Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 46): Phạm Xuân Đài – Thư gửi Christina

Phạm Xuân Đài

Phạm Phú Minh 2014Phạm Phú Minh, sinh năm 1940, bút hiệu Phạm Xuân Đài, người làng Đông Bàn, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Học trung học các trường Trần Quý Cáp (Hội An), Trương Vĩnh Ký và Chu Văn An (Sài Gòn).

Học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và Sư Phạm ban Triết học tại Viện Đại Học Đà Lạt. Tốt nghiệp Sư Phạm năm 1964.

Dạy học và hoạt động thanh niên. Từ năm 1966 làm việc trong Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường (CPS) của Bộ Giáo Dục. Biệt phái sang Phủ Tổng Ủy Dân Vận năm 1973. Từ 1975 đi tù cải tạo, ở các trại Long Thành, Thanh Cẩm (Thanh Hóa) và Xuân Lộc. Ra khỏi tù năm 1988.

Đi tị nạn tại Mỹ cuối năm 1992. Từ 1993 đến 2007 làm việc với tạp chí Thế Kỷ 21 trong các nhiệm vụ Thư ký Tòa soạn, Chủ nhiệm và Chủ bút.

Hiện nay (bắt đầu từ tháng Bảy 2010) Chủ bút tạp chí online Diễn Đàn Thế Kỷ (diendantheky.net).

Tham gia hội Văn học Nghệ thuật Việt Mỹ (VAALA) từ năm 1993.

Đã tổ chức, hoặc phối hợp tổ chức các buổi: Triển lãm và Hội thảo về Phạm Quỳnh (Ngày Phạm Quỳnh) năm 1999; Văn học Việt Nam tại hải ngoại 2007; Triển lãm và Hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn, 2013; Văn học Miền Nam 2014, tại Little Saigon Nam California.

Đã xuất bản: Hà Nội Trong Mắt Tôi (tùy bút, 1994).

clip_image001

THƯ GỬI CHRISTINA

Christina thân mến,

Anh vừa nhận được bài báo về tình bạn em gởi cho anh. Việc cắt gởi các bài báo là việc em thường làm từ hồi anh còn ở Việt Nam, nhưng hồi đó là cốt cho anh thêm các thông tin trên thế giới mà em biết là anh thiếu thốn. Vừa rồi là một bài luận về tình bạn, chắc em nghĩ rằng bây giờ anh không thiếu thông tin thời sự nữa, mà cần được nhắc nhở về loại khác. Những gì liên quan đến tình người chằng hạn. Là người Tây phương có lẽ em hiểu bản chất thế giới Tây phương hơn anh, và biết là cái gì anh đang cần lúc này. Em thông minh và nhạy cảm đến thế, anh không khỏi cảm ơn số phận đã cho anh một người bạn, một người em gái như em.

Mùa xuân năm 1970, tại các ngôi nhà gỗ trong khu rừng của thành phố Columbus, Ohio, các thành viên của chương trình quốc tế CIP tập họp để làm quen với đất Mỹ và làm quen với nhau, trước khi bước vào hoạt động chính thức của mùa hè. Đoàn của chúng ta có những ai nhỉ? Ngoài đại diện của Ý và Việt Nam là em và anh, anh nhớ còn mấy người Đức, Pháp, Thụy Điển, Na Uy, Hy Lạp, Ba Lan, Ấn Độ, Đại Hàn, Brazil, Trinidad, Uganda và một số nước nữa mà anh quên mất tên. Lần đầu tiên anh sống với cỏ cây hoa lá của xứ ôn đới vào buổi đầu xuân, hòa lẫn trong không khí trẻ trung của đám người tứ xứ cũng lần đầu tiên tiếp xúc, ngày nay nhớ lại anh như còn thấy cảm giác ngất ngây của bao điều mới mẻ. Mặc dù bấy giờ đã ở tuổi ba mươi, anh vẫn sống lại cái bâng khuâng của cậu học sinh trong buổi tựu trường, như trong mây câu thơ:

Xếp hạnh phúc theo chương trình lớp học

Buổi chiều đầu họ tìm bạn kết duyên

Trong sân trường tưởng dạo giữa Đào Viên…

Từ nhỏ anh sống trong một xứ chiến tranh liên miên, có bao giờ được cơ hội tiếp xúc rộng rãi như thế này đâu. Em có nhớ buổi đầu tiên không? Câu hỏi sơ giao của chúng ta luôn luôn là: “Anh chị đến từ xứ nào?” Và câu trả lời sẽ mang đến cho chúng ta một bầu trời lạ mà các bài địa lý ở trung học chưa hề gợi ý. Thụy Điển? Mái tóc vàng làm liên tưởng ngay đến tuyết trắng và rừng thông. Hy Lạp? Đôi mắt thăm thẳm này có bà con với một nền văn minh cổ với đền đài và triết gia. Brazil? À, đây là hình ảnh của cái vẫn gọi là Mỹ La Tinh. Mỗi chúng ta được nhìn ngắm từng con người thật, nghe từng giọng nói thật đại diện cho những ý niệm trừu tượng từ trước về từng quốc gia. Anh sung sướng trong cái tình thế giới mới mẻ và cụ thể ấy. Và em, cô gái người Ý hai mươi mốt tuổi đã đại diện cho thành phố La Mã huyền diệu và Venise thơ mộng, cho cuốn Tâm Hồn Cao Thượng mà anh coi là kiệt tác trong tuổi nhỏ của anh, cho những uẩn áo của các vần thơ du địa phủ của Dante, đại diện cho cả Vespa và Lambretta vốn là ước mơ và ham mê một thời của tuổi trẻ Việt Nam. Tại sao em và anh trở thành bạn thân chóng như thế nhỉ, đó là điều cho đến ngày nay anh vẫn còn tự hỏi. Câu hỏi đã dần dần được nâng lên cấp độ… quốc gia: có phải đời sống tinh thần và tình cảm của người Việt Nam và người Ý có rất nhiều điểm tương đồng? Nhưng đây chỉ nói về hai cá nhân thôi. Đành giải thích bằng một câu rất cổ điển, dễ chấp nhận “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu,” tuy rằng không phải lúc nào cũng dễ dàng biết được thế nào là thanh là khí giữa hai con người.

Vậy thì giữa những ngày mùa xuân ấy chúng ta trở thành hai người bạn thân với nhau, hiểu nhau nhanh và trọn vẹn đến độ xem những người bạn mới khác chỉ là những “người ngoài,” chỉ thuần là những kẻ để cười nói chuyện trò giao tế. Hình như ngay bữa ăn sáng đầu tiên trong khu rừng ấy em đồng ý ngay với anh về cà phê Mỹ, uống chua chua nhạt nhạt chẳng ra làm sao cả. Em còn thêm: cà phê phải vừa mới rang và xay, nén chặt trong phin, và cho chúng ta từng giọt từng giọt đen sẫm… Trời ơi giờ phút đó sao em đáng yêu thế, em nói đúng tim đen của một anh chàng đang thèm và nhớ cà phê Sài Gòn. Lúc đó anh tự nhủ: À cô bé Ý này “được” đây, ít ra có thể chia sẻ với mình về một nét văn hóa mà mình không thể tìm thấy ở đây. Mà ngay ở lúc đó nếu có một người Việt Nam bên cạnh thì chưa chắc đã tỏ ra đồng điệu với anh về cái “gu” cà phê như em đâu, nói ra là hiểu tức khắc. Cà phê chỉ là chuyện mở đầu. Điều lạ lùng giữa anh và em là về sau này, trong cuộc sinh hoạt với đám bạn bè đa chủng và với xã hội Mỹ, thường đồng ý tức khắc với nhau về những nhận xét của người này hoặc người kia, như là chúng ta được sinh ra và lớn lên trong cùng một gia đình, đã cùng chịu chung một khí hậu văn hóa từ nhỏ. Có lẽ điều này giải thích tại sao chúng ta lại không yêu nhau trong thời gian ấy, điều mà sau này anh cứ lấy làm lạ. Sự liên hệ mà chúng ta cảm thấy từ đầu, một cách tiềm ẩn, gần như là một sự liên hệ huyết thống, và những cảm thông tinh tế về tình cảm và tinh thần như thế thì dễ dẫn dắt chúng ta đến chỗ tri kỷ với nhau hơn là tình yêu. Ôi nếu ngày đó chúng ta yêu nhau! Có bao giờ em đặt câu hỏi đó không? Thì sẽ có một April Love thật là thơ mộng trong khung cảnh rừng cây tuyệt vời đó, nhưng sẽ là một sai lầm, vì đó sẽ là cái mở đầu và cũng là cái kết thúc cho sự liên hệ của chúng ta. Chúng ta sinh ra không phải cho quan hệ tình yêu, mà là cho tình bạn, từ bản chất.

Đã lâu, từ ngày còn đi học, anh đã có sự nghi ngờ cái gọi là tình bạn của những người khác phái. Anh cho đó là điều không thể được, vì khởi đầu cho sự thân thiết giữa nam nữ phải là sự rung động, là cái sẽ làm khởi điểm cho tình yêu. Anh nhìn dáng vẻ của một người con gái, nhìn vào mắt nàng, nghe giọng nói của nàng, và nếu cảm thấy thích, muốn làm thân với nàng thì tức là anh đã có các rung động — mà các người khác phái có với nhau — về nàng rồi. Các rung động đó không phải là tiền đề cho tình bạn được, vì nếu mối thân thiết với người con gái ấy tiến triển, thì tiếp theo sẽ là sự nhớ nhung, sự “tương tư” của tình yêu nam nữ. Không cần thiết người đó có hiểu anh hay không, có “đồng điệu” hay không – có khi ngược lại là đằng khác — nhưng anh vẫn có thể yêu người đó. Vì không vượt qua được bức tường về giống phái, sẽ khó có thể có tình bạn thật sự giữa nam và nữ.

Khi gặp em, mặc dù em xinh đẹp, đàn giỏi, hát hay, nói trôi chảy ba thứ tiếng Ý, Pháp, Anh, nhưng sự thông minh và đồng điệu tinh thần của em đối với anh đã bộc lộ cùng lúc với vẻ quyến rũ con gái của em. Cả em, cả anh đều phát giác và thưởng thức cái sự đồng thanh đồng khí của người kia quá sớm đến nỗi sự mến mộ lẫn nhau đã có trước cả niềm rung động nam nữ, và từ khởi điểm đó cho đến mãi về sau, chúng ta rất thương mến nhau mà chưa hề yêu nhau. Đó là tình bạn. Một thi sĩ có tiếng của Việt Nam có câu thơ:

Tình ra đi sầu ở lại lâu dài.

Nếu anh và em yêu nhau thì e cũng lại như thế. May mắn cho chúng ta là điều đó đã không xảy ra. Và may mắn cho riêng anh: em là người bạn khác phái duy nhất đích thực mà anh có trên đời.

Cuối mùa hè, chương trình kết thúc, sau khi chia tay tại Washington để ai về nước nấy, chúng ta đã qua một thời kỳ rộn rã với biết bao cánh thư “quốc tế” bay đến từ khắp nơi trên thế giới. Tình cảm còn bồng bột mà! Em có nhớ anh chàng Ba Lan cùng nhóm với chúng ta không? Tự nhiên anh chàng ấy rất mến anh, mặc dù lúc đầu anh rất dè chừng vì cho anh ta là Cộng Sản. Noel năm đó anh nhận được bao nhiêu là thiệp đóng đủ thứ dấu bưu điện trên thế giới, nhưng lạ lùng nhất là có một cái thiệp từ Varsovie của anh bạn Ba Lan ấy — Việt Nam Cộng Hòa và các nước cộng sản tuyệt nhiên không có quan hệ bưu chính, nhưng anh không ngờ bưu điện Ba Lan lại tốt bụng đến độ gởi tấm thiệp ấy qua Paris, để từ Paris được chuyển về Sài Gòn. Nhưng chỉ độ nửa năm sau là các trao đổi thư từ thưa hẳn, rồi chấm dứt. Các người cùng tham dự chương trình cảm thấy phai nhạt dần các ấn tượng của cuộc họp mặt quốc tế trên đất Mỹ với bao tình cảm loại “hương xa” sau khi quay về với không khí quen thuộc của xứ sở mình. Chỉ có em và anh là còn tiếp tục thư từ… cho mãi đến ngày nay (trừ quãng gián đoạn mười bốn năm sau biến cố 1975).

Nếu anh nhớ không lầm thì em lấy chồng một hai năm sau khi về nước, và từ đây hầu như thư nào của em cũng có thêm mấy dòng của chồng em viết thăm anh. Em còn nhận làm cô hai đứa con của anh. Chúng ta đã dần dần ràng buộc nhau bằng tình cảm gia đình, và một lần nữa, anh lại cảm thấy hình như chỉ có người Việt Nam và người Ý mới có thể trở nên thân thiết với nhau bằng loại tình cảm như thế. Mà hiểu biết của anh về nước Ý thì có nhiều nhặn gì, chỉ chủ yếu qua một ít quyển sách, một số phim ảnh và mấy tác giả nhạc cổ điển. Có lẽ phim ảnh giúp anh hiểu biết tâm hồn Ý nhiều nhất, mà anh cho rằng gần gũi với tâm hồn Việt Nam một cách lạ lùng. Em có nhớ phim À l’italienne không? Sophia Loren đóng vai bà mẹ dẫn một bầy con lóc nhóc từ quê lên tỉnh, tính cách dữ dằn điếc không sợ súng của bà mẹ quê ấy nhằm bảo vệ đàn con giữa chốn thị thành đã gây cười nhiều lần cho khán giả, nhưng anh vừa cười vừa rưng rưng cảm động. Vì tính cách ấy giống y hệt các bà mẹ quê đáo để của Việt Nam, hoàn cảnh nào cũng khôn khéo, bản lĩnh — một cách quê mùa nhưng vô cùng vững chắc — để bảo vệ giềng mối của gia đình, con cái. Các bà có thể khó tính, khắt khe, đến độ quá đáng như mẹ chồng khó với nàng dâu, nhưng nghĩ cho cùng đó chính là vũ khí để gìn giữ kỷ cương cho cái cộng đồng nhỏ nhất là gia đình, tế bào của xóm làng, xã hội. Truyền thống mẹ chồng ác với nàng dâu ở Việt Nam anh cho là bắt nguồn từ ý chí muốn cho mọi thành viên mới của gia đình phải vào khuôn khổ, nếp nhà đã có sẵn, nhằm tránh việc những yếu tố mới xâm nhập vào phá hỏng cái trật tự cố hữu. Nói nôm na là vào đây thì phải theo phép nhà bà. Sự uốn nắn nào, dù với ý đồ tốt cũng gây nên một ít khổ sở. Thế hệ này qua thế hệ khác việc rèn cặp ấy phai dần ý nghĩa giáo dục ban đầu mà thành một lối đối xử độc ác. Đó là một sự thoái hóa đáng tiếc cho một truyền thống tốt đẹp. Bà mẹ chồng nào cũng nhớ nỗi khổ sở của mình thời mới về làm dâu, và “trả thù quá khứ” bằng cách hành hạ con dâu của mình, riết rồi thành một hủ tục chẳng có gì đẹp đẽ. Nhưng nói chung, tính chất riết róng, khó khăn, đáo để của các “bà nhà quê” đều bắt nguồn từ một ý thức tự tồn vững chắc, nó vừa bản năng như con gà mẹ xù lông đánh kẻ địch để bảo vệ con, vừa như một nhà chiến lược có cái nhìn xa về sự tồn vong của bầy con, và biết phải làm gì để bảo vệ và phát triển tốt cái tập thể mà mình đã sinh ra.

Christina ơi, anh tin rằng trong em cũng có một bà như thế (bà Ý hay bà Việt cũng thế thôi) khi em nhận làm cô các con của anh. Lúc em biết chúng nó lưu vong sang Pháp, em đã tìm mua bản dịch những chuyện cổ tích Việt Nam để một ngày nào đó có cơ hội sẽ trao cho chúng nó. Qua thư từ em không cho anh biết việc này, nhưng một người bạn của anh, Diệu, em nhớ không, đã gặp em tại Thụy Sĩ, và đã “báo cáo” mọi chuyện với anh. Thì ra em cũng đáo để thật.

Bức thư cuối cùng của em anh nhận được trước biến cố 75 là vào hồi tháng Ba năm ấy. Lúc ấy anh đang làm việc ở Phan Thiết, chiến sự đang hồi bi đát, bù đầu với công tác tiếp dân tị nạn từ các tỉnh miền Trung chạy vào, nhìn thấy hình của hai vợ chồng em mặc đồ cưỡi ngựa, mang ủng, ngồi trên hai con ngựa cao lớn, trông như tài tử xi nê, anh thấy chúng ta đang ở hai thế giới cách biệt quá xa như là âm với dương vậy. Mà đó là một dự cảm đúng cho tương lai sắp đến của anh, chỉ mấy tháng sau là anh vào trại cải tạo, đi biền biệt mười ba năm.

Một người bạn gái của anh có chồng đi cải tạo sau này có viết một bài mô tả tình cảnh các bà vợ ở nhà, nói rằng mỗi bà vợ như thế là một hòn vọng phu. Một hòn vọng phu sống, không đứng im như đá mà bương chải tứ tung, nhiều khi một cách rất thảm thương. Nhưng có một điều anh hoàn toàn không ngờ là trong mười ba năm anh biệt tích ấy em cũng đã nhiều lần bươn chải tứ tung để dò tìm tin tức của anh. Không biết em có “dữ dằn” như Sophia Loren trong phim không khi em đến đập cửa tòa đại sứ Việt Nam tại nước em đang ở để hỏi… tin tức về anh, khi em nhờ hội đoàn này, chính phủ nọ can thiệp giúp đỡ xem anh đang ở đâu, còn sống hay chết. Tất nhiên tất cả đều vô vọng. Sau này khi đã bắt liên lạc lại với em và được em cho biết các chuyện này, anh thấy em cũng y chang các hòn vọng phu sống của Việt Nam, dĩ nhiên một cách rất là… à l’italienne, mặc dù về danh nghĩa thì em đâu có… chờ chồng!

Phải cảm phục văn phòng CIP của Columbus, suốt mười ba năm anh đi tù họ vẫn gởi đều đặn bản tin về nhà của anh ở Sài Gòn. Có thể trong những năm đầu chính quyền Cộng sản nghi ngờ giữ lại “nghiên cứu” xem đó là tài liệu gì, nhưng sau đó thì bưu điện cứ phát đều đều. Từ năm 1988, anh về nhà, thỉnh thoảng vẫn nhận các bản tin ấy. Một hôm có lẽ vào cuối năm 1989 anh giật thót người khi đọc thấy tên và địa chỉ của em trong một bản tin vừa nhận. Lúc ấy anh thở phào và cảm tạ trời đất, thế là anh tìm ra dấu vết của em rồi. Anh biết sẽ không thể lạc em mãi mãi, nhưng không ngờ tìm thấy em một cách tình cờ như thế. Thế là anh bắt đầu viết những dòng tiếng Anh đầu tiên sau mười mấy năm, để gởi cho em. Anh nhớ chỉ độ năm sáu tuần sau đó là anh nhận được thư của em và Claudio, chồng em đã kể rằng: “Tôi thấy Christina bước vào với một cái thư trên tay, mặt tái mét, tay run rẩy, tôi phải đỡ vợ tôi ngồi xuống và bóc hộ thư. Con gái tôi trố mắt hoảng sợ, tưởng có tai nạn gì cho má.” Đó là tình trạng của em khi nhận được bức thư đầu tiên ấy. Em đã tuyệt vọng về tin tức của anh. Dĩ nhiên đọc tên anh ở góc bì thư em đã xúc động cực độ, có khi em hoảng hồn tưởng bức thư đó là hồn ma của anh hiện về cũng nên!

Mấy năm kế tiếp, anh được em “nuôi” rất kỹ. Trong bức thư đầu tiên đó em đã chẳng nói: từ nay em sẽ bù đắp các thiệt thòi cho anh. Quả thế, về mọi mặt. Tất cả những gì liên quan đến chuyến đi Mỹ của anh, gia đình anh vì sợ đã đốt hết. Em khôi phục lại. Anh lại có gần đầy đủ các hình ảnh cũ chụp ở Mỹ. Em thông báo tin tức về anh cho các bạn bè khác. Ở Sài Gòn anh không tìm đâu ra cuốn “Folk Song Dân Ca” của Phạm Duy mà ngày xưa anh tặng cho em (sau 75 đã bị tịch thu và đốt hết), em liền photocopy nguyên cả cuốn gởi cho anh. Em cắt báo gởi cho anh các biến cố quan trọng trên thế giới. Em ra hãng du lịch mua vé đi Sai Gon thăm anh, nhưng khi xin visa ở tòa đại sứ Việt Nam em đã không thể trả lời trôi chảy tất cả các câu hỏi nặng tính cách “bảo vệ chính trị” của họ. Anh đã nhận đều đặn thuốc men quần áo em gởi cho, có khi còn giấu đô la trong đồ đạc. Thậm chí em còn tự tay đan cho anh một cái áo len, một điều khiến cho anh rất lấy làm lạ, vì anh vẫn nghĩ rằng đàn bà Tây phương ở thế hệ của em thì đã thất truyền cái nghề đan áo.

Như thế, cho mãi đến ngày anh đi Mỹ.

Vừa rồi anh nhận được bài báo viết khá công phu, nhan đề “L’amitié, ce royaume…”. Người ta đã luận về tình bạn rất hay — dĩ nhiên hay em mới gởi cho anh — nhưng Christina ạ, sao giữa chúng ta gọi là tình bạn thì anh vẫn thấy ngờ ngợ hình như có gì chưa ổn. Dĩ nhiên chúng ta là bạn của nhau, bạn thứ thiệt, đã được thời gian, không gian thử thách đầy đủ hẳn hoi. Nhưng vì bạn bè của anh toàn là đàn ông, chỉ mình em là bạn gái duy nhất nên các bộc lộ nữ tính trong cách thương yêu săn sóc của em đâm ra “lạ,” khiến anh bối rối. Ôi, nhưng mà trong cái phức hợp của tình cảm con người không nên phân tích chi li, đặt tên này nọ. Tình cảm thiêng liêng và nguyên khối, không có tên. Vì thích chẻ nhỏ ra nên mới phải đặt tên gọi để dễ phân biệt. Anh xin lỗi em vì cái tật ưa phân tích. Gọi đó là tình bạn, hay tình yêu, hay tình anh em trong gia đình thì cũng chẳng thêm bớt gì cho bản chất của nó. Thôi thì, theo giao ước của xã hội, ta cứ gọi bằng một cái tên nào đó, “tình bạn,” cũng được đi, còn cái khối tình cảm giữa chúng ta thì ta cứ giữ như thế, chẳng cần định nghĩa hay đặt tên gì cả, vì mọi thứ “nguyên chất” ở đời này thì vốn không có tên.

Irvine 3 tháng Hai, 1993

Comments are closed.