Phỏng vấn nhà văn Cung Tích Biền (kỳ 2)

Phạm Viêm Phương thực hiện

[bốn kỳ]

Kỳ II.

Tiếng Nói của Đời. Tiếng Nói của Chữ.

“Văn chương, gọi là sống, khi nó còn Tiếng Nói. Tiếng Nói cho hôm nay. Tiếng Nói vì mai sau”.

Phạm Viêm Phương: Nhân nói về tác phẩm của ông, tôi muốn hỏi về bộ hồi ký. Đọc bài phỏng vấn ông trên trang mạng www.talawas.org năm 2007, tôi thấy Lý Đợi có đề cập tới bộ hồi ký của ông. Hồi ký cũng là thể loại độc giả luôn tìm đọc Trên một thập niên rồi hẳn ông đã hoàn thành?

CungTích Biền: Chưa hoàn thành. Chỉ có thể hoàn thành khi chính tôi phải tuân thủ một số tiêu chí nghiêm ngặt khi viết hồi ký.

Hồi ký là một loại rất dễ viết, nhưng với tôi, lại rất khó.

Phạm Viêm Phương: Vì sao lại trớ trêu, khó lẫn dễ trong thể loại này?

Cung Tích Biền: Hồi ký là một thể loại dễ viết nhất, mà cũng là khó viết nhất. Cả hai đều đúng bon cả.

Dễ viết, là một người Việt Nam, sống qua một lịch sử khá kỳ lạ non thế kỷ nay, nếu muốn viết về cuộc đời từng trải của mình, thì bất cứ ai cũng có thể viết nên một quyển hồi ký.

Một cô gái lớn lên vào thời chiến chinh, bỏ đồng quê làng mạc, chạy nạn vào thành phố, giàu có nói chi, tới bao nhiêu gian truân, có khi làm đĩ nuôi con; có khi lấy một lính Mỹ, theo chồng Mỹ qua Mỹ thời hậu chiến, bao nhiêu vật đổi sao dời. Một cô gái đẹp, phải nhà nghèo, đành lấy chồng người Hàn Quốc, cả người cà thọt, anh cà nhỏng; thu món tiền lo cho cha mẹ, già bệnh nợ nần; sống trên đất người, cho tới ngày luống tuổi, đêm hắt hiu, chiều tàn hương bên xứ người, thương cha nhớ mẹ, mái nhà bụi chuối, đám bèo trôi miền sông Tiền sông Hậu.

Một người lính Cộng hòa, đẫm máu trận mạc, là một thương binh, nạn nhân của một kẻ thù cùng chung họ hàng huyết thống, nay chống nạng đi giữa Sàigòn bán vé số, con cái bị đuổi khỏi trường, vợ bị bệnh tâm thần, nhà dăm mái tôn nóng nung người, gạo đong từng bữa; lâu lâu có chút tiền được đồng đội cũ thương tình từ nước ngoài gởi về cho, tức khắc bị an ninh phường làm khó, tịch thu…

Muôn vạn cái sự đời tưởng khó xảy ra lại là chuyện thường ngày, cơm bữa trên Xứ Việt.

Ông trời thương tình, cho mỗi phận người chúng ta quá nhiều “chất liệu” lẫn “chất lượng” sống. Ngay cái chết, xác chết cũng nhiều màu. Cờ vàng chết vàng. Cờ đỏ chết đỏ. Vàng đỏ pha lộn tùng phèo, thì chết nâu. Chết nâu kéo dài hơi lâu. Phải tốn vài mươi năm sau để hối hận, phản tỉnh vì hai chân bước nhầm, trí não mê sảng một thời, trái tim hóa ra nồi cơm thiu ngay tuổi thanh xuân. Dưới bóng mặt trời hóa ra Người-mất-Bóng.

Mỗi đời người Việt Nam là một vở trường kịch, một tiểu thuyết tâm tình, một hồi ký đáng đọc.

Dễ viết, vì đó là kể về đời mình, sống thế nào viết/kể ra thế ấy. Không cần hư cấu, tưởng tượng, tìm tòi; mọi thứ đã có sẵn, cứ tuần tự theo trí nhớ; như có sẵn gạo, đủ nước, sẵn củi, thì đổ vô nồi mà nấu. Gạo ngon thì cơm ngon. Đời nhiều éo le uẩn khúc, các nhà văn học giả, tài tử giai nhân, tướng tá trận mạc, bậc quan quyền, dính líu tới đủ thứ vận mệnh chung, của lịch sử, của thế gian một thời, thì hồi ký của họ càng nhiều người tìm hiểu, cần đọc.

Khó viết, vì trước khi viết phải tự hiểu mình là ai. Cái đời mình có là một tượng trưng, qua đó người hậu thế nhặt ra được gì từ quá khứ, mang giá trị khái quát về lịch sử, xã hội… một thời. Viết, để bàn thờ cho riêng con cháu mình đọc, để biết ông cố nội thuở ấy sống ra sao, khác với những gì cần công bố cho toàn thể, đời sau.

Khó viết, là phải trung thực — tôi không bàn tới những thể loại biến thể của hồi ký, cận hồi ký — không hoa lá cành thêu thùa, tiểu thuyết hóa. Không đặt điều mạ lỵ vu khống kẻ khác để trả thù, hoặc người đó tài năng danh vọng hơn mình. Khách quan. Khiêm tốn. Thành thật. Không lợi dụng hồi ký, di cảo, để lắm lời tự tôn vinh, đánh bóng mình. Không ngụy trá, tìm cách biện hộ, thanh minh, để chối bỏ những sai lầm, thậm chí tội ác, do chính mình gây ra.

Hồi ký, là bản sao của người thật việc thật. Cầm bút, viết cho đúng cuộc đời của chính mình không là một việc dễ dàng. Xấu che, tốt khoe. Cái gì cũng nâng cấp chút ít. Tổng thể, y rằng con nhái hóa ra to đùng con bò vàng.

Khó viết, giá trị của hồi ký là từ nội dung, những sử liệu, dữ kiện, cái thực tế trực tiếp diễn ra; văn chương, chữ nghĩa, kỹ thuật hành văn, chỉ là phần phụ. Tuy nhiên người có văn tài, hồi ký của họ mang một ý nghĩa khác, giá trị khác, rộng tỏa, hấp lực hơn.

Có những hồi ký mang giá trị một tác phẩm văn chương.

Cái khó nữa, là giới hạn của văn tài. Cái bay bổng, lãng đãng thoát ngoài, cái quyến rũ của văn chương nghệ thuật làm cho “rời xa” sự thực, sa đà vào con đường hư cấu – điều tối kỵ của hồi ký. Những thẩm xét, nhận định, thay vì chuẩn xác, lại trở ra mất tính trung thực, thuần cảm tính, phi khoa học. Biến cái gai đâm chảy máu người hóa ra cái hoa Đỏ hoa Hồng.

Dễ – khó là vậy, nên tôi đã qua hơn ba lần, đúng ra là ba loại, bản thảo hồi ký mà vẫn lưỡng lự. Hãy còn trong vòng “Cần đọc lại”, trước khi công bố.

Phạm Viêm Phương: Vì sao có ba lần lẫn …ba loại?

Cung Tích Biền: Khởi đầu, những năm cuối của thập niên 60 thế kỷ trước, tôi chủ tâm viết một bộ trường thiên; dưới dạng hồi ký tiểu thuyết. Bộ này có tựa đề, Chiến tranh và Quê nhà, đăng trên nhật báo Hòa Bình, phát hành tại Sàigòn. Được đâu hơn trăm kỳ báo, tôi ngưng. Lý do, không thể viết bằng văn phong nhật báo.

Năm 1970, lần nữa tôi viết Luống Cải Vàng một tiểu thuyết có tố chất hồi ký, đăng trên tuần báo Đời. Đây là tác phẩm có nhiều độc giả ái mộ. Mãi gần đây, non nửa thế kỷ, nhiều anh em còn nhắc lại, như nhà văn Phùng Ng. Nhà thơ Nguyễn Đức T… Sau khi chấm dứt Luống Cải Vàng, đang viết và sẽ đăng tiếp quyển thứ hai, thì tuần báo này đóng cửa.

Sau 1975, ngưng bút 12 năm. Năm 1995 thấy mình đã nhiều tuổi, cần phải thực hiện gấp. Ngoài một bản viết trên máy tính, tôi đọc vào máy ghi âm. Lúc uống cà phê, lúc ngồi bóng cây trong vườn, về đêm khi chưa ngủ, tất thảy là đọc máy ghi âm.

Con gái tôi giúp cha, thuê một cô thư ký đánh máy những gì tôi đọc vào máy. Thật là tiện lợi. Đọc một giờ, cô thư ký đánh ra khá nhiều trang. Nhưng một trở ngại không ngờ. Tôi dân Quảng, giọng Quảng thô thiển chính gốc. Cô đánh máy người Nam, khá nhỏ tuổi, chưa kinh nghiệm gì. Ý chừng cô cũng có tài văn chương! Đánh đâu được hơn trăm trang giấy A4, tôi đọc lại thấy sai be bét. Tá hỏa tam tinh. Những phát âm giọng Quảng Nam, như “bô gộ, tồ lô”cô vẫn đánh máy nguyên xi, không hiểu ra là “bao gạo, tào lao”. Cô lại có cái thói quen thêm chữ, cô bảo là cho êm xuôi và đủ nghĩa. Tôi đọc “Chiều vàng”, cô đánh máy là “Những buổi chiều vàng” “lá rơithành ra “lá rụng rơi xuống đất”.

Nhà văn, có khi viết một trang truyện, nhanh hơn ngồi chỉnh sửa, cũng một trang ấy. Công trình thu âm đành bỏ, Hiện nay tôi còn lưu phần ghi âm trong máy.

Phạm Viêm Phương: Ông đã đọc và nghĩ gì về các di cảo, hồi ký của các tác giả trong nước?

Cung Tích Biền: Tôi đọc khá nhiều, nhưng không có ý kiến gì cả. Hồi ký, di cảo của họ đã là sách, là của-công-chúng rồi. Việc thẩm định hay-dở, yêu-ghét, đúng-sai, đó là việc của công chúng, đời nay lẫn đời sau.

Tuy nhiên tôi hiểu, bất luận là ai, ở phía thắng hoặc bại, muốn khen chê, nên hãy đọc tận mắt cái chữ, trang sách, thì sự khen chê nó trung thực hơn.

Phạm Viêm Phương: Qua nhiều tác phẩm, cả ngắn lẫn dài, tôi thấy ông thay đổi nhiều kỹ thuật và bút pháp. Xin hỏi ông, vì nguyên nhân nào khiến ông thay đổi?

Cung Tích Biền: Nguyên nhân đầu tiên, là thời gian cầm bút của tôi quá dài – trước 1975, sau 1975, hôm nay tại hải ngoại – khá tùy thuộc vào mỗi cấp độ thời cuộc. Thời cuộc này luôn biến động biến chuyển chóng mặt. Nhịp bước của đời sống, và nhu cầu của người đọc luôn phải khác. “Muốn ứng đáp đúng cái nhịp điệu, cái hơi thở bình sinh, cần tới cái nơi nó-phải-tới, thì văn chương của chính mình phải chuyển hóa.”

Chuyển hóa, là luôn phải gạn lọc để từ bỏ cái cũ, và nhạy bén trong việc tìm ra và hòa nhập với cái mới. Viết một tác phẩm mới, phải có gì khác lối viết cũ, cả nội dung lẫn hình thức. Anh thấy rõ hành trình sáng tác của tôi khá cách xa và khác biệt nhau, ở mỗi thời kỳ.

Trước 1975, Miền Nam tuy có chiến tranh khói lửa, loạn ly, nhưng nền Cộng Hòa có một chính thể đa nguyên, một hệ thống hành chánh đâu ra đó, luật pháp tương đối minh sáng, một nền văn hóa, giáo dục có mục đích nâng cao dân trí, chấn hưng đạo lý, lấy nhân văn, đạo đức làm người, làm đầu. Trong một chế độ có mọi quyền tự do, trong đó có tự do sáng tác, mọi ngành văn học nghệ thuật âm nhạc phát triển vượt bậc hơn mọi thời đại, đương nhiên là riêng Miền Nam Cộng Hòa. Văn chương của tôi, với bước khởi đầu là phóng khoáng nhưng đơn giản, minh bạch.

Sau tháng Tư 1975 tới hôm nay, thế sự đã khác thời Cộng Hòa một trắng một đen. Trong sự theo đuổi ngày ngày, để tìm diệt sự tự do sáng tác, thủ tiêu chân lý, bao vây tư tưởng, đưa lên giàn hỏa những gì mang tính nhân văn, văn chương tôi cần thiết phải tìm nơi trú ẩn. Đó là sự thay đổi thủ pháp. Là, thay áo cho ngôn ngữ.

Vẫn một lòng trung thành với mục đích mình chọn, là luôn-phải-có-mặt, nên phải tìm cách ngụy trang.

Trước 1975 là tả thực, văn phong giản dị, những căn cốt để trình bày là trực tiếp. Sau 1975, là bước từng bực thềm, phải nhờ vả tới phép ẩn dụ, mã hóa, sang biểu hiện tượng trưng. Nặng tính ngụ ngôn, huyền ảo, biểu niệm siêu hình, qua Bóng, Máu, Mùi, Xác, Xương…

Đời viết của tôi như vở bi hài kịch có ba màn. Màn Cộng Hòa, màn Cộng sản, màn Cờ Hoa. Màn nào tôi cũng phải trên sân khấu, phải tròn vai mình thủ, diễn.

Bây giờ tôi ở Mỹ, đang trên sân khấu màn thứ ba. Một tình trạng bão hòa. Thể thái là tìm một sự quân bình. Chắc chắn bút pháp văn phong, nội dung chung chạ hẳn sẽ khác hơn trước. Có một chút ung dung, một chút tươi thắm.

Ở màn thứ nhất, trước 1975, có tình người rộng lớn, có em mơ mộng, có Mẹ rộng lòng. Ở màn thứ hai, sau 1975, trên bàn viết là dao búa, mặt nạ chống hơi độc, là cái bình độc dược để tự xử. Nay màn Kết, lúc có thể cắm một cành hoa trên bàn viết. Ám ảnh dần phai màu. Gió Đông phương bây giờ, là kỷ niệm, gợi nhớ, làm nền cho suy tưởng.

Mỗi lịch sử can qua, mỗi đổi thay môi trường sống, cũng là mỗi nguyên nhân để văn chương đổi khác.

Phạm Viêm Phương: Đó là nguyên nhân thay đổi của riêng ông. Mong ông nói rộng hơn, có tính tổng quát?

Cung Tích Biền: Nguyên nhân chung, là phải đuổi theo nhịp tiến hóa. Thay đổi, cải tiến, làm mới, tái nghiệm, tất thảy đều là tiêu chí, nội hàm, của sự tiến bộ, một thể hiện sự tồn tại và sức sống mạnh mẽ của chính đời sống ấy, ngay đó.

Có một chỗ khác nhau giữa văn chương và khoa học. Một bên luôn làm mới sản phẩm của mình sao cho càng ngày càng đơn giản, gọn nhẹ, tiện và đa dụng. Một bên, sự thay đổi, của ngay một nhà văn, có khi từ câu ngắn, giản đơn, tả chân rõ nghĩa, trở ra trùng điệp câu chữ; nghĩa từ đa tầng, thủ pháp biểu trưng, ẩn dụ, huyền ảo, siêu hình.

Một nguyên nhân trọng yếu khác là vì nhu cầu thưởng ngoạn của người đọc. Họ luôn cần cái lạ, cái mới. Đòi hỏi những đáp ứng hiện tình. Đối với người đọc, không kể các loại sách ở những lĩnh vực khác, một tác phẩm văn chương, qua thử thách thời gian, nó không thể biến ra một giá trị đồ cổ. Một cuốn tiểu thuyết, một tập truyện ngắn, muốn tồn tại nó phải có sức sống, nghĩa phải đáp ứng nhu-cầu-đọc của từng thế hệ.

Những vật hữu dụng ngày ngày từ đời trăm năm cũ, ngày nay không còn hữu/hiện dụng, một ít có thể biến ra, trở thành món hàng mỹ thuật, mang giá trị đồ cổ. Với một tác phẩm văn chương, ta sẽ không có cái thú nhìn ngắm, thưởng ngoạn những giá trị mỹ thuật, rất đời đời, như khi đứng trước cái bình sứ thời Tống, cái bình trà đời nhà Thanh, hàng nội phủ, cái hoàng bào của một vì vua.

Nhìn một cái bình cổ, người ta không đòi hỏi, không cần biết trong ruột nó có gì. Chẳng ai cầm một quyển tiểu thuyết một tập truyện, dù được lưu trong thư viện với danh nghĩa một quyển sách xưa, mà không lưu tâm tới cái ruột của nó.

Nay, ta đọc lại truyện Kiều, không phải bằng cái nhục nhãn, cái tâm thế lặng yên, là xem món đồ cổ, một vật dụng chỉ để nhìn ngắm, và nhiệm vụ cần phải bảo tồn. Những gì của chữ nghĩa Nguyễn Du nhiều trăm năm trước, hôm nay nó vẫn “còn sống nhăn”, vì nó đang là cái gương soi thời thế, bản ghi nhớ cần thiết về bao quát cuộc sống, thân phận mỗi con người, chúng ta hằng sống.

Nguyên nhân này bắt buộc người cầm bút phải hiểu rằng “đổi mới” không chỉ ở kỹ thuật dựng truyện, bút pháp, mà chính là phần ý tưởng, tư tưởng.

Người thợ mộc làm ra sản phẩm từ gỗ, người thợ gốm làm ra cái chén cái tô từ đất nung, nhà văn mần ra sản phẩm từ cái chữ, con chữ. “Con”, có thể vì nó “biết nói” chăng! Đời xưa nói với đời nay, qua chữ. Cha chết rồi, con mở di chúc cha để lại, xem Cha của mình đã “Nói” những gì.

Văn chương, gọi là sống, khi nó còn Tiếng Nói. Tiếng Nói cho hôm nay. Tiếng Nói vì mai sau.

Phạm Viêm Phương: Đó là nguyên nhân. Ông có thể nói thêm về điều kiện nào, và phương pháp nào để ông luôn thay đổi thành công. Những câu trả lời của ông, chúng tôi xem như một món quà kinh nghiệm cho những cây bút trẻ hơn không?

Cung Tích Biền: Phương pháp ư? Có hành trình, tất sẽ có thích-ứng-hành-trình.

Nếu tình nguyện cho Cái-Viết, cứ viết, sẽ đẻ cái phương pháp.

Muốn vào đường cách mạng, thề bỏ mạng cũng cách cái mạng! Mần đi, sẽ có sách-lược-hành-động.

Chẳng hạn, trước khi viết một truyện ngắn, tác giả cũng rất mơ hồ về “Cái mình sẽ viết ra”. Khởi đầu, chỉ một ý niệm, một trực giác, rằng, Sẽ-viết-về. Tỉ như chị Hai, một buổi sáng bất ngờ tưng tưng,“Mình có bầu rồi”. Hẳn nhiên, nhưng, “Con trai hay gái? Chửa biết!”

Cứ ngồi vào bàn mà viết, như vác dao vô rừng. Núi lạ, rừng hiểm. Phạt cây đạp cỏ mà đi. Từ đó thấy thêm ra trong rừng sâu có hươu nai thác nước suối trong. Thấy suối trong ngồi rửa mặt nhìn lung lay bóng mình trong nước. Nghe gió thấy nắng rừng. Gió nắng này nghe ra, khác gió đồng nội. Gió kia thổi qua thoáng đãng của đồng cỏ, bờ lúa. Gió này của sầm uất khí thiêng.

Ngành nghề nào cũng có phần kỹ thuật.

Trong văn chương, nói ra cái thủ pháp, cách dựng truyện, cấu trúc, bố cục, xử dụng từ ngữ, là bàn tới cách viết văn rồi.

Nên đọc những nhà văn lớn, không phải ròng bắt chước, đạo văn, mà rút ra ít nhiều bài học. Họ cực dị biệt về mọi mặt, tuy cùng một nền văn học. Lev Tolostoy với F. Dostoyvsky [Nga]; E. Hemingway và W. Faulkner [Mỹ]; Marcel Proust với Saint-Exupéry [Pháp]. Ta sẽ thấy ra chỗ đồng đẳng, cái giá trị thượng thừa của thế giới chữ nghĩa. Một bên văn chương đơn thuần, ngắn gọn, kiệm chữ, một bên đa ngôn, rừng thẳm, nhưng mục đích cùng là đưa người đọc tới chỗ ân hưởng được hoa thơm cỏ lạ, những tư tưởng vàng ngọc.

Nhìn qua người họa sĩ, cách dụng màu, có nóng, có lạnh, màu chủ đạo, trọng tâm. Quan sát ở nhà điêu khắc, phác thảo là tạo lập hình tượng tổng quan, tới đường nét nhỏ/vặt khi phúc thảo. Những nhà sáng tạo bậc nhất thường lưu tâm tới những nét nhỏ, khi nó mang tính đặc trưng, tiêu điểm, đi tới chỗ vi tế của mô tả. Viết cái truyện như xây một tòa lầu.

Chữ nghĩa trong một chương/ đoạn/ câu văn, có loại chữ là sắt làm cốt vững chãi cho xi măng, có loại chữ gạch ngói, vôi, gỗ; màu nóng màu lạnh như trong trong hội họa; như phông màn, đèn màu, vai chính vai phụ trên sâu khấu.

Mỗi nhân vật truyện là mỗi đứa con đẻ của nhà sáng tác.

Phương pháp, là tài sắp xếp chữ, câu chữ, tương hòa cấu trúc, bố cục ở mỗi thể tài, thể loại nơi nhà văn.

Bút pháp truyện ngắn rất khác biệt với truyện dài — tiểu thuyết. Bên này là gỏi cuốn ăn từng cái. Bên kia là một cái lẩu, cần thập cẩm, một tập hợp “đa nguyên”, hào phóng bung vãi, mở rộng, cho một cần thiết đại thể.

Vì phương pháp dựng truyện, có khi tôi phải cắt đoạn này chuyển sang chỗ khác. Không nên tiếc của. Có khi phải loại bỏ vài ba trăm chữ đã viết ra hoàn chỉnh. Trong văn chương, không nói bao đồng, phô bày kiến thức, không ra công dạy dỗ ai.

Viết, phải cô đọng, kiệm chữ, chôn giấu phần ý/tư tưởng. Nên dành sự suy nghĩ, chiêm nghiệm, sáng tạo, cho độc giả.

Có một “bọn chữ” rất cần thiết cho các thể văn chính biện, nghị luận, văn báo chí… nhưng chúng là giặc, bọn phá hoại văn chương, người sáng tác nên tránh xa. Đó là bọn “tuy nhiên, tuy vậy, thế là, bởi vậy, đương nhiên, thật ra, nhưng là, thì là, chính vì vậy cho nên, tức thì, trái lại, do vậy, tuy thế, tóm lại, bởi vì…” Lũ đó phần nào làm cho khô cứng, hỏng văn chương.

Minh biện trong văn chương là một thơ mộng, thả lỏng. Vì, chính bản thân nó, một tảc phẩm, là giả dụ, hư cấu.

Để kết thúc câu trả lời, tôi dùng cái phép “ba phải”, rằng nói cho cùng, chẳng phương pháp nào hơn cái… “phi phương pháp”.

Nhà văn khi vào ghế ngồi, hắn là nạn nhân của một vô tình thúc đẩy, sẽ tự “diễn biến”, theo cái xu hướng mới, có khi từ trực giác sai bảo.

Chẳng nên gồng mình quá. Trước tiên, phải có tự do với chính mình. Nên thả hồn đi. Phải nhẹ nhõm, thư thái, để bay bổng.

Comments are closed.