Nguyễn Thị Bích Ngà (Ngà Voi)
Sáng qua, vừa mở máy lên, đập vào mắt tôi là một video clip do một chị bạn chia sẻ về cùng những dòng văn chị viết thể hiện sự đau đớn của chị cho văn hóa dân tộc. Những con chữ, những dấu chấm hỏi ám ảnh.
Video clip dài khoảng 6 phút, quay cảnh một đám đông trung và thanh niên bắt trói, đánh đập và lôi đi diễu phố hai vợ chồng trên dưới 70 tuổi vì bắt quả tang họ móc túi. Họ bị dong trên phố cho đến khi họ gặp được một người công an viên của xã còng tay, đưa lên xe máy chở đi. Suốt quãng đường khoảng 100m, hai vợ chồng ông bà già bị trói, trật chân, không có bất kỳ khả năng tự vệ nào nữa đã bị những thanh niên, trung niên đánh đập bằng tay chân, bằng mũ bảo hiểm. Người vợ rất nhiều lần bị một người đàn ông dùng dép tổ ong đánh rất mạnh vào mặt kèm theo những lời chửi bới. Những tiếng nói của đám đông ồn ào xung quanh cổ vũ, những giọng cười khơ khớ, hả hê của vài thanh niên nào đó.. Tất cả tạo nên một màn bạo lực không rùng rợn kinh hoàng vì không có máu đổ đầu rơi nhưng nó làm tôi nấc nghẹn, trái tim ngừng đập, lỗi nhịp trong tích tắc.
Tôi nhớ về những video clip tôi xem trước đây không lâu về những vụ việc người dân bắt, đánh, giết chết người trộm chó ở các vùng miền đất nước. Những chiếc xe, những người trộm chó bị cả làng đốt cháy. Những thân thể bị đánh nằm thoi thóp không được đưa đi cấp cứu vì bị dân làng ngăn chặn, kể cả khi người nhà của người trộm chó đã đến van xin. Lực lượng chức năng cũng không làm gì được. Những người dân làng hiền lành đã cố tình đánh đập, để cho đồng loại hấp hối và chết từ từ trước mắt mình nhằm thỏa mãn chút ấm ức bị dồn nén.
Tôi cũng nhớ nhiều video clip quay cảnh các em học sinh đánh nhau. Các học sinh nữ đánh, xé áo, làm nhục nhau chỉ để quay clip tung lên mạng. Rồi lại có những video clip cảnh các em đánh hội đồng một em khác, không chỉ một hai cái mà kéo dài, có chủ đích, có tính toán. Tàn tệ hơn, có những clip các em trai xông vào đập, đá, đánh bằng tay chân, bằng ghế túi bụi lên đầu, lên người một em nữ một cách không thương tiếc, không chút nương tay. Tất cả các clip đều kèm theo đó tiếng cười của “người đánh”. Sự hả hê hiện lên từng khuôn mặt non trẻ. Các em coi đó là một thành tích, một chiến thắng, một cái để khoe, để thể hiện mình.
Rồi đó tôi thấy cảnh trẻ em phải bỏ học, phải theo ba mẹ đi khiếu kiện lang thang đói lạnh. Tôi thắt ruột khi thấy các con phải cầm những biểu ngữ, băng rôn đòi đất, đòi quyền được đi học. Tôi ôm các con vào lòng nhưng tôi luôn lảng tránh ánh mắt nhìn đau đáu và trưởng thành quá sớm của các con. Rồi tôi thấy những ngày này, trẻ em Ninh Hiệp bỏ học, cầm cờ đỏ, đánh trống, cùng ba mẹ đến trụ sở cơ quan công quyền và trường học để phản đối chính quyền trong việc thu hồi đất đai. Ai, tại sao, nguyên nhân nào đẩy trẻ em phải tham gia cùng người lớn trong những việc đấu tranh?
Việc trẻ em Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội bỏ học cùng ba mẹ đấu tranh lại làm bùng lên làn sóng tranh cãi hầu như không có điểm kết từ trước đến giờ. Những bài viết, những tranh cãi, phản biện qua lại giữa hai phe: Ủng hộ bạo lực và phản đối bạo lực. Họ nhục mạ, tàn sát lẫn nhau thông qua con chữ một cách không thương tiếc nhân danh sự văn minh, hiểu biết.
Khi đi tìm nguyên nhân của những hỗn loạn, bạo lực, trí nhớ của tôi ngụp lặn trong vũng lầy văn học mà tôi được học và được đọc về những “thiếu niên anh hùng Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu” và những nhân vật “thằng Mừng, Lượm, Quỳnh…” mà theo nhiều người nói là phỏng tác theo các nhân vật có thật, trong tác phẩm mà triệu triệu trẻ em được ba mẹ mua cho đọc, là sách gối đầu giường, “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán. Và xa hơn, kìa là tuổi thơ tôi, câu chuyện cổ tích dân gian “Tấm Cám” mẹ kể hằng đêm với cô Tấm trải qua nhiều khổ nạn, sau khi thoát ra, có cơ hội liền lập tức trả thù bằng cách lừa cô Cám nhảy vào nồi nước nóng và sau khi cô Cám chết, cô Tấm lấy xác cô Cám đem làm mắm gởi cho mẹ Cám ăn. Thạch Sanh tha cho mẹ con Lý Thông nhưng dân gian bắt mẹ con Lý Thông phải chết khi cho sét đánh. “Kẻ ác phải đền tội”, “Ác giả ác báo” là sợi dây xuyên suốt trong hầu hết các mẫu truyện dân gian cổ tích lẫn cận hiện đại “Trạng chết Chúa cũng băng hà”.
Tôi nhận ra, các giá trị nhân bản, yêu thương, nhân ái… thực sự có tồn tại, nhưng các giá trị đó chỉ tồn tại, không phải là các thực thể sống và sinh sôi phát triển trong dòng chảy định hình tính cách, văn hóa dân tộc.
Trí nhớ đi rong, bắt tôi bước chân vào những trang tư liệu lịch sử, nơi xảy ra những cuộc đấu tố làm phá vỡ nền tảng văn hóa, bứt đứt các sợi dây liên kết xóm làng, nghiền nát các giá trị nhân bản, xổ toẹt vào tình yêu thương con người với con người nhân danh đấu tranh giai cấp. Ở đó, con người buộc con người phải lột bỏ tất cả các lớp vỏ, chỉ còn lại mỗi bản năng mãnh liệt nhất: sống còn. Vì sống còn, con cái nguyền rủa cha mẹ, để những ông bà phải gọi trẻ con bằng “ông bà” và những con người từ người lớn đến những đứa trẻ con sung sướng vinh dự hả hê vì được gọi “bẩm ông bà bần cố nông!”. Mọi giá trị bị đảo lộn từ trên xuống dưới, từ phải sang trái.
Tình yêu vốn đã quá mong manh trong cái nền văn hóa “ác giả ác báo” đã bị “đấu tranh giai cấp” thời hiện đại xé toạc. Tình yêu tơi tả thành những sợi bụi bay lượn trong thinh không, hiếm có cơ hội kết dính. Người ta nhân danh tình yêu để “giải phóng,” để gây ra chiến tranh và thù hận để rồi qua hơn nửa cuộc đời vẫn không thể hàn gắn, hòa hợp dân tộc. Thực tế chứng minh, nhân danh tình yêu con người gây ra khổ đau cho nhau gấp trăm ngàn lần nhân danh sự thù hận.
Tôi rùng mình bứt thoát mình khỏi miền suy tư. Tôi bắt gặp ở hiện tại những lập luận “mục đích biện minh cho hành động” đầy rẫy trên những trang viết, lời nói từ anh nông dân cho đến anh chị trí thức, từ những ông bảo thủ cho đến người cấp tiến trong cộng đồng người Việt trong nước, ngoài nước. Các tính xấu, sự vô cảm ngày càng lấn át trong xã hội. Tôi thấy sự đánh tráo các giá trị khi con người không thể phân biệt giữa đúng và sai.
Tôi thấy sự mâu thuẫn nội tại trong tôi, trong anh chị, trong tất cả người Việt khi không thể giải quyết được việc tự giải thoát mình khỏi các giá trị, tư tưởng xưa cũ để tiếp thu các giá trị, tư tưởng mới. Tôi thấy một xã hội hỗn loạn, muốn bứt phá nhưng không tìm được đường thoát nên bị dồn nén đến mức chật chội, bức bối làm cho những con người trong cái bong bóng xã hội đó luôn phải lao vào nhau, va chạm nhau, tiêu diệt lẫn nhau trong một cuộc chiến quyết liệt, thay vì tìm lối thoát. Đó là quy trình giằng xé, mâu thuẫn tất yếu mà dân tộc nào cũng phải trải qua để bước vào một thời kỳ mới.
Ở các dân tộc khác, việc này diễn ra khá nhanh. Ở dân tộc Việt, chịu ảnh hưởng bốn ngàn năm văn minh lúa nước, làng xã co cụm, việc tiếp thu cái mới luôn chậm chạp và mang tính bài trừ, bảo thủ, nên quá trình này mất quá nhiều thời gian của cả đất nước. Tính ỳ dân tộc ngày càng cao và bây giờ thì cao hơn lúc nào hết.
Tôi cảm nhận có điều gì đó không đúng, có cái gì đó sai, nhưng những dòng chữ tôi viết trên đây vẫn chưa thể định hình được một cách rõ ràng, bởi tôi, suy cho cùng, chỉ là một chủ thể nhỏ bé bị quăng quật, va đập, nhào nặn, hình thành và chết dần mỗi ngày trong cái nền văn hóa đã và đang chết dần đó.
Với suy nghĩ nhỏ bé của mình, tôi luôn nghĩ, tình yêu, nhân bản, sự cảm thông, thấu hiểu là những giá trị cơ bản tạo nên nền tảng vững chắc cho một xã hội phát triển. Ở xã hội Việt Nam, khi và chỉ khi những hạt bụi yêu thương có đủ nội lực để có thể kết nối được vào nhau và đủ lớn để tạo thành một mạng lưới vô hình nhưng lại rất cụ thể để xây dựng nền tảng thì lúc đó xã hội này mới có thể hồi sinh và sống đúng nghĩa.
24/12/2015
Nguồn: FB Nga Thi Bich Nguyen