Thuật ngữ chính trị (114)

Phạm Nguyên Trường

263. Joint Committee – Ủy ban hổn hợp. Trong các hệ thống lưỡng viện, ủy ban hỗn hợp bao gồm thành viên của cả hai viện, có thể được triệu tập nhằm phối hợp hành động và tránh trùng lắp hoặc thảo luận những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Ủy ban hỗn hợp của Quốc hội Hoa Kì có vai trò lập pháp quan trọng. Hai viện Quốc hội thường thông qua những phiên bản khác nhau của cùng một dự luật; trong trường hợp này, ủy ban hỗn hợp, mỗi viện có 3 thành viên, thường được triệu tập. Ủy ban hỗn hợp tìm thỏa hiệp giữa các phiên bản khác nhau của cùng một dự luật, tức là phải soạn thảo lại một cách cơ bản. Ủy ban hỗn hợp còn được triệu tập để nghiên cứu hoặc thảo luận những vấn đề mà hai viện cùng quan tâm. Có một số ủy ban hỗn hợp thường trực.

264. Jubilee 2000 là phong trào quốc tế ở hơn 40 quốc gia, kêu gọi hủy bỏ các khoản nợ của thế giới thứ ba vào năm 2000. Phong trào này trùng với Đại Thánh Lễ, kỷ niệm năm 2000 của Kitô giáo. Chiến dịch được coi là rất thành công. Theo kế hoạch, Liên minh Jubilee 2000 giải thể vào cuối thiên niên kỷ.

265. Judaism – Do Thái giáo. Do Thái giáo là tôn giáo là của dân tộc Do Thái với 5 đặc điểm chính như sau: 1. Độc thần; 2. Tin vào giao ước với Chúa Trời biến họ thành “dân tộc được Chúa chọn”; 3. Bản sắc dân tộc và lãnh thổ (vùng đất hứa); 4. Luật lệ và thực hành đặc biệt; 5. Tin vào Chúa cứu thế.

Do Thái giáo là tôn giáo của một dân tộc bao gồm truyền thống tôn giáo, văn hóa và luật pháp và nền văn minh chung của người Do Thái. Do Thái giáo được coi là tôn giáo của người Do Thái, được thể hiện trong giao ước mà Đức Chúa Trời thiết lập với Con cái Israel. Do Thái giáo bao gồm nhiều Kinh sách, cách hành đạo, quan điểm thần học, chức vụ và tổ chức cộng đồng tôn giáo. Kinh Torah là một phần của Kinh văn được gọi là Tanakh hoặc Kinh thánh của người Do Thái, và truyền khẩu sau này được thể hiện trong các kinh văn như Midrash và Talmud. Do Thái giáo là tôn giáo lớn thứ mười trên thế giới, với khoảng 14,5 đến 17,4 triệu tín đồ.

Đạo Do Thái Giáo có xuất xứ từ Trung Đông, trong Thời đại đồ Đồng và được coi là một trong những tôn giáo độc thần lâu đời nhất thế giới. Do Thái giáo là một trong những tôn giáo cổ xưa nhất còn được thực hành cho đến ngày nay. Kinh thánh và rất nhiều truyền thống của Do Thái giáo có ảnh hưởng rất lớn trong các tôn giáo truyền thống Abraham nói chung như Kitô giáo, Hồi giáo, và Bahá’í giáo. Theo người Do Thái, tôn giáo này khởi nguồn bằng giao ước giữa Thiên Chúa và ông Abraham (khoảng năm 2.000 trước Công nguyên), là tổ phụ và quốc tổ của nhà nước Do Thái. Qua nhiều thời đại, Do Thái giáo gắn liền với rất nhiều luân lý tôn giáo, mà quan trọng nhất là đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất là đấng toàn năng, rất nhân từ, thông biết mọi sự, Người đã tạo dựng vũ trụ và tiếp tục thống trị nó. Theo tục truyền Do Thái, Thiên Chúa thiết lập giao ước với con cái Israel và hậu duệ của họ, cho họ biết lề luật và giới răn của Thiên Chúa thông qua ông Moses trên Núi Sinai. Do Thái giáo trân trọng việc học hỏi Kinh Thánh và tuân giữ các điều răn.

Vì đại đa số người theo Do Thái giáo là người Do Thái nên tín đồ tôn giáo này cũng còn được gọi là người Do Thái, và gọi như thế là nói đến nhóm tôn giáo mang tính chất dân tộc, vì trong Kinh thánh đã xác định họ là một “dân riêng”, một quốc gia, chứ không chỉ những người theo Đạo này. Năm 2007, dân số Do Thái vào khoảng 13,2 triệu người, trong đó có 41% sinh sống ở Israel. Năm 2015, tổng số người Do Thái trên toàn cầu vào khoảng 14,3 triệu người, tức là 0,2% tổng dân số nhân loại. Khoảng 43% người Do thái sống ở quốc gia Israel và 43% người Do Thái sống ở nước Mỹ và Canada, đa số những người Do Thái còn lại đang sinh sống ở châu Âu, và những nhóm người Do Thái dân tộc thiểu số khác sống ở vùng Nam Mỹ, châu Á, châu Phi, và châu Úc.

Trong Do Thái giáo hiện đại, giáo quyền không được trao cho một người hay một cơ quan nào, mà nằm trong Kinh thánh, giáo luật, và các thầy giảng (Rabbi) là những người diễn dịch Kinh Thánh thành giáo luật.

Comments are closed.