KÝ ỨC LÀNG CÙA

Tiểu thuyết

Đặng Văn Sinh

PHẦN BA

Chương 18

1

Trịnh Doãng được tha sau hơn bốn năm ở trại Chiềng Khoa. Hắn đi tù mà không có án. Lúc đầu người ta dự kiến ba năm nhưng hắn cứ khăng khăng cãi mình không có tội, rằng hắn mang xác con mình lên trình ông Chủ tịch vì biết Trần Quảng là người công tâm, sáng suốt chứ không phải với mục đích khủng bố, thế là bị gia hạn thêm ba năm. Tay thả ống lươn xuất trại trước khi mãn hạn không phải vì đã cải tạo tốt, mà do bà Ba Lánh biết rõ hoàn cảnh gia đình hắn, viết đơn bảo lãnh. Lúc đưa cho Doãng giấy tờ, ông Chẵn, giám thị còn dặn:

– Anh về nhớ là phải làm ăn lương thiện, chấp hành pháp luật nhà nước, phấn đấu trở thành công dân tốt.

Tay thả ống lươn cúi đầu nghe lời giáo huấn rất cung kính:

– Thưa ông, vâng.

Nhập trại được gần ba tháng Doãng mới biết Ngô Quỳnh và bà Cả Huê cũng bị tù ở đây. Bà Chánh mắc bệnh phong thấp, chân đi cà nhắc, mặt lúc nào cũng khó đăm đăm. Tạng người Ngô Quỳnh không hợp thuỷ thổ vùng Tây Bắc. Ông ta bị ngã nước rồi chuyển sang viêm gan, thụ án đến năm thứ mười ba thì chết trong lúc vun gốc sắn trên nương. Mộ Ngô Quỳnh để ở nghĩa địa tù trên vạt rừng già cách bản Chiềng Khoa bốn cây số. Nhà ông ta chẳng còn ai, vì thế đã qua sáu bẩy năm vẫn không có người bốc hót. Ngày tháng qua đi, nấm đất lúc đầu còn lùm lùm sau bị những trận mưa rừng san bằng không còn để lại chút dấu vết nào.

Trịnh Doãng về làng Cùa. Thời gian ở tù hầu như chẳng mấy tác động đến tính cách của hắn. Con người hắn vẫn như hơn bốn năm trước, chỉ có khuôn mặt là nhàu đi kéo những vết sần lỗ chỗ – hậu quả của trận đậu mùa – giãn ra, trông lại dễ coi hơn trước.

Tào Văn Hỗ lúc ấy đã là Chủ tịch xã. Doãng căm lão ta lắm. Mối hận chưa trả được trong lòng lúc nào cũng như có lửa. Hôm tay thả ống lươn mang giấy xuống uỷ ban trình với Trưởng công an Trương Đình Tái, thấy Hỗ Chột đứng ngoài hành lang nói chuyện với cô Thảnh uỷ viên thư ký. Hai bên nhìn nhau trừng trừng nhưng không nói gì. Ăn tết xong thằng Dõng có giấy gọi nhập ngũ. Doãng vừa ở đồng về, vẫn còn mặc quần đùi, tay chân đầy bùn đất chạy đến nhà Xã đội trưởng Cung Văn Luỹ sừng sộ:

– Nó mới mười bảy, tại sao các ông đã bắt lính?

Xã đội trưởng biết tính Doãng, mở ngăn kéo bàn lấy bản danh sách sao từ sổ hộ khẩu đặt trước mặt hắn:

– Tháng ba năm nay cháu Dõng vừa đủ mười tám. Số liệu tôi lấy bên uỷ ban. Xã ta đợt này cuối tháng mới đi nhưng chúng tôi phải báo trước để bà con có sự chuẩn bị.

Trịnh Doãng hiểu ra tuy nhiên vẫn còn chưa về ngay. Hắn ngẫm nghĩ một lúc khá lâu rồi bảo Cung Văn Luỹ:

– Nói thật nhá, thích thì tôi cho thằng Dõng đi, còn nếu không, thách các vị đấy.

– Ông lại muốn vào trại lần nữa hay sao? – Xã đội trưởng lên giọng răn đe – Đi bộ đội là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi công dân nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hiện nay. Ông nên thận trọng, không được phát ngôn bừa bãi.

Doãng lăc lư mái tóc tổ quạ, nghểnh cái cổ dài ngoẵng toàn những dây chằng về phía Cung Văn Luỹ, lý sự cùn:

– Vậy tôi hỏi ông nhá, ông Bùi Quốc Tầm, Bí thư đảng uỷ, có hai thằng con trai, một thằng đã hăm bốn, sao không để nó ở nhà làm nghĩa vụ công dân mà lại sang Liên Xô?

Xã đội trưởng không thể kiên nhẫn giải thích được nữa, khoát tay bảo:

– Nói dở như ông thì mất nước lâu rồi. Xã hội phân công mỗi người một việc, thắc mắc làm gì. Ai bảo mấy đứa nhà ông chỉ học đến lớp bốn rồi bỏ đi thả ống lươn?

Cùng nhập ngũ đợt này làng Cùa còn có cả Tào Văn Kha, con thứ hai của Chủ tịch Tào Văn Hỗ. Hỗ có hai con trai. Thằng lớn là Tào Văn Hó, hai mươi ba tuổi, bị thiểu năng trí tuệ. Đầu nó to đùng ngất ngưởng trên cái cổ ngẳng trông chẳng khác gì con rối nhồi bông, suốt ngày ngồi ở góc vườn nặn những con giống bằng đất sét miệng lảm nhảm:

– Ái chà! Ái chà! Thịt gà ngon lắm.

Tào Văn Kha năm ấy hăm mốt, khoẻ mạnh, khôn ngoan. Tào Văn Hỗ thấy Bùi Quốc Tầm đưa được thằng Tiếm sang Liên Xô, ông ta cũng không muốn cho con trai đi bộ đội vì biết rằng tình hình chiến sự đang rất ác liệt. Tân binh huấn luyện ba tháng là phải vào Nam, mà đã vào Nam thì mười thằng đi may ra còn ba thằng về. Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng ông bố quyết định cho con trai đi gang thép Thái Nguyên. Ở đấy, ông ta có người em rể làm Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, chắc chắn nó sẽ an toàn. Hồ sơ đang làm thì bị Lương Hữu Tiệp, biệt danh Tiệp cò là phó chủ nhiệm hợp tác xã phát hiện liền đưa ra cuộc họp đảng uỷ. Tiệp cò với Hỗ Chột từ lâu vẫn mâu thuẫn với nhau. Cánh họ Lương bị họ Tào, họ Bùi chèn ép, từ nhiều năm nay chỉ được làm cấp phó. Tiệp còn trẻ, có năng lực, trước đây đã là phó Bí thư xã Đoàn mấy khoá, thế mà khi Hỗ Chột trúng ghế Chủ tịch lại đưa Tào Văn Tưởng em họ ông ta ra thay chân chủ nhiệm.

Tào Văn Tưởng mắt đỏ như mắt cá chày, nổi tiếng đánh rọ cá rô, trình độ lớp ba, không biết cộng trừ phân số, như có phép thần, bỗng chốc trở thành người lãnh đạo cao nhất hợp tác xã.

Trong cuộc họp, Tiệp nêu ý kiến:

– Tôi đề nghị, các đồng chí lãnh đạo phải gương mẫu chấp hành chính sách nghĩa vụ quân sự. Mọi người thử nghĩ xem, nếu chúng ta đều tìm cách đưa con em mình đi công nhân hoặc ra nước ngoài học tập thì bà con xã viên ai chịu cho con mình nhập ngũ. Lúc này nhiệm vụ cao nhất là chống Mỹ cứu nước. Mọi công dân đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau, là đảng viên lại càng phải nghiêm chỉnh thực hiện.

Hỗ Chột tức điên người nhưng không làm gì được vì Tiệp nói đúng.

Cuối tháng ba thằng Kha và thằng Dõng lên đường. Đầu năm trước Tào Văn Kha đã cưới vợ. Vợ Kha là Ứng Thị Liễu, con gái Đội Lạc và Ứng Thị Sót nhưng lấy họ mẹ. Tổ chức xong, ông bố làm luôn cho ngôi nhà ba gian trên khoảnh đất mới được quy hoạch thành thổ cư ngoài xóm Trại Cá. Ứng Thị Liễu mông to như mông bọ ngựa, cặp mắt lúng liếng, bỏ học từ năm lớp ba ở nhà làm hợp tác.

Làng Cùa mấy năm nay đã vãn thanh niên, phần lớn là vào chiến trường. Số còn lại chủ yếu là đui què mẻ sứt, chẳng đáng mặt đàn ông nên những anh chàng đẹp mã như Tiệp luôn là niềm khao khát cháy bỏng của đám con gái quá lứa nhỡ thì.

Tiệp là con thứ ba ông lang Chén, một thầy thuốc nổi tiếng vùng Ba Tổng chữa bệnh mạch lươn. Năm năm hai, ông Chén bị trúng đạn douze sept([1]) chết lúc chưa đến bốn nhăm. Các con lớn của ông chịu khó làm ăn, đã thành gia thất từ lâu. Tiệp là út được chiều, mãi đến năm mười sáu tuổi mới học lớp bốn. Hắn cao lớn, da trắng, tóc gọng kính, lúc nào cũng chải sáp thơm lừng nhưng dốt nhất hạng. Lớp học ngày ấy thường là gồm nhiều lứa tuổi khác nhau. Có những đứa còn thò lò mũi xanh, thầy mắng đái cả ra quần, nhưng cũng có những cô cậu choai choai sớm dậy thì, đến lớp chỉ để liếc mắt đưa tình. Cùng học lớp bốn với Tiệp có Bích Ong con bà Cả Ve. Bích Ong rỗ hoa, người cao ráo, mắt trố ngồi cùng bàn với Tiệp. Những lúc thầy Phan Đề mải giảng bài hoặc ra ngoài là hai người rì rầm nói chyện. Một lần Bích Ong đau bụng gục đầu xuống bàn. Tiệp giả vờ lấy sách, luồn tay vào ngực cô ta. Thầy Đề bất chợt nhìn thấy liền quát:

– Cậu Tiệp làm gì thế?

Tiệp giật mình mắt nhìn trước nhìn sau nhưng vẫn chối phắt:

– Thưa thầy không ạ.

– Nào, cô Ong đứng lên trả lời cho thành khẩn. Nói dối là nhà trường đuổi học.

Lại Thị Bích Ong là cô gái mới lớn tính bộc tuệch chẳng biết ngượng là gì:

– Thưa thầy! Em đang đau bụng thì bị bạn ấy… bóp vú ạ.

Thầy Đề xuống tận nơi bảo Lương Hữu Tiệp:

– Đặt hai tay xuống bàn!

Tay hắn vẫn còn khum khum đã bị chiếc thước lim quật liền mấy nhát. Đau quá, Tiệp xách cặp lầm lầm bước ra khỏi lớp dõng dạc tuyên bố:

– Từ nay ông đếch thèm học nữa.

Bỏ học, Tiệp theo anh Ba Trì làm nghề bẫy cò và thả rọ cá rô. Hắn có nghệ thuật làm dò cò, hôm nào cũng được hàng xâu đem về xáo măng, từ đó thanh niên làng Cùa đặt cho biệt hiệu Tiệp. Tiệp vốn có năng khiếu hoạt động phong trào, lại biết cách đón ý Bùi Quốc Tầm nên chẳng mấy chốc được kết nạp đảng rồi làm thư ký đội sản xuất, phó Bí thư chi đoàn xóm Chùa. Vào thời kỳ máy bay Mỹ đánh phá khắp nơi trên miền Bắc, thanh niên có phong trào viết đơn bằng máu tình nguyện vào chiến trường thì Tiệp được giữ lại làm lực lượng kế cận. Hắn vốn có tính trai lơ, chòng ghẹo hết lượt các nữ thanh niên cho nên nhiệm kỳ thứ hai trượt uỷ viên chấp hành Đoàn xã. Lúc ấy Bùi Quốc Tầm phải ra tay cứu bằng cách đưa hắn sang làm phó chủ nhiệm sau khi chấp nhận phương án của Tào Văn Hỗ để em họ ông ta là Tào Văn Tưởng giữ ghế chủ nhiệm.

Từ lâu Tiệp đã để ý đến Ứng Thị Liễu mặc dù hắn hơn cô ta đến mười lăm tuổi. Ứng Thị Sót có lần thấy hắn ăn nói lả lơi với con gái, liền bảo:

– Mày phải tránh xa thằng chó dái ấy ra.

– Sao mẹ lại nói thế?

– Cả làng này ai không biết nó là thằng Sở Khanh mà còn ỡm ờ.

Hôm Liễu lấy chồng, Tiệp đóng vai chủ hôn. Khi chúc mừng cô dâu chú rể, thấy hắn nắm tay vợ quá lâu, thằng Kha đâm ghen. Tối, trước lúc lên giường, nó uống liền hai cốc rượu ngang quốc doanh rồi đấm “tân nương” một quả vào ngực làm cô này tức thở mất mấy ngày.

2

Ngôi nhà của vợ chồng Kha Liễu cuối xóm Trại Cá, vì mới ra được mấy vụ nên cây cối còn thưa thớt nhưng hàng rào tre chung quanh đã đan kín. Thằng Kha vào Nam bốn tháng Liễu mới nhận được thư. Tháng trước, làng Cùa báo tử ba người. Mới đây nghe tin thằng Dõng con nhà Trịnh Doãng mất tích, cái Liễu càng thêm lo lắng. Cuối năm, xã Đoàn Kết thêm bẩy người hy sinh, làng Cùa ba nhân mạng trong đó có Tào Văn Kha. Tại lễ truy điệu các liệt sĩ, Tào Văn Hỗ nhìn thấy bộ mặt giả nhân giả nghĩa của tay phó chủ nhiệm, uất quá lại bị chứng xung huyết ngất tại chỗ. Đám thanh niên phải xúm vào khênh sang trạm xá tiêm thuốc trợ tim. Tối hôm ấy, Bùi Quốc Tầm dẫn đầu đoàn đại biểu của xã đến chia buồn:

– Thay mặt đảng uỷ, uỷ ban, chúng tôi vô cùng thương tiếc đồng chí Tào Văn Kha đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và thành thật chia buồn cùng gia đình. Mong đồng chí biến đau thương thành hành động cách mạng, tiếp tục đảm đương trọng trách của mình cùng tập thể đảng uỷ, uỷ ban lãnh đạo nhân dân hoàn thành nhiệm vụ.

Ứng Thị Liễu khóc đỏ cả mắt, giọng khản đặc, mệt nhoài, thỉnh thoảng mới hờ được một tiếng. Hỗ Chột như đứt từng khúc ruột. Ông ta thương con bao nhiêu thì căm thù Tiệp bấy nhiêu, thề sẽ trả bằng được mối hận này.

Sau lễ truy điệu được nửa tháng, một đêm Tiệp mò đến xóm Trại Cá.

Giọng hắn thì thầm:

– Liễu ơi, mở cửa.

Cô nàng biết ngay là gã phó chủ nhiệm nhưng vẫn hỏi:

– Ai?

– Anh… đây.

Liễu vẫn giữ chốt cửa:

– Có việc gì mà anh đến lúc này? Để mai.

– Không được, mai tôi phải đi học ở tỉnh một tháng.

Cửa mở, Tiệp cò lẩn vào nhanh một cách kỳ lạ, gần như không có tiếng động, ôm choàng lấy cô vợ liệt sĩ, đôi môi nhớt nhoát như môi nhệch, lướt trên má cô ta, giọng hổn hển:

– Cặp mắt của em hút hồn anh. Anh yêu em.

Liễu cười nhạt:

– Còn vợ anh? Nó đến đây xé xác tôi ra thì đẹp mặt.

Tiệp hạ giọng van vỉ:

– Anh không yêu nó. Nó như con quỷ cái.

Liễu dằn giọng:

– Anh không sợ bố chồng tôi à? Ông ấy là Chủ tịch xã. Trêu vào vợ liệt sĩ hãy coi chừng.

Tiệp cười nhăn nhở:

– Chồng em chết rồi bây giờ còn việc gì mà phải giữ gìn, con gái tuổi xuân có hạn.

Liễu giãy giụa, một cánh tay tuột ra và liền tát cho Tiệp một cái.

– Thôi đi, đồ hèn!

Hắn xoa má, giọng tỉnh khô:

– Em đẩy thằng bé nằm sát vào trong.

Liễu lùi lại định mở cửa chạy ra ngoài nhưng tay phó chủ nhiệm đã kéo tuột cô ta lên giường, giọng thì thầm nhưng dứt khoát:

– Thôi, đừng làm bộ nữa!

Hai người thậm thụt với nhau được hơn nửa tháng thì chuyện xảy ra. Một đêm có tiếng gõ cửa. Liễu vội choàng dậy nghĩ là Tiệp . Nhưng không phải. Thằng Kha về. Bị sốc, cô ta lặng đi, người mềm nhũn ngã vào cánh tay chồng. Kha sờ soạng tìm hộp dầu trong túi xoa vào thái dương vợ. Một lúc sau Liễu tỉnh lại bảo:

– Để em châm đèn.

Kha nắm tay vợ nói khẽ:

– Đừng thắp đèn.

– Sao lại thế?

Lúc ấy hắn mới nói thật:

– Anh trốn về.

Cô vợ hốt hoảng kêu lên:

– Thôi chết! Sao lại đến nông nỗi này?

Tào Văn Kha vội lấy tay bịt miệng vợ, giọng khàn khàn:

– Chuyện dài lắm, sau này anh sẽ nói.

Liễu tức tưởi khóc:

– Xã đưa giấy báo tử từ đầu tháng chạp, đã làm lễ truy điệu.

– Thế thì tốt. Con đâu?

– Nó nằm ở giường trong.

– Trông nó thế nào?

Liễu gật đầu:

– Khoẻ, giống anh lắm.

– Chuyện anh về không được cho ai biết, kể cả thày, nhớ chưa?

– Nhớ rồi, chả phải dặn.

Ngay đêm hôm ấy, hai vợ chồng đào một chiếc hầm trong gian buồng. Đất xúc lên cho vào đôi thùng gánh nước chuyển ra đổ xuống ao bèo sau nhà. Đồ đạc của Tào Văn Kha chỉ có chiếc ba lô lép kẹp, một bộ quân phục đã sờn, chiếc xẻng quân dụng có cán gập và con dao găm Mỹ. Chiếc xẻng công binh lúc này tỏ ra được việc. Tầm bốn giờ sáng thì xong hầm. Nó được đào cách tường bốn mươi phân, phía ngoài để chiếc hòm khoá chuông làm vật che chắn. Nắp hầm tạm thời đậy bằng tấm thảm áo ngô. Nó rất tiện lợi để người ở dưới, nếu cần có thể đội lên được nhưng lại khá bất ngờ nếu ai vô tình vào buồng.

Thu dọn đồ đạc xong, Ứng Thị Liễu bế thằng Khả ra chiếc giường tre gian ngoài. Nó vẫn ngủ mệt. Cô ta múc nước cho chồng rửa ráy chân tay, lau người, sau đó khoá cửa buồng để hắn ngủ rồi xuống bếp nấu cơm. Tào Văn Kha vừa đi nhờ xe vừa cuốc bộ đúng hai tháng chín ngày mới về đến nhà. Lúc ăn cơm trời đã hơi rạng, Liễu nhìn thấy chồng mà phát khiếp. Kha mặc bộ đồ lính bạc phếch, tay áo, cổ áo, ống quần dính bê bết một thứ bụi đất hung hung đỏ. Mặt hắn hốc hác, da sần sùi tái nhợt một cách đáng ngờ. Đó là nước da của những người mắc chứng sốt rét rừng có thể lên cơn bất cứ lúc nào. Ban ngày thằng Kha ở trong buồng, có người đến hắn lặng lẽ xuống hầm, ban đêm hắn mới dám ra ngoài, nhưng cũng chỉ thỉnh thoảng thôi. Thời chiến, Uỷ ban xã đã có lệnh cấm để lộ ánh sáng ban đêm. Lực lượng dân quân tuần tra thường xuyên xuất hiện. Họ mà nhìn thấy thì toi đời.

Mấy năm gần đây những anh chàng bê quay vác mặt về làng thì nhục nhã hết chỗ nói. Chủ tịch Tào Văn Hỗ, mỗi lần đến động viên chia tay đám tân binh sắp lên đường cuối bài phát biểu thế nào cũng nói vài lời răn đe:

– Đào ngũ là phản bội Tổ Quốc, tội danh tương đương với nguỵ quyền nguỵ quân thời trước. Các đồng chí hãy nâng cao tinh thần cách mạng xứng đáng là trai làng Cùa.

Chủ tịch Hỗ không nói chơi vì năm trước đã xảy ra vụ thằng Củng ở xóm Cầu Đá. Cuối tháng chín, đơn vị thằng Củng huấn luyện ở Mai Siu xong, có lệnh hành quân vào Nam. Đến Lệ Thuỷ, Quảng Bình hắn giả vờ đau bụng lùi lại sau, lúc nhập nhoạng thì trốn vào rừng. Đại đội cử người tìm suốt đêm vẫn biệt tăm đành phải báo cáo tiểu đoàn. Hoá ra Trần Củng không quay về ngay mà hắn rẽ nên rú Lài, tìm được hốc đá kín đáo tá túc ở đó mấy ngày, đợi đơn vị hành quân khá xa mới quay về Bắc. Nhưng phải nói thằng này có cái óc bã đậu. Đáng lẽ ra loại lính đào ngũ như hắn không nên vào làng vội cho dù cô vợ trẻ mới cưới trước lúc nhập ngũ đang ngày đem khắc khoải mong chờ, mà tìm nơi an toàn ở tạm một thời gian, nghe ngóng động tĩnh rồi hãy tính. Đằng này chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, hắn chui ngay vào lều vó bè nhà lão Bong ở ngòi Mác. Hồi đêm mưa to lão Bong bỏ vó đi soi ếch, gần sáng mới về, vừa bước vào đã thấy một gã con trai tóc tai bờm xờm, ngủ say như chết. Lão vó bè sợ hết hồn, ù té chạy về báo cho Xã đội trưởng. Cung Văn Luỹ lập tức huy động cả một trung đội dân quân, súng ống nai nịt, bí mật tiếp cận chiếc lều theo nguyên lý vận động chiến, tóm sống tên bê quay trong lúc hắn vẫn còn ngủ như chết sau chặng đường dài đói khát.

Chuyến ấy Trần Củng bị trói giải lên huyện. Trước ông cán bộ điều tra Đoàn Danh Thẩm, hắn phải viết bản tự khai và trả lời hàng trăm câu hỏi đủ loại, sau đó vào trại giam ba tháng. Thời kỳ này Củng và đồng bọn phải lao động cật lực mà không được tiếp xúc với người nhà. Chịu hình phạt đến tháng thứ hai, Củng nhớ vợ quá, một đêm hắn vượt rào bỏ trốn nhưng vừa ra khỏi trại chừng bốn chục thước thì bị dân quân tuần tra làng Si bắn chết…

Một đêm cái Liễu hỏi:

– Sao anh trốn về?

Thằng Kha bảo:

– Tiểu đội có mười ba thằng, đánh trận đầu chết năm, trận thứ hai mất bốn, ba đứa bị thương còn anh may thoát được, bơi qua sông sau đó lạc đơn vị, lần mò trong rừng hàng tháng không tìm thấy đường ra, xuýt chết đói. Thằng Dụ ở Đậu Khê gãy chân trái bị hai thằng lính nguỵ bắt, chẳng biết sống hay chết. Anh chỉ muốn về thăm con và em mấy hôm rồi đi.

– Cái Liễu hạ giọng thì thầm:

– Hay là em bảo với thầy. Thầy là Chủ tịch xã chả lẽ lại không có cách nào…

Thằng Kha vội xua tay:

– Ông ấy mà biết thì giết chết anh mất, cứ để ít hôm xem sao đã.

Những ngày này thằng cu Khả được gửi về bên ngoại, vài hôm cái Liễu mới đón về một lần. Ứng Thị Sót thương thằng cháu mồ côi lắm, chẳng nghi ngờ gì.

Hôm ấy là mười sáu âm lịch. Trời sáng như ban ngày. Vào khoảng mười giờ đêm, bên ngoài có tiếng gõ nhẹ. Liễu bảo chồng:

– Anh xuống hầm đi.

Thằng Kha hỏi khẽ:

– Ai mà đến khuya thế?

– Chắc là mấy ông dân quân tự vệ kiểm tra hộ khẩu đột xuất.

Vừa khép cửa buồng xong, Liễu nhón chân ra cửa.

– Liễu ơi!

Không thấy tiếng trả lời, một bàn tay luồn qua chỗ vách thủng phía trên ngõng khoá rút chốt cửa:

– Đừng vào! – Cái Liễu thì thầm. Nó đứng nghiêng, lấy tay tỳ vào cánh liếp nhưng sức đẩy phía ngoài mạnh hơn, cửa bật ra. Tiệp nhanh tay ôm thốc lấy nhân tình:

– Sao không cho anh vào?

– Hôm nay tôi mệt.

– Anh có mang cho ít thuốc bổ nữa đây.

– Anh về đi, nếu không tôi kêu lên đấy.

Tay phó chủ nhiệm sẵng giọng:

– Hôm nay cô làm sao thế?

– Anh là thằng đểu. Anh hại đời tôi. Bố chồng tôi mà biết thì…

Tiệp vuốt tóc cái Liễu bảo:

– Thằng Kha chết rồi, bây giờ em là người tự do, lão Hỗ Chột không có quyền ngăn cấm hạnh phúc.

Đúng lúc ấy thằng Kha đẩy cửa buồng bước ra, tay cầm con dao găm quát lên:

– Nhưng tao thì có quyền đấy. Tiệp , còn nhớ thằng này là ai không?

Tay phó chủ nhiệm sững người nhưng cũng đủ bình tĩnh quờ khẩu AK báng gập vẫn mang theo để ở khe cửa bật chốt an toàn rôì cười gằn bảo:

– Thì ra mày là Tào Văn Kha mới trốn bộ đội về. Cô Liễu là vợ liệt sĩ chứ không phải vợ một thằng bê quay hèn nhát. Bây giờ mày là thằng đã hy sinh, uỷ ban mới tổ chức truy điệu rất long trọng. Mày định làm trò bật nắp áo quan đứng dậy phải không?

Thằng Kha hình như đang lên cơn sốt, người run lên hoa con dao lại phía giường tìm Tiệp:

– Lũ chúng mày mới là đồ hèn. Chúng mày tìm mọi cách đẩy thanh niên làng Cùa vào chiến trường rồi thoả sức bóc lột xã viên, tha hồ tiệc tùng, chè chén, tán tỉnh làm nhục vợ bộ đội. Hôm nay tao phải cho thằng chó dái này bài học.

Tiệp lùi đến cuối giường cười gằn, rê nòng súng về phía Tào Văn Kha, giọng vẫn cố ghìm để cuộc đấu khẩu bất đắc dĩ khỏi bị bại lộ:

– Cậu tiến một bước nữa là tôi bắn.

Cái Liễu run rẩy, mồ hôi toát khắp người như vừa tỉnh dậy sau cơn mơ khủng khiếp. Nó ngồi thụp xuống nền nhà rên rỉ. Cảnh ngộ của nó lúc này thật khốn nạn. Thôi thì một sống hai chết, Liễu vùng dậy đứng chen vào giữa hai người đàn ông giọng thảng thốt:

– Các người giết tôi đi. Tất cả là tại tôi. Sao trời không giáng sấm sét để tôi chết đi cho rảnh mà bắt phải nhục nhã thế này?

Lưỡi dao của thằng Kha rơi xuống nền nhà. Tiệp khoá chốt an toàn khẩu AK.

– Tôi không có lỗi cậu Kha ạ. – Tay phó chủ nhiệm thong thả nói – Trong chuyện này cùng lắm là bị khai trừ khỏi đảng về khuyết điểm quan hệ bất chính với một phụ nữ goá chồng. Ở đời ai học hết chữ ngờ. Giả dụ cậu không trốn về làng thì làm gì có cuộc gặp khó chịu hôm nay. Cậu cũng nên biết ở làng Cùa chưa có gia đình liệt sĩ nào được quan tâm như mẹ con cô Liễu.

– Còn gì nữa nói hết đi!

– Bố cậu tuy là Chủ tịch xã nhưng nói thật, khoá tới chẳng những mất chân đảng uỷ mà còn có thể bị rầy rà vì hồi làm chủ nhiệm hợp tác xã đã dung túng cho thẳng Tiếm và thằng Khắc ăn cắp thóc ở kho đình Đụn rồi đánh chết thằng Dọng khi bị nó phát hiện. Lão Doãng sau hơn bốn năm ngồi tù giờ lại phát đơn kiện. Tình hình nhà cậu gay đấy. Hãy nghe tôi, tìm cách lánh đi đâu vài năm mà làm ăn, đợi mọi sự lắng xuống rồi về.

– Câm đi! – Thằng Kha gầm lên giọng uất nghẹn – Đây là nhà tao thách đứa nào dám bước qua cửa.

Tiệp cười nhạt:

– Chuyện ấy thì dễ, cậu không phải đợi lâu đâu.

*

* *

Sáng hôm sau, cái Liễu cùng cánh phụ nữ đội bẩy xóm Trại Cá xuống đồng Đấu làm cỏ lúa. Gần trưa bà Nhinh hớt hơ hớt hải chạy xuống gọi:

– Cái Liễu về ngay con mày bị làm sao ấy.

Liễu hấp tấp chạy về. Bà Sót đã đưa thằng Khả ra trạm xá. Cô y sĩ nhìn thấy mặt thằng bé tái xám, bụng nó cứ ưỡn lên khóc mãi không thôi, nghi là bị giun chui cuống mật liền viết giấy cho đi bệnh viện. Bệnh viện sơ tán cách làng hơn chục cây số, Liễu chẳng kịp báo với nhà chồng mà mượn xe đạp cho con đi ngay, Ứng Thị Sót ngồi đằng sau bế cháu. Liễu gò lưng đạp. Giữa đường thủng xăm phải tìm mãi mới nhờ được người vá. Đến phòng cấp cứu mới hay, thì ra thằng Khả bị đau ruột thừa phải mổ. Sáng hôm sau Liễu bảo bà Sót:

– U ở đây trông cháu, tôi phải về lấy thêm ít quần áo.

Nó đạp xe ra cổng bệnh viện lòng như lửa đốt vì từ sáng hôm qua đến giờ thằng Kha bị nhốt trong buồng chưa được ăn gì. Vừa mở cửa, cái Liễu bỗng lặng người. Thằng Kha nằm sấp, chân tay co quắp, cái đầu ngoẹo sang một bên. Nó khẽ chạm vào chồng nhưng thằng Kha đã lạnh. Mùi tử khí thoát ra làm cái Liễu rùng mình, vội chạy đi tìm bố chồng. Thật may lúc này Tào Văn Hỗ vẫn ở uỷ ban. Cô con dâu bỗng oà lên khóc:

– Thầy sang nhà, con có chuyện muốn nói.

– Việc gì cứ để sau, bây giờ chị phải lên bệnh viện với thằng bé đã.

– Không, thầy phải sang ngay, anh Kha…

– Hả? Chị bảo cái gì?

Về đến xóm Trại Cá Liễu vừa mở cửa Tào Văn Hỗ đã nhảy bổ vào. Nhìn tư thế nằm của thằng con trai, ông Chủ tịch biết ngay nó chết bởi lên cơn sốt ác tính. Ngẫm nghĩ một lúc ông ta bảo con dâu:

– Đằng nào nó cũng chết rồi, chị không được nói với ai chuyện này vì khoá tới thầy dự kiến vẫn ra ứng cử đảng uỷ và hội đồng nhân dân.

Liễu quệt nước mắt, thổn thức:

– Con hiểu nhưng còn việc mai táng?

– Tạm thời phải liệm cho nó rồi để dưới hầm vậy, sau này hẵng hay.

(Xem tiếp kỳ sau)

Chú thích:

(1): Tiếng Pháp là 12 ly 7


Comments are closed.