Học và thi chứng chỉ biên tập

Tạ Duy Anh

Lời tác giả: Ngày 29 tháng 5 tới đây sẽ diễn ra hội nghị đánh giá về 7 năm thực hiện Luật xuất bản 2012, trong đó có quy định Biên tập viên phải có Chứng chỉ hành nghề mới được đứng tên biên tập. Cái chứng chỉ đó muốn có thì phải học qua một lớp chừng 7 đến 10 ngày. Nhân đây, như một cách “góp ý” về Bộ luật, tôi xin kể lại quá trình tham gia khóa học để lấy chứng chỉ hành nghề đó. Tôi sẽ chia nhỏ bài viết để bạn đọc đỡ mệt, đăng trong ba ngày liền.

**************
PHẦN MỘT

Năm 2012, Quốc hội của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với gần 500 đại biểu, đã đồng loạt nhất trí thông qua Luật xuất bản mới, có hiệu lực từ tháng 7 năm 2013. Tôi cam đoan rằng các đại biểu Quốc hội không mấy quan tâm đến Luật xuất bản. Đang là đầu nhiệm kì Quốc hội, còn nhiều việc chung việc riêng quan trọng hơn. Xuất bản, so với hàng chục lĩnh vực khác, không đáng để dành nhiều sự quan tâm. Chưa sửa thì cứ luật cũ mà theo. Thậm chí từng chả có luật suốt mấy chục năm mà có chết ai đâu, sách vẫn cứ ra ầm ầm. Người hiểu công tác xuất bản trong số các đại biểu lại không nhiều. Vì thế tôi tin rằng phần lớn họ không đọc, không xem xét kĩ, mà chỉ qua loa tin vào Ban soạn thảo, vốn là những người không bao giờ bỏ qua cơ hội lồng lợi ích của mình vào. Bởi vì Luật xuất bản năm 2012 viết rất lủng củng, nhiều đoạn tối nghĩa, đầy cảm tính, thể hiện rõ nhất ở sự nghiệp dư của những người soạn thảo, quen với tư duy quản lý hành chính hơn là tư duy luật.
Thôi thì “tế sớm khỏi ruồi” nhấn nút cho xong chuyện.
Vì thế, vẫn như những Bộ luật vừa ban ra đã lạc hậu, đã phải sửa, Luật xuất bản mới có nhiều quy định rất thiếu tính luật. Chẳng hạn, điều 17 luật quy định về tiêu chuẩn các chức danh tổng giám đốc (giám đốc) và tổng biên tập nhà xuất bản. Ngoài các mục a, b, c quy định tương đối cụ thể, (ngoại trừ chút tù mù về phẩm chất chính trị, đạo đức tốt?) cơ bản là có thể thực hiện, trong khi đó mục d. ghi: Các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật. Các tiêu chuẩn khác ở đây là các tiêu chuẩn gì, theo quy định của pháp luật nhưng cụ thể là bộ luật nào, điều bao nhiêu? Luật mà nói không rõ, lại có thể tùy tiện áp dụng, tùy tiện diễn giải thì còn nguy hiểm hơn là không có luật.
Hay như điều 20, khoản 3, quy định về xử phạt mới tùy tiện theo kiểu cảm tính. Trên thực tế Luật cho phép cấp quản lý tha hồ diễn giải theo ý họ. Quy định nếu biên tập viên nào có hai cuốn sách mình biên tập mà bị thu hồi, thì Biên tập viên đó sẽ bị tước chứng chỉ hành nghề và phải hai năm sau mới được xét cấp lại. Luật chỉ ghi như vậy mà không quy định chi tiết, thế nào là một cuốn sách phải thu hồi, cấp nào có quyền khẳng định cuốn sách đó vi phạm, việc thẩm định cần những điều kiện chuyên môn gì, chẳng hạn Hội đồng thẩm định quốc gia, hay Hội nhà văn, hay một cơ quan nào đó của Chính phủ, Quốc hội? Tuyệt không thấy ghi những yêu cầu đó. Vì thế, Cục xuất bản mặc nhiên coi mình là cơ quan có quyền ra quyết định cuốn sách nào thuộc diện phải thu hồi để từ đó cộng tội cho Biên tập viên. Căn cứ mà Cục xuất bản dựa vào, chỉ là nhận xét, thẩm định của đội ngũ hậu kiểm “kém và cũ toàn tập” mà tôi không muốn phí thời gian nhắc tên họ.
Nhưng quy định phi luật nhất, tạo ra tình huống pháp lý dở khóc dở cười chỉ có ở Việt Nam liên quan đến việc cấp phép phát hành cuốn sách nào đó sau khi đã in ra. Theo trình tự Cục xuất bản đồng ý với đề tài đăng kí thì Nhà xuất bản mới có cơ sở cấp phép. Có giấy phép hợp pháp, Công ty sách hoặc tác giả đầu tư tiền của để sản xuất đúng luật. Nhiều cuốn sách, số tiền đầu tư không hề nhỏ. Nhưng trước khi hết hạn lưu chiểu 10 ngày, bộ phận hậu kiểm thông báo cuốn sách không thể được cấp phép lưu hành, thì cuốn sách đó coi như bị vô thừa nhận, chỉ còn việc bỏ vào kho, vào máy nghiền để làm một cuộc luân hồi thành giấy tái sinh! Thế là doanh nghiệp không hề làm gì sai nhưng thiệt hại thì họ mặc nhiên phải chịu vì luật không quy định cơ quan nào phải đứng ra bồi thường!
Một trong những điểm mới so với luật cũ, là điều khoản yêu cầu Biên tập viên phải có chứng chỉ hành nghề. Tại sao phải có chứng chỉ hành nghề? Xin đừng hỏi, bởi Luật chỉ ghi vậy mà không nói rõ lý do, không nói luôn cả việc để có cái chứng chỉ đó, Biên tập viên cần phải học để được trang bị những kiến thức gì, giáo trình học tập do cấp nào soạn thảo, việc sát hạch cần tuân thủ tiêu chuẩn gì… (Cơ quan hành pháp sẽ tha hồ tùy tiện đưa ra các yêu cầu). Vì chỉ quan tâm đến khía cạnh quản lý, mất cảnh giác (hoặc đồng lõa) với nhóm lợi ích mà Ban soạn thảo đã bỏ qua những yêu cầu rất quan trọng ấy. Luật chỉ nhấn mạnh đến tính chất bắt buộc của yêu cầu là nếu Biên tập viên không có chứng chỉ, thì sẽ không được đứng tên biên tập. Nghĩa là cho dù anh có tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên ngành Biên tập, xuất bản, nhưng nếu không có cái chứng chỉ (chưa ai biết nó là cái gì), thì anh cũng không được làm công việc biên tập, coi như mất nghề. Anh cứ làm biên tập và ghi tên biên tập là bất hợp pháp, Nhà xuất bản có thể bị phạt, bị tước quyền đăng ký kế hoạch xuất bản.
Tức là bị tước mất bát cơm manh áo, dù chỉ là cơm nhạt áo xô.
Bỗng nhiên Cục xuất bản, vốn chỉ là một cơ quan quản lý, lại có cái quyền gần giống như cơ quan ban hành luật, gần giống như công an, gần giống như… (thôi, ai thông minh thì suy tiếp ra). Mà ở đất nước ngàn năm văn hiến của chúng ta, thì cứ có quyền, chỉ cần một tí quyền bằng bãi cứt gà, là coi như có trong tay cỗ máy in tiền tạ tiền tấn.
Và rất có thể còn hơn thế. Trước hết, với luật mới, Cục xuất bản có vị trí oai hơn nhiều so với trước đây.
Yêu cầu Biên tập viên phải có chứng chỉ hành nghề, nghiễm nhiên Cục xuất bản được quyền nắm trong tay hàng chục ngàn cái “giấy phép con”! Con số này sẽ tăng lên theo thời gian, khi có thêm những người gia nhập đội ngũ biên tập sách. Mặc dù dư luận coi việc Biên tập viên phải có chứng chỉ là rất buồn cười, không cần thiết, thậm chí có thể trái với Luật lao động nhưng vì đã thành hẳn một điều Luật nên cứ phải thi hành.
Đấy là lý do tôi phải có mặt trong lớp Bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập, do Cục xuất bản, In và Phát hành phối hợp với Trường Bồi dưỡng cán bộ trung ương tổ chức. Thông báo gửi theo đường công văn chính thức về cơ quan. Sơ, trung, cao cấp… mặc kệ chúng mày, giỏi hay dốt chúng ông không cần biết, kể cả mày từng dạy người khác nghề biên tập thì cũng đều coi như i-tờ về kiến thức pháp luật trong nghiệp vụ biên tập. Hết. Không học thì miễn biên tập. Không nói nhiều. Muốn làm nghề tiếp hay thôi thì bảo?
Tóm lại, đằng nào thì Biên tập viên cũng thua, nên phải đi học, cho nó lành!
Học phí cho khóa học hơn ba triệu đồng (do cơ quan đài thọ), nhiều gấp rưỡi lương tháng của người có bằng đại học về làm việc tại nhà xuất bản. Với những người làm nghề in, thì mức học phí cao hơn. Cao nhất là những ông chủ của các Nhà sách, nghe nói tới cả chục triệu đồng? Hóa ra bao nhiêu năm học hành, đọc các bộ luật, làm đủ thứ việc không hề vi phạm pháp luật, kí tên biên tập không dưới vài ngàn cuốn sách, mình vẫn là Biên tập viên ngoài vòng pháp luật! Nghe một lãnh đạo của Cục nhắc đi nhắc lại như vậy, rằng, từ trước đến nay các anh chị kí biên tập là không hợp pháp, sau lớp này thì mới hợp pháp, mà thấy toát cả mồ hôi. Không khéo sẽ đến lúc phải theo học một lớp Bồi dưỡng kiến thức tình dục, phải có chứng chỉ công nhận đã biết các quy trình làm tình, như Bj, Hj, Wc, Cif, Cim, Chơi lỗ nhị, Some… thì việc ngủ với vợ, làm cho vợ giẫy lên vì sướng mới bình quyền và không bất hợp pháp!
Thủ tục đầu tiên, như bất cứ công việc gì khác, là tiền đâu? Tiền liền với ruột, tiền là tiên là phật, là sức bật của lý tưởng, là sức mạnh rời non lấp biển, không à ơi í ới để lâu rồi cứt trâu hóa bùn. Đến chơi ca-ve còn có đứa quỵt nữa là học cái lớp mà ai đến ai đi lúc nào tùy ý. Cứ thu một phát cho yên tâm.
Xem ra thủ tục này thuộc loại quan trọng nhất của khóa học, nên trong mấy buổi liền, cứ đầu giờ và giữa giờ loa lại ọt ẹt lịt khịt nhắc các học viên nộp tiền. Nhóm của nhà xuất bản Hội nhà văn bị nhắc lần thứ ba, nóng hết cả mặt, bèn về quát tài vụ, đừng để chúng tao điếc tai. Cô bé thủ quỹ, người miền Nam nói như mếu: “Cháu chuyển luôn rồi; tiền trong két là tiền chửa, tiền ra khỏi cửa là tiền đẻ, cháu biết chứ, nhưng chắc ngân hàng đang chuyển…Dạ!”
Coi như xong một việc. Thấy mình còn may mắn chán, vì trong lớp có khối đứa phải bỏ tiền túi ra đóng học phí. Cái chứng chỉ còn hơn tấm bùa trấn ma, là cần câu cơm cả đời, quyết định độc lập tự do ấm no hạnh phúc của gia đình, con cái, là tương lai mai này nên khó khăn mấy cũng phải thu xếp để có tiền. Bữa trưa, thấy họ ngồi tại phòng hưởng ké tí điều hòa, giở cơm hộp ra nhệu nhạo ăn như thời còn bao cấp, tự dưng bật cười. Ai bảo sinh ra kiếp làm biên tập, cho chết!
Thủ tục tiếp theo là ghi bản khai. Tên khai sinh, tên thường gọi, các tên khác, tuổi, quê, nơi công tác, chức vụ (từ phó phòng, phó ban trở lên phải có bản photo quyết định của giám đốc), y như thật. Tôi khai tên khai sinh, rồi ghi tên thường gọi, vì sau này chỉ được ghi vào mục biên tập viên những tên mình đã đăng kí. Lúc ấy tôi hiểu thế.
Hôm sau danh sách trương lên, tôi mất béng mười tuổi. Thế là cho nhau tiền tấn rồi. Thụt két thì sợ, chứ thụt tuổi thì còn hơn lộc giời. Thế này mà rơi vào mấy quan chức sắp phải về hưu thì họ vớ bẫm…!
Cuối cùng là nhận tài liệu, thời khóa biểu, nội dung những bài giảng và tên giáo viên dự kiến. Đọc một lượt mà sướng mướt cả mồ hôi. Cứ đinh ninh mấy cái tên tưởng đã chầu Diêm vương từ lâu rồi, vậy mà lại vẫn lù lù như thuở nào nói ra gang ra sắt. Trước mừng cho các thầy, sau là mừng cho đất nước. Những cuốn sách phục vụ cho nghề biên tập đều có bán phía ngoài hành lang. Mỗi học viên, không ai bảo ai, đều mua một quyển Luật xuất bản sửa đổi, nhét vào cặp cho oách. Làm nghề gì chả cần phải có bảo bối. Cứ nhét một quyển Luật vào cặp để dọa ma cho vững tâm.

image

PHẦN HAI

Hôm đầu, tất nhiên là khai giảng. Có bảng ghi danh các cơ quan đứng ra tổ chức lớp bồi dưỡng, có băng rôn chào mừng chạy gần hết chiều ngang căn phòng, có khẩu hiệu quen thuộc Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm, ngay trên đầu tượng Bác Hồ. Sau chào cờ, hát quốc ca là đít-cua khai mạc đi kèm những lời dặn dò tâm huyết về cái nghề biên tập với những sứ mệnh to lớn. Không biết người đọc khai mạc cấp tước gì. Chỉ thấy ông cắm mắt vào tờ gấy đọc một lèo, cóc thèm nhìn thằng con nào bên dưới. Có cảm giác mọi thứ giống như trong đám cưới (đám ma thì đúng hơn) ở nhà quê, thưa gửi qua loa còn đánh chén. Nhưng mà có học có khác. Ngay từ những phút đầu tiên của khóa học, tôi đã biết thêm mình là một thứ lính gác cổng về văn hóa, tư tưởng. Gác cho ai thì tính sau. Nhưng cứ là lính gác cũng đủ oai rồi.
Dứt bài diễn văn khai mạc, cả lớp vỗ tay đầy cảm động, tất nhiên.
Sau đó đến tiết mục bầu ban cán sự của lớp. Lại được hồi hộp, tí tởn sống thời học trò gần nửa thế kỷ trước, thấy xốn sang cả người. Ngày ấy thích nhất chuyện bầu bán lớp trưởng và Ban cán sự. Cứ thằng nào hâm hâm là chọn. Cứ thằng nào dốt là chọn. Vì dốt nên nó sẽ rất chăm chỉ công việc lớp giao cho. Vì dốt nên bảo gì nó cũng phải nghe. Vì dốt nên nó chỉ có một cách tiến thân là răm rắp làm theo chỉ bảo, ngày ngày vắt óc tìm ra những câu nịnh bợ hay nhất. Vì dốt nên nó phải phấn đấu, mà phấn đấu thì thể nào cũng nín nhịn, kể cả bắt chui háng. Chứ thằng giỏi thì còn lâu nhé. Chỉ riêng thói ngang ngạnh đã không chấp nhận được. Nó lại cứ luôn muốn làm sai ý cấp trên. Nào ai biết đâu, hóa ra cái cách lựa chọn trẻ con ấy lại là bí quyết tổ chức sáng suốt trong dùng người, trong công tác nhân sự của biết bao cơ quan đoàn thể suốt hơn nửa thế kỉ qua và sẽ còn kéo dài…
Bây giờ cũng thế. Bầu ai đây? Vì chưa quen nhau nên chẳng biết thằng nào hâm, thằng nào dốt, thằng nào hay nâng bi, đành nhìn quần áo mà chọn lớp trưởng. Khối học viên Nhà xuất bản Quân đội, trang phục uy nghiêm, quân hàm, cầu vai, quân hiệu, dây ngù đỏ rực, vàng chóe rất chính quy, ngồi riêng một dãy bàn, khiến lớp học sáng hẳn lên. Họ thực sự là niềm tự hào của khóa học và giới biên tập, không chừng của cả dân tộc nữa chưa biết chừng. Không cần hỏi cũng biết họ toàn là đảng viên bốn tốt vì nhân dân quên mình, năm nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Vào lớp họ xếp hàng rồi đi đều, trông đã thấy nể mặc dù nhiều đứa bố láo cứ bịt miệng cười. Còn ai xứng đáng là lớp trưởng hơn đồng chí đại tá, lãnh đạo của Nhà xuất bản quân đội nhân dân? Lời giới thiệu vừa cất lên, tiếng hô hét còn hơn chợ vỡ. Vỗ tay như sấm nhất trí một trăm phần trăm, y như việc ấn nút thông qua phương án nhân sự ở của các ông bà nghị.
Sau đó lại nhất trí một trăm phần trăm bầu thêm hai phó, như thông lệ cơ cấu, đều là nữ, cho nó đảm bảo nữ quyền. Hai lớp phó đều là lãnh đạo của hai nhà xuất bản thuộc loại ngoan nhất nước, hiền nhất nước, toàn in các văn bản pháp quy theo đơn đặt hàng, tức là thò tay biên tập một dấu phảy cũng đi tù liền! Công việc chính của Ban cán sự, như sau này ngẫm lại, là giục học viên nộp tiền học phí giúp Ban tổ chức.
Kiện toàn xong bộ máy, các nhân sự đứng lên ra mắt, cúi đầu chào, hứa hẹn học tập nghiêm túc, hứa hẹn đứng về phía quyền lợi của biên tập viên, thực chất cũng là những thợ thuyền, bày tỏ lòng biết ơn không lời nào diễn tả hết với cấp quản lý tổ chức ra lớp học, đặc biệt là Cục xuất bản. Đâu vào đấy xong thì cũng vừa đến giờ giải lao. Như thời trẻ con, cả lớp túa ra tìm nước uống, tán chuyện gẫu. Toa-let có ở bốn phía, rộng rãi, nhiều ngăn, tha hồ sử dụng, là điểm sáng đáng kể nhất, bởi có thể đái ỉa thoải mái mà không sợ ùn tắc. Loa lại ọt ẹt: “Đồng chí nào chưa đóng tiền thì nhớ đóng”-Đó cũng là điều hành đầu tiên của lãnh đạo lớp. Ai đó đã xì xào bàn chuyện bế giảng, lời cảm ơn viết sẵn từ giờ là vừa. Hương vị mắm tôm, giềng mẻ, bia hơi đã sực cả lên. Gì chứ thịt chó mắm tôm thì nhất định phải có.
Giờ lên lớp đầu tiên là của một đồng chí Cục phó. Đồng chí này trông mặt đúng chuẩn cán bộ Cục, cấp phó, tức là ra ngoài thì nói gì cũng được, còn về cơ quan thì nhớ nằm lòng là chớ có mở miệng mà cấp trưởng nện chết, chờ cấp trưởng qua đời rồi hãy tính!. Đồng chí Cục phó chắc lâu lắm mới có dịp đứng trước toàn cấp dưới, nên tinh thần thoải mái, động tác thuần thục, lời nói lưu loát. Đồng chí Cục phó dùng máy slide chiếu từng điều luật, chủ yếu là những điều luật gắn với thưởng phạt, lấy ra nguyên xi từ Luật xuất bản mà học viên nào cũng có một cuốn trước mặt, lên cái màn hình to tướng treo trên tường. Những dòng chữ như đập vào mắt, cận 10 diop cũng đọc tốt. Đồng chí thầy giáo Cục phó cầm đèn laze Trung Quốc, loại 10 ngàn bán ê hề ở chợ Lạng Sơn thấy bảo chiếu vào mắt mù luôn. Cả lớp hồi hộp nhìn theo cái chấm đỏ như máu chỉ vào từng điều, đến mỗi điều người chiếu lại quay xuống hỏi các anh chị có nhìn thấy rõ không?
Tất cả đồng thanh: Rõ ạ!
-Rõ rồi thì tôi nói luôn, từ hôm nay trở về trước, coi như xí xóa, còn từ hôm nay trở về sau, sai đâu phạt đấy. Vì đọc rõ các điều luật rồi nhé. Ví dụ, nếu sau lớp học này mà ai không có chứng chỉ, thì coi như không được ghi tên biên tập, tức là không được biên tập.
Có tiếng hỏi từ giữa lớp:
-Nghĩa là trước kia coi như bất hợp pháp ạ, còn từ nay mới hợp pháp ạ?
-Thế là hiểu nhanh đấy. Trước kia bất hợp pháp, từ nay về sau mới hợp pháp. Nhưng đấy là nói lý, về nguyên tắc, còn thực tế thì do điều kiện lịch sử cụ thể, nên đoạn trước xí xóa, không hồi tố.
Thầy giáo Cục phó nhìn cả lớp như muốn hỏi lại cho chắc: Rõ cả chưa, có ai hỏi gì nữa không? Sau một phút, thầy lại chuyển chấm đỏ ma quái sang điều luật khác. Mặc dù ai cũng có một quyển Luật xuất bản đặt trước mặt như đã kể, nhưng nhìn trên bảng, qua máy chiếu, lại do thầy Cục phó thuyết minh, có cảm giác nó mới đúng là luật. Vì nó rất đáng sợ.
Hú vía, thế mà suýt nữa thì không đi học.
Cho đến hết buổi chiều, kết thúc ngày học đầu tiên, mỗi người thấy vỡ ra nhiều điều, quan trọng nhất là từ hôm nay trở đi mình mới là biên tập, còn từ hôm nay về trước, là làm chui, làm lậu, là du thủ du thực đội lốt biên tập viên. Gần hết giờ, Ban tổ chức điểm danh bằng cách phát tờ phiếu, học viên ghi danh, kí vào rồi nộp. Ai không có tờ phiếu coi như vắng mặt. Mỗi học viên có quyền vắng tối đa hai buổi học, trong tổng số khoảng chục buổi. Vắng nhiều hơn số đó, coi như không đủ tiêu chuẩn để làm bài thi. Tức là học lại. Tất nhiên, như mọi thứ khác, có linh động, cơ chế thoáng với phương châm win-win: cùng thắng. Thị trường thông minh lắm!
Ban Tổ chức, qua Ban cán sự lớp tiếp tục nhắc các học viên hoàn thành thủ tục, trong đó thủ tục đầu tiên-tiền, vẫn là quan trọng nhất.
Đầu giờ của ngày học thứ hai, đã thấy loáng thoáng vài người vắng mặt, trừ khối học viên quân đội vẫn đều tăm tắp, quân không thiếu một người, tiền học không thiếu một cắc. Lại thông báo nộp tiền, nộp ảnh để làm chứng nhận tốt nghiệp. Sau đó một cán bộ pháp chế cấp cục, không rõ chức vụ, lên giải thích về các điều luật. Luật ghi nội dung thế này, nhưng phải hiểu thế nào cho đúng. Thầy sẵn sàng giải thích mọi thắc mắc. Loanh quanh vẫn là khoảng chục khoản, chủ yếu mang tính chế tài, gắn với thưởng phạt, phạt là chính. Sợ nhất là vi phạm nặng đến mức bị tước mất chứng chỉ. Thời gian xét cấp lại là 2 năm. Thời gian ấy đủ xong một kiếp cần lao còn chó gì mà mơ với mộng. Bỗng nhớ tên một bộ phim có lão sắp chết đói ăn một lúc bảy cái bánh bao, chết ngẹn. Phải sống, nhớ rồi! Thằng đó ngu quá, chắc chưa học lớp bồi dưỡng biên tập nên mới tống cả vào miệng ngần ấy cái bánh. Ai bảo!
Một ngày học giống như đi săn dế hồi bé. Giờ là tìm cách săn dế trong ngực áo người ngồi cạnh. Bằng mắt. Thích thật.
Cả ngày thứ ba và nửa ngày thứ tư, toàn phần dành cho nghiệp vụ. Có người ngủ chảy cả nước dãi xuống ngực, ướt nhẹp. Mà đấy là nghiệp vụ mang tính hàn lâm hẳn hoi. Nghĩa là giáo trình dạy trong trường đại học, khoa biên tập chính hiệu. Còn chệch đi đâu nữa. Thầy già con hát trẻ. Đằng này thầy còn trên cả già, già có mốc đồi mồi ở da vì thầy đã về hưu ngót chục năm. Nhưng kiến thức chuyên môn của thầy thì còn nguyên bản như lúc mới là thầy thực tập. Bằng cớ là thầy chẳng thèm nhìn vào sách, cứ nói vanh vách. Đầu tiên là định nghĩa. Phải thật bài bản. Cứ phải định nghĩa xong đã, nói gì hãy tính. Bao nhiêu năm chúng ta cứ mò mẫm mà vẫn không ra ngô ra khoai, cứ đầu dê mình bò là do chưa chịu định nghĩa cho chính xác. Thành thử râu ông nọ, cằm bà kia, người này bảo gà, người kia nói vịt, chỗ đường quang không đi, lại cứ đâm quàng vào bụi rậm rồi đổ lỗi cho nhau cứ loạn cả lên. Đầu tiên: Bản thảo là gì? Các anh các chị thử nói xem bản thảo là gì? Thôi, tôi nói luôn nhé. Bản thảo là…Tiếp: Biên tập là gì? Tiếp: Bản bông là gì? Tiếp: Bát chữ là gì, lỗi in bị ruồi là sao? Không biết chứ gì, nói luôn để nhớ nhé…
Cả một loạt câu hỏi mà bên dưới học viên không mấy ai biết nó là cái chết tiệt gì, trừ bản thảo thì ngày nào cũng vò cho nó nát như tương. Vì họ có biết bát chữ, nhổ chữ, đập bát chữ là gì đâu. Sau đó, hình như tưởng bên dưới là bọn học sinh quần thủng đũng, thầy nhiệt tình hướng dẫn từng li từng tí những thao tác biên tập. Đọc thì phải thế nào, sửa bản thảo thì phải thế nào, gạch phải dứt khóat, ký thì ký vào đâu. Đặc biệt là khâu tìm bản thảo. Thông thường, muốn có bản thảo thì phải chăm sóc cộng tác viên. Chăm sóc ghê lắm. Vì phần nhiều họ là những tài năng, những vì tinh tú của đất nước. Họ tài nên trái tính trái nết. Họ là nguyên khí nên thơm thối gì cũng không được sơ sài trong trao đổi, giao tiếp. Phải chiều chuộng họ. Phải hỏi han họ xem họ khó khăn gì để báo cáo lãnh đạo có biện pháp hỗ trợ. Ví dụ, chẳng may họ ốm thì mình phải qua thăm. Quà thì có thể chỉ cần mang cân cam, cân đường, nải chuối, chục trứng thôi nhưng nó khiến cộng tác viên gắn bó thủy chung, sống chết với mình. Khi có bản thảo lập tức họ nhớ đến người đã tận tình với họ. Phải hỏi xem họ đau ở đâu, đau thế nào-ấy mình cứ quan tâm chu đáo thế, không đi đâu mà thiệt cả các anh chị ạ.
Nghe thầy nói cứ như thương vụ săn hợp đồng xây dựng Nhà Quốc hội hay đài tưởng niệm nghìn tỷ gì đó. Bỗng một ai đấy rỗi hơi nói trộm vía thầy nhưng đủ to để mọi người nghe thấy:
-Bây giờ cộng tác viên đuổi không hết, khủng hoảng thừa thơ văn, còn hơn cả rác, muốn có giấy phép chả nịnh Biên tập quá nịnh bố…
Một giọng nhỏ hơn nhưng “đểu” hơn:
-Mẹ kiếp, không phong bì cho bố mày thì quên mẹ mày đi khẩn trương, chờ đấy mà cân đường hộp sữa!
Nghe học viên bịt miệng cười, thầy chột dạ, bèn nói chữa:
-Nói thật với các anh các chị, những điều này chính tôi cũng thấy không còn phù hợp. Đây là tài liệu cho nghề biên tập dạy sinh viên khoa xuất bản của Trung Quốc những năm sáu mươi, chúng ta dịch lại nguyên xi. Bên Tầu họ làm thế, bên ta cũng cứ thế mà làm, năm sáu chục năm rồi. Hồi ấy Tầu làm gì, ta làm theo, không sai một ly. (Có người đế lên: Bây giờ vẫn vậy!) Tôi biết là cũ lắm rồi. Lạc hậu lắm rồi. Tôi cũng về hưu lâu rồi. Mắt mờ chân chậm rồi. Khi Ban tổ chức mời, tôi có muốn nhận lời đâu, bởi những kiến thức này cổ lỗ sĩ quá rồi. Nhưng cán bộ tổ chức lớp cứ bám lấy nài nỉ, nên tôi đành nể mà nhận thôi. Anh chị nào nghe được thì nghe, không nghe cũng chẳng sao.
Tự dưng thấy thương thầy quá. Thầy già thế, con cháu đâu không báo đáp mà vẫn phải đi kiếm ăn khổ sở như vậy. May mà hình như thù lao cũng khá…

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và mọi người đang đứng

PHẦN CUỐI
Trước khi khép chuyện:
“Học và thi chứng chỉ biên tập” chỉ là phần VIẾT THÊM vào cuốn hồi ký LÁCH QUA LUẬT NGẦM, được tôi hoàn thành cách đây 3 năm, với gần 400 trang in, kể lại những chuyện cười ra nước mắt mà tôi trải qua suốt 20 năm làm biên tập sách. Tôi chưa muốn, chưa tiện và cũng chưa thể xuất bản tập hồi kí đó, hoàn toàn vì lý do gắn với một vài mối quan hệ cá nhân. Hy vọng sẽ có lúc nó đến tay bạn đọc.
______________________________

Nội dung thứ tư, là bài lên lớp cũng của một cán bộ Cục, cỡ trưởng phó phòng, kéo suốt cả ngày. Cô có khả năng phi phàm trong việc nhớ lỗi của các nhà xuất bản. Có cuốn sách bị cấm miệng từ hàng chục năm, vấn đề trong sách cũng lạc hậu quá xa so với hiện tại và so với chính tác giả, nhưng khi tác giả nhờ xin đăng kí tái bản làm kỉ niệm, cô vẫn nhớ ra nó từng bị cấm, thế là gạch cho một phát, lại còn gọi điện mắng người đăng kí. Mọi ngày thấy cô giáo cũng dễ nhìn, dễ gần, do mặt phúc hậu, hơi ngô ngố, tướng của người tốt bụng. Vậy mà chẳng hiểu sao bữa nay ngước lên nhìn mặt cô mà cứ thấy ghê ghê. Chỉ trong nháy mắt, từ một phụ nữ hiền hậu, cô vụt thành bà “mẹ chồng quốc dân” cay nghiệt. Lời cô chưa đến mức là gang là thép, nhưng cũng như phun ra đá sỏi! Cô nói ra rả, như ghi âm sẵn, về các loại lỗi mà biên tập thường mắc. Kính thưa các loại lỗi. Cơ man là lỗi. Có lúc cô muốn nói to lên, bằng thứ giọng cực kỳ bi thương để các học viên nghe mà thủng tai ra về lỗi. Trước kia không biết thì thông cảm được phần nào. Nhưng học rồi, phải biết mà tránh, cố để không mắc sai sót nữa. Trước kia chưa học bảo chưa biết, giờ học rồi, biết rồi thì phải chuẩn chỉ, vào khuôn vào phép. Nghe cô nói bằng thứ giọng đều đều, thấy dễ ngủ hơn là được nghe hát chèo.
Bài giảng của cô cũng coi như khép lại phần nhập môn cơ bản.
Viết thu hoạch lần một, coi như điểm điều kiện, do Cục chấm trực tiếp Còn ai khôn hơn được Cục trong chuyện nắm thóp cấp dưới. Thằng nào cứng cổ cứ chờ đấy, bài điều kiện Cục đang có trong tay đây. Cục cho qua thì được qua, không cho qua sẽ đánh trượt coi như hết cửa! Đề bài ra: “Theo anh chị, một biên tập viên cần phải có những phẩm chất gì?” Diễn nôm ra cho một học sinh lớp bốn thì sẽ thế này: “Thế nào là một đứa con ngoan, trò giỏi trong nghề biên tập?” Có người làm biên tập bạc đầu, có người đã gần xuống lỗ (những ông bà về hưu nhưng vẫn theo học để làm hợp đồng), lần đầu tiên phải nặn óc xem mình cần có phẩm chất gì khi cầm bút gạch, xóa, chủ yếu tìm xem bản thảo nào có ý hướng triết lý, cài cắm những ý tưởng sâu xa, nghệ thuật cao siêu… ít thì cắt xoẹt cho lành, nhiều quá thì gạt mẹ nó sang bên, đưa vào chỗ loại bản thảo “có vấn đề”. Không gì tiện bằng ‘có vấn đề”. Hết năm cho ra thùng rác. Làm thế chả chết ai, mà lại đúng một trăm phần trăm. Thiên hạ thêm một cuốn sách cũng chả hơn gì, nhưng mình mà mất việc thì coi như mất tất. Vợ bỏ, con ruồng, hơi chó đâu mà dại.
Vì thế, hầu hết trùng nhau ở ý chính: Phải có phẩm chất chính trị vững vàng. Không chệch hướng tí ti. Lạ thật, không ai hỏi ai mà hầu như đều nghĩ như vậy. Câu đó là bảo bối muôn đời không cũ. Đẻ ra đã có sẵn trên bàn, thay vì bình sữa. Cứ có phẩm chất chính trị vững vàng thì làm gì chả được. Nói như Mao, chỉ cần đọc Mao tuyển là một nông dân có thể cầm dao mổ người như mổ gà, biến cứt trâu non thành sữa ngon ơ.
Học viên cắm mặt viết rào rào, dãi xều cả xuống bài kiểm tra. Có người kéo một mạch tám trang giấy, ngang một báo cáo chính trị đại hội cấp Tỉnh.
Nội dung tiếp theo chứa đầy ắp trong hai bài nói chuyện của hai cán bộ lãnh đạo cao cấp đã về hưu, một hàm bộ trưởng, một hàm thứ trưởng. Vì đã hưu nên các thầy nói bạt mạng, không sợ mất chức, nhất là thầy hàm bộ trưởng, toàn những điều về phe với “địch”, về phe với nỗi khổ của biên tập viên, về phe với nông dân mất đất, đấu lại mấy ông lãnh đạo đương nhiệm máy móc, quen thói không quản được thì cấm. Năng lực kém chứ còn gì! Đó là do dốt chứ còn gì. Kém, dốt mới cấm bừa. Cứ như trước kia một mình thầy cô đơn giữa bầy sói do quá…giỏi! Vì thế, giờ thầy xả ra cho nhẹ khúc nhôi.
Thầy nhắc đi nhắc lại “kém chứ còn gì! Dốt chứ còn gì”, nghe mà thấy hả lây với thầy.
Thầy cựu thứ trưởng thì nhẹ nhàng hơn, gần hơn. Thầy vốn là người hài hước, khi còn ở địa phương bị các đồng chí đánh cho sủi bong bóng mũi chỉ vì muốn loại trước một đối thủ nặng kí nên thầy phải chạy về Kinh thành nương náu mấy đàn anh. Nhưng thầy vẫn quen nghĩ thoáng nên những gì chia sẻ mang tinh thần tâm sự là chính. “Các anh các chị nên biết, không phải lúc nào cấp trên cũng đúng nhé!” Thầy bảo nhiều quy định trong Luật xuất bản không ai hiểu nổi. Vớ vẩn. Tù mù. Máy móc. Đánh đố. Nền xuất bản không xuống hố mới lạ! Mọi người tin thầy vì biết rõ lúc đương quyền thầy cũng có được thực thi hết quyền đâu. Vì thế, có thể xem thầy cũng là một thứ nạn nhân của cơ chế. Còn thầy cựu bộ trưởng thì vẫn “thói nào tật ấy” chém gió lên mây xanh. Thầy chủ yếu nói về công lao cởi trói báo chí khi đang tại vị. Thầy cởi chứ ai vào đấy nữa? Thầy tiện thể đả lại không thương tiếc một số quan điểm cứ thấy ai cũng nghi là địch, đòi kiểm soát. Thế thì cả nước này là địch hết? Học viên vỗ tay rầm rầm tán thưởng. Thầy thanh minh là mình biết chuyện khó dễ trong xuất bản lâu rồi, nhưng chỉ có điều bây giờ thầy mới được nói công khai để mọi người biết, chứ lúc tại vị thầy chịu nhiều tiếng oan lắm. Tinh thần là thế. Sau một hồi hùng biện, phần còn lại, chủ yếu thầy cựu thượng thư bộ Lễ kể về kỉ niệm làm việc, kỉ niệm những lần gặp ông nọ bà kia và thấy cũng….thường thôi, “tưởng ghê lắm nhưng cũng thường thôi”-thầy nhấn mạnh. Rồi là những lần đi công tác, những lần cãi nhau trong các cuộc họp, những lần do ăn nói duyên dáng, hóm hỉnh, thẳng thắn mà được các em thích, những kỉ niệm riêng tư liên quan đến nghề biên tập. Có cả chuyện tiếu lâm nhắc đến chim bướm, núi đôi, khe rãnh; có cả ý tứ úp mở chuyện kia, chuyện ấy, chuyện đó, vui và bổ ích vì không ngủ gật. Nhiều câu pha trò theo kiểu nói tục nhưng ý thanh, khiến cả lớp cười ồ, xả hết stress của mấy ngày học trước độc tố tích tụ đầy lục phủ ngũ tạng. Mọi người không nói ra nhưng đều ngầm nhất trí, giá kể thầy cựu bộ trưởng, lúc tại vị, thay vì nói nghị quyết như phun gang nóng, cứ bỗ bã chim cò, mèo chuột, giường chiếu, ỡm ờ thế lại văn hóa chính hiệu! Hơn đứt thứ văn hóa giả cầy mà thầy ốp anh em theo lòi tĩ ra suốt mấy năm ở vai Bộ trưởng.
Nội dung tiếp theo của chương trình tập huấn chủ yếu để học viên biết xung quanh mình nhiều kẻ thù như thế nào mà tránh, kẻo bị lợi dụng. Buổi sáng là bài giảng của một “gà sống thiến sót” chuyên món tư tưởng lẩu thập cẩm-nói bỗ bã theo kiểu anh em. Thầy chức vụ phó, chuyên đánh chó đuổi gà, nói như ngôn ngữ lính. Ở cơ quan, thầy cũng thuộc loại “hạt lép”, vì ngước lên là vấp những quan to hơn ngồi chồm hỗm năm này sang năm khác, máy ủi cũng chịu. Thầy cũng thuộc diện biết quyền biến nên mới sống được với lũ lá mặt lá trái nhiều nhan nhản từ cổng cơ quan trở vào. Còn ở lớp biên tập này, đứng trên bục giảng, có cái mác chuyên tư tưởng, thầy thành ra quan trọng. Có cảm giác cái gì trên đời thầy cũng thông tỏ. Thầy bảo: Mỹ ngu nhất, rồi mới đến vài chục thằng khác trước khi kể ra tên thằng Tầu. Tầu xấu, thâm như dái thằng đánh dậm – dân gian ví chứ không phải thầy – nhưng tư tưởng tốt. Giống ta. Mỹ tốt nhưng tư tưởng có vấn đề. Giữa bối cảnh đó ta sẽ phải chọn ai? Các đồng chí tự đưa ra câu trả lời. Ta phải kiên định, phải chống diễn biến hòa bình, chống tự chuyển hóa, phải cảnh giác cao độ với các thế lực thù địch. Bọn này nhiều như trấu! Vừa rồi, nhân lúc chúng ta bận trăm công ngàn việc, chỉ sểnh mắt ra là kẻ thù vác quả bom nguyên tử Trại súc vật đến khủng bố. Nó là ví dụ không bao giờ cũ về sự yếu kém chính trị của biên tập viên, thái độ vô trách nhiệm của người đọc duyệt và nói chung là do thiếu bản lĩnh, bị tha hóa, bị diễn biến…
-Đấy là một thất bại về mặt an ninh-Thầy nói nghiêm khắc- tôi bảo thẳng ra như vậy với các bộ phận chuyên môn. Đừng có chủ quan! Chúng nó phục sẵn mấy chục năm nay, nửa thế kỷ nay. Nói thế để không phút nào được mất cảnh giác. Phải kiên định thôi, không có cách nào khác. Đừng tưởng đưa quân áp sát biên giới, đặt giàn khoan mới là nguy hiểm cho đất nước. Cho in và lưu hành Trại súc vật cũng tạo nguy cơ mất nước không kém. Bọn chó, lợn, ngựa, lừa xưng hô với nhau đồng chí, là nhằm vào ai? Nhằm vào ai? Thầy gần như hét lên nhưng mặt tỉnh bơ. Đây là cả một câu hỏi cần phải có ai đó trả lời.
Nghe nói luận văn tiến sĩ của thầy cũng nguyên một giọng như vậy. Trong Trại súc vật có một nhân vật giống lợn, chuyên chế ra những câu nịnh thối, tên là Út Em, tác giả của bài thơ ca ngợi Nã-phá-luân, trộm vía thầy, đ.mẹ, sao mà thấy giống thầy quá đi mất, giống từ cái lỗ chân lông…
Nghe thầy giảng, biết tôi biên tập cuốn đó, một cậu bên cạnh thì thầm: “Yên tâm đi, sang Mỹ thầy sẽ nói khác cho mà xem, thầy sẽ khoe chúng tôi tự do ngôn luận đến mức in cả Trại súc vật, coi Trại súc vật là một cuốn sách tốt để phản tỉnh”.
Buổi chiều, viết thu hoạch lần hai, lấy điểm chính thức về chuyên môn. Lại có người kéo tới cả 10 trang giấy, trong khi câu hỏi chỉ khoanh trong phạm vi kiến thức độ nửa trang là đủ. Viết nhiều yên tâm. Nếu vì nóng nôi mà thầy chấm không đọc, cũng cho 5 điểm an toàn. Mà chỉ cần 5 điểm là pass. Còn nếu thầy nghĩ xa nghĩ gần có thể tương luôn cho con 10, có thành tích mang về cơ quan lĩnh thưởng.
Nội dung tiếp theo là bài giảng của một tướng công an, về các thủ đoạn tinh vi nhằm diễn biến hòa bình trong xuất bản. Tinh thần của bài giảng là về cơ bản thì công an với các nhà văn, các biên tập viên là bạn, là chiến hữu, là đồng đội, đồng chí trên một chiến hào, vì cùng ra sức bảo vệ chế độ. Chỉ do quan điểm lập trường người này người kia không vững, mất cảnh giác, bị kẻ địch lợi dụng bằng đủ các thủ đoạn, nên mới xảy ra một số vụ việc đáng tiếc thôi. Còn nói chung là tốt, là đồng chí mình cả. Bên an ninh luôn thấu hiểu, có chấn chỉnh thì cũng chỉ giơ cao đánh khẽ, bảo nhỏ nhau là chính. Thầy miệng nói miệng cười, mắt tít lên như đĩ giai, thân ái, duyên dáng, đầy tinh thần bạn bè.
Tự dưng cồn cào mong cho thầy lên đại tướng quá.
Trước khi vào làm bài thi cuối khóa, lớp có một buổi trống giờ, vì thầy Cục trưởng bận giải quyết vụ sách lậu không đến được, nên học viên tha hồ thảo luận, bàn bạc còn ban tổ chức thì thu nốt tiền học phí. Chợ chiều bao giờ cũng vui. Chủ đề nóng nhất là bia hơi thịt chó chia tay. Cuối cùng đi đến thống nhất cao là ai có nhu cầu thì tự làm nhóm với nhau mà oánh chén.
Làm bài kiểm tra cuối khóa, coi như bài thi. Có người viết kín đặc 12 trang giấy, chữ nhỏ và thẳng tăm tắp, thể hiện một nội dung chỉ cần 5 cái gạch đầu dòng cũng đã quá nhiều.
Kết quả: Nhà xuất bản Hội nhà văn có 4 người đi học thì trượt cả 4, ngay từ bài điều kiện do Cục chấm! Vậy là làm biên tập viên lõi đời vẫn không biết phải có những phẩm chất gì! (hai bài do Trường Bồi dưỡng cán bộ trung ương chấm thì cả 4 đứa điểm cao chót vót, có lẽ nhờ viết ngắn không làm khổ thầy!) Bốn đứa viết gần giống nhau, vì có muốn viết khác cũng không được, nhưng bị quy cho phạm 4 lỗi khác nhau? Tôi bị Cục phê LẠC ĐỀ? Bài “điều kiện” rớt, coi như rớt cả khóa học. Chứng chỉ học nghề do Trường Bồi dưỡng cán bộ Trung ương cấp, nhưng ai được cấp hay không thì lại do Cục quyết định. Không có chứng chỉ học nghề, thì cũng chấm hết việc cấp Chứng chỉ biên tập. Sau mấy tháng, chả hiểu tác động từ đâu, Cục thông báo chỉ 3 người kia chính thức “lưu ban” chờ học lại, còn tôi Cục cho pass! Chứng chỉ học nghề, Chứng chỉ biên tập của tôi gửi về theo đường công văn, với chỉ tên thật được chấp nhận, tức là phải bỏ đi cái tên Tạ Duy Anh, từng gắn với tôi lúc 20 tuổi, là tên tác giả của gần 30 đầu sách, chưa kể mỗi năm có không ít hơn sáu triệu học sinh lớp sáu, cùng khoảng ấy học sinh lớp bốn nhắc đến như một cách thức làm bài cô cho về nhà ròng rã 20 năm. Nó cũng là cái tên tôi dùng cho ngót nghìn bài báo. Nhưng nó bắt buộc phải biến mất. Để thật ăn chắc là nó bị loại, bị tống vào quên lãng sau 15 năm xuất hiện trong mục người biên tập trên khoảng 3000 ấn phẩm, Cục xuất bản In và Phát hành ra công văn (xem ảnh), chính thức yêu cầu xóa hẳn cái tên Tạ Duy Anh khỏi mục NGƯỜI BIÊN TẬP mà trên trang thông tin cá nhân tôi gọi là NHÂN VIÊN NHẶT RÁC.

Không có mô tả ảnh.

Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Nguồn: FB Tạ Duy Anh: PHẦN MỘT, PHẦN HAI, PHẦN CUỐI.

Comments are closed.