Hưởng ứng những bài viết về Ngôn từ, Chữ nghĩa trên Văn Việt:

VỀ MỘT SỐ TỪ GỐC HÁN THƯỜNG BỊ DÙNG SAI

Gần đây, trên Văn Việt, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Nguyễn Đức Dương có loạt bài về việc dùng từ rất thú vị. Tôi thấy rất nên có mục trao đổi cụ thể như thế, ngõ hầu giúp mọi người viết và nhất là giới truyền thông giảm bớt những cái sai, lầm, chưa chuẩn trong việc dùng từ, mà điều đó tác động rất lớn đến cộng đồng, đến sự chuẩn hóa tiếng Việt – lẽ ra phải được tiến hành ngay từ sau ngày đất nước thống nhất.

Nhân đây, tôi chỉ xin nêu lên một số từ có gốc Hán bị dùng sai.

Trong những từ gốc Hán bị dùng sai do mấy thế hệ không được học/ không được tiếp xúc với văn bản Hán-Việt, phổ biến nhất là: “Cứu cánh” (mục đích cuối cùng) đã bị “toàn Đảng toàn dân” (bao gồm khá lớn trí thức khoa bảng và nhà văn, nhà báo), gần đây thấy cả trên một số bài ở hải ngoại (không do Đảng lãnh đạo) hiểu là “biện pháp cứu chữa, giải cứu” – “Yếu điểm” (điểm trọng yếu) bị hiểu thành “điểm yếu”. Sau khoảng 20 năm không ít người lên tiếng chấn chỉnh, đến nay có thể kết luận là cái sai đã vô phương cứu chữa, đành chấp nhận, vì “ngôn ngữ là quy ước của cộng đồng”. Cộng đồng đã nhất trí gọi “thịt dê” là “thịt chó” thì cũng chịu thôi!

Nhưng còn những trường hợp sai chưa thành “định mệnh”, thì ta phải ráng cứu chữa với tinh thần “còn nước còn tát”.

Có những từ bị dùng sai mặc dù từ điển hàn lâm đã định nghĩa hẳn hoi: “Phản tư”: bị nhiều “nhà” dùng với nghĩa “tư duy phản biện”, trong khi Từ điển Triết học VN từ lâu đã giải nghĩa là “sự trở về bản thân nó của tư duy, sự phản ánh, sự khảo sát hành động nhận thức” (ứng với tính từ “reflexive” trong tiếng Anh, Pháp)

Có khi là những từ dịch từ tiếng Anh, Pháp bị những người đầu tiên dịch sai/ chưa chuẩn, dẫn đến cách dùng phổ biến hiện nay.

Có trường hợp dịch chưa chuẩn nhưng không tạo sự sai biệt về nghĩa và đã phổ biến đến mức thành một từ thông dụng: đó là từ “máy vi tính”. Theo một giáo sư người Pháp gốc Việt (nếu tôi nhớ không lầm là GS Hà Dương Tường), chính ông đã dịch từ hai từ tiếng Pháp ghép nhau: “ordinateur” (máy tính) và “micro-processeur” (bộ phận vi xử lý), tức là cái máy tính bé tí bây giờ nhờ có bộ vi xử lý. Nếu “bắt bẻ” từng chữ, thì từ tiếng Việt này sai nghĩa, vì “vi tính” = những phép tính rất nhỏ (???) chứ không phải là “cái máy tính rất nhỏ” (so với cái máy tính lúc đầu “machine à calculer” to bằng cả căn phòng). Dịch đúng thì phải là “máy tính vi xử lý”. Song vì từ “máy vi tính” không gây sự hiểu sai (do không có sự đối lập/ lẫn lộn) với những từ khác, nên người ta vẫn “đoán đúng” ý nghĩa của nó và vẫn sử dụng đến thành quen thuộc.

Trường hợp trên có thể là ngoại lệ, còn lại là không ít từ do dịch sai nên gây hiểu sai trong ngay giới cầm bút, trí thức chứ chưa nói đến đại chúng.

Đây là vài trường hợp tôi đã tình cờ va chạm trong khi làm việc:

· “Hệ thần kinh thực vật”: dịch từ “système nerveux végétatif”. “Végétatif” có nghĩa thông dụng là liên quan đến thực vật, nhưng về “hệ thần kinh” thì các từ điển tiếng Pháp định nghĩa rõ ràng “Le système nerveux autonome (aussi appelé système nerveux (neuro-)végétatif ou système nerveux viscéral) est la partie du système nerveux responsable des fonctions automatiques, non soumise au contrôle volontaire…” , thì dịch cho đúng ý nghĩa phải là “hệ thần kinh tự trị” (autonome, không chịu sự kiểm soát của ý chí).

· “Nhà vô địch về Nhân quyền” (như Thánh Gandhi, Mục sư Luther King…): dịch từ “Champions of Human Rights”. Có người còn dịch một văn bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Tổng thống Mỹ, ca ngợi “nước Mỹ là nhà vô địch về quyền dân tộc tự quyết”. Nghe thật khó hiểu! Tại sao? Hóa ra vì người dịch hơi bị lười tra từ điển, nên cứ dùng ngay cái nghĩa quen thuộc nhất là “nhà vô địch” (trong thể thao), trong khi từ điển Anh (thí dụ Merriam-Webster) nêu nhiều nghĩa của từ “Champion”, trong đó “nhà vô địch” chỉ là nghĩa số 4, còn 3 nghĩa đầu là “chiến sĩ, người đấu tranh, người bênh vực”.

Bottom of Form

Full Definition of CHAMPION

1

: warrior, fighter

2

:  a militant advocate or defender <a champion of civil rights>

3

:  one that does battle for another’s rights or honor <God will raise me up a champion — Sir Walter Scott>

4

:  a winner of first prize or first place in competition; also :  one who shows marked superiority <a champion at selling>

· “Tái cấu trúc”: “Reengeneering” thường được dịch là “tái cơ cấu” hoặc “tái cấu trúc” (thí dụ các nghị quyết về “tái cấu trúc nông nghiệp”…). Ngay việc dùng “cơ cấu” cùng nghĩa với “cấu trúc” đã có vấn đề! Vì “cơ cấu” nếu duy danh định nghĩa phải hiểu là “cấu trúc của bộ máy” (mang tính hữu cơ, gắn kết, tức ở trình độ cao hơn “cấu trúc” thông thường”. Hiểu “reengineering” là “tái cấu trúc” là chưa đúng. “Reengeneering” = Systematic starting over and reinventing the way a firm, or a business process, gets its work done (khởi sự lại, phát kiến lại đường lối vận hành), tức là đặt ra vấn đề căn cơ hơn “tái cấu trúc” nhiều. Có thể dịch là “tái cơ cấu”, nhưng vì sự lẫn lộn đã quen dùng giữa hai thuật ngữ, nên có chuyên gia kinh tế đề xuất dịch là “tái xây dựng”. Dù sao cũng không thể là “tái cấu trúc”.

· “Thuyết kiến tạo”: thuật ngữ này mới thấy dùng thời gian gần đây – dịch từ “constructivism/ constructivisme”. Cũng không có vấn đề gì lớn nếu thuật ngữ “kiến tạo” lâu nay chưa dùng để dịch “elaborate, élaborer” với nghĩa “to work out carefully or minutely; develop to perfection”. Một thuật ngữ lại chỉ hai khái niệm khác nhau, không ổn. Sao không dịch đơn giản là “thuyết xây dựng” (“construire, construct” = xây dựng). Trung Quốc dịch là “kiến thiết thuyết” thì cũng có nghĩa như “thuyết xây dựng” vậy.

Tôi chỉ nêu vài thí dụ tình cờ gặp được, cốt để phát biểu nguyện vọng các tổ chức, cơ quan ngôn luận, nghiên cứu… nên có nỗ lực sao cho hình thành một bộ thuật ngữ thống nhất về các khoa học liên quan nhiều đến đời sống. Ngôn ngữ gắn liền tư duy. Ngôn từ không chuẩn thì tư duy không phát triển được. Văn Việt có nên mở một diễn đàn về chữ nghĩa phục vụ điều này?

Người yêu tiếng Việt

Comments are closed.