Ngô Quốc Phương
Có nhiều chuyển động trong truyền thông và cách nhìn về chính những chuyển động này. Vài dòng chia sẻ sau đây còn phiến diện, thiếu đầy đủ và có thể là nông cạn, hời hợt, trong lúc hằng ngày nhân loại tiếp tục sử dụng truyền thông, sản xuất các hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng truyền thông qua các mạng lưới, mô hình đã đang thấy, và đặc biệt là giới nghiên cứu về thông tin, truyền thông, báo chí luôn có vô số các công trình nghiên cứu và quan sát, phân tích, nhận định, hay dự báo về các lĩnh vực này, nhất là về lý thuyết, lý luận, mà có thể là nhiều như sao trên trời!
Tuy nhiên, xin mạnh dạn chia sẻ một hai điều như sau:
1. Có khách quan chính trị không? Một số cơ quan truyền thông, báo chí luôn trưng bày các tuyên bố của họ về tính khách quan, độc lập này nọ. Hãy hiểu rằng đây là một phần của thương hiệu. Nếu tôi nói, tôi thiên tả, hay thiên hữu, vô thần, hay PR cho một tôn giáo này nọ, đường lối, khuynh hướng kia… đương nhiên tôi sẽ có một lượng khách hàng này, nhưng tôi cũng có thể mất đi một lượng khách khác. Nhưng nếu tôi là bách hóa tổng hợp, thì khả năng tôi có nhiều khách đến từ muôn ngàn nơi chốn khác nhau của tư tưởng, niềm tin, lập trường, nhu cầu, thị hiếu, khuynh hướng, v.v. và tôi có doanh thu tốt hơn, mặc dù đôi lúc tôi sẽ bán các thứ hàng thiếu ‘bản sắc’, thậm chí thấp hơn cả mức ‘thượng vàng hạ cám’. Tiếp theo, mỗi tổ chức hình thành đều có mục tiêu, mục đích của nó, chưa kể nó được tài trợ bởi ai đó, dù là công hay tư, vậy nên ngay việc có mục đích, mục tiêu, sứ mạng ấy đã là một thứ chính trị của tổ chức truyền thông, báo chí đó rồi. Do đó, có thể bạn sẽ mất nhiều thời gian nếu bắt những tổ chức ấy cạy miệng nói ra bí mật của họ, nhưng bạn có thể lặng lẽ quan sát nó theo thời gian và có hệ thống, và đặc biệt theo dõi những phản biện và cả những phê phán của giới chỉ trích, kể cả đối thủ, những kẻ cạnh tranh của các báo đài, hãng tin ấy… nhờ đó, bạn cũng có thể ít nhiều đọc vị ‘chính trị’ của tổ chức truyền thông đó thực sự là gì. Tuy nhiên đôi lúc, mọi sự không hẳn là hai năm rõ mười ngay đâu, nhưng xin chúc bạn may mắn trong khám phá của mình nhé.
2. Tiền bạc, vị thế và ông chủ: Đây là điều rất quan trọng với các tổ chức truyền thông. Nếu bạn là một doanh nghiệp khởi nghiệp trong báo chí, xuất bản, truyền thông, bạn sẽ thấy ngay mấy điều này có ý nghĩa thế nào. (i) Với tiền bạc thì nói vậy là hơi nôm na, thay vì đó bạn sẽ quen dùng các từ ngữ như vốn, đầu tư, lợi nhuận… hơn, còn vị thế thì quan trọng lắm. (ii) Thương hiệu sẽ giúp tạo nên nó, tuy hai không hẳn là một. Bạn nên nhớ rằng ngày nay, vào thời điểm quyền lực thứ tư đã mở rộng ra cho toàn thế giới với kỷ nguyên mạng, số, AI (trí tuệ nhân tạo ở mức cao), với ai cũng vừa là người tiêu thụ, vừa là người sản xuất truyền thông, nếu muốn, thì độc quyền của các nhà đài, nhà báo, nhà xuất bản, hãng thông tấn, hãng media, v.v. này nọ đã có thay đổi, chính họ phải thích nghi và nhiều lúc họ đang chạy thục mạng mới kịp mạng xã hội và công chúng. Tôi ước gì có nhiều thời gian hơn để nói thêm về điều này. Vì nhiều năm qua, và tới nay vẫn có vài gã khổng lồ truyền thông khá chủ quan, thậm chí được cho là kiêu căng, ngạo mạn, dù bên ngoài có thể làm ra vẻ ngược lại, sự thực họ đã và đang ‘ăn mày’ vào dĩ vãng thương hiệu của họ mà thôi. Lợi thế này còn kéo dài bao lâu, thời gian sẽ cho câu trả lời. (Mở ngoặc: Có người nói, một cơn động đất sóng thần lớn như trong các kỷ xa xôi của loài người từng xảy ra – về mặt cách mạng truyền thông, báo chí và quyền lực xã hội – may ra mới làm cho các ông lớn này rụng lông chân và e sợ!). Còn hiện nay, họ khá có vị thế trên thị trường để kiếm tiền, bành trướng và tiếp tục tung tác, tác động vào xã hội và thế giới truyền thông, dư luận và quan điểm. (iii) Ông chủ: đây là chủ đề nhạy cảm với một số. Họ rất ngại nói ra ông chủ đích thực của họ là ai và muốn gì. Nếu các ông chủ là giới buôn bán chính trị, kinh tài, đầu cơ dư luận, buôn vua, thì họ có vẻ lại càng ngại ngần cho biết đích thị chân dung, động cơ của giới này ra sao.
Thế giới phức tạp, truyền thông chính là một tấm gương phản chiếu, và ngay cách thức chúng ta tiêu thụ truyền thông cũng là một cái gương thứ hai, phản chiếu thế giới và chuyển động của thế giới này. Cuối cùng, xin chia sẻ là bạn sẽ là người may mắn lắm đấy, nếu như đôi lúc bạn là một nhà quan sát âm thầm, tự có quyền biết đủ thứ, nhưng lại chẳng ai, hay chẳng mấy ai thực sự biết bạn là ai!
20/2/2019, Kent, Anh Quốc