Văn học miền Nam 54-75 (199): Võ Hồng (2)

Bóng dáng lịch sử và làng quê

trong một ít truyện ngắn Võ Hồng

Trần Xuân An

NVTPHCM – “Nhà văn Võ Hồng cùng với ba nhà văn khác tại Miền Nam, thời kì 1954-1975 – Sơn Nam, Vũ Hạnh, Nguyễn Văn Xuân – được người đọc trân trọng, yêu mến vì tính dân tộc thể hiện trong tác phẩm. Dĩ nhiên, ở Võ Hồng, vẫn có những nét khác biệt, khác biệt ngay cả phần hạn chế của ông.”

 

A.

Có một nhà văn, hầu như toàn bộ tác phẩm được ông viết ra, suốt cả cuộc đời trường thọ của mình, đều gắn bó với Phú Yên – quê hương bản quán – và một vài tỉnh lân cận. Đó là nhà văn Võ Hồng. Có một nhà văn, tác phẩm của ông khiến cho vài ba thế hệ người đọc đều cảm mến, không những cảm mến về giọng văn mà cả cách nhìn đôn hậu, thậm chí hình như không muốn mích lòng ai của tác giả, đồng thời cảm mến phần lớn những nhân vật ông thương quý, vốn có nếp sống chừng mực hoặc chân chất; và lạ thay, cả vài ba thế hệ người đọc dường như sẵn lòng bỏ qua những hạn chế về chính kiến, tư tưởng mà trong hoàn cảnh lịch sử nhất định, ông chưa vượt qua được hay không muốn vượt qua. Đó cũng là nhà văn Võ Hồng.

Với hơn mười tập truyện, trên năm tiểu thuyết và vài tập thơ, có thể nói sự nghiệp văn chương của Võ Hồng như một trang trại hoa lá khá rộng. Tuy vậy, về truyện ngắn, truyện vừa, có thể ông đã thành thật chỉ ra cho người đọc mươi gốc bông, gốc cây ông tâm đắc nhất. Thêm vào đó, một số người thưởng ngoạn lại bình chọn vài ba gốc khác.

Và cũng như tác phẩm của những nhà văn có nội lực, mặc dù chỉ hơn mười truyện ngắn, truyện vừa cần được lưu tâm ngẫm nghĩ, người đọc cũng có thể có những hướng tiếp cận với các thẩm bình khác nhau. 

B.

I. Trong những truyện được chính nhà văn xem là đáng chú ý

Thông thường, tác giả các tập truyện nếu không chọn một tên sách chung cho cả tập, đều chọn nhan đề của truyện nào đó mình thích nhất trong cả tập, để đặt làm tên sách. Tôi cũng nghĩ, nhà văn Võ Hồng hẳn không thuộc vào số tác giả chịu bị chi phối bởi thị hiếu của thị trường sách báo, nên không dễ gì các nhà xuất bản có thể can dự vào việc đặt tên sách, cụ thể như đặt tên cho mỗi tập truyện bằng tên của một truyện ngắn độc giả thích chứ không phải nhà văn thích. Khởi đi từ suy luận đó, tôi thật sự chú ý đến tám truyện ngắn và một truyện vừa: 1) Hoài cố nhân (1959); 2) Lá vẫn xanh(1962); 3) Vết hằn năm tháng (1965); 4) Con suối mùa xuân (1966); 5)Khoảng mát (1966); 6) Người về đầu non (truyện vừa, 1968); 7) Bên kia đường (1968); 8) Những giọt đắng (1969); 9) Trầm mặc cây rừng (1971)… Đây lại là những truyện được chọn in trong “Tuyển tập Võ Hồng” (2003), do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và nhà xuất bản Văn Nghệ TP.HCM. ấn hành.

“Hoài cố nhân” là tập truyện đầu tay được xuất bản của nhà văn, sau hai mươi năm cầm bút, kể từ 1939. Trong tập truyện này, truyện ngắn “Hoài cố nhân” được tác giả viết khá kĩ lưỡng và công phu, kéo dài đến khoảng 37 trang sách. Bối cảnh chủ yếu là những năm trước khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra và một thời gian ngắn khi cả nước đã bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Trước hết, đó là chuyện tình yêu đương giữa hai người học sinh trung học tên Lý và tên Xuân. Nhưng hầu như “Hoài cố nhân” là tiểu truyện về một con người, vốn là bạn cùng quê, bạn học thuở ấu thời tại tỉnh nhà cho đến khi cùng học với nhau tại Hà Nội… Chính nhân vật kể chuyện, xưng tôi, đã nói rõ, đó không phải chỉ là chàng trai tên Lý nhớ Xuân, cô bạn học, là người yêu, trải qua một thời gian trở thành “cố nhân”, rồi về sau là vợ của anh ta, mà còn là tác giả nhớ đến cả hai người bạn cũ, cả Xuân lẫn Lý, nhưng chủ yếu vẫn là Lý. Dõi theo cuộc đời từ tấm bé cho đến khi mất của Lý, nhà văn Võ Hồng miêu tả lại cảnh học trò trường làng, trường phủ tại Phú Yên và cảnh trọ học tại Hà Nội cùng những biến động lịch sử, trong đó nhân vật Lý đã vì ảo tưởng về chủ nghĩa Đại Đông Á của Nhật, y trở thành tay sai của phát-xít. Nhân vật Lý ảo tưởng đến mức độ bỏ học, quyết chấm dứt cả mối tình si, thắm thiết với Xuân để dấn thân vào hàng ngũ hiến binh Nhật! Đến khi vỡ mộng, Lý cay đắng nói: “Người Nhật họ không thật tình đối với ta”! (sđd., tr. 34). Lý về quê cưới Xuân, nhưng vẫn còn đứng trong hàng ngũ phát-xít Nhật. Cái gọi là đỉnh cao của Lý: “Vụt đến ngày Nhật đảo chính, Lý hầu như thành nhân vật trong một thiên anh hùng ca cho cả vùng đó” (tr. 37). Thế rồi, Nhật đầu hàng. Sau Cách mạng Tháng Tám nổ ra, cuộc kháng chiến bắt đầu được vài năm, Lý lại tham gia cách mạng với “một chức nhỏ phụ giúp ở Ty Cứu tế xã hội” (tr. 39). Lý bảo: “Cứu giúp những người khổ, đó là cái việc rõ ràng khỏi phải cân nhắc lí luận lôi thôi…”. Lý tiếc là mình không phải một y sĩ, vì theo y, y sĩ chỉ có kẻ thù là bệnh tật, “ông ta cứ cắt, cứ mổ, cứ tiêm. Lương tâm để ông ngủ yên”. Lý nói như vậy, để khẳng định: “Lương tâm, tôi có” (tr. 39). Cuối cùng, năm 1949, Lý chết do ngã bệnh trong một chuyến đi công tác thăm trại tế bần, với tư cách một viên chức của Chính phủ Kháng chiến. Còn Xuân? “Lấy chồng rồi. Lấy chồng năm 1953 rồi” (tr. 44).

Truyện ngắn “Hoài cố nhân” của Võ Hồng lưu giữ được những chi tiết về hiện thực làng thôn Phú Yên, thành phố Hà Nội cùng những những tâm tư, tình cảm và suy nghĩ, của một vài bộ phận xã hội bấy giờ, và chừng như Võ Hồng còn muốn biện minh, giãi bày trước người đọc về ảo tưởng, lầm lạc của một số người Việt Nam có học, của cả một số nông dân ở các làng thôn nước ta, khi phát-xít Nhật chiếm đóng, với chiêu bài mị trá “Đại Đông Á” của chúng.

Đề tài thời Nhật chiếm đóng lại được nhắc đến trong truyện “Vết hằn năm tháng”,mặc dùchủ yếu truyện này thể hiện diễn biến tâm trạng bâng quơ của các nhà giáo làm giám khảo trong một kì thi tú tài. Trong những liên tưởng, hồi ức do những cớ sự ngẫu nhiên của nhân vật nhà giáo (nhân vật kể chuyện), có một mảng nhớ lại thời phát-xít Nhật chiếm đóng qua số phận của một phụ huynh của một thí sinh. Nhà giáo tình cờ đọc được một tấm phiếu thí sinh khi đồng nghiệp lập danh sách đỗ, trong đó, cha mẹ của thí sinh ấy vốn là bạn cùng quê của nhà giáo! Và tuy chỉ là dân quê, là tuyên truyền viên ở làng cho Nhật, nhưng cha của thí sinh ấy cũng tương tự như số phận của nhân vật Lý trong “Hoài cố nhân”. Nhà văn kể tiếp qua nhân vật xưng tôi: “Tiếp tới, Nhật Bản đầu hàng. Cách mạng Tháng Tám nổ. Cách mạng nổi lên, anh đương nhiên bị coi là người của chế độ cũ. Danh hiệu này là một vinh dự quá to đối với anh. Tuy vậy, nó làm cho anh lo sợ mất ăn mất ngủ, vì vào những ngày đầu Cách mạng, ai nấy đều vũ trang dao găm và lựu đạn. Sau đó, theo chính sách tận dụng khả năng dân chúng, không phí phạm nhân tài, vật lực, anh được sung vào làm thủ quỹ cho Hội giúp binh sĩ bị nạn”(tr. 1179). Duy có điều, vì phiếu thí sinh chỉ gồm những thông tin tối thiểu, vắn tắt, nên chỉ một chữ c trong ngoặc đơn, có nghĩa là chết, không cho nhân vật nhà giáo hiểu được lí do dẫn đến cái chết của người cha thí sinh. Kí ức của nhà giáo hoàn toàn không có đoạn kết này… Thật ra, đây chỉ là một liên tưởng nhỏ, thoáng qua nhưng đậm nét, giữa một chuỗi tâm trạng tản mạn cùng những sinh hoạt tạm bợ trong nửa tháng chấm thi của một viên giáo sư trung học.

Và đây là ở truyện ngắn khác: “Trong suốt mười năm tham gia kháng chiến, tôi đã lang thang đi khắp mọi miền của tỉnh Phú Yên, in dấu chân ở gần khắp mọi xã thôn… […] … Năn đó tôi đang làm việc ở Phân ban Cực nam thì có chủ trương biên chế tổ chức mới. Tôi bị để ra ngoài biên chế. Trong khi chờ học một nghề mới để làm kế sinh nhai, tôi được một gia đình học sinh cũ của tôi mời về tá túc” (tr. 1067). Nhân vật “tôi”, người kể chuyện trong truyện ngắn “Trầm mặc cây rừng”, chỉ nói thoáng qua như vậy để đi vào một chuyện tình cảm trong tình cảnh vợ mất sớm. Thì ra, lòng vẫn còn hoài nhớ cô gái quê tên Thịnh, hồi nhân vật “tôi” còn tá túc ở làng cô, trong bối cảnh sau khi bị đẩy ra khỏi biên chế của một cơ quan Việt Minh kháng chiến.

Phải nói rằng, “Trầm mặc cây rừng” là một truyện ngắn khá cảm động, chú trọng phân tích tâm lí nhân vật. Đó là một loại tâm lí của người dù đã ra thành thị sinh sống, phong lưu về vật chất, nhưng vẫn khôn nguôi thương nhớ, biết ơn những người đã cưu mang, thương mến mình khi mình khốn khó, không nơi nương tựa, trong đó có cô gái Thịnh. Tuy thế, phải chăng đó cũng là tâm lí của một người cảm thấy được an ủi khi người mình có thể yêu, lấy làm vợ kế là một người mặc cảm tự ti trước mình và phải chịu ơn mình? Nếu không thế, thì sao nhân vật “tôi” lại nhấm nháp nhiều lần điệu nhạc và đôi câu ca từ tầm thường nhưng nhân vật cho là phù hợp với cảnh huống:“Em biết thân em phận gái nghèo hèn…”?

Để phản ánh hiện thực xã hội thời mình sống, nhà văn Võ Hồng còn viết những truyện ngắn có bối cảnh là Miền Nam trong những năm 60 – 70 / XX.“Khoảng mát” là một truyện như thế. Truyện kể về một người trong những năm tháng tản cư ra thành thị, phải làm công việc của một người thu tiền rác mỗi tháng ở một xóm dân nghèo. Trong một lần, anh gặp lại người yêu cũ, nay đã là vợ của một người Mỹ. Hai người ở tình huống bất đắc dĩ phải nhận ra nhau, cùng ngồi uống nước với nhau, và không thể không nhắc lại kỉ niệm cũ. Cô thôn nữ nay đã dày dạn, nhắc lại kỉ niệm về nụ hôn của anh vào gò má cô, trên một rộc đất trồng rau muống ở quê nhà. Đó là “khoảng mát”trong hoài niệm không bao giờ quên được!

Một khía cạnh khác của xã hội đã được thể hiện trong truyện ngắn “Lá vẫn xanh”. Có lẽ đây là sự phản ánh về một loại thông tin thuộc lĩnh vực huyền bí nhảm nhí về ngày tận thế vào những năm đầu thập niên 60 / XX, đến nay không còn “nóng sốt” trong xã hội nữa. Tuy vậy, chút triết lí nhà văn cảm nhận được về ngày tận thế mới chua chát biết bao! Tận thế, đó là lúc tất cả đều chết, nên đó mới là lúc khát vọng công bằng tuyệt đối, thậm chí là công bằng thực sự, được thực hiện trên thế gian này!

Trong những truyện ngắn còn lại, “Con suối mùa xuân”, “Bên kia đường”,“Những giọt đắng”, đề tài là những tình cảm yêu đương, thất tình, cưới hỏi, tâm lí phân vân, hối tiếc về việc từ chối tái giá và mong tái giá của một phụ nữ… Một điều có thể nhận ra là Võ Hồng luôn luôn là một người biết kìm nén tình cảm, giữ được sự chừng mực đến mực thước một cách đáng quý. Ông là một trong dăm nhà văn ý thức rất rõ tính thiện của văn chương, trong bối cảnh văn đàn thời bấy giờ.

2. Trong “Người về đầu non” và ba truyện ngắn được người đọc đề cao

“Người về đầu non” lại là một truyện vừa, với độ dày khoảng một trăm trang sách (tr. 504 – 604). Đây là loại truyện khác với phần lớn trong số truyện ngắn trên, vốn là những lát cắt của hiện thực hoặc là những sợi chỉ cùng một màu được rút ra khỏi mớ chỉ đa sắc trong dung lượng hiện thực của kí ức.“Người về đầu non” gần với “Hoài cố nhân” ở tính chất tiểu truyện, truyện chỉ về một nhân vật nào đó. Trong truyện, hình tượng nhân vật được khắc hoạ thật công phu, tỉ mẩn, trong một khoảng thời gian từ bé đến trung niên hay gần như thế, kể từ lúc thành niên đến tận cuối cuộc đời của nhân vật. Ở cả hai trường hợp, nhân vật đều được thể hiện trọn vẹn con người với các chiều kích cụ thể. Nhưng dẫu sao, “Hoài cố nhân” vẫn chứa đựng một loại nhân vật khác với ba truyện kia, đó là nhân vật có học, dấn thân và lầm lạc về chính trị, cuối cùng đã ít nhiều phục vụ công cuộc kháng chiến sau Cách mạng Tháng Tám.

Xét trên hai phương diện, về kĩ thuật dựng truyện, về loại nhân vật, “Người về đầu non” gần gũi với hai truyện ngắn “Dấu chân sa mạc”“Thế giới của Năm Nhiều”. Riêng“Tình yêu đất”,ở đó, tuy cả con người và tính cách một nhân vật cũng được khắc hoạ, nhưng tác giả chú trọng vào việc thể hiện khát vọng và lòng thiết tha yêu mến đất của nhân vật nhiều hơn, tập trung hơn. Cả bốn truyện này được người đọc, chứ không phải tác giả, đánh giá cao (*).

“Tình yêu đất” là chuyện kể về lão Túc (tên trong giấy tờ là Nguyễn Đương). Đó là một người nông dân cùng đinh, nghèo đến mức không có một tấc đất riêng. Ông nhìn vào những nhà có đất, có lúa, nhà cao cửa rộng, vườn tược sum suê, để âm ỉ, rồi bùng lên niềm khao khát khiêm tốn mà khôn nguôi là được sở hữu một mảnh đất. Mảnh đất ở Gò Đình sở dĩ bị bỏ hoang là vì nó gần với nghĩa trang của làng, và vì cả làng đều nghe người đời trước truyền ngôn lại, đó là đất nền của đình làng cũ, từ lâu ngôi đình đã được dời qua nơi khác. Lão Túc cũng biết thế, nhưng lòng khao khát đất đã cho ông sức mạnh để vượt qua nỗi sợ sự trừng phạt của huyền bí. Ông ra tay khai phá. Nhà văn Võ Hồng hầu như đồng cảm với nhân vật đến mức sâu sắc nhất, nên từ chi tiết đến giọng văn là cả một niềm say mê, như lão Túc say mê bổ từng nhát cuốc, phát từng nhát rựa khai hoang, gieo từng nắm hạt giống, cấy từng chẹn mạ, sung sướng đến ngây ngất khi thu hoạch. Bên cạnh ông, là đứa con trai say mê cô gái làng, nay đã lên ở phố, đến mức anh ta cũng bỏ làng lên phố tìm cho ra người yêu. Cũng bên cạnh ông, là người vợ luôn ăn hiếp chồng, thường xuyên chế riễu việc khai phá đất hoang của ông. Hai nhân vật phụ này thực sự cũng chỉ hiện hữu trong truyện như các chi tiết, chứ không phải là hai tính cách hoàn chỉnh, chỉ nhằm làm nổi bật niềm đam mê đất của lão Túc, bất chấp tất cả, không những ám ảnh thần linh truyền đời mà cả sự bất hợp tác của vợ con. Duy người thư kí địa bạ thuộc chính quyền xã ủng hộ ông, giúp ông đăng kí quyền nghiệp chủ. Đó là lúc niềm sung sướng sở hữu đất đã lên đến tột đỉnh. Để rồi, từ điểm đỉnh đó, bi kịch xảy ra: Đứa con trai đi hoang trở về với cái chân què cùng niềm đau – người yêu cũ đã bỏ anh, theo người khác, rồi trở thành gái ăn sương! Và bi kịch thê thảm nhất là chính ông Túc bị rắn hổ mang cắn, khi ông đang thu hoạch hoa màu trên chính mảnh đất ông đã là nghiệp chủ. Ông lìa đời do nọc độc đã ngấm sâu, trong sự chăm lo, niềm thương tiếc của vợ con, chòm xóm láng giềng. Dẫu vậy, láng giềng vẫn còn thì thầm vào tai nhau về sự huyền bí của mảnh đất Gò Đình: “Các đẳng ở đó… linh lắm” (tr. 1154).

“Thế giới của Năm Nhiều”, một trong những truyện ngắn khắc hoạ chân dung nông dân của Võ Hồng, thể hiện một con người có thiên tư bẩm sinh về tín ngưỡng. Thế giới của Năm Nhiều là những bàn thờ, trang thờ trong nhà, lư nhang dưới gốc cây trong vườn. Nói cho đúng, tập tục thờ cúng ông bà, tổ tiên vốn là bản sắc văn hoá tốt đẹp của người Việt. Chính niềm tín ngưỡng hiếu nghĩa này đã tạo nên bản lĩnh Việt, giúp người Việt đứng vững trước sự xâm thực của các luồng văn hoá, tà giáo ngoại lai. Có điều, vì là thiên tư bẩm sinh (và tác giả còn chứng minh là đúng như mệnh thân của nhân vật,“có tử vi cư Mão Dậu gặp Kiếp Không”!), nên ở nhân vật Năm Nhiều, sự biểu hiện của phong tục ấy là thái quá, trượt qua mê tín quỷ ma, và bền bỉ suốt đời, như nghiệp dĩ. Ngay từ tấm bé, Năm Nhiều đã thích cúng bái, tế lễ, khói hương. Anh đam mê tín ngưỡng đến mức không quan tâm đến chuyện lập gia đình riêng. Anh cũng không trở thành tu sĩ Phật giáo ở chùa làng, mặc dù anh cũng yêu mến chùa làng. Điều đó xác định rằng Năm Nhiều là một người thuần lương, với nghĩa thuần thành với đạo thờ cúng tổ tiên, ông bà, rất thuần Việt. Đến khi ngoài bốn mươi tuổi, vì chiến tranh, Năm Nhiều phải ra phố thị tản cư, kiếm sống, đành lập gia đình với một phụ nữ trẻ chết chồng đã có bốn đứa con riêng, thì ngôi nhà của người vợ ấy cũng trở thành nơi có nhiều bàn thờ, trang thờ và thường xuyên hương khói, vẫn một cách truyền thống nhưng ở mức thái quá.

Cũng là chuyện làng quê, nhưng nhân vật lại là một điền chủ. Đó là cô Ba Hường, trong truyện “Dấu chân sa mạc”. Chính Võ Hồng ngầm thể hiện thái độ của mình về nhân vật này khi ông miêu tả: “Ngoại trừ mấy bà quý phái ở thành thị còn chỉ có vợ Huê kiều và đĩ mới cạo, gọt cho chân tóc thẳng hàng như một đường vẽ như vậy” (tr. 243). Đó không phải là loại người quý phái nếp nhà, mà chỉ là những kẻ vốn không đứng đắn lại học đòi quý phái bằng cách gá thân hay bán thân vì tiền. Mặc dù hơi nghiêm khắc như thế, nhưng suốt câu chuyện, không phải thiếu niềm thông cảm của nhà văn đối với cô Ba Hường, người con gái lấy Hoa kiều vì tiền, chứ không phải vì tình, rồi người chồng Tàu chết sớm, để cô ở trong cảnh giàu có nhưng cô đơn, cô độc. Theo nhà văn, do Ba Hường là một thân phụ nữ trẻ, có ruộng cho tá điền làm rẽ, phải thường xuyên cảnh giác với đủ mọi mánh khoé lặt vặt làm hao hụt tô tức thu được, nên cô ta trở nên khắt khe, thậm chí có vẻ cay nghiệt trong những kì thu hoạch, cân đong… Võ Hồng cũng chỉ ra rằng, chính vì giàu có, tuổi còn trẻ như vậy, lại chưa có con, nên Ba Hường còn là “miếng mồi ngon” của nhưng hương kiểm, thầy lại, trợ giáo “đào mỏ”, muốn lấy cô làm vợ bé. Về khía cạnh này, lại có “sự can dự” của nhân vật “ba tôi” của người xưng “tôi” để kể chuyện, nhưng nhân cách hoàn toàn khác với những kẻ chức sắc làng tổng, trợ giáo kia. Mặc dù không được học nhiều, chẳng đỗ đạt gì, nhưng nhân vật “ba tôi” vẫn mang trong máu chút sĩ khí của một hàn nho biết tự trọng. Vợ ông mất sớm, khi ông đâu đã già, để lại ông trong cảnh gà trống nuôi con. Ai cũng bảo ông nên tục huyền, kiếm kế mẫu cho đàn con, và đó không phải không hợp tình hợp cảnh. Cô Ba Hường lại là người ở sát hàng rào nhà ông! Hai người xem bộ cũng đã có cảm tình với nhau, mặc dù chưa nói với nhau lời nào. Chi tiết cô Ba Hường thường tỏ vẻ trìu mến chú bé “tôi”, khiến người đọc ngỡ sự kết hợp giữa nhân vật “ba tôi” và cô Ba Hường là chuyện không thể không diễn ra. Nhưng có một hôm, khi nhân vật “ba tôi” ngồi trồng vài gốc cà chua với nhân vật “tôi”, ông nghe được câu chuyện giữa cô Ba Hường với hương kiểm Mót – người dạm mối cho một ông lại mục về hưu –, có ý chê nhân vật “ba tôi” nghèo hơn viên cựu lại mục, khiến ông bị xúc phạm lòng tự trọng, và quyết chấm dứt mối cảm tình chưa một lời thốt ra ấy. Và kế đó, viên cựu lại mục kia một hôm tìm cách để ở lại ban đêm tại nhà cô Ba Hường. Ông được sắp xếp ngủ tại hàng ba, cách ngăn với nhà trong bằng một dãy song can. Thế rồi, nửa đêm, y bị cự tuyệt. Trên trán y, có vết máu. Còn cô Ba Hường xuất hiện trên sân với cây đèn trong dáng vẻ xộc xệch, áo bị xé rách, tóc bị xoã tung, và nét mặt cô đanh lại, đầy giận dữ. Rồi ngày tháng trôi qua, cho đến khi cô Ba Hường đã đến tuổi hồi xuân, có ngờ đâu lại có lời đồn đoán cô ta lại dan díu quan hệ bất chính với một tá điền trai trẻ. Thêm vào đó, chính Thủ Phò, người hàng xóm phía bên kia vách rào nhà Ba Hường, đối xứng với nhà nhân vật “ba tôi”, lại quyết hại người, giở trò hô trộm giữa đêm, khiến cả xóm thức dậy, rồi tung tin kẻ trộm chính là tên tá điền trai trẻ, mới vào nhà Ba Hường ra (tr. 256 – 259)! Nhà văn viết: “Thủ Phò, – lại cũng Thủ Phò –, để mắt dòm dỏ nhiều hơn hết nên những tin xấu đều do miệng Thủ Phò phát ra. Tại sao Thủ Phò xấu miệng? Tôi cho rằng lí do là bởi cô Ba giàu còn ông thì nghèo. Chắc chỉ vì lòng ghen ghét… […] … Lão tin chắc rằng dù thèm khát đàn ông, cô Ba cũng không bao giờ nghĩ đến lão. Không ăn được thì lão phá vậy. Một đêm kia tôi nghe có tiếng l “ăn trộm! Bớ làng xóm ơi, ăn trộm! Ăn trộm!”… (tr. 256 – 257).Thủ Phò phá mối quan hệ bất chính giữa cô Ba Hường với gã tá điền trẻ chăng? Hay đó là vụ trộm có thật nhưng chưa thành, nhờ Thủ Phò “phá”? Hoặc giả, phải chăng, vụ hô trộm cũng có thể do Thủ Phò dàn dựng, nên người đọc có thể nghĩ rằng, bóng người chèo ghe trốn thoát trên sông khuya có lẽ cũng là người do y thuê mướn!? Nếu thế, thủ đoạn thâm độc đến thế là tột cùng! Người ta càng tin khi cô cứ ở lì trong nhà và rời nhà cả tháng trời, bảo là đi chữa bệnh, mà thiên hạ cho rằng cô ta dính bầu và đi xa để sinh nở, gửi con cho ai đó nuôi! Thêm vào đó, còn có nhiều tình tiết, chỉ được xét trên bề mặt của các tình tiết đó, theo cách suy diễn quy nạp, đều có thể kết án Ba Hường. Chuyện của Ba Hường, về khía cạnh này, là cả một tấn bi hài kịch. Đó là bi hài kịch của một gái goá còn trẻ, giàu có, ở nông thôn, không có đối tượng ngang nhau về của cải, không chịu làm vợ bé, không muốn bị “đào mỏ”, hoặc giả, không thể sống độc thân thanh tịnh, bị sự ghen ăn ghét ở của hàng xóm mà mang tai tiếng. Ở đời, có hàng xóm tốt (hai nhân vật “ba tôi”, “dì tôi”), cũng có hàng xóm xấu (Thủ Phò…)! Ở nông thôn, người ta lại có thói tệ là không cần đến quả tang, không cần chứng cứ xác thực đã được thẩm tra, giám định (như luật pháp quy định, khi quy kết một ai đó), mà chỉ thích tin đồn, không rõ thực hư, thích lời suy diễn, thêu dệt, đơm đặt! Nhà văn viết: “Ở miền tôi, câu chuyện nào li kì thì được người ta nghe và truyền đi, không cần xét xem là đúng hay sai sự thật. Chuyện nào hay thì được coi là thật. Nghe chuyện người khác là một lối tiêu khiển. Miền quê nghèo nàn không có hát bội, không có kịch nhạc nên mới chịu một tâm trạng ích kỉ kém lịch sự như vậy” (tr. 259). Rồi ngày tháng cũng cứ trôi qua cho đến khi Ba Hường trở thành một bà già héo hon, chết trong tư thế ngồi bệt ở nền nhà, đầu ghếch lên một góc tường (tr. 265).

“Dấu chân sa mạc” là một truyện ngắn được viết theo lối khắc hoạ gần như trọn đời một nhân vật, kể từ khi nhân vật còn rất trẻ cho đến khi thành bà lão, chết trong cô độc.

Với cách viết của Võ Hồng ở truyện ngắn này, nhà văn có thể đưa người đọc đến những hướng suy diễn khác nhau, không những trong vụ có tin đồn đoán liên quan đến người tá điền trẻ, mà còn ở vụ viên cựu lại mục ở lại vào ban đêm (người ta không hiểu vì sao dãy song can lại có thể mở được giữa khuya?). Vì có thể suy diễn với nhiều hướng khác nhau như vậy, nên vô hình trung Võ Hồng đã treo lên giữa trời những dấu hỏi (gieo rắc nghi án). Theo nguyên tắc đạo lí và pháp lí, điều gì đã rõ mười mươi mới viết, nếu không thì không nên viết một chữ nào. Từ đó, người đọc không thể không thầm hỏi, phải chăng “Dấu chân sa mạc” là một truyện ngắn trượt ra ngoài phong cách đôn hậu của Võ Hồng? (*).

“Người về đầu non” cũng thuộc loại truyện như thế, mặc dù đây là một truyện vừa, tuy có người xếp vào loại tiểu thuyết. Đó là chuyện kể về cuộc đời ông bác ruột của nhân vật “tôi”. Vợ chồng ông không con, nên “tôi”, vốn là con ruột của em trai ông, được ông đưa về nuôi từ tấm bé, cho ăn học, lo cả chuyện cưới vợ cho cháu, như một người cha đẻ, lại thương yêu, lo lắng cho đàn cháu gọi ông bằng ông, như ông nội ruột. Suốt cả một trăm trang sách, cuộc đời ông bác được nhân vật “tôi” hồi ức, viết lại với giọng văn biết bao là trìu mến, nhưng không vì thế mà chất hiện thực của câu chuyện bị mờ lấp. Nói chính xác hơn, lòng trìu mến của “tôi” chìm ẩn trong những chi tiết rất thật, và những chi tiết ấy lại chính là những gì đã thành ấn tượng sâu sắc như hoài niệm đầy thương yêu và biết ơn. Qua cuộc đời dài bảy, tám mươi tuổi của ông bác, gắn liền với cuộc đời nhân vật “tôi”, câu chuyện chứa đựng biết bao chi tiết của một làng thôn thuộc tỉnh Phú Yên được ghi nhận, tái hiện sinh động, với một giọng văn trong sáng, đôn hậu và giàu chất hoài niệm, khiến “Người về đầu non” trở thành một truyện vừa cứ mãi mời gọi tìm về một thời quá khứ của nông thôn Nam Trung bộ xưa, cứ mãi ngân nga trong lòng người đọc.

C.

Nhà văn Võ Hồng cùng với ba nhà văn khác tại Miền Nam, thời kì 1954-1975 – Sơn Nam, Vũ Hạnh, Nguyễn Văn Xuân –, được người đọc trân trọng, yêu mến vì tính dân tộc thể hiện trong tác phẩm. Dĩ nhiên, ở Võ Hồng, vẫn có những nét khác biệt, khác biệt ngay cả phần hạn chế của ông.

Chưa nói đến toàn bộ tác phẩm của nhà văn Võ Hồng, chỉ ngay mười một truyện ngắn, một truyện vừa kể trên, bài viết này cũng mới thử khảo sát ở hai khía cạnh. Đó là bóng dáng lịch sử và hình ảnh con người làng quê ở vài làng thôn thuộc tỉnh Phú Yên. Nói rõ ra, như thế là phiến diện. Nhưng để đầy đủ, trọn vẹn, việc nghiên cứu, phê bình phải dẫn đến cả một chuyên luận khá dày về số trang.

Dẫu còn những hạn chế, về lịch sử, về tư tưởng, nhưng tôi tin nhiều thế hệ người đọc vẫn sẵn sàng mỉm cười lướt qua để chú mục, lưu tâm đến những mặt sáng, không thể tìm đâu ra, nếu không tìm ở tác phẩm Võ Hồng. Toàn bộ tác phẩm của ông đã trở thành di sản văn chương về một thời kì ở một miền đất nước, trong nền văn chương dân tộc, mặc dù ông hiện vẫn còn sống, ở tuổi suýt soát chín mươi. Có di sản văn chương nào mà không tồn tại mặt hạn chế! Vấn đề là thái độ của các thế hệ hậu bối đối với di sản ấy.

___________________

(*) Nhiều tác giả, “Từ điển văn học”, bộ mới, Nxb. Thế Giới, 2004, tr. 2005 – 2007 (xem mục từ “Võ Hồng”). Sở dĩ tôi dừng lại khá lâu ở truyện “Dấu chân sa mạc” với thiển ý của mình, là vì truyện này được đánh giá là hay nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Võ Hồng.

Nguồn: http://nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/nghien-cuu-phe-binh/tran-xuan-an-doc-truyen-ngan-vo-hong.html

Comments are closed.