Đạo quân Trung Quốc thầm lặng (kỳ 8)

Juan Pablo Cardenal

Heriberto Araújo

Bản Việt ngữ Nguyễn Đình Huỳnh

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2015, 2917

7

Phép lạ Trung Quốc chống lại Hành tinh

“Đấu với Trời là niềm vui vô hạn.”

Mao Trạch Đông, 1917

Từ con đường đất dẫn vào rừng, chúng tôi ngắm cánh rừng đang phơi bày vẻ đẹp tự nhiên bừng nở trong vẻ hoang dã vô tận. Đây là vùng đất thù địch, bất khả xâm phạm đối với dân thành thị đặc sệt như chúng tôi và, nói chung, đối với bất kỳ người lạ nào đến huyện Krasnoarmeysky xa xôi ở trung tâm lâm nghiệp của miền Viễn Đông nước Nga. Một cuộc đột nhập ngắn ngủi vào chốn hỗn độn hoang sơ cùng với Anatoly Lebedev, chuyên gia môi trường hàng đầu trong khu vực, cũng đủ mang lại cho chúng tôi cảm nhận sức sống mãnh liệt của không gian độc đáo nằm khuất giữa Thái Bình Dương và vùng Siberia khắc nghiệt. Chỉ đi vào rừng chừng 100 mét dưới những lùm cây rậm rạp, tiếng chim hót và tiếng kêu của các loài dã thú vang lên điếc tai. Độ ẩm cao đến nỗi chúng tôi gần như chạm vào không khí, mặc cho các loài đặc hữu của rừng và các vị khách lạ hiếm hoi tranh nhau chút oxy.

Trong hệ sinh thái đa dạng độc đáo này, mặt trời cố xuyên qua tán lá của đám thông Hàn Quốc, sồi và linh sam sum suê. Thỉnh thoảng lại mở ra một khoảnh rừng trống và một quầng sáng chiếu thẳng xuống mặt đất, làm lộ ra lũ kiến, bọ cánh cứng và sên đang nghỉ ngơi trên một gốc cây bị đốn hạ. Những ốc đảo nhỏ sáng sủa và ấm áp này – một cú sốc đối với hệ thống giác quan con người – đơn giản là những dấu hiệu cảnh báo chỉ ra một trong những bi kịch môi trường lớn nhất đang tấn công vùng Primorsky thưa thớt dân cư: nạn phá rừng trên quy mô lớn.

Tay áo chiếc sơ mi cũ xăn lên đến khuỷu, Lebedev thỉnh thoảng dừng lại tựa vào một thân cây đo đường kính, cảnh báo chúng tôi kiểm tra không có con bọ ve tử thần truyền bệnh viêm não chết người nào mắc bám vào da hay quần áo. Bất cứ khi nào ông làm việc này, một đàn muỗi khát máu sà xuống, bu quanh mái tóc bạc. Tuy nhiên, điều đó chẳng mùi mẽ gì đối với người đàn ông đặc biệt đã ngoài bảy mươi có sứ mệnh cứu lấy các khu rừng và cư dân bản địa khỏi sự tham lam và vô trách nhiệm của các doanh nhân và quan chức Nga, cũng như các đối tác Trung Quốc của họ.

Lúc đầu sự cướp phá những cánh rừng Nga là do suy giảm kinh tế đã ảnh hưởng vùng Siberia và Viễn Đông của Nga từ khi Liên Xô sụp đổ, Lebedev buồn rầu giải thích. “Trước đây Liên Xô có các ngành quốc doanh để khai thác tài nguyên rừng. Các ngành này nắm toàn bộ dây chuyền sản xuất, từ đốn hạ cây đến chế biến gỗ. Tất cả giá trị gia tăng được giữ lại cho địa phương; họ thậm chí còn sản xuất bột gỗ để làm giấy. Hàng chục ngàn người làm việc cho các công ty này. Các công ty đã bán gỗ cho các thị trường trong và ngoài nước. Nhưng sau cuộc cách mạng tư bản, tôi gọi sự sụp đổ của Liên Xô như vậy, các công ty này phá sản và một giai đoạn tư nhân hóa đau đớn đã bắt đầu.”

Sinh ra tại Vladivostok vào năm 1941, Lebedev là người sáng lập tổ chức phi chính phủ Bureau for Regional Outreach Campaigns (BROC). Người đàn ông thông minh và hùng biện này bắt đầu quan tâm đến môi trường khi lần đầu tiên đặt chân vào cảnh giới bao la của Bắc Cực. “Cha tôi là đội trưởng tàu phá băng. Là một kỹ sư, tôi đã tham gia hai nhiệm vụ ở Bắc Cực. Tôi từng tiếp xúc nhiều nhà văn, nhà địa chất và nhiều trí thức ưu tú khác. Đó là khi tôi bắt đầu hiểu được tầm quan trọng của mối quan hệ thiêng liêng giữa con người, công nghiệp và môi trường. Đây là lý do tại sao tôi lập nên BROC vào năm 1997,”  người đàn ông đã trở thành đại biểu quốc hội vùng này vào năm 1989 sau “cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên và cuối cùng ở nước Nga” cho biết. Trong thời gian đó Lebedev đã tiên phong với các sáng kiến ​​lập pháp khác nhau để bảo vệ đất đai và cư dân bản địa. “Đây là lần đầu tiên điều như thế được thực hiện trên đất nước này.” Trước đây ông đã làm gần như tất cả các kiểu công việc có thể tưởng tượng ra: nghĩa vụ quân sự và kỹ thuật hải quân, rồi làm nhà báo và sau đó là nhà hoạt động môi trường. Chưa kể thời gian làm điệp viên KGB.

“Do có các kỹ năng của lính nhảy dù và thủy thủ tàu ngầm, cũng như học vấn về triết học và nghệ thuật, tôi được chính quyền giao giám sát những người bị xem là “không đáng tin cậy về mặt tư tưởng.” Tôi được yêu cầu báo cho KGB hành vi “sai trái” của họ,” ông nhớ lại. “Điều tôi thực sự đã làm là cảnh báo mọi người thận trọng hơn trong các cuộc trò chuyện. Sau đó tôi báo cáo với cấp trên là người bị tình nghi ấy ủng hộ chế độ cộng sản và thế là mọi chuyện đều êm đẹp.” Không ai được an toàn trong những ngày đó: sau khi bị “một người bạn phản bội,” Lebedev suýt bị tống vào trại lao động cải tạo. Ông thuộc thế hệ người Nga mắc kẹt giữa sự đàn áp của cộng sản thời kỳ đó và chế độ do tài phiệt lãnh đạo đã được đưa vào nước Nga mới. Quan trọng nhất, tức giận vì sự thiếu văn hóa và tính chính trực của thế hệ mới, Lebedev nói thẳng thừng về quá trình cướp bóc theo sau sự sụp đổ của đế chế Xô-viết, khi một nhóm ít người – nhiều người trong số đó là quan chức cộng sản cũ – đã tiến hành một cuộc chiến bạo lực và tàn nhẫn tranh đoạt của cải của quốc gia này.

Sự sụp đổ của hệ thống Xô-viết cuốn đi sinh kế của hàng ngàn gia đình trong khu vực. Những người này không chỉ sống nhờ vào thu nhập tạo ra từ ngành công nghiệp gỗ mà còn từ việc khai thác các lâm sản khác như mật ong, nhân sâm, trái cây rừng, thịt heo rừng và mỡ gấu. Trái với những gì nhiều người dự đoán, giải thể các ngành công nghiệp quốc doanh không dẫn đến việc sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên. Thay vào đó, nó dẫn đến một quá trình cướp bóc thực hiện bởi các tổ chức mafia thứ thiệt. “Các công ty nhà nước bị hủy hoại và tư nhân hóa. Các nhà đầu tư tư nhân, nhiều người trong số họ là quan chức Liên Xô cũ, cố giết nhau trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn tranh đoạt quyền mua các công ty được tư nhân hóa.” Chẳng có gì ngạc nhiên về điều này: quốc gia lớn nhất trên hành tinh cũng là nơi ẩn náu của các cánh rừng tùng phòng hộ lớn nhất thế giới, chiếm 57 phần trăm tổng diện tích bề mặt rừng ôn đới trên thế giới. Chúng là nguồn tài nguyên vô tận có tiềm năng vô cùng to lớn, cũng như trong các lĩnh vực năng lượng và khai khoáng của đất nước này, là những thứ nhanh chóng bị giới chóp bu thời hậu Xô-viết cắn xé.1 Sau sự sụp đổ của Liên Xô, rừng từ chỗ được chính phủ kiểm soát chuyển sang chịu đựng một quá trình cướp bóc tàn bạo, vì điều duy nhất quan trọng – và đến bây giờ vẫn vậy – là khả năng phất lên nhanh chóng.

Đầu tiên, các doanh nghiệp bắt đầu cướp phá tận diệt dã man các loài cây của khu rừng, đốn hạ không thương tiếc để kiếm lợi tối đa. Đồng thời, các nạn nhân của việc đóng cửa doanh nghiệp nhà nước – các công nhân cũ khốn cùng – hướng vào rừng để tìm kiếm miếng ăn. Rơi vào tình cảnh cùng đường tuyệt vọng do thiếu cơ hội việc làm, họ tiến hành các cuộc tấn công tùy tiện vào rừng với không có gì khác ngoài những chiếc xe tải nhỏ và máy cưa xách tay kiếm lấy một khúc gỗ lẻ quý hiếm để bán. Quy mô của cuộc tấn công này nhỏ hơn nhiều, nhưng các chuỗi cướp phá liên tục và vô tổ chức này có hậu quả thảm khốc lâu dài. “Họ bắt đầu tranh chiếm tài nguyên rừng. Rất nhiều người thất nghiệp tham gia vào ngành này một cách bất hợp pháp, không có giấy phép, để bán cho người Trung Quốc ngay sau khi biên giới với Trung Quốc mở cửa,” Lebedev giải thích. Đó là năm 1991 khi Trung Quốc bước vào cuộc chơi. “Người Trung Quốc mua tất tần tật mọi thứ, bất kể là hợp pháp hay không. Rất nhiều người dân ở các vùng nông thôn của Siberia rất biết ơn Trung Quốc, vì trong những ngày đó với họ đây là lựa chọn duy nhất còn lại. Một số làng trong rừng ngày nay vẫn còn tồn tại là nhờ nhu cầu của Trung Quốc. Nếu không có điều đó, họ không chắc có thể sống sót.”

Kể từ đó, các công ty chịu trách nhiệm về hầu hết bi kịch thời hiện đại này sử dụng các phương cách tận diệt để đốn hạ bừa bãi với giấy phép có được bằng nhiều cách khác nhau. “Vấn nạn này gây ra bởi các công ty đốn hạ triệt để, hủy diệt mọi thứ trên đường tiến. Các công ty này có thể dựa vào sự chống lưng của các quan chức tham nhũng vì chúng nộp rất nhiều thuế. Công ty quốc doanh cũng được cấp giấy phép với hy vọng lực lượng này sẽ bảo vệ tài nguyên, nhưng điều chúng thực sự làm là đốn hạ cây vì mục tiêu lợi nhuận, ngay cả trong khu vực cấm.” Toàn bộ hệ thống này được thúc đẩy bởi opshack, một hệ thống tham nhũng lây nhiễm mọi cấp bậc trong xã hội Nga, từ những nhân vật chóp bu của kim tự tháp quyền lực đến các quan chức tép riu ở đáy tháp. Về mặt nào đó, nó giống với “thuế cách mạng” trước đây do các du kích và các băng nhóm mafia đẻ ra, nhưng trong trường hợp này “thuế” lại do các cơ quan nhà nước làm luật: cảnh sát, kiểm lâm, bảo vệ, thuế vụ và quan chức. Doanh nhân, bọn vô lại và những tên đầu sỏ chính trị cũng đòi chia phần. Các cặp tiền đầy ắp thậm chí đi xa đến tận điện Kremlin. “Nếu không hối lộ anh phải ra khỏi cuộc chơi,” Lebedev khẳng định.

Tham nhũng và hối lộ giúp “hợp pháp hóa” các hành vi tội phạm hiện đang đe dọa quét sạch hệ sinh thái độc đáo trong vòng hai hoặc ba mươi năm tới. Dù gỗ thu hoạch bất hợp pháp, các khoản hối lộ có thể giúp xoay xở được giấy tờ cần thiết để đi vào lưu thông hợp pháp: giấy chứng nhận xuất xứ, chủng loại và số lượng, cũng như giấy phép khai thác và xuất khẩu. Thực ra là, mọi thứ; không có gì là không thể nếu trả đúng giá, Lebedev nói với chúng tôi. “Ở một đất nước hoàn toàn băng hoại, không có sự kiểm soát nào cả; đơn giản vì không thể kiểm soát. Quan chức nào cũng có thể bị mua chuộc. Tham nhũng là một phần của hệ thống. Khi thanh tra đi tuần bắt ai đó đang lưu thông hay đốn hạ gỗ bất hợp pháp, người đó chỉ cần đút cho hắn 100 đô-la là mọi thứ êm xuôi. Lương nhân viên kiểm lâm mỗi tháng chỉ tầm 10.000 rúp, chừng 300 đô-la, thấp đến nỗi chỉ một lần nhận hối lộ họ có thể kiếm được nhiều hơn cả tháng lương. Làm sao mà họ không tham nhũng?” Khi mô tả bi kịch này, thứ vượt xa ngoài vấn đề môi trường, giọng của Anatoly trở nên nhát gừng. Ông mở trừng mắt và nói thẳng thừng về hiện tình. Ông dường như luyến tiếc những ngày xưa cũ. Đôi khi ông trộn lẫn chuyện riêng tư của mình với chuyện phá rừng, như thể để chứng minh suy thoái môi trường trong khu vực là hậu quả trực tiếp của sự xuống cấp đạo đức trong xã hội Nga.

1998: NHÂN TỐ TRUNG QUỐC, NĂM ZERO

Trong khi quá trình hỗn loạn tư nhân hóa các tài sản của Liên Xô cũ rõ ràng đã đóng một vai trò quan trọng trong bi kịch của các khu rừng Siberia, có một năm không thể nào quên bởi tác hại ghê gớm của nó đã trút xuống các khu rừng và những loài đặc hữu: năm 1998. “Năm ấy, nhiều thứ đã xảy ra cùng lúc. Một mặt, nền kinh tế Nga sụp đổ và hệ thống tài chính rơi vào khủng hoảng, bị kéo theo sự sụp đổ của châu Á trong năm 1997, dẫn đến sự mất giá của đồng rúp. Đồng thời, với sức phát triển nhanh, Trung Quốc đã cấm khai thác gỗ ở hầu khắp lãnh thổ để tránh nạn lũ lụt. Tất cả đã tác động mạnh mẽ lên các sự kiện,” Lebedev nhớ lại

Sau khi cấm khai thác gỗ trong toàn quốc,2 Trung Quốc đối mặt với thách thức thay thế nguồn cung cấp gỗ khổng lồ trong nước bằng nguồn nhập khẩu. Chính nước Nga gánh vác thách thức này. Quốc gia láng giềng này vốn chỉ xuất khẩu nửa triệu mét khối gỗ sang Trung Quốc vào năm 1996, đã nâng mức cung cấp lên nhiều lần vào năm 2004. Trung Quốc hiện là khách hàng lớn nhất của Nga, nhập khẩu gần 18 triệu mét khối gỗ mỗi năm, với nhu cầu đặc biệt đối với các loại gỗ cứng quý hiếm như gỗ sồi và nhiều loại gỗ thông Siberi khác.3 Cũng chính các khu rừng Nga trước đó đã góp phần vào công cuộc tái thiết nước Nhật sau chiến tranh và công nghiệp hóa của Hàn Quốc giờ đây đứng trước thách thức cung ứng cho nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc. Nhưng việc xây dựng lại các thành phố Nhật Bản bị bom của Đồng minh phá hủy trong Chiến tranh Thế giới thứ hai – nhiều thập niên trước khi Trung Quốc tiến vào Siberia – chẳng là gì so với thách thức đặt ra do gã khổng lồ châu Á, một quốc gia có 1,3 tỷ dân đã tự biến nó thành một nước xuất khẩu hàng loạt hàng hóa và đang trải qua quá trình đô thị hóa khốc liệt.

Có thể thấy rõ tác động của bi kịch này ở Dalnerechensk, thủ phủ ngành công nghiệp gỗ Đông Siberi. Thị trấn vùng quê nhỏ bé nhà cửa thưa thớt này là nơi sinh sống của 30.000 người cứng cỏi và khó gần. Những con người kiên cường này sống qua những mùa đông khủng khiếp bằng cách vừa nốc vodka – phương tiện sống còn quen thuộc – vừa nhảy các điệu nhạc của những năm 1980 trong những câu lạc bộ dường như đông giá suốt mùa. Ga đường sắt nhộn nhịp của thị trấn nổi lên tương phản mạnh mẽ với khung cảnh hoang tàn. Ga này là điểm khởi hành của nguồn tài nguyên rừng Siberia lên đường sang Trung Quốc. Nhiều đoàn tàu bốn mươi toa căng dài đang xếp hàng trên đường ray, chờ đèn xanh chạy sang Suifenhe, thành phố sôi động của Trung Quốc bên kia biên giới.

Mỗi ngày, hàng chục đoàn tàu dài tới sáu mươi toa chất đầy 3.000 mét khối gỗ chạy qua nước láng giềng chỉ tại mỗi cửa khẩu biên giới này, cửa ngõ chính để gỗ Nga vào Trung Quốc. Điều này tương ứng với một nguồn cung ứng hàng năm 10 triệu mét khối gỗ quý, phủ kín bề mặt một diện tích tương đương diện tích của Iceland hoặc Bồ Đào Nha.4 Ga đường sắt ở Dalnerechensk thơm lừng mùi gỗ mới xẻ: các đoàn tàu vận chuyển thân cây thông và sồi chưa qua chế biến, phần lớn vẫn còn ứa nhựa tươi trên vỏ. Tại gốc của mỗi thân cây, một dòng chữ bằng phấn cho biết xuất xứ, chất lượng của gỗ và, quan trọng nhất, là số điện thoại của người trung gian hoặc thương lái liên quan. Những chữ này chủ yếu là chữ Trung Quốc vì, như Lebedev giải thích, “người Trung Quốc làm lấy mọi việc. Không như người Nhật, thường mua gỗ trên thị trường, người Trung Quốc đã đến Nga để mua gỗ trực tiếp. Họ hiện diện ở khắp các làng trong vùng.”

Người Trung Quốc nhập cuộc ngay sau khi cây đã bị đốn hạ, nhưng không tham gia vào quá trình khai thác gỗ. “Tất cả việc khai thác gỗ do người Nga thực hiện. Các công ty của Nga kiếm được giấy phép và tận dụng nó, đặc biệt là vào mùa đông khi tuyết cứng và đường sá có thể đi lại. Người Trung Quốc dự phần vào việc thu mua và chế biến gỗ. Họ là cổ đông, chủ doanh nghiệp và công nhân. Họ nắm hết mọi hoạt động. Họ cũng đóng vai trung gian: mua và bán lại gỗ.” Nói cách khác, họ kiểm soát toàn bộ quá trình, từ gốc đến ngọn. Một ví dụ có thể thấy được ở nhà máy chế biến nằm ở ngoại ô Dalnerechensk của Shi Wei Hua – hay “Natasha” như cô ta tự gọi mình ở đây. Đây là nhà máy duy nhất hoan nghênh chúng tôi thăm viếng các cơ sở của nó, gồm hai túp lều bằng gỗ và một xưởng chế biến nhỏ. Khi đi dọc theo con đường chạy song song tuyến đường sắt, chúng tôi đã tiếp cận vài trong nhiều xưởng cưa và kho gỗ tròn trong khu vực, một số là những pháo đài thực sự với hệ thống an ninh riêng và những con chó Siberi hung dữ. Lần lượt, tất cả đều từ chối cho chúng tôi đi vào cơ sở của họ, vì họ biết rõ nạn phá rừng ở vùng Siberia của Nga là một vấn đề nhạy cảm.

Một nhóm công nhân Trung Quốc và mỗi Sasha là người Nga, đang nỗ lực để theo kịp nhịp độ chóng mặt của quá trình cưa xẻ và chế biến gỗ, dưới sự giám sát của Natasha, luôn điều hành công nhân với bàn tay sắt. Những thân cây thông Hàn Quốc to lớn đang được băm để tách vỏ khỏi thân cây. Sau đó chúng nhanh chóng được chuyển thành gỗ xẻ và chất đống sẵn sàng để bán. Trang bị của xưởng rất đơn giản; thiết bị chủ yếu gồm các công cụ thủ công và máy móc lỗi thời, phát tiếng ồn điếc tai. Các biện pháp y tế và an toàn quá sơ sài: không mũ bảo hiểm, không mặt nạ chống bụi hoặc các rào cản bảo vệ công nhân khỏi chiếc máy cưa khổng lồ. Một cú vấp ngã, một sơ suất hay xui xẻo nhỏ có thể dễ dàng khiến một công nhân đứt lìa cánh tay trong nháy mắt. Văn phòng bằng gỗ nhỏ có ba buồng gồm một căn bếp khiêm tốn, một buồng ăn với bàn, ghế dài và một buồng dành cho Natasha thực hiện nhiệm vụ điều hành của mình: mua bán gỗ, lập kế hoạch sản xuất và trả lương hàng tuần. Công nhân ngủ trong một lều khác: sáu người đàn ông sống trong một căn phòng chỉ có đủ không gian cho bốn chiếc giường gắn liền vào tường và một chiếc ti-vi, một phòng khác dành cho ba phụ nữ. Đây là những chỗ trú ngụ dã chiến không có bất kỳ đồ xa xỉ nào, nơi các công nhân dành phần lớn thời gian rảnh rỗi để ngủ hoặc nhìn vào chiếc ti-vi nhỏ đặt trên ghế, nhất là khi mùa đông khắc nghiệt tấn công vùng này.

Sasha, một thanh niên Nga, tầm vóc trung bình và mặc quân phục. Anh hai mươi lăm tuổi, có mái tóc vàng hoe cắt gọn. Chúng tôi tiếp cận anh giữa giờ ăn trưa, khi anh đang ngồi ở cái bàn duy nhất với các đồng nghiệp Trung Quốc, nhưng hơi tách ra một chút. Tất cả công nhân đang ăn đồ ăn Trung Quốc, anh là người duy nhất sử dụng nĩa. “Họ trả tôi 250 rúp [6 euro] một ngày. Đó là số tiền rất nhỏ,” anh cho chúng tôi biết. Natasha thừa nhận rằng trung bình các công nhân Nga bị trả lương thấp hơn công nhân Trung Quốc 20 phần trăm. “Công ty này sẽ không tồn tại được nếu chỉ có công nhân Nga. Người Nga uống rượu như hũ chìm và rất vô kỷ luật. Người Trung Quốc là những công nhân tốt hơn và họ không gây ra rắc rối,” cô giải thích để biện minh cho sự chênh lệch tiền lương. “Chúng tôi không ép buộc bất cứ ai ở lại đây. Nếu ai đó không thích, họ có thể đi,” cô tiếp tục, với thứ ngôn từ phân biệt đối xử mà chúng tôi nhận ra đã nghe khá thường xuyên trong suốt cuộc hành trình đi qua “thế giới Trung Quốc.” Đối với người Trung Quốc, chính những người khác phải thích ứng với tiêu chuẩn của họ – từ công việc, tiền lương cho đến môi trường – và không có cách nào khác.

Hệ thống này cho phép Natasha sống một cuộc sống trung thực bù đắp cho chuỗi dài hi sinh: đối phó với mùa đông tàn bạo, thiếu vắng những người thân yêu và cuộc sống khó khăn của một người di cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, tất cả điều này sẽ sớm trở nên khó khăn hơn do tình trạng thiếu nguyên liệu. Với cái nhìn sắc sảo, Natasha không cố gắng che giấu suy nghĩ của mình về hiện trạng của các khu rừng. “Chúng tôi thường hoạt động chủ yếu với gỗ cứng, nhưng mức sản xuất đã giảm đáng kể. Không còn dự trữ,” cô thừa nhận, khiến chúng tôi tin rằng cưa xích đã tàn phá rừng sồi của khu vực này. “Giờ chúng tôi chỉ hoạt động với gỗ mềm.”

HỔ SIBERIA ĂN THỊT ĐỒNG LOẠI

Dù không thể chỉ quy cho các khách hàng Trung Quốc về khuynh hướng tham nhũng của quan chức Nga, nhưng họ thật sự đóng một vai trò chủ đạo trong cuộc cướp phá rừng Siberia. Người Trung Quốc đến Siberia với túi tiền rủng rỉnh, đưa ra cái giá khủng chào mời các gia đình hay các doanh nghiệp để mua loại gỗ có giá trị nhất, không cần quan tâm đến xuất xứ hay tính hợp pháp của mặt hàng. Thêm nữa, một mạng lưới hàng trăm khách hàng trải rộng trên nhiều điểm địa lý chiến lược giúp các hoàng đế mới kiểm soát mọi khía cạnh của quá trình mua và bán.5 “Nhu cầu của Trung Quốc đang khuyến khích tình trạng này. Ít nhất một nửa giao dịch buôn bán gỗ tròn là từ khai thác gỗ bất hợp pháp. Điều này gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với rừng,” Anatoly Lebedev nói với chúng tôi. “Vấn đề không chỉ là đốn hạ gỗ bất hợp pháp mà còn cướp bóc tất cả mọi thứ của rừng. Người Trung Quốc không quan tâm các lâm sản đến từ đâu; họ không quan tâm đến xuất xứ của gỗ. Nó có sẵn trên thị trường vì thế họ cho rằng đó không phải là trách nhiệm của họ. Vì thế, họ cảm thấy rất thoải mái với hệ thống hối lộ. Đó là luật lệ của cuộc chơi và họ quá vui sướng dự phần. Dẫu thế nào thì họ chẳng liên can gì với nó.” Điều đáng kể duy nhất đối với các lãnh đạo doanh nghiệp mới này là lợi nhuận có thể đẻ ra từ việc thu mua lâm sản tận gốc: trên đất Nga họ trả 350 đô-la cho một mét khối gỗ sồi tốt nhất, trong khi mức giá này sẽ gấp đôi lên hơn 700 đô-la một khi đã vượt qua biên giới.6

Vladimir Bojarnichov, một chuyên gia môi trường tại Viện Địa lý Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học Nga ở Vladivostok, qui trách nhiệm bằng nhau cho những gì đang xảy ra trong kho báu tự nhiên của Siberia. “Người Trung Quốc và người Nga cùng phải chịu trách nhiệm trên cơ sở 50 – 50 cho những gì đang xảy ra trong các khu rừng của chúng tôi. Chính phủ Trung Quốc đang hỗ trợ kinh tế địa phương và khuyến khích người dân khai thác rừng. Họ bảo với dân của họ: “Láng giềng của chúng ta lúc này đang nghèo. Nếu bạn muốn làm giàu, chính là lúc này,” Bojarnichov nói với chúng tôi tại giảng đường của mình ở ngoại ô Vladivostok. Quan trọng nhất, ông lên án chính sách của Bắc Kinh và các tỉnh Trung Quốc lập ra các khu công nghiệp chế biến gỗ ở bên kia biên giới tạo điều kiện cho Trung Quốc thâu tóm toàn bộ giá trị gia tăng từ nguyên liệu thô của Nga.

Trong khuôn khổ này, các ngân hàng cấp tỉnh đã cấp vốn vay ưu đãi và chính quyền Trung Quốc đã cải thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng gần biên giới, cũng như qui hoạch đất đai và giảm thuế. Tất cả đã được thực hiện để đặt nền móng cho các khu công nghiệp như khu công nghiệp đã biến đổi Suifenhe thành một trung tâm kinh doanh quan trọng của tỉnh.7 Đồng thời, Bắc Kinh đã từ chối phê chuẩn luật áp đặt một mức kiểm soát lớn hơn về nguồn gốc của gỗ. Kết quả là một thành phố như Suifenhe, mới ba thập niên trước đây có dân số chỉ chừng 10.000 người nghèo khổ và giờ có tới 30.000 cư dân, một số người giàu có như Jiou Peng mà chúng ta đã gặp trong Chương 1, người đã đón chúng tôi ở nhà ga với chiếc Porsche Cayenne cáu cạnh của mình. Ngoài ra, thành phố còn có số dân trôi nổi lên đến 100.000 người, bị thu hút bởi cơ hội việc làm do Suifenhe như là một trong những thủ đô gỗ của Trung Quốc tạo ra.

Do đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi các khách hàng mua gỗ trong thị trấn biên giới với các tòa nhà và trung tâm mua sắm mới hào nhoáng chào đón món hàng này như lộc trời cho. Gỗ rừng Siberia đã trở thành nguồn công ăn việc làm và sự giàu có khác thường: hơn 300 doanh nghiệp hiện đang hoạt động trong bốn khu chế biến gỗ do chính quyền thành lập. Ước tính ít nhất 12.000 việc làm đã được tạo ra trong khu vực nhờ vào nguồn tài nguyên thu được từ trung tâm của khu rừng Nga. Ở các địa phương khác, hơn 200.000 công nhân8 đang kiếm sống trong ngành công nghiệp gỗ dựa trên gỗ tròn chưa chế biến nhập khẩu từ Nga.9

Với mối liên hệ kinh tế mạnh mẽ như vậy, chẳng ai ngạc nhiên khi chính quyền Trung Quốc bác bỏ bất kỳ sáng kiến ​​nào nhằm kiểm soát và theo dõi nguồn gốc của gỗ, vốn là điều bắt buộc theo pháp luật của Mỹ và Liên minh châu Âu.10 Trong trường hợp gỗ Nga qui trình đó không quá phức tạp, vì chỉ chừng 60 công ty có trụ sở ở miền bắc Trung Quốc độc chiếm khoảng 80 phần trăm thương mại gỗ tròn Nga.11 Sẽ chẳng tốn nhiều công sức để điều tra và buộc các công ty này phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ. Tuy nhiên, hàng triệu việc làm và lợi nhuận khổng lồ trên các thị trường khắp thế giới – gồm của cả công ty Thụy Điển IKEA khổng lồ – sẽ bị đe dọa, điều này giải thích vì sao Trung Quốc hoàn toàn thiếu quan tâm xử lý.12  “Trung Quốc sẽ không ngăn chặn gỗ bất hợp pháp nhập vào Trung Quốc, bởi điều đó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên nền kinh tế của họ. Trông chờ Trung Quốc làm gì đó cản trở nền kinh tế của họ là điều không khả thi,” Xiangjun Yang ở Hội đồng Quản lý Rừng (FSC), một tổ chức phi chính phủ hướng đến đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của gỗ, cho biết như vậy khi chúng tôi gặp cô ấy ở Bắc Kinh. Đối với người Trung Quốc, phát triển kinh tế là cứu cánh biện minh cho phương tiện.

Tác động của những diễn biến này đang được nhận thấy rất rõ ở vùng Viễn Đông Nga, và không chỉ về mặt suy thoái khu bảo tồn rừng cây của khu vực. Nạn phá rừng đã phá hủy nghiêm trọng hệ sinh thái đang đấu tranh để thích nghi và tồn tại khi đứng trước sự hủy diệt quá lớn. Ví dụ rõ ràng nhất là trường hợp của loài hổ đặc trưng Siberia, Vladimir Bojarnichov giải thích. Việc đốn hạ gỗ bừa bãi đã quét sạch các loài cây rừng quan trọng như sồi, và điều này đã làm lung lay dữ dội nền tảng của kim tự tháp bền vững, đang tận diệt chuỗi thức ăn của các loài động vật bản địa. Để hiểu rõ hơn về hiện tượng này, chúng tôi đã đến thăm Nikolai Salyuk, một nhà địa chất của Viện Moscow và là một nhà hoạt động trong các khu rừng Primorsky kể từ năm 1975. Con người yêu thiên nhiên và cũng là thợ săn giàu kinh nghiệm này có thể cho chúng tôi biết lý do tại sao loài hổ Siberia, vua của các loài động vật tự nhiên trong vùng, thấy mình bị đẩy đến bờ tuyệt chủng. “Quả đấu, một nguồn thức ăn chính của lợn rừng, đang biến mất do quá trình khai thác gỗ. Khi mật độ cây sồi giảm, số lượng quả đấu giảm theo và lợn rừng di cư tìm kiếm một môi trường sống phù hợp hơn để tồn tại. Hổ, loài ăn lợn rừng và các con mồi khác, cũng rời bỏ môi trường cũ của nó, do đó thói quen săn mồi của nó cũng thay đổi theo.”

Lời giải thích rất đơn giản: khai thác gỗ bừa bãi đã khiến cho rừng ở trong tình trạng tan nát, hủy hoại đa dạng sinh học của nó. “Trong hai mươi lăm năm, tôi đã thấy nhiều thay đổi trong hành vi của loài hổ. Hổ là loài vật bẩm sinh săn mồi một mình, nhưng bây giờ đôi khi nó săn mồi thành đoàn. Chúng cũng bắt đầu mon men đến khu định cư của con người, tấn công chó lúc bình minh vì đó là những con mồi dễ bắt,” Salyuk lưu ý như vậy khi ông đùa với con chó con tại nhà mình trên bìa rừng. “Chúng đói đến nỗi có lúc chúng thậm chí ăn thịt lẫn nhau. Tôi đã chứng kiến ​​trường hợp hổ Siberia ăn thịt đồng loại,” ông đoan chắc với chúng tôi. Với kiến ​​thức vô song về môi trường địa phương, ông biết chắc ai phải chịu trách nhiệm. “Ngành công nghiệp gỗ đã đe dọa sự sống còn của loài hổ. Chính ngành công nghiệp gỗ đã đẩy loài thú này vào tình trạng cùng cực như thế.”

Ba tháng sau, khi đã rong ruổi hàng chục ngàn cây số, chúng tôi có thể khẳng định rằng đây hoàn toàn không phải là một trường hợp cá biệt. Thay vào đó, những gì đang xảy ra ở Siberia – một trong những khu bảo tồn sinh thái lớn nhất trên hành tinh – chỉ là phần nổi của tảng băng cướp bóc gỗ cứng quý hiếm trên qui mô toàn cầu của Trung Quốc. Châu Phi là điểm dừng chân tiếp theo trong cuộc hành trình của chúng tôi.

MOZAMBIQUE: KHÁC LOÀI

CHUNG MẪU HÌNH TRUNG QUỐC

Hoàn toàn không quan tâm đến mối nguy hiểm đang gây ra cho sức khỏe chúng tôi và cho cả chiếc xe hai cầu của anh ta, lái xe Li vừa rồ máy vừa cười mỗi khi chiếc Mitsubishi chạy với tốc độ 100 km một giờ rơi vào những ổ gà tệ hại trên đường cao tốc EN-1 nối thủ đô Maputo với cảng Beira. Trên đoạn đường trải nhựa – được các công ty Trung Quốc sửa chữa từng phần, các công nhân làm việc cực nhọc dưới ánh nắng thiêu đốt – được dừng nghỉ một lát trước khi bước vào cuộc hành trình đày ải khác, chúng tôi như bị bị mê hoặc vì cảnh quan tuyệt đẹp xung quanh. Ban ngày, màu xanh tráng lệ của bầu trời làm dịu tông màu xanh lá cây và màu nâu của vùng đất nhiệt đới. Biển màu ngọc lam thỉnh thoảng xuất hiện dọc theo con đường. Khi màn đêm buông xuống, bóng tối dày đặc không hoàn toàn nuốt chửng tất cả mọi thứ xung quanh chúng tôi. Từ trên cao Đông chí tuyến, sao trời tỏa chiếu một quầng sáng lộng lẫy.

Sau khi vượt qua Vilankulos, điểm giữa của hành trình 1.000 km từ Maputo đến thành phố thứ hai của Mozambique, chúng tôi gặp hai hiện tượng không liên quan gì nhau nhưng phản ánh hiện trạng nơi đây một cách hoàn hảo. Hiện tượng đầu tiên hiện ra đột ngột, ngay giữa đường, khi chúng tôi vừa lên đến đỉnh một ngọn đồi: một nhóm cảnh sát chặn chúng tôi lại, “vũ trang” với máy bắn tốc độ cầm tay kiểu cũ có phần đáng nghi trông giống máy sấy tóc. “Tiền phạt” (20 hoặc 30 đô-la tiền “mãi lộ”) phải trả ngay lập tức dù chúng tôi không bao giờ nhìn thấy phiếu thu, chứng tỏ tham nhũng là cách làm điển hình được những người lẽ ra phải duy trì pháp luật sử dụng. Hiện tượng tiếp theo ít bất ngờ nhưng cũng không kém lo ngại: những cột khói bay lên ở hai bên đường, không khí nồng nặc mùi cỏ cháy. Đây là các đám cháy do người dân địa phương đốt, phá hủy hàng hecta rừng lấy đất canh tác theo kiểu du canh. Tro đốt của cây gỗ mun và cây gỗ tanga tanga được sử dụng như một loại phân bón đáng tiếc cho những vườn cây được trồng bởi các bộ lạc và các nhóm dân thiểu số trong khu vực, hình ảnh này cho thấy rừng ở đây đang bị đe dọa thường trực.

Tuy nhiên, các loài thú quý hiếm đầy ắp trong các khu rừng và công viên quốc gia ở miền trung và miền bắc Mozambique, gần bờ sông Zambezi màu mỡ, thường tìm được cách để tránh khỏi chết thiêu. Điều này không phải vì chúng có khả năng chống cháy – giống như cây chacate chẳng hạn – mà đơn giản vì chúng không còn ở đó nữa: trước khi ngọn lửa có thể cháy tới những thân cây khổng lồ (một số cây cao 30 mét) chúng đã ở ngoài khơi trên một tàu hàng sang Trung Quốc. Ngay trước khi chúng tôi đến Inchope, một thị trấn cách Beira khoảng 50 km, chúng tôi gặp phải một nhóm người địa phương đốn củi bất hợp pháp. Họ có sáu người, không có ai trên hai mươi lăm tuổi, đang nghỉ trên một đống gỗ cây. Họ ngang ngược kiểm tra chúng tôi, nắm chặt cán rìu trong vài phút đầu tiên của cuộc nói chuyện. Sau vài câu tán dóc gắng gượng về bóng đá và phụ nữ, họ dần dần thư giãn. Một trong số họ, João, nói thay cho cả nhóm.

“Chúng tôi làm mười giờ một ngày. Chúng tôi vào rừng, chặt gỗ rồi sau đó bán cho người mua. Đôi khi người Trung Quốc đến gặp chúng tôi mua trực tiếp. Chúng tôi làm việc theo nhóm vì cây rất lớn. Họ trả cho chúng tôi mỗi người mười đô-la để đưa họ số gỗ chúng tôi đã chặt hạ.” Ở Trung Quốc, giá một mét khối gỗ cứng hiếm (gụ, lim, mun, hồng mộc và muồng, thứ gỗ đắt nhất) dao động từ 600 đến 1.700 euro. João không thể nói chính xác họ đốn mỗi ngày bao nhiêu: “Đôi khi năm, đôi khi mười cây.” Nếu không có cưa máy công việc này rất nặng nhọc. Một số người đi chân trần, những người may mắn hơn đi dép tông và đeo găng tay len. Tất cả họ đều đội mũ hoặc nón mắc miếng vải phía sau cổ dài xuống vai. “Đó là để bảo vệ chúng tôi khỏi rắn hổ mang và các loài rắn độc khác. Chúng thường rơi từ trên cây xuống lưng chúng tôi khi chúng tôi đang làm việc,” João giải thích.

Ana Alonso không lạ gì với các cuộc cướp rừng. Nữ doanh nhân Tây Ban Nha này đang sở hữu nhượng quyền (Euromoz) của chừng 60.000 ha – tương đương với diện tích thủ đô Madrid – gồm bụi cây, hoang mạc và đồng cỏ. Chúng tôi gặp bà ở Beira, thủ đô gỗ của nước này và là điểm khởi hành của nhiều tàu vận chuyển nguyên liệu sẽ trở thành gỗ ván sàn sang trọng hoặc các bàn gỗ chắc chắn trang trí văn phòng và nhà cửa sang trọng nhất ở các thành phố Trung Quốc. Bà năm mươi bảy tuổi mặc đồ kaki rằn ri. Bà lái một chiếc jeep Toyota cũ và chúng tôi có thể nhận ra bà ấy từ xa nhờ mái tóc dài. Sau mười bảy năm sống ở nước này, bà không còn dè chừng lời ăn tiếng nói. Bà đi thẳng vào vấn đề: “Lĩnh vực khai thác rừng ở đây bẩn thỉu và tham nhũng. Tiền tham nhũng từ người Trung Quốc đã chất đầy túi quan chức cấp trung và cấp thấp của Mozambique. Các ban ngành lâm nghiệp cấp tỉnh đã giàu lên rất nhanh.”

Thái độ thẳng thắn của Alonso có nghĩa là bà phải luôn luôn đi cùng một vệ sĩ với khẩu súng trường: quan chức tham nhũng, doanh nhân, mafia và thậm chí cả bộ trưởng đã đe dọa giết bà vì bà đã vận động chống nạn phá rừng và khai thác gỗ bất hợp pháp. “Khi tôi nhận được lời đe dọa giết từ một nhân vật quan trọng trong nước tôi đã phát hành một quảng cáo nguyên trang trên tất cả các tờ báo lớn của Mozambique, thông báo ai đang tìm cách đe dọa tôi và vì sao. Công khai phơi bày mối đe dọa là một cách để bảo vệ chính mình,” bà dũng cảm giải thích trong khi cho chúng tôi xem một vài ví dụ ở nhà bà. Khi chúng tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về nội tình các hoạt động của ngành công nghiệp gỗ Mozambique, các điểm tương đồng với những gì chúng tôi đã thấy ở Nga càng lúc càng trở nên rõ ràng hơn.

Thực ra, kiểu cách giống hệt nhau trừ thực tế là sự tham gia của các công ty nhà nước Trung Quốc ở Mozambique lớn hơn nhiều so với ở Nga:13 trong khi các công ty Trung Quốc không làm bẩn tay mình bằng cách tham gia vào chính quá trình đốn gỗ, họ cho người Mozambique vay tiền để những người này làm “hình nộm” kiếm cho công ty giấy phép mà theo luật chỉ cấp cho công dân Mozambique. Cũng bằng cách cấp các khoản vay cho người Mozambique để họ có thể mua các phương tiện cần thiết (cưa xích, xe tải,…) và nộp tiền mặt ký quỹ theo yêu cầu của chính quyền để khai thác giấy phép, các công ty Trung Quốc chồng chất các khoản nợ lên người dân địa phương, buộc họ phải bán tài nguyên thu được từ rừng cho người Trung Quốc với điều kiện rất thuận lợi.14 Do xuất khẩu các loại gỗ chất lượng loại một và loại hai chưa qua chế biến là bất hợp pháp, các chiêu hối lộ được sử dụng để đảm bảo gỗ rốt cuộc cũng ra khỏi nước này. “Toàn bộ hệ thống đều hối lộ vì điều này giúp tăng lợi nhuận. Nếu các công ty khai thác giấy phép một cách hợp pháp và tuân thủ pháp luật và quy định quản lý xuất khẩu, họ có thể tạo ra lợi nhuận tối đa 10 phần trăm. Tuy nhiên, nếu họ hối lộ các quan chức để có thể xuất khẩu gỗ chưa qua chế biến, trốn thuế và không cam kết kế hoạch trồng lại rừng, tỷ suất lợi nhuận sẽ trên 50 phần trăm,” Alonso khẳng định với chúng tôi như vậy khi đề cập đến những người trung gian Trung Quốc. Người Trung Quốc nhanh chóng thích nghi và tận dụng hệ thống hỗn loạn này. “Các công ty nước ngoài khác cũng có tham nhũng theo kiểu nào đó, nhưng người Trung Quốc có cả một hệ thống tham nhũng tại chỗ để ngành công nghiệp này làm việc cho họ. Nếu có các cấp độ bất hợp pháp khác nhau, người Trung Quốc là bất hợp pháp nhất,” bà lập luận.

Nhà kho do người Trung Quốc quản lý sắp dài theo những con đường vùng ngoại ô Beira. Sau nhiều cố gắng không thành, chúng tôi tìm cách thuyết phục Zheng (không phải tên thật) cho chúng tôi nhìn lướt qua bên trong cơ sở của ông có kích cỡ bằng một sân bóng. Ở một đầu nhà kho, nhiều loại gỗ cây đang chất thành đống chờ xe tải đến và chúng lập tức được đóng dấu và chở đi trên đường mà không có bất kỳ mức độ kiểm soát đáng kể nào. “Tôi mua gỗ từ vài người Trung Quốc sống ở miền bắc Mozambique. Ở đó có rất nhiều người Trung Quốc. Tôi không biết gỗ từ đâu ra và chúng được khai thác hợp pháp hay bất hợp pháp,” ông thừa nhận. Ở đầu kia nhà kho, một cỗ máy nguy hiểm gồm một cái cưa và một máy phát điện hoạt động như một xưởng cưa. “Tất cả các công nghệ này đến từ Trung Quốc. Không có thứ gì tại chỗ,” ông nói với chúng tôi. Gốc tích từ tỉnh Hà Nam, Zheng đến Beira cách đây bốn năm, bị thu hút vì “những cơ hội đất nước này mời gọi.”

Ông sống một mình, để gia đình ở lại Trung Quốc. Ông dự tính sẽ quay về quê nhà khi đã giàu, điều dường như không còn là một viễn cảnh xa vời. “Tôi đã kiếm được hàng trăm ngàn đô-la,” ông thành thật kể với chúng tôi. Rừng Mozambique chi trả cho sự giàu có mới nổi này: mỗi tháng Zheng xuất khẩu chừng 30 đến 40 container 18 tấn sang Trung Quốc, khoảng 7.500 tấn gỗ mỗi năm.15 “Dưới tay người Trung Quốc, 25 phần trăm rừng đã biến mất ở các tỉnh Sofala, Zambezia và Nampula, đó là mới kể sơ. Bốn hoặc năm năm nữa sẽ không còn lại gì,” Ana Alonso kết luận. Nếu khai thác gỗ vẫn tiếp tục ở mức hiện tại, toàn bộ dự trữ gỗ cứng của Mozambique sẽ bị xóa sổ trong vòng chưa đầy mười năm.16

MỐI NGUY HIỂN HIỆN TỪ LỢI ÍCH QUỐC GIA TRUNG QUỐC

Danh sách các nước, như Nga và Mozambique, có rừng đang là nạn nhân từ nhu cầu của Trung Quốc, thói tham nhũng và vô trách nhiệm của quan chức địa phương rất dài: Papua New Guinea, Indonesia, Myanmar, Cộng hòa Dân chủ Congo, Madagascar, Gabon, Guinea Xích đạo… danh sách còn dài nữa. Hậu quả của tất cả điều này chắc chắn sẽ nhỏ hơn nhiều nếu khách hàng không phải là quốc gia đông dân nhất và là nước sản xuất sản phẩm gỗ lớn nhất hành tinh.17 Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nước khác để thỏa mãn nhu cầu thị trường đang tăng liên tục trước tốc độ tiêu thụ rất lớn, tình trạng này sẽ đòi hỏi những nguồn cung cấp mới vào một thời điểm nào đó trong tương lai trước mắt.18 Điều này giải thích tại sao quốc gia này đang thăm dò mọi ngóc ngách của thế giới để tìm kiếm các nguyên liệu quý giá và sinh lợi.

Chính những yếu tố mà chúng tôi đã thấy ở Nga và Mozambique đều được thấy rõ ở tất cả các nước đang phát triển nêu trên, là đối tượng Trung Quốc nhắm đến để tìm nguồn cung cấp gỗ cho họ. Yếu tố đầu tiên là tình trạng tham nhũng tràn lan, dung túng cả ngành công nghiệp gỗ lẫn việc lạm dụng môi trường. Đây có lẽ là mẫu số chung quan trọng nhất trong quá trình này, vì nó cho phép doanh nhân Trung Quốc tiếp cận dễ dàng số lượng lớn các loại gỗ quý giá mà không cần phải bận tâm đến nguồn gốc, tính hợp pháp của chúng hoặc phương pháp được sử dụng để thu hoạch. Thứ hai, tài nguyên được xuất khẩu trong trạng thái tự nhiên của chúng mà không tạo ra bất kỳ loại công nghiệp chế biến nào để có thể tạo ra nguồn lợi ở cấp địa phương về mặt sử dụng lao động hay đầu tư. Sự làm ngơ hoàn toàn của chính quyền Trung Quốc trong việc theo dõi nguồn gốc của gỗ – một quy trình được các nước có trách nhiệm thường xuyên thực hiện – hoàn tất cách làm của tội ác hoàn hảo này.

Tác động xã hội và môi trường của bi kịch này lên phần còn lại của thế giới là gì? Trước hết, nó đang gây ra nạn cướp bóc thầm lặng nhưng nhanh chóng các loài rừng gỗ cứng ở thế giới đang phát triển, với sự suy giảm đều đặn trong các khu bảo tồn ở những nơi như châu Phi và Mỹ La-tinh.19 Về yếu tố kinh tế xã hội, tham gia thanh toán tiền hối lộ giúp duy trì hệ thống tham nhũng. Hơn nữa, xuất khẩu nguyên liệu ở dạng thô ngăn cản phát triển của bất kỳ tác động kinh tế nào về mặt lao động, giá trị gia tăng, chuyển giao công nghệ hay kiến ​​thức. Dù chính phủ Trung Quốc và các doanh nhân không phải là những người duy nhất để đổ lỗi, chắc chắn họ phải chịu trách nhiệm nào đó, đặc biệt là về sự thờ ơ của nhà nước Trung Quốc trong việc chấm dứt hay làm giảm mạnh tiêu thụ gỗ bất hợp pháp của nước này. Trung Quốc có thể làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn điều này, nhưng sự tàn phá của các khu rừng và tác động kinh tế xã hội của nó được xem là điều không muốn nhưng phải chấp nhận, hay đúng hơn là tác dụng phụ của điều cần thiết quan trọng hơn: sự phát triển và thịnh vượng của nước này.

Ngược lại, vì sự thịnh vượng kinh tế riêng của mình chính phủ nước này góp phần đảm bảo Trung Quốc – quốc gia kiểm soát một phần ba thương mại hàng nội thất của thế giới, xuất khẩu hàng nội thất với giá trị trên 16 tỷ đô-la trong năm 201020 – sẽ tiếp tục rửa gỗ bất hợp pháp trên quy mô lớn21: gỗ bao báp, gỗ mun và gỗ gụ bất hợp pháp nhập vào lãnh thổ của họ và được chuyển thành ván sàn, bàn, tủ và ghế sofa sau đó được xuất khẩu sang các thị trường nhiều lợi nhuận ở Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, chúng còn được bán ở Thượng Hải hay Quảng Châu, nơi một chiếc giường gỗ hồng mộc có kiểu dáng thời Minh có thể được bán với giá 800.000 đô-la22.

BÁ QUYỀN TRUNG QUỐC TRÊN SÔNG MEKONG

Một ví dụ về các giao dịch kinh doanh sinh lợi có thể được nhìn thấy tại thị trấn Cảnh Hồng ở phía nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cách biên giới với Thái Lan và Myanmar vài cây số. Cảnh Hồng là một thị trấn yên bình có nhiều thảm thực vật nhiệt đới và chùa chiền Phật giáo, nơi người dân địa phương, phần đông là người Đại thiểu số, giết thời gian rảnh rỗi bằng trò đá gà ăn tiền. Các đường phố chính san sát cửa tiệm sang trọng bán ngọc bích và hàng nội thất làm bằng gỗ Myanmar, thu hút những khách hàng chẳng đoái hoài gì đến bi kịch đang xảy ra ở các vùng mỏ Myanmar chúng ta đã gặp trong Chương 3. Tuy nhiên, không phải tác động lên rừng Myanmar khiến chúng tôi thực hiện cuộc hành trình thứ hai đến vùng này. Mà chúng tôi đi tìm con rắn nước huyền thoại chạy qua Cảnh Hồng – “thành phố bình minh” – và trải dài 4.880 km qua tâm điểm của châu Á, rồi cuối cùng đến nằm nghỉ trên bờ biển của Việt Nam: sông Mekong.

Dù chúng tôi đã đặt vé trước, Bai Haiping vẫn yêu cầu chúng tôi xác nhận một ngày trước cuộc hành trình đề phòng mực nước giảm và cần phải hủy bỏ chuyến đi. “Có, có đủ nước. Thuyền khởi hành ngày mai lúc 8 giờ 30,” người hướng dẫn du lịch của chúng tôi xác nhận qua điện thoại. Gần đây lưu lượng giao thông qua khu vực này đã giảm đáng kể do mực nước thấp trên đoạn sông này. Giờ đây mỗi tháng chỉ có hai tàu cao tốc nhỏ qua về Thái Lan dọc theo sông Lan Thương – “Dòng sông cuộn sóng” – tên gọi phần sông Mekong nằm trên đất Trung Quốc. Các nhà chức trách đổ lỗi cho biến đổi khí hậu và hạn hán gần đây – một sự kiện được ghi nhớ do những ảnh hưởng tai hại của nó trong năm 201023– đối với tình hình hiện nay trên sông. Tuy nhiên, từ cầu Tây Song Bản Nạp bắc qua sông Mekong chúng tôi có thể thoáng thấy một yếu tố khác góp phần: các dự án thủy điện được xây dựng dọc theo sông.

Cách duy nhất chúng tôi có thể tiếp cận bức tường xi măng khổng lồ chặn dòng nước đặc phù sa của sông Mekong là tham gia một chuyến đi ngắn trên một trong những chiếc xuồng nhỏ của ngư dân địa phương. “Người nước ngoài không được vào đây,” một cảnh sát canh giữ trạm kiểm soát trên đường đến đập Cảnh Hồng nói với chúng tôi. Căng thẳng đang dâng cao trong khu vực. Dù không phải là một trong những đập nước lớn nhất Trung Quốc, nó lại mang lại những tác động lớn nhất đối với người dân địa phương. “Đập đã ảnh hưởng đến các dân tộc thiểu số sống trên bờ sông, cũng như có tác động trực tiếp lên khu bảo tồn thiên nhiên Tây Song Bản Nạp,” Yu Xiaogang, Giám đốc tổ chức phi chính phủ Trung Quốc Green Watershed, giải thích. Tổ chức này ước tính vài nghìn cư dân đã bị di dời khỏi khu vực. Khi chúng tôi so sánh việc này với các tác động xã hội và môi trường của đập Tam Hiệp, đập Cảnh Hồng rõ ràng là một dự án nhỏ hơn. Tuy nhiên, tính đặc thù của nó nằm trong thực tế nó là đập cuối cùng trong loạt bốn đập đã được xây dựng xong bên phía Trung Quốc của sông Mekong, trong khi bốn đập khác đang được xây dựng hoặc lên kế hoạch24. Chuỗi đập thủy điện này nhằm mục đích cung cấp năng lượng cho khu vực phía đông Trung Quốc, trung tâm công nghiệp của đất nước, cũng như tạo thuận lợi cho kinh doanh với Thái Lan và Lào, các nước mua điện từ Trung quốc.25 Tất cả công việc này đang được Trung Quốc đơn phương thực hiện: từ việc phê chuẩn đập đầu tiên (đập Mạn Loan) vào năm 1986 đến nay, Bắc Kinh chưa bao giờ hỏi ý kiến ​​bất kỳ nước nào (Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và Myanmar) nằm trên đường đi của con sông với mức độ đa dạng sinh học thứ nhì trên hành tinh sau sông Amazon.26

Khoảng một chục lính Quân đội Giải phóng Nhân dân xuất hiện tại một đồn quân sự trên cảng Cảnh Hồng, có phần làm cụt hứng chừng năm mươi du khách chờ đợi dóng dấu xuất cảnh vào hộ chiếu để họ có thể lên đường xuôi theo dòng sông về phía Thái Lan. Sau khi chúng tôi leo lên chiếc thuyền nhỏ, ọp ẹp, động cơ gầm rú khởi động và cuối cùng chúng tôi lên đường xuôi theo sông Mekong. Cảnh quan đô thị ngay lập tức biến mất và thảm thực vật dày của vùng Đông Nam Á ngự trị hai bên bờ sông, đôi khi sương mù khiến không thể nhìn thấy những tảng đá nhô ra khỏi dòng chảy đầy phù sa. Mỗi lần chạy ngang thuyền bè khác, như thường xảy ra với những chiếc bè gỗ giản đơn của ngư dân Myanmar – dễ dàng nhận biết nhờ chảo vệ tinh lắp trên mái gỗ của chúng – thuyền chúng tôi chạy chậm lại. Điều tương tự cũng xảy ra mỗi khi chúng tôi gặp một tàu chở hàng của Trung Quốc ngược dòng sau khi vận chuyển sản phẩm “Made in China” đi khắp Đông Nam Á.

Chạy êm ả theo dòng sông vào lãnh thổ Myanmar, chẳng bao lâu thuyền của chúng tôi dừng lại để hai người lính có thể thu phí đường từ thuyền trưởng: một xấp tiền màu đỏ có thể bắt buộc theo luật hoặc không. Đi tiếp, dòng sông bắt đầu mở rộng và trở nên sống động với những người phụ nữ giặt quần áo trên bờ sông và những người đàn ông còng lưng gieo trồng trên mảnh đất màu mỡ dọc theo “mẹ nước,” như sông Mekong được gọi theo tiếng Thái. Tuy nhiên, trên tất cả chính là sự rộn ràng và hối hả của những chiếc thuyền đánh cá mũi nhọn làm tăng thêm không khí huyền bí trên dòng sông vốn khởi thủy từ dãy Himalaya và tài nguyên của nó cung cấp nguồn sống cho hơn 60 triệu người. Thuyền của Som Wang dài gần 20 mét và được lắp ghế bọc da màu xanh tận dụng từ một chiếc xe buýt hỏng. Bất chấp vẻ mỏng manh, chiếc thuyền là một phương tiện tuyệt vời, mũi thuyền dán đầy các áp phích màu mè và dàn máy đang phát những bài hát Thái thời thượng. Làn da rám nắng của chàng ngư dân Thái Lan này và đồng bạn của anh ta đầy các hình xăm, hình xăm sau lưng của Som Wang thể hiện một con cá sắp cắn lưỡi câu: biểu tượng niềm đam mê của những người đàn ông dành phần lớn cuộc đời mình đánh bắt cá xung quanh Chiang Khong, một thị trấn ngư nghiệp nhỏ ở miền bắc Thái Lan. “Cha tôi đã dạy tôi tất cả các kỹ năng đánh bắt cá. Tôi bắt đầu khi được chín tuổi, theo hướng dẫn của cha tôi về cách đánh cá như thế nào, khi nào và ở đâu,” anh nói, mỉm cười, khi kể với chúng tôi cách thức gia đình anh đã sống nhờ vào dòng sông Mekong qua các thế hệ.

Lối sống này giờ đây đang gặp nguy. “Mười năm trước có hàng trăm thuyền đánh cá hoạt động trong khu vực. Năm 2008 chỉ còn sáu mươi thuyền. Giờ thì không quá ba mươi chiếc.” Sự sụt giảm này do “những thay đổi lớn mà dòng sông phải chịu đựng” dẫn đến sụt giảm nghiêm trọng tính đa dạng của các loài trên sông cũng như số lượng và trọng lượng của cá. “Chúng tôi thường biết chính xác thời điểm chuyển mùa trên sông. Có hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Chúng tôi nằm lòng chu kỳ tự nhiên của sông Mekong và chúng tôi biết luôn có cá ở những nơi nhất định. Giờ đây tất cả điều đó đã thay đổi,” Som Wang, người đàn ông ba mươi tám tuổi, giải thích. Anh không đồng ý cho con trai theo nghề của mình. “Nghề này không có tương lai,” anh nói với chúng tôi.

Không thể đổ lỗi cho một bên duy nhất về những thay đổi đã diễn ra trong một hệ sinh thái phong phú và phức tạp như sông Mekong. Tuy nhiên, ở Chiang Khong tất cả mọi người đều chỉ tay về phía Trung Quốc. Một mặt, người dân địa phương đổ lỗi Bắc Kinh xây dựng các con đập đã đẩy dòng sông đến bước cùng cực như thế: mực nước hiện nay không chỉ bị ảnh hưởng do mưa mà còn do đóng mở các cửa cống dùng để sản xuất điện. Mặt khác, mọi người cáo buộc Trung Quốc chỉ quan tâm đến mục đích thương mại của dòng sông, dẫn đến việc Bắc Kinh phá hủy các ghềnh thác và đá dọc theo mạch chính của con sông để tàu thuyền đi lại dễ dàng hơn, do đó đã làm xói mòn lòng sông. Mặc dù nụ cười luôn nở trên mặt người Thái, ở Chiang Khong người dân đang chất chứa nỗi oán giận đối với người hàng xóm của họ. Điều này đặc biệt đúng đối với các ngư dân địa phương hiện đang phải tìm cách khác để mưu sinh. Phần lớn họ vận chuyển hàng hóa, hành khách sang Lào, ở bờ bên kia của con sông. “Trước đây chúng tôi từng có thể kiếm được nhiều tiền nếu chúng tôi làm việc chăm chỉ trong mùa đánh bắt cá, nhưng bây giờ tôi làm việc từ 4 giờ sáng đến 7 giờ tối chỉ có thể kiếm được 500 baht [khoảng 12 euro]. Cùng với sự suy giảm mật độ cá, kích thước của cá cũng giảm: các loài vốn nặng bảy hay tám cân, bây giờ hầu như hiếm khi được hai cân,” Wang phàn nàn. Một trong những loài cá ở đây là cá da trơn khổng lồ huyền thoại. Sinh vật di cư tuyệt vời này là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất trên hành tinh, dài đến 3 mét và nặng 300 kg. Con vật kỳ diệu như thế giờ đây đang có nguy cơ tuyệt chủng do các thân đập chặn đường khi chúng di chuyển ngược lên đầu nguồn.

Niwat Roykaew, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Chiang Khong Conversation Group, từ năm 1996 đã theo dõi thay đổi của dòng sông khi nó chảy qua bảy tỉnh Thái Lan. Ông đi đến một kết luận giống hệt như những ngư dân đã tham gia cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Bangkok vào tháng 4 năm 2011 để phản đối các dự án thủy điện Trung Quốc định xây dọc theo sông Mekong. “Vấn đề bắt đầu vào năm 2003, khi công việc xây dựng bắt đầu ở đập Đại Triều Sơn. Không tính đến thay đổi theo mùa, mực nước bắt đầu dao động đột ngột. Các ngư dân không còn có thể nắm bắt chu kỳ tự nhiên của sông,” Roykaew, một người đàn ông có vẻ ngoài của dân hippie cổ điển thời những năm 1970 nhận xét. Những dao động không thể tin được, có thể thấy mực nước dao động lên đến 3 mét chỉ trong 24 giờ mà không có bất kỳ lượng mưa nào được ghi nhận ở thượng nguồn, đã dẫn đến những tình huống khủng khiếp và chưa từng có. “Các ngư dân bây giờ thấy mình “câu chim,” ông giải thích. “Đó là một thực tế phổ biến, họ cắm cần câu xuống đất, rồi bỏ đi nơi khác hàng giờ liền. Khi trở lại, họ thấy các lưỡi câu phơi ra giữa trời, vì mực nước sông đã rút đột ngột. Vì thế, họ rốt cuộc bắt được chim thay vì được cá.”

Các cộng đồng địa phương không kiếm sống từ đánh bắt cá cũng bị ảnh hưởng tồi tệ không kém. “Việc tăng cao mực nước sông cũng gây ngập lụt và tàn phá mùa màng của nhiều người dân địa phương trồng thuốc lá hay ngô dọc theo bờ sông. Nó cũng tàn phá sinh kế của nhiều phụ nữ thường vớt và phơi tảo. Khi tảo bị lộ ra do mực nước cạn xuống, mặt trời thiêu đốt và biến nó thành của vứt đi. Vì thế, nhiều gia đình đã rời bỏ Chiang Khong tìm kiếm việc làm ở nơi khác,” Roykaew giải thích.

CHỦ QUYỀN QUỐC GIA VÀ TẦM QUAN TRỌNG

CỦA “KHÔNG CAN THIỆP”

Trong khi sông Mekong là hiện thân của nguồn tài nguyên quan trọng như thế đối với các nước láng giềng như Việt Nam và Campuchia, điều hơi ngạc nhiên là Bắc Kinh tiếp tục đơn phương đưa ra quyết định về dòng sông, đặc biệt trong việc xem xét tổn hại mà hành vi này mang lại cho hình ảnh quốc gia.27 Mức độ hợp tác của Trung Quốc với các nước này tăng rất chậm trong những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2010 khi Bắc Kinh bị chỉ trích vì đã không chia sẻ thông tin về tài nguyên nước của nó trong giai đoạn hạn hán lịch sử. Một phần do áp lực từ báo chí quốc tế,  hiện nay Bắc Kinh chia sẻ một số thông tin do các trạm khí tượng ở Vân Nam thu thập. Tuy nhiên, mức độ hợp tác đó vẫn còn xa mới đạt mức mong muốn. Trong khi tích cực đòi hỏi được giao một vai trò phù hợp với vị thế quốc tế của mình tại các tổ chức như Liên hiệp quốc, WTO, hay Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc lại thẳng thừng từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán đa phương với các nước hạ nguồn sẵn sàng tham gia đối thoại nhằm mục đích đảm bảo cho tính bền vững của các dự án dọc theo dòng chính của sông Mekong.

Tổ chức chịu trách nhiệm tập hợp các nước chia sẻ tài nguyên của con sông là Ủy ban Sông Mekong (MRC), một tổ chức quốc tế thành lập vào năm 1995. Trung Quốc, quốc gia duy nhất cho đến nay đã xây dựng đập dọc theo sông Mekong, tham gia tổ chức này vào năm 2002, mặc dù – cũng như Myanmar – không phải là một thành viên đầy đủ.28 Thật không may cho các quốc gia liên quan, Trung Quốc chỉ tham gia như một đối tác đối thoại, trong thực tế có nghĩa là nước này tham gia các cuộc họp nhưng không chia sẻ bất kỳ thông tin hoặc đệ trình các hoạt động trên phần sông Mekong nước mình cho tổ chức này xem xét. Cách giữ thể diện trên các diễn đàn ngoại giao mà không phải nhận lấy bất kỳ cam kết không mong muốn như thế đơn giản là không chấp nhận được, theo Yu Xiaogang, giám đốc của Green Watershed. “Sẽ tốt cho tình trạng của dòng sông nếu Trung Quốc gia nhập MRC càng sớm càng tốt”. Không may là, dù tính bền vững của sông Mekong đã đến mức báo động, tình hình dường như không có khả năng sớm thay đổi”. Vẫn còn là một chặng đường dài để Trung Quốc trở thành thành viên đầy đủ của Ủy ban này”, Tiffany Hacker, người phát ngôn của Ủy ban thừa nhận khi gặp chúng tôi tại trụ sở của tổ chức này ở thủ đô Vientiane, Lào.

Như một cách ngầm biện minh sự vắng mặt của mình trong Ủy ban, Trung Quốc lập luận nước này không được mời tham gia Ủy ban này khi nó mới được thành lập, phần lớn do xung đột với Việt Nam. Quyết định của Bắc Kinh chắc chắn cũng bị ảnh hưởng từ niềm tin rằng tham gia tổ chức này sẽ ngăn cản Trung Quốc khai thác dòng sông trong phần lãnh thổ đúng như ý muốn. Tuy nhiên, He Deming, có lẽ là chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến sông ngòi xuyên biên giới, đưa ra lý lẽ bổ sung khi gặp chúng tôi vài ngày trước: “MRC không phải là một tổ chức độc lập vì nó nhận được kinh phí từ các nước ngoài Ủy ban. Hơn nữa, nó không đủ sức để giải quyết những vấn đề này,” ông lập luận trong một cuộc phỏng vấn đặc biệt căng thẳng tại văn phòng của ông ở Đại học Côn Minh. “Tôi không bao giờ nói chuyện với các nhà báo nước ngoài,” trước đó ông đã nói với chúng tôi.

Theo Hacker giải thích, MRC thực sự có nhận kinh phí từ các nước như Pháp, Mỹ và Úc. Tuy nhiên, số tiền này được cung cấp cho các dự án nghiên cứu khoa học cụ thể, do đó không thể buộc tội tổ chức này bị chính trị hóa. Sự thật là Trung Quốc phản đối từ bỏ khả năng đưa ra quyết định đơn phương của họ về con sông. “Nếu Trung Quốc là một thành viên của MRC, họ sẽ phải thông báo trước sáu tháng cho Ủy ban về bất kỳ dự án liên quan đến sông Mekong, để các dự án này được các nước còn lại thảo luận và nghiên cứu. Các quyết định của MRC không mang tính ràng buộc, nhưng đóng vai trò đối trọng, vì các nước còn lại xem xét nghiên cứu môi trường và kế hoạch cho từng dự án,” Hacker nêu rõ. Đối với Trung Quốc, đất nước bị ám ảnh với việc ngăn chặn các nước khác áp đặt nghị trình quốc tế, với họ đây là một hành động can thiệp vào công việc nội bộ. “Dự án phối hợp giữa sáu nước sẽ rất phức tạp. Trong hệ thống của chúng tôi tất cả mọi thứ được thực hiện theo lối tiếp cận kim tự tháp: cấp trên ra lệnh và cấp dưới thực hiện. Chúng tôi nghĩ rằng các nước khác nên làm theo mô hình này, vì nếu để cho mọi người đưa ra ý kiến ​​thì rất khó để đưa ra quyết định,” Jiangwen Qu, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á ở Côn Minh, biện hộ cho lập trường của Trung Quốc về vấn đề này.

Một phân tích về cách đối xử của Trung Quốc với các quốc gia khác mà họ có chung những dòng sông xuyên biên giới cho thấy rõ tình hình trên sông Mekong không phải là cá biệt.29 Trừ Bắc Triều Tiên, các nước khác chia sẻ tài nguyên nước quan trọng với Trung Quốc (Ấn Độ, Nga và Kazakhstan) đều lên án cách tiếp cận đơn phương của Bắc Kinh. Trong trường hợp của New Delhi, một số nguồn tin thậm chí còn cảnh báo về khả năng một cuộc chiến tranh trong tương lai về nguồn cung cấp nước; tuy nhiên, những tranh chấp dường như gắn chặt hơn với không khí căng thẳng chung đặc trưng cho quan hệ giữa hai nước này.30 Trong khi vấn đề sông Mekong rõ ràng là tranh chấp liên quan đến tài nguyên nước quan trọng và gây tranh cãi nhất, thì nơi Bắc Kinh áp đặt mạnh mẽ nhất ý chí của họ lên các nước khác lại nằm trên biên giới với các nước Trung Á. Ở đây Trung Quốc đã chuyển dòng nước từ các sông Irtysh và sông Ili cho mục đích nông nghiệp ở tỉnh Tân Cương, và đặc biệt để làm lợi cho ngành dầu mỏ của vùng này.31 Mặc dù mối quan hệ giữa Trung Quốc và Kazakhstan đã phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây, điều đó không dẫn đến một mức độ hợp tác lớn hơn về vấn đề quan trọng như tài nguyên nước. Astana đã cảnh báo đối tác Trung Quốc với việc dịch chuyển dòng chảy các con sông họ đang đe dọa sự sống còn của hồ Blakhash, một khu vực hiện nay đang bị nguy hiểm bất chấp nó là một trong những nguồn nước ngọt quan trọng nhất trong vùng và là nơi cư trú của một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất trên hành tinh. Tuy nhiên, những cảnh báo đó đã rơi vào những cái tai điếc khi Trung Quốc tiếp tục né tránh vấn đề.

Nước – một vấn đề an ninh quốc gia đối với Bắc Kinh – là không thể thương lượng. Ngoài các nhu cầu của một đất nước có hơn 1,3 tỷ dân, lý do chính của chủ trương này được tìm thấy trong ngành sơn văn học (orography) của Trung Quốc, vì dãy núi Himalaya đóng vai trò địa lý quan trọng về tài nguyên nước. Trung Quốc được biết đến như một quốc gia “đầu nguồn”; nói cách khác, đó là nơi phát tích các dòng sông. Điều này có nghĩa đất nước này có nguồn cung cấp nước ngọt độc lập, và còn có nghĩa có thể kiểm soát nguồn tài nguyên của các nước khác (với tất cả sức mạnh và tiềm năng xung đột mà nguồn tài nguyên gây ra).32 Điều này khiến Bắc Kinh – chính thức là một nhà vô địch vững chắc của “hợp tác cùng thắng” trong quan hệ ngoại giao với các nước khác – tỏ ra “rất ít quan tâm” đến các ưu tiên của láng giềng.33 “Trong thực tế, Trung Quốc là một trong ba quốc gia duy nhất, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Burundi, bỏ phiếu chống lại Công ước về Luật sử dụng không thay đổi dòng chảy sông ngòi quốc tế của Liên hiệp quốc, một văn bản mất 27 năm soạn thảo để đạt được nhất trí đa số.34 Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc phải đấu tranh với một láng giềng hùng mạnh hủy hoại một con sông chảy qua lãnh thổ Trung Quốc và là nguồn sống thiết yếu của hàng triệu người Trung Quốc? Điều gì sẽ xảy ra nếu, ví dụ, sông Dương Tử bắt đầu ở Siberia và Moscow làm ngơ với thảm họa môi trường và kinh tế xã hội xảy ra trong lãnh thổ Trung Quốc? Chính phủ Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào?

MÔI TRƯỜNG: NGUYÊN NHÂN THƯỜNG TRỰC

GÂY QUAN NGẠI

Lần theo đường đi của gỗ cứng Nga và Mozambique cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp Trung Quốc, hoặc tìm hiểu các kế hoạch của gã khổng lồ châu Á này trên sông Mekong và các con sông xuyên quốc gia khác, cho thấy bảo vệ môi trường không phải là một trong những ưu tiên hiện nay của Trung Quốc. Vì vậy, tổn hại môi trường do hành vi, nhu cầu và đầu tư xấu xa của Trung Quốc là một nguyên nhân thường trực gây quan ngại trong hầu hết – nếu không phải tất cả – 25 quốc gia được cuộc điều tra này khảo sát. Chúng tôi đã chứng kiến ​​sự vi phạm trắng trợn của các công ty Trung Quốc – trong đó có nhiều công ty quốc doanh – cùng với sự đồng lõa hay tắc trách của các nước liên quan, ở những nơi xa xôi và khác biệt như Myanmar và Ecuador, Peru và Sudan, hoặc trung tâm Vành đai đồng của châu Phi. Ở tất cả những nơi này, nhu cầu nguyên liệu cấp thiết của “công xưởng thế giới” và của quốc gia chiếm một phần năm dân số trái đất kết hợp với sự vô cảm và thiếu tôn trọng môi trường của các nhà đầu tư Trung Quốc, từ quy mô nhỏ, vừa đến lớn. Nguyên tắc chung của họ là: không để vấn đề tổn hại môi trường cản trở công việc kinh doanh tốt đẹp.

Cạnh tranh khốc liệt, khao khát lợi nhuận tối đa, nhu cầu chiến lược chính trị của Bắc Kinh và khát vọng thịnh vượng kinh tế của Trung Quốc là những yếu tố khiến các tập đoàn như Shougang hoặc Zijin ở Peru, Sinohydro ở Myanmar hay CNPC ở Sudan ít quan tâm đến tác động của chúng đối với môi trường. Hành vi của các công ty này và các công ty Trung Quốc khác ở nước ngoài thêm một lần nữa có thể được hiểu trong khuôn khổ chính sách đối nội: Trung Quốc đang theo đuổi một kiểu hành xử ở nước ngoài vốn cũng là chuẩn mực chung ở nước này trong ba mươi năm qua.35 Chúng tôi đã thấy những biểu hiện về điều này tại lưu vực sông Irrawady ở Myanmar, nơi các doanh nhân Trung Quốc đang khai thác một cách dã man các mỏ vàng ở đây, và ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam, nơi các mỏ bauxite đe dọa sự tồn tại của các sắc dân thiểu số sống nhờ vào trồng trọt cà phê và trà hàng trăm năm nay.

Tương tự như vậy, cùng một kiểu hành vi đó – không có chút ý thức đạo đức môi trường – chi phối hành vi của những kẻ săn trộm hổ ở Nga và Myanmar, bán trái phép xương, da và các bộ phận cho ngành y học cổ truyền Trung Quốc có lợi nhuận cao và nhu cầu ngày càng tăng. Kiểu hành vi như vậy được thực hiện bởi những thợ săn Ethiopia và đồng bọn Trung Quốc của chúng, cùng với khách hàng quốc tế khác, gây nguy hiểm cho sự tồn tại của loài voi châu Phi để làm giàu bằng cách nhổ lấy ngà của chúng, một chất liệu có giá trị ở Trung Quốc, nơi ngà voi được dùng làm con dấu. “Da của hổ báo quý hiếm có giá 150 đô-la ở Addis Ababa và có thể được bán với giá 15.000 đô-la trên thị trường chợ đen ở Ôn Châu, quê nhà của các doanh nhân Trung Quốc,” một cư dân Trung Quốc ở châu Phi cho biết, người này đã từng buôn lậu loại hàng hóa này không theo bất kỳ một chuẩn mực nào ngoài chuẩn mực lợi nhuận béo bở.

Bất chấp đạo lý bất cứ khi nào đứng trước lợi nhuận hấp dẫn là một trong những “điểm mạnh” của đầu tư Trung Quốc so với đối thủ cạnh tranh phương Tây và địa phương: thiếu một xã hội dân sự Trung Quốc có thể cản trở quyền lực tối cao của lợi nhuận đối với môi trường. Nếu không có những tổ chức phi chính phủ có thể hoạt động độc lập và không sợ hãi lên án những hành động xâm hại môi trường; nếu không có nền tự do báo chí; nếu không có một xã hội dân sự đúng nghĩa có thể kiểm tra chặt chẽ hành vi của các tác nhân kinh tế và chính trị Trung Quốc (mà ngày nay gắn chặt hơn bao giờ hết với phiên bản “chủ nghĩa tư bản nhà nước” Trung Quốc), Trung Quốc có nguy cơ tiếp tục tạo ra ở nước ngoài những sai lầm đã từng gây nguy hại cho chính môi trường trong nước, do tư tưởng không sợ bị trừng phạt.36 Hệ thống hình kim tự tháp được Bắc Kinh hiện nay sử dụng – trong đó một vài người ra lệnh còn những người khác tuân thủ và thực hiện – rõ ràng hiệu quả hơn nhiều so với tham vấn cộng đồng và tham gia tập thể, như giáo sư Jiangwen Qu lý giải khi biện minh cho lập trường của Trung Quốc về vấn đề sông Mekong. Tuy nhiên, lợi ích lâu dài của hệ thống này là đáng ngờ, ít ra là vậy.

Một cách chính xác, việc thiếu vắng một đối trọng thực sự đã khiến các công ty Trung Quốc tham gia vào các dự án đã bị các tập đoàn khác từ bỏ, chí ít do tính toán một số khoản đầu tư là không khả thi vì chi phí xã hội và sinh thái cao, dù hồ sơ môi trường của các công ty này không hẳn là không tì vết. Có thể gặp nhiều trường hợp như vậy ở Peru,37 nơi có ví dụ hoàn hảo là hành vi của công ty khai thác mỏ Trung Quốc Zijin trong cái gọi là dự án Rio Blanco. Năm 2007, công ty đã tiếp quản quyền khai thác mỏ đồng cực kỳ tốt trước đây thuộc về công ty khai thác khoáng sản Monterrico Metals có văn phòng tại London, ở khu vực Piura phía bắc, giáp biên giới với Ecuador. Công ty Anh đã từ bỏ dự án sau nhiều năm bạo lực và chết chóc gây ra do các cuộc đụng độ với nhóm đối lập có tổ chức của khoảng 2.200 gia đình địa phương. Các gia đình nông thôn này sống trong một khu vực trải rộng 6.500 ha nơi độ tinh khiết của nước và vi khí hậu độc đáo của vùng giúp họ kiếm sống bằng cách xuất khẩu sản phẩm sinh thái được chứng nhận như cà phê, chuối, xoài và các loại trái cây khác sang các thị trường Mỹ và châu Âu hấp dẫn. Ô nhiễm nguồn nước do hoạt động khai thác khoáng sản sẽ làm sụp đổ và bức tử cộng đồng này. Tuy nhiên, khi công ty của Anh rút lui, Zijin – với hồ sơ môi trường ở Trung Quốc vốn rất tồi tệ 38 – đã dính líu vào mối bất hòa này. Từ đó cộng đồng luôn xáo động. Trong văn phòng của mình ở Lima, Javier Jahncke, người đứng đầu Quỹ Thế giới vì Phát triển và Hòa bình (Fedepaz), một tổ chức đã theo đuổi vụ việc này, mô tả chính xác tình hình chỉ với một câu: “Họ thấy không có vấn đề gì khi can dự vào một tình huống xung đột như vậy, dù đó là lý do các công ty của Anh bỏ cuộc.” Trường hợp này rất giống với trường hợp công ty nhà nước Trung Quốc Erdos Hongjun Investment Corp đã tiếp quản một dự án ở tỉnh Mondulkiri, Campuchia vào năm 2010, ngay sau khi nó bị tập đoàn Úc BHP từ bỏ vì tác động của nó lên môi trường địa phương.39

Không thiếu các ví dụ như thế. Từ sự tham gia của Trung Quốc trong dự án đập Merowe đầy tranh cãi (xem Chương 5), có thể suy ra rằng các nhà đầu tư Trung Quốc sẵn sàng làm bất cứ điều gì miễn có lợi. Tất nhiên, không chỉ duy nhất các công ty Trung Quốc có kiểu hành xử đó: phương Tây có một lịch sử lâu dài và đáng trách trong việc sử dụng các cách thức tai hại trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hành vi vô trách nhiệm của các công ty phương Tây bị giám sát chặt hơn nhiều và phải trả giá rất lớn, cả về chi phí kinh tế và hình ảnh công chúng, khiến họ phải thận trọng hơn nhiều – ít nhất là trên lý thuyết. Trong tình hình đó, vấn đề đặt ra do qui mô to lớn và dân số khổng lồ của Trung Quốc có lẽ là một trong những thách thức lớn nhất mà hành tinh chúng ta hiện nay phải đối mặt.

Comments are closed.