Khe thời gian

Ly Hoàng Ly

Cũng giống như khi chúng ta quan sát vũ trụ thì thực ra là chúng ta đang thấy nó trong quá khứ, xem những bức tranh giấy và vải của Bùi Công Khánh, Nguyễn Hải Đăng, Nguyễn Đình Hoàng Việt, là ta thấy quá khứ của chính những bức tranh đó. Cả ba họa sỹ đều chọn kích thước tranh rất nhỏ – khổ chừng A4 – A3, và chọn cái gần nhất để vẽ: người thân thuộc, chốn thân thuộc, vật thân thuộc, cùng gặp nhau tại Go Fish Studio, Hội An trong triển lãm mang tên “Khe thời gian”, từ 18.5 đến 18-7.2018. Những khe thời gian vô tận trong tranh, đưa người xem vào vũ trụ nơi những chuyển động ký ức-hiện tại-tương lai không ngừng rung vọng, rơi vào nhau, của cái quá khứ vừa mới đây, hay đã rất xa xăm nào đó.

Từ trái sang phải: Bùi Công Khánh, Nguyễn Hải Đăng, Nguyễn Đình Hoàng Việt

Như những vì sao, những bức tranh tự phát ra ánh sáng của riêng mình. Như những vì sao, những bức tranh không hề nhấp nháy lấp lánh. Nếu ta thấy lấp lánh, là do “bầu khí quyển” trong tâm trí người xem, khi chạm đến ánh sáng của quá khứ.

ĐĂNG và “Tuổi Già”

Sinh năm 1991 tại Sài Gòn, trong một gia đình theo đạo Công giáo di cư vào miền Nam từ năm 1954, Nguyễn Hải Đăng yêu thích vẽ từ nhỏ. Lớn lên, khi băn khoăn giữa hại lựa chọn: theo học mỹ thuật hay trở thành một tu sỹ, Đăng đã quyết định trở thành họa sỹ và hiện đang là sinh viên năm 4, Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Nguyễn Hải Đăng, Nhà Ngoại 1, sơn dầu, 2017

Bắt đầu từ năm 2016, Đăng bỗng nhận ra tuổi già của ông bà Nội, Ngoại và nhớ về tuổi thơ từ lúc mới sinh ra đến khi lên 8 được sống cùng ông bà. Nhận ra mình bỗng trở nên xa cách thế nào với ông bà, nhận ra có bao câu chuyện về ông bà mình chưa được biết, mà thời gian không chờ đợi ai bao giờ… Đăng quyết định ban ngày đến trò chuyện với ông bà, tối về vẽ. Cứ thế, những bức tranh nhỏ ra đời. Đến nay sau 2 năm, Đăng đã vẽ được khoảng 60 bức, nhưng thời gian thai nghén những bức tranh này có lẽ phải tính kể từ khi Đăng 1 tuổi…

11 bức tranh sơn dầu với chủ đề “Tuổi già” được lựa chọn trong triển lãm này theo Đăng là “những gì gần nhất, thật nhất, có cảm xúc nhất với mình”. “Người trong tranh” của Đăng đều là ông bà Nội, Ngoại, xuất hiện trực tiếp, hay gián tiếp qua những đồ vật cảnh trí ông bà gắn bó. Đó là giờ cầu nguyện buổi chiều của ông bà Ngoại; cảnh ông bà ngủ trưa cạnh nhau, ông nằm trong màn (do bị dị ứng và sợ muỗi cắn), bà nằm ngoài màn, đầu giường treo cây thánh giá; cảnh nhà tắm của bà Nội; bàn ăn của ông bà Ngoại, hũ đựng muỗng, ca nước, chai nước tương, bình siêu tốc, nhà bếp, sàn nước rửa chén giặt đồ. Vẽ đủ các góc nhìn vào giường ngủ của ông bà. Rồi tự Đăng nằm xuống chiếc giường đó nhìn lên chiếc cầu thang gỗ ọp ẹp dẫn lên gác, quán chiếu góc nhìn thường nhật của ông bà.

Nguyễn Hải Đăng, Kinh nguyện 2,  sơn dầu, 2017

Nguyễn Hải Đăng, Kinh nguyện 1, sơn dầu, 2017

Đăng cho rằng, công việc vẽ tranh này là một cách thức cho Đăng tìm về mối liên hệ gia đình, đồng thời ghi lại “sự mắc kẹt” của tuổi già mà ông bà Đăng đang trải qua. Nhưng có thể người xem sẽ thấy đây là “sự mắc kẹt” của chính Đăng khi anh ở tuổi còn trẻ, phân vân về những gì đang diễn ra nơi tâm tưởng những con người thân thương trong tấm thân già yếu.

Những sắc màu nóng lạnh trong tranh không chõi mà quyện âm âm – cái thứ âm âm vừa nhíu lặng vừa dội thình thịch, vừa lùi mờ rung rung vào ký ức vừa bật dậy thon thót nóng hổi. Tranh thoạt trông cũ kỹ, xám ngà xanh tái, như phủ lớp bụi thời gian, nhưng càng nhìn càng thấy mỏng như mặt hồ buổi sớm tinh mơ, soi được cả từng tơ âm thanh mạch đập. Vùng vẫy trăn trở tìm cho ra mọi chiều kích vỉa tầng của câu chuyện giản đơn thường ngày, Đăng dường như trở nên trong suốt trong cái khe của cả không gian và thời gian, mà một bờ khe là những biến cố cuộc đời ông bà đã trải qua và bờ khe kia là những trải nghiệm còn tươi của một chàng trai trẻ. Khoảng không-thời gian giữa hai bờ được kiếm tìm đo đạc thu níu bằng những nhát bút vô cùng dứt khoát của lồng ngực run rẩy, và dường như đây sẽ là cuộc tìm kiếm vô tận. Có lẽ vì vậy mà Đăng nói chưa biết khi nào mình mới thôi vẽ đề tài này, chỉ biết rằng khoảnh khắc vẽ là khoảnh khắc anh cảm nhận sự gắn kết.

Ông Ngoại Đăng, do trải qua chiến tranh, mắt không còn nhìn được tranh Đăng vẽ; bà Ngoại xem tranh bình thản, không nói gì. Và “Tuổi già” trong “Khe thời gian” là triển lãm đầu tiên của Đăng.

VIỆT và “Chuyện của Giấy”

Nguyễn Đình Hoàng Việt sinh ở Đắk Lắk, năm 1988, sống ở Huế. Việt có mối quan tâm sâu đậm về động vật chết hay đời sống của những đồ bị hư hại, bị bỏ đi và muốn tìm hiểu về câu chuyện tĩnh lặng của chúng. Năm 2013, chỉ một năm sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nghệ thuật Huế, Việt lập tức gây ấn tượng với triển lãm cá nhân đầu tiên có cái tên giản dị “Nhật ký Ngày thường”. Triển lãm cá nhân lần thứ hai “?!” tại Manzi vào năm 2016 đã khẳng định chất riêng không lẫn với ai của anh – loạt tranh vẽ gà vịt bị cắt tiết, cá cua chết, kính rạn, giấy vắn mép, khe nứt dài.

Việt đem đến “Khe thời gian” 9 bức tranh “Chuyện của Giấy” mà anh bắt đầu từ 2016.

Nguyễn Đình Hoàng Việt, Tranh của Đô: dọn rác, sơn dầu, bút chì, bút sáp, bút sắt trên giấy, 2018

Giấy là nhân vật trong tranh, nhưng “Chuyện của Giấy” không đơn giản chỉ là những bức tranh vẽ tả thực tờ giấy như Việt đã vẽ gà vịt cá cua thằn lằn, mà đây mở ra câu chuyện về cuộc trình diễn trong quá khứ của hai người vẽ: bé Đô thích vẽ – cháu Việt, và Việt – người chú họa sỹ. Trong cuộc trình diễn này, giấy vừa làm sân khấu, vừa là chất liệu, vừa là mạch dẫn chuyện, vừa là chất liên kết xúc tác của một trẻ thơ và một người lớn. Việt khởi xướng ý tưởng “dự án”, bé Đô gợi ý tưởng hoàn tất tranh cho Việt bằng hình-vẽ-khởi-xướng của bé. Có thể thấy Việt đóng vai trò chủ động khi nói bé Đô vẽ vào tờ giấy trắng, để rồi tự anh đưa mình vào thế bị động – để tranh của Đô dẫn dắt mình vẽ tiếp cái gì – và rồi lại chủ động hoàn tất bức tranh trên sự bị động của mình. Việt đặt “quy tắc” cho chính mình là sẽ bắt đầu mỗi bức tranh bằng “sự nghịch ngợm không có quy tắc” nào cả, rồi đưa luôn người xem vào cuộc chơi cút bắt chủ động-bị động-chủ động này của anh: nếu không hề biết gì về thông tin quá trình hình thành tác phẩm của hai chú cháu thì người xem sẽ nhìn thấy gì ở những bức tranh vẽ bằng bút chì, bút sắt, bút dạ quang này, còn nếu biết rõ thông tin thì họ có “nhìn” tranh khác đi không?

Nguyễn Đình Hoàng Việt, Tranh của Đô: thắng gấp, sơn dầu, bút chì, bút sáp, bút sắt trên giấy, 2018.

Nguyễn Đình Hoàng Việt, Tranh của Đô: cứu hoả, sơn dầu, bút chì, bút sáp, bút sắt trên giấy, 2018

Việt nói, tờ giấy trắng cho Việt cảm giác về một cái gì chuẩn bị bắt đầu. Nhưng có thể thấy sự chuẩn bị bắt đầu của Việt với giấy không đơn giản là đặt bút xuống và vẽ, mà bằng cách vo viên chà xát cắt xé tờ giấy nhỏ chán chê bằng tư tưởng của mình, sau đó lại dùng tư tưởng trải phẳng nó ra, ghép nó lại, rồi mới dùng bút điềm nhiên vẽ hình tờ giấy, vẽ nên một-ma-trận-của-sự-điềm-nhiên.

Tranh Việt như con mắt quan sát điềm nhiên người ta, chứ không phải thụ động cho người ta ngắm mình. Điềm nhiên như giọng nói của anh. Thoạt nhìn ngỡ rất mỏng, rất nhỏ nhẹ, nhưng ý tứ âm hưởng lại dày. Tưởng chẳng vẽ gì mấy, nhưng lại vô cùng dụng công. Có vẻ chỉ là sự nghịch ngợm bông lơn hồn nhiên, lại khiến người xem gai mình vì độ sắc lạnh kỹ lưỡng của từng chi tiết, của thứ tư duy mạch lạc. Cảm giác từng nét xuống bút của Việt là từng nhấp dao mổ, tuyệt đối chính xác. Tờ giấy mỏng cứa đứt tay. Chẳng phải siêu thực, chẳng phải tả thực. Việt vẽ sự thật. Sự thật của tranh Việt là thứ sự thật chực nhảy thẳng vào mặt những ai đang nhìn nó, khi họ đang bị thu hút nhìn vào cái họ tưởng là tranh, tưởng là tĩnh, tưởng là có khoảng cách về không gian với họ. Giống như đang nhìn vào bình thuỷ tinh trong suốt mỏng tang, bên trong bập bềnh 1 que diêm nhỏ xíu đỏ lửa trong nước, đột nhiên thấy lửa từ đầu diêm táp vào mắt mình, giật nảy. Mở mắt ra thấy lửa vẫn tinh quái cháy trong bình nước. Sự thật Quái. Sự thật Thôi miên. Sự thật nào đến trước? Sự thật nào đến sau? Sự thật ở đằng sau, bên trái, bên phải, hay phía trước?

Nguyễn Đình Hoàng Việt, Lững thững, sơn dầu trên giấy, 2018.

Bước vào Giấy của Việt như bước vào một cõi mênh mông không biên phía trước, không biên phía sau, không biên trên cao, không biên dưới đáy, nhưng nhìn xuống chân lại là mép vực sắc – một đường biên lạnh chạy ngang chân mình mà cả hai đầu đường biên kéo về vô cực. Nín thở, mới thấy mép vực sắc lạnh đó thật ra là một cái khe mà càng nhìn càng thấy nó phình rộng ra. Cái khe đó là sự thật hay bốn bề xung quanh là sự thật? Sẩy chân là người xem té ra khỏi sự thật hay là té vào sự thật?

Khoảng cách tuổi tác và nhận thức, tâm hồn giữa bé Đô và Việt được cán ép dẹp lại trong những tờ Giấy. Việt là quá khứ, Đô là tương lai, hay Đô là quá khứ, Việt là tương lai?

Đút những tờ Giấy mỏng này vào khe một thùng thư không có tương lai và quá khứ, không biết ai là người nhận.

KHÁNH và “Ma ký ức”

Người khởi xướng Go Fish Studio – Bùi Công Khánh, sinh năm 1972 tại Hội An, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM năm 1998, rồi lại trở về sinh sống ở Hội An. Khánh nói, nguyên quán Cẩm Phô – Hội An được ghi trên Chứng minh nhân dân của anh từ hồi 15 tuổi, theo anh suốt 30 năm cho tới nay. Với anh, lịch sử của quê hương mình đứt gãy, không sao có thể liền mạch, do những chủ nhân mới tiếp quản chốn cũ và do những đổi thay của cảnh vật. Những gì đã mất đi ở Hội An: cây đa cổ thụ, những mái nhà trước khi bị trùng tu, những con người đã khuất… và những gì còn sót lại loang lổ… trở thành hồn cốt cho tác phẩm của Bùi Công Khánh.

Bùi Công Khánh, Ma ký ức 4, màu nước trên giấy, 2017.

Ký ức của Khánh giống một khối gỗ đặc mỗi ngày mỗi phút được anh chạm tỉa như một cách lần tìm về hình thù lịch sử và lần tìm tri giác của mình. Sự đổi khác của ngày mai khiến người ta có thể sốc và kêu toáng. Tác phẩm của Khánh không bao giờ kêu toáng. Cú-sốc-của-Khánh dẻo sệt như đất sét. Khánh kiên nhẫn nhồi nặn cú sốc của mình qua các phương tiện từ video art, điêu khắc gỗ, điêu khắc gốm, tranh vẽ… để rồi cú sốc thành những khối ám ảnh đặc sệt trong tâm trí người xem.

Bùi Công Khánh, Ma ký ức 1, màu nước trên giấy, 2018.

6 bức tranh “Ma ký ức” thuộc một dự án đang tiếp diễn và đa phương tiện về ký ức, được Khánh chọn tách ra bày trong triển lãm “Khe thời gian”. Cảnh trong 6 bức tranh “Ma ký ức” trông như những mảnh vữa vừa giòn vừa trong suốt mà Khánh nhẩn nha bóc ra từ trong tâm trí mình, gắn ghép lên tranh. Có thể thấy Khánh không chút nhọc công khi vẽ những bức tranh này, bởi anh mộng du mà vẽ. Những mảng màu nước nhẹ nhàng chảy thành hình những gì quá quen thuộc, nhắm mắt là hiện ra. Người mộng du không hề biết mình mộng du, đêm đêm tỉnh dậy bước đi cheo leo trên những mái nhà. Vừa đi vừa nghịch.

Giấy được khoét ra, chỗ khoét đắp nổi lên chỗ lành lặn khác. Những hình nhân trong “Ma ký ức” thoắt vồng lên thoắt lõm vào. Cái gì đó từ ký ức thoắt trồi vào hiện tại rồi lại thoắt thấy hiện tại lõm cả mảng hốc hác trong dự cảm tương lai.

Bùi Công Khánh, Ma ký ức 2, màu nước trên giấy, 2018

Bùi Công Khánh, Ma ký ức 3, màu nước trên giấy, 2017

Trong 6 bức tranh, có một bức Khánh vẽ nền của “Ma ký ức” lại là lòng một tàu điện xanh xao của Singapore. Khánh tâm sự, trong dịp lưu trú ở đất nước này đầu năm, anh mới thấy rõ bóng hình con ma ký ức. Con ma ký ức – nó ẩn trú trong Khánh quá lâu rồi và quyết định lộ diện khi Khánh ở xa quê hương. Nom ngô nghê ngơ ngác hiền lành không mắt mũi không ngón tay ngón chân, nhuốm màu của cảnh vật nó đến thăm – vàng vàng nâu nâu xanh xanh – và đem nguyên sắc màu đó đến với cảnh vật kế tiếp. Biểu cảm và thân phận của con ma nằm ở bối cảnh nó in bóng hình vào: bối cảnh nào như cũng sắp phai. “Hãy nhớ đến tôi!”, dường như con “ma ký ức” khẽ cất tiếng trong tranh. Chợt nghĩ, Khánh chính là con ma ký ức, xuyên qua khe thời gian và không gian, chập chờn thoắt hiện chỗ này chỗ khác bằng khả năng vẽ tranh của mình, dẫn người ta qua bao tầng chốn mơ hồ của sự tự vấn.

Thong thả những mảng màu nước mỏng tang, tẩn mẩn khoét cắt bồi mấy cái bóng như cắt khoét bồi các lớp thời gian dễ mủn rách… để lại trong lòng người xem bia mộ tương lai.

LHL

Nguồn: http://ape.gov.vn/khe-thoi-gian-ds1705.th#

Comments are closed.