Từ best seller "Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ" (Nguyễn Ngọc Thuần) đến Kính vạn hoa & thiếu nhi Việt

Nguyễn Thị Hoàng Bắc

image

Kể khá muộn màng, khi quyển sách đã làm nên lịch sử rồi tôi mới được tiếp cận, nhân một lần về nước, mua được ở VaHaSa. Thôi thì cứ coi như… đọc lại, đọc lại “Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ”/Nguyễn Ngọc Thuần (VNMVMCS) vào lúc này, trong lúc thời sự ở quê nhà đang sôi nổi tập trung mọi ánh nhìn về Bộ Giáo dục; Sách Giáo Khoa cho bậc tiểu học; Cách Đánh Vần tiếng Việt của giáo sư Hồ Ngọc Đại*; những scandals sửa điểm thi THPT* ở các điểm thi ở Hà Giang, Lạng Sơn; những scandals xì xào về đạo văn của một vài vị giáo sư, và ngay cả Bộ trưởng Phùng Ngọc Nhạ của chúng ta*. Cũng trước đó không xa, Hà Giang nổi tiếng và nổi trội đình đám với vị hiệu trưởng họ Sầm tụt quần trước tòa chứng minh mình liệt dương để chạy tội mua dâm và môi giới bán dâm trong chính đám nữ học sinh của trường cụ đang là hiệu trưởng kính yêu*…

Nhiều lý do (lý trấu?), động cơ chính đáng đến vậy để nghiền ngẫm một best seller cho thiếu nhi… mà sao tôi cứ phân vân, ngơ ngần, bần thần không biết có nên đọc tiếp hết sách không, cứ nửa chừng sách lại muốn dừng lại, bỏ dở? Không phải văn Nguyễn Ngọc Thuần (NNT) không hay nên không ngấu nghiến đọc như hàng vạn độc giả khác đã từng (sách đã tái bản đến 18 lần và có lẽ còn hơn nữa)… Cho nên đọc-dừng, dừng-lại-đọc, có chút tiếc rẻ, có chút lấn cấn, và có chút bất thường… cho đến dòng cuối; và bắt gặp Phụ lục của một tác giả ký tên là blogger Katia ( trg 186, 187, 188, 189, 190, 191).

Ra là thế.

Văn NNT hay thật và đúng như lời đánh giá của blogger này. Theo Katia giá trị cốt lõi sáng giá của VNMVMCS nằm ở những điểm sau:

· là truyện của trẻ con với lối viêt cổ tích

· là bài học kỳ lạ dành cho người lớn

· cậu bé trong truyện như một ông cụ non

· đọc truyện… cảm thấy như được đến với xứ sở thần tiên

· truyện gồm những bài học dạy cho trẻ con nay đem ra dạy cho người lớn

***

Tôi phân vân, có không, có loại sách nào vừa là cổ tích vừa là người thực việc thực? Peter Pan hoàn toàn là cậu bé cổ tích vì cậu là một cậu bé mãi mãi, không bao giờ lớn, tất nhiên chẳng bao giờ già như mọi người bình thường chúng ta; Cô bé choàng khăn đỏ là cổ tích vì trong chuyện cụ chó sói có phép tự biến mình thành bà nội/ngoại già của cô bé, lại nói được tiếng người như người mới lừa được và định ăn thịt cô bé; Hoàng Tử Bé rất bé và đến từ một tiểu hành tinh khác, “…rằng cái hành tinh quê quán của cậu em chỉ nhỉnh hơn cái nhà có một chút” hành tinh của Hoàng tử bé đến nỗi chỉ có một cư dân độc nhất là hoàng tử và hai cái núi lửa, một cây hoa sớm nở tối tàn*; Tấm Cám có cô Tấm hiếu đễ chết oan hóa thân vào trái thị rớt bị bà già, lại hóa thành cánh chim vàng anh nghe hiểu đươc tiếng người vàng ảnh vàng anh có phải vợ anh chui vào tay áo mà bay đậu vào tay áo hoàng tử chồng minh để vợ chồng trùng phùng tái ngộ, và sau đó hiện thân làm hoàng hậu quyền uy để trừng phạt những kẻ gian tà; Cinderella có bà tiên lung linh với chiếc đũa thần kỳ diệu quay một vòng lấp lánh chiếc áo rách teng biến thành áo dạ hội lộng lẫy, quay một vòng thứ hai biến bầy chuột nhắt thành cổ xe song mã quyền quý đưa Cinderella đến dạ hội khiêu vũ hoàng cung để gặp gỡ và khiêu vũ với vị hoàng tử trong mơ… Cứ như thế, có thể kể ra hàng loạt những truyện cổ tích đông tây với những yếu tố thần tiên làm thành cốt truyện cổ tích.

Nhưng… loại truyện đời thường đời thật việc thật mà đan xen lẫn lộn với yếu tố cổ tích thì có cái đó ta nên đặt vào thể loại nào, để không bị gượng ép, như tô hồng, (như hồng hơn chuyên (?), hay có hơi hướm ngây thơ cụ, doping sự thật, bỏ xa sự thật đang nóng hổi hổi trước mắt để… ru ngủ, để che đậy sự thật, hòng lừa gạt trẻ con ? Cứ ngây thơ, cứ trong sáng, cứ ngờ nghệch ngốc nghếch mới là trẻ con sao? Nếu không, lại rớt vào thứ văn chương minh họa mà một thời nhà văn quá cố Nguyễn Minh Châu đã hãi hùng lên tiếng. Lại giáo điều: người người phải lương thiện, nhà nhà phải yêu thương nhau, người người phải biết chia sẻ, chan hòa với nhau, cha mẹ con cái phải là một khối hạnh phúc… đại loại là những slogans đao to búa lớn kêu đòi rổn rảng trống chiêng hát múa lùng tùng xòa mà vô nghĩa, nghe ra như có xác mà không có hồn.

Viết là thổi hồn vào xác chết! Giáo điều, biểu ngữ, cách ngôn có cái khô cứng của nó và diễn ngôn thành công của người viết văn là thổi sinh khí, cái hồn vào những khô cứng đó cho nó thành những hiện thực sống dộng lung linh mà thuyết phục.

*** “Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ” (VNMVMCS): Cậu bé Dũng lên mười là người thật có tên có tuổi… (năm nay tôi lên mười, trg 10) …và cuối cùng cái tên của tôi cũng được đặt xong, trg 16) sau một loạt thảo luận nghiêm túc giữa ông bố sinh học và bà mụ thân yêu. Cậu không sinh ra từ một quả trứng, một đóa hoa, một quả dừa, quả dưa (truyện cổ Thằng sọ dừa, Cậu bé tí hon…) mà là từ một ông bố bằng xương bằng thịt, một bà mẹ phải mang nặng đẻ đau như bao người đàn bà trên thế gian tầm thường và bình thường này (mẹ tôi nói: anh ơi, hình như em sắp sinh em bé, trg 12). Tuy nhiên, nhờ được thừa hưởng một nền giáo dục tuyệt vời từ một người cha nông dân nên cậu đã có được con mắt thần (khi còn đang vùi đầu trong mền tôi vẫn biết bố cách xa bao nhiêu mét khi chỉ cần nghe tiếng bước chân, trg42), mũi chú bé cũng là cái mũi thần (…thay vì chạm vào hoa tôi chi ngửi rồi gọi tên nó… trò chơi cứ được diễn ra liên tục cho đến hồi tôi nhận diện được tất cả các mùi hương của các loài hoa, trg 47). Phép lạ này nhờ ở sự nghiệp giáo dục ưu việt, công phu cần mẫn, và chăm bón lâu dài của bố cậu (bố hay bảo tôi nhắm mắt lại, sau đó dẫn tôi đi chạm từng bông hoa một… không bao lâu tôi đã đoán được hết vườn hoa… bố còn đố khi tôi nhắm mắt, bố đứng cách tôi bao xa…mỗi lần như thế, bố đều lấy thước ra đo đàng hoàng, trg 42). Blogger Katia khen lấy khen để nhân vật cậu bé thần đồng này nhưng đôi khi cắc cớ lại gọi đùa một chút, gọi cậu bé là ông cụ non. Nhưng theo nếu dõi theo hàng loạt phát ngôn và hành động của Dũng, cậu bé còn xứng đáng được gọi bằng nhiều danh hiệu đáng tôn kính hơn: chẳng hạn là nhà hiền triết (… những ngày mưa tôi hay chui vào chăn tìm hơi ấm… tìm bóng tối nữa… thật thú vị nhìn mà cứ như không nhìn, trg 107), tay thầy thẩm định âm nhạc (… đêm ngủ tôi mơ thấy chiếc piano gõ từng nhịp một…những bài hát trong đó tuôn ra như những dòng suối… tôi biết nơi đó những bài hát còn trong giấc ngủ, đang nằm trong những phím ngà chờ người đánh thức, trg 136), là sứ giả của tình yêu thương chia sẻ vị tha đối với mọi người và nhất là với người tàn tật thiếu sót (… khi trồng một khu vườn mà không ai đến thăm, không có ai yêu nó thì đó là một nỗi buồn hơn một niềm vui, trg 134), (… con sẽ cho ông ngón út, trong mười ngón tay con thương nhất là ngón út… nhưng thôi con sẽ cho ông mười ngón… ông chỉ việc kêu lên bàn tay ơi, lấy cho tui cái bánh…thế là bàn tay sẽ chạy đến lấy cho ông ngay, trg31), thiên sứ hippy rao giảng hòa bình (… những con dế… chúng vĩnh viễn mang hai chiếc càng chỉ để cắn nhau thay vì hôn nhau, trg 139) giống hệt thông điệp yêu hòa bình của nhóm hippies Mỹ những thập niên 60 make love not make war, đại thi sĩ (trăng đã lên sáng vằng vặc… có nghĩa là trời không mưa… những đám mây trắng tinh như gấu bông bay nhởn nhơ, lúc thì bay qua, lúc thì bay lại… trg 124). Vân vân và vân vân… Vô vàn vô tận những phẩm chất tuyệt hảo không có sức liệt kê hết của cậu bé Dũng, dàn trải khắp các trang sách mà người đọc có thể tìm thấy dễ dàng ở bất cứ nơi nào, lúc nào. Cậu là hình mẫu kết tinh của thông tuệ, nên thơ, tuyệt đối lương thiện, vị tha, triết lý, ngây thơ nhưng không dại dột, hiền lương nhưng không đần độn, triết lý mà thông minh, dí dỏm…cái gì đẹp đẽ nhất, xuất sắc nhất đều gom hết lại tập trung trong con người cậu. Và nhất là cậu ấy là một con người thật chui ra từ bụng mẹ, không phài là người tiên, không hề là Maika tự trên trời rơi xuống!*

Chỉ một lần duy nhất tôi thấy cậu bé Dũng… hơi giống người! Nó khá độc ác – như bọn trẻ con bình thường có thể thế, có hiền có dữ, có ngoan có ác, chả vậy mà học trò cụ giáo Vạn thể Sư biểu Khổng Khâu là Mạnh tử dạy nhân chi sơ tính bản thiện* thì đã có Tuân tử cãi lại bằng chủ thuyết nhân chi sơ tính bản ác * nên phải dùng hình pháp mà dạy dỗ mọi người.* (… hứ… cái đồ ít tiền mà cũng bày đặt mua vườn…tao còn biết ông mày có một cọc tiền nữa kìa…, trg 143) Khơi khơi nói toạc tàn nhẫn bật mí cái bí mật, bí mật của giấc mơ thiêng liêng hai ông cháu ông ăn mày nghèo khổ đang âm thầm kín đáo ôm ấp ngày đêm: mơ một ngày có nhà có vườn (trở lại) để thoát khỏi kiếp lang thang cơ cực, ngủ đình ngủ chợ… Một đòn thù khá độc địa thình lình bộc lộ sự khoái trá được khinh khi của giai cấp giàu, giai cấp đứng trên thích chí được sỉ nhục chà đạp người nghèo hơn mình, người vô gia cư mất nhà mất cửa (dân oan thời đại?) không (còn) có được một mái ấm ổn định như gia đình mình. Thật đột ngột, thật trái ngược phi lý với hình ảnh thiên thần thiên sứ Dũng. Duy chỉ một lần. Mâu thuẫn nội tại?

Khỏi nói ai cũng thấy hai lý thuyết cụ Mạnh và cụ Tuân là hai thái cực cực đoan, trong khi con người có thiện và có cả ác, có lẽ nói như André Gide, văn hào Pháp “con người vừa là thiên thần, vừa là ác quỷ” thì hợp tình hợp lý hơn. Cần mở ngoặc ở đây để khỏi ai bắt bẻ, tất nhiên không ai mong cậu bé nhân vật chính phải xấu, phải ác nhiều lên, nhiều như đã tốt lành, đã lương thiện, và xã hội bao quanh cậu cũng phải có và kẻ dữ, kẻ ác chứ không phải “không có người xấu” như Katia nhận định.

Trở lại với VNMVMCS: một cá nhân và tập thể nhiều cá nhân, và toàn cảnh cái xã hội vây quanh đó là những bức tranh hoàn thiện, tối hảo một cách tối đa, một màu hồng không pha sắc… làm người đọc bình thường, trung bình, tầm thường sẽ tự thấy những nhân vật truyện kia, xã hội truyện kia sao mà xa cách với mình quá, để sẽ rụt rè tự hỏi: cái hoàn hảo thần tiên ấy có thật không, nó ở đây với ta, hay bay tít tận trời cao nơi nảo nơi nào mà mình thong manh không thấy, và biết bao giờ lúc nhúc những con người bình thường tầm thường ngước nhìn mà… thấy được?

Huống chi là trẻ con: các em sẽ buồn tủi biết bao khi thấy mình không giống được với cậu bé Dũng, không là thi sĩ, không có mắt thần, mũi thần, không có tài thẩm âm cũng như thấu hiểu lẽ đời sâu sắc…, và các em càng sẽ cảm thấy bất hạnh biết bao vì không có được một ông bố hình mẫu lý tưởng vừa là nông dân làm ruộng, lái xe bò, vừa là người chồng dịu nhẹ chăm sóc vợ con chu đáo lại còn nịnh đầm có hạng (bố tôi hoảng hốt ẵm mẹ đặt lên xe rơm… mẹ cắn rơm chịu đau không kêu một tiếng… bố tôi nói “em cứ la lên đi, không sao cả, trg12),… bố nói mẹ là cục cưng (trg 5)… bố nịnh mẹ bảo tóc mẹ sợi nào cũng đẹp, trg104), vừa là nhà giáo dục xuất sắc (bố còn đố khi tôi nhắm mắt, bố cách tôi bao xa… mỗi lần như thế bố đều lấy thước ra đo đàng hoàng, trg 42); nhà hiền triết đạo đức (bố nói, ẵm một đứa bé còn mệt hơn cày một đám ruộng, trg 14); người nghệ sĩ tài ba (bố tôi nói, âm nhạc chính là bà mẹ vĩnh cữu, trg 137… bố tôi nói, cái tên là một âm thanh tuyệt diệu, trg 45, … bố nói giấc ngủ của một đứa bé đẹp một cánh đổng, trg 14); là nông dân nhưng khi tặng quà cho một bạn nông dân của mình bố tỏ ra là tay chơi điệu nghệhào phóng không kém gì một tỷ phú đại gia tặng quà cho chân dài (… bố tôi tặng chú Hùng nguyên một con bò… dẫn lên sân khấu… trên sừng con bò có một cái nơ đỏ, trg 37).

Chưa dừng ở đó Dũng còn có một bà mẹ nói theo ngôn ngữ thời đại là trên cả tuyệt vời tuy đôi khi tự thân nét vẽ hình dung cử chỉ để lộ vài mâu thuẫn (tóc mẹ thơm mùi hoa lài lắm ( trg 105)… mẹ ngồi trên bậc cửa chải tóc, mẹ chải như tìm thấy niềm vui trong đó (trg 103)…mẹ có đôi bàn tay…những ngón tròn nhỏ mát dịu (trg 141) tuy bàn chân có hơi tương phản một chút.(..chân mẹ rất to…vì mẹ phải…đi ruộng và lội sình…(trg 52) nhưng chớ vội xem thường (…những câu chuyện của mẹ về những đàn ngựa bay đêm qua những núi đồi…những kỵ sĩ mặc áo giáp…nút khuy đồng lóe sáng…(trg 173) có một chút hơi hướm huyền thoại cổ La-Hy của một người học rộng, đầy đủ kiến thức Đông Tây…và để cân xứng với ông chồng triết gia nghệ sĩ của mẹ, mẹ Dũng còn là nhà tâm lý uyên thâm, người nghệ sĩ nhạy cảm, (mẹ tôi nói, điều quý nhất của một ông thầy thuốc là cái tâm, trg 173), …mẹ tôi nói, ngày mưa nỗi buồn bao giờ cũng nhiều hơn ngày nắng, (trg103), …mẹ hay nói… khi một ai đó buồn họ cần rất nhiều người để chia sẻ… nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết,,, (trg bìa lưng) lại vừa đảm đang nhanh nhẹn tháo vát hơn cả chồng một khi cần đối phó với tình huống khẩn cấp (… cứ làm như vậy cho tôi, còn mọi việc tôi lo…mấy anh đàn ông cứ là vô tích sự, … trg 121) và vân vân…

Đến chú Hùng, người láng giềng, người bạn thân thiết của bé Dũng cũng là một mô hình xuất chúng ít ai bì kịp. Chú thông minh, hài hước, vị tha, anh hùng trượng nghĩa lại có bề ngoài trau chuốt bảnh bao như các vai tài tử thần tượng xi-la-ma như người hùng cơ bắp Richard Burton, Rock Hudson một thời đóng cặp lừng lẫy với đệ nhất mỹ nhân màn bạc Liz Taylor, hay nam tính dữ dội như Dr Diivago Omar Shariff, hay gần đây có thể sánh với tay cao bồi Viễn Tây Clint Eastwood… mặc dù chú Hùng chưa bao giờ đóng phinh, chú sống giản dị bằng nghề làm ruộng và thợ rừng (… cái mặt đầy râu cứ nhăn nhăn… khi cười chú gồng lên cổ to như con sư tử, trg 100). Lại phải nói: vân vân và phân vân về vô số ưu điểm của chú.

Thật sự mệt nhoài và hụt hơi nếu cứ phải chạy theo liệt kê kiểm điểm đếm hàng trăm hàng ngàn những ưu việt của các nhân vật ưu tú của VNMVMCS, vì nó đầy dẫy khắp nơi hang cùng ngõ hẻm, mọi lúc mọi phút giây của đời truyện, nơi nào lúc nào sự tuyệt hảo cũng hiện diện phơi bày. Ngay cả ngôi làng mà các nhân vật ưu tú này sinh sống, đố kiếm ra được nhược điểm nào: sơn thủy hữu tình vừa rừng sâu núi cao cung cấp gỗ, vừa ruộng vườn phì nhiêu bông lúa, hoa trái bốn mùa, và sông dài trời cao, đến thiên nhiên cũng phải là khá chọn lọc cho những nhân vật truyện này.

Quả là hiếm có và đăc biệt vì mọi đặc ân của trời đất dường như tập trung hết vào trong địa linh nhân kiệt trên 191 trang giấy mong manh của VNMVMCS. Và nhất là, đó là những câu chuyện thật của những con người thật vì tác giả không cho thấy bất cứ phép lạ nào xuất hiện ở đây. Khi gom lại tất cả những ưu điềm của cuộc đời, tinh hoa của loài người, những giáo điều tiêu chuẩn khó đạt được của nhân gian dồn hết vào một vài mẫu nhân vật bao quanh câu truyện của chú bé: bố, mẹ, chú Hùng, cô giáo, ông Tư…ai ai cũng là những người vị tha, thông cảm, biết hy sinh, yêu thương, là tài tử giai nhân, anh hùng, lương hảo tuyệt vời ..hiệu ứng tác giả tạo ra cho người đọc nhhư cảm giác bạn blogger Katia trên đã bày tỏ cảm thấy như đến được với xứ sở thần tiên.*

*** Vậy là sao?

Viết truyện thực để giúp độc giả cảm thấy như đến được với xứ sở thần tiên là sứ mạng của nhà văn hôm nay sao? Tôi vô phép nghi ngờ tác dụng của thủ pháp nghệ thuật nước đôi này. Thật là thật, tiên là tiên, và nếu là sách thiếu nhi viết để giải trí và xuyên qua đó giào dục thiếu nhi.

Để khá dồng tình với cách trao giải của Thụy Điển, giải thưởng Peter Pan, vì Peter Pan là nhân vật thần thoại nên giải Peter Pan dành trao cho những tác phẩm thần thoại, (Và biết đâu đấy là cảm nhận thầm kín của người dịch, tôi tiếc không sao có bản dịch Anh ngữ này trong tay để xem hơi văn người dịch sử dụng ra sao… là thần thoại hay truyện đời thực?) Đã là thần thoại, đã là thần tiên thì chuyện gì cũng có thể là phép lạ, cũng có thể xảy ra, là mơ ước hướng thiện tuyệt đối và tuyệt vời trong giấc mơ của đám đông lúc nhúc con người còn đang sai trái và lầm than trên trái đất này.

Nhưng giải văn học thiếu nhi, là truyện viết cho trẻ con, chẳng hạn những trang tập đọc Quốc Văn Giáo Khoa Thư* phải luôn có những mẩu đời thực, có những bé chăm học, vâng lời cha mẹ, thầy cô (bài đọc Giúp đõ cha mẹ, bài Ăn uống có lễ phép, bài Đứa trẻ có lễ phép…) nhưng cũng có chán vạn những bé hư, lười học, ăn ở không vệ sinh (bài Người học trò xấu, bài Anh em bạn học, bài Phải sạch sẽ…,) đã có Xuân biết giữ gìn phép tắc kỷ luật lo đi học đúng giờ đi học coi người hớn hở thì cũng có gặp cậu Thu đi ở giũa đàng, hỏi rằng sao đã vội vàng, trống chưa nghe đánh đến tràng làm chi (QVGKT) thì mới là bức tranh sinh động chân thực của toàn cảnh xã hội người tốt, kẻ xấu đang lẫn lộn, chưa biết ai thắng ai thì mới là giáo dục trẻ, tạo cho chúng có dịp tập nhìn thẳng vào sự thật, tập suy nghĩ nguyên nhân, quan sát, suy đoán, so sánh để tập hiểu điều gì đang xảy ra trong cái xã hội bé và lớn đang xoay quanh mình. Học nhi thời tập chi?

Mang tên là truyện thiếu nhi mà ru ngủ thiếu nhi, tô hồng hiện thực, doping nhân vật không những không có tác dụng giáo dục mà tôi e còn gây hiệu ứng ngược.

Nếu những gì trong truyện hoàn toàn không tìm thấy ở hiện thực chung quanh, hay thấy rất ít, sẽ đưa đến ban đầu là nỗi ngơ ngác ngạc nhiên vì niềm tin ngây thơ cụ, rồi tiếp đến là thất vọng, tuyệt vọng, mất niềm tin, mất định hướng cho cả một cuộc đời, nhiều cuộc đời mai sau.

Văn học thiếu nhi, nhóm từ khá hồ đồ lẫn lộn, trong đó có ngầm chứa một mưu toan đánh lừa, đánh tráo, đánh lạc đường các bạn đọc nhỏ không? Thời trung học, rồi tiếp lên đại học, tôi đã chán ngán rồi tỉnh ngộ với mấy mối tình bay trên mây (tôi chỉ khoanh vùng mấy mối tình thôi) của mấy ông nội Tự Lực Văn Đoàn, những mối tình viễn mơ mà cả xã hội thời đó xúm nhau rao giảng, trong khi thực chất của ái tình trai gái nhuốm đầy nhục tình như Lấy Nhau Vì Tình, Số Đỏ… của Vũ Trọng Phụng thì đại loại bị xem là …dâm thư! Kiểu như đàn ông chớ đọc Phan Trần, đàn bà chớ đọc Thúy Vân Thúy Kiều của một thời giả dối sống hai mặt ban ngày quan hét như thần, ban đêm quan lại tần mần như ma. Những huyền thoại anh hùng Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu dần dà rồi cũng đã được các sử gia học giả giải mã. Và thế hệ nhũng người sinh ra và lớn lên ở miền Nam Việt Nam trước 1975 chỉ thấy chua xót cho số phận của anh thợ điện Nguyễn Văn Trỗi chứ khó nuốt trôi được mấy câu thơ Tố Hữu vẽ vời to tiếng về anh “…có những phút làm nên lịch sử/ có cái chết hoá thành bất tử/ có những người như chân lý sinh ra/ có những lời hơn vạn lời ca…”

Gần đây nhất, nhân cái chết bất ngờ và nhiều nghi vấn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, báo lề đảng cho đăng mấy bài viết ca ngợi và thương tiếc ngài chủ tịch bằng cách thuật lại tấm gương hiếu học bắt đom đóm cho vào vỏ trứng làm đèn học đến đêm khuya* của cụ khiến diễn đàn mạng dậy sóng. Có bạn còn nhắc lại chuyện thời đánh Mỹ ở miền Bắc, mọi người đều được nghe là máy bay ta tắt máy nấp vào mây để rình đánh hạ máy bay Mỹ. Người miền Nam thì sau 75, khi bị dồn ra phường khóm học tập chính trị hàng tuần, hàng tháng thì được nghe các cán bộ ngoài Bắc vô thuật, đồng chí Nguyễn Thị Hằng, đệ nhất anh hùng diệt Mỹ, thường đã can trường đứng dưới đất, chĩa súng trường (bắn chim?) lên chờ cho đến khi nào thấy máy bay Mỹ xuống thấp to bằng cái nia, đồng chí mới bắn, và một phát đã hạ gục ngay máy bay Mỹ cùng tên giặc lái ác ôn.

*** Nói sai sự thật là một bài học trả giá đắt. Mập mờ, đánh lận con đen còn đáng kinh sợ hơn.

Xin dạy cho trẻ con mở to mắt, thử quan sát đời sống thật, hãy trang bị cho chúng những cái nhìn chân thật và sắc bén, một phương pháp suy nghĩ tỉnh táo, hơn là cứ ru chúng trong giấc ngủ ngàn năm của những nàng tiên ngủ trong rừng.

Là tác giả, tôi cũng phải tự biết rạch ròi, tôi đang viết về người thực, việc thực hay đang viết truyện cổ tích, là người chấm giải trao giải, tôi phải ý thức và dứt khoát về bộ môn truyện để trao. Là truyện thần tiên hay truyện đời thực việc thực, là truyện người lớn hay truyện thiếu nhi? Đánh tráo khái niệm là một bài học đắt giá mà khi đứa trẻ đủ khôn lớn để nhận ra sẽ tuyệt vọng biết bao nhiêu, sẽ mất niềm tin khôn cùng vào những người lớn, những người đang chịu trách nhiệm giáo dục, trao giải, chọn lựa món ăn tinh thần cho những đầu óc thơ ngây, đang thực sự trong trắng thơ ngây.

***

Gấp sách VNMVMCS lại tôi tự hỏi: nơi đâu là thế giới thực của các cháu thiếu nhi ở khắp các miền đất nước, nơi vùng sâu vùng xa phía Nam, miền cao Tây Bắc, cơm không đủ ăn (dự án Cơm Có Thịt của tiến sĩ Trần Đăng Tuấn*) hình ảnh các bé đi học phải chui vào bao nilông cho bố kéo qua sông, phải đu dây như Tarzan qua cầu, phải vắt quần lên đầu lội qua cơn nước lũ cuồn cuộn cuốn để đến trường…; các bé chưa đến tuổi lao động đã phải dầm mưa dãi nắng trên nương rẫy heo hút giúp bố mẹ kiếm từng miếng ăn… cứ vào Internet sẽ thấy ngay những hình ành “…các em bé đều suy dinh dưỡng, quần áo rách rưới, tất cả đều không có giày dép, tất cả các em đều buồn và thiểu nảo… ánh mắt nhìn của các em hiện hình lên sự tuyệt vọng, khổ đau và cầu cứu… phía sau lưng các em là một lớp học tận cùng tiêu điều và xơ xác, chơ vơ và cô đơn giữa núi rừng hiu quạnh.. “* những hình ành không khỏi khiến trái tim người lớn phải tan vỡ.

Người Việt Nam dạo này ngủ hơi nhiều. Chúng ta ngủ ỏ nghị trường quốc nội (Quốc hội) *, ngủ ở nghị trường quốc tế (Liên Hiệp Quốc)*…

Thức dậy thôi, tỉnh dậy đi, mọi chuyện và giáo dục nói riêng còn mơ ngủ thì đất nước gọi là bốn ngàn năm văn hiến chắc sẽ tiếp tục ngáy o o. Kính vạn hoa, trò chơi dăm ba phút phù du giải trí soi rọi cho ta những hình sắc lộng lẫy mộng ảo từ những mảnh kính vỡ vô dụng nên được vứt đi. Khuyến khích trẻ con tô hồng chuốc lục lăm lăm kính vạn hoa soi vào hiện thực xã hội thay vì nhìn thẳng, và chấp nhận, và tìm hiểu lý lẽ, để may ra không chừng còn thấy con đường ra, khỏi lạc lối. Trách nhiệm của người viết sách, in sách, hội đồng trao giải thưởng là ở đây, nơi các phụ huynh, và các cháu thiếu nhi còn có một một cái phao, một điểm tựa khả dĩ tin tưởng được để tựa vào trong cơn lốc kinh tế thị trường với vô vàn sản phẩm giá trị thật giả lẫn lộn rối mù, với các nhóm lợi ích đang vươn vòi bạch tuộc ra khắp mọi lãnh vực như hiện nay.

*** VNMVMCS xuất bản năm 2002, đoạt giải A cuộc vận động sáng tác, giải văn học thiếu nhi năm 2002, dịch ra Anh ngữ đoạt giải Peter Pan* và một lần nữa đoạt giải thưởng sách hay 2011. Một quyền sách khá đình đám, khá thành công cho những ai ngày đêm rị mọ ngồi viết sách, là giấc mơ (khó thành) cho mọi tác giả. Hào quang ấy, vinh quang ấy của Nguyễn Ngọc Thuần (NNT) qua truyện dài vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ (VNMVMCS) còn được tô đậm bằng những lời có cánh của các tên tuổi/cây bút lẫy lừng trên văn đàn trong nước: Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Minh Thái… và đông đảo độc giả bằng cớ là sách đã được tái bản đến lần thứ 18 (như đã ghi ở bìa sách).

Virginia, tháng 10, 2018

nthb

__________

*http://sachvui.com/ebook/hoang-tu-be-antoine-de-saint-exupery.825.html

*https://en.wikipedia.org/wiki/Peter_Pan

*https://news.zing.vn/sach-giao-khoa-chuong-trinh-moi-co-the-dung-cach-danh-van-khac-nhau-post872683.html

*https://www.bbc.com/vietnamese/forum-44885993

*https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43193993

*https://vnexpress.net/vu-hieu-truong-mua-dam-nu-sinh/topic-10078.html

*https://en.wikipedia.org/wiki/Spadla_z_oblakov

*https://chinese.com.vn/tam-tu-kinh-bai-1-nhan-chi-tinh-ban-thien.html

*https://sjjs.edu.vn/blog/2018/08/12/quan-niem-cua-tuan-tu-ve-tinh-ban-ac-noi-con-nguoi/

* Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Trần trọng Kim, Nguyễn văn Ngọc, Đặng đình Phúc, Đỗ Thận, NXB Trẻ tái bản

*http://trandaiquang.org/vinh-biet-cau-tro-ngheo-bat-dom-dom-lam-den-hoc.html

*https://baotiengdan.com/2018/09/28/con-trung-va-hao-quang/

*https://www.bbc.com/vietnamese/multimedia/2016/04/160420_phamquangtu_on_trandangtuan

*http://www.vietnamthoibao.org/2018/09/vntb-mo-phan-hoanh-trang-va-nhung-ua.html

https://www.bbc.com/vietnamese/forum/2014/11/141120_vn_sleeping_parliamentarians

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45690602

Comments are closed.