Nguyên Ngọc thuật
Theo Le Nouvel Observateur
Ba năm sau khi đoạt giải Goncourt, giải thưởng văn học danh giá nhất của nước Pháp, với tiểu thuyết Bài thuyết giáo về sự sụp đổ của thành Rome, Jérôme Ferrari dành cuốn sách mới của mình để viết về tấn kịch bi tráng và thăm thẳm của nhà vật lý thiên tài người Đức, Werner Heisenberg, nhà cơ học lượng tử tiên phong, người đã phát hiện ra Nguyên lý Bất định, làm đảo lộn toàn bộ quan niệm của chúng ta về vũ trụ. Cũng là người, khi chế độ phát xít Hitler lên cầm quyền ở Đức, đã quyết định ở lại Đức để mong còn giữ được “một ốc đảo ổn định”, về sau sẽ từ đó khôi phục nền khoa học Đức khi chiến tranh đã đi qua; song rồi lại là người đứng đầu chương trình Uranium, dự án làm bom nguyên tử cho phát xít Đức ngay giữa chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Werner Heisenberg
Jérôme Ferrari
Cuốn tiểu thuyết mới của Ferrari, có tên là “Nguyên lý”, được viết theo lối người kể chuyện nói với nhân vật của mình và vừa lịch sự vừa lạnh lùng gọi anh ta là “ông”.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1924 ở Helgoland, một bán đảo xa xôi trên vùng Biển bắc. “Năm ấy ông hai mươi ba tuổi và chính ở đấy, trên hòn đảo hẻo lánh nơi không một bông hoa nào nở được, lần đầu tiên ông đã ghé nhìn (trộm) qua vai của Thượng đế”. Và nhận ra, gần như bằng một trực cảm thần bí, bên dưới “cái vỏ bề ngoài vật chất mong manh của các sự vật”, kỳ thực là những gì không thể mô tả được bằng ngôn ngữ của loài người. Nguyên tử, ngược với điều ta thường giải thích cho trẻ con, không phải là một hệ mặt trời thu nhỏ trong đó các điện tử đáng yêu quay một cách bình yên trên các quỹ đạo trơn tru của chúng quanh hạt nhân hiền lành”; mà, theo lời Heisenberg, ở đấy là “một tích tụ của vô nghĩa”, nơi “vận hành của tư duy trở nên đau đớn một cách vật chất”.
Ba năm sau, 1927, Heisenberg công bố “nguyên lý bất định”, theo đó ta không thể biết được cùng một lúc vận tốc và vị trí của một hạt. Hay để phát biểu một cách rõ hơn và tốt hơn về sự kỳ lạ của khám phá này: nếu ta tìm cách đo vận tốc của một hạt, thì hạt đó sẽ không có vị trí; và ngược lại.
Những nền tảng của của cơ học lượng tử kỳ bí đã được thiết lập: ở cấp độ hạ nguyên tử, trực giác của chúng ta trở nên vô hiệu; không còn có thể phân biệt đối tượng được đo với người quan sát đo đối tượng ấy.
Năm 1932 Heisenberg được trao giải Nobel về vật lý. Với cú nhảy vào trừu tượng này, ông là người đầu tiên hiểu rằng nhân loại người đã bước đến ngưỡng cửa của một nền vật lý mới. Bấy giờ, một số người còn nghĩ thì vẫn là những đối tượng ấy của vật lý cổ điển thôi, chỉ đơn giản có gì đó hơi lạ hơn đôi chút. Heisenberg bảo không, đây là những đối tượng hoàn toàn khác. Nhưng làm thế nào mô tả được chúng? Biểu đạt có tính thơ về nguyên tử là hết sức quan trọng. Nhà vật lý Schrödinger đề nghị chẳng hạn hình ảnh “bó sóng”. Theo Schrödinger cách biểu hiện ấy đẹp hơn, nên (có thể) cũng đúng hơn…
Số phận thật kinh hoàng. Năm 1933, chỉ một năm sau giải Nobel lừng lẫy của Heisenberg, Hitler lên cầm quyền ở Đức. Phần lớn các nhà bác học Đức, trong đó có Albert Einstein, đã bỏ nước ra đi. Heisenberg đứng trước câu hỏi bức bách: Đi hay ở lại, tiếp tục cuộc tìm kiếm say mê mà đau đớn bản chất của hiện thực, đi vào cõi không cùng kỳ lạ của thế giới hạ nguyên tử mà ông đã được hé thấy và chăm chăm muốn biết cho đến tận cùng? Ông hỏi ý kiến Max Plank. Max Plank bảo: ”Nếu anh rời được nước Đức, […] anh sẽ tránh được hiểm nguy, và, sau khi đại họa này đã qua, nếu anh muốn, anh có thể trở về; lúc ấy lương tâm anh sẽ yên ổn, bởi vì anh không hề đồng lõa với những kẻ hủy hoại nước Đức. […]
Ngược lại nếu anh không từ chức và ở lại đây, thì trước mặt anh sẽ là một nhiệm vụ có tính chất khác hẳn. […] Trước hết, điều tôi đang nói đây liên quan tới việc khôi phục lại nền nghiên cứu khoa học của nước Đức trong tương lai. Nhưng vì không ai biết khoa học và công nghệ sẽ đóng vai trò như thế nào trong thế giới tương lai, nên điều đó có thể trở nên quan trọng trong cả những lĩnh vực khác rộng lớn hơn nữa. Tôi nghĩ tất cả những ai có thể làm được một điều gì đó ở đây, và – đặc biệt vì những lý do chủng tộc – không bị buộc phải di tản, thì nên cố ở lại để chuẩn bị cho một tương lai xa hơn.”
Heisenberg đã nghe theo lời khuyên của vị quân sư. Ông ở lại, trong một nước Đức đang từng ngày phát xít hóa. Trong cuốn sách tự thuật “Bộ phận và Toàn thể” viết năm 1941, ông thổ lộ: ”Nhiệm vụ này buộc tôi phải chấp nhận những hành vi đồng lõa không thể tránh, với nguy cơ sẽ bị trừng phạt một cách xứng đáng mai sau; nó có thể còn đưa tôi đến những điều tệ hại hơn. […] Tôi biết con đường này sẽ còn đưa tôi đến những đâu.”
Con đường ấy, như chính Heisenberg biết rõ, đã đưa ông đi rất xa. Hầu như chắc chắn, nó sẽ dắt ông tới đồng lõa với tội ác. Năm 1939, ông bị gọi nhập ngũ, và buộc phải làm việc cho chương trình Uranium, tức dự án “nghiên cứu những ứng dụng công nghệ năng lượng nguyên tử”. Ông hiểu ngay mục tiêu của nghiên cứu này là quả bom giết người ghê gớm nhất xưa nay chưa từng có… Năm 1945, khi quả bom nguyên tử Mỹ (do Einstein và các đồng nghiệp đã di tản sang phương Tây chế tạo trong chương trình Mahattan) được ném xuống Hiroshima, kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai, thì Heisenberg đã bị quân Đồng minh bắt và giam tại Farm Hall ở Anh, cùng các đồng nghiệp đã tham gia chương trình Uranium. Ông kinh tởm trước tin Hiroshima bị hủy diệt vì bom nguyên tử Mỹ, nhưng vẫn chạm tự ái vì đã bị người khác vượt lên trước mình trong cuộc chạy đua chế tạo ra trái bom hủy diệt này.
Heisenberg có thực sự định làm bom nguyên tử cho Hitler không? Về sau ông giải thích với những người bài xích ông: mục tiêu nghiên cứu của ông chỉ là chế tạo một lò phản ứng năng lượng… Song lại có chuyện nhập nhằng. Năm 1941 có một cuộc gặp gỡ giữa ông với người bạn cũ là nhà vật lý Đan Mạch Niels Bohr. Niels Bohr nhớ rõ kỷ niệm về một Heisenberg rất quyết chí vượt qua các trở ngại kỹ thuật còn ngăn cách ông tiến đến quả bom sẽ phun ra cây nấm tận thế. Cuộc găp gỡ nổi tiếng này, đã thành đề tài cho nhiều cuốn phim và nhiều vở kịch, rất tiêu biểu cho tình thế phức tạp của vụ việc này.
Còn Heisenberg thì kể trong hồi ký của ông: “Tôi cố nói cho Neils hiểu về nguyên tắc có thể làm ra những quả bom nguyên tử, rằng việc đó đòi hỏi những nỗ lực khổng lồ về công nghệ, và các nhà vật lý chúng ta phải tự hỏi chúng ta có quyền làm việc cho vụ này không. Khốn nỗi, ngay khi tôi vừa đề cập tới chuyện về lý thuyết có thể chế tạo ra bom nguyên tử, Neils đã quá hoảng sợ đến mức ông không còn hiểu gì về điều tôi muốn nói với ông nữa […]”.
Nhà văn, cũng là nhà vật lý nổi tiếng Étienne Klein quả quyết: “Heisenberg muốn làm bom, rất rõ ràng như vậy rồi. Ông ta đã không làm được chỉ vì một nhầm lẫn về tính toán…”. Klein nói: “Heisenberg bảo ông hy sinh, chấp nhận nguy cơ phạm tội tày trời không thể tha thứ, để mong sẽ xây dựng lại thế giới; nhưng ông lại lao mình vào cuộc hủy hoại nó. Nước Đức phát xít đã có thể vận hành được là vì lớp người tinh hoa của nó đã chọn ở lại để phục vụ nó, và câm nín những bất đồng của họ. Có những người khác đã không làm như vậy, như nhà bác học Hans Euler, được Heisenberg mời tham gia chương trình Uranium, đã từ chối, chọn gia nhập không quân, và năm 1941 đã tự sát ngay trong chuyến bay đầu tiên”.
Quả đúng như vậy, Ferrari trả lời Klein. Song đồng thời, Heisenberg đã thực sự tham gia vào công cuộc phục hưng nền đại học Đức sau năm 1945. Đấy là một sự thực : ý đồ của ông không hoàn toàn vô dụng. Khi người ta ở ngoài cuộc thì sự việc thật đơn giản. Có những số phận anh hùng và những số phận bỉ ổi. Nhưng giữa hai cái đó, nơi đa số nhân quần vẫn sống, các sự vật lại không rõ ràng bằng. Điều khiến tôi ấn tượng ở Heisenberg chủ yếu là một nét cực đoan về lý tính: ông có một năng lực gần như bệnh hoạn xem xét một vấn đề dưới một góc độ, rồi dưới góc độ ngược lại, rồi lại dưới góc độ ngược lại góc độ ngược lại kia, cứ như thế cho đến mức không còn có thể có quyết định nào cả. Trong hồi ký “Bộ phận và Toàn thể”, ông dứt khoát chống bọn phát xít, nhưng lại không thể ghét họ. Ông gọi họ là “những người trẻ tuổi đáng yêu kia”!
Vậy là một thế kỷ sau cuộc cách mạng lượng tử, văn học Pháp tự đặt mình vào thời đại lượng tử. Étienne Klein gọi các nhà nghiên cứu ấy là “những nhân vật tiểu thuyết. Chỉ trong mấy năm họ đã sáng tạo nên tất cả. Có điều rất hay là ta lại có thể tìm thấy tiểu sử, hay số phận của họ ngay chính trong những lý thuyết của họ […] Heisenberg giống với nguyên lý bất định của ông đến lạ lùng”.
Nhà văn Philippe Forest thì viết: “Vật lý lượng tử mang lại cho diễn từ khoa học một tính chất thực sự chóng mặt, nó tương đồng với tình trạng của ý thức chúng ta về thế giới… Thế giới hạ nguyên tử cứ như cưỡng lại mọi hình thức biểu hiện lý tính. Từ đó nảy sinh mọi loại câu hỏi về chính định chế của hiện thực, về năng lực của chúng ta hội giác hiện thực, về ý định của chúng ta muốn có được những diễn ngôn về ý nghĩa của hiện thực. Nhà bác học và nhà văn đứng trước thế giới như đứng trước một ẩn ngữ mà mình không biết được từ cuối cùng.”
Còn Jérôme Ferrari, trong tiểu thuyết “Nguyên lý”, thì xử lý nhân vật Heisenberg của ông giống như một nhà khoa học quan sát một hạt cơ bản trong phòng thí nghiệm. Theo rõi chuyển động kéo ông ấy đến sa ngã đạo đức, ta sẽ không biết chút gì về vị trí của ông ấy. Còn như muốn xác định vị trí của ông ấy, thì sẽ không thấy được vận tốc rơi xuống địa ngục của ông ấy. Tâm trí của ông ấy, giống như thế giới hạ nguyên tử, là bất khả hiển lộ, đầy mâu thuẫn, không thể quy giản ông ấy vào những ham muốn nguyên nghĩa, nguyên khối, như quy giản các nguyên tử thành những khối cầu rất đỗi trơn tru mà ta vẫn cắt nghĩa cho trẻ con.
Ferrari đã nung nấu cuốn sách của ông từ nhiều năm. Ông nói rõ ý đồ ban đầu của ông không hề mang tính chính trị. “Trong khi viết, tôi bị lôi cuốn bởi câu chuyện về việc làm bom nguyên tử. Nhưng rồi tôi chủ yếu muốn viết về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và hiện thực. Những nghịch lý của vật lý lượng tử là do từ chỗ nhận thức của chúng ta về thế giới được cấu trúc bằng các khái niệm ngôn ngữ, là cái ta không thể cải thiện, song chúng lại không thể áp dụng cho thang độ này (của thế giới hạ nguyên tử)… Qua nhân vật Heisenberg, văn học có thể nói lên được sự đóng góp cơ bản của khoa học lượng tử vào tiến hóa của nhân loại: nó làm đảo lộn cho đến tận nhưng cách thức hội giác hiện thực của con người. Nhòm trộm qua vai Thượng đế, các nhà khoa học ấy muốn hiểu cho đến tận cùng của sự vật. Dự án ấy của họ, theo họ còn đẹp hơn tất cả những gì ta có thể hình dung. Xứng đáng để hy sinh đến mức chấp nhận phạm tội… Họ đã đi đến chỗ ngôn ngữ chạm tới những giới hạn của nó. Họ khai phá một lĩnh vực kỳ lạ một cách căn bản cho đến nổi chỉ có thể gợi lên ý niệm về nó bằng các ẩn dụ, hay bằng lối trừu tượng của diễn ngôn toán học, kỳ thực cũng là một thứ ẩn dụ. Họ phải không ngừng tái tạo lại định nghĩa thế nào là “hiểu” […] Họ hiểu những gì đối với đa số người là bí mật. Nhưng họ không hiểu họ không còn làm chủ được số phận của họ nữa. Họ không hiểu thế nào là thua cuộc bởi vì, về căn bản, họ thậm chí không hiểu họ đã thất trận. Không, những điều đơn giản nhất họ không hiểu.”
Tuy nhiên, sau khi bị quân Đồng Minh bắt năm 1945, rồi được thả, Heisenberg lại tiếp tục công cuộc mải mê hội giác sự phức tạp của thế giới của ông. Ông đổi mới các mô hình phân tích bằng cách kết nối những yếu tố cho đến nay vẫn rời rạc. Ông nêu bật sự gắn kết khắng khít của chúng. Theo Heisenberg, công nghệ cho phép một kiểu thâm nhập mang tính sinh học của con người vào toàn bộ vũ trụ. Và trong cái thế giới ấy, nơi do sự kiện đó, thường trực phải đối diện với chính mình, con người bị tước sạch hy vọng…
Và tất cả đều không thể diễn đạt được bằng ngôn ngữ của loài người.
Nói về cuộc gặp gỡ nổi tiếng với Neil Bohr, trong Hồi ký của mình Heisenberg còn kể: Họ cùng đi dạo, đánh bài poker, chơi nhạc, thảo luận về siêu hình học… Một buổi tối, Bohr rửa bát và nói: “Chuyện rửa chén bát cũng giống như chuyện ngôn ngữ. Ta có nước rửa chén bẩn và dẻ lau cũng bẩn, vậy mà lại vẫn rửa sạch được đĩa và cốc”.
Jérôme Ferrari đồng tình: “Ngôn ngữ là một công cụ tồi mà ta buộc phải sử dụng cho một nhiệm vụ bất khả thi. Đấy là một minh họa hiển nhiên cho cái điều vẫn gọi là văn học.”