Văn chương người Việt tại Nga

Châu Hồng Thủy

Năm 1950, hai nhà nước Liên Xô và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhân dân Việt Nam thật sự hiểu biết và gắn bó với đất nước Liên Xô khi đoàn 100 học sinh, sinh viên Việt Nam đầu tiên được nhà nước cử sang Liên Xô học tập vào năm 1954. Kể từ đây, liên tục hàng năm, hàng chục nghìn người Việt Nam đến Liên Xô để tiếp thu kiến thức khoa học. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực đào tạo cán bộ, cho đến năm 1990 (năm cuối cùng của Hiệp định Xô Việt), trong gần 40 năm, Liên Xô đã đào tạo cho Việt Nam hơn 20.000 cán bộ có trình độ đại học, trong đó có 3.500 phó tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, bồi dưỡng hơn 6.000 thực tập sinh khoa học. Hơn 55.000 công nhân và thực tập sinh nâng cao tay nghề đã học tập tại các trường dạy nghề và các cơ sở sản xuất. Nhiều người theo học ở Liên Xô đã trở thành những nhà lãnh đạo Đảng, nhà nước, các nhà hoạt động khoa học, xã hội nổi tiếng của Việt Nam.

Đã một thời, được đặt chân đến nước Nga và Liên Xô là niềm mơ ước khát khao của bao người Việt Nam. Vì thế, bên cạnh đội ngũ những người học tập dài hạn, thì những người đi công tác hoặc tham quan, du lịch ngắn hạn trên đất nước Liên Xô hàng năm không hề ít.

Người Việt Nam trở thành một cộng đồng đông đảo bắt đầu từ năm 1981, khi gần 100 nghìn thanh niên Việt Nam đến làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp của 6 nước cộng hoà thuộc Liên Xô: LB Nga, Ucraina, Belarusia, Litva, Latvia, Estonia (chủ yếu tại nước Nga) theo Hiệp định Hợp tác lao động giữa hai nhà nước Xô – Việt. Từ đó trở đi, mỗi năm có khoảng 20 nghìn người Việt Nam được tuyển sang làm việc. Tổng cộng có đến hơn 200 nghìn công nhân có mặt tại Liên Xô.

Năm 1992, Liên Xô giải thể. Các hợp đồng lao động giữa nhà máy và công nhân Việt Nam bị huỷ bỏ giữa chừng. Trong hoàn cảnh ấy, nhiều người Việt Nam muốn về nước, nhưng nhà máy không có tiền để mua vé cho họ. Bên cạnh đó, nhiều người tự nguyện muốn ở lại làm ăn. Những người ở lại đều phải tự lo liệu, xoay sở cho cuộc sống của mình. Như vậy cộng đồng người Việt Nam tại Nga và một số nước thuộc Liên Xô chính thức hình thành “sau Hợp tác lao động”, hay còn gọi là thời kỳ “Hậu Liên Xô”. Sự hình thành này do hoàn cảnh lịch sử khách quan tạo nên.

Trong những năm tháng sống xa Tổ quốc, người Việt Nam đã dùng ngòi bút ghi lại những ấn tượng, tình cảm của mình với thiên nhiên đất nước, con người, văn hoá và lịch sử của nhân dân Liên Xô, tình cảm nhớ thương những người thân yêu ruột thịt ở quê hương, ghi lại cuộc mưu sinh vất vả của đồng bào mình nơi đất khách quê người… Ban đầu đơn thuần chỉ là nhu cầu giãi bày của mỗi cá nhân, là sự tự trải lòng mình. Một cách tự nhiên, dòng văn học Việt Nam xa xứ trong mấy chục năm qua đã hình thành từ ghi chép của mỗi một cá nhân ấy.

Dòng văn học Việt tại Nga và Liên Xô thực sự hình thành, từ khi cộng đồng người Việt trở nên đông đảo vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, với những tác giả nhiều năm sống gắn bó với mảnh đất này. Xuất hiện một đội ngũ sáng tác thơ văn hùng hậu đang học hệ chính quy dài hạn tại Trường Viết văn Gorki như Trần Đăng Khoa, Khánh Chi, Nguyễn Đình Chiến, Vũ Xuân Hương, Thuỳ Linh, Châu Hồng Thuỷ, Hàm Anh; tại các Trường Đại học, các Viện Hàn lâm như Hồ Quốc Vỹ, Vũ Đình Huy, Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Công Trứ, Bùi Quang Thanh, Mai Quỳnh Nam, Hữu Đạt, Lê Tây, Võ Thị Thu Trang, Tử Huyền, Hoàng Xuân Tuyền, Phan Chí Hiếu, Thiên Can, Nguyễn Văn Tài. Lê Anh Tuấn… và những tác giả thế hệ gần đây như Thuỵ Anh, Thi Ải Bắc, Hoàng An, … Có những người gắn bó với mảnh đất này 10 đến 15 năm, có nhiều người hơn một phần tư thế kỷ… Với sự ra đời của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga năm 1994, hoạt động văn học của họ không còn là tự phát, đơn lẻ, mà có tôn chỉ, mục đích rõ ràng. Chính đội ngũ này đã làm nòng cốt tạo nên dòng Văn học Việt Nam xa xứ tại LB Nga và Liên Xô.

Bằng chứng đầu tiên của sự hình thành dòng văn học ấy là sự ra đời của Tạp chí “Đất nước” thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô vào năm 1989. Tiếp theo là Tạp chí “Người Bạn Đường” (1992) và “Tao Đàn” (2004) chuyên về Văn học Nghệ thuật của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga; Báo “Khoa học & Cộng đồng” (1993) và “Hoa đào xứ tuyết” (1997) của Hội KH & KT; Tạp chí “Huế trong ta” (1998) của Hội những người yêu Huế; Tạp chí “Đoàn kết” (2004) của Hội người Việt Nam tại LB Nga; cùng các tạp chí tư nhân như “Thông tin & Thời đại”, “Đồng hương”… Trên các tạp chí này, thơ văn, bút ký, truyện ngắn của người Việt tại Nga, Liên Xô được đăng tải với nội dung phong phú.

Mặc dù cuộc mưu sinh những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 rất nhọc nhằn, vất vả, nhưng những cây bút trong cộng đồng người Việt tại Nga và Liên Xô vẫn không vì thế mà mai một sự say mê sáng tạo. Nhờ có họ, mà nhân dân sở tại nhìn nhận người Việt Nam không chỉ là một cộng đồng chỉ biết lầm lụi làm ăn buôn bán, mà còn là một cộng đồng có văn hoá. Văn học đã góp phần nâng cao vị thế của người Việt.

Bằng chứng quan trọng nhất là các tập thơ văn của các tác giả được xuất bản tại Nga và gửi về in trong nước có một bề dày đáng kể: Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến có “Hoàng hôn nhớ” (Tập thơ, Matxcơva 1992) và “Vầng trăng trên tuyết” (Tập thơ, Hà Nội 2001), Hữu Đạt có “Hai đầu bức thư tình” (Tiểu thuyết, Hà Nội 1991), Nguyễn Hiếu với “Tuyết nóng sau mặt trời” (Tiểu thuyết, Hà Nội 1993); Thiên Can với 4 tập sách liên tiếp “Hoa Bồ công anh” (Tập truyện ngắn, Matxcơva 1998), “Mùa lấy mật hoa Bạch dương” (Tập truyện ngắn, Matxcơva 1999), “Duyên” (Truyện dài, Matxcơva 2000) “Bông sen bên dòng Kadanka” (Tiểu thuyết, Matxcơva 2002); Nguyễn Văn Tài với “Nơi gặp gỡ của những thân phận” (Tập truyện ngắn, Hà Nội 1999); Bùi Quang Thanh với “Heo may xứ Tuyết” (Tập thơ, Matxcơva 2001) và “Thao thức cuối trời” (Tập thơ – văn, Hà Nội 2008), Vũ Xuân Hương với “Bụi Thiên hà” (Tập thơ, Hà Nội 2009), Châu Hồng Thuỷ với “Những bông tuyết mùa Hè” (Tập thơ, Matxcơva 2004) và “Lãng du” (Tập thơ, Matxcơva 2012); Nguyễn Đình Lâm với “Con kiến tật nguyền” (Tập truyện ngắn, Matxcơva 2004), “Tình yêu hàng chợ” (Tập truyện ngắn, Hà Nội 2005) và “Mong manh xứ Bạch dương” (Tiểu thuyết, Hà Nội 2009), Võ Thị Thu Trang với “Khoảng trời xưa” (Tập thơ, Hà Nội 2009), Phan Đăng Xiêm với “Hát mãi lời tình yêu” (Tập thơ, Matxcơva 2007) và “Gửi nhớ về em”, (tập thơ, Hà Nội, 2014)… Đặc biệt, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng sau tập thơ đầu tiên “Ngoảnh lại” từ năm 1995 đến nay, đã có hơn 13 tập sách gồm thơ và truyện ký được in tại Nga và trong nước. Tập thơ thứ 9 của Nguyễn Huy Hoàng ra mắt gần đây nhất là “Canh ngọn đèn đợi sáng” (2013).

Các nhà thơ, nhà văn Trần Đăng Khoa, Phạm Công Trứ, Mai Quỳnh Nam, Hàm Anh, Nguyễn Tiến Hoá và một số tác giả khác… sau khi rời nước Nga, mới cho xuất bản thành tập ở trong nước những tác phẩm viết trong thời gian ở nước ngoài. Phạm Công Trứ dành riêng một phần Tuyết trong “Lời thề cỏ may II” (1993); Mai Quỳnh Nam có “Bước trượt” (Tập thơ,1995); Thuỳ Linh với “Đừng rung cây mùa lá rụng” (Tập truyện ngắn, 2004) và “Gió mưa gửi lại” (Tập truyện ngắn, 2004), Hàm Anh có “Màu tự nhiên” (Tập thơ, 2008); Nguyễn Tiến Hóa có tiểu thuyết “Địa tầng đứt gẫy” (Tiểu thuyết, Hà Nội 2012)… Ở Ucraina, tuy không có đội ngũ hùng hậu như ở Nga, những cũng đã có những nhà thơ, nhà văn có nhiều tập văn thơ dày dặn in ở trong nước như Đỗ Thị Hoa Lý với hai tập thơ “Quê hương tôi” (2011), “Hồi ức mùa hè” (2012); Vũ Thương Giang có các tập thơ: “Hoài niệm Hội Lim” (2011), “Giọt buồn” (2011), “Gửi người xa” (2013); Việt Văn với “Thơ Việt Văn” (2011); Vũ Tuấn Hoàng với tiểu thuyết “Bị vứt vào cõi đời” (2009) và tập truyện ngắn “Ác mộng giữa Paris” (2011). Bên cạnh những tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết của các cá nhân, còn có nhiều Tuyển tập Thơ và Truyện ngắn do Tạp chí Đất nước và Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga xuất bản như: “Đất nước” (Tuyển thơ, Matxcơva 1991), “Người con gái trên tầu điện ngầm đi Riskaia” (Tuyển truyện ngắn, Matxcơva 1992), “Những nẻo đường xứ tuyết” (Tuyển thơ, Matxcơva 1995), “Tuyết ấm” (Tuyển thơ, Matxcơva 2003).

Dẫu vật đổi sao dời, dẫu cho thể chế thay đổi, nhưng tình yêu với Liên Xô, với nước Nga trong lòng người Việt Nam không thay đổi. Dù đã về nước, hay ở lại định cư, họ không thể nào quên tấm lòng nhân hậu của nhân dân Nga, của các dân tộc Liên Xô dành cho mình, cho đất nước mình. Yêu mến Liên Xô đến mức, khi nghe tin Liên Xô tan vỡ, nhiều người bàng hoàng, ngơ ngác, có người bật khóc vì tiếc nuối.

Nhiều người Việt Nam coi nước Nga, Liên Xô là quê hương thứ hai của mình. Những ai đã từng dự chương trình Thầy trò Xô Việt năm 2010, hay chương trình đón tiếp các nguyên thủ quốc gia Nga sang thăm Việt Nam, sẽ thấy được tình cảm biết ơn vô hạn của các cựu sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam, dành cho những người thầy, dành cho nhân dân và đất nước đã từng dạy dỗ, cưu mang đùm bọc mình. Người Việt Nam du học, công tác, làm việc tại nhiều nước trên thế giới, nhưng tình cảm thắm thiết dành cho đất nước mà mình từng ở, từng đi qua dẫu thời gian ngắn ngủi, có lẽ chỉ có tại Nga và Liên Xô là tình cảm đặc biệt nhất, thắm thiết nhất. Tất cả những sắc thái tình yêu ấy, bạn đọc có thể thấy được trong tập thơ này. Nhưng, bên cạnh những kỷ niệm đẹp, những tình cảm ngọt ngào, bạn cũng sẽ thấy đây đó những nỗi niềm xót xa, cay đắng, những vất vả nhọc nhằn của cuộc mưu sinh nơi xứ Tuyết, mặc dù đây không phải là âm hưởng chủ đạo của tập thơ.

Thơ người Việt tại Nga mang tình cảm yêu thương tha thiết của những người con sống xa Tổ Quốc dành cho những người thân yêu ruột thịt, đặc biệt là tình yêu dành cho người Mẹ hiền lam lũ ở quê hương. Hình ảnh cây đa, bến nước, con đò, cánh cò trắng trên đồng lúa mênh mông, đồi cọ trung du xanh mướt, người mẹ hiền tần tảo, ngọn khói chiều trên mái tranh nghèo… tưởng chừng đã thành hình ảnh sáo mòn trong văn học, nhưng đối với những người Việt Nam sống nơi xứ tuyết băng giá, lại luôn là nỗi nhớ thường trực, cháy bỏng và da diết. Câu thơ “Dẫu ngày ăn miếng bánh Nga/ Đêm mơ chỉ thấy quê nhà mà thôi” của nhà thơ Nguyễn Đình Chiến đã nói hộ cho tấm lòng của những người con xa Tổ quốc.

Matxcơva 2014-2015

 

Nguyễn Đình Chiến
Tạm biệt nước Nga

Tạm biệt nhé! Nước Nga, tạm biệt

Trời chưa thu sao ta đã se lòng

Hoàng hôn xuống tự khi nào chẳng biết

Ta một mình thơ thẩn đứng bên sông

Đàn sếu sắp về Nam có phải

Mặt hồ dâng sương khói quá êm đềm

Con đường vắng bao giờ ta trở lại

Mùi lá sồi đã dậy dưới sương đêm

Xe ai đó đưa ta về phố cũ

Căn phòng tôi người khác đến thay rồi

Xin đừng bẻ cành xiren trước cửa

Đã bao mùa hương toả xuống thơ tôi

Tạm biệt nhé! Nước Nga, tạm biệt

Ôi ngọt ngào, ôi đau khổ xót xa

Dù vật đổi sao dời đâu chẳng biết

Trong lòng này vẫn có Mátxcơva

Giọt nước mắt chẳng vợi niềm ly biệt

Một miền quê xin gửi lại bên trời

Để mái tóc của mười năm xứ tuyết

Ngả vào lòng thương nhớ mẹ hiền tôi.

 

Châu Hồng Thủy
Tạ lỗi mẹ quê hương

Làn điệu chèo, câu dân ca quan họ

Là mạch nguồn ngọt mát tuổi thơ tôi

Giờ ngủ quên trong những băng cát xét

Trong mê cung nhạc giao hưởng xứ người

Tôi đã quen vị bánh mì bơ sữa

Nổ sâm-panh thay pháo mỗi giao thừa

Không nhớ nổi mùi hương chùm thiên lý

Mẻ ốc nhồi nấu canh chuối mùa thu.

Chợt đêm nay hiện về trong giấc ngủ

Chiếc chậu sành tí tách giọt mưa rơi

Mái tóc mẹ đã thêm nhiều sợi trắng

Chuối vườn xưa bão xé tướp tơi bời…

Một tiếng quạ, cửa sổ mờ giá buốt

Trắng âm thầm, trơ trọi dãy bạch dương

Tay úp mặt thầm thì trong gió tuyết

Xin ngàn lần tạ lỗi mẹ quê hương

 

Trần Đình Hậu
Volga, mong một ngày trở lại

Giã biệt nhé, Volga, biết bao giờ trở lại

Ôi dòng sông gắn bó một phần đời

Chẳng lẽ nào rồi sẽ xa, xa mãi

Với cánh buồm, mây nước lững lờ trôi?

Chân đứng lặng trước bao nhiêu kỷ niệm

Kìa đồi cao, thanh gươm báu tuốt trần

Sau đất đá, bạt ngàn xanh đồng cỏ

Người lính không về, mãi mãi tuổi thanh xuân

Bức tường xám, giảng đường, phòng thư viện

Mái trường uy nghiêm, trang sách mở trên bàn

Những bậc thầy vầng trán cao đáng kính

Và cô gái tóc vàng đẹp nhất thế gian

Ở lại nhé, những người con nước Việt

Trong nắng sương, tuyết lạnh quê người

Vai trĩu gánh cuộc mưu sinh cơm áo

Vẫn chống chèo mơ cập bến bờ vui

Giã biệt nhé, dòng Volga bát ngát

Ôi dòng sông yêu như thể Hồng Hà

Một mai đây dù cách vời ngàn dặm

Thì mảnh lòng neo lại dải rừng Nga

Lòng thầm hẹn, sẽ có ngày trở lại

Dù chân run, hay mái tóc phai sương

Để thăm lại mảnh đất Nga hùng vĩ

Và Volga, dòng sông Mẹ yêu thương

 

 

Nguyễn Huy Hoàng
Với mẹ

Rồi con biết nói thế nào với mẹ

Khi bước chân dừng lại trước hiên nhà

Cửa không khép, chiều cuối đông buốt giá

Mẹ mỏi mòn bên bếp lửa trông ra.

Con trở về với trái tim thương tích

Không chiến công, không vó ngựa vinh quang

Tuổi trai trẻ đã vô tình đánh mất

Phía sau lưng, gió bụi những con đường.

Con dốc hết cuộc đời cho canh bạc

Tìm vận may hoang tưởng một cánh buồm

Sóng xô đẩy xa bờ không kịp nữa

Nản mái chèo, phó mặc giữa trùng dương

Rồi con biết nói thế nào với mẹ

Với quê hương về những vết thương lòng

Nỗi đen bạc của nhân tình thế thái

Cảnh phù vân, nay còn đó, mai không

Con mang nợ với đường làng, ngõ xóm

Nơi cho con chập chững bước ban đầu

Với ruộng lúa nồng nàn mùi đất ải

Với mảnh vuờn ngan ngát nở hoa cau.

Con mang nợ với bà con, cô bác

Những người thân chưa đủ bát cơm đầy

Với bè bạn bỏ mình nơi trận mạc

Miền vĩnh hằng vắng cả khói hương bay.

Dù có muốn quay lưng hay chối bỏ

Mảnh lòng con sao dứt nổi với đời

Con đã thấm đến tận cùng đau đớn

Đến không còn nước mắt để tuôn rơi.

Con mang tội muôn ngàn lần với mẹ

Khi mái tranh mưa vẫn dột tứ bề

Mỗi đêm ngủ canh ngọn đèn phấp phỏng

Che bên này lại sợ gió bên kia

Con chẳng dám than thân cùng trách phận

Mặc thế gian vinh hiển với sang giàu

Chỉ xin được bình yên ngồi bên mẹ

Cời than hồng cháy đỏ những đêm thâu.

Comments are closed.