Trò Chuyện với Ngu Yên

clip_image002

Kỳ 8 – Độc Quạnh

Trần Vũ: Đọc hai bài thơ gần đây của anh, Vùng đất đó bao giờ có sao chổi? Độc Quạnh, hai tựa đề thật hay, nhất là Độc Quạnh mà âm tiết vây lấy người đọc như một tấm lưới… Tuy nhiên, khi bước chân vào lãnh địa của hai bài thơ này, là một choáng váng. Không duy nhất mất phương hướng, khiến phải đặt câu hỏi “Gì đây? Văn bản hay thi bản?”, mà còn giống như người đi nghe nhạc, tin đi nghe concerto nhưng kỳ quặc là được trao một bản nhạc lý với đầy các khóa Sol, Do, Fa, với La thứ, Si giảm nhưng không âm thanh. Phải cố gắng lắng nghe những âm vực vô hình. Và người đọc khó mường tượng vì phải nghe bằng lý trí thay vì cảm xúc. Tôi hiểu anh phá bể khổ thơ niêm luật, phá bể các thể thơ truyền thống rồi đem trộn với văn xuôi, cà nhuyễn ra cho không còn một chuẩn mực nào giúp phân định.

Một chọn lựa độc đáo! Nhưng tôi không chắc là một chọn lựa thỏa đáng. Vì anh tuy vô cùng can đảm đã tước hết ngữ điệu, nhạc tính của thơ, là phần gân tủy của thi ca, đã cùng lúc xô đẩy người đọc ra sàn nhảy không điệu kèn blue của nhạc công, khiến người đọc phải tự dọ dẫm bằng chính đôi chân của mình trên một vùng đất hoang dã không bảng chỉ đường, không điệu jazz nhún nhảy dìu dắt. Do vậy, vô cùng khó để theo anh. Một khó khăn kinh hoàng vì là một văn bản dài mà phải đọc như đọc thơ thất ngôn tứ tuyệt, phải tìm tứ, tìm nhân sinh quan, tìm câu luận như trong thơ Đường luật rồi cùng lúc phải cất cánh bay như thơ tự do, trong lúc nhìn mặt chữ, rõ ràng là văn xuôi. Mà là văn xuôi không nhân vật, không đối thoại, không tình tiết lãng mạn, không cảm xúc, mà toàn những câu hỏi tra vấn…

Anh muốn phá tung gì?

clip_image004Ngu Yên: Cái lý do mà thơ càng ngày càng ít được yêu chuộng, vì nó là thơ. Cái lý do mà văn được yêu chuộng hơn thơ, vì nó là văn. Điều này cho thấy, đã đến lúc thơ cần phải thay đổi để sinh tồn và thích hợp với sự phát triển của nghệ thuật. Sự thay đổi này cũng là căn bản của nghệ thuật. Nghệ thuật của quá khứ dành cho người thưởng ngoạn. Nghệ thuật dự phóng (tương lai) là chọn lựa của sáng tác. Tôi bắt đầu trả lời phần này bằng sự khẳng định: “Sự khám phá về sáng tạo nghệ thuật cần thiết hơn thỏa mãn nhu cầu sáng tác.” Tôi biết, sẽ có nhiều người không đồng ý. Nhưng xin cho phép tôi đứng ở một vị trí rõ rệt, mới có thể trả lời câu hỏi khó của anh Trần Vũ.

Đầu tiên hết, “văn bản hay thi bản“, thơ đã ở trong một khung thơ quá lâu. Đa số người đọc lẫn người viết cho rằng thơ là “….”, cho dù đa số sáng tác đều biết thơ không thể mãi mãi là “…”. Câu hỏi, đến khi nào thơ mới là cái khác hơn?

Thơ muốn khác hơn, thơ phải vượt qua biên giới của người ta đặt mốc vây quanh. Như Thơ Mới vượt qua thơ cũ, như thơ tự do vượt qua Thơ Mới. Thơ giáp biên với văn xuôi. Vượt qua được chăng? Đương nhiên là được. Vấn đề là vượt cách nào?

Sự phân biệt văn bản và thi bản là sự phân biệt của quá khứ. Thưởng ngoạn đang giữ chặt sự phân biệt này. Sáng tác tự hỏi, đã đến lúc thay đổi sự phân biệt chưa? Không thể có câu trả lời nhanh. Cần có thử nghiệm và trả cái giá thử nghiệm đó. Hai bài thơ Độc Quạnh Vùng Đất Đó Bao Giờ Có Sao Chổi nằm trong hành trình phá biên giới.

Nghe bằng lý trí hay bằng cảm xúc…” Tôi nghĩ, không phải chỉ phá biên giới, hãy tiến và xây dựng thêm “huyền thoại” về cảm xúc. Thưởng ngoạn và sáng tác của thơ Việt, đa số theo truyền thống tình tự, tin rằng cảm xúc đến từ tình cảm. Cảm xúc này là động cơ sáng tác thơ và tìm đến thơ. Buồn bã, thất vọng, đau khổ sinh ra cảm xúc, cho phép tôi ví như chạm tay vào sức nóng, càng phỏng càng cháy càng cảm giác cảm xúc; cảm xúc thường được xem là cảm xúc của con tim. Càng nhiều cảm xúc, càng có cơ hội hay. Điều này đúng nhưng thiếu.

Trong khi, đọc một tư tưởng hay, nghe một lời nói ý nghĩa, trầm tư theo luận lý thâm sâu, cũng nảy sinh cảm xúc khoan khoái, sung sướng, hoặc bàng hoàng trước sự sáng lạn, khai mở của trí tuệ. Cảm xúc của trí tuệ ví như ánh sáng, chiếu lên những tối tăm, cho tầm nhìn rõ hơn, thật hơn. Cảm xúc này cũng là động cơ để sáng tác và thưởng ngoạn. Cảm xúc nóng, hết nóng, có thể có sẹo, nhưng không còn cảm. Cảm xúc sáng dù hết, trí nhớ vẫn lưu giữ những gì đã thấy nhờ ánh sáng soi rõ. Người Việt quan tâm hiểu biết của trí tuệ nhưng lơ là với cảm xúc của trí năng. Thần học nói về mặc khải, cảm xúc trực giác. Nietzsche nói về giây phút ông khám phá ra ý niệm Siêu Nhân, cảm xúc trí tuệ. Chỉ có điều là người Việt chưa quen. Dĩ nhiên, sáng tác và thưởng ngoạn cảm xúc từ tư tưởng đòi hỏi những điều kiện của nó. Độc QuạnhVùng Đất Đó Bao Giờ Có Sao Chổi không có nhân vật nào, chỉ có những ý nghĩ thầm kín của người nào đó, không hẳn hoàn toàn là của tác giả vì chính ông ta cũng vay mượn ý nghĩ và luận lý của người khác. Những ý nghĩ thì thầm này hướng về tâm sự, ưu tư, hoài nghi, băn khoăn nhưng không chỉ tâm tình, còn có dữ kiện, có nghiên cứu, có bình luận… Việc này dẫn đến sự mở rộng nội dung và cách diễn đạt của thơ.

“... một văn bản dài mà phải đọc như đọc thơ thất ngôn tứ tuyệt, phải tìm tứ, tìm nhân sinh quan, tìm câu luận như trong thơ Đường luật rồi cùng lúc phải cất cánh bay như thơ tự do, trong lúc nhìn mặt chữ, rõ ràng là văn xuôi. Mà là văn xuôi không nhân vật, không đối thoại, không tình tiết lãng mạn, không cảm xúc, mà toàn những câu hỏi tra vấn…” Tôi nghĩ trong khung thơ quá khứ, thơ không có những điều văn xuôi có, như nghiên cứu, toán học, phê bình và luận lý… Thơ có loại luận lý riêng: Trực giác và mơ tưởng. Những ưu điểm của thơ đã được công nhận, ở đây, tôi đang cố tìm kiếm cách làm hay, làm đẹp những khuyết điểm của thơ. Tôi nghĩ, đem những ưu điểm của văn xuôi vào thơ, cuộc thử nghiệm này gay go. Vì sao không cho thơ cơ hội? Hãy cho ta cơ hội lấy vợ để sinh con. Nếu không, đành nuôi con người khác. Ông Edison khi sáng chế ra máy hát dĩa, 1877, đâu biết bây giờ có CD và còn hơn thế nữa.

“… đã tước hết ngữ điệu, nhạc tính của thơ, là phần gân tủy của thi ca…” Xưa kia, nếu nhà sư không cứu người đàn bà dưới sông, người ấy sẽ chết. Cứu xong, không để lại bờ sông, làm sao đạt đạo tu hành. Ngữ điệu và nhạc tính trong thơ là do người tạo ra, rồi tôn sùng. Hãy cho ngữ điệu và nhạc tính trong thơ mở mang sâu rộng. Nhạc đâu phải chỉ có nhạc cổ điển. Nhạc đã đi đến cấp bậc cao, vì sao nhạc thơ vẫn chưa di động? Tôi không chống phá, hủy bỏ, chỉ muốn biến hóa, làm giàu thêm.

Trần Vũ: Alain Robbe-Grillet, khi sáng lập phái Tân Tiểu thuyết, đã từ bỏ cốt truyện, nhân vật, thậm chí khước từ những tĩnh từ cảm xúc, muốn tiểu thuyết phải thuần lý trí, và… thất bại. Tại Pháp, Tân Tiểu thuyết đã quá vãng, các thế hệ văn gia sau Robbe-Grillet không theo ông mà tiếp tục vận dụng cảm quan với cốt truyện công phu ngập tràn nhân vật có quá khứ, tiểu sử… Sau nữa, việc từ bỏ adjectif khiến tiểu thuyết của Robbe-Grillet và Nathalie Sarraute chán ngắt, chính đây là nguyên nhân thất bại, vì quá khô, khô rang, như ngói. Anh không nghĩ đang đi vào vết xe đổ?

Ngu Yên: Theo như lịch sử văn minh của nhân loại, khám phá mới, đa số là thất bại. Phần trăm thành công rất nhỏ. Không có nhà thám hiểm nào, nhà phát minh nào dám nghĩ rằng mình thành công cho đến khi thật sự tìm thấy điều gì. Dù vậy, thành công còn cần những yếu tố khác, kể cả sự may mắn. Ai chọn đi con đường khám phá, phải tự nhận sự thất bại trước tiên. Tuy nhiên người đã muốn đi đường này, sao lại sợ thất bại.

Chết là sự thất bại lớn nhất của sống, vậy thì thất bại nhỏ, ăn thua gì.

Trần Vũ: Lê Thị Huệ từng nhận xét trên Gió O, là các nhà văn Việt không chú trọng tư tưởng, mà chăm chút câu văn với ngũ âm tiếng Viết, khiến khi dịch sang Anh, Pháp không hay vì bị lột bỏ phần son phấn tô điểm mà cốt lõi là tư duy, lại ít. Tôi đồng ý phần “Chốn vắng Tư duy” này, nhưng không lẽ không có quyền vận dụng ngũ âm là đặc điểm của tiếng Việt và khi viết tiếng Việt, chỉ trông chờ dịch sang Anh, Pháp ngữ? Không lẽ, văn chỉ có tư tưởng? Chính cú pháp, âm vận, cảm xúc tạo ra giọng văn và giọng văn làm ra khí hậu và chính khí hậu giúp người đọc sống với văn bản. Một khi tước đi phần cảm xúc, là lột da văn bản chỉ còn trơ ba sườn. Tôi cảm Dã Tràng Ở Nơi nào? Có Ai Thấy Ngọc Vạn Ngôn? của anh và thấy là tác phẩm toàn bích; nhưng Vùng đất đó bao giờ có sao chổi và Độc Quạnh vẫn còn là thử nghiệm.

Anh biện hộ cách nào?

Ngu Yên: Nhận xét của nhà văn Lê Thị Huệ cũng là nhận xét chung của nhiều người lo lắng về văn chương Việt trong thế giới. Nói đến dịch, mấy ai dịch nổi phong cách của ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ thơ. Chỉ dịch ý, cao tay là dịch được tứ thơ. Do đó, trong văn chương toàn cầu, ý và nhất là tứ thơ được xem quan trọng.

Nam Hoa Kinh của Trang Tử, Zarathustra Đã Nói Như Thế của Nietzches là hai tác phẩm thơ xuôi, nhưng ở lại với hậu thế vì tư tưởng. Ars Poetica của Horace truyền lại ngàn năm sau, đâu phải vì văn ngôn La Tinh. Inferno của Dante mà chúng ta đọc hôm nay, đâu phải vì nghệ thuật Ý ngữ. Những tác phẩm lớn của thế giới được nhân loại tìm đến không phải vì văn phong, hình thức, nghệ thuật ngôn từ mà vì nội dung của tác phẩm.

“… Chính cú pháp, âm vận, cảm xúc tạo ra giọng văn và giọng văn làm ra khí hậu và chính khí hậu giúp người đọc sống với văn bản…” Điều này chính xác cho độc giả Việt đọc thơ Việt. Mặt khác, văn chương hiện nay mất dần biên giới màu da, sắc tộc, đi đến toàn cầu cho dù mỗi ngôn ngữ có đặc thù riêng. Nói một cách khác, phát huy ngôn ngữ dân tộc, mở rộng tinh thần thi ca, phát triển nghệ thuật sáng tác, còn những chuyện khác để thời gian và người khác quan tâm.

Vùng Đất Đó Bao Giờ Có Sao Chổi, ngoài nội dung ra, thử nghiệm chính là luận lý. Độc Quạnh, xây dựng những lối vào khác nhau, từ những hướng khác nhau. Thay vì đi một đường từ đầu đến kết. Tựu trung cả hai trình bày nhiều chi tiết, nhiều ý tứ, nhiều hình ảnh không theo con đường cô lập của thơ thông dụng. Thay vì đi theo con lộ đến một nơi nào, một người băng qua khu rừng rậm, trong lúc đi, có dịp thưởng ngoạn hoa cỏ bên lề, suy tư về sự sống rừng xanh, thu thập thêm hiểu biết về thú vật, không chừng nhảy xuống suối tắm rồi leo lên mõm đá ngồi phơi nắng… trước khi đến nơi hẹn hò.

Để đúc kết, tôi xin nói, giờ đã định, đường đã chọn, cứ vậy mà đi, mịt mù. Tôi không kỳ vọng vào sáng tác thỏa mãn nhu cầu, chỉ kỳ vọng những bước chân:

Không phải dễ chọn lối đi trước khi trời sáng

Linh hồn đó đứng trước âm u vô tận, nhìn không thấy mai sau

Sự sợ hãi ôm chặt, thì thầm những lời khuyên đúng lý chí tình, không cách nào chống cãi. Đi hay không, âu là số mạng, hoặc can đảm của kẻ liều lĩnh, hoặc của người quyết tâm.

Không phải dễ chọn lối đi khi không có ai đi cùng

Linh hồn đó bước vào cõi không biết, dọ dẫm từng chân một, thương tích, thất vọng, cắn răng đi, đi, đi, đi, đi, đi … không hề cần nơi đến, dẫu máu chảy dầm dề

Phải chờ đợi

Chờ chai dần những vết đứt niềm đau cho dù mãi buồn bã trên lối khai độc quạnh

Chờ cho đến một hôm, hoặc cáo phó bản thân, hoặc đến cuối đường khai thị.

…………………

[Trích Độc Quạnh]

Trần Vũ: Lúc nãy, anh trình bày: Buồn bã, thất vọng, đau khổ… ví như cảm xúc nóng. Còn sung sướng khoan khoái đến từ khai mở trí tuệ ví như ánh sáng, là cảm xúc sáng. Cảm xúc nóng rồi qua, có thể để sẹo, nhưng hết nóng là hết cảm; còn cảm xúc sáng, “dù hết, trí nhớ vẫn lưu giữ những gì đã thấy nhờ ánh sáng soi rõ.”

Nếu đem “đối chất” với Thâm Tâm và thi sĩ anh ngưỡng mộ là Hàn Mạc Tử, chừng như có trục trặc. Tất cả chúng ta cùng nhớ những câu thơ trác tuyệt của cả hai, nhiều mươi năm sau vẫn thấy hay, khi trẻ thấy hay, về già thấy hay, mà không phải vì buồn bã, thất tình, hay đau khổ mới thấy hay. Bất kỳ khi nào nghĩ đến. Mà những câu “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ lá trúc che ngang mặt chữ điền” hoặc “Bóng chiều không thắm không vàng vọt/ Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong…” hoàn toàn không chuyển tải tư tưởng, chỉ thuần hình ảnh. Võ Đình ngâm đi ngâm lại Đây Thôn Vĩ DạTống Biệt Hành, không vì được khai sáng, mà vì ông nhìn thấy cái hay ở điểm khác. Những câu thơ này ở với ông suốt cuộc đời. Mai Thảo cũng ngâm suốt thơ Xuân Diệu: “Phất phơ hồn của bông hường/ trong hơi phiêu bạt còn vương máu hồng…” Một lần tôi hỏi: Vì sao bác ngâm hoài hai câu này? Mai Thảo trả lời: “Vì không hiểu gì cả! Hai câu thơ ấy tôi cho là tuyệt.” Sự tuyệt diệu Mai Thảo tìm thấy, không đến từ khai mở trí tuệ.

“Hiện tượng luận” của anh?

Ngu Yên: Thông thường, “hay và dở” được sử dụng theo cảm tính, mang một kết luận nhanh qua cảm nhận của cá nhân. Trong khi xét về mặt thơ có giá trị hay không, cần phải có phương pháp và hành trình của trí tuệ.

Tôi rất yêu thơ Hàn mặc Tử nhưng không phải bài Đây Thôn Vỹ Dạ. Ông có rất nhiều bài thơ giá trị, một trong những bài tôi rất ngưỡng mộ là “Hồn Là Ai”. Những câu thơ chữ nghĩa mượt mà: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc; Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay; Ở đây sương khói mờ nhân ảnh... chỉ làm cho lòng người lâng lâng. Nếu là người của hoặc kề thôn Vỹ Dạ, sẽ cảm khái hơn. Những câu tạo tứ tư lự như: Lá trúc che ngang mặt chữ điền; Áo em trắng quá nhìn không ra… không thỏa mãn trí tò mò nhiều vì dễ giải mã… So với những bài thơ trọng lượng: Một Miệng Trăng; Rướm Máu; Trút Linh Hồn…v.v… Mỗi khi đọc lại những bài này, tôi phục lăn và kinh ngạc về tài thơ của ông.

Cùng một thời, tôi thích thơ Huy Cận hơn thơ Xuân Diệu. Câu thơ mà Mai Thảo thích là một trong một số câu thơ hay của Xuân Diệu. Cũng như bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, là bài thơ u uất về tâm sự. Ai có tâm sự đồng dạng, sẽ dễ cảm. Hay nhưng không nặng giá trị.

Bây giờ chúng ta sẽ “đối chất”. Bên trên , khi phân tích Cảm xúc tình cảm và cảm xúc trí tuệ, thứ nhất là để nhắc nhở chúng ta đừng quên, bên cạnh cảm xúc tâm tình đã được xác nhận, còn có cảm xúc trí tuệ để tăng viện, làm giàu thêm sáng tác. Thứ hai, Cảm xúc tình cảm và cảm xúc trí tuệ chỉ là “danh”, còn “thực” thì bất phân thân. Không có tình cảm nào không có trí tưởng, không có trí trí tưởng nào không có tâm tình. Việc định danh, giúp cho sáng tác dùng nghệ thuật diễn đạt rõ hơn, sâu hơn về mặt này hoặc mặt kia, dù hai mặt sẽ là một bàn tay. Nhờ vậy, người đọc cảm nhận rõ hơn, sâu hơn ý tứ của thơ.

Tình cảm thường tác động mạnh và dễ nguôi. Và thường tác động lâu trên những ai đồng tâm cảm. Ý tứ hay, tư tưởng lớn để lại sự dài hạn. Có khi qua nhiều năm tháng mới bắt kịp điều tác giả muốn nói. Mãi đến hôm nay, nhân loại vẫn chưa thấu đáo hết những gì cưu mang trong các tác phẩm thi ca lớn, cho dù biết bao nhiêu giải mã, phê bình.

Một góc cạnh khác, trong thời đại hôm nay, ngôn ngữ thơ của mỗi dân tộc đều có thần kỳ riêng mà không thể chia xẻ cùng dân tộc khác. Nên giá trị nghệ thuật của một ngôn ngữ, thông thường chỉ dành riêng cho dân tộc đó. Nếu Vườn ai mướt quá xinh như ngọc; Lá trúc che ngang mặt chữ điền… hoặc… Bóng chiều không thắm không vàng vọt; Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong… chuyển ra ngoại ngữ, có lẽ chỉ là lời thơ tả cảnh trữ tình cho Thôn Vỹ Dạ và bùi nguì cho thân thế Biệt Hành. Câu: … hồn của bông hường phiêu bạt còn vương máu hồng, dễ gây sự sâu sắc hơn.

Trần Vũ: Anh thuyết phục được tôi 2/3 trên mặt lý thuyết. Trên mặt văn-thi bản, tôi luôn tin những gì thi sĩ viết ra, phải là những gì phía văn xuôi không viết được. Như Mallarmé lừng danh với câu: “Dòng suối chịu sàm báng này là thần chết.” Như hai tựa Độc QuạnhVùng Đất Đó Bao Giờ Có Sao Chổi, là ngôn từ thơ. Như Dã Tràng Ở Nơi nào? Có Ai Thấy Ngọc Vạn Ngôn?, tuy trình bày trong khổ thơ xuôi nhưng vẫn là ngôn từ thơ. Sang đến “Vùng Đất… ”, ngược lại, có những câu văn xuôi không-khác-thường. Tức là văn đời thường. Đây là khác biệt lớn so với Ngọc Vạn Ngôn. Tôi muốn hiểu.

Ngu Yên: Điều anh muốn hiểu chính là “ngôn từ thơ”. Thực chất, anh và tôi đang cùng suy nghĩ về một chuyện nhưng tôi thao thức dưới danh gọi khác hơn: Khi đọc một bài, cái gì đã làm nên thơ cho bài viết đó, bất cứ là dạng nào.

Từ khi bước vào thử nghiệm Thơ Tùy Tâm, Tâm này là tâm trí, tôi vẫn mãi miên mang suy nghĩ về “Cái tạo nên thơ” trên văn bản, tức là bề mặt của bài viết.

Nghĩ “lãng mạn” là thi vị, tức là mùi thơ. Nghĩ “tượng trưng” là nét đẹp của thơ. Nghĩ “mơ hồ” là không khí của thơ. Nghĩ không cùng giải đáp là tinh thần của thơ. Tất cả những điều này được ngôn từ thơ diễn đạt. Cho phép tôi gọi chung là SẮC THÁI thơ.

Tôi đã thử nghiệm từ nặng sắc thái thơ như Ngọc Vạn Ngôn qua tới nhẹ sắc thái thơ như Độc Quạnh qua tới hỗn hợp sắc thái của chữ, không phân biệt thơ hay văn, trong Pariseine; có lần tôi muốn dừng nghỉ lâu hơn ở Nơi Tôi Sinh Ra Trưởng Thành Và Già dần Với Con Chó Câm, nhưng rồi lại ra đi, vẫn băn khoăn về sắc thái.

Tôi lý luận với tôi rằng, ngôn ngữ là phần cụ thể nhất của văn bản, là xa lộ trực tiếp đưa ý tứ từ tác giả đến độc giả; có hay không một ngôn ngữ thơ?

– Nếu nói rằng, cứ đọc, tự dưng sẽ biết có phải là thơ hay không. Tức là dùng sự hiểu biết của quá khứ để xác định cái gì là thơ. Ai cũng có thể đồng ý, hiểu biết về thơ trong quá khứ sẽ thay đổi. Hơn nữa, sự hiểu biết về thơ của mỗi người sẽ khác nhau. Cái gọi là thơ của người này, không chắc sẽ được người khác hoàn toàn đồng ý. Có những thứ gọi là thơ của thời đại này mà thời đại trước không biết. Cơ sở luận lý này lỏng lẻo.

– “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh, Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng. Có nhà viên ngoại họ Vương, Gia trung nghỉ cũng thường thường bậc trung. Một trai con thứ rốt lòng, Vương Quan là chữ nối dòng nho gia. Đầu lòng hai ả tố nga, Thúy Kiều là chị em là Thuý Vân…” Ngoại trừ nghệ thuật của Lục bát, đây là đoạn văn xuôi kể chuyện trong thơ Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du. Nếu coi là thơ: – Có phải vì thể thơ Lục Bát làm nên thơ? – Hoặc vì đoạn văn xuôi này nằm trong bài trường thi nên nhận nó là thơ? Không phải chỉ Đoạn Trường Tân Thanh mà những tác phẩm thi ca lớn trên thế giới đều mang rất nhiều đoạn văn xuôi. Tôi không dẫn ra vì sẽ quá dài. Anh tìm đọc sẽ thấy ngay. Nếu đã từng có sắc thái văn xuôi trong thơ, thì bây giờ có nhạt hơn hoặc đậm hơn, không phải là những gì mới lạ. Cả hai điều vừa hỏi, đều không trả lời được cái gì tạo ra thơ.

Càng nghĩ càng truy ra nhiều thứ qua ngôn ngữ trong một bài thơ, không phải thơ.

– Qua đến thơ ngắn như thơ Hài Cú, chỉ có vài hàng, đôi khi vài chữ, cái gì tạo cho nó thành thơ? Phải chăng là những gì vượt ra ngôn từ, gợi lên, mở vào cõi trống tạo ra thần hồn của thơ?

– Qua đến thơ Cụ Thể, chỉ vài chữ, có khi một chữ, có khi không có chữ, chỉ hình ảnh hoặc ký hiệu, đã là một phong trào thơ được thế giới công nhận, cho dù nay đã là dĩ vãng. Giải thích thế nào đây?

Rồi tôi lại tự lý luận rằng, tất cả những thứ nói trên, nếu chỉ là một, hai thì không thể tạo ra thơ, nhưng tất cả gom lại, cùng nhau, tạo ra sắc thái thơ. Nói như vậy, tôi trở về lại lúc ban đầu. Quanh quẩn chăng?

Đúng là loanh quanh nhưng có điều thu thập: Có những thứ văn bản cụ thể và văn bản tượng trưng hoặc ngoài văn bản chưa được công nhận là thơ hoặc tạo ra thơ, có thể, có ngày, sẽ được xác nhận. Chẳng ai dám tin rằng thời gian của loài người sẽ trở lại lúc KHÔNG giờ, lúc bắt đầu, cho đến khi ông Stephen Hawking đưa ra luận lý trong A Brief History of Time, 1988.

Thú thật, tôi vẫn đang truy tầm cái gì là mùi vị của thơ; cái gì là nét đẹp của thơ; cái gì là thế giới của thơ, chứa đựng không gian và thời gian riêng của bài thơ; cái gì là thần hồn của thơ, cưu mang sức sống nó.

Có thể sẽ phải hẹn anh một câu trả lời có kết luận rõ ràng hoặc xác định hơn vào một lúc nào đó trong tương lai hoặc kiếp sau.

Hết phần 8

Bản cắt ngắn in trong tuần san Trẻ Dallas tháng 6 và 7-2015

Bản nguyên trên Văn Việt

Trần Vũ thực hiện qua điện thư tháng 5 và 6-2015

(*) đề tựa thơ Độc Quạnh của Ngu Yên

Comments are closed.