Sự sơ hở của thế giới (Trường ca)

Nguyễn Thanh Hiện

I

vào những lúc lũ côn trùng ngoài bờ rào nhà tôi xướng lên, đêm mở ra khoảnh khắc kỳ diệu, ở đó, các vị thần cổ đại có thể tìm thấy lại chỗ đứng xưa cũ của mình, những người hát rong chết những nghìn năm trước có thể cảm thấy yên lòng, và trong cuộc hành trình đi tìm cái có thể tôi và em có thể dừng chân chốc lát để thử lắng nghe ở cuối buổi đoạn trường có ai nói gì không

II

và tận cõi mờ xa ký ức bầy đàn có cái gì đấy như sự lỡ tay của con người, miết lên vầng trán quá khứ màu tro than như thể nỗi cuồng nhiệt mù lòa, từ đấy là những xuẩn động, chết chóc, điêu linh, cũng có xen vào đó niềm vui, nhưng quá ít, về sau, hết thảy những thứ ấy người ta nói là khởi lên từ những xu hướng, ý hướng, ý hệ…cứ sợ, rồi ra, trong cuộc tan rã bầy đàn tôi không còn được gặp em

III

cho tới tận bây giờ cho tới tiếng gà trong thôn cũng thấm đẫm nỗi thống khổ nhân gian, ông nói, vẫn cái cách nhìn thế giới rất riêng của ông, không hề bi quan, chỉ là cái cách làm sao để nói cho hết những nghĩ ngợi, thứ nghĩ ngợi cứ giống cơn đại hồng thủy quét qua mặt đất, một là, ta không đủ khả năng để viết ra những thứ đó, chỉ là cuộc sống tù đọng lâu ngày thành chữ, và hai là, sách chẳng phải sự thật, anh phải bước qua xác nó mới nhìn thấy sự thật, ông nói về cuốn sách ông đã tặng tôi, ông cụ, kẻ duy nhất trong làng viết được sách, ta có cố lắng nghe nhưng nhạt nhẽo và giả dối làm sao những lời bọn họ nói ra, ông nói về đám quan quân đương thời, cuộc chuyện trò của chúng tôi cứ giống như một cuộc tẩy rửa nỗi buồn, lúc chiều, khi làng hoàn tất lễ cúng thanh minh, lễ cầu hồn cho những vong hồn không ai thờ phụng, ông cụ căn dặn tôi thế nào tối cũng lại nhà ông để trò chuyện, và tôi đã sang, chẳng có vẻ trăn trối chút nào, dẫu chỉ sau đó mấy hôm ông cụ vĩnh viễn ra đi, ta đã gõ cửa đương đại quá nhiều lần và thấy hoang dã làm sao, chỉ rặt những cơn gió chướng, lẽ ra phải là những ngọn gió trong lành, thời con người thắng được tự nhiên nhưng không thắng nổi mình, thực ra, những điều ông nói với tôi đêm hôm đó cũng là những điều đã quá nhiều lần ông nói với người làng tôi, “Bản tường trình ngắn gọn về cuộc đời một người”, tên cuốn sách ông tặng tôi, hết thảy những gì ông nói với người làng tôi thì ông đã viết thành sách, không ngắn gọn chút nào, bỡi đấy là ông thay cho con người đương đại để nói về mình, cái rủi ro của thời nay là có quá nhiều kẻ chẳng ra gì cầm đầu bầy đàn loài người, cứ cho là sự rủi ro của nền văn minh đương đại, nhưng làm thế nào những sai lầm như thế vẫn cứ còn chỗ đứng trong nền văn minh hiện đại, cứ mỗi lần có cuộc chọn người cầm đầu bầy đàn ở đâu đó là cả thế giới lại làm ầm lên, những chào đón, những ca ngợi, những chia xẻ, nhưng làm thế nào sau đó lại có thể là một kẻ đứng đầu bầy đàn ngu dốt hay bạo ngược, những hệ lụy của những thứ như thế có thể là những xáo trộn cơm áo của cả thế giới, hoặc nguy nan hơn, là những cuộc chém giết lan ra khắp nơi, ông cụ đã viết trong sách, nhưng cái đêm tháng ba hôm ấy thì buồn bã làm sao, lũ dế ra rả ngoài bờ rào nhà ông cụ, và tôi chỉ ngồi lắng nghe ông nói, có lẽ cái giọng buồn chết người của ông khi đọc văn tế cô hồn trong lễ cúng thanh minh lúc chiều vần còn ám ảnh tôi, trong nhà ông, vợ và con cháu ông đều bị chiến tranh và bệnh tật cướp mất cả, ông cụ cứ giống như một cái cây còn sót lại sau những dông bão, ta đã sống quá nhiều năm tháng, khi con người ta sống quá lâu thì sinh nản lòng, ông thường nói với người làng tôi thế, hôm ông cụ mất hết thảy người làng tôi đều khóc, người làng đã cày giúp ông khoảnh ruộng để ông có gạo nấu, và ông là nguồn an ủi của mọi người, làm sao chúng ta lại không biết tính toán vậy nhỉ, số thóc còn trong bồ lẫm nhà tôi đủ cho tôi nấu cơm ăn vài ba tháng nếu đem nấu cháo thì cả làng ta cũng ăn được vài ba tháng, ông cụ đã làm một bài toán như thế vào cái năm trời hạn đồng làng tôi mất trắng, ông đã đi nói cho người làng tôi biết cái thế giới chúng tôi đang sống trong đó là gòm có những gì: sự thống khổ thì nhiều hơn niềm vui, và nơi đâu cũng thế, người làng mỗi người một nắm đất vun lên nơi an nghỉ cuối cùng của một con người cho đến lúc chết chúng tôi vẫn cứ cho là nguồn an ủi của chúng tôi: ông chết mà nhìn gương mặt vẫn tươi vui như lúc còn sống, nhưng rồi mọi người đều có vẻ hoảng hốt rỉ tai nhau rằng ai cũng nghe thấy tiếng ông cụ khóc từ dưới mộ, chỉ có tôi là nghĩ khác, chỉ vì ông cụ đã trích dẫn cho chúng tôi nghe quá nhiều tiếng khóc trong quá khứ đấy thôi

IV

rồi cứ thế, cứ giả vờ vui sướng giữa cuộc sống già cỗi, nhọc nhằn, đêm, ngồi dưới bầu trời sao tưởng tượng ra cái thế giới non trẻ, có ai đó gõ cửa nhà ai đó rủ rê đi xem trăng lên, và ở chốn biên thùy nghe thấy có bụi và tiếng nhạc ngựa, khách viễn du đương hát, đường dài…đường dài…không phải đâu, dường có kẻ đang đi tìm cuộc tình thất lạc

V

tôi không thể cắt nghĩa làm sao mỗi khi có ngọn gió bấc thổi về thì lũ chim nơi khu rừng phía nam làng tôi đổi giọng
trầm

đục

và trong tiếng hót như có những hòn sỏi
mùa đông năm nay đã qua lâu
nhưng có người đi ngựa vào làng tôi hỏi có nhìn thấy những người đi chân đất đầu trần ngang qua đây hay không

nhìn con ngựa nòi phương bắc biết là người ở xứ lạnh đến

tôi nói là không nhìn thấy bỡi chuyện hệ trọng thế thì không đời nào quên

rồi lại có người đi chân đất vào làng tôi hỏi có nhìn thấy những người đầu trần đi chân đất ngang qua đây hay không

nhìn nét mặt biết là người không cùng quê với người đi ngựa

tôi nói là chưa nhìn thấy những người như thế ngang qua làng tôi

tôi không thể cắt nghĩa làm sao mùa đông năm nay đã qua lâu nhưng nhiều xứ sở trên mặt đất lại có vẻ bất yên như thế

VI

tháng chạp cường điệu lên thành khúc cuối, thời gian cứ bày ra cho con người những điệu thức, có khi như lời ru buồn, có kẻ ra đi tự hôm chưa treo lên tờ lịch mới, tháng giêng chưa tới, lũ chim chưa nghĩ ra được cách hót khác trước, thời gian cứ như một thứ câu đố treo giữa những nghĩ ngợi của con người, tháng chạp có kẻ chưa biết nơi nào để đến

VII

cho đến lúc người cuối cùng bước ra khỏi cuộc đùa nghịch, mặt đất vẫn còn ngổn ngang những lời, những tiếng, những trục trặc trong cách đi đứng ngủ nghỉ, còn đầy những hính thù của ảo ảnh, người ta vẫn gọi cuộc vận hành của thế giới con người là cuộc đùa nghịch với số phận, một cuộc chơi dai dẳng như không hề muốn kết thúc, hệ lụy của những cuộc thể nghiệm ý hệ là những kẻ sầu muộn lang thang giữa vòng bất luận của tri thức, em đi, đời ta cũng hết, những bài hát rong đầy tính khí của những người điên, hệ lụy của những cuộc thi thố vẻ đẹp của áo quần là cảnh quạnh hiu của những miền nhân gian con người vừa mới vùng vẫy thoát khỏi cảnh mông muội, tôi cứ mường tượng ngày kết thúc cuộc đùa nghịch của thế giới

VIII

và có ai đó run sợ bước qua chiều dài lịch sử
thế giới rộng lớn thế nhưng có vẻ không còn chỗ để bước
nó là gì nhỉ
sáng sớm mai hay hoàng hôn của những triều đại

thứ nhịp điệu cứ tưởng được làm ra từ minh triết

nhưng không phải
sự lầm lẫn của con người cứ giống như cách ra hoa kết trái của những loài thảo mộc hoang dã

IX

tháng giêng, lũ chim cu thôi gù tình đi tìm đường lương thảo, chúng bay đến những nơi thật xa, và lại hiện về trong tâm trí tôi, không phải hình ảnh một bông hoa mùa xuân, đêm tháng giêng tôi và em đứng nơi đồng làng, mùi thơm của lúa, và những ngọn đèn cứ sáng lên một cách điềm tĩnh ở trong làng, và những bài ca không tài nào hiểu được của lũ côn trùng nơi các bờ mẫu, cái cảnh như đương khoác lên những người trong cuộc một chút huyền nhiệm của tháng năm, tôi và em không nói về tình yêu của chúng ta, mà nói về thế giới tôi và em đương sống, những hình thù của tư duy, của cơm áo, những chữ nghĩa con người dùng để viết về những cuộc tình và để phác thảo về sự kết cuộc của thế giới, những ký ức như thế đối với cuộc đời một người như thể cuộc tuần hoàn hơi thở, tháng giêng, cứ thấy như em đứng ở đâu đó vẫy gọi tôi

X

bỗng nhòa đi nét vẻ nguyên sơ, chữ nghĩa, nó vốn là ký ngọn sóng hồn, những lan tỏa, âm ba, điệu thức, cái bên trong, thuần hồn, bỗng được sao chép thành những tòa tráng lệ, chữ nghĩa, nó vốn là chuyển thề của vô hình, ngày ấy, con người con vật tư duy đứng lên ở bên trên mọi phù hoa mà hát, vui sướng, và không lường được có ngày con người lại đem chữ nghĩa, cuộc sáng thế của mình, đặt vào những qui phạm khô cằn, cấu trúc luận, rồi giải cấu trúc, rồi ngữ nghĩa học, tín hiệu học, nhiều lắm, chữ nghĩa trở thành những gạch, đá, vôi, vữa cho con người dựng lên những tòa triết học học về chữ, dựng lên những ảo ảnh về hạnh phúc, về tự do, về cơm áo… giữa lúc người ta ồ ạt làm khổ ải chữ nghĩa, tôi chỉ lén viết cho nàng, rằng, tôi sẽ nguyện mãi mãi làm giọt nước đầu mùa để rưới vào nỗi đau khổ trong mắt em

XI

cái cách khoác lên ý đồ lầm than đen tối bằng những mỹ từ là tàn nhẫn, chữ nghĩa vốn là những vật thể hiển linh cưu mang hết thảy hồn cốt hình thù tồn tại, những nghìn năm trước, người đi, hòn sỏi nặng dưới chân, một chiều ít nắng, rừng âm u màu mặt trời buổi cuối ngày, sau cái nhìn có chút hoang mang, tự vấn, rồi cũng bật thốt thành lời, tiếng gọi bầy đàn đấy, về sau người ta chép tiếng gọi ấy vào sách, chữ nghĩa gói trong nó cả một dọc dài tiền sử, nhưng cũng gần đây thôi, chẳng có chuyện sử sách gì ở đây, tôi viết cho người con gái của dáng vẻ vô biên, cũng chữ nghĩa cũ thôi, nhưng là để cho em có thể bước qua khỏi cuộc rình rập của những chủ nghĩa, chủ thuyết, giọng nói của đám người coi thường kẻ khác, cái cảnh chỉ nghe nửa lời nói ra đã nhìn thấy cảnh buồn bã, giả dối, những nghìn năm qua, những giọng nói của đám người ấy vẫn từng lúc cất lên như thể những tai họa, hoan hô những nhà thư pháp và những bức thư tình, bỡi những thứ ấy chỉ làm tăng thêm vẻ đẹp của chữ nghĩa

XII

và rồi người ta luôn tiến về phía trước, trong đó có tôi, gồng gánh theo cơm áo, giày mũ, nghĩ ngợi, ngày nào cũng từng đoàn tiến về phía trước, mệt mỏi, và không mệt mỏi, có khi ngẩng cao đầu đi dưới ánh mặt trời, có khi ánh mặt trời bị che khuất bỡi sự ngu muội của đám người trí tuệ tật nguyền, ngày nào cũng từng đoàn tiến về phía trước, có những cuộc chuyện trò đã chép thành sách vở, lũ chim lũ thú và các loài hoa bỗng có mặt trong văn chương triết học của con người, có những cuộc cãi vả đã biến thành những đám cháy, còn gọi là chiến tranh, cho đến các vị thần trên trời cũng không hiểu nổi vì sao con người lại bỗng chém giết nhau, tất cả những thứ như thế người ta gọi là lịch sử, hóa ra lịch sử là cuộc tường trình, hay cuộc vạch mặt, những gương mặt của con người, ngày nào cũng từng đoàn tiến về phía trước, luôn luôn nghe nói là tiến về phía trước, và có những kẻ cố chường mặt ra để nói về cách sắp đặt lại thế giới, hay cách làm mới thế giới, làm như thể đường đi của mặt trời mặt trăng là quá cũ kỹ không còn đủ gây hứng thú cho tư duy nhân loại, hay tiếng con vạc kêu đêm trên đồng làng không còn là nét vẻ văn hiến của một miền đất nước, hóa ra những tham vọng tham dự vào tiến trình lịch sử thường làm nhàu nát gương mặt nhân gian, và tôi, có lúc không phải chường mặt ra, mà cố dấu nỗi buồn bã, mỗi ngày không nghĩ được chút gì về thế giới tôi vô cùng buồn bã

XIII

tháng giêng thử gõ lên trí nhớ, và ngồi chờ, tôi biết đêm hôm qua em đã loại khỏi nghĩ ngợi những tin tức thất thiệt về sự trở lại của loài chim đã bị tận diệt cùng lượt với lũ khủng long hồi kỷ tam điệp, sự phục sinh rồi sẽ trở lại với tình yêu chúng ta khi tuyết phương bắc bớt rơi và loài cây điên điển mọc nhiều hơn ở miền sinh lầy phương nam và trên các ngọn núi cao trên thế giới tiếp tục vang lên tiếng rền của đất, tín hiệu của sự bất ngờ và hân hoan, và tại các làng mạc xa xôi trên mặt đất hết thảy những em bé vừa chào đời không cất tiếng khóc, mà hết thảy đều cất tiếng nói, hoan hô sự phục sinh tình yêu, và lập tức, hết thảy lũ chim trên các khu rừng đem những giọng nói thành thật của lũ trẻ sơ sinh phổ thành những khúc hát của chim, tháng giêng tôi lại để cho trí tưởng tượng của mình lạc vào chỗ bắt đầu của thế giới, không phải đâu, đêm hôm qua tôi đã nhìn thấy trong tận cùng trí nhớ của mình có loài chim ăn đêm từng xuất hiện trong thi ca của tôi hổ trợ tôi, giữa những ngổn ngang của chữ, em đang tập đánh vần để có thể nói ra những lời thành thật của đám trẻ sơ sinh nơi các làng mạc xa xôi: hoan hô sự phục sinh tình yêu

XIV

và cuộc sống cứ trở nên u ám khi quyền lực tỏa bóng xuống tiếng chó sủa khuya có kẻ bỏ đất chôn nhau cắt rốn ra đi trong niềm kinh hãi, quyền lực, cái bóng của nghìn năm cổ độ, cố kết, và âm ỉ sắt máu, như cánh diều bay trong gió, kẻ quyền lực là kẻ chơi diều, cứ đăm mắt vào nơi chốn chỉ còn như dấu chấm nhỏ trên nền trời, hãy thử tưởng tượng đi, tiếng tù và của người tù trưởng đầu tiên cất lên nơi bộ tộc đầu tiên, tiền thân của quyền lực vốn chỉ là tiếng hú gọi nhau, niềm xúc động, lớn lao và trang trọng, bỡi không có nó không được, tiếng hú gọi ấy cất lên giữa mù tăm sử lịch như thể tín hiệu sinh tử của cuộc sinh tồn, vậy mà, nó, thứ tiếng hú gọi thiêng liêng ấy về sau lại biến hóa thành nỗi ám ảnh sợ hãi của nhân gian

XV

rồi tất cả sẽ trở thành cổ tích, ông vua quyền lực có thể sẽ trở thành nhân vật buồn bã trong vở diễn sân khấu của một tác giả nào đó như một thứ cáo trạng bi thảm về phẩm cách con người, những đám mây bệnh hoạn vẫn cứ vần vũ trên khu rừng xanh tươi mặc sự xua đuổi của chim muông, rồi một chiều buồn bã, tứ đó bước ra ông khách không nhà, thật ra bài hát ông hát là khúc u ca về cuộc đời tội lỗi của một ông vua tội lỗi, rồi có thể, về sau, một tác giả nào đó lại đem những con chó thêm vào vở diễn của người tiền bối cho phù hợp với tuồng ảo hóa nhân sinh, chính là việc ngày ngày lũ ngươi chỏ mòm vào cuộc đời ta mà sủa đã làm ta hiểu ra bấy lâu ta chỉ một mình ngồi đây và chẳng ai tuân phục ta, ông vua nói với lũ chó, và rời bỏ ngôi vua, không phải đâu, trí tưởng tượng của tôi đã lung lạc tôi

XVI

tôi lại dựng ngọn bút lên, và viết về cái cuộc sống như thể toàn thể sự nhớ nhung đều có ở trong nó, tôi nhớ những con chữ, một nửa có, nguyên vẹn có, những con chữ tôi đã đem ném vào cuộc sống, có những thứ quay lại chào hỏi tôi, thân ái, có những thứ quay lại chất vấn, hay nguyền rủa tôi, toàn bộ chúng là đóng thế cho, hay ghi lại, hình dạng thứ vật thể hiển linh bỗng một hôm con người nhận biết là mình đang sở hữu, thứ vật thể mà mãi thật lâu sau khi hiện hữu con người mới biết cách sắp đặt chúng lại thành những lâu đài tráng lệ, ngôn ngữ là những lâu đài tráng lệ của hữu thể, người đi bằng bặc bỗng một hôm nói ra được nỗi nhớ nhung bằng lời, lan vào hiện tồn thành vẻ đẹp, văn chương là những vẻ đẹp bất tận của hữu thể, em về, hoa bướm về theo, tôi đã dựng ngọn bút lên, nhưng tả không hết, rồi khói bụi ngút trời, những dị dạng của dục vọng, rồi những cuộc chiến chống những dị dạng của dục vọng, con người bắt đầu ngã xuống, lầm than, tôi đã dựng ngọn bút lên, nhưng tả không nổi, bỡi cao cả ngút trời nhưng hèn hạ cũng ngút trời, bao nhiêu lần tôi bất lực thả ngọn bút xuống, nằm dài xuống bên dưới thứ thế sự đen ngòm, rồi lại ngồi dậy, dựng ngọn bút lên, bỡi có con chim đến nói với tôi là nó có thể kể cho tôi nghe về những bí mật của loài giống chúng, cuộc đời tôi với những con chữ cứ giống cuộc trùng phùng ngẫu nhĩ, tôi cứ thấy nhớ những đêm không ngủ, những con chữ, chúng hành hạ tôi, hay tôi hành hạ chúng, tôi cũng không biết nữa, tôi viết, và chúng, có lúc để tôi yên, có lúc bảo tôi phải thế này, có lúc bảo tôi phải thế kia, ai hành hạ ai không còn quan trọng, bỡi những chuyện như thế là đã xảy ra, chuyện giữa tôi và ngôn ngữ viết, trong tận cùng ký ức tôi vẫn còn nhớ những con chữ tôi viết về những con người bị số phận đun đẩy qua những bến bờ lịch sử, từng đoàn cúi mặt đi trong niềm căm tức, a, lũ hèn hạ đã làm dập nát hết bàn chân đồng loại, vào một hôm nào đó tôi đã nghe thấy lời hô hoán của ai đó vọng lại từ một quãng lịch sử nào đó trong quá khứ

XVII

có nhà thơ nói có con sông từ trên trời đổ xuống, nhưng chưa có ai nói có con sông chảy ngược lên trời, con sông vắt ngang qua lịch sử nhân loại, chảy mãi, và khô cạn, thành máu.

XVIII

tôi đi dọc theo những năm tháng có những người lớn, không phải kể cho tôi nghe, mà nói cho nhau nghe, chuyện của đất nước, sau một ngày vất vả ở đồng làng, đêm đến, năm ba người lớn lại tụm lại với cha tôi ở nhà tôi, chuyện máy bay thám thính của người Pháp thực dân đã bắt đầu bay lượn trên đồng làng tôi, chuyện chiến tranh bằng cách nào đã chen vào cuộc sống người làng tôi, tôi nằm ở góc nhà, giả vờ ngủ, nhưng thực ra là để lắng nghe, tôi biết là tôi không thể nào quên vì đó là chuyện của đất nước tôi, bấy giờ với tôi thế giới là toàn bộ những gì tôi nghe được ở những người lớn, bấy giờ những người lớn ở làng tôi có vẻ trí tuệ chỉ có thể hiểu tới những xóm làng ở bốn phía xóm làng tôi, mặt trời chỉ thắp sáng tiếng gà buổi sớm mai, và những đường cày trên đồng làng, nếu có nghe được chuyện gì trên thế giới thì cũng chỉ là những vết nứt trong nghĩ ngợi, chúng ùa vào, và cứ nằm đấy cho đến lúc hiểu ra hay không hiểu ra, hình như bấy giờ cha tôi cũng như những người lớn ở làng tôi chỉ thấy mình ở giữa khoảng mặt trời mọc và mặt trời lặn, thế giới cha tôi nhỏ hẹp thế, nhưng ông lại nghĩ được tới ngày con của con tôi rồi con của con của con tôi có còn bước được trên đồng làng tôi hay không

XIX

làm như thể cứ làm như thế thì thay đổi được lịch sử
cha tôi đi vạt vỏ cây mà ca
ở làng tôi cây mà ca mọc đầy ở các bờ rào
dường mọi người trong làng đều nghĩ như cha tôi

cứ làm như thế thì thay đổi được lịch sử
mẹ tôi đi nấu nước vỏ cây mà ca
đem nấu vỏ cây mà ca sẽ cho ra thứ nước màu nâu
toàn bộ áo quần của cha mẹ anh em tôi đều được đem nhuộm nước vỏ cây mà ca và phủ thêm một lớp nước bùn
dường mọi người trong làng đều nghĩ như cha tôi
áo quần nhuộm nước vỏ cây mà ca phủ thêm nước bùn để ra màu đất là sẽ thay đổi được lịch sử
nhưng không phải thế
máy bay của người Pháp thực dân vẫn nhìn thấy những người làng tôi mặc áo quần màu đất
làng vẫn có người chết vì trúng đạn máy bay của người Pháp thực dân
lịch sử vẫn cứ ở bên ngoài tầm hiểu biết của cha tôi và những người làng tôi

XX

một làng quê nghèo trong một đất nước nhược tiểu cứ giống như một câu chuyện kể không có khúc cuối, nói hoài không hết chuyện buồn, bây giờ thì tôi mới nói được những lời này, còn lúc ấy, toàn bộ những gỉ diễn ra nơi khu vườn nhà tôi và nơi ngôi làng quê nhỏ bé của tôi cũng sầm uất, không hiểu nổi, như cái thế giới đương đại tôi nhìn thấy hôm nay, nói chung, bấy giờ là tôi rất vui, với đứa con trai nhà quê thân thiện là tôi thì bấy giờ cái thế giới xóm làng ấy luôn náo nhiệt trong nghĩ ngợi của mình, chuyện xảy đã quá nhiều năm tháng, nhưng vẫn cứ như còn rất mới trong tâm thức tôi, quá khứ cứ giống giọng nói nghiêm túc dội vào đời sống hằng ngày của tôi, dú dẻ chín vàng trên núi Đất, hòn núi nhỏ như tạo tác lỡ ném vào cạnh làng tôi hồi khai thiên lập địa, tự dưng, giữa làng và đồng làng lại mọc lên một hòn núi nhỏ để cho cây cối mọc lên và chim chóc kéo đến ca hót, mỗi lần đi núi Đất tôi như được nhảy vào cuộc vui sướng, lần này là cuộc vui sướng được thâu tóm hoa trái của trời, tôi bị đám dú dẻ chín mê hoặc đến không hay biết có máy bay thám thính của người Pháp thực dân, đến khi nghe thấy tiếng đạn bay léo xéo trên đầu tôi mới biết là mình bị oanh kích, tôi rạp mình bên gốc dú dẻ, và nghĩ đấy là giây phút cuối cùng trên đời, nhưng cuối cùng tôi không chết, khi không còn nghe thấy tiếng động cơ máy bay, tôi thấy mình còn sống, và ngồi bật dậy, một con chim đã bị trúng đạn nằm chết ở bên tôi, tự dưng tôi thấy muốn khóc, trong lúc chôn con chim tôi lo lắng nghĩ đến cha mẹ anh em tôi ở nhà, và phải chăng, khái niệm về sự tàn nhẫn đã nảy ra trong nghĩ ngợi của đứa trẻ nhà quê thơ ngây là tôi

XXI

thật lâu sau, khi tôi đã vào đại học, khái niệm về sự tàn nhẫn thời tuổi thơ đã phát triển thành đám mây màu tro phủ xuống nhân gian, chỉ là cách nói ẩn dụ, thật ra, sự tàn nhẫn còn lớn hơn rất nhiều đám mây màu tro, cuộc chiến tranh trên đất nước tôi lúc ấy cũng lớn hơn rất nhiều so với cuộc chiến tranh thời tuổi thơ của tôi, lần này, việc oanh kích của máy bay người Mỹ không phải giết chết một con chim như tôi đã nhìn thấy trong trận oanh kích của máy bay người Pháp hồi thơ ấu, mà giết chết rất nhiều con chim và rất nhiều người làng tôi, tôi từ đại học trở về quê thì mọi cái chết ở trong làng đâu đã vào đấy, cả người lẫn đám súc vật đều đã được chôn cất xong yên, cuộc chuyện trò giữa tôi và chú tôi cứ giống như một thứ phác thảo khó khăn cho một thứ sử văn khó khăn, giữa không gian là ngôi nhà vốn đầy đủ các thành viên gia đình, giờ thì chú tôi đi lại một mình như đi giữa giấc mơ, bấy giờ, tôi biết chú tôi muốn nói với thím tôi, chẳng hạn đem trà nước cho tôi, chẳng hạn lo cơm nước cho đứa cháu mới từ trường đại học về, thay vì nói những chuyện ấy chú ấy lại đi nói về cái chết của thím tôi và các em tôi, chú cứ thấy không yên vì đã không chôn cất đầy đủ thịt xương của bà ấy và của đám con của chú, ông nói, tôi cứ mường tượng cảnh chú tôi đi gom lại những mảnh vỡ thân thể của thím tôi và các em tôi, sự tàn nhẫn còn lớn hơn rất nhiều những đám mây màu tro, đêm, tôi quyết định ở lại trò chuyện với chú tôi như để may ra có làm vơi đi chút cay đắng nào nơi chú ấy, cuộc chuyện trò cho đến giữa khuya, thực ra tôi chỉ nghe chú tôi nói, như thể có sự hỗn độn, lạnh ngắt, và phát ra những tiếng kêu cọt kẹt như ai đó đang mở những cánh cửa, trong nghĩ ngợi của tôi… không phải đâu, đó là khi sự nguyên vẹn bị đem ra hành quyết, nó, đất đai ấy, luôn mọc lên ở trên đó những loài cây có quả, để truyền sinh, loài cây nào cũng có quả, rồi chúng ta, con người, dần dà làm cho chúng bớt hoang sơ, những cây cối dần dà mọc có hàng lối, có biên giới, bên trong những đường biên ấy là tiếng con gà con gọi mẹ, tiếng con bê con gọi bầy, tiếng con người cất lên, từng lúc cất lên, vang ra, óng ánh những giọng nói thế kỷ, cái bầy đàn người ấy là những tổ hợp thiêng liêng, nguyên vẹn, bao gòm luôn trong nó những núi non, sông hồ, cây cối, thú vật và những bài tình ca, chú tôi nói, giống như một người bật thốt lên trong cơn mơ, trong lúc tôi phải đương đầu với thứ cảm giác giá buốt, hay là chú tôi vẫn quen với việc diễn giải cho đám học trò của mình nghe, ông đang nói về khái niệm tổ quốc chăng.

XXII

những chuyện cũ làng quê vẫn cứ lung lạc trí nhớ một người sinh ra và lớn lên ở đó hồn cốt thấm đẫm buồn vui là tôi, có một thứ vật thể, cứ gọi là vật thể cho khó lãng quên, đối với cuộc đời tôi, là vô giá, không phải thịt xương tôi, nhưng như thịt xương tôi, cây vông đồng chỗ đầu làng tôi, nó là thứ tín hiệu để cho người ta hiểu ra những lý lẽ, sầm uất, và khôn cùng, đôi lúc bay bổng tận miền duy lý, những lý lẽ bắt nguồn từ nó, cây vông đồng chỗ đầu làng tôi, cứ giống như bài giảng thuyết xuyên suốt những miền, những cảnh, hoa trái nở giữa hoài bão, hay giấc mơ đã thành sự thật, tôi ngồi dưới bóng cây vông đồng chỗ đầu làng tôi lúc đi xa về như ngồi trong vòng tay của nỗi êm đềm của năm tháng, làng quê, nó chỉ là thứ khái niệm, nhưng thiêng liêng và thân thiết, như máu, hay như da thịt những con người sống trong nó,

ngay cái quả khô của cây vông đồng chỗ đầu làng tôi cũng rụng đúng vào giữa tuổi thơ tôi, và cũng rụng đúng vào giữa tuổi thơ của đám trẻ trong làng cùng lứa tôi, những quả vông đồng rụng xuống, và thành chuyện cổ tích, tuổi thơ chúng tôi đã chế ra được những chiếc xe để chở những ước mơ đi trên con đường làng, những chiếc xe có bánh xe làm bằng trái vông đồng, những chuyện cũ làng quê cứ giống như lớp trầm tích, đẹp và thơm mùi đất, lấp lánh trong trí nhớ tôi

XXIII

sự thực tôi không còn nhớ em nằm ở ngăn nào trong trí nhớ tôi, năm tháng cứ làm nhòe đi ký ức một người cứ muốn giữ cho mình hết thảy những gì của quá khứ, những đêm đèn trăng, hay đèn dầu có bấc, những ngọn đèn soi tận cùng nghĩ ngợi của một người, những đêm thức, dài những sợi bông vải, tôi và em ở làng quê ấy là thuộc bầy đàn người tự làm ra vải để mặc, những ngày có mặt trời trên lưng, chói chan bước chân lũ bò, đường cày với cây lúa, tôi và em ở làng quê ấy là thuộc bầy đàn người tự làm ra chén cơm ăn hằng ngày, buổi ấy, đất nước ta còn nghèo, còn kẻ xâm lược, văn minh nhân loại như thứ diễn ngôn còn nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi và em, chúng ta dệt vải, trồng lúa, và ca hát như lũ chim ca hát trên bờ tre làng, chúng ta đang ở trong buổi tiền sử của thời đương đại mà không biết, có thể những nhà chép sử không biết, nhưng tôi và em thì biết, chuyện dệt vải trồng lúa cũng giống như chuyện hằng ngày chúng ta thở, dường bấy giờ cả tôi và em và cả người làng đều nghĩ chúng ta sinh ra là để dệt vải và trồng lúa, nghĩ ngợi của con người có lúc giống như nghĩ ngợi của đứa trẻ thơ, không phải tự dưng giữa buổi nhân loại bước vào cuộc văn minh hiện đại tôi lại đi nhắc lại cái đèn dầu có bấc đốt bằng loại dầu lấy từ hạt đậu phộng, nhưng rõ ràng, trong lúc tôi viết, cái bấc đèn thắp bằng dầu phộng đã soi sáng trong tôi những ngõ ngách của thế giới

XXIV

chính cái bấc đèn thắp bằng dầu phộng hồi những tháng năm gian khó đã giúp tôi nhận ra kẻ đang rình rập cướp đất nước tôi, em, làng quê ta bây giờ vẫn còn nghèo, nhưng nhận thức ai nấy đều rành mạch: dưới gầm trời mùa xuân gió mát hoa nở tôi và anh nắm tay nhau cùng lũ chim cu ca hát suốt ngày đêm nhưng không phải vì thế mà anh tự tiện thả trâu sang ruộng lúa nhà tôi, em, ông cụ Kỉnh làng ta vui vẻ thế nhưng giờ bỗng trở nên u uẩn, ở làng ta, em biết, đêm, lũ côn trùng ở các vườn nhà như muốn giành quyền làm chủ mặt đất, sau ngày làm lụng vất vả, những người trong nhà có muốn trò chuyện cũng chỉ chốc lát, đêm đến, cái tình huống chung của làng là sự lặng lẽ, hay là cái đám côn trùng ấy đã làm cho ông cụ Kỉnh khó chịu, chúng đang coi không có chúng ta đấy, ông cụ Kỉnh nói, tôi chỉ im, chờ thử ông ấy có diễn giải gì thêm hay không, đêm nào tôi cũng sang ông như để thụ giáo cho hết cái kiến thức ông đã thâu tóm được từ cuộc đời trăm ngàn ngõ ngách chánh tà bất phân này, đúng là chúng đang coi không có chúng ta, ông cụ Kỉnh lại nhắc lại, đêm nào tôi cũng sang, và những cuộc chuyện trò giữa hai chúng tôi cứ như những cuộc tìm kiếm khó khăn, tìm kiếm cái gì chúng tôi không biết, nhưng lúc nào cũng thấy như đang lâm vào những lối đi tăm tối, và cái đêm hôm ấy, đêm ông Kỉnh thấy nổi giẫn với lũ côn trùng ngoài vườn rào, thì phải nói không bao giờ còn lập lại trong cuộc đời tôi, tôi quí ông cụ Kỉnh, đúng hơn là cứ sợ mất ông, ông mà mất đi coi như làng tôi mất đi một thứ vô giá, nói thế nào nhỉ, ông là ngọn cờ của làng tôi, ngọn cờ của tri thức, ông cụ sinh ra ông cụ Kỉnh chỉ có mỗi người con trai là ông, nên đã dùng số lúa thóc làm được để nuôi ông cụ Kỉnh học chữ, có thể nói người nhiều chữ nhất trong vùng là ông cụ Kỉnh, cha ông cụ Kỉnh lấy lúa nuôi chữ, rồi ông cụ Kỉnh thì lấy chữ nuôi lại người làng tôi, ở trong làng những người thuộc thế hệ sau ông cụ Kỉnh đều là học trò của ông, tôi cũng là học trò ông, nhưng khi tôi đã có thể ngồi trò chuyện với ông thì ông chỉ coi tôi là bạn bè, đúng là thằng ấy nó đang coi không có chúng ta đấy, bây giờ thì ông cụ Kỉnh bỗng thét lên, và lũ côn trùng ngoài vườn rào thì vẫn đang gióng lên, có phải cái giọng ra rả như không coi ai ra gì của lũ chúng đã làm cho ông Kỉnh nổi giận, đêm ấy chúng tôi trải chiếu ra ngồi ở sân trước, đêm cuối tháng tư, ánh sao vằng vặc, ở trong nhà, đám con cháu ông Kỉnh đều đã ngủ yên, tức là, bấy giờ chỉ còn nghe mỗi thứ tiếng động là tiếng kêu của lũ côn trùng, đọc sách thấy, xưa, cha ông ta một sáng thức dậy, nghe có đứa muốn xâm lấn bờ cõi, nổi giận, đứng ngay giữa trời mà thét, bờ cõi nó là cái giường nằm của bầy đàn, mơ thấy cây lúa trỗ bông, hay mơ thấy con bò mẹ đẻ con bò con, cũng ở trên đó, bờ cõi nó là cái chỗ nằm của những thế hệ tiếp nối nhau, anh thấy có giống như giấc mơ đen đuổi hay không, ngày nay, sáng thức dậy tôi và anh cũng nghe nói thằng ấy đang rình rập cướp đất nước ta, ông cụ Kỉnh nói, có vẻ không còn giận dữ, như thể chỉ than thở với tôi, cũng phải thôi…như có ai, không phải ông Kỉnh, lại rỉ tai tôi, bỗng, thứ kiến thức sách vở, đúng ra là trí tưởng tượng của tôi đã đẩy tôi đi thật xa tận buổi lập đất lập làng, tôi thấy những người mở đất nhìn tôi và ông Kỉnh, vẻ cảm động: cũng phải thôi, khi có kẻ hung hăng muốn chiếm lấy đất đai nhà cửa của mình thì không thể không nổi giận, rồi có cái gì đấy bỗng chặn ngang cuộc trò chuyện của chúng tôi em à, cà ông Kỉnh lẫn tôi đều không nói được lời nào, có phải di sản thiêng liêng của tiền nhân, cuộc tư duy bầy đàn, những tình cảm thơm mùi lửa bếp, đã chen vào dòng ý thức chúng tôi để làm cho rõ nét hơn trong cách nhìn thế giới, anh thấy có lạ lùng không, nếu không nói là không thể hiểu nổi, giữa đám nhân loại bình yên, bỗng nổi lên một đứa cũng đi đứng ăn ngủ như mọi người nhưng lại cứ muốn cởi đầu cởi cổ người khác, thật trớ trêu, thằng đó ngậm chữ, và ngày ngày vẫn cứ phun ra giữa thế giới đương đại này đủ thứ phù phép, sự thể nghiệm trong kết hợp giữa lý trí và dơ bẩn, giữa một con vật hạ đẳng và một chút chất người, hay là sự thử thách trong chiến đấu giành chân lý, của tạo hóa, sau những giây phút im lặng nặng nề, ông cụ Kỉnh lại nói về kẻ đang rình rập cướp đất nước tôi, tôi lắng nghe, và không thể còn giữ được bình thường, dường khi con người ta sắp tiến gần đến chân lý thì không thể không run sợ, cái đêm ấy như không thể còn lập lại trong đời tôi em à, ông cụ Kỉnh ngồi xếp bằng trên chiếu, một tay chống lên vế, một tay gác lên vế, nghiêng người, nhìn trời, cái thư thế như thể ông đã quá nhuần nhuyễn trong cuộc đời mình, ông ngồi như thế, nhìn trời, và nói như thể đang nói với thật nhiều người, còn tôi thì lắng nghe, và cảm thấy sợ hãi, một thứ nghi lễ trừ tà

XXV

người ta cứ cố quên đi điều quan trọng của một ngày có người đến gõ cửa nhà mình nói về cách thức đi trốn thu của loài chim không muốn nhìn thấy lá rụng trên rừng, và vào một ngày rất cũ lại có kẻ đi khoe khoan kiến thức của mình trước mặt các vị thần cai quản sự ngu xuẩn của trần thế, mới hôm qua thôi, có người đến nói với tôi rằng chớ đi đâu cả, cứ ở lại giữa những khoảng trống sẽ nhìn thấy tất cả

XXVI

tôi lạc vào cuộc thể nghiệm cách thế sống thấy những người có chữ hôm nay viết ra vô số những nghĩ ngợi về vô số những vấn nạn vô số những nghi nan về vô số cảnh đời thời của cuộc nổi dậy của chữ nghĩa tôi lạc vào chốn ấy và cứ đứng nhìn những em bé vẽ lên những bức tường nhà vô số những hình ảnh về những sự vật biết nói và không biết nói những ngôi nhà thì bỏ không người đi đâu cả chưa về tôi cố để cho tôi đừng lạc loài giữa những ngả rẽ của thế giới nhưng cứ nghe như đang vang lên đâu đó tiếng vó ngựa chật vật trên những con đường sỏi đá

XXVII

những áng mây vẫn che khuất mặt trời những tháng năm ngoại lệ

lịch sử mở những trang buồn

vẻ đẹp của các loài hoa gào thét

những tháng năm thật khó có thể chấp nhận đối với những loài chim chỉ biết hót những bản tình ca

người gánh non sông đi giữa cỏ khô

vẫn cứ còn có chỗ để sợ hãi

giã
tháng 1.2019
tháng 3. 2019

Comments are closed.