Léonard de Vinci, gương mặt tiêu biểu của thời kì văn hóa Phục hưng

Việt Bách

I. Tiểu sử của Léonard de Vinci

clip_image002

Chân dung tự họa của Léonard de Vinci

Léonard de Vinci (Leonardo da Vinci 1452-1519) sinh ra ở Vinci, làng quê gần thành phố Florence, thủ phủ vùng Toscane. Cha của Léonard de Vinci là một viên chức làm việc trong ngành tư pháp ở Florence. Mẹ là một người nông dân, có số phận như một người hầu. Từ nhỏ Léonard de Vinci không được người cha công nhận là đứa con hợp pháp. Ông bị lũ trẻ trong làng gọi là đứa con hoang. Sau này đến tuổi thiếu niên Léonard de Vinci mới được người cha thừa nhận. Léonard de Vinci ở với ông bà ngoại. Phía sau ngôi nhà của gia đình là một vườn ô liu, xung quanh là những ngọn đồi, sau này khi trở thành họa sĩ, Léonard de Vinci thích vẽ phong cảnh thơ mộng và bình yên của vùng Toscane vì thiên nhiên ở đây luôn in đậm trong trí nhớ của cậu bé Léonard. Từ nhỏ, ông của Léonard luôn khuyên cháu mình “Hãy mở mắt và quan sát mọi thứ”. Léonard là một cậu bé tò mò, thích quan sát thiên nhiên, cậu có thể ngồi hàng giờ để quan sát những con chim, theo dõi đường bay của chúng. Cậu luôn đặt ra câu hỏi và tự tìm câu trả lời theo cách của mình. Năm 14 tuổi, Léonard được gia đình gửi đến Florence để học việc trong xưởng vẽ của Verrochio. Năm 26 tuổi, ông rời xưởng vẽ và bắt đầu làm việc như một nghệ sĩ độc lập.

Florence trong thế kỉ XIV-XV là một trung tâm kinh tế, tài chính lớn ở châu Âu. Các lãnh chúa trong gia đình Médicis là những chủ ngân hàng và là những thương gia giàu có, họ mời đến Florence nhiều họa sĩ, các nhà điêu khắc và những kiến trúc sư giỏi để làm việc cho thành phố. Nhờ đó, Florence trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn ở châu Âu. Nơi đây trở thành điểm khởi nguồn của nền văn hóa Phục hưng có ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn bộ châu Âu sau này. Léonard de Vinci được sống trong cái nôi văn hóa đó. Ông có dịp học tập và giao lưu với những nghệ sĩ, những nhà khoa học cùng thời với mình. Sau này, nhờ tài năng thiên phú của mình, ông đã vượt qua nhiều người trong số họ và có những ảnh hưởng nhất định đến tận hôm nay. Léonard de Vinci là người tài trong nhiều lĩnh vực. Ông là họa sĩ, kiến trúc sư, nhà sáng chế, nhà toán học, nhạc sĩ, kĩ sư, nhà giải phẫu, nhà tư tưởng… Người ta có thể gắn cho ông thêm nhiều danh xưng nữa. Thật hiếm khi có một con người có nhiều khả năng đến vậy.

II. Léonard de Vinci, họa sĩ lớn của thời kì văn hóa Phục hưng

clip_image004

Bức tranh bữa tiệc li biệt, tác phẩm nổi tiếng thứ 2 của Léonard de Vinci sau bức tranh La Joconde

Léonard de Vinci là một họa sĩ chuyên nghiệp. Ông được đào tạo trong xưởng vẽ của Andrea del Verrochio trong vòng 10 năm. Bản thân Verrochio khi đó cũng là một họa sĩ và một nhà điêu khắc có uy tín ở Florence. Ông thường xuyên nhận được nhiều đơn đặt hàng của gia đình Médicis. Một trong những bức tranh đầu tiên mà Verrochio yêu cầu Léonard de Vinci cùng vẽ với mình là bức tranh có tên “Lễ rửa tội của Chúa”, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mĩ thuật Florence. Léonard de Vinci được giao vẽ thiên thần thứ 2 ở bên trái bức tranh. Với những nét vẽ sắc sảo của mình, hình ảnh thiên thần thứ 2 nổi bật hơn cả chân dung của những nhân vật khác trong tranh do Verrochio vẽ. Tài năng của Léonard de Vinci bắt đầu được khẳng định từ đó. Ông được giao vẽ một bức tranh lớn miêu tả trận chiến Anghiari, nhưng ông không thể hoàn thành được bức tranh và phải bỏ dở giữa chừng.

Léonard de Vinci chia tay Florence, lên đường đi Milan. Thời kì ấy ở Ý mỗi vùng là một đất nước do một lãnh chúa quản lí. Ông muốn phục vụ cho công tước Ludovic Sforza, một người nổi tiếng tàn ác ở Milan. Ông nhờ người viết một bức thư để tiến cử mình với lãnh chúa vùng Milan. Trong thư, ông giới thiệu mình là một người có khả năng vẽ giỏi như bất cứ họa sĩ nổi tiếng nào. Ông còn có thể sáng chế ra các loại máy móc phục vụ cho chiến tranh. Ludovic Sforza nhận Léonard de Vinci làm việc cho mình. Ông trở thành họa sĩ, nhà quy hoạch đô thị và là người tổ chức các buổi dạ hội tại Milan. Ông được yêu cầu vẽ bức tranh bữa tiệc li biệt (la Cène) miêu tả bữa ăn cuối cùng của Chúa Jésus với các tông đồ trước khi bị quân La Mã bắt và đóng đinh trên cây thập giá. Bức tranh hiện được treo tại một tu viện ở Milan. Tác phẩm này được coi là một kiệt tác nghệ thuật sau bức tranh la Joconde. Léonard de Vinci còn vẽ thêm một số bức tranh khác, phần lớn được trưng bày hiện nay tại Bảo tàng Louvre ở Paris như các bức tranh Đức Mẹ Đồng trinh ngồi bên mỏm đá, thánh Jean Baptiste, Bacchus, Đức Mẹ, Chúa Hài đồng và Thánh Anne…

Khi Léonard de Vinci đến Rome để làm việc cho Đức Giáo hoàng. Ở đây, ông phải cạnh tranh với hai họa sĩ tài năng là Michel-Ange và Raphaël. Sau một thời gian làm việc cho tòa thánh Vatican, ông quyết định lên đường đến Venise để tìm những cơ hội mới. Nhưng ở Venise, ông không được trọng dụng mà còn bị nghi ngờ là gián điệp vì trước đây có thời gian Léonard de Vinci đã hợp tác với người Pháp khi quân đội Pháp đánh chiếm Milan. Trong suốt cuốc đời sáng tạo của mình, Léonard de Vinci luôn tìm kiếm những người bảo trợ để có thể thực hiện được những tác phẩm nghệ thuật lớn hay những dự án khoa học nhưng ông thường không gặp may mắn.

Hiện nay người ta chỉ lưu giữ được khoảng gần 20 bức tranh của Léonard de Vinci, có thể ông còn vẽ thêm nhiều bức tranh khác nhưng đã bị thất lạc. Tuy nhiên khi nhắc Léonard de Vinci, công chúng hay nhớ đến bức tranh La Joconde vì chỉ riêng bức tranh này đã khiến ông trở thành một danh họa của thời kì văn hóa Phục hưng. Những ảnh hưởng của ông đối với ngành mĩ thuật thời kì này là không thể phủ nhận. Không những là họa sĩ tài năng, Léonard de Vinci còn là một nhà sáng chế, một kĩ sư quân sự.

III. Léonard de Vinci, nhà khoa học, nhà sáng chế

Léonard de Vinci là người thuận tay trái, ông viết chữ từ phải sang trái và có thói quen viết chữ ngược vì vậy muốn đọc được các văn bản, người ta buộc phải để các tập tài liệu của Léonard de Vinci trước gương để đọc. Ông để lại hàng chục nghìn văn bản ghi chép tỉ mỉ những sáng tạo khoa học bằng những hình vẽ minh họa với những giải thích cụ thể. Các tài liệu này đã bị lãng quên trong vòng mấy thế kỉ. Sau này, các nhà nghiên cứu có dịp đọc lại. Họ rất bất ngờ về những ý tưởng hay những phát minh của ông đã đi trước thời đại đến mấy trăm năm. Các tài liệu nghiên cứu của Léonard de Vinci được lưu giữ trong nhiều thư viện ở Florence, Milan và Rome. Một số được các cá nhân sưu tầm và được bán đấu giá rất cao. Ví dụ Bill Gates mua 72 trang tài liệu với giá hơn 30 triệu đô la. Tập tài liệu tập hợp những ghi chép của Léonard de Vinci về thiên nhiên: Vòng tuần hoàn của nước, giả thuyết về nước tồn tại trên mặt trăng, cách khai thác các nguồn khoáng sản nằm sâu trong các dãy núi. Ông cũng bàn về cách xây dựng cơ sở hạ tầng và các phương pháp chống xói mòn. Những phân tích của ông cách đây 5 thế kỉ nhưng vẫn còn phù hợp với thế giới hiện đại. Nữ hoàng Anh cũng đang sở hữu nhiều trang tài liệu của Léonard de Vinci về giải phẫu học.

Một trong những đam mê lớn nhất của Léonard de Vinci là được làm việc như một nhà kĩ thuật. Ông trở thành một kĩ sư chế tạo các loại máy móc phức tạp phục vụ cho quốc phòng và cho cuộc sống hàng ngày. Ngay từ thế kỉ XV, Léonard de Vinci đã có ý tưởng chế tạo ra các loại vũ khí có sức mạnh huỷ diệt. Ông thiết kế các bản vẽ và trình bày rất chi tiết về cách tạo ra xe tăng, súng máy, tàu ngầm, áo giáp chống đạn… Ông muốn tạo ra các loại vũ khí có sức tàn phá hàng loạt ví dụ như các loại đại bác có thể bắn ra nhiều viên đạn nhằm tiêu diệt nhanh kẻ thù. Ông cũng là một nhà quy hoạch giỏi khi có kế hoạch xây dựng những thành phố có khả năng phòng ngự trước những đợt tấn công của kẻ thù. Khi đến Venise, ông trở thành cố vấn cho hội đồng thành phố Venise. Ở đây, ông đã vẽ bản thiết kế bộ quần áo lặn để giúp người dân Venise có thể bảo vệ được thành phố khi bị người Thổ xâm lược. Ông cũng vẽ các bản thiết kế ra máy khoan, máy bơm nước phục vụ cho việc quy hoạch thành phố và nạo vét các con kênh hay các dòng sông.

clip_image006

Nỏ khổng lồ có sức mạnh hủy diệt

clip_image008

Xe tăng

Léonard de Vinci cũng là người có ý tưởng thiết kế ra máy bay trực thăng và tàu lượn. Khi quan sát đường bay của chim và của dơi, ông cho rằng nếu chim bay được, thì một ngày nào đó con người cũng có thể bay được. Cần sử dụng sức gió và tránh lực cản, ông đã thiết kế ra máy bay trực thăng và tàu lượn theo cách của mình. Ông tiến hành một số thí nghiệm nhưng thất bại. Léonard de Vinci phải bỏ dở kế hoạch sáng chế các loại máy móc giúp con người bay được. Khi còn làm việc ở Milan, Léonard de Vinci là người tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật độc đáo gây được nhiều tiếng vang. Ông đã tạo ra các máy móc di chuyển được khiến khán giả rất thích thú.

clip_image010

Máy bay trực thăng

IV. Léonard de Vinci, người có công xây dựng ngành giải phẫu học

Vào thời kì Trung cổ, việc nghiên cứu xác người là điều cấm kị, nhà thờ áp đặt những giáo lí khắt khe buộc con người phải tôn trọng. Nếu ai đó trái lệnh sẽ bị kết tội và bị rút phép thông công. Các nhà điêu khắc hay các họa sĩ muốn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chân thực về con người, họ buộc phải lén lút giải phẫu những xác chết. Léonard de Vinci hay Michel-Ange đều là những họa sĩ hiểu rất rõ về cấu tạo cơ thể người, điều này giúp họ tạo ra những tác phẩm điêu khắc, hội họa rất sống động và xác thực về con người. Léonard de Vinci đã có những suy nghĩ xa hơn những người cùng thời khi ông tiến hành giải phẫu hàng chục xác chết để tìm ra nguyên nhân dẫn đến những căn bệnh của họ. Ông đã nhìn thấy có trường hợp bị đột tử, (khi ông tiếp xúc với một người cao tuổi, người này vẫn khỏe mạnh bình thường nhưng mấy giờ sau, người này đột ngột bị chết. Ông muốn tìm ra nguyên nhân dẫn đến cái chết của người đó). Những hình vẽ các bộ phận cơ thể người của Léonard de Vinci có độ chính xác rất cao. Các chuyên gia giải phẫu nhận xét những hình vẽ minh họa của ông có độ chính xác như khi người ta chụp ảnh. Léonard de Vinci được ví như một trong những nhà khoa học tiên phong của ngành giải phẫu.

clip_image012

Các bức vẽ về xương và các bộ phận của con người

clip_image014

Bức vẽ bào thai

Léonard de Vinci mất lúc 67 tuổi tại lâu đài Clos Lucé ở Pháp. (Hiện tại ở lâu đài này, người ta trưng bày các mô hình máy móc được thiết kế theo ý tưởng của Léonard de Vinci. Lâu đài mở cửa đón du khách tham quan). Trước khi chết ông đã tặng nhiều tài liệu quý cho Francesco Melzi, người học trò đã theo ông sang Pháp và luôn ở bên cạnh ông. Người ta kể rằng Léonard de Vinci chết khi đang ngồi làm việc và trước khi ra đi vĩnh viễn, ông đã kịp ghi lại những dòng cuối cùng: “Thế giới sẽ nhớ đến một con người mà cả đời mình luôn luôn quan sát và tìm hiểu. Người đó đã có những suy nghĩ và sáng tạo vượt thời đại mình đang sống”.

Paris, tháng 02 năm 2016

Comments are closed.