ÐIÊU THUYỀN

Miêng

Chị bước đi với bước chân chơi vơi vô hồn. Cũng không phải lần đầu trong đời hai chân đong đưa chị vào nỗi u mê vô định,  nhưng lần này thì quả thực chẳng khác chiếc lá khô để cơn gió mặc tình cuốn đi lơ lửng, ngập ngừng.

Thỉnh thoảng một bác xích lô tấp tới gần, cô hai ơi xích lô cô hai. Chị đủ bình tĩnh mỉm cười đáp lễ. Cái mỉm cười của một Ðiêu Thuyền sắc nước hương trời nhưng chưa bao giờ làm xiêu lòng Lữ Bố – Lữ Bố của chị. A, Lữ-Bố-của-em ! Chị khựng lại giữa trời Sài Gòn nắng chang chang tháng sáu, tay đưa lên đầu, vẻ sững sờ như bất chợt vừa khám phá ra điều gì. Chị nhíu mày kêu lên, mắt reo vui :

– Thì ra là tại anh chớ ai ? Anh đã cướp đi mất tiếng hát của em rồi chớ còn tại sao nữa ?

Tay tự động buông xách, chị ngồi bệt xuống đường bắt đầu làm điệu bộ hát. Không ai nghe gì nhưng cứ nhìn chị trong tư thế đó thì người đi đường quay lại cười, bảo điên. Phải, điên. Hồi mười sáu tuổi hát văn nghệ cho xã, bạn cũng bảo điên sao mà chịu đóng nhiều màn như vậy, mất bao nhiêu ngày giờ tập dượt. Nhưng khi khán giả ra về, người đàn ông đứng tuổi chờ chị trước cổng trường, bảo :

– Cháu gái, cháu có giọng ca rất hay. Nếu gua mở gánh hát, cháu làm đào chánh chịu hông ?

Chị tròn mắt nhìn, không nghĩ đến chuyện trả lời. Ðó là cái mộng vẫn nuôi từ hồi mới biết hát tập tành. Ông cười :

– Ðừng lo, có cái cháu thiếu tập dợt kỹ thực thôi. Rồi gua sẽ chỉ thêm cho cháu.

Chị về mừng rỡ khoe với mẹ và cười vang vang. Mẹ bảo :

– Cái con này, cười gì mà cứ như con điên vậy. Bao giờ ổng lập gánh hát thiệt hẵng hay chớ chưa gì mà đã cỡn lên.

Ông là nghệ sĩ già về vườn, nói là làm. Gọi gánh hát nghe cho sang chớ chỉ có ông già ôm cây đờn kìm, anh kép trẻ cũng chẳng hay ho gì hơn chị, và ông ta thôi. Tuồng Con Tấm Con Cám anh kép trẻ hoá trang thành con gái làm đứa em độc ác hành hạ chị. Tuồng Trầu Cau thì ông già dồi thật nhiều phấn lấp các rãnh nhăn nheo, làm ông anh hoài công đi tìm người yêu và em trai. Tuồng Phạm Công Cúc Hoa thì ông cạo nhẵn râu đóng vai bà mẹ, ngồi bắt chấy cho hai con trên nấm mộ chính mình. Và tuồng Thạch Sanh Lý Thông ông cố vẽ cặp mắt đã sụp cho rõ to với vẻ dữ dằn đanh ác, mặc dầu chưa ai biết Lý Thông thật có bộ mặt thế nào… Bộ bốn nương vào nhau mà sống. Hát hết đình này miễu nọ, nào có tốn tiền thuê rạp. Cảnh chiến trường thì bẻ vài nhánh cây dắt lên, cảnh khuê phòng thì dùng tấm chăn của ông già đã mòn rã tự muôn đời. Vậy mà cũng có người coi, cũng được thiên hạ vỗ tay và cuộc đời vẫn tiếp tục. Chị cũng tậu được mấy cái áo lụa nội hoá đủ màu, tạm thay đổi cho các vai chị đóng. Mà nào có ai đòi hỏi chi nhiều !

Họ đi gần hết xóm làng miền Nam để hát. Cũng vẫn chừng đó tuồng hát đi hát lại. Ðược một năm, bạn anh kép trẻ là lính ở Huế về thăm nhà. Mấy hôm đó trời mưa tầm tã, các đường làng lầy lội nên gánh hát tạm nghỉ vì không ai đi xem. Nhưng nếu có khán giả, diễn viên cũng không đủ hơi sức gào thi với gió. Anh kép trẻ rủ bạn lính đến tán gẫu. Chuyện lính có gì để kể ngoài đời sống phong trần quân nhân và các trận đánh nhau. Và làm sao chuyện tày trời như Tết Mậu Thân ở Huế mà một người lính từ đó trở về lại không lấy làm cái tin sốt dẻo nhất. Kể nhiều chuyện xong, anh lính bảo :

– Ðu mẹ, tui có kể tới tháng sau thì cũng hổng tả hết cái ác độc, cái rùng rợn của tụi nó được. Mấy ông bà là nghệ sĩ thì diễn tả mới hết ý chớ tui nói thì nhằm nhò gì. Nhai đi nhai lại chi hoài ba cái tuồng cũ chán thấy mẹ !

Phải ! Phải ! Hai ông kép hì hục hơn tuần lễ soạn ra tuồng mới. Ông kép già chỉ vào mặt anh kép trẻ :

– Thằng sĩ guan ngụy ác ôn kia, mày đã tới ngày đền nợ máu nhân dân rồi.

– Ðồ Việt cộng khát máu…

Nhưng ông đâu để anh nói hết lời rủa sả quân miền Bắc, ông bắn anh kép trẻ sĩ quan. Gọi “sĩ quan” cho cái chết của anh xứng đáng với viên đạn bộ đội mà tiếng nổ là do ông đờn kìm tạo ra, chớ trên cổ áo bộ đồ lính anh bạn cho, đâu có lon lá gì. Sau đó thì xác chết lăn vào trong, đội lên đầu cái mũ bộ đội đan bằng tre sơn xanh chạy ra, và cùng với người vừa giết mình xăng xái đào hố chôn tập thể hàng loạt người. Ðêm đó chị bận nhiều áo, mỗi lần chạy vô là cởi bớt một lớp rồi chạy ra, như thể người đàn bà khác đang kêu gào cảnh thân nhân bị nạn. Cuối cùng tóc xoã tung, ràn rụa nước mắt, chị chạy hẳn xuống đám khán giả, chạy tuốt ra khỏi cổng đình. Tiếng vỗ tay vang lên như sấm :

– Hoan hô ! Hoan hô cô Diệu !

Bẵng đi mấy năm không nghe tin tức gì của anh bạn lính. Ðùng  cái, năm bảy hai anh trở về Nam. Cái hàm chỉ lính quèn mà cái mạng lại to, to hơn rất nhiều ông tá, ông úy. Trải bao truân chuyên, anh vẫn còn đủ tay chân chạy về thăm mẹ, thăm bè bạn xóm giềng. Anh lại kể về mùa hè đỏ lửa, về con đường Quốc lộ số 1 đầy xác người nằm tênh hênh cho ruồi nhặng đậu, về những thân thể nhầy nhụa máu me cố lê lết từng tấc đường, về những bàn chân còn sống chạy như qủy ám, về những đứa bé đi lang thang thất thểu chẳng khác ma Hời, về những trẻ sơ sinh ngậm hoài vú mẹ hãy còn dính trên thân thể quánh máu…

Lại tuồng khác ra đời. Lại những lời đanh thép tàn mạt anh kép trẻ sĩ quan nhổ vào mặt ông kép già Việt cộng, và lần này thì anh ta bắn chết ông kép già. Nhưng ông kép già Việt cộng kiên trì với ý chí quyết giải phóng miền Nam, nếu chưa xong thì không chịu chết, ông đờn kìm phải tạo ba tiếng nổ chát chúa, ông mới chịu ngã gục thực sự ! Kết quả là ba năm sau, chính cái anh đạp xe ba gác chở hàng trong xóm, ngày nào vẫn đi xem tuồng say sưa, vẫn vỗ tay hăng hái, bây giờ dẫn công an khu vực từ Bắc vào, tới còng tay hai người kép hát.

– Ði, các anh vào trại mà hát với hỏng.

Người đứng xem chật ngõ. Ai đó thậm thụt nói :

– Uả, họ có làm gì đâu, họ chỉ hát thôi mà ?

Anh công an cười gằn, giọng vẫn đều nhưng rất lạnh :

– Chỉ hát thôi chớ làm nên trò trống gì. An nhàn thế sao không muốn yên, lại hát điều bậy bạ phỉ báng cách mạng ?

Ngày ấy cũng như bây giờ, chị không khóc. Ðã khóc quá nhiều trong các tuồng chị đóng. Chị đứng sững, mắt mở to nhưng không thấy gì, hai tay đưa lên rồi hạ xuống, môi mím chặt. Dưới cái nắng chói chang mùa hạ, mắt đua với ánh mặt trời túa đom đóm vì uất, vì bất lực. Nhưng chị chỉ lặng lẽ nhìn theo, quên cả khấn Trời Phật phù hộ cho họ mau về, để đứa con trong bụng khi chào đời không những có cha mà còn có ông ngoại nữa.

Chị về quê với mẹ. Ngày qua ngày, túi tiền dành dụm teo đi và bụng căng ra, chị vẫn một mình. Rồi thằng con ra đời, vẫn một mình, vẫn chờ đợi, chờ đợi mỏi mòn như thiếu phụ Nam Xương. Thằng nhỏ bụ bẫm một hôm nóng sốt, bà bác sĩ trưởng trạm y tế ngoài Bắc vào, bảo nó bị lao. Bà chích hai ngày hai mũi thuốc, vào cái mông da mỏng như giấy quyến. Ba tháng sau chị tê dại thấy chân con mình cứ teo tóp ngày một ngày hai…

Ông đờn kìm tới tìm chị :

– Diệu à, hay là chú cháu mình ra chợ, tao đờn mày ca kiếm tiềng.

Chị không hát nổi. Chị không quen hát một mình. Với lại giọng chị cứ lạc đi, không ăn nhịp nữa. Chị mua bộ bài ra ngồi ké túp lều người bạn hàng xén ngoài chợ, bói. Những ngày mưa gió không hát, ông kép già thường bày chị :

– Cứ con rô là có tinh tức, tinh dui hay buồng còn tì con gì đi theo. Con bích là cầm chắc trong tay chiệng rắc rối buồng phiềng. Con chuồng là tiềng mới dô hay sắp dô. Cứ nói sắp dô cho bà con sướng. Họ có nói dô rồi thì nói nó còn lấp ló ngoài cửa, chờ dô nữa. Còn con cơ thì do chữ Tây mà ra, là con tim, là có chiệng yêu đương tình cảm gì đây.

Rồi ông cười khà khà :

– Bói cho ai, tao cứ trông mặc mà bắc hình dong, mừ lần chắc mẫm hết chính. Hồi đó trong đàng, ngay cả ông bà bầu cũng tinh goẻ tao bói. Mẹ, cái thời dàng son thiệc !

Nhờ ông truyền cái “thời-dàng-son” đó, chị cũng đủ nuôi con qua ngày. Nhưng chẳng bao lâu thì công an lại cấm, bảo gieo rắc mê tín dị đoan, nếu còn tiếp tục sẽ bắt đi cải tạo, cạo rửa cho sạch cái đầu u mê nhớp nhúa đi. Chị đành gởi thằng bé nhờ bà ngoại trông nom, lên Sài gòn đất rộng mênh mông không ai kiểm soát xuể thì hy vọng có thể sống bằng nghề này được…

Chị quỳ xuống trước mặt Lữ Bố. Bàn tay mặt cầm ly rượu với ngón út cong lên như cánh ngọc lan. Tay từ từ nâng ly rượu lên khỏi đầu một chút – cánh tay không được thẳng, phải giữ dáng điệu cái gì cũng cong cong, thật mềm mại, thật đàn bà, thật ỡm ờ, thật gợi cảm, thật quyến rũ và thật đài các. Tay trái theo câu hát vẽ thành nửa vòng tròn, từ dưới đưa lên rồi dừng lại kề bàn tay mặt, trong tư thế dâng rượu bằng cả hai tay, trang trọng, phục tùng. Ðôi mắt mà cách hoá trang làm cho thêm to, thêm xếch, thêm tình tứ đẩy đưa thì liếc xéo Lữ Bố, vừa lẳng lơ, vừa âu yếm, vừa ra vẻ e ấp thẹn thùng.

Bao nhiêu tuồng đã diễn rồi, bao nhiêu vai tiểu thư công chúa đã thủ rồi, nhưng chỉ có màn này, màn Lữ Bố Hí Ðiêu Thuyền, là chị ăn ý nhất. Chị đóng vai đó nổi bật, tuyệt vời, cực kỳ thành công mãn nguyện. Chị sống trong Ðiêu Thuyền và là Ðiêu Thuyền, để chuốc rượu nồng cho Lữ Bố. Chị cũng thích tiểu thư Mỵ Nương, ẻo lả trong căn bịnh tương tư để khi gặp Trương Chi thì vỡ mộng, truyền bịnh lại cho chàng chèo đò khốn khổ ấy. Chị cũng thích công chúa Mỵ Châu, trong đêm thướt tha chạy với cái áo choàng trắng trong suốt tơ trời, với mái tóc xổ tung, khi gặp vua cha  nũng nịu dỗi “Con tìm phụ vương đi nơi nơi. Vì sao cha yêu trán hoen sầu ? Phải chăng vì thành xây không…”. Ô, không mê lắm. Ðã rứt hết lông ngỗng chiếc  áo ngự hàn để đánh dấu đường đi, nhưng Trọng Thủy tìm không ra, vì chị không gặp… Không gặp anh ấy  đâu cả, trừ ở Lữ Bố Hí Ðiêu Thuyền…

Người đi đường bắt đầu để ý. Họ dìu chị vào ngồi dưới bóng râm nói với nhau :

– Tội nghiệp, bây giờ sao lắm người quẫn trí quá !

Chị gật đầu, đưa tay sờ soạng vừa tìm vừa hỏi :

– Bà coi chuyện gì ?

Người ta nhìn nhau ái ngại. Nhớ rồi, cặp vợ chồng ấy sang trọng, anh chồng ít nói. Khi quẻ bài lật ra, chị nhìn họ chăm chăm chẳng biết nói gì. Vì nó lạ quá. Ai tới bói bài cũng với một ước mơ giản dị là đi xa, coi cho biết tới nơi tới chốn bình yên không. Cơn sốt đi. Ai cũng muốn, ai cũng liều, cầm bằng đánh cá mạng người. Nhiều người cũng vì đi mà sạt nghiệp trắng tay. Nhiều người cũng vì đi mà gia đình tan nát. Nhiều người cũng vì đi mà làm mồi cho cá biển. Nhiều người cũng vì đi mà đem thân nô lệ xứ người… Rồi họ lọc lừa gạt gẫm nhau, tán tận. Ban đầu gạt người dưng, rồi tới gạt người quen và cuối cùng gạt người thân. Ai vẫn thường nói Việt Nam ta không có thói quen đi xa, không bao giờ muốn rời khỏi lũy tre làng ?

Nhưng cặp này không coi để đi xa. Chung quanh anh có rất nhiều bè bạn, nhưng lúc nào lật ra cũng có con xì bích. Con bích là cầm chắc trong tay chiệng rắc rối buồng phiềng. Chị nói :

– Hôm nay bài không lên. Thôi mời ông bà bữa khác trở lại.

Người ta lại nhìn nhau, lại bàn tán không biết có nên đưa chị đi nhà thương không. Vài người lắc đầu vẻ thương hại, bỏ đi. Cặp vợ chồng sang trọng ấy cũng bỏ đi. Họ vừa tới cửa, không biết cái gì xui giục, chị bỗng dưng cất giọng :

– Ðờn kêu tích tịch tình tang, Ai đem công chúa lên thang mà dìa !

Lạ ! Chị giật mình vì cái ngân nga của chính giọng mình. Vậy mà bao lâu nay cất tiếng không lên ! Hai vợ chồng kia cùng quay lại. Rồi chị theo họ, ông bà bầu gánh hát lớn ở Sài gòn. Và từ đó, chị sống đổi đời, không thấp thỏm nay căn gác này mai căn gác nọ trốn công an vì tội gieo rắc mê tín dị đoan nữa.

Chị tập dượt chăm chỉ, hết lòng. Buổi trình diễn đầu tiên run lập cập từ đầu đến chân bởi chỉ quen bầu không khí thoáng giữa trời  sân đình sân miễu, với tiếng ồn ào la ó con nít. Bây giờ sân khấu thênh thang kín bưng và khán giả im phắc, nghiêm chỉnh đợi chờ. Khi tấm màn nhung đỏ sẫm trịnh trọng kéo lên, chị khép nhẹ mi, tự nhủ thầm không thể lùi lại phía sau. Trước mặt không phải nét mặt thuần hậu lo âu của bà mẹ tiểu thư Mỵ Nương, mà là khuôn mặt võ vàng mẹ già chờ từng ngày đồng bạc chị gởi về.

My Nương uyển chuyển như sương khói, hờ hững trễ tràng như mây trời, mềm mại tươi thắm như nụ hoa vừa nở, ẻo lả thướt tha trong chiếc áo lụa xanh đến ngồi ở cửa sổ chờ nghe tiếng hát Trương Chi. Cô gái hầu sửa lại cái trâm trên tóc nàng và quạt nhẹ – nhẹ tới nỗi cứ như thể nếu quạt mạnh hơn sẽ làm bay mất My Nương. Mi nàng hơi sụp xuống, che dấu ánh mắt u buồn như đêm đông. Tay nàng mềm nhũn nuột nà như  bún, e ấp ôm lấy vai như thể muốn níu giữ chính mình. Rồi mông lung nhìn qua cửa sổ là đám đông khán giả, nàng cất tiếng than não nùng, day dắc buồn và truyền cảm đến rợn người… Nếu quả thật nỗi buồn là vẻ đẹp sang cả nhất mà hoá công chỉ dành riêng cho đàn bà, thì rõ ràng mối u tình của My Nương đã được bộc lộ một cách cực kỳ quý phái, làm não lòng người. Tiếng vỗ tay vang lên sấm nổ. Và từ đó, tai chị quen với lời ca tụng. Từ đó, mắt  quen nhìn tên mình viết trên áp phích nhan nhản khắp đường.

Ông bầu vẫn ít nói. Nếu có dịp mở miệng thì luôn luôn kèm theo  câu “thà chết trẻ hơn sống già vô ích”. Và anh có biệt danh ông “thà chết trẻ”. Ngoài lúc đóng tuồng, anh có cuộc sống khép kín hoàn toàn. Vãn hát là cùng vợ ra về ngay, có khi vội vã còn cả son phấn hoá trang. Với chị, anh giữ khoảng cách đúng mực giữa đàn ông đàn bà, giữa nữ diễn viên và ông chủ. Gặp nhau anh chỉ mỉm cười, chào thật ngắn rồi thôi, như thể họ chưa bao giờ quen nhau, chưa bao giờ chị là Ðiêu Thuyền ngồi trên đùi anh là Lữ Bố. Bà chủ bầu thì lúc nào cũng bặt thiệp, duyên dáng và tốt bụng với tất cả mọi người. Bà quán xuyến hết mọi việc, từ việc trả lương cho diễn viên, người làm, tới việc ra hầu toà như có lần anh hề làm reo đòi tăng lương không thì nghỉ. Bà thản nhiên thay thế màn hề bằng màn tân nhạc. Anh hề mất việc khơi khơi, kiện. Ra toà, bà bầu bình tĩnh nền nã đoan trang mệnh phụ, nhìn thẳng vào ông chánh án, mỉm cười :

– Tôi phận đàn bà mà nếu không cứng rắn thì mạnh ai nấy làm reo, làm sao tôi điều khiển nổi gánh hát cả ba bốn chục người ?

Nhưng rồi một lần, chỉ một lần thôi mà sẽ đánh dấu trong em trọn đời. Lữ Bố đưa quạt che cho quan Tư Ðồ không thấy là chàng đang âu yếm hôn Ðiêu Thuyền. Mặt anh kề sát mặt em, mắt anh mỉm cười. Em hoảng hốt tự hỏi làm sao có thể gần nhau đến vậy. Và tâm hồn em dãn ra, cái kỳ diệu ấy thấm lịm vào người. Em nhắm mắt lại, giữ hoài hình ảnh đôi mắt anh cười thật sát bên em. Mắt anh nói quá chừng làm em bối rối không hiểu hết thứ ngôn ngữ riêng tư của nó – một thứ ngôn ngữ kín đáo, đằm thắm, nồng nàn. Nó reo vui trong mắt anh làm em nín thở, chìm đắm nỗi u mê ngan ngát tuyệt vời . Anh gần em quá, gần em quá chừng. Không gì có thể gần hơn như vậy nữa. Nó vừa khiến em sợ, vừa làm em hân hoan vô tả. Môt mùi hạnh phúc tinh thuần làm em nao lòng. Hình như trái đất ngừng quay, sao em choáng váng. Hình như vũ trụ ngừng thở, nên em như chết ngộp. Lúc đó em quên hết đất trời. Em cũng quên mất hình ảnh mẹ tiều tụy vừa nhóm lửa vừa trông chừng thằng cháu ngoại lê lết dưới sàn. Em cũng quên mất là nó không bao giờ bước đi được với đôi chân tàn tật…

– Lại làm bộ điệu như đang đóng tuồng. Bà con có nghe cổ hát gì không ? Sao cổ nói thì ra tiếng mà hát thì lại không ra ? Nè cô, cô muốn nói cái gì ?

Em muốn nói cái gì ? Về chuyện gì kia ? Về cái đêm kinh hoàng  tài xế anh hớt hải trở lại rạp, báo tin cho cả đoàn biết là anh vừa bị công an bắn hạ ? Họ nói khám phá trong nhà anh chị có vũ khí và truyền đơn chống chính quyền. Chống chính quyền ! Anh ơi, nghe ghê gớm quá. Anh có làm chuyện đó thật sao ? Nhưng anh chống cự làm gì cho họ bắn anh tức tưởi  vậy chớ ?

– Nè cô, nhà cô ở đâu để tui đưa cô về giùm ?

A, nhớ ra rồi. Nhà chị ở rạp hát. Nhưng ngay cái đêm hãi hùng ấy thì mọi thứ đều bị niêm phong. Bà chủ vào tù. Thế là mảnh đời riêng tư của họ đã gắn liền với số phận chung của bao sinh mạng. Ðoàn hát tan rã, mỗi người một nơi, nín thở, nghe ngóng. Ðám tang của ông bầu bị cấm tổ chức rình rang, nhưng mấy ông bà nghệ sĩ mà, cứ họ chường mặt ra đường là cả khối người mê hát đi theo. Thành ra thiên hạ vì lòng ái mộ tò mò đi theo người chết đã đông, đi xem người sống còn đông hơn nữa. Nhiều kẻ sụt sùi. Xe tang nhích từng bước. Nhiều con đường tắc nghẽn. Nhân đám tang này, người ta xầm xì bàn tán về cái chết nữ nghệ sĩ Thanh Nga trước đó không lâu.

Rồi bà bầu đoàn khác mời chị, đầu tiên là Lữ Bố Hí Ðiêu Thuyền. Cũng hay, đời chị lúc nào cũng có người mời đóng tuồng. Hai tay nâng ly rượu ngang mày, giọng chị thánh thót ngân nga :

– Trước kính dâng một chén tửu hoàng, xin miễn chấp phận hèn bồ liễu…

Chữ “trước kính” chị lên thật cao, sau đó giọng xuống dần và tới chữ “hoàng” thì phải xuống thật thấp. Chữ “chấp” chị lại lên thật cao để chữ “hèn bồ” xuống thấp rồi giọng lại rướn cao lên ở chữ “liễu” với giọng rung rung kéo dài vô tận.

Nhưng còn tệ hơn mấy hôm dượt thử với anh kép đoàn này, bởi dù với tất cả điêu luyện hồi giờ, giọng chị vẫn không thoát ra khỏi cổ. Chị chỉ nghe loáng thoáng vài tiếng đứt quãng. Lữ Bố và Quan Tư Ðồ đều trợn mắt nhìn, che quạt nhíu mày bảo hát to lên. Chị lại hát, vận hết sức mình. Họ lại nhăn mặt. Một tiếng huýt sáo. Rồi nhiều tiếng huýt sáo vang lên từ phía khán giả. Tấm màn nhung bàng hoàng hạ xuống. Tiếng la nho nhỏ, tiếng chân chạy tới kéo chị dậy. Chỉ còn  là cái xác, chị ngẩn ngơ không hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Bởi vì anh ơi, người Lữ Bố mới đó không phải là anh. Có cái gì trong em chối từ những ve vuốt ấy. Ðôi mắt anh ta cũng nhìn sát bên em nhưng không cười, nó câm nín, vô hồn, em không nghe lời nào và em dửng dưng không cảm xúc.

Nhưng em đâu biết mình đón nhận cái nhìn đó nơi anh lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng ? Vãn tuồng, trong khi anh ra về vội vã hơn mọi ngày thì em vẫn ngồi uể oải bên cánh gà, nhìn mông lung xuống rạp vắng teo. Từng hàng lưng ghế chẳng khác những tấm bia mộ lạnh lẽo chạy dài, chạy dài ra mãi. Rạp hát thênh thang buồn như nghĩa trang. Em ngồi đó, lặng lẽ nâng niu ánh mắt cười của anh, nó mới mẻ quá làm em vẫn còn choáng váng, nó thân ái quá làm em lịm người, nó đẹp quá làm em sững sờ. Và anh ơi, nó là của anh dành cho em, cho riêng em thôi!

Chợt một nỗi phiền muộn không tên, một nỗi bồn chồn vô cớ, một cảm giác hụt hẫng ngột ngạt xen lẫn với niềm hạnh phúc đứt quãng xâm chiếm em. Em vẫn còn trong bộ áo Ðiêu Thuyền. Rồi em nghe cái tin khủng khiếp ấy. Vậy em là Ðiêu Thuyền nhận hạnh phúc và bất hạnh từ anh. Ðầu óc em ráo hoảnh, đặc cứng trước hung tin đó. Em không tin vào tai mình, em không tin chú tài xế của anh, em không tin ai cả, nhưng em biết là anh thực sự xa em nghìn trùng. Những quẻ bài sau này bói một mình cho anh, nghĩ tới anh, em thấy có chiếc quan tài… Vậy mà trong đầu óc chằng chịt buồn phiền, chưa bao giờ em  nghĩ rằng ngày nào đó, trên cõi đời này lại không còn có anh, và như vậy thì cũng không còn có em nữa – bởi vì làm sao người ta sống mà không có tình yêu tiếp sức ? Thà chết trẻ…

Thiên hạ rầm rập chạy tới bên em. Có người la lên giựt tóc mai cho cổ tỉnh. Ba, chạy đi lấy cho chị hộp cù là. Họ muốn lột quần áo em ra, em ráng thều thào đừng… đừng… để Ðiêu … Ơ thì Ðiêu Thiềng điêu bè gì cũng được, mà cũng phải cởi bớt ra ở cổ cho dễ thở chớ, hổng thấy đang xỉu hay sao. Em muốn gượng ngồi dậy, muốn nói là em đâu có xỉu. Việc gì mà xỉu ? Chỉ tại trên tóc Ðiêu Thuyền đủ thứ trâm cài lược dắt làm đầu em nặng quá chao đi, chao đi… Anh ơi, đầu em nặng quá, nặng quá, em không chịu nổi sức nặng… không chịu nổi…

Không biết sau khi mắc kế liên hoàn của quan Tư Ðồ, cuộc đời Lữ Bố ra sao. Còn anh thì đã bỏ em rồi, bỏ em mãi mãi. Anh thật xa, thật xa, xa em quá chừng – nhưng ánh mắt anh ở lại, vẫn còn đó, vẫn theo em ngọt ngào. Nó sẽ theo em hoài hoài, khi em cười hay khi em khóc, trên sân khấu đời cũng như sân khấu tuồng. Ôi kỳ diệu thay là cái cười của mắt !

Bây giờ thì ngồi sát lại em thêm chút nữa đi anh, và nhìn em, và cười với em nữa đi… Ðó, như vậy, để em dâng cho Lữ Bố của em một ly rượu nồng. Ðây, uống đi anh, uống cho hạnh phúc ngắn ngủi của em, uống cho nỗi buồn trầm mặc của em. Và uống đi anh, cho giọt yêu đương hiếm muộn tựa giọt cam lồ nuôi em bớt khổ ải nhọc nhằn với cuộc đời còn lại…

Người tò mò đứng xem càng lúc càng đông. Xe hơi cũng dừng lại làm giao thông bị nghẽn một khúc đường. Chị mỉm cười nhìn mọi người – nụ cười của một Ðiêu Thuyền sắc nước hương trời. Và chị qùy xuống, tay phải làm như cầm ly rượu, với ngón út cong lên như cánh ngọc lan, tay trái vẽ nửa vòng tròn từ dưới đưa lên rồi tựa kề tay mặt. Mắt lim dim mơ màng liếc xéo đưa tình, chị cất tiếng – và lạ chưa, người ta nghe giọng chị ngân nga lảnh lót, truyền cảm đến rợn người :

– Trước kính dâng một chén tửu hoàng, xin miễn chấp phận hèn bồ liễu…

Bỗng người đứng xem kêu lên :

– Trời ơi Ðiêu Thuyền chớ ai ! Nữ nghệ sĩ Diệu Lan chớ ai !

Vài người ứa nước mắt :

– Trời cao đất dày ơi, sao cổ lại nên nông nỗi này trời ?

Và không hẹn, mọi người đồng thanh kêu lên :

– Ðiêu Thuyền ! Ðiêu Thuyền !

Chị nhìn lên ngơ ngác, thức dậy sau một cơn mơ. Nắng Sài gòn chang chang tháng sáu bỗng tối sầm lại, vài giọt thánh thót rơi, ban đầu còn ngập ngừng rồi bỗng túa ào ra. Nhưng không phải trời mưa. Mà là Ðiêu Thuyền bật khóc.

Paris, Juillet 1994

Nguồn: //http/amvc.fr  hay //http/amvc.free.

Comments are closed.