Suy nghĩ về thế và cơ cho Việt Nam trong vận hội sắp tới

Lê Học Lãnh Vân

Ông Trump là Tổng thống Hoa Kỳ, đệ nhất siêu cường quốc từ sau thế chiến thứ hai cho tới bây giờ. Ai cũng biết ảnh hưởng của Hoa Kỳ tới thế giới quan trọng như thế nào! Hiện nay Hoa Kỳ đang trong cơn đại dịch COVID-19, cũng đang trong mùa bầu cử Tổng thống.

Liên quan tới đề tài, những dòng này trình bày một số quan sát và suy nghĩ từ góc nhìn lợi ích cho nước Việt.

1) Tổng thống Trump và Trung Cộng

Theo đuổi lời hứa làm nước Mỹ vĩ đại trở lại, Tổng thống Trump có những động thái chỉnh sửa lại các ưu đãi thương mại dành cho Trung Quốc. Ông điều chỉnh lại mức thuế quan dành cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ đó khởi động dây chuyền “chiến tranh thương mại”. Cùng với đó là các hành động cứng rắn chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ngôn từ thông thường gọi là ăn cắp công nghệ. Tổng thống Trump đã góp phần rất lớn trong việc vạch ra cho thế giới thấy bộ mặt không trung thực, tham vọng thống lãnh thế giới của một siêu cường đang lên. Muốn hay không muốn, ông đã thành công trong việc dấy lên làn sóng không thân thiện với Trung Cộng trên thế giới. Nhiều người không thích tính cách của ông, nhiều người lại khoái vì tính cách đó mới quạt thẳng cánh những tay gian hùng chính trị quốc tế. Thời thế quốc tế chưa tới nỗi coi là loạn, nhưng cũng không yên bình như trước. Phải chăng đó là nền tảng cho sự xuất hiện của Tổng tống Trump?

Trung Cộng thất thế trên toàn cầu có lợi cho Việt Nam. Sức bành trướng của Trung Cộng giảm đi, Việt Nam có thì giờ và nguồn lực tập trung hơn cho phát triển. Khi thế giới dè chừng Trung Cộng hơn, Việt Nam có hy vọng lấn một phần thị phần của nước này. Việc Việt Nam xuất khẩu khẩu trang phòng dịch vào Hoa Kỳ là một thí dụ.

Tuy nhiên, dù Trung Cộng suy yếu là có lợi, Việt Nam không nên quá trông chờ điều đó. Không gì có thể giúp ta nếu nội lực ta không mạnh, tinh thần ta không tự tin vững chãi, nội bộ ta không đoàn kết, cộng tác nhau.

2) Mục tiêu lâu dài và chung nhất của Việt Nam là sự phát triển dân tộc, phát triển quốc gia. Tất cả mọi chiến lược, nguồn lực, phương tiện, công cụ nào phục vụ cho mục tiêu đó đều mang lại lợi ích cho Việt Nam.

Trên con đường đi tới mục tiêu chung nhất đó, Việt Nam có những mục tiêu chiến lược rất quan trọng mà nếu đạt được Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi tiến về mục tiêu chung nhất nói trên.

Hai trong số các mục tiêu chiến lược đó là:

a) Phát triển nhanh hơn Trung Quốc, trước hết là về kinh tế và về quân sự. Thực lực kinh tế và quân sự mạnh hơn một nấc, Việt Nam sẽ một nấc bớt đi phụ thuộc, bớt bị khống chế bởi Trung Cộng đang bành trướng với ý đồ không giấu diếm là lấn chiếm các vùng không gian sinh tồn của người Việt. Bớt sự khống chế đó, Việt Nam mới nhẹ gánh mà chọn hướng đi phục vụ sự phát triển cho chính dân tộc, quốc gia mình!

b) Xây dựng xã hội dân chủ thực sự. Xã hội dân chủ thực sự mới huy động được nguồn lực lớn nhất của công dân phụng sự sự phát triển chung. Xã hội độc tài chỉ ưu tiên phục vụ cho một số thế lực nào đó trong xã hội, nên không thể nào huy động mọi người tham gia. Người ta không thể góp sức khi thấy những kẻ ăn trên ngồi trước tham nhũng, nghĩa là ăn cắp và ăn cướp tiền của của họ, mà xã hội không ngăn chặn được. Lòng chán ghét khiến công dân bỏ xã hội mà đi!

3) Tổng thống Trump ảnh hưởng gì trên việc đạt hai mục tiêu chiến lược nói trên?

Tổng thống Trump được nhìn bởi không ít người từ bên ngoài như một vị Tổng thống có những tuyên bố, hành động và chính sách ngược với toàn cầu hóa. Cho dù hiểu “Make America Great Again” theo nghĩa nào đi nữa, thì các quyết sách của ông theo hướng này cũng được nhìn như nước Hoa Kỳ “giãn cách” các đồng minh chí cốt trong thế giới Tự Do để lo cho kinh tế của riêng mình. Trong khi thiết lập sự công bằng hơn trong chính sách thuế quan với Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng đồng thời gây những tranh cãi về quyền lợi với châu Âu khiến đồng minh này bất mãn. Cuộc thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, về căn bản cũng chỉ là cuộc thương chiến giữa hai nước. Nếu trong cuộc chiến này, Hoa Kỳ được sự đồng lòng ủng hộ của các đồng minh kia như vài mươi năm trước, kết quả cuộc chiến có khác không so với khi một bên chiến tuyến chỉ đơn độc Hoa Kỳ của Tổng thống Trump?

Ngoài ra, thái độ của ông Trump trong các cam kết quốc tế cũng thay đổi nhanh chóng. Việc ông đưa Hoa Kỳ ra khỏi TPP trong khi người Tổng thống trước ông đã dẫn dắt các quốc gia quanh bờ Thái Bình Dương tiến tới rất gần ký kết là một thí dụ. TPP, nếu được thực thi, so với thương chiến Hoa Kỳ – Trung Cộng hiện nay, cái nào có năng lực kìm hãm sự hung hăng bành trước của Trung Cộng hơn?

Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với một Trung Quốc Cộng sản hung hăng bành trướng trong thời cực thịnh của nó! Một thế giới Tự Do hùng mạnh, đoàn kết và liên kết có thể là chỗ dựa chiến lược vững chắc cho Việt Nam. Tiếc thay, thế giới Tự Do đang phân tán, vị minh chủ bảy chục năm qua nay đang tự khép cửa trước đồng minh, thực lực và tiếng nói không còn trọng lượng như xưa.

Lịch sử thế giới từng ghi nhận có lúc thế giới tuân thủ nghiêm nhặt luật pháp và các ứng xử được công nhận rộng rãi, có lúc thế giới như rừng xanh, con thú nào mạnh hơn tấn công con yếu không bị ngăn trở. Việt Nam lúc này, đối diện với Trung Quốc, đang cần một thế giới có trật tự hay một thế giới rừng xanh?

Việt Nam đang được Hoa Kỳ “ưu ái”. Tuy nhiên thái độ của ông Trump trong các cam kết quốc tế khiến Việt Nam, nếu muốn liên kết gần và chặt hơn với Hoa Kỳ, phải suy nghĩ nhiều lần về một tình trạng việt vị có thể. Trong vị trí địa chính trị của Việt Nam, một sự việt vị như vậy có thể phải trả giá rất đắt mà bất kỳ nhà chính trị dẫn dắt quốc gia nào cũng muốn tránh…

Như vậy, nếu xét từ góc độ lợi ích lâu dài cho Việt Nam, ổng thống Trump có ảnh hưởng như thế nào?

4) Phóng tầm nhìn về tương lai, khi đại dịch đi qua…

Chắc Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật, vẫn còn là một khối trong tinh thần Tự Do Dân Chủ. Hoa Kỳ vẫn còn tiềm lực mạnh nhất, mạnh áp đảo, nhưng e rằng vai trò lãnh đạo suy yếu nhiều nếu so với vài thập niên trước. Lãnh đạo không phải có tiền, vũ khí là được, phải có tầm nhìn và hướng đi, phải được nghe theo và kính trọng. Không có ý chí lãnh đạo mạnh mẽ không thể lãnh đạo được. Trong những năm qua, Hoa Kỳ có được cảm nhận là muốn từ bỏ bớt vai trò lãnh đạo không?

Cho dù vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ yếu đi, thế giới Tự Do chắc sẽ đoàn kết hơn trong cái nhìn bớt thiện cảm về Trung Cộng. Dây chuyền cung ứng toàn cầu, trên nhìều lãnh vực, sẽ được điều chỉnh. Vị trí, vai trò từng quốc gia trên toàn cầu và trong từng khu vực thay đổi…

Chắc ý thức hệ cũ kỹ về sự tương phản giữa chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản chỉ còn rất nhạt để dần dần xóa hẳn.

Khi đại dịch dịu xuống cũng là lúc Hoa Kỳ bầu Tổng thống. Nước Mỹ sau này, dù ai được bầu, cũng sẽ đi về hướng thận trọng hơn trong hợp tác với Trung Cộng, sẽ siết thêm các ưu đãi cho Trung Cộng.

Và Việt Nam, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng có đường phát triển. Khi thế giới xáo động, đó là lúc các nước nhỏ có cơ hội vươn mình. Quan sát hoàn cảnh mà chọn chiến lược, ẩn nhẫn chờ thời trong khi tích cực phát triển đón chờ và tận dụng vận hội mới. Một trăm triệu dân Việt, nếu chọn đúng người lãnh đạo, thực lực Việt Nam không nhỏ!

Ngày 09 tháng 4 năm 2020

Comments are closed.