Tết con khỉ

Tạp bút Đào Như

Ông bạn già ở quê nhà, tuần vừa rồi điện thư hỏi tôi: “Tết năm nay ở Mỹ có gì lạ không anh? Ở đây thiên hạ nhắc lại Tết Mậu Thân qua cái tên của Tết Mậu Tí, nghe họ cường điệu mà buồn”! Và để cho tôi đọc cho vui, ông gửi cho tôi ba cái websites của ba tờ điện báo trong nước nhắc đến Mậu Thân.

Nghe ông nói ông buồn, tôi không hiểu sao mà buồn. Ông buồn cái gì? Sự đời nó như vậy, có chi mà buồn. Rồi tôi sực nhớ ra, ông mất một thằng con hồi Mậu Thân. Nó có đi lính tráng thì cũng cam. Lúc ấy nó mới có mười hai tuổi. Nó chết khi nằm ngủ trên võng. Nó bị lạc đạn mà chẳng biết của ai, từ phía nào, cho đến giờ này cũng chưa biết được.

Nghĩ mà thương ông bạn già của tôi, phải chi thằng Hạnh con trai của ông, nó còn sống tới ngày nay, thì nó cũng năm chục tuổi ngoài, ít ra nó cũng cho ông một vài đứa cháu nội. Nó là con trai một của ông, bây giờ ông bạn tôi ngoài bảy mươi cũng như tôi, chỉ sống với mấy đứa cháu ngoại. Đôi khi điện thư cho tôi, ông cũng khề khà: “Ngoại nội là với người ta, với anh! Với tôi chỉ có một”!

Tôi thấy ông bạn già của tôi chân thực, tôi đành nói thật, ở hải ngoại cũng có nhiều người đang liên kết hai chữ Mậu đấy. Họ cũng nhắc lại sư thất bại của phía bên kia trong Tết Mậu Thân. Hàng chục ngàn cán bộ nằm vùng từ nông thôn đến thành thị trong mấy mươi năm đều xuất đầu lộ diện, đều bị diệt sạch.

Cũng như tôi đọc ba websites anh gửi, tôi thấy trong nước họ cũng còn nóng bỏng thật. Họ còn căm thù. Họ ca tụng sự chiến thắng của Cách mạng trên toàn cả các tỉnh thành Miền Nam trong tết Mâu thân, diệt hàng vạn tên thù. Nhưng họ quên họ không nói là họ diệt được mấy tên ngoại nhân? Họ rêu rao với những hàng tít lớn đọc nghe rổn rảng thật. Tôi thấy anh em trong nước còn cường điệu, còn sắt máu quá phải không? Anh thấy trong website của anh gửi, có cả hình ảnh của ông Võ Văn Kiệt tham dự ngày lễ kỷ niệm 40 năm ngày tổng tấn công Tết Mậu Thân, mặc dầu mới hôm nào đây ông kêu gọi người Việt trong nước và hải ngoại khép lại quá khứ, hướng về tương lai, đoàn kết dựng xây đất nước.

Tôi nói thật là tôi ngạc nhiên hết sức. Theo tôi, cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân là một vết nhơ lịch sử của dân tộc ta, một giai đoạn chiến tranh diệt chủng. Đã gần nửa thế kỷ mà vẫn còn nhiều người Việt trong nước và hải ngoại vẫn chưa nhận ra bộ mặt thật của nó. Cả hai bên còn ca tụng chiến thắng, diệt thù. Chúng ta quên vạch mặt, lật áo, nhận diện thật kỹ, kẻ thù mà chúng ta diệt đó là ai? Có người ngoại quốc nào không? Hay toàn là người Việt: Người Bắc! Người Nam! Việt Cộng! Việt gian!…

Những kẻ thù mà chúng ta diệt đó có kẻ chính là vợ con của chúng ta, cha mẹ của chúng ta, anh em của chúng ta, bà con dòng họ của chúng ta! Chúng ta ôm nhau tiêu diệt nhau. Biến cố Mậu Thân là một vết nhơ lịch sử không chối cãi được.

Tôi phải thú thật với ông bạn già của tôi, tôi rất băn khoăn khi nghĩ đến năm 2011. Sẽ còn ai mê muội liên kết hai năm Tân Hợi (1971) và năm Tân Mão (2011) nữa không? Đó cũng là 40 năm sau cuộc thảm sát tàn bạo mà quân đội miền Nam gọi là Hành Quân Lam Sơn 719, và bộ đội miền Bắc gọi là Chiến Dịch Đường 9 Nam Lào.

Sẽ có lắm kẻ khóc cười. Sẽ có nhiều người Việt ở trong nước ca tụng chiến thắng Đường 9 Nam Lào và cũng sẽ có không ít một số người Việt ở hải ngoại mơ ước ngày phục hận cho Cuộc Hành Quân Lam Sơn 719.

Năm 1971, những đứa con Việt Nam nghe lời thiên hạ, dẫn nhau đến vùng rừng núi thâm u, quần thảo nhau, chém giết nhau! Họ đâu có hay trong lúc đó từ trên nền trời xanh thăm thẳm, cao tít cách họ mười ngàn thước, hàng triệu tấn bom đang rơi xưống trên đầu họ với độ chính xác không sai quá 1 li. Tất cả những đứa con Việt bi vùi dập, bị diệt sạch với sự tàn bạo chưa từng thấy trong quân sử nhân loại. Tất cả đều hoá thành những mảnh xương, những mảnh vụn cơ thể, những chiếc đầu lâu còn nguyên nét mặt kinh hoàng… Những chiếc giày trận, những chiếc dép râu, những nón tai bèo rách nát, những chiếc nón sắt lăn lóc, những mảnh áo trận rằn ri, những mảnh vải kaki Nam Định xanh màu chàm… nằm vất vưởng trên những khu rừng, những con đường tiến vào Tchepone.

Những lực lượng còn sống sót của cả hai bên rút về hậu cứ sau này, họ có biết họ là những kẻ may mắn mà pháo đài bay B52 chưa giết kịp.

Tôi nói với ông bạn già: “Chúng ta cần phải biết sự thật là như vậy để khiêm tốn, để có cái nhìn chính xác hơn về lịch sử, để biết rõ chỗ đứng của ta trong cộng đồng nhân loại”!

Viết tới đây tôi bồi hồi nhớ về Phạm Huấn, người phóng viên Tiền Tuyến của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, người trai thời loạn. Vô cùng thương tiếc anh. Anh đã vĩnh biệt Thế giới và Đất nước quá sớm, mang theo một trời hiểu biết về niềm bí ấn của chiến tranh Việt Nam và một trời uất hận vì anh chưa nói hết được những điều anh muốn nói. Anh là kho tàng tài liệu sự thật về Tết Con Khỉ, Hành Quân Lam Sơn 719, Cuộc Triệt Thoái Khỏi Cao Nguyên 1975… Và tôi cũng nhớ các nhà văn viết về chiến trường: Nguyễn Minh Châu với Dấu Chân Người Lính, Bảo Ninh với Nỗi Buồn Chiến Tranh, Chu Lai với Ăn Mày Dĩ Vãng, Vòng Tròn Bội Bạc…

Tất cả các anh em đã viết vế chiến tranh với nỗi bức xúc đỏ như màu huyết của chính mình, của đồng đội. Thế mới hay, chiến tranh luôn là sự hối tiếc của lịch sử, là sự ăn năn của nhân loại, của mọi dân tộc.

Tôi cũng nói cho ông bạn tôi hay rằng, người Việt mình chưa bằng người Mỹ, họ biết quên, biết cách quên, biết tự buộc mình phải quên, như tổng thống Gerald Ford, sau 30 tháng 4/1975 tuyên bố “Trang sử Chiến Tranh Việt Nam đã lật qua”. Ông kêu gọi người Mỹ hãy quên cái quá khứ ấy đi và hướng về tương lai, viết lên trang sử mới, hồi sinh đất nước Mỹ!

Quả nhiên nền kinh tế của Mỹ đã phục hồi rất nhanh sau đó, nhờ người Mỹ biết quên chiến tranh Việt Nam, tập trung vào phục hồi kinh tế Mỹ. Tôi cũng nói với anh, Tết năm nay ở Mỹ có nhiều biến chuyển. Chúng tôi ăn Tết dưới những biến động lớn của đất nước Mỹ và của Thế giới. Chúng tôi ăn tết trong cái lạnh chưa từng có của nước Mỹ, và tôi báo cho anh biết, lúc tôi đang viết những dòng điện thư cho anh thì ở Minnesota đang lạnh 40 độ F âm. Đó là kỷ lục trong lịch sử thời tiết của Mỹ.

Dù vậy nó cũng không đủ khả năng làm cho người Mỹ và chúng tôi run sợ. Thật sự, cái làm cho chúng tôi đang run sợ trong Tết năm nay là sự suy thoái quá nhanh của nền kinh tế Mỹ, có nguy cơ kéo theo sự khủng hoảng kinh tế của toàn thế giới! Thêm vào đó là cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2008 đang ở vòng sơ bộ nhưng rất sôi nổi và bóng ma Chiến Tranh Việt Nam vẫn còn lảng vảng đâu đây, ám ảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong suốt gần nửa thế kỷ qua.

Có người hỏi, nó sẽ còn ảnh hưởng lên cử tri Mỹ đến tận bao giờ? Năm 2004, John Kerry, ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, được giới thiệu với cử tri Mỹ từ người bạn thân của ông ta, cũng là một cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (Vietnam Veteran): “John Kerry là một người đã được rèn luyện trong chiến tranh Việt Nam” (a man forged in Viet Nam), và ông ta tin chắc rằng John Kerry sẽ thắng cử Tổng Thống Mỹ nhờ ông ta “có” Việt Nam (he does have VietNam).

Hôm ấy, chính John Kerry cũng tự giới thiệu mình với cử tri:

“Chúng ta có mặt hôm nay tại đây là vì chúng ta những người yêu nước. Chúng ta tự hào về hiện tại và tương lai của đất nước! Thưa đồng bào, đêm nay có mặt nơi đây, chúng ta quyết tâm làm cho xứ sở hùng cường hơn và được toàn thế giới kính nể!… Tôi đang đứng trên quê hương – nơi mà máu, lý tưởng và hy vọng đã viết nên lịch sử” (Chicago Tribune- July 30th 04/Acceptance Speech-Test of John Kerry).

John Kerry quả là người yêu nước, tự hào về lịch sử nước Mỹ. John Kerry quyết chí vực dậy một nước Mỹ đã từng lãnh đạo thế giới! Ấy thế mà ông vẫn không được chọn làm tổng thống Mỹ! Ông đã là lính Mỹ tại Việt Nam, ông đã dan díu quá nhiều trong chiến tranh Việt Nam! Thế mới biết người Mỹ sợ nhắc đến chiến tranh biết là chừng nào!

Cũng vì thế, đến năm nay – 2008, trong cuộc vận động bầu cử tổng thống Mỹ, các ứng cứ viên né tránh tối đa không nói về chiến tranh Việt Nam và họ nói rất ít về chiến tranh Iraq trong những ngày đầu. Sau đó, nhờ sự thoái trào kinh tế của Mỹ xem chừng quá nguy hiểm nên các ứng cử viên đều chú tâm về vấn đề cứu vãn nền kinh tế Mỹ!

Barack Obama, một thanh niên Mỹ có hai dòng máu, một trong những ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ năm 2008. Ông ta là người thông minh kiệt xuất, biết đánh giá thời đại và cơ hội, biết nhận chân giá trị của bản thân mình, biết được ưu điểm của mình là người trẻ, không hề có dan díu với chiến tranh Việt Nam.

Barack Obama kêu gọi tất cả người Mỹ hãy nhìn về tương lai, một tương lai cần nhiều thay đổi. Thay đổi đất nước phải bắt đầu từ thay đổi của mỗi công dân Mỹ. Mỗi cá nhân cần phải có tầm nhìn mới, để thay đổi nuớc Mỹ, để vực dậy nền kinh tế vốn dĩ hùng cường của Mỹ, hầu cứu vớt sự suy thoái kinh tế của nhân loại hiện tại.

Ông đã dấy lên tinh thần trách nhiệm, sự tin tưởng, niềm tự hào của các thế hệ Mỹ. Và hôm nay, các cử tri Mỹ trẻ cũng như già, nam cũng như nữ đang theo sau Barack Obama, với khẩu hiệu trên tay họ: CHANGE – We Can Believe In.

John McCain, một cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VietNam Veteran), một ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hoà, năm 2008, ông cũng được đương kim Tổng thống Mỹ G.W. Bush giới thiệu như một nhân vật bảo thủ kỳ cựu. Học hỏi từ sự thất bại của John Kerry đảng Dân chủ 4 năm về trước, John McCain đã khéo léo không hề nhắc về chiến tranh Việt Nam, về năm năm tù của mình tại nhà tù Hỏa Lò – Hà Nội.

Ông đã trở thành ngôi sao sáng nhất, không chỉ riêng của đảng Cộng Hoà mà của cả nước Mỹ, có thể thắng cử Tổng thống Mỹ cho nhiệm kỳ 2008-2012!

Ấy thế mà mới hôm nào, trong lúc xúc động mạnh, ông sơ ý nhắc lại cảnh hành hạ phi công Mỹ trong nhà tù Hỏa Lò – Hà Nội có liên quan phần nào sự giúp đỡ thiết cụ từ Cuba, và ông gọi đích danh Fidel Castro! Báo chí liền vồ mẩu tin ấy, nhất là điện báo VOA (ngày 12/2/08) và BBC (ngày11/2/08).

Fidel Castro biết được, nổi nóng, đã nặng lời xỉ vả và dám bảo John McCain là kẻ nói dối. Theo điện báo VOA thì Fidel Castro còn nhắc nhở McCain: “Ông McCain, tôi xin nhắc ông là những điều răn trong tôn giáo ông cấm ông không được nói dối!”.

Nhân cơ hội này, điện báo BBC lại đề cập đến một tiếng lóng: “gook” (mọi vàng) mà ông McCain đã dùng cách đây tám năm để chỉ những người tra tấn ông ở Hỏa Lò.

BBC cũng không quên nhắc lại cái nhìn của cử tri Mỹ tám năm về trước, qua tiếng lóng “gook”, và họ đã cho là McCain không xứng tầm một chính trị gia.

Thật là một lối ôn cố tri tân vô cùng nguy hiểm của thông tấn BBC!

Sau những lời tường thuật xa gần của hệ thống truyền thông thế giới, từ một vị trí sáng chói đầy triển vọng, John McCain đang chật vật tháo gỡ những rắc rối gần như là phi lý!

Người Mỹ đang quyết tâm xua đuổi cái bóng ma của quá khứ, cái bóng ma của chiến tranh, của suy đồi kinh tế! Họ không muốn nghe, không muốn thấy những gì dính dáng đến Chiến tranh!

Trong chiến tranh không có kẻ thắng, không có người thua. Trong chiến tranh chỉ có những nạn nhân. Chiến tranh luôn luôn gây ra đổ nát, nghèo đói, chết chóc. Tệ hại hơn thế nữa, chiến tranh phân ly xã hội, chia cắt đồng bào, bóp méo lịch sử, gây biết bao nhiêu hận thù, nhầm lẫn và lạc hậu, một cách phi lý!

Hai dân tộc Việt Mỹ biết rõ điều đó hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới! Hai dân tộc Việt Mỹ đã viết cho nhau những trang sử đẫm máu đáng tiếc, kéo dài hơn hai mươi năm! Tất cả hai dân tộc đều là nạn nhân của chiến tranh và đang thừa hưởng Di Sản Của Chiến Tranh: người Việt gọi là Hội Chứng Hậu Chiến, người Mỹ gọi là Post Traumatic Stress Disơrder Syndromes (PTSD).

Và tôi kết luận bức điện thư cho bạn tôi với câu văn dài dòng sau đây:

“Như anh thấy đấy, tất cả kinh nghiệm đắng cay còn nguyên đó. Bài học lịch sử là nhìn lại quá khứ một cách chân thật và công bằng. Mục đích của bài học lich sử là hướng về tương lai, xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, công bằng và nhân ái.

Thật là lạc hậu trong lúc này nếu chúng ta miệt mài đánh bóng quá khứ, quá khứ của chiến tranh, xây dựng những tượng đài hoành tráng cho những chiến trận! Điều quan trọng chúng ta phải biết vượt lên chính mình, phải biết liêm sỉ, phải biết tự soi rọi mình, chân thật với mình để khiêm tốn quên đi quá khứ, quá khứ của chiến tranh, của nhầm lẫn, phản bội, gian trá…, để cùng nhau đoàn kết xây dựng lại quê hương, phát triển kinh tế, tiến lên cùng thời đại…”.

Tôi có một chút ân hận sau khi send điện thư ấy đi cho ông bạn già của tôi!

Không rõ ông ta có cho rằng tôi thiếu thực tế, không biết sống theo thời cuộc, không chịu vươn lên cùng trào lưu với thiên hạ hay không…

Oak Park, Illinois, USA

Ngày 14/02/2008

Comments are closed.