Nguyễn Văn Lợi
Tóm tắt
Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt của GS Nguyễn Tài Cẩn đánh dấu một bước phát triển mới trong tiến trình nghiên cứu lịch sử tiếng Việt nói chung và ngữ âm lịch sử tiếng Việt nói riêng. Giá trị và đóng góp của công trình khoa học này trong lĩnh vực ngữ âm lịch sử tiếng Việt, thể hiện ở ba bình diện chính:
1– Bình diện lí luận: Giáo trình đã tổng kết, hệ thống hóa và phát triển những vấn đề lí luận về ngữ âm lịch sử tiếng Việt.
2– Bình diện tư liệu: Giáo trình đã hệ thống hóa, tổng kết tư liệu liên quan đến ngữ âm lịch sử tiếng Việt.
3- Giáo trình đã gợi mở, định hướng cho việc nghiên cứu tiếp theo về ngữ âm lịch sử tiếng Việt.
GS Nguyễn Tài Cẩn có những đóng góp to lớn trong nhiều lĩnh vực khoa học nhân văn ở nước ta như ngôn ngữ học, văn học, nghiên cứu Hán – Nôm, nghiên cứu văn hóa dân gian… Nói riêng trong ngôn ngữ học, với những đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu, đào tạo về ngữ pháp tiếng Việt, Hán – Nôm, lịch sử tiếng Việt… Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn là một trong những người đặt nền móng và thúc đẩy sự phát triển Việt ngữ học ở nửa cuối thế kỉ XX và thập niên đầu thế kỉ XXI.
Trong số các công trình của GS Nguyễn Tài Cẩn, Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt đánh dấu một bước phát triển mới trong tiến trình nghiên cứu lịch sử tiếng Việt nói chung và ngữ âm lịch sử tiếng Việt nói riêng.
Năm 1912, công trình Nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng An Nam – Các âm đầu của H. Maspéro được công bố đã mở ra một giai đoạn mới trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử tiếng Việt nói chung và việc nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt nói riêng. Sau công trình của H. Maspéro, việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt được đẩy mạnh với những đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Năm 1995, tức là hơn 80 năm sau công trình của H. Maspéro, Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt của GS Nguyễn Tài Cẩn được xuất bản. Công trình này chính là sự tổng kết, hệ thống hóa và phát triển những thành tựu nghiên cứu lí thuyết và tư liệu trong gần một thế kỉ (thế kỉ XX) về lịch sử tiếng Việt nói chung và lịch sử ngữ âm tiếng Việt nói riêng. Có thể nói, cho đến nay, Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt là “công trình nghiên cứu đầy đủ và hệ thống nhất về lịch sử ngữ âm tiếng Việt; và điều đặc biệt của nó là ở chỗ các quan hệ cội nguồn, quan hệ tiếp xúc giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ thân thuộc, giữa tiếng Việt với tiếng Hán; ảnh hưởng của tiếng Hán đối với tiếng Việt và các ngôn ngữ thiểu số khác ở Việt Nam… đã được chú ý phân tích và đánh giá một cách hợp lí trong toàn bộ bối cảnh chung, khiến cho vấn đề được nhìn nhận và trình bày một cách toàn diện hơn”. (Vũ Đức Nghiệu, 2005, tr. 354)
Ba nhóm vấn đề sau đây đã được trình bày trong Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt:
1. Nguồn gốc và quan hệ thân thuộc của tiếng Việt với các ngôn ngữ trong nhóm Việt – Chứt, trong tiểu chi Môn – Khmer Đông, trong chi Môn -Khmer, trong họ Nam Á; vấn đề quê hương của nhóm ngôn ngữ Việt – Chứt.
2. Lai nguyên của hệ thống âm đầu, vần, thanh điệu tiếng Việt.
3. Quá trình biến đổi hệ thống âm đầu, vần, thanh điệu qua từng thời kì: Proto Việt – Chứt > Proto Việt – Mường > tiếng Việt sơ kì > tiếng Việt cận đại.
Giá trị và đóng góp của công trình khoa học này trong lĩnh vực ngữ âm lịch sử tiếng Việt, theo chúng tôi, thể hiện ở ba bình diện chính:
1 – Bình diện lí luận: Giáo trình đã tổng kết, hệ thống hóa và phát triển những vấn đề lí luận về ngữ âm lịch sử tiếng Việt.
2 – Bình diện tư liệu: Giáo trình đã hệ thống hóa, tổng kết tư liệu liên quan đến ngữ âm lịch sử tiếng Việt.
3- Giáo trình đã gợi mở, định hướng cho việc nghiên cứu tiếp theo về ngữ âm lịch sử tiếng Việt.
1. Sự tổng kết, hệ thống hóa và phát triển những vấn đề lí luận về ngữ âm lịch sử tiếng Việt
Trong lời nói đầu của Giáo trình, GS Nguyễn Tài Cẩn viết: “Khi biên soạn Giáo trình, chúng tôi gặp khó khăn do không được đào tạo chính quy về phương pháp so sánh lịch sử, mà phải mò mẫm, tự học”. Tuy nhiên, thực tế trong Giáo trình, những vấn đề lịch sử tiếng Việt đã được xem xét một cách khoa học, thấu đáo nhờ sự tiếp cận và vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo những cơ sở lí thuyết, phương pháp nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ theo các truyền thống ngôn ngữ học khác nhau. Giáo trình thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống nghiên cứu ngôn ngữ Đông phương của các nước Phương Đông và Phương Tây. Trong công trình này, chúng ta tìm thấy các quan điểm lí thuyết, phương pháp nghiên cứu, tri thức về Hán học, Âm vận học, nghiên cứu Hán – Nôm, Hán – Nhật, Hán – Hàn của Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Đồng thời, qua Giáo trình, chúng ta cũng được tiếp cận với các lí thuyết và phương pháp nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ của trường phái Đông phương học của Nga (Xô Viết), của Pháp, Mĩ, Anh. Giáo trình đã hệ thống hóa, phân tích, đánh giá và phát triển những kết quả nghiên cứu của các tác giả nước ngoài như: H. Maspéro, B. Karlgren, A.G. Haudricourt, Vương Lực, J. Hashimoto, S. E. Jakhontov, M. V. Gordina, N. D. Andreev, S. A. Starostin, G. Diffloth, L. Thompson, M. Ferlus, N.K. Sokolovskaja… Những kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực liên quan đến lịch sử ngữ âm tiếng Việt của các tác giả trong nước như Cao Xuân Hạo, Nguyễn Kim Thản (Hồng Giao), Nguyễn Văn Tu, Hoàng Thị Châu, Đoàn Thiện Thuật, Vương Lộc, Nguyễn Văn Tài… cũng được tiếp thu và phát triển.
Luôn cập nhật và áp dụng những quan điểm, phương pháp, tri thức mới trong nghiên cứu chính là phong cách làm việc của GS Nguyễn Tài Cẩn. Trong nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, GS đã tiếp nhận và áp dụng có hiệu quả những lí thuyết, phương pháp, quan niệm mới. Phương pháp Ngữ thời học (phương pháp tống kê từ vựng) – Phương pháp xác định sự chia tách ngôn ngữ trong quá khứ – đã được áp dụng ở nhiều ngữ hệ trên thế giới, nhưng còn ít được ứng dụng trong các ngôn ngữ phương Đông; và ở nước ta, vì nhiều lí do, nhiều người vẫn còn nghi ngại phương pháp này. Tuy nhiên, GS Nguyễn Tài Cẩn cùng với các sinh viên do GS hướng dẫn đã áp dụng thành công phương pháp thống kê từ vựng để xác định thời gian chia tách và mức độ xa gần của quan hệ cội nguồn giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ trong cùng nhóm, cùng chi, cùng họ. Quan niệm về sự tồn tại thế đối lập nguyên âm theo tiêu chí chất giọng kẹt thanh (creaky voice) trong các ngôn ngữ Nam Á (Austroasiatic) do G. Diffloth đưa ra vào đầu thập niên cuối của thế kỉ XX đã được GS Nguyễn Tài Cẩn tiếp cận để giải thích nguồn gốc và sự hình thành thanh điệu tiếng Việt.
Phải nói thêm rằng, trong Giáo trình, những vấn đề lí thuyết được GS Nguyễn Tài Cẩn vận dụng nhuần nhuyễn, hài hòa đến mức, đôi khi chúng ta không nhận ra đó là những vấn đề lí thuyết cao xa, cũng như khó tìm ra ranh giới giữa các trường phái, truyền thống khác nhau. Xin dẫn ra một vài bằng chứng.
Trong các công trình nghiên cứu lịch sử ngữ âm, thông thường các tác giả chọn cách trình bày theo lối diễn dịch: Bắt đầu bằng việc phục nguyên các hệ thống phụ âm, nguyên âm ở thời kì Proto, và đi từ hệ thống (dạng proto) được phục nguyên đến các lưu tích (reflex) ở các kì tiếp sau. Các công trình ngữ âm lịch sử về các ngôn ngữ Tày-Thái của Lí Phương Quế, về việc phục nguyên hệ thống ngữ âm tiếng Hán cổ đại của S. Starostin, Baxter hay về việc khảo sát quá trình biến đổi ngữ âm suốt hai nghìn năm từ tiếng Proto Chăm đến các phương ngữ, ngôn ngữ Chăm hiện đại của G. Thurgood… đều trình bày theo cách này. Như vậy, các công trình này xuất phát từ “cái được phục nguyên, mang tính giả định, trừu tượng”, để đi đến “cái có thực, đang tồn tại”. Trong Giáo trình, lịch sử ngữ âm tiếng Việt được GS Nguyễn Tài Cẩn khảo sát và trình bày theo cách ngược lại. Trong phần I “Lai nguyên của hệ thống âm đầu và phần II “Lai nguyên của hệ thống Vần”, tác giả xuất phát từ các âm đầu, vần, thanh điệu đang tồn tại trong tiếng Việt hiện thời, ngược dòng lịch sử để tìm “lai nguyên” của chúng. Trong phần III, GS mới “lại đi thuận chiều theo dòng lịch sử, cố gắng trình bày các bước đường diễn biến đã xảy ra trong 3, 4 nghìn năm lại đây, từ thời thượng cổ (tức là dạng phục nguyên ở thời kì Proto Việt-Chứt > Proto Việt – Mường) cho đến thời kì cận đại” (Lời nói đầu, tr. 4). Đây là cách làm theo lối quy nạp: Xuất phát từ cái có thực, cụ thể đương đại để đi tìm lại cái giả định, trừu tượng trong quá khứ. Cách làm này của Giáo trình cho phép tác giả tránh phải trình bày, luận giải quá sâu những vấn đề lí thuyết, để đi vào giải quyết những vấn đề trọng điểm và trình bày “một cách giản dị, dễ hiểu” (Lời nói đầu, tr. 4) về lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Thiết nghĩ, cách làm như vậy hoàn toàn phù hợp với tình trạng chưa có nhiều thành tựu về lí luận và tư liệu trong nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt ở nước ta hiện nay, và thích hợp với một công trình mang tính “giáo trình” dành cho sinh viên và đa số người đọc chưa có nhiều hiểu biết về ngôn ngữ học so sánh lịch sử.
Sự nhuần nhuyễn trong việc áp dụng các lí thuyết vào thực tế nghiên cứu còn thể hiện ở cách chuyển tải các tri thức, khái niệm, cách dịch các thuật ngữ trong Giáo trình. Nếu như trong nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, GS Nguyễn Tài Cẩn đưa ra những thuật ngữ rất khoa học, nhưng đơn giản như tiếng một, đoản ngữ… thì trong Giáo trình, một số thuật ngữ chuyên ngành ngữ âm học lịch sử, vốn chưa tìm được cách dịch thống nhất, cũng được GS chuyển dịch rất chính xác, nhưng dễ hiểu, như lưu tích (reflex), sự cách tân (innovation), lai nguyên (protoform)… Trong Giáo trình, GS Nguyễn Tài Cẩn đã áp dụng những quan niệm, khái niệm mới về lí thuyết tạo sản lời nói vào nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng Việt, và đưa ra cách dịch đơn giản, dễ hiểu một số thuật ngữ mới. Chẳng hạn, việc dịch thuật ngữ phonation type là “cách phóng hơi”, có thể làm cho những ai nghiên cứu về ngữ âm học lúc đầu còn băn khoăn, nhưng nếu suy ngẫm kĩ, thì vẫn tìm thấy tính hợp lí; bởi vì, phonation type dù được hiểu là “sự điều phối các cơ của thanh quản”, hay “trạng thái khác nhau của thanh môn”, thì cũng đều liên quan đến “sự điều tiết dòng khí qua thanh môn”, tức là“cách phóng hơi” .
2. Sự hệ thống hóa, tổng kết tư liệu liên quan đến ngữ âm lịch sử tiếng Việt
Đối với GS Nguyễn Tài Cẩn, tư liệu luôn là khâu quan trọng hàng đầu trong nghiên cứu khoa học. Xuất phát từ tư liệu; luôn trăn trở khai thác triệt để tư liệu; tư liệu phải là cơ sở và là minh chứng cho mọi ý tưởng, nhận định, luận điểm, kết luận trong nghiên cứu. Đó là những điều GS Nguyễn Tài Cẩn thường khuyên dặn học trò, ngay khi họ mới tập sự làm khoa học như viết khóa luận sinh viên, cũng như khi họ đã trưởng thành. GS không hài lòng nếu học trò chạy theo những đề tài lí thuyết quá sức, hoặc đưa ra những nhận định, kết luận không có cơ sở lí thuyết, nhất là không dựa trên tư liệu thực tế (GS gọi là nhận định (kết luận) khống).
Chính vì vậy, trong Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt, tư liệu có vai trò quan trọng; và một phương diện khác của sự thành công, đóng góp của công trình khoa học này chính là việc tổng kết, hệ thống hóa những tư liệu và từ tư liệu rút ra những nhận định, kết luận mới liên quan đến lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Trong Giáo trình, những vấn đề lịch sử tiếng Việt được xem xét một cách thấu đáo, toàn diện dựa trên tư liệu từ Hán – Việt, tư liệu phương ngữ tiếng Việt, tiếng Mường và các ngôn ngữ thân thuộc nhóm Việt Chứt. Chẳng hạn, để tìm lai nguyên một phụ âm, nguyên âm nào đó, GS Nguyễn Tài Cẩn trình bày tỉ mỉ số liệu thống kê các biến dạng, những loại lưu tích ở từng tài liệu, hay miêu tả cặn kẽ cách thể hiện ngữ âm của mỗi âm vị ở các thổ ngữ tiếng Việt hiện đại, xác định “âm trị” của kí hiệu chữ viết ở tiếng Việt thế kỉ XVII qua Từ điển Việt Bồ La, ở tiếng Việt thế kỉ 15 qua An Nam dịch ngữ, trước thế kỉ XV qua tư liệu từ Hán – Việt, cổ Hán Việt, tư liệu chữ Nôm. Dạng phục nguyên Proto Việt-Chứt, Proto Việt-Mường được thuyết phục bằng sự khai thác triệt để, thấu đáo tư liệu về các loại lưu tích khác nhau, được liệt kê, minh họa trong các bảng biểu đối chiếu gần 30 thổ ngữ tiếng Mường và ngôn ngữ Pọong – Chứt. Coi trọng, chắt chiu từng tư liệu, nên GS Nguyễn Tài Cẩn trân trọng đóng góp của người cung cấp tư liệu, dù là đóng góp nhỏ nhất của sinh viên viết khóa luận. Điều này được GS nói rõ trong Lời nói đầu của Giáo trình: “Về cứ liệu tiếng nói các vùng người Việt, cứ liệu các ngôn ngữ bà con gần xa như Mường, Nguồn, Poọng Mày, Rục, Sách, Mã Liềng, Arem, Thà Vựng… chúng tôi cũng rất ít có dịp được trực tiếp khảo sát, phần lớn chúng tôi đều phải căn cứ vào kết quả thu thập của các bạn đồng nghiệp trong nước, ngoài nước, qua các đợt điều tra điền dã” (Lời nói đầu, tr.3). Trong Giáo trình, bên cạnh tên của các nhà khoa học trong và ngoài nước có quan niệm, ý kiến được trích dẫn, còn có tên của các thế hệ sinh viên có đóng góp về tư liệu như Đoàn Văn Phúc (khóa luận tốt nghiệp1977 về tiếng Mã Liềng, Khạ Phoọng ở Hà Tĩnh), Lê Văn Trường về tiếng Úy Lô, Ngô Giáng Hương, Nguyễn Văn Bá (khóa luận tốt nghiệp 1999 về thống kê từ vựng các ngôn ngữ Việt – Chứt).
3. Sự gợi mở, định hướng cho việc nghiên cứu tiếp theo về ngữ âm lịch sử tiếng Việt
Trong Giáo trình của GS Nguyễn Tài Cẩn, những vấn đề lịch sử tiếng Việt luôn được cân nhắc, xem xét một cách kĩ càng, thấu đáo, được luận giải theo các cách khác nhau, tùy thuộc vào tình hình tư liệu thực tế, hay góc nhìn lí thuyết. Chính vì vậy, những nhận định, kết luận trong công trình khoa học này không mang tính chủ quan, phiến diện, mà luôn có tính gợi mở, hướng người đọc tìm đến những tìm tòi, phát hiện tiếp theo, kể cả những ý kiến trái chiều hay phản biện. Trong Giáo trình, lai nguyên của một số phụ âm đầu, vần, thanh điệu được giải thuyết theo cách “đa giải pháp”. Vấn đề vị trí của tiếng Nguồn trong tiểu nhóm Việt – Mường được GS cân nhắc từ nhiều bình diện: Xét theo kết quả thống kê từ vựng, thì Mường gần Việt, nhưng xét theo các cách tân ngữ âm trái lại, Nguồn lại đứng về phia Mường; Nguồn và Mường cùng đối lập với Việt. Vì vậy, tác giả đưa ra câu trả lời “mở” cho câu hỏi về quan hệ giữa Nguồn, Mường và Việt: Nguồn có thể thuộc Mường; Nguồn cũng có thể thuộc Việt; và Nguồn có thể là ngôn ngữ độc lập thuộc tiểu nhóm Việt-Mường.
Cách giải quyết “gợi mở” vấn đề cho phép tác giả sau đó có thể đưa ra những bổ sung, điều chỉnh cần thiết, thậm chí thay đổi quan niệm, cách lí giải trước đó. Việc tìm lai nguyên một số phụ âm đầu trong Giáo trình căn cứ vào tư liệu và cách lí giải “quá trình xát hóa” do M. Ferlus đưa ra. Tuy nhiên, 5 năm sau khi Giáo trình xuất bản, trong Hội nghị quốc tế lần thứ năm về Ngôn ngữ học và các ngôn ngữ liên Á, tháng 11 năm 2000, GS Nguyễn Tài Cẩn trình bày báo cáo Bàn thêm về hiện tượng xát hóa. Báo cáo cung cấp một số cứ liệu (lấy từ tiếng Mường, phương ngữ khu 4, Từ điển A. de Rhodes, An Nam dịch ngữ, bản dịch Nôm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh) chứng minh rằng quá trình xát hóa không xảy ra như cách lí giải của M. Ferlus (Nguyễn Tài Cẩn, 2000).
Sau đây là một vài vấn đề mà Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt đã gợi mở cho chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu:
1. Lai nguyên hệ thống phụ âm đầu và quá trình biến đổi (diễn tiến) của chúng từ trạng thái Proto đến các phương ngữ, ngôn ngữ Việt – Chứt hiện đại. Đặc biệt chú ý là việc phục nguyên các phụ âm tắc (với đối lập cặp ba: vô thanh, hữu thanh, hữu thanh hút vào) và cách lí giải “quá trình xát hóa” của M. Ferlus.
2. Sự hình thành và phát triển hệ thống thanh điệu từ trạng thái Proto đến các phương ngữ, ngôn ngữ Việt – Chứt hiện đại.
Có thể đi tiếp con đường mà GS Nguyễn Tài Cẩn đã gợi mở và khuyến khích bằng chính “cách đi” của Thầy: a – Tiếp cận những lí thuyết, phương pháp, quan niệm mới, và b- Thu thập, bổ sung tư liệu mới.
3.1. Về lí thuyết
Trong việc phục nguyên dạng thức Proto, hay giải thích các quá trình biến đổi ngữ âm, GS Nguyễn Tài Cẩn thường dựa vào những nguyên tắc, quy luật ngữ âm phổ quát (Thầy gọi là âm lí), hay các hiện tượng, đặc điểm mang tính khu vực. Việc tiếp cận và áp dụng các lí thuyết, phương pháp, quan niệm mới trong nghiên cứu ngữ âm lịch đại và miêu tả ngữ âm – âm vị học đồng đại chắc chắn sẽ giúp chúng ta giải quyết tiếp những vấn đề ngữ âm lịch sử tiếng Việt. Tìm hiểu sâu thêm lí luận về sự tạo sản lời nói (cơ chế luồng hơi, sự tạo thanh với các thức tạo thanh khác nhau…) cho phép chúng ta tìm được những cơ sở ngữ âm học (âm lí) của việc phục nguyên và tìm hiểu sự biến đổi qua các thời kì của các phụ âm đầu trong các ngôn ngữ Việt – Chứt (chú ý đến sự đối lập phụ âm tắc hữu thanh nổ trong (implosive) và tắc hữu thanh nổ ngoài (plosive) ở trạng thái Proto và trong các ngôn ngữ Việt – Chứt hiện đại) (Ladefoged 1997, 2007, Nguyễn Văn Lợi. 2002).
Trong những năm gần đây, xuất hiện những cách nhìn nhận, quan niệm mới trong miêu tả đồng đại hệ thanh điệu tiếng Việt và giải thích sự hình thành, phát triển thanh điệu trong các ngôn ngữ có liên quan đến tiếng Việt thuộc họ Nam Á, Nam Đảo (Nguyễn Văn Lợi. 2005, 2009; Suwilai Premrirat. 1996, 2000). Trong Giáo trình, đi tìm lai nguyên của các thanh điệu, GS Nguyễn Tài Cẩn xuất phát từ hệ thống thanh điệu Việt được miêu tả theo quan niệm truyền thống: Sự đối lập các thanh điệu chỉ dựa vào tiêu chí cao độ (pitch): âm vực và đường nét. Gần đây, dựa trên những kết quả nghiên cứu bằng máy móc (số hóa) hiện đại, một số nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, thanh điệu tiếng Việt cũng như thanh điệu ở các ngôn ngữ Đông Nam Á khác, có sự kết hợp hai loại tiêu chí: cao độ (F0) và chất giọng (hay thức tạo thanh – cách phóng hơi, theo cách gọi của GS). Hai loại tiêu chí này đều liên quan đến hoạt động của thanh hầu (laryngeal features) và chúng gắn kết với nhau bằng quan hệ “ràng buộc”, “kéo theo”, “nhân quả” (Mark Alves J. 1995; Marc Brunelle 2007, 2010; Honda Koichi 2004; Nguyễn Văn Lợi và Jerod Edmondson 1997, 1998; Phạm Andrea Hoa 2001, 2003; Vu Thanh Phuong 1981, 1982). Sự gắn kết và quan hệ như vậy giữa tiêu chí cao độ và thức tạo thanh chính là cơ sở “âm lí” của sự hình thành và phát triển hệ thống thanh điệu trong các ngôn ngữ Việt – Chứt, ở các thời kì khác nhau.
Về ngữ âm lịch sử, trong Giáo trình, nguồn gốc thanh điệu tiếng Việt được luận giải theo giả thuyết nổi tiếng về nguồn gốc chiết đoạn của thanh điệu tiếng Việt do A. G. Haudricourt đưa ra. Theo giả thuyết này, sự xuất hiện thanh điệu Việt gắn với hai quá trình: a – Quá trình mất các âm cuối tắc thanh hầu [?] và xát thanh hầu [h, s] làm nảy sinh sự đối lập ba kiểu đường nét thanh điệu; và b- Quá trình vô thanh hóa phụ âm đầu dẫn đến sự đối lập âm vực cao vs. thấp. Dựa trên tư liệu ngôn ngữ Đông Nam Á, đặc biệt các ngôn ngữ Vietic (Việt – Chứt), cũng như những nghiên cứu mang tính lí thuyết về bản chất ngữ âm của sự đối lập theo các tiêu chí thanh hầu, các tác giả đã xem xét lại giả thuyết của Haudricourt và cố gắng đưa ra các giả thuyết khác, xây dựng các mô hình mới về sự hình thành thanh điệu tiếng Việt. G. Diffloth cho rằng sự đối lập âm vực (chất giọng, kiểu tạo thanh): sáng (clear) vs. kẹt thanh (creaky) có từ Proto Nam Á và các thanh Sắc, Nặng vs. Ngang, Huyền trong tiếng Việt hiện đại được hình thành chính trên cơ sở sự đối lập chất giọng: sáng vs. kẹt thanh ở Proto Vietic (có nguồn gốc từ Proto Nam Á).
Gần đây, Graham Thurgood đã công bố trên trang chủ của mình loạt bài báo nhằm xem xét lại giả thuyết nguồn gốc thanh điệu (Tonogenesis) tiếng Việt. Theo tác giả, quá trình vô thanh hóa phụ âm đầu đẫn đến sự đối lập âm vực cao vs. thấp (Ngang, Sắc, Hỏi vs. Huyền, Nặng, Ngã) phản ánh mối quan hệ giữa tiêu chí thanh tính (vô thanh vs. hữu thanh) của phụ âm đầu và sự đối lập âm vực thanh điệu (cao vs. thấp). Về bản chất ngữ âm, sự khu biệt về thanh tính phụ âm đầu không chỉ liên quan đến sự khu biệt cao độ F0 (cao vs. thấp), mà còn liên quan đến sự khu biệt về chất giọng, về phẩm chất nguyên âm, về kiểu tạo thanh. Như vậy, cả hai quá trình hình thành thanh điệu Việt: a – Quá trình xuất hiện sự đối lập Sắc, Nặng vs. Ngang, Huyền và b – Quá trình vô thanh hóa phụ âm đầu dẫn đến sự khu biệt Ngang, Sắc, Hỏi vs. Huyền, Nặng, Ngã đều liên quan trực tiếp đến các tiêu chí thanh hầu. Do vậy, để giải thích nguồn gốc thanh điệu Việt, G. Thurgood đề nghị thay mô hình nguồn gốc chiết đoạn (Segmentally driven model) của Haudricourt bằng mô hình nguồn gốc tiêu chí thanh hầu (Laryngeally driven model) (Thurgood, G. 2004).
Năm 2001, Ferlus M. lại đưa ra giả thuyết khác về nguồn gốc các thanh Sắc, Nặng tiếng Việt. Theo ông, sự đối lập Sắc, Nặng vs. Ngang, Huyền là kết quả của sự đối lập căng vs. lơi, do ảnh hưởng từ tiếng Hán thời kì nhà Hán (Ferlus M. 2001).
3.2. Về tư liệu
Đọc Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt chúng ta bị thuyết phục bởi chỗ những nhận định, kết luận, cách kiến giải mà GS Nguyễn Tài Cẩn đưa ra đều được rút ra từ tư liệu thực tế về tiếng Việt và các ngôn ngữ có quan hệ cội nguồn hoặc tiếp xúc. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, trong các tư liệu được sử dụng trong giáo trình, sức nặng vẫn thuộc về khối tư liệu từ Hán – Việt, chữ Nôm và tư liệu tiếng Mường. Trong thực tế, trước khi Giáo trình được công bố và cho đến nay, tư liệu về các ngôn ngữ Poọng Chứt vẫn chưa được điều tra đầy đủ để phục dựng lại hệ thống ngữ âm Proto Việt – Chứt và tìm hiểu diến biến ngữ âm ở các thời kì tiếp theo từ Proto Việt – Chứt đến Poọng Chứt và Việt Mường. Ở nửa trước thế kỉ XX, trong nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt, các nhà khoa học chỉ biết đến tư liệu các phương ngữ Việt và Mường. Nửa sau thế kỉ XX, chúng ta biết đến tư liệu các ngôn ngữ nhóm Tum-Poọng (Tum, Phoong, Poọng, Đan Lai) và nhóm Chứt (Arem, Rục, Ma Liềng, Phoọng). Những năm gần đây, một loạt ngôn ngữ Việt – Chứt đã được phát hiện ở Nam Lào, đông bắc Thái Lan (Enfield, N.J., Diffloth G. 2010; Suwilai Premrirat 1996, 2000). Tư liệu về ngôn ngữ này đặt ra một số vấn đề mới về việc phân loại, xác định quan hệ thân thuộc và phục nguyên nhóm Việt-Chứt. Chẳng hạn, tư liệu về tiếng Karii – một ngôn ngữ Vietic (Việt-Chứt) mới được N.J. Enfield và Gérard Diffloth mới công bố (2010) – đặt ra chúng ta những vấn đề mới trong việc phục dựng hệ thống phụ âm đầu, vần, thanh điệu và những đặc điểm ngữ âm – hình thái học của Proto Việt – Chứt (Enfield, N.J., Diffloth, G. 2010).
Đồng thời, việc tiếp tục điều tra tư liệu về các thổ ngữ, phương ngữ tiếng Mường và Việt (nhất là các thổ ngữ Mường và Việt ở Bắc Trung Bộ) cho phép chúng ta bổ sung, điều chỉnh những tư liệu và cách kiến giải mà GS Nguyễn Tài Cẩn đã gợi ý, như quá trình xát hóa và sự biến đổi của các phụ âm đầu tắc qua các thời kì, hay vấn đề sự hình thành và phát triển hệ thanh điệu trong các thổ ngữ, phương ngữ Việt, Mường (Masaaki Shimizu 1998, Honda Koichi 2004, Nguyễn Văn Lợi, 2002, 2005, Võ Xuân Quế 1996, Võ Xuân Trang 1997).
4. Kết luận
Trên đây là những điều chúng tôi tiếp thu được từ Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt của GS Nguyễn Tài Cẩn. Chúng tôi ý thức rằng những điều tiếp thu được còn quá ít ỏi so với khối tri thức mà Thầy Cẩn đã truyền đạt trong Giáo trình. Chúng tôi cũng nhận ra rằng, đằng sau những trang sách của Giáo trình, ngoài các kiến thức khoa học, còn có nhiều bài học của GS Nguyễn Tài Cẩn về tinh thần, đạo đức, tác phong của người làm khoa học, trong đó bài học lớn hơn cả là bài học về Đạo Làm NGƯỜI. Để học được những điều đó ở THẦY, chúng tôi còn phải cố gắng rất nhiều.
Tài liệu tham khảo
Alves, Mark J. 1995. Tonal features and the development of Vietnamese tones. Working papers in Linguistics, Dept. of Linguistics, University of Hawaii, Manoa, vol 27:1-13.
Brunelle Marc . 2007. Tonal Coarticulation in Northern and Southern Vietnamese. The 17 th Annual Meeting of the Southeast Asian Linguistics Societ August 31-September 2, 2007. University of Maryland, Maryland, USA.
Brunell, Marc, Duy Dương Nguyễn, Khắc Hùng Nguyễn. 2010. Laryngographic and Laryngoscopic Study of Northern Vietnamese Tones. Phonetica 2010; 67:147-169.
Đinh Văn Đức. 2011. Ba tiểu khúc về thầy tôi. Từ điển học và Bách khoa thư. số 2, 2011, 75-84.
Enfield, N.J., Diffloth G. 2010. Introducing Karii, a Vietic Languge.
Honda Koichi. 2004. Phonological history of Vietnamese, with special focus on the phonogical system of Middle Vietnamese. Thesis Master of Linguistics, ANU, 2004.
Honda Koichi. 2004. F0 and phonation types in Nghe Tinh Vietnamese tones. SST. 2004.
Honda Koichi. 2005. Tone Correspondences and tonogenesis in Vietic. The 15th Annual Meeting of the Southeast Asian Linguistics Societ Canbera, 20-22 April 2005.
Ladefoged, Peter; Ian Maddieson; and Michel Jackson 1988. Investigating phonation types in different laguages. Vocal phisiology: Voice production, mechanisms and functions, ed. By Osamu Fusjimura, 297-317, New York: Raven Press.
Ladefoged, Peter and Ian Maddieson. 1997. The Sounds of the World’s Languges. Blackwell Publication.
Ladefoged, Peter. 2007. Articulatory features for describing lexical distintions. Languages Volume 83, Number 1 (2007).
Ferlus M. 2001. The Origin of Tones in Viet-Muong. 11th Southeast Asian Lingguistic Society Conference. Mahidol University, Bang Kok, May 16-18, 2001.
Jernigan J.E. 1997. Tonal phonology of Vietnamese acros dialects. MA thesis, University of Florida.
Lý Toàn Thắng. 2011. Tưởng nhớ Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Từ điển học và Bách khoa thư. số 2, 2011, 92-94.
Masaaki Shimizu. 1998. Khảo sát sơ lược về cấu trúc âm tiết tiếng Việt vào thế kỉ 14-15 . Qua tư liệu chữ Nôm. Hội nghị quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất, Hà Nội, 1998.
Michaud, Alexis. 2004. Final consonants and glottalization: New perspectives from Hanoi Vietnamese. Phonetica 61:2-3, 119-146.
Michaud, Alexis; Vũ Ngọc Tuấn, Angelique Amelot; Bernard Roubeau. 2006. Nasal release, nasal final and tonal constrats in Hanoi Vietnamese: An aerodynamic experiment. Mon-Khmer Studies, vol. 36, 121-138.
Nguyễn Quang Hồng. 2011. Hoài niệm về GS Nguyễn Tài Cẩn. Từ điển học và Bách khoa thư. số 2, 2011, 85-91.
Nguyễn Tài Cẩn. 1995. Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1995.
Nguyễn Tài Cẩn. 2000. Bàn thêm về hiện tượng xát hóa. Kỉ yếu Hội nghị quốc tế lần thứ năm về ngôn ngữ học và các ngôn ngữ Liên Á. Đại học KHXH NV, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 11, 2000. tr. 170-177.
Nguyễn Tài Cẩn. 2007. “Đối với người có chí muốn học, cần nhất là ba yếu tố: có thầy, có sách và có không khí học thuật”. Lược sử Việt ngữ học. Tập 2, Nxb Giáo dục, 2007, 285-290.
Nguyễn Thiện Giáp. 2007. Nguyễn Tài Cẩn – nhà Việt ngữ học nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Lược sử Việt ngữ học. Tập 2, Nxb Giáo dục, 2007, 269-279.
Nguyễn Thiện Giáp. 2007. H. Maspero và A.G. Haudricourt với việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt. Lược sử Việt ngữ học. Tập 2, Nxb. Giáo dục, 2007: 269-279.
Nguyễn Văn Lợi, Jerod Edmondson. 1997. Thanh điệu và chất giọng trong tiếng Việt (Bắc Bộ): Nghiên cứu thực nghiệm. Ngôn ngữ, 1, 1997,
Nguyễn Văn Lợi and Jerold Edmonson, 1998. Tones and voice quality in modern Vietnamese:Instrumental case studies. Mon-Khner Studies, 28, 1-18.
Nguyễn Văn Lợi 2002. Thanh điệu một vài thổ ngữ Nghệ An từ góc nhìn đồng đại và lịch đại. Ngôn ngữ. số 3: 1-12.
Nguyễn Văn Lợi. 2002. Đặc điểm ngữ âm-âm vị học của phụ âm tắc hữu thanh thở trong các ngôn ngữ ở Việt Nam và Đông Nam Á (Trên bình diện đồng đại và lịch đại). Những vấn đề ngôn ngữ học. Viện ngôn ngữ học. 2002:472-487
Nguyễn Văn Lợi. 2005. Thanh điệu và vấn đề cơ tầng Chăm trong thổ ngữ Cao Lao Hạ (Bố Trạch Quảng Bình). Kỉ yếu Hội nghị kỉ niệm lần thứ 80 sinh nhật GS Nguyễn Tài Cẩn, Tp Hồ Chí Minh, 17 tháng 5 năm 2005. Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, 2006.
Nguyễn Văn Lợi. 2009. Thanh điệu và nguồn gốc thanh điệu trong ngôn ngữ Chơ Lảo. Tìm hiểu ngôn ngữ các dân tộc Việt Nam. Nxb. KHXH: 120-139.
Paanchiangwong Songgot. 2007. The Influence of Final Consonants on the Tones of Vietnamese Spoken in Udon Thani Province, Thailand . The 17 th Annual Meeting of the Southeast Asian Linguistics Societ August 31-September 2, 2007. University of Maryland, Maryland, USA.
Phạm Andrea Hoa (2001). Vietnamese Tone: Tone is not pitch. Linguistics. Toronto, University of Toronto.
Pham Andrea Hoa 2003. Vietnamese Tone: A new analysis. London/New York/Oslo/Singapora: Rouledge-Taylor and Francis.
Thurgood Graham. 2004. Vietnamese and tonogenesis: revising the model and the analysis. gthurgood@csuchico.edu.
Suwilai Premrirat. 1996. Phonological characteristics of So (Thavưng) a Vietic languge of Thailand. Mon Khmer Studies, 26: 161-178.
Suwilai Premrirat.2000. So (Thavung) Preliminary Dictionary. Mahidol University, Thailand and University of Menbourne Australia.
Võ Xuân Quế. 1996. Những đặc điểm ngữ âm giọng Nghi Lộc. Luận án PTS Ngữ văn, Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội, 1996.
Võ Xuân Trang 1997. Phương ngữ Bình Trị Thiên. Hà Nội: Khoa học Xã hội.
Vũ Đức Nghiệu. 2005. Việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt. Lịch sử Việt ngữ học, Tập 1. Nxb. Giáo dục: 332-360.
Vu Thanh Phuong. 1981. The acoustic and perceptual nature of tone in Vietnamese. Thesis for Doctor of Philosophy, ANU, June 1981.
Vũ Thanh Phương.1982. Phonetic Properties of Vietnamese Tones across dialects. Papers in Southeast Asian Linguistics. D. Bradley. Sydney, Australian National University. 8 – Tonation: 55-75.