(tiếp theo và hết)
Lê Minh Hà
9.
Cái thoáng đãng đó, cái chậm rãi yên bình của những ngày tháng đó người ta có thể tìm thấy ở một thành phố khác: Đà Nẵng.
Có phải nhu cầu tìm cho mình xanh và sạch, yên tĩnh, mà vẫn tiện nghi để sống chậm lại làm cho nhiều người Hà Nội ngợi ca Đà Nẵng, đoan quyết rằng Đà Nẵng là thành phố đáng sống nhất Việt Nam? Mà chẳng cứ người Hà Nội, người Sài Gòn cũng.
Chí ít thì với tôi mùa hè này Đà Nẵng đúng là thành phố đáng sống nhất Việt Nam thật. Hà Nội, Sài Gòn, với bao nhiêu vũng lầy vốn là những dòng sông dòng kinh, như sông Lừ, Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhiêu Lộc, dù đã từng bốc mùi trong trí nhớ tôi về quá vãng, mỗi lúc trở trời, nhưng quả thật chưa khi nào lại khủng khiếp như bây giờ, mùa hạ này. Đấy là cái mùi không thể phân tích được từ rác đang tự hủy trong bầu khí nóng ẩm. Chua, nẫu, thối, quẩn quanh nặng nhọc. Không thể khác được khi thành phố dẫu có phình tướng ra đến thế nào thì người với người vẫn hì hục lần về cái bụng của nó mà cấu cào kiếm sống. Làm sao có thể so sánh một Hà Nội của những ngày sau chiến tranh đánh phá, gần như rỗng, với một Hà Nội yên bình, đông dân như bây giờ. Cũng vậy thôi, Sài Gòn mùa hạ này. Để có thể ngồi thanh thản ăn và nói, phải ra Văn Thánh hay là Phú Mỹ Hưng hay nơi nào nữa nhỉ? Nhưng ngay cả ở Phú Mỹ Hưng, nơi có những con đường đẹp cấm xe cộ lại qua, chỉ có người chắc chắn không thuộc giới chạy ăn từng bữa dung dăng dung dẻ vào ra các nhà hàng, tôi vẫn thấy thoảng trong gió mùi bùn đọng từ đâu đó. Cậu cháu tỵ nạn du học chán ở trời tây nay về cố hương làm việc, chủ chi cuộc gặp mặt đại gia đình cho tôi biết chi phí đảm bảo an toàn vệ sinh hàng tháng của dân cư khu này và tôi kinh ngạc, vì nó gấp nhiều lần cũng chi phí đó gia đình tôi phải trả ở xứ người. Tự nghĩ, nếu cho xe cộ tự do qua lại, có nhiều điều kiện dịch vụ phù hợp với nhiều giới người khác nhau về thu nhập hơn, thì vỉa hè kia, gốc cây kia có còn đẹp thế, và không khí có còn nhẹ nhõm như thế này đủ để tiếng cười vang xa hơn bước chân. Phú Mỹ Hưng sạch, đẹp, đáng sống, thật sự là một đô thị nhỏ trong lòng đô thị lớn Sài Gòn. Vậy đấy, để có một môi trường sống bình thường theo nghĩa không tu từ, người Việt chúng ta bắt buộc phải là người rất khác thường chăng?
Ở Đà Nẵng thì không cần phải vậy.
Thật ra, trừ bãi biển Mỹ Khê, mà khỉ gió, chả hiểu sao giờ người ta lại cứ gọi theo tên con đường sát biển là bãi Phạm Văn Đồng, kiến trúc của Đà Nẵng hôm nay không gây ấn tượng gì ghê gớm với ai đã qua lại đôi ba thành phố khác, ở châu Âu, chẳng hạn. Ngay cả toàn thể nhìn một cái đã thấy đúng là có quy hoạch của thành phố này, (cái mà thủ đô lần mò mãi cũng chưa thấy ngoài những con đường mới mở), hình như cũng chứa ẩn một sự kìm hãm nào đó, vì phố xá nhà cửa Đà Nẵng nom đều đặn quá, có dạng vẻ như khu dân cư tận dụng mặt bằng buôn bán là chính. Nhưng Đà Nẵng sạch hơn Sài Gòn Hà Nội thì đúng rồi. Có lẽ không phải vì ít dân hơn mà vì ý thức. Chưa ở nơi nào trên quê nhà tôi thấy người dân bộc lộ niềm tự hào tự nhiên đến như thế vì Hôm Nay của quê hương mình như ở nơi này. Chưa ở nơi nào trên đất nước ta tôi thấy bình an kiểu như nơi đây: Sau san sát những tấm pa no quảng cáo xây dựng dọc theo con đường ven biển từ Đà Nẵng tới Hội An, sóng trắng dạt dào, phố xá tinh tươm, không nặng mùi như ở Sài Gòn Hà Nội, không thấy ăn xin, không có cướp giật, và, đây nữa: biểu ngữ tôi đọc được trên phố xá nơi này: Giữ gìn xây dựng thành phố theo cách của mỗi người dân. Theo cách của mỗi người dân… thật chưa thấy nơi nào có được một biểu ngữ đáng cho dân để tâm đến thế.
Tới thăm một gia đình ở đường Nguyễn Trung Trực bên này sông Hàn, nhìn phố xá tinh tươm và hàng bàng xòe hai tán, quả khó hình dung Xóm Nhà Trồ ngày xưa, phường Nại Hiên Đông ngày xưa, dù cư dân ở phố vẫn nhiều người giữ nghề chài lưới cũ. Ông chủ nhà, nay làm giàu bằng cách đầu tư vào nhiều con tàu và độc quyền tiêu thụ một vài loại cá, hàng ngày lái ô tô đi chơi tennis và tắm biển, vẫn không có vẻ đại gia buôn nước bọt vèo cái giàu xù mà tôi từng gặp khá nhiều ở Hà Nội Sài Gòn, vẫn giữ cái phong độ rất đáng kính của người từng tay làm hàm nhai nhất định không cho mình tuyệt vọng. Hỏi, ông kể, dân chài trong phố vẫn hệt ngày xưa thôi, qua rằm, mười sáu âm mang ngư cụ lên tàu đi, chừng mồng mười tháng sau về. Nếu gặp cá bầy đầy tàu thì khoảng thời gian đó sẽ là hai chuyến ra khơi vào lộng. Và trung bình mỗi tháng mỗi người thu về chừng 5 triệu, đủ cho một gia đình chi tiêu có dư. Nhưng còn những ngày biển động, nhưng, mặc dù theo ông chủ nhà dân chài mình cũng bắt nạt dân chài Trung Quốc phết, thì vẫn có chiều ngược lại “tàu lạ“ hạ tàu quen báo đăng đài nói suốt cơ mà. Rút lại, nghề sông biển hình như vẫn là cái nghề khổ nhất, bấp bênh nhất trong mọi thứ nghề. Và rút lại, nhân dân tàu hay ta cũng luôn luôn bại?
Nhưng ở Đà Nẵng, người ta cảm nhận rất rõ ràng niềm tin và niềm vui sống của những người bình thường, từ anh hàng bánh rán tới anh lái taxi. Một anh taxi bảo tôi ngày xưa Đà Nẵng người ta vượt biên ào ào, nhà em cũng đi nhiều, bây giờ có được bảo lãnh em cũng không đi. Gần bốn mươi năm sau chiến tranh, nghe câu nói đó, tự dưng bần thần hết cả người. Nhớ cô em họ của đứa bạn cùng lớp, nhớ cậu bạn cùng trường cấp 3 người xứ này đây vì gia cảnh sau 1975 phải rời cha mẹ anh em theo họ hàng ra Hà Nội học, rất hiền, rất âm thầm giữa những chiều vui phố xá của chúng tôi con gái con trai Hà Nội ngày đó. Gần mười năm trước nghe bạn bè kể bạn về lại quê sau khi xong đại học, là trưởng khoa hồi sức cấp cứu ở bệnh viện Đà Nẵng. Vẫn muốn tìm nhau mấy ngày lưu lại nơi này nhưng không được. Thân phụ nữ phận đàn bà vào những lúc muốn chơi quả là chán thật, muốn làm chó trốn con cũng không xongJ.
Chẳng gặp người quen thì bù lại, có bao nhiêu người lạ, trẻ tuổi, cực kì dễ thương và đáng kính ở đây. Cậu bé người Hương Sơn Hà Tĩnh sinh viên đại học Bách Khoa Đà Nẵng không về quê mà vào làm thuê mấy tháng hè cho tiệm KPC, nhỏ người kiểu thiếu ăn từ bé, giọng rất hiền. Anh chàng thổ dân đẩy xa bán bánh rán dọc bãi biển vui sướng khoe với tôi bánh chị mua của cái chị hôm qua mà chị khen ngon nhưng đắt hơn của em là chị ấy lấy từ em đấy, em lồm đấy. Từ cửa sổ phòng tôi nhìn qua bãi đất trống là một khách sạn khác. Ban ngày, trước bãi trống tôi thấy một cái máy ép nước mía được đậy điệm cẩn thận bằng tấm biển hàng ghi Nước Mía Từ Thiện, quây xung quanh là rất nhiều ghế nhựa. Chiều muộn, mới thấy chủ hàng là mấy cậu bé cô bé gầy gầy. Hỏi, biết họ đương là cựu sinh viên, có người đã ra trường đi làm, thuộc nhóm sinh viên tình nguyện đang lo kiếm tiền để giúp đỡ học trò nghèo sắp về Đà Nẵng thi đại học. Không biết năm sau quán nước mía này có còn không? Bãi đất có còn trống cho họ bán? Hay Thu – cô bé người Huế làm việc ngay trong khách sạn sẽ đi lấy chồng, hay Trang (Cao đẳng bách khoa Đà Nẵng), Lành (Đại học Duy Tân) phải lo cơm áo gạo tiền nhiều hơn cho chính mình mà…
Nhưng, đây là địa chỉ của họ, cho ai có về: Nước Mía Từ Thiện – Lô 2 – số 2 – Trần Hưng Đạo.
Về Đà Nẵng, giới tôi tiếp xúc nhiều nhất là giới lái xe taxi. Cởi mở, nhiệt tình, không tìm cách tự vẽ đường cho khách. Những câu chuyện hàng ngày với họ cho tôi hiểu họ sống cũng chẳng dễ dàng gì. Ăn chia 50 /50% với chủ xe nhưng lại phải tự chi tiền xăng khi giá xăng lúc nào cũng trong chiều khói bốc, cầm về 6 hoặc 7 triệu vào những tháng hè bãi biển đông khách phương xa để nuôi một gia đình, cũng được. Nhưng còn có những mùa mưa… Có anh chàng tên Nguyễn Lâm Thanh Triều đưa chúng tôi ra bãi biển, thấy khách không có tiền mua vé vào cửa lại còn rút túi nộp hộ. Mà buồn cười, sau đó loay hoay thế nào tôi quên ví, không có tiền trả, chàng ta cho nợ luôn, huýt sáo vang vang lên xe đi. Chao ôi, vẻ vô tư, cả tin, dễ thương đó đâu có phải Hà Nội ngày xưa của tôi không có.
Dù thế, dù niềm sống vui tin bộc lộ chân thành, mãnh liệt, Đà Nẵng vẫn cho tôi một cảm giác bất an. Siêu thị Indochina gần như rỗng không, ầm ĩ tiếng máy móc hoạt động hết công suất trong những trò chơi điện tử ở khu vui chơi dành cho trẻ, bước vào thấy mấy bà già lim dim ngồi thử lưng trên mấy cái ghế mát xa. Tính mua mấy cái kem, mà phải nói ngay là đắt kinh, đứng tần ngần mãi trước cái tủ có khóa to tổ bố mới thấy một cô bé bình thản đi ra loay hoay tìm chìa mở. Ở một nơi khác – một quán nhỏ nằm bên kia cầu quay, chúng tôi lại bất ngờ vì để phục vụ cho mỗi khách một cốc gì đó, quán cần tới ba nhân viên bưng bê, chu đáo phát sốt ruột. Có lẽ ở đây dù phát triển vẫn là người thừa việc thiếu chăng?
Và có lẽ, dù mùa hạ đất này quyến rũ ngày càng đông khách du lịch, vì khí hậu, vì bãi biển sạch rác và sạch tệ nạn, có nhân viên an ninh tuần tra giữ an toàn trên bãi, có thuyền thúng cấp cứu trên biển và có cả những cái thùng bập bềnh câu mời mọc dễ thương “hãy cho tôi rác“, thì về cơ bản Đà Nẵng vẫn chưa có nhịp sống thật sự của một đô thị nói chung, một thành phố du lịch nói riêng. Nó thiếu cái đời sống về đêm dành cho người lạ. Mười giờ đêm bụng rỉ rả với đầu, lại còn con nhỏ sung sướng vì không phải theo trật tự hàng ngày muốn có cái gì gặm nhấm mà ra đường chỉ thấy quán xá đang lo đóng cửa. Không được. Phải không nào?:-)
Buổi sáng thì khác hẳn. Nghe lời thổ dân tôi cũng tự dựng tấm thân thiếu bốn yến đầy một tạ để ra biển. Thằng con lớn càu nhàu mẹ đi nghỉ mà quá đi làm, và quay người ngáy tiếp, nhưng cu bé thì tỉnh như sáo bám theo. Mặt trời còn lặn sau chân sóng, biển nhô nhốp đầy người. Nhòm cái biết ngay phần lớn là dân bản địa, loáng thoáng đôi ba du khách dở hơi, chủ yếu là đàn ông can đảm bỏ vợ đi tắm sớm. Bãi biển Đà Nẵng vô cùng dễ thương chính ở điểm này. Ông già bà lão, trai thanh gái lịch hào hứng nhảy sóng trong trang phục… ngày thường. Hôm đầu hỏi cô cháu dâu, cháu dâu du học giời tây hẳn hoi bẽn lẽn mà rằng bọn con tắm biển không cần áo tắm, phát hoảng. Hóa ra làJ. Ngắm bãi biển lúc hừng đông, hiểu ra Đà Nẵng có tiềm năng phát triển du lịch nhưng năng lực hấp dẫn nằm ở chính cái sự du lịch chưa phát triển. Đất vẫn hiền và người vẫn lành.
Tắm sớm lúc trời còn tối mà đánh nhoáng một cái mặt trời đã nhảy lên khỏi chân sóng từ lúc nào. Bãi biển quang hẳn vì dân bản địa lên hết. Nhìn những chiếc xe máy chở toàn người áo quần lướt thướt phóng đi trong gió sớm, thật vui. Cô cháu dâu chỉ chỗ ăn sáng mà “ba con thích“. Món xôi sáng ở đây không gây ấn tượng cho con tôi như xôi xéo xôi vò Hà Nội, nói là xôi nhưng lại là cơm nếp đậu xanh. Nhưng mì Quảng thì tuyệt vời. Có điều món này cũng như phở Hà Nội, không có thổ dân khó tìm được quán ngon. Cô bé phục vụ còi cọc chả rõ già hay trẻ chẳng nói chẳng rằng đặt ngay trước mặt khách món đầu tiên: Tăm. Rau sống tươi mát, thơm lừng, nước lèo đậm và ngọt cái vị thật của cá quả, tôm và thịt, ớt được khuyến mãi cả đĩa cho một bát mì, nhìn quanh thấy mọi người cứ tay đũa tay ớt, thôi không giữ nỗi ngạc nhiên suốt mười năm khi ăn món này ở Đức cùng nhà văn Nguyên Ngọc, thấy ông cứ mỗi miếng lại hít hà cắn quả ớt ngang lưng và còn hể hả giảng giải phải là ớt xanh hăng xè mới là đúng vị. Cái quán tôi thường ăn nằm ở một đầu đường, nhà văn Nguyễn Tuân đối đầu bà Nguyễn Thị Định, nhìn cái biết ngay mình dù đã bắt đầu vào tuổi đàn bà lẫn vẫn sẽ không quên. Nhưng nghe nói cái quán đó vẫn chưa thực ngon, cũng không ngon là những quán mì trên đường Ngô Quyền dù phố này đã hình thành thương hiệu chốn ăn của Đà Nẵng. Ai có về nhớ nhờ ai dẫn vào phường Nại Hiên Đông trước, nhé. Con cháu dâu ngốc nghếch bẽn lẽn từ chối không giới thiệu, vì quán trong xóm không được sạch, chẳng buồn biết tôi ưa bụi bặm thế nào.
Cũng vì thói này mà đi đâu không có nhiều thời gian tôi chỉ thích lê la cùng người. Không gặp những đại gia Hà Nội nghe nói thu gom được phần lớn đất đai dọc con đường nằm ven bãi biển, đường Phạm Văn Đồng, nhưng tôi lại gặp những người Hà Nội khác. Chủ của dịch vụ cho thuê đồ chơi ô tô gắn máy dịch vụ câu cá nhựa dành cho trẻ em ngay sát chân cầu quay bên kia sông Hàn về phía biển, nhan sắc hệt nhà thơ quá cố Phạm Tiến Duật, nhưng nói giọng Hà Nội thời của tôi và không hoạt ngôn bằng thi sĩ kể rằng anh con một quan chức bộ Ngoại Giao về hưu đã lâu, nhà ở Hoàng Cầu, mới vào Đà Nẵng và may mắn là trước khi thành phố này siết nhập cư, vì ở đây dễ sống hơn, dễ tránh cho con đang tuổi lớn khỏi các tệ nạn ê hề ở Hà Nội hơn, và “ở đâu thì cũng phải ăn phải làm thôi chị“. Đêm về, nhớ người kể chuyện đâm mất ngủ. Buồn buồn khi nghĩ vậy là từ thành phố mình người muốn ra đi, buồn buồn vì chính mình sinh ra lớn lên nơi ấy, nhưng bây giờ không thể tự nói về mình là người nơi ấy nữa, và còn vì cái sự đất nước mình bỏ bao cấp mở cửa thế nào mà bây giờ dân lại thèm ước cuộc sống ở một nơi đang tự thiết lập một thể chế tập trung cục bộ, có nhiều điều dưới mắt người dân mới mẻ và không dở, mà có khi lại còn là những điều vi phạm hiến pháp hẳn hoi. Tuổi bắt đầu già cho tôi tin một điều chẳng thiết chế xã hội mang tính tập trung nào không có ngày nứt rạn. Khi ấy Đà Nẵng? Có một cái gì làm tôi sờ sợ khi đọc ra trong những câu chuyện với bà con ở đây niềm tin mãnh liệt vào năng lực lãnh đạo của bí thư Nguyễn Bá Thanh. Một lãnh đạo giỏi có tâm có tầm đã đành là vô cùng qúy hiếm. Nhưng một định chế xã hội giải phóng và kiểm soát được những Nguyễn Bá Thanh ? Liệu có phải thế này không: cơ chế xã hội Đà Nẵng hiện nay chẳng qua là phái sinh của chế độ toàn trị cái lúc còn ít nhiều đương sức?
Ưa lê la với người, thế nên có nhiều nơi ở chốn này đành dầu lòng vậy cầm lòng vậy, hẹn với mình rằng… Tôi chưa tới Bà Nà, cũng chưa tới sờ ngón Phật ở Ngũ Hành Sơn, cũng không đi bảo tàng dân tộc Chăm dù cô học trò đương kim trưởng khoa Du Lịch đại học Văn Hoá Sài Gòn đã chu đáo giới thiệu đến cả người hướng dẫn riêng. Cũng không tìm cách liên lạc với bạn thật và bạn ảo, vì không muốn một cuộc gặp gỡ vội vàng chỉ ăn mà khó nói.
10.
Nhưng, dù vậy, tôi đã tới được với Hội An.
Trước chuyến quy cố hương, ông Hà – Dương Tường chủ bút tờ Diễn đàn ở Pháp đã khuyên tôi tới Hội An tìm gặp bí thư thành ủy của thành phố này, vì “hay lắm“. Hay cũng chả đến lượt tôi. Tư cách gì mà gặp chứ?
Nhưng tôi vui vì đã thấy một Hội An. Lịch sử đặc biệt của thành phố này, thôi, ai cũng biết rồi, nhưng ai có thể nói cho tôi còn nơi đâu trên đất nước mình chúng ta có thể cảm nhận được vẻ đẹp của quá vãng, chưa đến mức vàng son, phải, mà tuyệt nhiên không phải là đẹp theo kiểu hiu hắt khổ nghèo. Như nơi này.
Chỉ cách nhau vài mươi cây số, Hội An và Đà Nẵng hoàn toàn khác biệt. Đà Nẵng cuốn hút bởi cái nhịp phát triển sục sôi mà vẫn tự kiểm soát được, bởi những khối nhà cao tầng, phố mới, phân lô đều tăm tắp. Hội An âm trầm. Không rõ có phải vì nhịp điệu kiến trúc và hồn sương nắng ủ trong kiến trúc không mà tôi có cảm giác như màu hoa phượng nơi này sẫm hơn, thắm thiết hơn nơi khác. Chiều muộn ngày tháng bảy, bầu trời tối lại rồi, màu lá xanh sẫm dần gần hòa cùng bóng tối. Mà phượng. Vẫn đỏ, như lửa bập bùng trên mái phố. Hội An ngoại ô, với những ngôi nhà thâm thấp và mái ngói, với sân với vườn, có cái duyên của nơi thành phố đấy nhưng vẫn gần với phố huyện, rất hiền. Nhưng xung quanh khu vực chùa Cầu tây ta đi rều rệu thì lại gợi nhớ những phố Hàng Hà Nội xưa và nay.
Tôi không có cái duyên thấy Hội An đêm tắt điện thắp đèn lồng. Thôi cũng là cớ để hẹn mình về lại. Đêm của một ngày thường, phố đông, người vui. Những cô bán hàng lưu niệm quyến mời mua hàng thêu do chị em gái trong nhà làm, vừa để sống vừa để kiếm tiền bảo dưỡng nhà, dáng người mỏng, lưng mềm, giọng dịu dàng quá đỗi. Thế nên tôi bị cả nhà cười cho một trận váng đầu vì tha về Hà Nội một đống đồ lưu niệm mọi người bảo khéo người ta cất hàng từ Hàng Ngang Hàng Đào vào bán ở Hội An. Mua đèn lồng hàng này qua hàng khác cũng bán đèn lồng, để quên, cô bán hàng mướt mải rẽ dòng người đuổi theo tôi tới tận đầu phố đưa lại. Trong cái chao chát có ở mọi nơi buôn bán, Hội An có cái duyên lành và lạ.
Mua bán thì vội vàng đắt rẻ một tí cho xong, không tiếc, nhưng tiếc mãi không có thì giờ để nán lại lâu lâu nghe chuyện dân tình. Có người quen ở mọi nơi, đúng cái đất này không có. Thì làm quen vậy. Bác La Vĩnh Bằng người coi sóc hội quán Quảng Triệu bang Quảng Đông có cái dáng ông thầy già mới về hưu tham gia hoạt động xã hội hóa ra là thầy thuốc bắc, và nếu là người nhà nước thì bác phải về hưu hai mươi năm rồi. Tám mươi tuổi, vóc vạc tươi và thanh, bác vui chuyện dẫn tôi ngược tới tận cái đận bác học tiếng Việt trong trường kháng chiến Thăng Bình 1, xuôi tới niềm vui tuổi già thấy quê hương phát triển mà không thành xa lạ. Bác Nghi, người trông nom tiền hiền Cẩm Phô khoe gốc người xứ Thanh. ??? – Là cụ tổ chúng tôi vốn người Thanh Hoá cô ạ, vào đất này lập ấp, thành làng. Thật khó mà nói hết cảm giác của mình khi tôi nghe bác kể về hơn bốn mươi tộc họ, những là Nguyễn Đức, Nguyễn Viết, Nguyễn Văn… hình thành từ thuở ấy, tộc trưởng họp mặt hàng năm ở tiền hiền, khi nghe bác nhắc những cái tên Cẩm Nam Cẩm An Cẩm Hà Cẩm Phô Cẩm Thanh. Bất chợt hiện lên gương mặt những chàng trai cô gái gặp mấy ngày qua ở Đà Nẵng, tự hào kể mình ra đi từ những vùng đất Cẩm ấy. Cũng như tôi, khi nhắc về thành phố của mình. Dù có đi bốn phương trời… Dẫu dở dẫu hay. Dẫu lúc nào cũng khăm khẳm cái mùi của những dòng sông chết như Kim Ngưu sông Lừ Hà Nội, Hội An sông Hoài… Là thế chăng, quê hương? Tận cùng là nỗi nhớ.
Nỗi nhớ ấy không phải lúc nào cũng cho ta quyền hãnh diện, nhưng luôn làm ta nghẹn ngào. Trước khi ra Đà Nẵng, tôi có nhảo qua Sài Gòn, vội gặp vội nắm được đôi ba bàn tay có quen có lạ. Cô Dư Khánh, mười mấy năm trước qua Anh thăm con cháu cất công từ London sang chơi với tôi chỉ vì cái tình cô cháu cùng cảm ra giữa chữ, về, tôi không đến được thì cô lại lết chân đau đến. Chữ nghĩa đúng là có đạo. Mẹ con cô cháu tuổi tác xa nhau, kinh nghiệm ở đời cũng chẳng giống nhau, mà gặp nhau lần nào (lần này là lần thứ hai) cũng vậy, hệt như biết nhau suốt một đời. Bà Dư Khánh tặng tôi cuốn sách về cụ Hoàng Hương Sơn Nguyễn Khắc Niêm, thân sinh ra cô và những ông anh ông em nổi tiếng: Nguyễn Khắc Viện, thầy tôi Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Khắc Dương, Nguyễn Khắc Phê. Mở trang sách in ảnh nơi thờ tự cụ mới được con cháu xây dựng, bỗng không lại nhớ chuyện nhà cô, với những bi kịch y như bi kịch của bao nhiêu gia đình Việt Nam ngày cải cách ruộng đất, nhưng trái khoáy hơn đắng cay hơn rất nhiều. Chia tay người phụ nữ bé nhỏ quật cường tự tuổi lên mười đã phải gánh vác cùng đại gia đình bi kịch ấy, mà vẫn cùng nhau sống được và sống đẹp, tôi được gặp chị Hậu Khảo Cổ và Vương Minh Thu, những người bạn tầm ra nhau trên FB, và vội chuyện được với hai cô học trò cũ nữa. Chị Hậu gốc Nam thật sự, từng có thời còn vào ra cùng tôi một cổng trường giữa thủ đô, Vương cô nương vào Sài Gòn từ lúc bé xiu, thật sự sống cùng Hà Nội được có một năm học ngoại ngữ Thanh Xuân trước khi qua Đức, thế mà cả hai chị em vẫn nói một giọng Hà Nội thời bao cấp. Điều đó thật là một thú vị bất ngờ. Từng gặp rất nhiều người Hà Nội 54 và người Hà Nội 75 giữa Sài Gòn suốt mấy chục năm qua, tôi vẫn cứ tưng tức lòng vì người đến sớm với đất này lại giữ được giọng hơn người đến muộnJ. Càng bất ngờ thú vị khi nghe mấy đứa nhỏ con của mấy cô học trò cũ sinh giữa đất Sài Gòn đi học cùng bạn bè người Sài Gòn mà lại nói giọng Hà Nội chuẩn như mẹ. Hỏi, thì mẹ chúng nó đồng thanh giải thích: dạy các cháu nói giọng ngoài mình để các cháu viết không sai dấu cô ạ. Chắc không phải thế, phải không, đó chỉ là quán tính đáng yêu và đáng trọng của những người ý thức được về mình. Tôi nghĩ vậy, khi nhớ mình đã từng nghe bao nhiêu người Bắc sau 75 chuyển vào Nam sinh sống, đôi ba năm sau gặp lại cứ ngớ ra chẳng hiểu người quen mình nói giọng gì, chẳng phải giọng ngoải cũng chẳng ra giọng trỏng.
11.
Và đây, giọng người xứ Thanh. Giữa Sài Gòn.
Mấy hôm trước trên mạng xuất hiện một video clip, có cảnh một cậu trai gầy gầy nhỏ nhỏ hát về quê hương mình. Vốn chỉ biết về quê cậu qua chủ yếu là văn chương kháng chiến và bài hát thời đánh nhau với Mỹ, hò hố lên cho thuyền về, Trung Kiên, Hò sông Mã, hay bài hát thiếu nhi tuyên truyền mà phải nói thực lòng không dở chúng tôi vẫn đồng ca ngày sơ tán “đây Thanh Hóa anh hùng ngày ngày ghi những chiến công“ …, và Sầm Sơn sóng lớn một thời mình trống mái ngây ngô, nghe cậu trai kiêu hãnh hát về xứ Thanh của cậu ta, cũng thấy cay cay sống mũi.
Giọng Thanh Hóa tôi nghe đây không có lấy một chút tự hào, chỉ rù rì buồn bã khi nhắc về quê cảnh.
Đấy là giọng của Út, người giúp việc trong nhà ông anh bà chị chồng tôi.
Út chân thấp chân cao, dáng người lũn cũn bó chặt trong bộ đồ mặc nhà bằng vải hoa, như là mua ở hàng vải rong nào. Khuôn mặt Út khắc khổ, cằn cỗi, đến nỗi tôi hôm đầu gặp đinh ninh là Út cứng tuổi hơn mình, hoan hoan hỉ hỉ gọi chị ngon lành.
Út quê Thiện Giao, nơi có sông Chu núi Đọ, cách Rừng Thông chừng hai cây số. Đồng hương của nhà thơ Nguyễn Duy đây, nhưng Út không biết ông đồng hương nổi tiếng này, và Út nhớ sông quê, nhưng cảm giác “yêu mến ạ xin đừng buồn em nhé – dòng nước trôi đi giọt nước lại quay về“ với Út hoàn toàn xa lạ.
Út bảo làng Út giờ chỉ còn người già, và Út muốn về làng. Về làng làm ruộng. Nhà Út có sáu sào, mỗi vụ bỏ ra ba bốn triệu, nhờ giời thu về chừng mười mười một triệu, lãi ròng được bảy tám triệu. Út lại sẽ ở với chị gái, hai chị em tằn tiện, nếu không đau yếu, hay nếu làng không có đám hiếu hỉ nào thì mỗi tháng hết chừng hơn triệu cho hai miệng người tuổi héo.
“Thế cô Út ở đây trông một đứa trẻ, có chỗ ăn ở, lại được các bác nhà tôi yêu mến biết ơn, mỗi tháng còn cầm được hai triệu rưỡi, nén nhớ nén thương xuống mà sống, chẳng dễ dàng hơn ư?
“Các bác cứ bảo em ở thêm dăm ba năm, tháng sau các bác bảo tăng cho em thành 3 triệu nữa, các bác thương em chân yếu, cũng chẳng bảo làm gì hơn ngoài trông thằng cháu bé, giặt giũ không, chợ búa không. Ở đây em chẳng đi đâu, chẳng tiêu đi mất đồng nào, đẫy hẳn ra, nhưng sao cứ thấy người yêu yếu. Với lại em còn bà chị…“
Bà chị Út thương đứa em gái tàn tật từ khi còn nhỏ, bố mẹ mất đi cầm lòng ở vậy nuôi em. Chị Út mười năm trước chính là người đỡ chân đỡ tay cho bố mẹ chồng tôi. Giờ chị Út là một trong những người già trấn đóng ở làng vì chẳng còn đi đâu được, ốm đau liên miên, tiền thuốc gấp mấy tiền ăn. Út bảo làm được bao nhiêu gửi tiền về cũng chỉ đủ cho chị đi viện, thôi về có chị có em đỡ cho nhau, cạn tiền thì … đành vậy.
“Chị em hơn sáu mươi rồi, người ta hướng dẫn làm giấy chứng nhận là người cô đơn, nhưng vì nhà vẫn bị coi là có hai khẩu, là thêm em, dù em đi làm xa thế này… chị ấy không được công nhận cô đơn, không được nhà nước giúp đỡ chị ạ.“
“Giúp đỡ? Là bao nhiêu? Hàng tháng hay là…?“
“Hàng tháng nếu được công nhận thì sẽ được hai trăm ngàn, với tháng đói còn được cứu tế“.
“Thế nếu cô Út về làng thì có được làm giấy gì xin được giúp đỡ gì không?“
“Em tàn tật cả làng biết từ khi còn đỏ hỏn, nếu được công nhận tàn tật thì cũng được như người già cô đơn, là hai trăm“.
“Cả làng biết, mà rõ cô đi… xin cô bỏ lỗi… chứ chân tươi chân héo rõ rành rành…“
“Vẫn phải làm đơn xin công nhận mới được hưởng chế độ chị ạ. Nhờ người hỏi trên huyện, huyện bằng lòng nhưng bảo phải nộp đơn ở xã. Xã lại đòi ba triệu mới nhận đơn, em không có. Năm nào cũng thế, đội đưa danh sách lên xã, xã đưa lên huyện, huyện lại đưa về xã. Năm nay nếu chị em không phải đi bệnh viện, em cũng cố dành dụm chạy cho xong cái giấy này, rồi còn đồng nào về nhà với chị…“
Út không khóc. Cái giọng ngai ngái của người Thanh Hóa ước lá rau má to bằng lá sen vang giữa trưa Sài Gòn chen với tiếng nẹt ống bô, tiếng ô tô nổ máy ngoài ngõ, tiếng ầm ào của cả triều xe vọng từ ngoài bùng binh vào. Khác, mà vẫn làm vang động trong tôi đúng cái cảm giác mà tôi đã có khi nghe chuyện của người dân xóm Trồ Đà Nẵng, chuyện cậu giai cùng quê Hà Tây cũ chạy taxi giữa Hà Nội, kể chuyện làng lên đời thành người thủ đô mà hoang mang không biết làm gì đút miệng, chuyện bà con Nghệ An Quảng Bình nói giọng lúc nào cũng như đập chắc và những người Việt ở những đâu đâu giữa Berlin này…
…Lúc ngồi trong quán. Lúc đi xe ngang những chốn nhậu nhẹt ăn chơi, mang những cái tên vừa tục lụy vừa thanh cao, ở Hà Nội là Chim to dần, ở Đà Nẵng chẳng hạn lại là Cà phê Vườn Phố, Chợt nhớ, Hà Nội Phố, vân vân và vân vân…
Rồi điểm cuối cuộc quy cố hương lại vẫn là Hà Nội. Về nhà, nghe kể nhà văn Nguyên Ngọc đang đóng đô ở Hội An, tiếc nghi ngút. Giá mà biết trước thì chẳng những gặp ông, mà còn có dịp tiếp xúc với ông hay lắm bí thư thành ủy thành phố này, biết trước là cuộc chuyện trò sẽ có giá trị thặng dư nhiều như thế nào.
Nhân nói về giá trị thặng dư của các mối quan hệ, phải thưa ngay rằng tôi đầu tư cho các mối quan hệ ở Việt Nam, có khi còn đầu cơ nữa, toàn để chơi thôi. Chơi là phải chơi cho biết.
Nên chi đi với các chàng taxi là rất sướng. Vì các chàng đang trẻ, lại là người của bốn phương trời. Nhiều khi chỉ gặp nhau có một độ đường mà hóng được bao nhiêu sự.
11.
Hóng, rồi ngẫm nghĩ, rồi lại ngộ ra điều cũ như chính lịch sử của thành phố này. Khác với Sài Gòn luôn là đất mới của bao đời, Hà Nội là đất mở, có cái cách dung nạp khác, ngặt nghèo hơn, ít độ lượng hơn, và có vẻ dễ mang tiếng hơn chỉ vì cái sự quyến rũ mà người đời tưởng tượng dành cho nó. Tôi đi, và tự biết, mình là người Hà Nội của chỉ một thời, dù có đi bốn phương trời. Bất chợt nghĩ ra rằng những cậu lái taxi đang nói với tôi bằng giọng Hà Tây, Nam Định chắc không tưởng được ra tôi đang nghĩ họ mới là Hà Nội… Bất chợt phát hiện mình đang thấy ngộ nghĩnh trước cảnh vừa bắt gặp ven hè phố: một cái võng mắc trên thùng xe tự tạo, có người đàn ông nằm đu đưa ngang mắt người trong nắng trưa. Khác, mà vẫn y như Hà Nội những ngày xưa trưa vắng các bác xích lô nửa nằm nửa ngồi tờ báo úp mặt, thất vọng và thờ ơ chờ khách. Ngay cạnh, một cô bé vai rộng lưng chắc, kiểu quen gồng gánh, mặt đỏ lựng ngồi thui hai con chó và giữa đường hai cô tây đứng dé chân chèo phấn khích bấm máy ảnh lia lịa. Tôi đứng đó, không biết mình là ai, giữa thành phố của mình. Năm tháng chồng nhoè, xô giật.
Cảm giác đó càng đầy lên sau buổi chiều gặp lại nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cùng nhà thơ Bảo Sinh ở cà phê Nhân. Phố Tô Tịch nhỏ tí, ngắn tủn sát Bờ Hồ, ngày xưa cũng hàng hàng quán quán. Bây giờ càng chật chội. Và cái chính là ầm ỹ. Bay biến rồi cái thơ thới thời xe đạp rủ nhau lên đó ăn bát bún mọc của anh chàng giọng mai mái ngồi hàng, ăn xong vuốt hai tà áo nhàu rồi xuôi theo Lý Thái Tổ liếc mặt hồ xanh đục một cái lại vội vàng quay lại liếc nhau. Giữa cà phê Nhân người xồng xộc vào ra, tôi phải căng tai mới nghe được thơ Bảo Sinh. Nguyễn Huy Thiệp kể về lời mời của một nhà xuất bản ở châu Âu và bảo rằng sẽ không đi, rằng ngày nào cũng lên đây ngồi một lúc rồi đi dạo. Và tôi, lúc chia tay, nhớ một chàng Bát Phố Bảo Sinh xong chợt nghĩ không biết Nguyễn Huy Thiệp có biết mình đang trở thành tướng về hưu của chính mình? Hay nhà văn cao thủ, thấm cái chân lý cuối cùng tất cả chúng ta đều lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân mà ông bạn Bảo Sinh đã phát biểu thành thơ, chọn thiền giữa chốn khó mà thiền định nhất?
12.
Tôi, tôi biết, tôi không được quyền hi vọng vào cái tương lai ngắm gà khỏa thân trên nóc tủ, mà có, thì cũng sướng gì vì thế nào cũng là gà đông lạnh bị chặt đầu. Vả chăng, với cái đầu quay quay như cối xay, thiền thế nào được mà thiền cái mợ gà mái là tôi.
Nhưng, nhẹ nhõm, không hoang mang, lòng thật bình yên, (và phải nói ngay: không buồn), khi tôi được ngồi với những người Hà Nội của thời mình, một thời chiến tranh, một thời hòa bình, nhẫn nhục và khắc khổ.
Sông Hồng ngoài kia hẹp lòng không phải vì mùa nước cạnL. Lơ thơ đôi ba cánh buồm bàng bạc. Chúng tôi không nhắc tháng năm xưa. Không nói gì nhiều về nghệ thuật. Chỉ đơn giản là ngồi với nhau đây, nhắc tới đôi ba người bạn chung, đôi ba cuốn sách. Nguyễn Việt Hà bận tháp tùng con ra biển. Có Bảo Ninh, Đỗ Phấn, Nguyễn Thị Minh Thái, Lê Anh Hoài, và vợ chồng tôi. Tác giả Nỗi buồn chiến tranh lần đầu tiên thấy nói nhiều, nghĩa là hơn bình thường vốn gần như không nói. Họa sỹ nhà văn Đỗ Phấn, kẻ làm tôi choáng váng vì một loạt tiểu thuyết đầy chất tùy bút về Hà Nội, (mà không sống cùng nó một đời, không yêu nó nhẫn nại và kiệt cùng, không tin cảm được cái thẳm sâu vẫn lặng thầm chuyển dịch qua những biến động ồn ào, tôi nghĩ không thể nào viết nổi), điềm đạm y như những trang viết. Nhà phê bình sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái, cũng là tác giả của nhiều truyện ngắn mà nhân vật rất đàn bà trí thức Hà Nội sâu và lạnh trong những tình huống lẽ thường dễ ồn ào cười khóc. Lê Anh Hoài, vốn đã có tiếng trong thơ và bây giờ trong hội họa sắp đặt, nhưng với tôi trước hết phải là tác giả của Chuyện tình thời tạp kĩ mà tôi gần mười năm trước từng tuần chờ đọc từng chương bản thảo, để rồi đi tới kết luận sau Nguyễn Việt Hà, đây là người có giọng văn xuôi hài hước mới của chúng ta. Lê Anh Hoài đề nghị và Đỗ Phấn hứng khởi cầm đũa giả làm phách, cất giọng hát xẩm tàu điện, giọng rất chìm khi nói đột ngột nảy. Nhắm mắt lại có cảm tưởng vẫn còn là con bé con đang ngồi trên tàu điện tuyến Chợ Mơ Bờ Hồ, rụt rè nhìn ông xẩm mù sờ sẫm thu vén chỗ đứng hát mà sống. “Vén tay sờ chốn em ngồi…“ ông xẩm Đỗ Phấn giọng vang và rạn, đúng cái chất của những nghệ sĩ từng trải bất đắc dĩ mất đất nào ai biết bây giờ còn sống hay không ở đâu.
Vì cái gì? Giọng, Hà Nội của một thời chiến tranh, sơ tán, thời vô tư lự đột nhiên ý thức ra nỗi hoang mang trên thế giới này ngọn gió phũ phàng nào sẽ thổi? (Bảo Ninh – Nỗi buồn chiến tranh.) Tuổi, còn lâu mới tới lúc xưa nay hiếm, nhưng đủ để mấy cô bé phục vụ thành kính gọi các cô chú các bác rồi? Nghề nghiệp, vốn kiểu gì cũng dính lấy nhau? Hay những kinh nghiệm và kí ức chung không cần nhắc? Không biết, nhưng thật sự cuộc gặp gỡ này đã giúp tôi định vị lại được cho mình, giữa Hà Nội hôm nay.
Cùng một cuộc gặp gỡ khác, vội vàng không nói được gì ngoài gặp nhau cho biết mặt. Với một vài bạn trên FB do Trương Qúy rủ rê giùm. Hoàng Ngọc, Thu Thủy, Giang Trang, Zan Hanoi. Biết bao nhiêu lần vào trang của Zan Hanoi để nghe 999 bài hát thời của chúng tôi, độc hơn cả lại toàn là bài từng phát trên Đài tiếng nói Việt Nam thuở các ca sĩ hát về chiến tranh và hòa bình với niềm tin và nỗi thiết tha chỉ có ở thời buổi ấy mà những kẻ từng biết „thánh thót đàn của ai ngân dài phố vắng – bản tình ca đất nước càng sâu lắng – người Hà Nội mang trong tim độc lập tự do thiêng liêng… (Hà Nội những đêm không ngủ – Phạm Tuyên), và rộng ra là cả thế hệ đồng ca „ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình“ (Bước chân trên dải Trường Sơn – Vũ Trọng Hối) cảm ra ngay khi nghe lại. Nói thực là tôi còn chưa biết tên thật của bạn ấy là gì, chỉ biết cái tình của bạn ấy với Hà Nội và năm tháng không thể nào quên ấy thân gần quá đỗi.
13.
Hà Nội thời này lạ lẫm, đổ ập vào người trở về như sóng thần. Choáng. Lần nào về cũng như tới. Phố cũ đường mới. Quẩn quanh câu trăm năm đành lỗi hẹn hò mà ngẫm thì đọc lên rất sượng giữa cái xô bồ này. Cống Vị, ngày xưa đi từ Đại học Sư phạm về, thỉnh thoảng nổi hứng qua Cầu Giấy ngoặt cái chơi, trốn con đường đông sinh viên để ngập vào cây lá. Bưởi. Mơ. Mở toang. Chật khép. Đi đâu cũng chỉ còn biết hỏi đường rồi chờ anh taxi quê ở đâu ta đưa tới. Có những nơi dường như sẽ chẳng bao giờ thay đổi được, Quốc Tử Giám chẳng hạn, vẫn cứ làm ta không sao hết bần thần. Mấy mươi năm rồi, tôi qua lại nơi này nhưng không muốn rẽ tạt vào. Không vào. Khi chốn khuê văn bị biến thành Hội chợ Xuân thời bao cấp. Không vào, khi cửa Quốc Tử Giám thành chợ bán đồ si đa một thuở vừa nho nhoe mở cửa. Bây giờ, đưa con trở lại, giật mình vì phố đông, Quốc Tử Giám đông. Người ngùn ngụt chen nhau y như một thời đi xem diễu binh mừng chiến thắng. Có cuộc biểu tình giữ đất hay đòi chủ quyền biển đảo nào gần đây đông như thế không? Đông thế thì chắc là khó tập trung nhau đi Lộc Hà? Loa từng chập vang lên đúng một câu nhắc nhở, áo xanh áo vàng giữ trật tự mặt lạnh te. Chẳng phải hội thơ hội sách, mà hóa ra là trưa trước ngày… thi đại học. Sĩ tử gái trai có người nhà đi kèm thay vì ngồi nhà học cố hay đi chơi quách cho nhẹ mình, từ rất nhiều vùng đất dồn về chốn này cầu thi không trượt. Thấy sao mà khổ quá. Thấy sao mà đáng ngại trước cái khao khát chữ nghĩa được tỏ bày thiết tha như thế này. Có vẻ như tấn bi hài kịch lều chõng thuở xưa của những cụ Vân Hạc đang bừng bừng sống lại, cho thấy một cùng quẫn hiện sinh. Những đầu rùa đội bia tiến sĩ vẫn ngỏng đều quyến rũ bàn tay sĩ tử lần sờ cầu cạnh. Ba năm trước, thằng cu con 19 tháng của tôi còn được đứng cạnh mấy con rùa đội bia để bố chụp cho kiểu ảnh, lần này, các cụ rùa nhẵn đầu phải chịu ngỏng cổ đằng sau hàng rào dây thép, nhìn lớp lớp nguyên khí tiềm năng của đất nước đi ngang. Tôi đi ngang, không muốn mà lại nhớ những mái giấy dầu đen thùi lùi dưới mưa đằng sau bờ tường chốn này, dấu tích những hội chợ lem nhem vắng teo ngày xuân cạn thời bao cấp mà mình không bao giờ tới. Đất thật có hồn không?
Nắng trĩu nặng u uất đổ lên cái thành kính ồn ào ở Quốc Tử Giám. Tự hẹn mình ngày mai theo chồng đi chốn khác. Chồng tửng mửng đã bò dậy ra đường, về kể, chưa được tận mắt nghe nhìn mà đã thấy ham. Các bà tuổi mình đang từng ngày đấu tranh chống lại sự bành trướng của cơ thể sáng sáng quần cộc áo hai dây khoe bụng nở vai đầy ngực teo hông phồng mông tọp ra công viên tập yoga cười. Rõ là dễ hơn tập yoga im mồm. Đồng ca em yêu chim, em mến chim vì mỗi lần chim hót em vui, tôi cũng hát tốt. Phát sặc vì hình dung mình đang hát bài hát thiếu nhi cùng các bà, còn chồng thì giương máy ảnh bắn tới tấp.
Nhưng những người Hà Nội hôm nay không cười. Bình thường quá rồi. Như cái sự ăn và học nhiệt tình mệt mỏi. Trường đông từ sáng tới tối. Quán sá đông nghìn nghịt ngay giữa bữa trưa. Như cái áo hai dây, cái váy ngắn, quần cộc chỉ mới chục năm trước những người đàn bà tuổi ba bốn mươi còn e ấp mặc trong cái nhìn dò xét của mọi người, giờ đây đã trở thành trang phục hàng ngày, dù người mặc nhiều khi chưa có cái phản xạ khép đùi lúc ngồi sang trọng kiểu như … Marlene Dietrich.
À, có Giang Trang.
Không có chung kí ức tuổi thơ, song cô gái có cái tên nghe thật mênh mang Giang Trang khiến tôi quên luôn tuổi già đang xồng xộc tới. Giang Trang tóc buông ơ hờ, nét cằm cương nghị, cái nhìn tự biết mình và dáng ngồi thật thư thả điềm đạm. Giang Trang cuốn hút chính ở cái cách không hề cố gắng thể hiện mình. Cảm giác như cô gái trẻ đó đã sống qua một cuộc đời rất dài, cho nên những sôi nổi cô bộc lộ khi nói tới ranh giới mơ hồ, mong manh giữa giai điệu và ca từ của nhạc Trịnh, cái chất thiền mà nhiều người chỉ tìm thấy qua lời các ca khúc Trịnh viết thật sự là một bất ngờ. Nhưng sẽ không còn là bất ngờ nếu biết ít nhiều những gì cô đã học và làm và nghe và đọc. Ý thức cái cổ họng của mình là một nhạc cụ phải đạt tới độ hòa với các nhạc cụ khác (còn có thể bảo hao hao Hà Trần, nhưng) ý thức về chữ thiền không phải chỉ trong nhạc Trịnh Công Sơn, Giang Trang mang lại cho gương mặt ca sĩ đương thời một nét sang cả hơi bị hiếm. Phải vì thế mà dù thích hay không, vẫn phải thừa nhận Giang Trang đóng được một cái đích mới cho ta trên hành trình cùng Trịnh, dù những mưa nắng ngày tháng cũ mà Trịnh sống và sáng tạo đã xa rất xa đời sống của chúng ta rồi.
Tôi trở về, đi và gặp, rồi lại quay lại ngó nghiêng mình. Cảm giác này chỉ có thể so sánh với cảm giác mà cơn mưa buổi chiều hôm trước ngày đi đổ lên tôi. Tôi đã vui mừng biết bao khi chia tay cậu lái taxi đang phát rồ vì đường tắc mà lại đã vào giờ cấm, nhảy vào mưa. Choáng. Tiếng sấm bây giờ hình như nhỏ lại. Mưa thì cuồng dại. Tiếng mưa sầm sập trộn vào trong muôn ngàn tiếng động vì xe cộ tắc nghẽn. Kính mờ mịt nước. Vừa bước vừa giơ tay lần sờ. Quang gánh. Tay lái xe máy. Eo ai không mặc áo mưa, phình phùng phình. Đầu một đứa nhỏ nào. Cột chống trước hàng quán. Tiếng chửi. Cúi đầu tránh mưa tạt thẳng mặt, kính phát huy lại một phần tác dụng: Rác. Nước cuốn rác về đầu phố Nguyên Hồng, vốn là cái dốc nhỏ, rồi tống thẳng xuống. Cuồn cuộn. Cuồng loạn. Nước và rác bắt đầu dềnh ngang bắp chân tôi, không biết rồi sẽ trôi được tới đâu. Tôi mù loà trong cơn mưa quê hương. Không còn là choáng. Hoảng. Xa rất xa tôi rồi cơn mưa xưa chiều hạ, thanh sạch và mãnh liệt và làm tươi mởn lại, những mặt người khốn khó, những hàng cây rũ mình thiếu gió, những con đường.
Thế đấy, Việt Nam, Hà Nội, như bức Puzzle khổng lồ, hiện hình dần qua những mảnh ghép hỗn loạn, là những gương mặt, giọng nói, số phận, là những câu chuyện về đời người, là nỗi buồn chán và khao khát, là thiết tha và phẫn nộ, là sự trì nặng và hứng khởi của nhịp sống hàng ngày. Như triều dâng trong mắt người không sống cùng. Mà những đợt sóng mới, là những cuộc gặp không thành, với bao nhiêu người vốn quen tên qua chữ, nhà thơ Hoàng Hưng, Đỗ Trung Quân, nhà báo – họa sỹ, Nguyễn Trọng Chức, nhà báo, Thu Hà Tuổi trẻ, nhà báo, Đoan Trang – người qua đôi ba tiết giảng đã nhận tôi là cô giáo cũ…và bao nhiêu người nay thành thân thuộc nhờ FB, và bao người ngẫu nhiên chung dăm ba bước trong ngày tháng. Đành vui lòng với đôi ba cuộc gọi ngắn nhận tên nhau. Tiếc. Nhưng còn những ngày về khác. Song tiếc, và xót nữa. Một gặp gỡ định trước mà vĩnh viễn không thành. Với một người rất trẻ vừa nằm xuống, im lặng mà náo động. Lão thầy bói già Đinh Vũ Hoàng Nguyên.
Thằng cháu họ giữa tuổi bốn mươi chuyển công tác đưa cả nhà từ một thành phố biển về Hà Nội mời cô chú cùng cả đám em đám cháu lên quán Vườn Nướng sát nghĩa trang Mai Dịch. Tôi biết họ không định biết những người tôi muốn gặp, không biết Đinh Vũ Hoàng Nguyên. Ngồi phòng máy lạnh, cháu hỏi cô chú đã cho các em đi những đâu chơi gì ăn gì. Và kể mới đổi con xe, lập vườn lan ở quê, nơi cậu ta đầu tư xây cái biệt thự kiểu thuộc địa to vật, „riêng hệ thống tưới đã xơi của cháu trăm triệu cô ạ“, rồi cười hehehe: „Cho đời nó tấy“. Ở một cuộc gặp mặt khác, anh Bá Dũng, tôi mới biết là người thân của Đinh Vũ Hoàng Nguyên, giới thiệu cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương in ở ngoài nước và tôi, chưa hề đọc cuốn sách này bất giác nghĩ tới Doctor Zhivago. Bên tách cà phê buổi sáng, chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội – Phạm Xuân Nguyên – rủ tôi đi biểu tình vì chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc ngày hôm sau và buổi tối, giữa một cuộc gặp mặt, một người anh người bạn cũ, sĩ quan an ninh, vốn có tiếng lành từ thời đi học tới tận tuổi sắp già tạm biệt tôi về sớm, cũng vì cuộc biểu tình đó. Những câu chuyện xô giật tôi, đẩy bật rồi làm thức dậy bao nhiêu bần thần khắc khoải. Hôm nay…Ngày qua…
Những mảnh quê hương như thế, tôi lượm được bao nhiêu trong suốt hành trình, nhưng chưa biết xếp vào đâu trong bức tranh ghép hình nên Tổ Quốc.
Của riêng tôi.
Hà Nội – Berlin
18.7. 2012
25.12. 2012
24.1.2013