Ngày này cách đây 45 năm (1974 – 2019): Ba điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ về biến cố Hoàng Sa tháng 1 năm 1974

Trần Đức Anh Sơn (tổng thuật)

Từ ngày 16/1 đến ngày 19/1/1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm các nhóm đảo phía tây nam thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Lực lượng đồn trú của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) trên đảo, cùng với hải quân vừa được tăng cường từ đất liền đã giao chiến với quân Trung Quốc, nhưng do tương quan lực lượng bất cân xứng nên đã để mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc.
Do không thể dùng hải quân để tái chiếm các đảo, nên chính quyền VNCH dự định dùng không quân để phản công giành lại Hoàng Sa. Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Quốc Hưng, Phụ tá tham mưu phó hành quân của Bộ Tư lệnh Không quân Việt Nam Cộng hòa, với TS. Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ VNCH, kiêm cố vấn của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, thì ngày 19/1/1974, ông Thiệu đã ra mật lệnh cho Tư lệnh Không quân VNCH điều động máy bay chiến đấu siêu thanh F5-E ra oanh kích, phản công quân Trung Quốc để giành lại quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 19/1/1974, Tư lệnh Không quân VNCH đã điều 5 phi đoàn F5-E, gồm 4 phi đoàn ở Biên Hòa và 1 phi đoàn ở Đà Nẵng, mỗi phi đoàn gồm 24 máy bay và 120 phi công, tập kết về sân bay Đà Nẵng chuẩn bị tái chiếm Hoàng Sa. Trong những ngày này, máy bay do thám RF5 của VNCH đã liên tục bay thám thính lực lượng Trung Quốc ở khu vực Hoàng Sa, chụp ảnh và cung cấp thông tin để không quân chuẩn bị phương án tác chiến.

Cũng trong ngày 19/1/1974, 2 phi đoàn F5-E của Không lực VNCH tại Đà Nẵng, mỗi phi đoàn gồm 2 chiếc, đã 2 lần cất cánh ra khơi, nhưng vừa bay được khoảng trên 100 dặm thì được lệnh phải quay trở lại. (Nguyễn Tiến Hưng, “Tổng thống Thiệu và hải chiến Hoàng Sa, BBC, ngày 7/3/2017).
Chính quyền VNCH đã hủy bỏ lệnh tái chiếm Hoàng Sa bằng không quân, để cho Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ đó đến nay. Vì sao có sự thay đổi này?
Một số tài liệu liên quan đến trận “hải chiến Hoàng Sa” được công bố trong thời gian qua cho rằng: do Mỹ đã bắt tay với Trung Quốc trong vấn đề Hoàng Sa, không ứng cứu lực lượng VNCH khiến Hoàng Sa thất thủ, đồng thời ngăn cản VNCH phản công tái chiếm Hoàng Sa; hoặc do phía VNCH do tự lượng sức mình, thấy khó có thể tái chiếm Hoàng Sa nếu không có sự yểm trợ từ phía Mỹ nên đã ngưng việc phản công. Tuy nhiên, đó chỉ là những phỏng đoán chưa được kiểm chứng.
Trong số những tài liệu mật về chiến tranh Việt Nam được phía Mỹ giải mật trong thời gian gần đây, có 3 điện tín trao đổi giữa Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington D.C với Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 1/1974. Nội dung 3 điện tín này sẽ làm sáng tỏ vì sao Tổng thống VNCH hủy bỏ kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa bằng không quân.

* ĐIỆN TÍN TỪ WASHINGTON D.C
Trong bài viết đăng trên BBC ngày 7/3/2017 đã dẫn trên đây, ông Nguyễn Tiến Hưng có công bố nội dung một bức điện tín, mức độ KHẨN – MẬT, do Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger gửi cho Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn là Graham Martin vào ngày 19/1/1974. Nội dung bức điện như sau (bản dịch nguyên văn):
“Mật điện Bộ Ngoại giao 012641
1. Xung đột quân sự tại Hoàng Sa đã đưa đến thương vong cho VNCH với hai chiến hạm bị tên lửa STYX của Trung Quốc bắn chìm. Chính phủ VNCH có yêu cầu Mỹ giúp tìm kiếm và cứu vớt các nạn nhân. Tình hình thêm phức tạp vì báo cáo là trên đảo Pattle [đảo Hoàng Sa, nơi có lực lượng VNCH đóng quân] lại có một nhân viên dân sự Mỹ làm việc cho Văn phòng Tùy viên ở Đà Nẵng. Chúng tôi không hiểu tại sao người này lại có mặt ở đó.
2. Bộ Ngoại giao đã yêu cầu Bộ Quốc phòng ra lệnh cho Hải quân Mỹ tránh khỏi khu vực này. Hai ngày trước đây [17/1/1974] chúng tôi [Kissinger] có bàn luận với Đại sứ Martin qua điện thoại và bày tỏ ý muốn của chúng tôi là tình hình phải được hạ nhiệt…
3. Thông cáo của Bộ Ngoại giao gửi cho báo chí về vụ này sẽ nói theo những điểm như sau:
– Chính phủ Mỹ không đứng về phe nào trong việc tranh chấp Hoàng Sa nhưng hết sức mong muốn là sự tranh chấp được giải quyết trong hòa bình.
– Lực lượng quân sự Mỹ không dính líu gì vào xung đột này.
4. Chúng tôi yêu cầu Tòa Đại sứ ở Sài Gòn tư vấn cho chính phủ VNCH chỉ nên có những hành động tối thiểu để tự vệ và để cứu vớt nạn nhân (và người nhân viên Mỹ ở trên đảo) nhưng làm tất cả những gì có thể để tránh đụng độ trực tiếp thêm nữa với lực lượng Trung Quốc. Việc mà VNCH hay chúng ta không cần chút nào trong lúc này là đụng độ giữa Trung Quốc và Chính phủ Việt Nam về mấy hòn đảo, dẫn tới vai trò bất chấp của Trung Quốc trong cuộc chiến Việt Nam”.

* HAI ĐIỆN TÍN TỪ SÀI GÒN
Trong quá trình tìm kiếm các tư liệu về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôi đã tiếp cận 2 điện tín do Graham Martin, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn gửi về Washington D.C., ngay sau khi xảy ra biến cố Hoàng Sa. Nội dung 2 điện tín này đề cập nhiều vấn đề, trong đó có nguyên nhân khiến VNCH hủy bỏ lệnh không kích tái chiếm Hoàng Sa.

1. Điện tín do Đại sứ Martin gửi đến Nhà Trắng ngày 20/1/1974, mức độ KHẨN
Bức điện gồm 8 mục, xin lượt thuật những nội dung chủ yếu như sau:
– Ngoại trưởng VNCH Vương Văn Bắc đã gọi điện cho Đại sứ Martin vào lúc 4g15 sáng ngày 20/1/1974 để báo tin về tình hình nghiêm trọng ở Hoàng Sa. Cuộc gọi này thực hiện theo lệnh của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, nhằm thông qua Đại sứ Martin để báo tin đến Tổng thống Mỹ Nixon về tình hình tại quần đảo Hoàng Sa và kế hoạch hành động của chính quyền VNCH. Theo đó hải quân Trung Quốc với sự yểm trợ của 3 chiếc MIG, đã tấn công lực lượng VNCH đang đóng giữ trên các đảo Hữu Nhật, Quang Hòa và Hoàng Sa, đã buộc lực lượng VNCH rút lui, để lại khoảng 70 quân nhân, có khả năng bị Trung Quốc giết hoặc bắt làm tù binh.
– Do lực lượng Trung Quốc áp đảo, “nên nó dường như không thực tế để cố gắng giải quyết vấn đề bằng phương thức quân sự, kể cả phản công bằng máy bay” (it did not seem practical to attempt to solve the problem by military means. Even counterattack by air was not feasible). Vì vậy Tổng thống Thiệu [cần] chỉ thị cho Ngoại trưởng Bắc tiến hành các bước đi ngoại giao để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và kêu gọi sự ủng hộ của Hoa Kỳ và các đồng minh thân cận. Theo đó, VNCH sẽ đưa vụ việc ra Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc (LHQ); thông báo với SEATO về hành động xâm lược của Trung Quốc; cân nhắc đưa vụ việc tranh chấp ra tòa án công lý quốc tế. Tuy nhiên, VNCH chưa quyết định việc này vì e ngại Trung Quốc sẽ không chấp nhận ra tòa.
– Thông báo cho các bên tham gia ký kết Hiệp định Paris (1973) rằng Hiệp định quy định tất cả các bên đều phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, và Trung Quốc là một bên tham gia ký kết Hiệp định này. Ngoại trưởng Bắc cũng kêu gọi một cuộc họp với các phái đoàn ngoại giao ở Sài Gòn về vụ việc và yêu cầu sự hỗ trợ từ chính phủ của họ.
– Đại sứ Martin hứa với Ngoại trưởng Bắc là sẽ cập nhật tình hình cho Ngoại trưởng Mỹ [Henry Kissinger], và sẽ liên lạc với ông Bắc ngay khi có phản ứng chính thức từ Washington D.C, đồng thời nói rằng nếu VNCH đưa vụ việc ra Hội đồng bảo an LHQ thì Mỹ sẽ lên tiếng nhưng cần cân nhắc đến những tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa của các đồng minh khác của Mỹ như Đài Loan và Philippines.
– Đại sứ Martin nghĩ rằng VNCH cần xem xét lại mối nghi ngờ khi đưa vấn đề ra Tòa án La Haye, kể cả khi Trung Quốc từ chối ra tòa thì việc này cũng chứng tỏ là VNCH đã chọn giải pháp hòa bình thay cho vũ lực. Điều này rõ ràng là có ích trong việc duy trì sự liên lạc sau này.

2. Điện tín do Đại sứ Martin gửi cho Tướng Brent Scowcroft, trợ lý của Ngoại trưởng Henry Kissinger, ngày 21/1/1974, mức độ KHẨN,
Bức điện gồm 10 mục, xin lượt thuật những nội dung chủ yếu như sau:
– Thông báo cho Brent Scowcroft biết diễn biến tình hình, để Brent Scowcroft báo cho Kissinger biết và quyết định cách tiếp cận của ông ta đối với Trung Quốc, nếu có. Martin cho rằng sự hiện diện của Tổng thống Thiệu ở Đà Nẵng tại thời điểm này đã tạo ra áp lực vô hình không cần thiết để xử lý vụ việc. Nếu như ông Thiệu có mặt ở Sài Gòn thì phía Mỹ sẽ biết được dự định của ông ấy và tham vấn cho ông Thiệu những hành động hợp lý hơn. Martin thông báo rằng: “sáng nay tôi đã nghe nói ông Thiệu đã ra lệnh cho không lực Việt Nam Cộng hòa ném bom quân Trung Quốc ở Hoàng Sa. Lệnh đó đã được đình chỉ”. (I heard this morning he had ordered RVN airforce to bomb Chinese forces in Paracels. That has been stopped).
– Cân nhắc việc tư vấn cho chính quyền VNCH rút đơn vị đồn trú ra khỏi đảo Nam Yết ở Trường Sa hay chờ đợi trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục xâm phạm Trường Sa.
– Khẳng định Mỹ “không thể tham gia trực tiếp trong cuộc tranh chấp chủ quyền giữa các đồng minh lâu đời là VHCH, Đài Loan và Philippines, hoặc giữa những nước này với Trung Quốc mà Mỹ đang hy vọng xây dựng một mối quan hệ nhiều hơn trong tương lai” (We cannot, I think, become directly involved in the disputes over sovereignty between our old allies – the RVN, the ROC, and the Philippines. Or between them and the PRC with whom we would hope to build a more forthcoming relationship).
– Sử dụng tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tế (ICRC) để yêu cầu các bên trao trả tù binh và những binh lính tử trận, tốt nhất là tiến hành trước dịp Tết [Giáp Dần, 1974] và nơi thực hiện việc trao trả này là ở đảo Hải Nam hay Đại lục thì sẽ thuận tiện hơn so với việc trao trả ở đảo Hoàng Sa.
– Xác minh việc hãng tin UPI ở Sài Gòn đưa tin “có một người Mỹ là [Gerald] Kosh bị Trung Quốc bắt giữ tại trạm khí tượng trên đảo Hoàng Sa”, xem thử ông ta đã bị giết hay bị bắt giữ.
– Dựa vào những quan sát của phái đoàn Mỹ tại Liên hiệp quốc để khuyên Việt Nam chỉ gửi công hàm phản đối Trung Quốc lên Hội đồng bảo an, nhưng không thông tin cho báo chí và chắc chắn là không phải để bỏ phiếu [lên án Trung Quốc].
– Đại sứ Martin cho biết Tổng thống Thiệu muốn gửi thư cho Tổng thống Nixon yêu cầu can thiệp và lên án Trung Quốc, nhưng Martin đã tìm cách ngăn cản việc gửi lá thư này đến Nixon, mà chỉ đề nghị Ngoại trưởng VNCH Vương Văn Bắc yêu cầu chính phủ VNCH đưa sự vụ ra Tòa án quốc tế và gửi báo cáo tới SEATO (Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á). Dùng ảnh hưởng của cá nhân để kiềm chế bất cứ hành động thiếu cân nhắc nào của Tổng thống Thiệu.
– Cân nhắc để tìm cách sử dụng sự kiện đáng tiếc này theo cách tiến hành các mục tiêu tổng thể của Mỹ; tìm cách tiếp cận với Trung Quốc theo các hướng có ích. Không đề nghị Trung Quốc trả lại quần đảo Hoàng Sa cho Việt Nam, vì Trung Quốc đã chiếm được nó và rõ ràng là không muốn trả lại. Chỉ khuyến nghị Trung Quốc trao trả cho VNCH những người tử trận và tù binh trong dịp Tết [Giáp Dần 1974]; Giúp VNCH bảo vệ Trường Sa và những mỏ dầu tiềm năng ở đó…

* MỘT VÀI NHẬN XÉT
Từ nội dung 3 điện tín trao đổi giữa Bộ Ngoại giao Mỹ với Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn trên đây, cho thấy:
– Mỹ đã “đi đêm” với Trung Quốc trong vấn đề Hoàng Sa, vì thế họ không hỗ trợ VNCH giành lại Hoàng Sa, bỏ mặc cho Trung Quốc chiếm đóng quần đảo này.
– Mỹ ngăn không cho chính quyền VNCH, đặc biệt là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, có những hành động có thể gây phương hại cho mối quan hệ Mỹ – Trung đang ấm dần lên. Vì thế Mỹ ủng hộ VNCH lựa chọn giải pháp hòa bình (ngoại giao và pháp lý) đối với vấn đề xung đột ở Hoàng Sa, mà không dùng giải pháp quân sự.
– Tuy nhiên, phía Mỹ không trực tiếp yêu cầu VNCH hủy bỏ việc dùng không quân để phản công giành lại Hoàng Sa, mà tạo sức ép tâm lý, buộc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cân nhắc tương quan lực lượng và nhận thấy thái độ của Mỹ đối với vấn đề Hoàng Sa, rồi tự ra quyết định hủy bỏ việc không kích tái chiếm Hoàng Sa.
– Phía Mỹ khẳng định là sẽ giúp VNCH giữ Trường Sa trong trường hợp Trung Quốc manh động xâm phạm quần đảo này. Như vậy có thể thấy rằng Mỹ quyết định buông Hoàng Sa cho Trung Quốc nhưng với Trường Sa thì không.
T.Đ.A.S.

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, đại dương, ngoài trời và nước

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời và ngoài trời

Trong hình ảnh có thể có: ngoài trời

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời và ngoài trời

Trong hình ảnh có thể có: 4 người

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, đám đông và ngoài trời

Nguồn: FB Trần Đức Anh Sơn

Comments are closed.