Thuật ngữ chính trị (34)

Phạm Nguyên Trường

Political Dictionary – The Bridge

95. Deficit – Thâm hụt. Tất cả các nước đều bị thâm hụt trong mọi lĩnh vực và trong tất cả các giai đoạn. Tuy nhiên, ở Mỹ, từ đầu những năm 1980, thâm hụt, cụ thể là khoảng cách giữa chi tiêu công và thu nhập của chính phủ, là vấn đề đặc biệt đáng quan ngại. Dưới thời tổng thống Ronald Reagan, thâm hụt gia tăng cực kì nhanh. Trong năm tài chính 1992/93 thâm hụt ước tính khoảng 350 tỷ USD – hơn 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hoa Kỳ. Thâm hụt đã trở thành vấn đề chính trị dai dẳng, vì chỉ có hai biện pháp giải quyết: Cắt giảm chi tiêu liên bang hoặc tăng thuế, cả hai đều đều là những biện pháp quá nhạy cảm về mặt chính trị. Văn hóa chính trị Hoa Kỳ luôn luôn “nhạy cảm với thuế”, mặc cho sự kiện là – ít nhất là trên bình diện liên bang – người Mỹ đóng thuế thấp hơn hầu hết công dân của các chế độ dân chủ phương Tây. Đồng thời nỗ lực giảm thâm hụt từ giữa những năm 1980 đã cắt giảm hầu hết các khoản chi tiêu có thể tránh được và còn lại rất ít chương trình được tài trợ có thể bị cắt mà gây ra hậu quả chính trị to lớn. Chiến tranh lạnh dường như là cơ hội giáp giảm thâm hụt bằng cách cắt giảm chi tiêu quân sự, nhưng, ngay cả nếu không tính đến áp lực của cánh hữu trong việc giữ nguyên những khoản chi tiêu như thế thì những khoản có thể cắt giảm cũng không còn nhiều như những người theo phái tự do trong quốc hội mơ tưởng.

96. Delegated legislation – Pháp luật được ủy quyền. Pháp luật được ủy quyền là luật không phải do quốc hội mà do bộ trưởng, một người được ủy quyền hoặc một thực thể tại Vương quốc Anh ban hành. Pháp luật được ủy quyền được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như ấn định ngày mà đạo luật được nghị viện ban hành sẽ có hiệu lực; quy định phí cho dịch vụ công cộng nào đó; hoặc quy định các chi tiết của đạo luật do quốc hội ban hành. Mặc dù nhiều văn bản pháp luật được ủy quyền được soạn thảo mà không có sự giám sát chặt chẽ của quốc hội, nhưng có những công cụ theo luật định để ngăn chặn việc lạm dụng quyền này.
97. Deliberative Democracy – Dân chủ thảo luận. Dân chủ thảo luận được định nghĩa một cách đại thể là bất kì tập hợp những quan điểm nào, theo đó việc thảo luận một cách công khai của các công dân tự do và bình đẳng là cốt lõi của quá trình ra quyết định chính trị và tự quản hợp pháp. Tính hợp pháp chính trị không tùy thuộc vào hòm phiếu hay sự cai trị của đa số mà tùy thuộc vào việc đưa ra những luận cứ, những lời giải thích và quan điểm hợp lí đối với các quyết định công. Mục đích chính là, thông qua quá trình thảo luận, biến các lựa chọn cá nhân thành các quan điểm có thể đứng vững được trước những thách thức và kiểm nghiệm của quần chúng.
Thảo luận có thể khắc phục được những thiếu sót của quan điểm cá nhân và tăng cường thêm chất lượng của quá trình ra quyết định công, vì những lí do sau đây. Thứ nhất, thông qua việc chia sẻ thông tin và kiến thức, thảo luận công khai có thể chuyển hóa nhận thức của cá nhân và làm cho họ hiểu rõ hơn những vấn đề phức tạp. Người dân có thể hiểu rõ hơn hoàn cảnh của mình: ví dụ, tương quan giữa những vấn đề xã hội, hoặc những hậu quả, cố ý hay vô tình, khi thông qua một đường lối hành động nào đó. Thứ hai, thảo luận công khai có thể khám phá ra cách thức mà một số lựa chọn nhất định có thể liên kết với những quyền lợi mang tính cục bộ, và bằng cách đó bảo vệ cho những mục đích mang tính ý thức hệ. Trong trường hợp này, thảo luận còn có thể vạch trần tính phiến diện và thiên vị của một số quan điểm nhất định, đấy là những quan điểm có thể không đại diện cho quyền lợi của số đông. Nó còn có thể phát hiện ra những hạn chế của “những lựa chọn mang tính thỏa hiệp”, nghĩa là những lựa chọn được định hình bằng cách giảm kì vọng xuống cho thích hợp với những hoàn cảnh mà người ta cho là cố định hoặc không thể nào thay đổi được. Đấy là những sự điều chỉnh tâm lí cho phù hợp với hoàn cảnh mà người ta phải phụ thuộc vào. Ví dụ như việc chấp nhận trật tự chính trị giữ thế thượng phong trên cơ sở “truyền thống” hoặc “sự phục tùng mang tính thực dụng”. Trong những điều kiện như thế, những vấn đề mà thảo luận có thể phát hiện là những vấn đề quan trọng của quá trình “hình thành ý kiến” công khai và năng động trong đời sống xã hội, vì nó có thể giúp vạch trần những quan điểm lệch lạc về mặt xã hội và đưa ra cơ sở cho nhận thức toàn diện hơn.
Thứ ba, thảo luận có thể thay thế “ngôn ngữ của quyền lợi bằng ngôn ngữ của lí trí”. Thảo luận có thể làm cho những đánh giá của tập thể có thêm giá trị, vì nó liên quan không chỉ với việc chia sẻ thông tin và trao đổi quan điểm mà còn liên quan đến việc lập luận và kiểm tra các luận cứ nữa. Trong một cuộc thảo luận công khai những người tham gia chắc chắn sẽ mong muốn xem xét các luận cứ được đưa ra trên cơ sở giá trị của chúng. Tóm lại, những người dân chủ thảo luận hi vọng củng cố tính hợp pháp của các thủ tục và thiết chế dân chủ bằng cách nắm lấy yếu tố thảo luận, tức là yếu tố được dự kiến sẽ làm gia tăng chất lượng của đời sống dân chủ và củng cố kết quả của dân chủ. Đối với một số nhà tư tưởng theo đường lối dân chủ thảo luận, thì chất lượng như thế có thể biện hộ cho lời tuyên bố rằng dân chủ thảo luận là quan điểm tuyệt vời nhất về thủ tục dân chủ, vì nó có thể tạo ra những quyết định “tốt nhất”, nghĩa là tạo ra kết quả đã được kiểm tra một cách thấu đáo và được chứng minh là đúng, vì vậy mà hợp pháp. Việc trao đổi lí lẽ công khai trong cuộc thảo luận tạo ra nguyên tắc mới của chính quyền hợp pháp.
Dân chủ thảo luận tạo ra lí tưởng chính trị độc lập. Theo quan điểm này, thảo luận được coi là tự do nếu nó “không bị giới hạn” bởi những tiêu chuẩn và yêu cầu có sẵn. Điều kiện của một cuộc thảo luận lí tưởng là không có sức mạnh nào ngoài sức mạnh của luận cứ tốt hơn. Các bên được yêu cầu trình bày lí do đưa ra kiến nghị, lí do ủng hộ hoặc phê phán những kiến nghị nào đó. Công dân không thể đơn giản là tuyên bố những lựa chọn của mình, họ phải sẵn sàng biện hộ cho chúng một cách công khai. Muốn lí tưởng trở thành hiện thực thì người công dân phải được giải thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực như bất bình đẳng về quyền lực, tài sản, học vấn và những vấn đề khác. Vấn đề là thỏa thuận hợp lí chứ không phải là kết quả của bạo lực, lừa dối hoặc lợi thế. Mô hình này đòi hỏi công dân được hưởng quyền bình đẳng cả về mặt hình thức lẫn trên thực tế. Dân chủ thảo luận dựa trên quan điểm cho rằng các chính sách đều phải được biện hộ, nghĩa là phải thông qua quá trình thảo luận tự do giữa các công dân bình đẳng với nhau. Các thiết chế phải được điều chỉnh để làm cho quá trình này trở thành khả thi.

Comments are closed.