劣) là kém và cho một thí dụ "bài thi bị phê liệt, Gustave Hue (1937) ghi các cách đọc liệt, luyệt/loạt và cho một thí dụ khác "quyển phê liệt" (hay là quyển sách bị chấm điểm kém/NCT). Cách dùng liệt như vậy không thấy trong tiếng Việt hiện đại.

[6] Có thể xem danh từ ‘nhà thương’ thuộc vào nhóm từ vựng này (đã thay đổi nghĩa từ thời VBL).

[7] Đa số tài liệu ghi thời gian cầu nguyện của LM Ignatius of Loyola là khoảng 7 giờ đồng hồ ở đây, đã được đổi ra giờ An Nam (một giờ An Nam bằng hai giờ Tây phương) thành ra khoảng 3 giờ (đúng hơn là 3,5 giờ/NCT). Thời gian "đi tu" ở Manresa là 11 tháng (khoảng một năm) từ tháng 3/1522 đến tháng 2/1523. Chính trong thời kỳ "đi tu" này ngài bắt đầu một công trình mà sau đó rất nổi tiếng, đó là cuốn Linh Thao (Spiritual Exercises).

[8] Còn gọi là (thành phố) cái nôi của Dòng Tên (< the cradle city of the Jesuit order).

[9] Thời VBL, dấu tích là thương tích khác với nghĩa trong tiếng Việt hiện đại (gấu tích ~ vết tích).

[10] Thật ra tiếng Việt Đàng Trong bắt đầu khác biệt càng ngày càng rõ nét từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh, hay từ đầu TK 17. Đàng Trong ngày càng mở rộng biên giới phía nam (Nam Tiến) và tiếp cận một số văn hóa bản địa cùng quốc tế so với Đàng Ngoài. Thí dụ như VBL đã ghi nhận các cách dùng lợn/heo, vừng/mè, mũ/nón… Đây là một đề tài rất thú vị, tuy nhiên không nằm trong phạm vi bài viết này – xem thêm phụ chú 11.

[11] LM Paul-André Maheu (1869-1931) giảng đạo và lập nhà in ở Qui Nhơn (1904), trại phong (cùi) ở Quy Hòa (1929) – trích báo “Lời Thăm”, Địa phận Qui Nhơn – số 198, 15 Mars 1931 trang 161-163.

[12] Thí dụ như Dòng Đức Chúa Giê-Su thì Đàng Ngoài gọi là Dòng Tên (TVK/1884). Cụ Trương Vĩnh Ký ghi phong là phung, và còn gọi là hủi (Tonkin ~ Đàng Ngoài). Do đó trại phong còn gọi là trại hủi (NCT), sau này còn gọi là trại cùi trong Nam.

[13] Tiếng Đàng Ngoài: trại xẩm là Hôpital des aveugles (P G Vallot – Hà Nội – 1899).

[14] "Ấu Học Quốc Ngữ Tân Thư – Cách Tri, Vệ Sinh" có 66 trang – tác giả Trần Văn Thông dùng nhà thương 1 lần (1908), "Petit lexique de poche français-annamite" của LM Maheu ghi hôpital là nhà thương (sđd, 1910)…

[15] Lục sì (hay lục xì) là một thiên phóng sự của nhà văn Vũ Trọng Phụng/VTP xuất bản năm 1937, thuật lại tình trạng kiểm soát vệ sinh của gái gọi (gái mại dâm) ở Hà Nội dưới thời Pháp thuộc. VTP trích lại lời giải thích của bác sĩ Joyeux – Giám đốc nhà lục xì, kiêm Chánh ngạch vệ sinh (bây giờ là Sở Y Tế) Hà Nội – “lục xì” là ở chữ “Luck sir”, nghĩa là khám bệnh. Do đó lục sì là một phúc đường, một loại nhà thương chữa các bệnh miễn phí (~ dispensaire/P) cho gái mại dâm để ‘hành nghề’ được an toàn. Tuy nhiên, lục sì còn có thể là âm đọc gần đúng của tiếng Anh look – see (khi khám bệnh phải nhìn) theo một bài viết trong Nam Phong Tạp Chí số 16 (1918).

[16] "Quốc-Văn Giáo-Khoa Thư" lớp sơ đẳng, in lần thứ tư năm 1930 (sđd) là sách giáo khoa chính thức cho toàn cõi Đông Dương (do Nha Học-Chính Đông-Pháp xuất bản). Bộ sách giáo khoa này lưu hành từ các thập niên 1920, 1930 và 1940 trước khi ảnh hưởng chính thức (thuộc địa) của Pháp chấm dứt. Sách do các tác giả tên tuổi soạn thảo và có gốc từ trường Thông ngôn – Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận.

[17] Trước thời kỳ ngành y tá trở thành một dịch vụ chuyên nghiệp thì các bà phước thường chăm nom người bệnh, cho nên đồng phục của y tá rất giống đồng phục của các bà phước vào TK 19 – đầu TK 20.

[18] Hòa chế Hán ngữ (Wasei-kango) còn gọi là gọi là Nhật-Chế-Hán-Ngữ 日製漢語 hay Ngoại-Lai-Ngữ 外來語. Hòa 和 nghĩa là Nhật Bản từ thời Nguyên Minh Thiên Hoàng 元明天皇 (707-715), dùng thay cho oa/uy 倭. Có một số từ hchn không thấy hiện diện trong tiếng Việt ngày nay như mẫn cảm 敏感 (nhạy cảm), thừa khách 乘客 (so với hành khách), xuất đình 出庭 (ra toà), công báo 公 報/报 (thông cáo), quốc khố 國庫/国库 (ngân quỹ quốc gia), chế ước 制約 (kìm hãm), chế đường 製糖 (thường dùng sản xuất đường), v.v. Tham khảo thêm bài viết "Từ Hán Việt gốc Nhật trong tiếng Việt" của GS Trần Đình Sử (3/2017) trên trang này chẳng hạn http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhin-ra-the-gioi/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/11752-tu-han-viet-goc-nhat-trong-tieng-viet. Ngoài ra luận án MA (2014) của tác giả Chen Haijing, "A Study of Japanese Loanwords in Chinese" sđd, bàn rất chi tiết về ngôn ngữ và xã hội TQ với các ảnh hưởng đến quá trình tạo ra hchn, và ngược lại hchn cũng ảnh hưởng đến ngôn ngữ và xã hội TQ. Phụ trương của luận án ghi lại 882 từ (Hòa chế Hán ngữ).

[19] Bệnh viện 病院 trong tiếng TQ còn dùng để chỉ những nhà thương có chức năng đặc biệt như trị tâm thần (điên) – td. 精神病院 tinh thần bệnh viện (tiếng Việt gọi là bệnh viện tâm thần ~ Psychiatric hospital/A).

[20] Cuốn sách dạy tiếng Việt cho người Mỹ "Vietnamese – Basic course" của Eleanor Harz Jorden, Charles R. Sheehan, Nguyen Hy Quang & Associates – NXB Foreign Service Institute (U.S.) in năm 1967 dịch hospital là nhà thương (td. ‘nhà thương Grall là tốt hơn hết’). Kinh nghiệm cá nhân của người viết (NCT) trong thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 cũng cho thấy nhà thương và bịnh viện dùng đồng thời ở Sài Gòn (Nam VN). Một điểm đáng chú ý là danh từ nhà thương gần gũi với người VN hơn, dễ tạo ra các cách dùng dân dã như ‘nhà thương điên’ so với cách gọi HV ‘bệnh viện tâm thần’.

[21] Tham khảo bài báo "NGƯỜI SÀI GÒN MỘT THỜI GỌI BỆNH VIỆN LÀ NHÀ THƯƠNG" trên mạng như trang này http://2saigon.vn/xa-hoi/chuyen-nho-saigon/nguoi-sai-gon-mot-thoi-goi-benh-vien-la-nha-thuong.html

[22] Một kiểu bình mới chứa rượu cũ. Trong một câu chuyện kể lại trên facebook: "Lúc tôi thực tập ở Ba Dã Chiến, Mỹ Tho, có một ông già thăm nuôi con trai là thương binh nằm điều trị ở đó, Ổng tán hươu tán vượn oang oang publicly về "hai chữ " Nhà Thương" như thế này: "Mấy ông biết mần sao mà người ta kêu là nhà thương hông?…bởi cái là cái nhà này là cái nhà thương người, ai tới cũng được thương, không ai bị ghét hết trơn hết trọi, coi đi, có ai ghét ai ở đây đâu, nên nó là nhà thương chớ không phải nhà ghét." – tham khảo thêm chi tiết trên trang này chẳng hạn https://www.facebook.com/notes/nam-r%C3%B2m/t%E1%BA%A1i-sao-d%C3%A2n-mi%E1%BB%81n-nam-k%C3%AAu-b%E1%BB%87nh-vi%E1%BB%87n-l%C3%A0-nh%C3%A0-th%C6%B0%C6%A1ng-/440738826120126/. Thật ra cách giải thích ông nhà quê kia lại không khác từ nguyên của ‘nhà thương’ lắm (NCT).

[23] Tham khảo thêm chi tiết trong cuốn "The African Poor: A History" African Studies Series – của tác giả John Iliffe, NXB Cambridge University Press (1987).

[24] Một dữ kiện đáng suy nghĩ và nên nhắc lại ở đây là trong thư khen ngợi vào ngày 8-1-1947, cụ Hồ Chí Minh (1890-1969) cũng dùng danh từ nhà thương "Tôi gửi cho tất cả mọi người trong nhà thương lời chào thân ái…."

[25] Nhà tình thương (almshouse tiếng Anh) còn gọi là bede-house, poorhouse, hay hospital – để ý nét nghĩa truyền thống này của hospital – so với tiếng Pháp là maison de charité, hospice, v.v.

Comments are closed.