Luật sư Đào Tăng Dực
I. Dẫn nhập:
Những chế độ độc tài chuyên nghiệp như đảng CSVN không hề sơ hãi những cá nhân chống đối. Cái mà họ sợ là những cá nhân kết hợp thành tổ chức (hoặc hội đoàn) để chống đối. Khi người cộng sản khống chế xã hội dân sự qua điều 4 hiến pháp, thì họ không những cấm đoán sự hình thành của những tổ chức độc lập, mà họ còn thành lập những tổ chức cuội, của chính họ, để phô trương một xã hội dân sự giả tạo, và xâm nhập mọi cơ sở kinh tế hay xã hội khác, để kiểm soát và điều hướng.
Người CS ý thức rằng, nếu chỉ có những cá nhân lẻ tẻ rời rạc, thì dù có tư duy chống đối đến đâu, cũng sẽ vĩnh viễn là tư duy, và không bao giờ đe dọa thật sự quyền lực của họ. Chỉ có những tổ chức mới biến tư duy thành hành động và thách thức thực tế quyền lực của họ mà thôi.
Vấn đề của chúng ta là phải vượt qua khó khăn này, thành lập các hội đoàn và biến tư duy thành hành động.
Tóm lại chúng ta phải làm điều họ sợ hãi nhất, đó là đoàn ngũ hóa những con người tư duy.
Sau nhiều thập niên hành nghề luật tại Úc, sau khi tiếp xúc với nhiều người đối kháng trong nước, tôi nhận thấy có nhiều điểm tương đồng và quyết định viết tài liệu này, như một tài liệu hướng dẫn thực tế cho anh chị em tranh đấu trong nước.
Điểm tương đồng này là khuyết điểm trầm trọng của người trong nước, cũng như cộng đồng hải ngoại. Đó là không biết thành lập các hội đoàn dân sự sinh hoạt theo nguyên tắc dân chủ.
Tôi từng cố vấn và giải quyết vấn nạn cho nhiều hội đoàn nên hiểu rõ điều này.
Chính vì thể tôi soạn ra một Nội Quy/ Điều Lệ Mẫu sau đây, bao gồm những điều khoản căn bản, ngắn gọn, một hội đoàn có thể lấy làm mẫu, sau đó điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh của mình, và tiến hành thành lập cũng như hoạt động.
Tôi cũng soạn sẵn một số mục tiêu tiêu biểu cho mỗi loại hội đoàn (Chính tri, nhân quyền, nghề nghiệp, tương trợ, dân oan v…v…) và một số nguyên tắc căn bản của một hội đoàn hoạt động hợp pháp trong một xã hội dân chủ.
Sự hình thành nhiều hội đoàn sẽ xây dựng một xã hội dân sự hùng mạnh cho tương lai.
II. Quyền tự do lập hội:
(1) Trước hết, bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc công bố 1948:
Điều 20 ghi rõ:
“Mọi người đều có quyền tự do tụ tập và hội họp một cách bất bạo động”
Điều 23 (4) ghi thêm:
“Mọi người đều có quyền thành lập và gia nhập những nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình”
(2) Sau đó Công Ước Quốc Tế về các quyền tự do dân sự và chính trị:
Điều 22 ghi:
“1. Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình.
2. Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật quy định và những hạn chế này là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, để bảo vệ sức khoẻ của công chúng hoặc nhân cách, hoặc các quyền và tự do của những người khác. Điều này không ngăn cản việc hạn chế hợp pháp đối với những người trong các lực lượng vũ trang và cảnh sát.
3. Không một quy định nào của điều này cho phép các nước tham gia Công ước về tự do lập hội và bảo vệ quyền được tổ chức hội năm 1948 của Tổ chức Lao động quốc tế được tiến hành những biện pháp lập pháp hoặc áp dụng luật làm phương hại đến những đảm bảo nêu trong Công ước đó.”
(3) Hiến pháp 2013:
Điều 25 ghi:
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”
Sự kiện Quốc Hội CHXHCNVN trì trệ trong việc ban hành luật về hội đoàn không phải là vấn đề của người dân, mà là vấn đề của chính quyền CSVN.
Lý do là vì 3 nguyên tắc nền tảng của chế độ pháp trị là:
a. Người dân có quyền làm tất cả những gì luật pháp không cấm, chứ không phải chỉ được quyền làm những gì luật pháp cho phép
b. Một sắc luật hay bộ luật của quốc hội, chỉ có thể ra những quy định để thi hành một quyền lợi được hiến pháp quy định rõ hơn, và không thể vi phạm thực chất của quyền đó, hoặc tước đoạt quyền được ghi trong hiến pháp, vốn là luật tối cao.
c. Luật pháp một quốc gia phải tuân thủ những công ước quốc tế mà chính quyền ký kết tôn trọng và tham gia.
Như thế, ngay bây giờ, mọi người đều có quyền lập hội.
III. Lập hội cần bao nhiêu người:
Lập hội không cần nhiều người. Tại Úc, tiểu bang New South Wales, chỉ cần 4 người là có thể thành lập hội và đăng ký với chính phủ. Dĩ nhiên có những hội đoàn lên đến trăm hoăc ngàn người hay nhiều hơn nữa. Tuy nhiên cần phải sinh hoạt nghiêm chỉnh theo đúng tinh thần của nội quy dân chủ. Cần phải chọn lựa hội viên nghiêm túc và theo tinh thần tự nguyện.
Trong hoàn cảnh Việt Nam thì sinh hoạt chặc chẽ hay linh động phải tùy theo nhu cầu tại chỗ.
IV. Cần đăng ký với chính phủ hay không?
Úc và các quốc gia Tây Phương là những chế độ dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên. Có luật về lập hội rõ rệt. Mọi người đều có quyền thành lập hội. Muốn đăng ký với chính phủ thì sẽ có một số quyền lợi, nhưng phải chịu sự kiểm soát về chi thu. Nếu không đăng ký thì không có những quyền lợi đó, nhưng không cần trình báo gì với chính phủ cả.
Cả 2 loại hội đoàn đều được sinh hoạt công khai và hợp pháp.
Việt Nam chưa có luật về hội đoàn và trên nguyên tắc tôi nghĩ rằng không có luật nào cấm thành lập các hội đoàn mà không đăng ký cả.
Không biết khi thành lập Đảng CSVN ông Hồ Chí Minh có đăng ký nó nơi nào hay không?
V. Cần cương lĩnh và nội quy riêng biệt hay không?
Chỉ có những tổ chức chính trị mới cần một cương lĩnh nêu ra các chủ trương và mục đích chiến lược và sau đó một nội quy phức tạp để điều hành tổ chức.
Theo tôi nghĩ, trừ khi chúng ta muốn thành lập một đảng phái chính trị lớn (nằm ngoài tầm của bài viết này) thì chúng ta chỉ cần một nội quy/ điều lệ trong đó bao gồm những mục tiêu chính của hội đoàn là đủ. Đây là phương thức thành lập hội đoàn tại Úc Đại Lợi, Tiểu Bang New South Wales.
VI. Phương thức cụ thể thành lập hội:
Phương thức chia làm các giai đoạn như sau:
1. Một hay nhiều cá nhân suy nghĩ và xử dụng nội quy/ điều lệ mẫu viết thành một dự thảo nội quy/điều lệ
2. Vận đồng tìm người cùng quan điểm
3. Sau khi đủ người (chẳng hạn 3-5 người trở lên) thì tổ chức đại hội thành lập
4. Đại hội thành lập sẽ làm 2 việc quan trọng:
a. Chính thức chấp nhận bản nội quy/điều lệ
b. Bầu Ban Chấp Hành
5. Làm những công việc hành chánh của hội như mở trương mục ngân hang, cắt đăt lưu trữ sổ sách, giáy tờ v…v…
6. BCH sẽ tổ chức và điều hướng các phiên họp và sinh hoạt của hội.
VII. Một số nguyên tắc căn bản cần lưu ý:
Thế kỷ 21 là kỷ nguyên của tin học, tự do tư tưởng, sự sáng tạo, khoa học và khai phá tri thức.
Chính vì thế có một số nguyên tắc căn bản các hội đoàn cần phải lưu ý:
1. Tuyệt đối tuân hành nguyên tắc bất bạo động
2. Hướng về tương lai xây dựng một trật tự xã hội tốt đẹp thay vì quay về quá khứ chiêm nghiệm sự trả thù
3. Lấy trung dung hay trung đạo làm kim chỉ nam, thay vì chủ trương những quan điểm cực đoan và giáo điều
4. Không bao giờ chủ trương hủy diệt một thực thể hiện hành mà không kèm theo một đề án xây dựng cho tương lai.
5. Lấy sự khai trí cho hội viên và quần chúng làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.
6. Không cần chờ đợi những siêu nhân hay những nhân vật phi thường lãnh đạo mới dấn thân hành động. Thật sự chỉ cần những người bình thường, làm việc đúng phương pháp, sẽ đạt những thành quả phi thường. Những hội viên chỉ cần là những người bình thường lương thiện là đủ.
7. Phải xem con người cá thể (the individual person) là cứu cánh. Tất cả mọi quan điểm chính trị, mọi định chế xã hội, những ý niệm trừu tượng dù cao đẹp bao nhiêu cũng chỉ là những phương tiện đem lại phúc lợi cho con người cá thể. Phải phân biệt rõ đâu là cứu cánh và đâu là phương tiện.
VIII. Các mục tiêu mẫu:
Chính trị:
1. Xây dựng dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên
2. Phát triển xã hội dân sự
3. Nguyên cứu và hiến định hóa quan điểm tam quyền phân lập của Montesquieu
4. Nghiên cứu và hiến định hóa quan điểm địa phương phân quyền
5. Hủy bỏ độc tài đảng trị và xây dựng dân chủ đa nguyên
Nhân quyền:
1. Quảng bá bản Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân quyền Liên Hiêp Quốc năm 1948 và Công Ước Quốc Tế về các quyền tự do dân sự và chính trị 1966
2. Tranh đấu bảo vệ phụ nữ quyền và chống bạo hành trong gia đình
3. Tranh đấu hiến định hóa hoặc luật hóa quyền thành lập báo chí và cơ quan ngôn luận tư nhân
Nghề nghiệp:
1. Tranh đấu xây dựng quyền thành lập công đoàn độc lập
2. Tranh đấu bảo vệ quyền lợi công nhân làm việc cho các công ty nước ngoài tại Việt Nam
3. Tranh đấu chống nhập cảng công nhân từ nước ngoài
Tương trợ dân oan:
1. Giúp đỡ tài chánh và nhân vật lực cho những dân oan khiếu kiện tại Sài Gòn
2. Vận động áp lực chính quyền trả tự do cho các dân oan bị kết án giam cầm
3. Giúp đỡ pháp lý và tìm luật sư đại diện cho các dân oan khiếu kiện
Tôi chỉ đưa ra một vài gợi ý. Mỗi cá nhân cần phát huy sáng kiến, viết lên những mục tiêu phù hợp với lý tưởng của nhóm mình.
Tôi không cư trú tại Việt Nam nên không biết rõ những nhu cầu tại chỗ.
Tôi thiếu sót thì xin quý độc giả bổ sung. Tôi sẽ có một danh sách mục tiêu đầy đủ và phẩm chất cao hơn.
Theo tôi nghĩ, chỉ cần 1 mục tiêu là khởi đầu được. Sau đó có thể thêm mục tiêu khác. Chỉ cần tu chính Nội quy/điều lệ là đủ.
IX. Nội quy/điều lệ mẫu:
(I) Danh xưng của hội
Nay thành lập hội mang tên:
(II) Mục tiêu
Các mục tiêu của hội sẽ là:
1. ………..
2. ………..
(III) Nguyên tắc nền tảng
1. Nguyên tắc bất bạo động: hội hoạt động trong tinh thần và bằng những phương thức hoàn toàn bất bạo động
2. Nguyên tắc bất vụ lợi: những lợi nhuận và tài sản của hội chỉ có thể sử dụng cho những mục đích phúc lợi cộng đồng của hội nêu ra và không bao giờ phân phát cho những hội viên của hội
3. Hiến pháp và luật pháp hiện hành: hội tuân thủ mọi điều khoản hiến pháp và luật pháp chủ trương
4. Các hiệp ước và công ước quốc tế về nhân quyền, dân quyền và các quyền tự do chính trị căn bản khác mà nhà nước Viêt Nam ký kết với quốc tế đều được hội tôn trọng và chấp hành.
(IV) Các định nghĩa căn bản:
a. “Phiếu quyết định” (casting vote) là khi số phiếu bằng nhau giữa 2 bên, thì người chủ tọa có thêm một phiếu để quyết định phe nào đa số.
b. “Ủy nhiệm viên” (trustee) là người được ủy thác đứng tên tài sản hoặc tài khoản của hội. Họ chỉ đứng tên nhưng không phải là chủ nhân thật sự. Chủ nhân thực sự là hội.
c. “Tư cách pháp nhân” là một con người bằng da bằng thịt hoặc một con người do luật pháp tạo ra như một công ty hay một hội đoàn có đăng ký, có quyền sở hữu tài sản, có thể ra tòa như một nguyên cáo hay bị cáo.
d. “Đa số” trong nội quy/điều lệ có nghĩa là đa số tuyệt đối, tức hơn 50%, khác với đa số tương đối như trong trường hợp có 3 nhóm trở lên, nhóm 1 với 20% phiếu, nhóm 2 với 24% phiếu, nhóm 3 với 30% phiếu, nhóm 4 với 26% phiếu, thì nhóm 3 có đa số tương đối. Nếu bầu vòng một chưa có đa số tuyệt đối thì phải bầu lại vòng nhì, với 2 nhóm có số phiếu cao nhất cho đến khi có đa số tuyệt đối.
(V) Hội viên
1. Mọi người, từ 18 tuổi trở lên, đều có thể trở thành hội viên của hội.
2. Trừ những hội viên sáng lập, những người xin gia nhập hội phải điền đơn theo mẫu đính kèm và được sự giới thiệu của một hội viên hiện thời
3. Thư ký của hội sẽ trình đơn xin gia nhập trước phiên họp sớm nhất của Ban Chấp Hành (BCH), hầu BCH có thể quyết định chấp nhận hay không.
4. Một hội viên có quyền bỏ một phiếu trong tất cả các phiên họp khoáng đại chính thức của hội
5. Một hội viên sẽ chấm dứt làm hội viên khi qua đời, rút tên khỏi hội bằng văn thư chính thức hoặc bị khai trừ khỏi hội
6. Niên liễm hoăc nguyệt liễm hội viên: mỗi hội viên có trách nhiệm đóng niêm liễm hoặc nguyệt liễm do BCH hoặc Đại Hội quy định tùy hoàn cảnh và thời điểm.
(VI) Ban chấp hành
1. Đại hội thành lập và các đại hội kế tiếp sẽ bầu một ban chấp hành (BCH) gồm từ 3 người trở lên, tùy theo nhu cầu và nhân số của hội.
2. BCH có trách nhiệm:
a. Điều hành hội
b. Quản trị mọi tài sản của hội
c. Giải quyết mọi vấn đề đối nội và đối ngoại của hội
d. Làm tất cả mọi điều nhận thấy lợi ích cho hội
3. BCH phải bầu ra trong số thành viên của mình ít nhất 3 chức vụ sau đây:
a. Hội trưởng: Lãnh đạo hội và chủ tọa các phiên họp của BCH
b. Thư ký: Giữ sổ sách
c. Thủ quỹ: Chịu trách nhiệm về chi thu và sổ sách chi thu, ngân khoản tại ngân hàng
4. Các quyết định của BCH căn cứ trên đa số phiếu. Hội trưởng có phiếu quyết định (casting vote)
5. Nhiệm kỳ của BCH là 2 năm
(VII) Các phiên họp và túc số
1. Đại hội: túc số lần đầu triệu tập sẽ là 50% hội viên. Nếu lần đầu không đủ túc số, thì lần thứ nhì không cần quy định túc số mà vẫn hợp lệ.
2. BCH: Túc số lần đầu sẽ là 2/3 số thành viên BCH. Nếu lần đầu không đủ túc số thì lần sau ít nhất 3 thành viên.
(VIII) Các ủy ban:
1. BCH hoặc Đại Hội có thể tùy nghi thành lập các ủy ban chuyên nghành hầu thi hành những công tác của hội
2. Một số ủy ban tiêu biểu như: Ủy ban giám sát, Ủy ban tài chánh, Ủy Ban Cố Vấn v,..v…tùy theo nhu cầu
(IX) Thủ tục bỏ phiếu và các quyết định của hội:
1. Mỗi hội viên có một phiếu bằng nhau
2. Nguyên tắc bầu cử là bầu kín
3. Đa số ưu thắng thiểu số
4. Chỉ có người hiện diện tại chỗ, hoặc nếu hội có phương tiện, thì hiện diện qua video link (tức thấy hình), hoặc qua hiện diện qua voice link (tức chỉ nghe giọng nói) mới được bầu cử. Không thể bầu khiếm diện hoặc ủy nhiệm phiếu.
(X) Đại hội định kỳ và các đại hội bất thường
1. Đại hội định kỳ mỗi 2 năm một lần. ĐH bầu lại tân BCH và quyết định tất cả mọi vấn đề của hội kể cả tu chính nội quy.
2. Đại hội là tối cao và toàn quyền. Bất cứ quyết định nào của BCH hoặc bất cứ chức sắc nào của hội, đi ngược với quyết định của ĐH đều vô hiệu lực
(XI) Thủ tục thông báo
1. Thông báo ĐH phải được gởi cho tất cả hội viên ít nhất 2 tuần trước ĐH bằng thư tay, bưu điện hoặc các phương tiện điện tử như điện thư hoặc qua tin nhắn trên điện thoại di động.
2. Các thông báo bình thường về hoạt động của hội cũng qua những phương thức tương tự
(XII) Người chủ tọa
Người chủ tọa ĐH hoặc BCH có phiếu quyết định. Chủ tọa ĐH do ĐH chọn. Chủ tọa BCH là Hội Trưởng.
(XIII) Tài sản và tài chánh
1. Nếu hội đăng ký chính thức và có tư cách pháp nhân thì hội có thể trực tiếp đứng tên tài sản hoặc ngân khoản của hội
2. Nếu hội không đăng ký và không có tư cách pháp nhân thì có thể làm giấy ủy nhiệm cho một hay nhiều cá nhân đứng tên tài sản hoặc ngân khoản với tư cách là ủy nhiệm viên (trustees) cho hội
3. Trong cả 2 trường hợp, nếu cần phải ký ngân phiếu rút tiền, phải có ít nhất 2 chữ ký của 2 thành viên BCH.
(XIV) Tu chính nội quy:
Nội quy chỉ được tu chính với sự đồng ý của 3 phần 4 số hội viên tham dự ĐH.
(XV) Tài sản sau khi hội chấm dứt hoạt động
1. Nếu hội giải tán và chấm dứt sinh hoạt, toàn bộ tài sản và ngân khoản của hội sẽ chuyển giao cho một hội hoặc tổ chức có mục tiêu bất vụ lợi tương đương với hội.
2. Hội có thể được giải tán với sự đồng ý của 3 phần 4 hội viên tham dự trong một ĐH.
X. Đơn xin gia nhập hội:
Tên hội:
Tên họ người muốn gia nhập hội:
Địa chỉ:
Nghề nghiệp:
Nay tôi xin làm đơn gia nhập hội. Nếu đơn của tôi được chấp nhận, tôi đồng ý tuân thủ nội quy của hội.
Chữ ký người nộp đơn:
Ngày ký:
Hội viên giới thiệu người xin gia nhập hội:
Tên họ hội viên:
Tôi xin giới thiệu anh/chị:
Làm đơn gia nhập hội. Tôi xác nhận tôi là một hội viên hiện thời của hội.
Ký tên:
Đề ngày ký:
XI. Giao kèo ủy nhiệm:
Hội Bất Vụ Lợi ABC
Thành phần:
1. Ô. Nguyễn Văn A cư ngụ tại…
2. Bà. Trần Thị B cự ngụ tại… là 2 ủy nhiệm viên
3. Hội Bất vụ lợi ABC địa chỉ tại…là thành phần chủ nhân thật sự và hưởng phúc lợi của sự ủy nhiệm
Sự Kiện:
1. Hội Bất Vụ Lợi ABC là một hội không đăng ký và không có tư cách pháp nhân để đứng tên tài sản
2. Ông Nguyễn Văn A và Bà Trần Thị B là thành viên Ban Chấp Hành của hội
3. Hội đồng ý bổ nhiệm 2 người làm ủy nhiệm viên đứng tên tài sản sau đây:
a……….
b……….
c……….
(ghi chi tiết tài sản)
Và tài khoản ngân hàng sau đây:
a……….
b………
(ghi rõ chi tiết tài khoản)
Các ủy nhiệm viên tuyên cáo như sau:
1. Chúng tôi chỉ là những ủy nhiệm viên và không sở hữu các tài sản và ngân khoản trên
2. Chúng tôi đồng ý thi hành tất cả cá mệnh lệnh của hội như là chủ nhân và thành phần hưởng phúc lợi thật sự.
Ngày:
………………….. …………….
Ô. Nguyễn Văn A Người chứng
………………….. ……………..
Bà Trần Thị B Người chứng
………………. ……………..
Ô. Lê Văn C (Đại diện cho hội) Người chứng
XII. Kết luận:
Nêu trên chỉ là những thông tin căn bản để thành lập và điều hành một tổ chức hay hội đoàn trong xã hội dân sự. Tuy căn cứ trên những quy luật về nhân quyền và các quyền tự do căn bản của con người, nhưng Việt Nam hiện giờ chưa phải là một chế độ dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên đúng nghĩa, tôi không thể chịu trách nhiệm hình (criminal) hoặc hộ (civil) nếu xảy ra truy tố hoặc tranh chấp tại Việt Nam. Tôi cũng chỉ là một luật sư hành nghề tại Úc, không có thẩm quyền cố vấn luật pháp Việt Nam.
Cũng vì chỉ là những thông tin cơ bản, văn kiện này sẽ hữu ích cho những cá nhân muốn thành lập hội đoàn cơ bản. Những hội đoàn tầm vóc cao hơn sẽ có những cao nhân cố vấn chi tiết và vượt ra ngoài tầm vóc của tài liệu này.
Cũng xin nhắc nhở quý vị tham khảo ý kiến của những đồng nghiệp của tôi đang hành nghề tại Việt Nam, nếu có phương tiện.
Cuối cùng và vô cùng quan trọng là tôi chỉ là người viết bản hướng dẫn này mà thôi. Tôi không liên hệ gì đến những hoạt động của các hội đoàn tự thành lập và sử dụng những thông tin này. Tôi cũng không chịu trách nhiệm gì về những hoạt động sau đó. Tôi chỉ nêu ra một số nguyên tắc và kỹ thuật. Chúng ta là những người tự do và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tư duy và hành động của chính mình.
Chúng ta hoàn toàn độc lập với nhau trong tinh thần tương kính.
Constitution Hill ngày 26 tháng 9, 2015
LS Đào Tăng Dực