Nguyễn Hưng Quốc
CHƯƠNG V
NHÀ TÙY BÚT
Cả Nguyễn Hiến Lê lẫn Đặng Tiến, khi viết về tùy bút Võ Phiến, đều nhắc đến đoạn văn Võ Phiến tả một quán hủ tiếu ở Cần Thơ:
Mỗi người có một cách biểu lộ sự hào hứng. Riêng cái cách của người chủ quán hôm ấy, trời ơi, trông mà mê. Hai tay ông ta thoăn thoắt, chặt khúc xương, xắt lát thịt, gắp mớ ớt, múc vá nước từ trong thùng đổ ra tô, xóc xóc mớ hủ tiếu vừa mới trụng qua nước sôi, rắc một tí tiêu bột v.v… Tất cả bấy nhiêu cử chỉ đều rập ràng, hơi có vẻ nhún nhẩy. Mỗi cái quơ tay, cái nhấc lên hạ xuống đều như có gì quá mức cần thiết một chút. Mỗi cử chỉ bao hàm bảy tám phần cần thiết, lại thêm vài ba phần thừa thãi, chỉ để cho đẹp mắt, để biểu diễn sự thích thú trong công việc. Động tác nghề nghiệp gần chuyển thành sự múa men. Một điệu vũ ca ngợi lao động.
[…]
– Bàn trong. Một nhỏ một lớn. Rồi! Bưng.
– Bàn ngoài, số một. Tô lớn, nhỏ. Rồi! Bưng, bàn số một.
– Bàn số ba tính tiền. Tám chục với ba lăm là trăm mười lăm. Trăm mười lăm với tám đồng là trăm hăm ba. Trăm rưỡi trừ trăm hăm ba, còn lại…
Bà vợ nhắc:
– Hăm bảy.
– Hăm bảy. Nè!
[…]
– Tô nước, tô khô. Bàn số hai. Rồi!
Cứ thế, chủ quán làm việc, cắt đặt công việc, điều khiển vợ con v.v… điệu bộ vẫn lại cứ như thừa thãi một chút. Bảy tám phần cần thiết, đôi ba phần để bày tỏ sự hài lòng, để biểu diễn sự hoạt động ăn khớp của một tổ chức hoàn hảo, một bộ máy hợp khuôn rập, chạy đều ro ro.
Vừa rồi có lẽ đã có sự lạm dụng, hầu hết mỗi câu nói của người chủ quán đều có một tiếng “rồi”. Nếu tôi ghi nhớ sai, ấy là vì đã quá chú ý đến tiếng đó. Nhưng hay nhất, ngộ nhất lại là cái tiếng “rồi” tưởng tượng phát ra từ mỗi cử chỉ. Mỗi cử chỉ ngắt cọng rau, xóc mớ hủ tiếu v.v… đến chỗ sau cùng thường được gằn mạnh. Như thể một tiếng “rồi” phát ra bằng động tác thay vì bằng âm thanh: Một tiếng câm (Tùy Bút 1: 222 – 3).
Đặng Tiến nhận xét, phải có một “nhãn quan tinh tường” lắm mới thu được một hình ảnh như thế. (1) Nguyễn Hiến Lê trầm trồ, “đọc… thấy mê. Ông nghe được một tiếng “rồi” câm thừa thãi, như để múa men, biểu diễn sự thích thú sau mỗi cử động của chủ quán, thì tôi phục ông quá”. (2) Tôi cũng phục Võ Phiến, ở đoạn văn trên, dĩ nhiên. Nhưng tôi không nghĩ đó là đoạn văn tiêu biểu cho phong cách tùy bút của Võ Phiến. Đó chỉ là phong cách chung trong văn chương Võ Phiến, đặc biệt là trong truyện dài và truyện ngắn. Trong truyện dài, truyện ngắn của ông, người ta có thể dễ dàng tìm ra những đoạn đặc tả tỉ mỉ và tài tình như thế. Trong tùy bút của ông, ngược lại, thật họa hoằn. Trừ đoạn văn trên, suốt cả tập tùy bút 1, dày hơn 300 trang, gồm 54 bài viết khác nhau, may ra chỉ được thêm vài đoạn nữa, đoạn tả về cách thử nước mắm, cách uống chè Huế tại Bình Định, cảnh những cánh chim én và những đám khói ở quê nhà, cảnh những cây phong vào mùa Thu ở Hoa Kỳ. Là hết. Quá ít. Thật họa hoằn. Họa hoằn như những ngoại lệ chứ không phải như một đặc điểm.
Người ta hay nói Võ Phiến là nhà văn có óc quan sát thật tinh vi. Tôi đồng ý, trừ trong Tùy Bút, đặc biệt là Tùy Bút 1. Người ta hay nói Võ Phiến có tài tả cảnh tả vật tả người. Trong Tùy Bút 1, Võ Phiến vừa lười quan sát vừa lười mô tả. Không kể vài ngoại lệ nêu trên, lúc nào ông cũng qua quýt, cũng vội vội vàng vàng. Ông viết về áo dài, về nhà cửa, về vô số các thức ăn, không có cái gì được ông mô tả cho thật kỹ, thật đẹp. Nghe Võ Phiến nói về mắm mòi ở Phan Thiết, mắm trèn ở Châu Đốc, chè ở Huế, cao lầu ở Hội An, bún nước lèo ở Sóc Trăng, bún tấm bì ở Chương Thiện, cháo tấm giò heo với giá với gừng trên Bến Ninh Kiều… không có người nào, nếu chưa bao giờ có dịp nhìn tận mắt những món ấy, có thể hình dung được rõ ràng chúng như thế nào. Ông khoe nhà cửa ở quê ông rất đặc biệt, được Học Giả P. Gourou khen như một di tích văn hóa (Tùy Bút 1: 147): những ai chưa từng đến Bình Định đừng hòng biết được kiểu nhà mái ấy rộng, hẹp, cao, thấp, đẹp, xấu ra sao. Ông không đi vào chi tiết vì ông nghĩ người Việt Nam nào cũng biết, cũng rành rồi ư ? Không chắc. Ông nhắc đến mắm mòi như một kỷ niệm, chúng đã biệt tăm từ lâu rồi, ông nhắc đến cao lầu như một bí mật, ngoài Hội An không đâu có, ông nhắc đến sa – kê như một di tích, sau một thời lừng lẫy, được vua chúa ái mộ, nó đã “rút lui tận thâm sơn cùng cốc để mai danh…” (Tùy Bút 1: 236). Đúng ra, về sa – kê, ông có tiết lộ một ít:
Sa – kê trộn với dừa, ăn từa tựa như khoai lang, sa – kê cũng đem nấu canh mà ăn. Nó gần như mít chưa chín vậy. Khẩu vị con người ta thì nói không cùng, có món người này khoái thích đến đâm nghiện nặng mà người kia không thể nuốt trôi, có món người này khen thơm mà người kia chê nặng mùi v.v… Mùi vị sa – kê, đại khái như đã mô tả, có thể cho là ngon, cũng có thể cho là dở (Tùy Bút 1: 236).
Cách mô tả rất là “đại khái”. “Đại khái”, “đại khái như thế” là những chữ Võ Phiến thường dùng khi buộc phải mô tả cụ thể một cái gì. Không “đại khái” thì “lướt qua”. Về bánh tráng, món ăn ông gắn bó từ nhỏ và có nhiều kỷ niệm cũng như rất nhiều hiểu biết, ông cũng chỉ “lướt qua”.
Trước hết, hãy lướt qua những cách ăn bánh tráng thường thấy. Bánh tráng nướng, bẻ từng mảnh, nhai cúc cắc cho vui miệng trước khi bắt đầu vào tiệc, ngoài Trung ngoài Bắc, trong trường hợp này bánh tráng có vai trò đại khái như bánh phồng tôm trong Nam.
Trong dăm ba trường hợp khác, cũng thứ bánh tráng nướng, cũng bẻ từng mảnh cúc cắc, nhưng không dùng để mở đầu bữa tiệc, mà lại suốt bữa ăn, từ đầu đến cuối. Chẳng hạn trong bữa thịt cầy, bữa chả cá, chẳng hạn khi dùng bánh tráng xúc xác đậu xào, xúc mớ gan cá nghéo xào ăn cho khỏi bệnh quáng gà v.v…
Cũng lại bánh tráng nướng nữa, đem giã vụn ra, hoặc dùng làm “thính”, hoặc trộn với thịt đầu heo, hoặc rắc lên đĩa tiết canh v.v…
[…] Chúng ta chỉ lướt qua để có một ý niệm đại khái về cách dùng bánh tráng làm món ăn, chứ không mong tìm hiểu cho hết ngọn ngành (Tùy Bút 1: 153 – 4).
Người đọc tinh ý, căn cứ vào chữ “trước hết” ở đầu đoạn trích, có thể ngỡ là sau cái nhìn “lướt qua” ấy, Võ Phiến sẽ dừng lâu lại cách ăn bánh tráng đặc biệt ở quê ông. Không, ông cũng chỉ tả một cách “đại khái” như thế mà thôi. […] cái đặc biệt ở Bình Định là lối ăn bánh tráng cuốn mà không cuốn thứ gì cả, không có nội dung! Tức bánh tráng thuần túy.
Ăn như thế người ta ăn rất nhiều bánh tráng, lấy bánh tráng thay cơm. Nông dân mỗi sáng trước khi ra đồng, nếu không kịp thổi cơm sớm, có thể dùng mấy cuốn bánh thay cơm sáng. Học trò ở trọ xa nhà, thường mang theo một chồng bánh hàng trăm cái, mỗi sáng nhúng nước vài chiếc, cuốn ăn điểm tâm. Những gia đình có một nghề thủ công riêng, đêm đêm thức khuya dệt vải, đập xơ dừa, chắp trân dệt chiếu v.v… thường xúm xít tổ chức một bữa ăn khuya, lại vẫn bánh tráng nhúng nước rồi cuốn.
Cuốn như thế, nếu nhà có sẵn rau, sẵn thịt cá v.v… mà cho vào càng tốt, nếu không có sẵn (như trường hợp những cậu học trò ở trọ) thì cũng chẳng sao.
Bánh tráng mà dùng “thuần túy” như vậy có vẻ phi nghệ thuật, khó mê. Vậy mà dân Bình Định đã đâm nghiện món ăn ấy. Đi làm ăn xa, lâu ngày không có dịp ăn bánh tráng, họ nhớ quay nhớ quắt (Tùy Bút 1: 155).
Trong mấy đoạn văn trích ở trên, có một điểm nhỏ cần lưu ý, số lượng những chữ “v.v…” xuất hiện rất nhiều, rất đều trong Tùy Bút Võ Phiến. “Vân vân”, trong những trường hợp này, cũng giống như “đại khái”. Nó thể hiện cái sốt ruột, cái thiếu kiên nhẫn của Võ Phiến. Với cái gì, ngay cả một món ăn ngon, một khung cảnh đẹp, ông cũng chỉ muốn “lướt qua”. Đó là điều lạ. Hơn nữa, theo tôi, còn là một điều lạ nhất trong Tùy Bút Võ Phiến, là một trong vài yếu tố chủ yếu khu biệt Võ Phiến và các nhà tùy bút khác tại Việt Nam từ xưa đến nay.
Trong một bài viết ngắn, rất ngắn, “Về thể văn tùy bút”, Đặng Tiến nêu lên hai đặc điểm chính của tùy bút, đó là tính chủ quan và sự cô đơn, hiu hắt. “Hắt hiu như những người tạo ra nó.”(3) Ngoài lý do được Đặng Tiến chỉ ra trong bài viết, “thể văn tùy bút, xưa nay, chỉ có một quần chúng rất có giới hạn”, sự hiu hắt của thể tùy bút cũng như của người viết tùy bút có lẽ còn xuất phát từ một lý do khác, cũng được Đặng Tiến nhận thấy, trong bài “Anh Bình Định, con chim én và những đám khói”, các tác giả vẫn dùng tùy bút để “diễn tả nỗi u hoài trước một xã hội đang đổi thay”. (4) Tất cả những đặc điểm ấy chúng ta đều bắt gặp trong sáng tác của Phạm Đình Hổ, của Nguyễn Tuân, của Thạch Lam, của Vũ Bằng, và dĩ nhiên, của cả Võ Phiến nữa. Ở đây, sự độc đáo của Võ Phiến, nếu có, chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định, ông không góp thêm được gì và cũng không thay đổi được gì vào những cái đã có.
Nhìn vào các tập tùy bút Việt Nam từ trước đến nay, chúng ta dễ phát hiện ra thêm một điểm chung nữa, đề tài. Trong Vũ Trung Tùy Bút, Phạm Đình Hổ nói về nghệ thuật uống trà, thưởng hoa. Trong Tùy Bút 1, Tùy Bút 2, Nguyễn Tuân nói đến đàn, đến hát, đến uống rượu, đến ăn món này món nọ, ngắm cảnh này cảnh kia. Trong Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường, Thạch Lam cũng nói về quà Hà Nội và những chốn ăn chơi ở Hà Nội, nói xong lại bổ khuyết, lại nói thêm, nói thêm nữa. Ở Vũ Bằng thì càng rõ, nó nằm ngay trong nhan đề quyển sách. Miếng Ngon Hà Nội rồi Món Lạ Miền Nam. Võ Phiến không nằm ngoài thông lệ, ông cũng sốt sắng đóng góp vào đề tài chung ấy vô số món ăn và các trò tiêu khiển.
Có thể nói, đề tài chung, rất phổ biến, trong các tùy bút Việt Nam từ trước đến nay thường quẩn quanh trong các chuyện ăn, chuyện uống, chuyện mặc và chuyện chơi bời. Đề tài như thế dễ gợi lên ấn tượng, chọn viết tùy bút là chọn nhìn cuộc đời như một kẻ thưởng ngoạn. Mà đúng. Trừ Võ Phiến, dường như nhà tùy bút nào cũng có vẻ say sưa, hơn nữa, còn có vẻ tự hào về sự lịch lãm của mình trong việc thưởng ngoạn những hương sắc trần gian, người quen uống trà, người nghiện uống rượu, người thích hát ả đào, người khoái ăn quà vặt, người mê đi giang hồ. Trong lãnh vực này, chắc chắn người tiêu biểu nhất là Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân coi việc thưởng ngoạn như một thứ đạo, người ta gọi ông là tín đồ của chủ nghĩa xê dịch, chủ nghĩa ẩm thực và chủ nghĩa hưởng lạc. (5) Đã là đạo, tất phải có nghi thức. Nguyễn Tuân, trong văn chương cũng như trong cuộc đời, nổi tiếng là người có cung cách cầu kỳ trong việc ăn uống. Đã là đạo, tất phải có cứu cánh, cứu cánh của Nguyễn Tuân là cái đẹp, cái độc đáo. Nguyễn đăng Mạnh nhận xét: Nguyễn Tuân “có thói quen nhìn sự vật ở mặt mỹ thuật của nó, cố tìm cho ra ở đấy những gì nên họa, nên thơ”. (6) Võ Phiến, ngược lại, chưa bao giờ ông chứng tỏ, trong tùy bút, ông là người sành ăn sành uống sành chuyện chơi bời, không những không sành, ông còn thiếu hẳn cái đam mê trong các công việc ấy. Vì thiếu đam mê nên ông cứ “đại khái”, cứ “lướt qua”, cứ “vân vân”. Nếu Nguyễn Tuân, nói theo chữ của Nguyễn đăng Mạnh, là người theo chủ nghĩa độc đáo (7) thì Võ Phiến lại là người theo “chủ nghĩa xuề xòa”. Trong khi Nguyễn Tuân thích nói đến những món ăn thuộc loại phong lưu, đài các, Võ Phiến lại tẩn mẩn với các loại mắm, loại chè, bánh tráng, bún bò, toàn là loại thức ăn bình dân. Trong khi Nguyễn Tuân chơi toàn với các bậc tài tử như chị Hoài, cô đào Tâm, ông Thông Phu… Võ Phiến lại “chơi” với bà Ní Nà, anh Bốn Thôi, Hùng ghẻ ruồi. Đố ai có thể tưởng tượng được là Nguyễn Tuân, ngay cả Nguyễn Tuân hiện thực xã hội chủ nghĩa có thể đặt bút viết về chuyện ghẻ lở, chuyện những con người cơ hồ không biết làm gì khác ngoài việc vặt lông mũi… như Võ Phiến?
Không đam mê trong việc thưởng ngoạn, tại sao Võ Phiến lại táy máy, mà lại thường xuyên táy máy viết về chuyện ăn, chuyện uống, chuyện mặc? Lý do, theo tôi, chính là cái thói quen hay trăn trở của Võ Phiến. Nguyễn Tuân, Thạch Lam và Vũ Bằng viết về cái ăn, cái uống, cái mặc như một cái thú, với một sự say mê nếu không ngây ngất thì cũng đầy rạo rực, Võ Phiến viết về cái ăn, cái uống, cái mặc như một cái cớ, ở đây sự say mê, nếu có, cũng không đáng kể bằng sự tò mò. Đó chỉ là những cái cớ để ông suy nghĩ. Nguyễn Hiến Lê tinh tế để ý đến cách vào đề dí dỏm mà tình tứ trong văn Võ Phiến: “Nếu quả Bình Định mất đi một điệu trống, phải đền lại một cái gì chứ? Chiếc bánh tráng nhé?” (8) Tôi thì tôi chú ý đến những cách chuyển mạch, những cách vào đề khác khô khan hơn nhưng lại phổ biến hơn, do đó, cũng có thể nói là tiêu biểu hơn, ví dụ: “Cắt nghĩa là chuyện khó. Trong khi chờ đợi, tạm có vài suy đoán vu vơ” (Tùy Bút 1: 134), hay: “Ai đi cắt nghĩa được tình yêu? Kể cả yêu bún bò. Tuy nhiên, cũng có thể đưa ra một vài phỏng đoán” (Tùy Bút 1: 86). Những cách chuyển mạch hay vào đề như thế, hoặc gần như thế, xuất hiện rất nhiều trong các bài tùy bút của Võ Phiến, đặc biệt trong Tùy Bút 1. Chúng chả có vẻ gì tài tình. Đồng ý. Chúng chỉ có ưu điểm là gọn gàng, dứt khoát. Và một ưu điểm khác nữa là chúng hé mở cho chúng ta thấy những mối bận tâm chính của Võ Phiến, tất cả những bận tâm ấy đều vượt ra ngoài chuyện ăn, chuyện uống, chuyện mặc, chuyện ở. Những bận tâm ấy hướng đến việc “suy đoán”, “phỏng đoán”, việc cắt nghĩa, việc giải thích một hiện tượng lịch sử hay văn hóa của con người. Đó cũng là lý do chính tại sao Võ Phiến lại lười quan sát và lười mô tả. Trong truyện, dù là truyện dài hay truyện ngắn, ông không hề lười. Ông chỉ lười trong tùy bút, ông lười quan sát và mô tả vì ông quá thiết tha, quá say sưa với sự tìm tòi, suy nghĩ, lý giải cái ông nhìn, ông thấy.
Võ Phiến có lần tự hỏi: “cái ăn cái ở của một dân tộc sao cho khỏi ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả nghĩ ngợi của dân tộc ấy?” (Tùy Bút 1: 144). Ông viết về chiếc áo dài chưa chắc là vì yêu vẻ đẹp của nó mà vì, có khi chỉ vì “một khi chiếc áo dài đã tự liên hệ được […] với thi ca, ngôn ngữ, với tiểu thuyết, nếp sống v.v… thì chắc chắn nó cũng phản ảnh phần nào một nét tâm hồn dân tộc” (Tùy Bút 1: 32 – 33). Nghĩ về chiếc áo dài, do đó, là một cái cớ để nghĩ về cái “tâm hồn mặc áo dài” mà thôi. Cũng một động cơ như vậy, ông nghiên cứu về hiện tượng chửi tục, nói tục của người Việt Nam:
Từ cuộc sống của dân gian đến cuộc sống có ý thức của triết nhân nghệ sĩ, chúng ta mỗi lúc mỗi nén thêm tiếng cười và nén thêm dục tình. Nỗ lực văn hóa của chúng ta như là một nỗ lực kìm hãm, từ chối cái cười và cái tục. Tìm hiểu đặc điểm dân tộc, có thể không chú ý đến chỗ ấy sao? (Tùy Bút 1: 109).
Lý do Võ Phiến quan tâm đến cái tên Hùng ghẻ ruồi trong tác phẩm “Ở một nơi ai cũng quen nhau” của Hoàng Ngọc Tuấn cũng tương tự: “Anh bạn Hùng là một nhân vật của văn chương, anh chỉ khơi lên vài nghĩ ngợi về một tiếng nói của dân tộc: cái tiếng không tao nhã mà anh bạn đã mang lấy làm biệt danh” (Tùy Bút 1: 62).
Cứ thế. Bao giờ cũng khởi đầu bằng một chi tiết cụ thể liên quan đến cái ăn, cái mặc, cái ở, cách sinh hoạt hoặc cách nói năng, Võ Phiến miên man suy nghĩ, hoặc để cố gắng nhận diện tâm hồn của một địa phương, một dân tộc hoặc để ghi nhận những đổi thay trong xã hội, trong lịch sử. Có thể nói, một cách khái quát hơn, chính cái tâm hồn của địa phương, của dân tộc và chính những sự thay đổi trong xã hội, trong lịch sử là hai đề tài chủ yếu, bao trùm phần lớn tùy bút của Võ Phiến, ít nhất là trong cả tập Tùy Bút 1. Trong hai loại đề tài ấy, đề tài thứ hai chiếm một số lượng khá lớn, có lẽ vì thế, từ trước đến nay, nói đến tùy bút của Võ Phiến, người ta chỉ nghĩ đến nó, đến những “chuyện phôi pha”, những “chuyện bọt bèo”. (9)
Dù sao, những bài tùy bút cảm động nhất của Võ Phiến cũng là những bài về “chuyện bọt bèo”. Ở khía cạnh này, có thể gọi Võ Phiến là nhà thơ và là sử gia của những chuyện bọt bèo, ông vừa có cái nhạy cảm, cái mơ mộng của một nhà thơ lại vừa có cái cần cù và uyên bác của một nhà sử học. Sự kết hợp này, thật ra, không có gì là oái oăm. Nếu có người từng nói đến cái mỹ học hoài cựu của Nguyễn Tuân, chúng ta cũng có thể nói đến cái mỹ học lịch sử của Võ Phiến. Nguyễn Tuân tìm cái đẹp trong quá khứ, chỉ trong quá khứ, ở một thời vang bóng đã xa và đã khuất, một quá khứ khép kín, đứng yên, như một cõi thiên thai, Võ Phiến tìm cái đẹp trong những sự biến thiên, dâu bể, theo chiều dài của thời gian, một cái đẹp đang vận động. Nói một cách hình ảnh: Nguyễn Tuân thích nhìn Thúy Kiều ở một thời điểm nhất định, lúc nhan sắc nàng đang rằm, Võ Phiến thích nhìn Kiều trong suốt cuộc trầm luân, điều ông quan tâm nhất có vẻ như không phải bản thân Thúy Kiều mà là mười lăm năm trôi dạt đầy bão tố của nàng.
Ở trên, tôi có viết là Võ Phiến, trong tùy bút, thường lười quan sát. Cách viết như vậy vừa hơi cường điệu vừa dễ gây ngộ nhận. Cường điệu bởi vì đặc điểm ấy, nếu đúng, chỉ đúng đối với tập Tùy Bút 1. Dễ gây ngộ nhận bởi vì, thật ra, Võ Phiến chỉ lười quan sát một đối tượng tĩnh tại cụ thể song ông lại quan sát một cách chăm chú và kiên nhẫn lạ thường sự thay đổi của đối tượng ấy qua nhiều thời điểm khác nhau. Nói cách khác, ông quan tâm đến sự kiện hơn là sự vật. Trong khi trung tâm các tác phẩm của Nguyễn Tuân trước năm 1945, theo Phan Ngọc, là đồ vật, (10) trung tâm các bài viết của Võ Phiến trong Tùy Bút 1 là các sự kiện, đối tượng ông chú mục không phải là một chén nước mắm mà là sự kiện người ta làm, thử và yêu, say nước mắm ra sao, không phải là một tô bún bò Huế thơm ngào ngạt hoặc bốc khói nghi ngút mà là cái sự kiện nó lan tràn từ Huế vào Sài Gòn như thế nào, không phải là cái ấm trà với những chén tống, chén quân, những kim hỏa, ngư nhãn, giải nhãn… mà là cái sự kiện một việc uống trà như thế cũng trải qua bao nhiêu là bể dâu. Chọn đối tượng quan sát và ghi nhận là sự kiện, Võ Phiến chọn viết về những cái đang trong quá trình vận động, có lẽ điều này giải thích lý do tại sao Võ Phiến lại chọn viết về món ăn này chứ không phải món ăn khác. Ông nhận xét:
Mì Tàu, phở Bắc v.v… so với các món ăn trong Nam, một bên như thơ Đường như phú tám vế, một bên như thơ tự do, thơ phá thể. Từ địa phương này đến địa phương khác, từ chợ này sang chợ kia, bún nước lèo và hủ tiếu tha hồ biến cải, ai nấy được tự do sáng tạo trên các loại tác phẩm ấy. Đây là những món ăn còn đang tiến mạnh, những món ăn trẻ, nó chưa hoàn thiện, nó hãy còn khuyết điểm đấy nhưng mà sinh động, hướng về tương lai. Mười năm sau, tại Chợ Keo, Siêu sẽ ăn một bát bún riêu y hệt như mười năm trước, chứ chúng ta sức mấy có thể ăn hai tô bún nước lèo giống nhau sau khoảng cách thời gian lâu dài đến thế (Tùy Bút 1: 270).
Ham theo đuổi những sự vận động, biến động, Võ Phiến thường bỏ qua những hình ảnh cụ thể, đầy chi tiết và đầy màu sắc của cuộc sống. Trong tùy bút của ông hiếm có những trang đặc tả sắc sảo, những hình ảnh thật đẹp, những liên tưởng thị giác, hoặc những chuyển hóa cảm giác tuyệt vời như trong tùy bút Nguyễn Tuân: “Ông thử roi vào mặt trống, rồi uốn hai đầu xuống, thân roi ưỡn ngửa mãi lên như lúc người đàn bà tránh một cái hôn bạo”, hay: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử […], hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa.”(11) Bù lại, đối với các sự kiện, các hiện tượng xã hội, Võ Phiến lại tinh tế, nhạy bén lạ thường. Ông khám phá ra rất nhiều chi tiết ít người để ý, cái rét đô thị (Tùy Bút 1: 44 – 7), sự hờ hững của người Việt Nam đối với loài chim én (Tùy Bút 1: 73 – 4), những người Việt Nam sành ăn đều ăn bằng… mùi (Tùy Bút 1: 82), tên các món ăn Trung Hoa du nhập vào Việt Nam thường qua trung gian của những anh đầu bếp, những bác bán hàng rong, vì thế, chúng khá lung tung (Tùy Bút 1: 213), khác với miền Bắc, miền Nam, ở miền Trung không hề có hội hè (Tùy Bút 1: 244), những cải cách lặng lẽ trong việc lễ bái (Tùy Bút 1: 245-7), các loại mắm ngon đều mang tên của các bà giáo (Tùy Bút 1: 251), so với người Trung Hoa và người Tây phương, người Việt Nam có rất ít trò chơi (Tùy Bút 1: 285)….
Võ Phiến có một bài tùy bút có cái tựa khá tiêu biểu cho phong cách tùy bút của ông: “Theo chân một món ăn” (Tùy Bút 1: 84 – 88). Ông “theo chân” món phở từ Bắc vào Nam, món bún bò từ Huế vào Sài Gòn, ngọn giá sống từ miền Nam lên cao nguyên. Ông khám phá ra một sự thật đau lòng, các món ăn thường là bạn đồng hành của bất hạnh “phở Bắc tràn vào Nam theo làn sóng di cư sau cuộc chia cắt đất đai năm 1954, bún bò Huế lan rộng ở Sài Gòn sau một mùa Xuân và một mùa Hè máu lửa” (Tùy Bút 1: 87). Ông có một sáng kiến độc đáo: “tìm về lịch sử dân tộc bằng đầu lưỡi” (Tùy Bút 1: 88). Trong lịch sử ấy, ngay “một sợi rau giá nó cũng tỉ tê thóc mách được đôi điều về hoạt động quân sự trong một giai đoạn của đất nước, về một khía cạnh sinh hoạt của một thời loạn lạc” (Tùy Bút 1: 88). Nếu không “thóc mách được đôi điều” về một thời qua phân, chinh chiến triền miên thì nó lại “thóc mach” về bước tiến ào ạt của nền văn minh cơ khí. Những bát nước chè dần dần bị các chai nước ngọt đánh ngã. Những chén chè Huế dần dần bị các hộp trái cây thay thế. Cái mùi của nước mắm bị tinh thần khoa học đe dọa nghiêm trọng. Võ Phiến hay chú ý đến các món ăn có phải vì ông tò mò muốn nghe những tiếng tỉ tê thóc mách ấy? Có thể. Và để nghe rõ những tiếng tỉ tê ấy, đối tượng được ông quan tâm hơn cả là các món ăn bình dân, chúng gắn liền với số phận của những người bình dân, như chị Lộc, anh Bốn Thôi, anh Ba Càng Cua, ông Tam Khoang… Cái mà tôi gọi đùa là “chủ nghĩa xuề xòa” của Võ Phiến ở trên, như vậy, không phải xuất phát từ sự dễ tính mà có lẽ xuất phát từ sự thôi thúc có thể một cách vô ý thức của một mối bận tâm ban đầu về việc viết lách. Đằng sau mối bận tâm ấy là một tấm lòng thiết tha đối với quê hương, không nguôi khắc khoải về vận mệnh của đất nước và một gốc gác nông thôn, điều Võ Phiến thường tự nhận: “Tôi vốn lớn lên ở thôn quê” (Tùy Bút 1: 44), “Tôi sững sờ, nghệch người ra. Con người quê kệch tha hồ trải qua bao nhiêu cảnh vật đổi sao dời của thời đại vẫn không hề tưởng tượng rằng cái món nước mắm gần gũi hàng ngày đã trải qua những biến thiên ghê gớm như thế” (Tùy Bút 1: 38).
Bài “Mình với ta” là chuyện tình đầu tiên giữa người và… mắm trong văn học Việt Nam:
Chắc chắn phải qua nhiều ngày tháng, người nông dân miền Bình Phú mới đi đến cái phát giác, mắm mòi dầu mà xé ra đi kèm với lá dừng, lá sộp, lá ngành ngạnh, thêm chanh, ớt, tỏi v.v… ăn với cơm, nhất là cơm nguội, thì tuyệt. Lá dừng, lá sộp v.v… là những thứ lá rừng.
Con cá ở tận biển Phan Thiết mà ngày một ngày hai dần dà tìm đến kết nghĩa với lá dừng ở Bình Định, duyên “cá lá” nọ không phải là duyên bạn bầy kỳ ngộ sao?
Thế rồi, bặt đi đã lâu, tôi không được ăn mắm mòi. Nghĩ rằng đó có lẽ do những rủi ro phức tạp trên thị trường, do khẩu vị mỗi nơi một khác, người Sài Gòn không ưa thích mắm mòi mà mình thì vào Sài Gòn đã lâu v.v… Bởi đó nhân chuyến đi Phan Thiết, bèn hỏi thăm về tin tức mắm mòi. Hỡi ôi! thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ!
Người chủ tiệm mắm nhắc đến một năm Hợi năm Thìn nào đó mà trong lúc thảng thốt tôi không nghe rõ. Thì ra tự dưng mà cá mòi Phan Thiết biến mất ngót mười năm. Tôi nghĩ đến sự muộn màng của mình:
“…không xiết sự tình,
Khéo vô duyên bấy là mình với ta!” (Tùy Bút 1: 170 – 1).
Nhìn đối tượng như một hiện tượng, ngòi bút của Võ Phiến dễ dàng tung hoành, từ hiện tại đến quá khứ, từ quá khứ gần đến quá khứ xa. Đang nói đến chiếc áo dài, ông nhắc đến chuyện Lê Quí Đôn gặp Sứ Giả Triều Tiên tại Trung Hoa hai trăm năm mươi năm trước. Đang nói chuyện quần áo, ông nhắc đến việc Vua Minh Mạng nêu thưởng hai thiếu nữ bị hãm hiếp và bị thảm sát, rồi nhắc đến khái niệm “xã hội lý”, “xã hội tình”. Bay lượn trong cái khung lịch sử rộng rãi như vậy, Võ Phiến có nhiều phát hiện bất ngờ và độc đáo. Từ câu ca dao “Anh về Bình Định thăm cha/ Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em”, ông phát hiện ra tính chất nhì nhằng trong cuộc Nam tiến ở Thế Kỷ 17 (Tùy Bút 1: 133 – 7). Rồi ông dùng luôn sự kiện di dân nhì nhằng ấy để giải thích về các phương ngữ tại Việt Nam (Tùy Bút 1: 148 – 151). Từ việc so sánh cách bồng con của người Việt với người Tàu, người Thái, người Rhadé, Bahnar… ông phát hiện ra một đặc điểm của dân tộc:
Ngay từ cổ thời (từ thời chưa tách biệt với người Mường), chúng ta đã miễn công tác cho người chăm sóc trẻ con […]. Chúng ta sắp xếp lối sống trong gia đình cách nào mà luôn luôn có hạng được nghỉ ngơi, ở nhà trông coi vườn tược con cái, trong lúc hạng trai tráng khoẻ mạnh ra đồng làm việc (Tùy Bút 1: 280), đồng thời phát hiện ra dấu vết Việt hóa một nhân vật Trung Hoa của Nguyễn Du trong Truyện Kiều: Duyên em dầu nối chỉ hồng/ May ra khi đã tay bồng tay mang, ở Trung Hoa phụ nữ chỉ địu con trên lưng chứ không bồng, không ẵm như ở Việt Nam (Tùy Bút 1: 278). Hầu hết các nhà nghiên cứu văn học dân gian đều coi câu “Tháng tám có chiếu vua ra/ Cấm quần không đáy người ta hãi hùng/ Không đi thì chợ không đông/ Ra đi phải lột quần chồng sao đang?” là thái độ phản kháng, bất bình của dân chúng đối với Triều Đình Huế, Võ Phiến nhắc: Dân chúng ở đây, thật ra, chỉ là người dân miền Bắc mà thôi (Tùy Bút 1: 180). Dựa trên hiện tượng biến âm của một số từ vựng (hoàng thành huỳnh, đức ra đước, phúc ra phước…), Võ Phiến chứng minh tình cảm ưu ái của dân chúng miền Nam đối với triều Nguyễn, rồi dựa trên thái độ thiên vị của triều Nguyễn đối với miền Nam cũng như dựa trên lời nói của chính Minh Mệnh, Võ Phiến lý giải thái độ “rụt rè e sợ” của Nguyễn Du lúc làm quan tại Huế, không phải là do tính tình ông nhút nhát, cũng không phải vì hoài Lê nên ông ra làm quan một cách miễn cưỡng, lý do chính là vì ông bị kỳ thị (Tùy Bút 1: 178 – 9). Giải thích nguyên nhân tại sao Phan Châu Trinh đề cập tới vấn đề dân quyền sớm hơn các nhà nho khác ở các Tỉnh lân cận, Võ Phiến đưa ra ý kiến: Trong việc tiếp nhận sách báo từ Trung Hoa, Hội An có lợi thế hơn các địa phương khác nhờ có bến cảng nổi tiếng thường xuyên buôn bán với nước ngoài (Tùy Bút 1: 210). Về thói quen cúng giỗ của người Việt ngày xưa, Võ Phiến giải thích rất hay, vì chợ xa:
Tiếp người phải có cơm nước thịnh soạn, mà món ăn không phải bất cứ lúc nào cũng mua được. Đã vậy, trong chế độ xã hội ngày xưa ai nấy đều nặng tình gia tộc. Chim có tổ người có tông, bà con họ hàng phải năng tới lui thăm viếng. Nếu mỗi lần thăm viếng nhau mỗi lần gây bối rối cho nhau thì kẹt quá. Cụ Yên Đổ làm được thơ để tạ từ, chứ người khác đã không có bữa ăn lại không có cả thơ sẽ hổ thẹn biết bao. Trong hoàn cảnh ấy, cúng giỗ là giải pháp tuyệt diệu. Bà con có dịp tề tựu thăm nhau, gia chủ có điều kiện để chuẩn bị cuộc tiếp đón chu đáo, chi phí đãi đằng cũng được tiên liệu để khỏi có ai bị thiệt thòi.
[…] Một tập tục ra đời trong hoàn cảnh xã hội nông nghiệp, mất hoàn cảnh ấy nó suy tàn. Cúng giỗ không ngã trước sức tấn công của tư tưởng “cấp tiến”, mà khi chợ búa và tiệm ăn nhích đến gần nhà tự nhiên nó lặng lẽ rút lui (Tùy Bút 1: 54 – 5).
Cách giải thích tinh tế như vậy không những giúp chúng ta hiểu một tập tục lâu đời trên đất nước mà còn giúp chúng ta cảm được cái lúng túng, bối rối, tội nghiệp của Nguyễn Khuyến trong một bài thơ rất nổi tiếng và thường bị ngộ nhận này: (12)
Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Trẻ thì đi vắng, chợ thì xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra hoa, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.
Tùy bút của Võ Phiến không phải chỉ nói về những chuyện bọt bèo hay phanh phui một số sự kiện lịch sử hay văn hóa bị khuất lấp trong thời gian. Tùy bút của Võ Phiến còn là một nỗ lực liên lỉ nắm bắt những khía cạnh bí ẩn trong tâm hồn một địa phương, một dân tộc. Cách tiếp cận vấn đề của ông, ở đây, là cách tiếp cận của một nhà văn có kiến thức rộng rãi và đặc biệt tinh nhạy. Ông vừa có óc phân tích giỏi vừa có năng lực khái quát cao. Có khi bắt đầu chỉ là một sự vật, một sự kiện, thậm chí, một tên gọi thật tầm thường, ông phân tích, ông khái quát, ông liên tưởng, ông lý luận, cuối cùng, ông đưa ra những nhận xét mới mẻ, đôi khi, có khả năng hé mở một khía cạnh quan trọng trong nền văn hóa nước nhà. Ông quan niệm: “Nếu những phát lộ hồn nhiên phô bày dân tộc tính, thì thiết tưởng chiều hướng cố gắng của văn hóa cũng biểu hiện dân tộc tính” (Tùy Bút 1: 109). Trong ý nghĩa đó, việc đè nén cái tục và việc ít cười trong văn chương của Việt Nam ngày xưa cũng là những đặc điểm mang dân tộc tính, sao không? (Tùy Bút 1: 122).
Những bài viết của ông về người Huế, người Quảng, người Bình Định, tuy không hoàn toàn mới lạ, vẫn là những bài viết tinh vi, nghiêm túc, có sức thuyết phục cao, hơn hẳn tất cả các bài viết khác về cùng đề tài. Đặc biệt bài viết của ông về người Bình Định, đến nay, vẫn được nhiều người thích. Nhắc đến tính cách người Bình Định, ai cũng nhắc đến chữ “thàng”, “thàng hậu” của ông. Riêng tôi, tôi thích nhất là phát hiện của ông về tính cách của người miền Nam, qua việc quan sát hình ảnh người chủ quán hủ tiếu tại Cần Thơ dẫn trên, cũng như qua chữ “luôn” thường được dùng để đệm sau các câu nói (ví dụ: “Chạy luôn!”), Võ Phiến nhận xét: Ở người miền Nam, “trong cử chỉ, một chút gì thừa, vượt quá sự cần thiết, trong lời nói, cũng một chút gì thừa, vượt quá sự cần thiết. Cử chỉ và lời nói đều được phóng đại lên” (Tùy Bút 1: 225). Nhận xét như thế, dĩ nhiên, còn rất mơ hồ. Nhưng mọi sự khái quát hóa ở đây lại dễ trở thành phiêu hốt. Có ít nhất hai lý do. Thứ nhất miền Nam là vùng đất mới, cá tính địa phương chưa kịp định hình hẳn. Thứ hai, cá tính của địa phương, còn hơn cá tính của một cá nhân, không ngừng biến động và phong phú và đa dạng khôn lường, đối với bất cứ một nỗ lực khái quát hóa nào, nó cũng sẵn sàng bày ra vô số các ngoại lệ khiến người ta phải ngần ngại. Hy sinh cái danh táo bạo, Võ Phiến chỉ muốn làm một người cẩn trọng, ở đây, cũng như trong nhiều trường hợp khác, bao giờ ông cũng biết dừng lại đúng lúc, đúng chỗ.
Nguyễn Tuân rất thích các địa danh. Nghe một số địa danh ở Cà Mau, ông thấy “có cái gì buộc mình phải cảm phải nghĩ thêm nữa. […] Những cái tên nghe thật nôm na giản dị, thanh âm như là tập trung vào mà diễn tả cho bằng hết cái mặt chân chất của một vùng đất trẻ”, nghe một số địa danh ở Yên Thế, ông “thấy trong lòng có cái bồi hồi của một bài từ dài, của một bài thơ lớn”.(13) Võ Phiến cũng thích các địa danh. Nhưng ông thường không chú ý mấy đến khía cạnh âm thanh của chúng. Ông chỉ chăm chăm tìm tòi cái ý nghĩa văn hóa và ý nghĩa lịch sử của những tên gọi ấy. Tên Thành Phố Buôn Ma Thuột (theo từ nguyên, có nghĩa là Làng của cha cậu Y Thuột) gợi ông liên tưởng đến cách xưng hô của người Rhadé: Chỉ khi còn bé, người ta mới được gọi bằng tên, khi đã có vợ, người ta được gọi là “chồng của…”, khi có con, người ta lại được gọi là “cha của…”, khi có cháu, người ta lại được gọi là “ông của…”. Võ Phiến nhận xét:
Ở người Rhadé, trong cuộc sống sinh lý của con người sinh trưởng và truyền giống lại mai sau, mỗi thắng lợi đều được ca ngợi, tuyên dương trước tập thể, mỗi một lần đổi tên, người đàn ông như được thăng lên một trật.
Rồi ông băn khoăn:
Những cách xưng hô của các sắc dân nọ hẳn là có phản ảnh cơ cấu thân tộc riêng biệt của họ, đối với của chúng ta có những chỗ khác nhau đáng chú ý. Những chỗ khác ấy không chắc sẽ còn tồn tại lâu dài, nếu không ghi nhận kịp thời, có thể một ngày kia sự tìm hiểu sẽ thành khó vì quá muộn.
Rồi ông ao ước, vừa ao ước vừa chua chát, vừa chì chiết:
Thân tộc, cơ cấu, Claude Lévi-Strauss v.v… những món thời thượng đó, nhiều người vui lòng nói đến lắm. Nhưng nói với những dẫn chứng về dân Trobiandais, dân Pueblos, dân Iroquois, dân Esquimaux v.v… kia. Mấy khi có dẫn chứng về cuộc sống quanh ta? Những hành trình ra hành trình vào dân tộc học vẫn theo các con đường lạ hoắc. Giá có được cuộc hành trình bằng con đường ama Trang Lơng, ama Trang Gưh! (Tùy Bút 1: 298 – 300).
Đối với các địa danh tại Cà Mau, trong khi Nguyễn Tuân tấm tắc với những âm thanh khấp khểnh, trúc trắc như Rạch Rán, Rạch Rô, Tắc Vân, Chắc Băng… Võ Phiến lại ngẫm nghĩ trước những cái tên mộc mạc như xóm Ông Đồ, ấp Ông Khâm, ấp Bà Năm, ấp Trùm Thuật, ấp Ông Muôn… để từ đó, nhận ra một điểm khác biệt lớn giữa miền Nam và miền Bắc:
Ở đất Bắc, nơi núi sông đã lẫy lừng từ nghìn xưa, thì con người nép vào uy danh của bản quán, nương cậy ở khí thiêng của sông núi, Thi Sĩ Tản Đà, Văn Sĩ Hồng Nhân [tức Phạm Quỳnh], cụ Tiên Điền, Hồng Sơn Lạp Hộ, Uy Viễn Tướng Công, Ông Tú Vị Xuyên v.v… Ở miền Nam, đất mới chưa kịp có tên, thì xây dựng đến đâu, con người cho non sông mượn tên mình đến đó, trước bạ tên tuổi của mình vào đất đai đến đó (Tùy Bút 1: 228).
Sự thích thú của Võ Phiến đối với tên đất nằm trong sự thích thú chung đối với ngôn ngữ, đặc biệt, đối với loại tên gọi. Ông có một quan niệm đúng đắn: “Người ta vẫn có một cách chăm sóc các giống vật bằng… từ ngữ. […] Có chú ý đến mới có nhiều phân biệt, có phân biệt mới cần đặt ra nhiều tiếng gọi” (Tùy Bút 1: 73). Nói cách khác, những gì “gần tầm tay, mật thiết với cuộc sống thường nhật, thì thu hút được sự bận tâm của ta, sự bận tâm ấy phản ảnh trong ngôn ngữ” (Tùy Bút 1: 66). Trong cách nhìn như vậy, ông chú ý đến sự “trùng hợp kỳ lạ’’ trong ngôn ngữ các dân tộc thuộc Đông Nam Á liên quan đến từ “cá” (Tùy Bút 1: 295 – 7), hiện tượng trong ngôn ngữ của một số dân tộc ít người tại Việt Nam không có từ để chỉ cái mặt (Tùy Bút 1: 301 – 3), đặc biệt, số từ vựng chỉ bệnh tật và các bộ phận của thân thể trong tiếng Việt. Ông nhận thấy trong vốn từ thuần Việt rất hiếm có từ chỉ các bộ phận bên trong cơ thể: Để chỉ những bộ phận ấy, chúng ta phải mượn của Trung Hoa, trong các từ thuần Việt chỉ các bộ phận bên trong, phần lớn đều tập trung vào phần dưới: Lá mía, lá lách, trái cật, ruột non, ruột già… Chỉ các loại bệnh tật đại đa số là từ Hán Việt: Cảm, lao, dịch, thương hàn, thổ tả… Vốn từ thuần Việt, ở phương diện này, thật nghèo nàn, nghèo nàn đến độ, mỗi khi “gặp được tiếng thuần Việt nào có thể ngờ rằng tiếng đó chỉ những chứng bệnh hoặc đã xuất hiện sớm nhất trong cổ thời ở xã hội ta, hoặc hoành hành tác hại nhiều nhất ở ta, khiến được đặc biệt lưu ý” (Tùy Bút 1: 65). Trong các chứng bệnh được ngờ là “có tính dân tộc cao” ấy, Võ Phiến phát hiện ra một chứng: Ghẻ. Nghe Võ Phiến nhắc, chúng ta mới thấy số từ vựng chúng ta giành cho chứng bệnh này quả là giàu có không ngờ:
Ta phân biệt ghẻ với chốc, với mụt, với nhọt, với lát, với giời, với sài, với đẹn, với mề đay, với chùm bao. Ta phân biệt ra bao nhiêu là thứ ghẻ: Ghẻ nước, ghẻ ngứa, ghẻ tàu, ghẻ bọc, ghẻ phỏng, ghẻ hờm, ghẻ ruồi, ghẻ cóc, ghẻ cái, ghẻ đen, ghẻ khoét v.v… Ta có bao nhiêu tiếng để diễn tả những việc liên quan đến ghẻ: Ngứa, gãi, nặn (mủ) v.v… để theo dõi chứng bệnh: Sưng, lở, loét, sẹo, rựng, rần, mưng, nung (mủ), cái kèn, cái cồi, mạch lươn v.v… Tất cả đều là từ thuần Việt (Tùy Bút 1: 65 – 6).
Nếu trung tâm của Tùy Bút 1 là các sự kiện, trung tâm của Tùy Bút 2 và tập Quê sẽ là các quan hệ. Ở đây có hai điều cần được nhấn mạnh để tránh ngộ nhận. Thứ nhất, hai yếu tố gọi là trung tâm ấy tồn tại xen kẽ, có khi đồng thời, chứ không hẳn là kế tiếp nhau: Tùy Bút 1 gồm những bài chọn từ hai quyển Đất Nước Quê Hương (1973) và Ly Hương (1976), Tùy Bút 2 từ Thư Nhà (1962), Tạp Bút (1963), Ảo Ảnh (1967), Phù Thế (1969) và Thư Gửi Bạn (1976), tập Quê gồm một bài viết từ 1972, một bài từ 1988 và một bài vào năm 1991. Do đó, ở đây, chúng ta nói đến tính chất đa diện, đa dạng và đa thanh của Tùy Bút Võ Phiến hơn là sự phát triển trong tư tưởng hay phong cách của ông. Thứ hai, khái niệm “sự kiện” và “quan hệ” không phải là những khái niệm đơn lập, cô lập, không có sự kiện nào không gắn liền với các quan hệ chằng chịt và phức tạp, ngược lại, cũng không có quan hệ nào là thuần túy, không dựa trên hai hay nhiều sự kiện cụ thể nhất định. Sự khác nhau, ở đây, chỉ là mức độ, lúc này, sự kiện được coi là chính, quan hệ bị coi là phụ, lúc khác, ngược lại, quan hệ là chính, sự kiện lại là phụ. Chính hay phụ, thật ra, chỉ nằm ở sự bận tâm của người cầm bút.
“Lại thư nhà”, một trong những bài Tùy Bút dài nhất và cũng đặc sắc nhất của Võ Phiến, nêu ra vấn đề quan hệ giữa con người và lịch sử. Trong bài viết, hiện ra, dưới mắt nhìn của tác giả, có hai “nhân vật” chính, món mắm cua chua và anh Bốn Thôi. Một vật một người nhưng hai “nhân vật” ấy lại có nhiều điểm giống nhau. Thứ nhất, cả hai đều gắn liền với một người, chị Lộc. Thứ hai, cả hai đều tầm thường, cực kỳ tầm thường, một bên là một món ăn quê mùa và một bên là một con người chậm chạp, dớ dẩn, không chừng có thể bị coi là đần độn nữa. Thứ ba, bởi vì tầm thường, cả hai đều bị quên lãng, trong sách viết về thực phẩm, không ai nhắc đến món cua chua, trong sách viết về xã hội, về lịch sử, không ai nhắc đến anh Bốn Thôi. Nhưng, cuối cùng, mặc dù tầm thường đến cực độ của sự tầm thường, cả hai lại có vai trò lớn lao trong cuộc sống, món cua chua “rất được quí chuộng trong đám dân nghèo” tại Bình Định, nó gắn liền với tâm tình và số phận của con người ở địa phương ấy, nó đi vào ca dao, vào văn chương, anh Bốn Thôi thì ngót hai mươi năm trời rồi, gần như hồi nào anh cũng phải cầm vũ khí trong tay, anh né viên đạn của bên này, tránh viên đạn của bên kia, đỡ ngọn roi của bên nọ… Và anh cũng lại đánh trả nữa. Và nét mặt anh thì lúc nào tuồng như cũng rầu rầu, nguội lạnh như một người ngoại cuộc. Vậy mà những hoạt động của anh đã làm ra tình hình của xứ sở […]. Nói một cách văn hoa, anh ta đang làm lịch sử đấy chứ. Lâu nay anh ta vẫn rầu rầu làm ra lịch sử với một vẻ hững hờ, nhẫn nại (Tùy Bút 2: 114 – 5).
Có thể nói, với “Lại thư nhà”, cũng như với nhiều truyện ngắn khác của mình, Võ Phiến có công nâng cái tầm thường lên thành một phạm trù thẩm mỹ. Xưa, người ta chỉ chuộng những cái phi thường. Từ đầu Thế Kỷ XX, các nhà văn nhà thơ bắt đầu chú ý đến những cái tầm thường, hoặc nhiều hơn, cái bình thường, nhưng họ thường có khuynh hướng hoặc là thi vị hóa, hoặc là chính trị hóa, hoặc là bi kịch hóa. Các nhà văn, nhà thơ lãng mạn thời 1930 – 1945 thường thổi vào cái bình thường, cái tầm thường quá nhiều hương thơm, biến cuộc sống lam lũ ở nông thôn thành một bài thơ óng ả. Các nhà văn hiện thực và hiện thực xã hội chủ nghĩa, sau đó, bắt cái tầm thường phải đóng vai đại biểu cho các giai cấp, các lực lượng xã hội thù nghịch thường vượt ra ngoài biên giới của quốc gia và nhất là biên giới của khả năng nó. Các nhà văn, nhà thơ miền Nam thời kỳ 1954 – 1975 lại bắt những cái tầm thường ấy “buồn nôn”, “ói mửa”, “phá phách”, “phản kháng”, “khắc khoải” về tính chất phi lý và vô nghĩa của cuộc đời. Võ Phiến khác. Võ Phiến cố gắng bình thường hóa những cái tầm thường, làm cho những cái tầm thường trong cuộc đời thành những cái bình thường trong văn học, những cái bình thường “có ý thức”, cách nói này tôi bắt chước Võ Phiến trong bài “Mười giờ”, “Không có tiếng chuông, mình không để ý đến sự im vắng của chung quanh. […] Lâu lâu một tiếng “boong” làm cho sự im vắng tự ý thức về mình. Thành ra một sự vắng lặng có ý thức” (Tùy Bút 2: 222).
“Ngày xuân êm đềm” và “Thư nhà” mô tả mối quan hệ giữa con người và môi trường sinh sống của con người. Ở đây, cũng như rải rác ở nhiều nơi khác, Võ Phiến thường đối lập môi trường nông thôn và môi trường thành thị. Ở nông thôn, cuộc sống nghèo nàn và đơn điệu khiến người ta buồn rầu, luôn luôn thắc thỏm mơ ước đến những chuyến đi xa. Nhưng khi giấc mộng đã thực hiện được, khi đã sống giữa một thành phố xô bồ và đông đúc, người ta lại thấy cuộc sống vẫn nghèo nàn và đơn điệu, hơn nữa, còn thêm vô tình và vô vị, lại bồn chồn nhớ thương đồng quê. Sự đối lập giữa nông thôn và thành thị gắn liền với một sự đối lập khác, sự đối lập giữa xã hội nông nghiệp và xã hội công nghiệp, giữa xã hội tình và xã hội lý. Ở đây, chính ở đây, tâm lý hoài cựu của Võ Phiến trở thành đậm nét hơn bất cứ ở đâu khác. Hầu như ai cũng biết một trong những đặc điểm chính của thể tùy bút là tinh thần hoài cựu. Có điều, ở mỗi nhà tùy bút, khái niệm “cựu” ấy mang những nội dung khác nhau, với Vũ Bằng, đó là một quãng đời đã mất, với Nguyễn Tuân, đó là một phong thái đã xa, với Phạm Đình Hổ, đó là một cái đạo đã suy vi, còn với Võ Phiến? Theo tôi, Võ Phiến nhớ tiếc tình người. Trong cái gọi là quan hệ giữa con người và môi trường sinh sống, có một thứ quan hệ khác nữa, quan hệ giữa người với người trong môi trường sinh sống ấy. Trong những quan hệ như thế, Võ Phiến đánh giá cao sự chung thủy: “dầu sau khi mình chết mà con cháu có làm tới Quận Công sao bằng đang sống mà gặp được sự chung tình. Sự chung tình vô giá càng ngày càng hiếm…” (Tùy Bút 2: 18). Hiếm, chủ yếu vì cái bao la, cái đông đảo của môi trường sinh sống. Võ Phiến hay nhắc đến “cái rét đô thị”, ở đó, con người bị “tiêu mòn đi trong cái mênh mông to lớn […] như một mảnh nước đá nhỏ hòa tan trong thau nước lớn, như chút khói thuốc mỏng mảnh bay vật vờ một lát trên ngọn cỏ bên lề đường rồi tan mất, vô nghĩa” (Tùy Bút 2: 54). Ghê cái rét ấy, Võ Phiến càng lưu luyến những gì đang phôi pha dần, như cái quan hệ láng giềng gần gũi, thân mật ở Qui Nhơn, quê ông, chẳng hạn.
Tinh thần hoài cựu ấy dường như nhạt nhòa đi nhiều sau 1975. Di tản, hoài hương quay quắt, nhưng Võ Phiến không hoài cựu. Võ Phiến dần dần chấp nhận quy luật của sự tiến bộ, ông ra sức tìm hiểu đời sống mới tại Tây phương và cố gắng thích nghi với nó. Thư Gửi Bạn (1976) và Lại Thư Gửi Bạn (1979) là một nỗ lực vừa cần mẫn vừa xót xa như thế.
Trong bài “Lúc dừng nghỉ”, Võ Phiến lại nhìn vấn đề quan hệ giữa người và người trên một bình diện lớn hơn và cũng khái quát hơn, dường như thấp thoáng chút hơi hướm hiện sinh chủ nghĩa: “Người là một ám ảnh thường trực của nhau”. Võ Phiến nhận xét:
Trong thuở hồng hoang, trên mặt đất mênh mông, con người thưa thớt hiếm hoi, tìm nhau khao khát. Thuở ấy đứng giữa thiên nhiên là lạc loài, lo hãi. Nép vào tập thể đồng loại là trở về.
Ngày nay chúng ta bị dìm đầu vào xã hội. Thể xác không ngớt chịu đựng những va chạm cụ thể, vách nhà ta sát vách nhà láng giềng, đôi bên lấn nhau từng phân đất. Trí óc không ngớt tràn ngập những vấn đề nhân sự, từ ngày khôn lớn biết suy nghĩ cho đến hơi thở cuối cùng. Người người bị bắt buộc đối diện nhau thường trực, bao vây nhau, ám ảnh nhau. Người bị ngộp vì người.
Trong tình cảnh ấy, chàng lại tìm thấy cảm tưởng yên ổn trong cái hững hờ lạnh nhạt của thiên nhiên vô tình, của vầng trăng đối diện với mặt đất, của trời rộng đối diện với sông dài… không một chút sôi nổi, không cả một chút gì tương quan với nhau. Cùng nhau tồn tại, thản nhiên, trang nghiêm, vô sự (Tùy Bút 2: 205).
Hầu hết các bài viết in trong phần ba của Tùy Bút 2 đều xoay quanh sự cô đơn. Nhân vật trầm ngâm Một Mình, hoặc đọc sách Một Mình trong phòng (“Xem sách”), hoặc uống cà phê Một Mình (“Cái còn lại”, “Giọt cà phê”), hoặc nằm thao thức Một Mình (“Một ngày để tùy nghi”, “Lúc dừng nghỉ”, “Một chỗ thật tịch mịch”), hoặc nhấp nhỏm ở nhà Một Mình (“Mười giờ”). Lúc nào cũng Một Mình. Nhưng không có ai được hoàn toàn yên ổn. Bởi không ai thực sự Một Mình, dẫu trong phòng không có ai, trong nhà không có ai, thì vẫn luôn luôn có ai đó trong tâm tưởng, cứ khua động hoài hoài trong trí nhớ. Có khi trí không nhớ mà da thịt thì vẫn nhớ: “Ông bàng hoàng, ngẩn ngơ. Ông không nghĩ đến Loan, nhưng từng giác quan của ông chúng vẫn nhớ nàng” (Tùy Bút 2: 224). Có khi trí không nhớ mà tiềm thức thì vẫn nhớ, ngồi uống cà phê trong quán phở của một người trưởng ty công an cũ, “chàng mở mắt chiêm bao những điều kỳ dị, hãi hùng”, chẳng hạn: “Một người đưa đũa lên gắp lấy vành tai kẻ đối diện, kéo. Người kia co rúm lại, không một tiếng kêu. Nhưng chắc chắn là người thứ nhất đã gắp được, điềm nhiên nhúng vào tô, ăn thong thả. Hai thực khách đều lặng lẽ. Chủ quán ở bên cạnh, lặng lẽ” (Tùy Bút 2: 179 & 180).
Đặt nhân vật trong bối cảnh Một Mình, cô đơn, Võ Phiến dễ làm nổi bật lên một thứ quan hệ khác, quan hệ thời gian, giữa quá khứ và hiện tại. Không có hiện tại nào chỉ là hiện tại. Bất cứ hiện tại nào cũng lấp lánh những hồi quang từ quá khứ, hoặc gần hoặc xa. Từ đó, Võ Phiến phát hiện ra tính chất đa ngã của con người, trong cùng một lúc, con người có thể sống nhiều cuộc đời khác nhau, với những kỷ niệm khác nhau, có thể mang nhiều tính cách khác nhau, với những hình ảnh khác nhau. Một người đang là một nhà thơ nổi tiếng cũng đồng thời là một người thất bại trong tình yêu, bị bạn bè sỉ nhục giữa nơi công cộng, bị ngay cả những kẻ tầm thường nhất trong xã hội rẻ rúng, vừa rất đẹp, gần như sắp sửa trở thành một biểu tượng của nghệ sĩ, hơn nữa, của nghệ thuật nói chung, lại vừa hết sức nhảm nhí, đọc sách, chỉ khoái xem phụ bản, xem phụ bản, chỉ khoái tưởng tượng đến những người thân quen, đối với những người thân quen, chỉ chú mục vào hình ảnh một cô gái với sự tò mò “có ý rình chờ lúc cô giáo giơ cao cánh tay lên, để xem nách cô ta, xem thử…” (Tùy Bút 2: 154).
Một nông dân chất phác đến độ bắt gặp quả tang vợ mình đang ngoại tình cũng chỉ biết “nghẹn cứng ngang cổ, không thở được”, vậy mà, về sau, trở thành một hung thần trong làng (Quê: 20 – 9). Cái gọi là tính chất đa ngã ấy còn có một ý nghĩa khác: “Ở cái thời buổi loạn ly này đời sống của mỗi người như chắp bằng trăm mảnh, như tấm áo cà sa trăm màu”, chẳng hạn, “một đoạn đời hoạt động ở hàng ngũ bên kia có thể được ghép với một đoạn phục vụ ở hàng ngũ bên này, những ngày trôi sông lạc chợ có thể ghép bên cạnh những đêm ăn chơi đế vương” (Tùy Bút 2: 173). Thành ra, cuộc đời của người nào cũng dường như “gãy rời ra, mất chỗ này một đoạn, lìa chỗ kia một đoạn, xa lạc nhau, không dính dấp gì với nhau” khiến nhiều lúc tự nhìn lại mình, người ta còn không khỏi bỡ ngỡ, huống gì người khác (Tùy Bút 2: 172).
Dường như càng ngày Võ Phiến càng trăn trở, càng muốn nhận diện thật đầy đủ bản chất của con người. Nhìn con người trong mối quan hệ với môi trường đô thị, trước 1975, ông phát hiện ra sự lạc lõng và lạc loài, sau 1975, ông phát hiện thêm một đặc điểm nữa, sự khắc khoải và thảng thốt (Quê: 130). Nhìn con người trong mối quan hệ với đồng loại, trước 1975, ông chỉ thấy sự bất an (Tùy Bút 2: 204), sau 1975, ông thấy thêm cả sự bất toàn: “Vạn vật sinh ra hầu hết là những sinh vật bất toàn. Mỗi người nam là nửa người, mỗi người nữ là nửa người. Mỗi con trống là nửa con, mỗi con mái là nửa con” (Quê: 114), do đó, con người luôn luôn thấy “lạnh”, ông gọi là “cái lạnh nửa người”. Từ “cái rét đô thị” đến “cái lạnh nửa người”, có một khoảng cách rất xa trong tư tưởng.
Trước 1975, Võ Phiến thường nhìn con người trong kích thước xã hội và lịch sử. Sau 1975, đặc biệt từ cuối thập niên 80 trở đi, ông thích nhìn con người trong kích thước vũ trụ. Trong “Thế cuộc”,(14) “Khách xá qui tâm” (15) và “Cái lạnh nửa người”, (16) Võ Phiến đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó có một vấn đề nổi bật, bàng bạc trong cả ba bài, cái nhỏ nhoi, cái mong manh của kiếp người. Nhỏ nhoi, mong manh giữa cái vĩnh cửu, cái vô cùng của thời gian. Nhỏ nhoi, mong manh giữa cái không cùng, không tận của trời đất.
Một sinh vật giữa đất trời, mong manh biết chừng nào. […] Một Mình giữa cõi trần xa lạ mênh mông giá buốt, cái gì cũng đáng khiếp cả. Sao trời, băng giá, thấy mà ghê, tiếng gió tiếng sấm, nghe mà ghê, màu xanh hãi hùng đe dọa khắp tư bề. Nắng sáng lòa khắp cõi không cùng thấy đã hãi mà đêm tối mịt mùng càng hãi. Tiếng động nghe đã kinh hồn mà cái im lặng phăng phắc càng kinh hồn hơn. Cái chết đã thảm, mà cái sống bơ vơ càng thảm thiết hơn nữa. Con người khóc Một Mình giữa Mênh Mông (Quê: 117).
Đáng khiếp, đáng sợ, song Võ Phiến vẫn thích đối diện với những cảnh hùng vĩ bao la để lại càng thấm thía hơn cái nhỏ nhoi, cái mong manh của kiếp người. Không phải tư tưởng của Võ Phiến thay đổi mà cả óc thẩm mỹ của ông cũng thay đổi theo. Trước, ông thích những cái tầm thường, nhỏ mọn, một cánh chim, một sợi khói, “một con nhện đu đưa ở đầu một sợi dây tơ thả lửng lơ giữa nhà”… Sau, ông thích những đỉnh núi cao chất ngất, những vực thẳm sâu hun hút. Đối với thực vật, hoặc ông thích những cây bồn tài già cả hàng nghìn tuổi, những cây hồng sam già cả bốn, năm nghìn tuổi, hoặc ông mê những cây gồi cao hơn ba chục thước tây:
Ngọn gồi, nói đến là ông Nguyễn nôn nao cả người. Ngọn gồi, cái tàn cây vắt vẻo ấy, phải nói là nó thuộc về không gian. Nó ở hẳn một cõi cao. Nó lờ hẳn ta, cách biệt hẳn ta, không biết đến ta nữa […]. Ban ngày giữa nắng sáng chói chang trời xanh lồng lộng, cùng từng cơn gió, cùng với các đám mây trắng nhẹ phới, các tàn gồi chúng đàm đạo về những bí ẩn muôn đời, ban đêm cùng với từng ngôi sao trên trời sâu thăm thẳm tàn gồi gật gù mặc tưởng suốt năm canh, suốt đêm dài bất tận về lẽ huyền vi của vũ trụ (Quê: 55 – 9).
Đối diện với những cảnh ấy, Võ Phiến cảm thấy chơi vơi. “Thời gian nó uy hiếp mình. Khoảng rộng nó uy hiếp mình”. Ông “chợt thấy những chạy vạy bon chen trong sở làm, những hục hặc gầm gừ trong gia đình, những lo lắng băn khoăn trong việc làm ăn, thậm chí cả “mối tình lớn” trong đời mình cũng đâm ra vô nghĩa” (17)
Sở thích mới về cái bao la, cái hùng vĩ ấy giúp Võ Phiến phát hiện ra một cách nhìn mới về một kỷ niệm cũ, thời ông ấu thơ, để viết nên một đoạn văn cực đẹp:
[…] khoảng xế trưa, tôi đang ngủ dưới bóng cây ở bãi sông bỗng choàng thức giấc. Tôi ngơ ngác quay đầu tìm xem cái gì đã đánh thức mình. Trời nắng đậm, thời khắc ngưng lại sững sờ, mây trắng từng đám lặng lẽ không di chuyển. Trong im lặng phăng phắc, tai tôi nghe cả tiếng vỗ cánh của một con chim nhỏ, tiếng chân con rắn mối khua lá khô rột rẹt. Bờ sông phía bên kia, ở chỗ quẹo, lở thành vách đứng cao vút. Phía bên ấy có những đám bắp nằm sâu vào bên trong, từ chỗ tôi không trông thấy bắp, chỉ thấy vài con bò cặm cụi ăn cỏ mép sông. Và một người đàn bà đang nhìn dáo dác rồi há miệng thật to…A! đó là cái đã đánh thức tôi?
Chắc chắn đây là một bà mẹ gọi con. Gọi một trong những đứa trẻ vẫn chơi đùa với tôi hàng ngày ở bãi sông.
Từ dưới lòng sông bên này nằm trông lên bờ sông bên kia, xa tít, ngược chiều nắng, một người đàn bà nhỏ bé vung tay, ngoác miệng, giãy giụa trên cao, sau lưng là tảng mây trắng sáng lòa.
Lúc bấy giờ đứa bé ngờ nghệch là tôi đâu biết gì. Thế nhưng từ trong giấc ngủ bật ra bàng hoàng, trước hình ảnh người mẹ chới với giữa mây trắng, tự dưng tôi ngợp trong buổi trưa mênh mông. Thình lình có cảm giác vừa ngao ngán vừa kinh hãi (Quê: 106 – 7).
Viết về con người từ những mối quan hệ khác nhau, phần lớn các bài viết trong Tùy Bút 2 và Quê đều có tính chất tự sự rõ rệt. Mỗi bài viết như là một truyện ngắn. Cũng có nhân vật. Cũng có động tác. Cũng có đối thoại. Cũng có một cốt truyện đàng hoàng. Đây là một trong những điểm khác biệt quan trọng giữa Tùy Bút 1 và Tùy Bút 2: Tùy Bút 1 gần với tiểu luận, ngôn ngữ tư biện là yếu tố chủ đạo, Tùy Bút 2 gần với truyện ngắn, ngôn ngữ hình tượng là yếu tố chủ đạo. Trong Tùy Bút 1, Võ Phiến say sưa theo đuổi ý nghĩa của các sự kiện, đâm ra lười quan sát và mô tả, trong Tùy Bút 2 và cả tập Quê sau đó, ngược lại, Võ Phiến lại phát huy triệt để khả năng quan sát và mô tả của mình, từng tiếng rao hàng được ghi nhận (Tùy Bút 2: 120 & 164 – 6), từng tiếng tu hú được ghi nhận (Tùy Bút 2: 175 – 6), từng giọt cà phê nhỏ đều xuống cốc được ghi nhận (Tùy Bút 2: 174), từng con nhện, con chuột trong căn nhà vắng được ghi nhận (Tùy Bút 2: 100), cái tròng mắt chạy qua chạy lại một cách bất an của một người con gái trong cơn ân ái cũng được ghi nhận (Tùy Bút 2: 196), tài tình và cũng tinh quái nhất là lúc Võ Phiến ghi nhận được cái ngón chân cái oằn lên của một người đàn bà đang ngoại tình trong bài “Nhớ làng” in trong tập Quê.
Điều tôi tâm đắc nhất khi đọc Tùy Bút 2 và Quê là ở điểm, Võ Phiến vừa tăng cường chất tự sự lại vừa tăng cường chất thơ. Nói Tùy Bút 2 và Quê gần với truyện ngắn, cũng được, nói nó gần với thơ, cũng được nữa. Không chừng cách nói sau vừa gần sự thực vừa làm Võ Phiến đắc ý hơn. Chắc không phải ngẫu nhiên mà ông lại tuyển ít thơ của ông để in vào Tùy Bút 2, chứ không phải Tùy Bút 1, hay Tạp Bút, chẳng hạn. Chắc cũng không phải ngẫu nhiên mà nguyên phần ba của Tùy Bút 2 lại được in nghiêng, cùng kiểu chữ với phần thơ trước đó. Tôi muốn coi những bài Tùy Bút đăng ở phần ba ấy (18) là những bài thơ văn xuôi.
Thì người ta cũng có thể coi Tùy Bút Nguyễn Tuân là những bài thơ văn xuôi. Đã đành. Có điều, nếu coi Tùy Bút Nguyễn Tuân là thơ thì đó hẳn là những bài thơ cổ, đầy tính chất Đường Thi, từng thanh bằng thanh trắc ngân nga, từng âm trầm âm bổng dìu dặt, cái hay của chúng nằm ở từng chữ dùng thật đắc, những “nhãn tự”, những “thần cú”. Thơ Tùy Bút của Võ Phiến giống với thơ miền Nam trước đây hơn, đó là thơ tự do, cái hay nằm ở kết cấu toàn bài hơn là ở từng đơn vị nhỏ, như từ, như câu. Đặc biệt là trong Thơ Tùy Bút của Võ Phiến cũng có… vần.
Vần của thơ tự do, dĩ nhiên. Nói như Thanh Tâm Tuyền, trong bài “Nỗi buồn trong thơ hôm nay”, đó không phải là loại vần theo lối đồng âm đồng thanh, mà là thứ vần ẩn giấu, cách xa, có khi khác thanh nghịch âm.(19) Trong hầu hết các bài Tùy Bút ở phần ba, Võ Phiến thường xuyên lặp đi lặp lại một số từ, một số hình ảnh, thậm chí, có lúc, nguyên cả một câu dài. Ở “Giọt cà phê”, đó là hình ảnh một người ngồi Một Mình với những giọt cà phê rơi chậm xuống đáy cốc, ở “Một ngày để tùy nghi” là những cơn thức giấc giữa khuya và câu than thở “không còn thì giờ nữa”, ở “Cái còn lại” là hình ảnh một người già, ngoài sáu mươi tuổi, tóc bạc và rụng nhiều, với ly cà phê nguội và chua. Nếu tước đi những đoạn mô tả, lý luận để khai triển vấn đề, chỉ giữ lại một số hình tượng chính, bài “Lúc dừng nghỉ” sẽ giống y hệt một bài thơ văn xuôi:
Lúc ấy chừng một giờ khuya. Trăng ở giữa trời. Chàng sực thức dậy, và mỗi lúc mỗi tỉnh táo thêm. Kéo mền đắp ngực, nằm ngửa mặt nhìn lên, hồi lâu chàng dần dần có cảm tưởng không phải mình chỉ tỉnh táo vì tách rời hẳn giấc ngủ, mà còn vì rời xa cuộc sống thường nhật. […]
Chàng thức giấc có lẽ vì khát nước, cũng có lẽ vì con chó hực lên một tiếng bên cạnh. Nó có hực chăng? Trong giấc ngủ không nghe rõ, lúc tỉnh dậy chàng không nhớ quyết, nhưng tỉnh dậy đầu tiên chàng trông thấy nó bên cạnh, mắt đăm đăm theo dõi vài đồng loại nô đùa dưới đường. Trên gác, chỉ có mình chàng và con chó là thức, mọi người trong nhà đã ngủ say.
Một mình chàng, với chó, với trăng. Hồi lâu, chàng thấy không phải mình chỉ vừa tỉnh rượu, tỉnh ngủ, mà còn tỉnh khỏi cuộc sống thường nhật, tỉnh khỏi cuộc nhân sinh nồng nàn. […].
Cuộc sống nồng nàn. Chàng vùi đầu vào đấy, hùng hục như bao nhiêu kẻ khác xung quanh. Cùng năm mãn tháng, bỗng một đêm tỉnh rượu, giữa khuya, mở mắt và sững sờ với vành trăng lặng lẽ ngang đầu. […].
Cùng năm mãn tháng, tình cờ chàng có cơ hội gặp vầng trăng trong khoảnh khắc hoang đảo, một khoảnh khắc giải tỏa […].
Chàng đốt một điếu thuốc. Đêm nay, trong khoảnh khắc gặp gỡ, chàng cùng với vầng trăng cùng sáng lên với nhau, thản nhiên, trang nghiêm (Tùy Bút 2: 200 – 6).
Tùy bút Võ Phiến, như thế, chỉ là một chuỗi dài những trăn trở, những khắc khoải. Hết khắc khoải về các vấn đề văn hóa, chính trị, xã hội, lịch sử, lại khắc khoải về bản chất cuộc đời và số phận của con người. Đọc tùy bút của Nguyễn Tuân, của Thạch Lam, của Vũ Bằng… chúng ta thấy khoái trá, đọc tùy bút của Võ Phiến, chúng ta thấy ngẩn ngơ. Mà, nghĩ cho cùng, có gì đâu để ngẩn ngơ chứ? Ông viết những điều giản dị, gần gũi biết bao. Như những ngọn đèn vàng. Như bầu trời xanh. Chỉ là ngọn đèn vàng cạch tầm thường vậy thôi. Vậy mà, không hiểu sao, nó cứ ám ảnh người đọc hoài suốt bao nhiêu năm. Chỉ là trời xanh vậy thôi. Chỉ là mây trắng tơ tướt ngang trời vậy thôi. Vậy mà, lạ thay, cái bầu trời thao thiết mênh mông ấy, cái làn mây nhẹ nhàng, lưu đãng ấy lại có hấp lực hút bật dậy bao nhiêu cảm xúc ngỡ chừng ngủ yên trong ta. (20) Ông day dứt mà ta thì ngẩn ngơ. Ông trăn trở mà ta thì động lòng. Ông có lúc cười cợt mà ta thì lại nghe như có cái gì thật xót xa. Lạ.
Chú Thích:
1 – Đặng Tiến (dưới bút hiệu Nam Chi) (1987), “Anh Bình Định, con chim én và những đám khói”, Đoàn Kết số 389 (3.87), trang 31.
2 – Nguyễn Hiến Lê (1973), Lời Tựa tập Đất Nước Quê Hương của Võ Phiến, in lại trong Tùy Bút 1.
3 – Đặng Tiến (dưới bút hiệu Nam Chi) (1987), “Về thể văn Tùy Bút”, Đoàn Kết số 390 (4.87), trang 29.
4 – Đặng Tiến (1987), “Anh Bình Định…”, báo đã dẫn, trang 28.
5 – Xem Lời Giới Thiệu của Nguyễn đăng Mạnh in trong Tuyển Tập Nguyễn Tuân, tập 1, Văn Học, Hà Nội, 1981, trang 11 – 72.
6 – Nguyễn đăng Mạnh, báo đã dẫn, trang 50.
7 – Như trên, trang 54.
8 – Nguyễn Hiến Lê (1973), báo đã dẫn.
9 – “Chuyện bọt bèo” là chữ của Võ Phiến trong bài “Hạt bọt trà” in trong Tùy Bút 1, trang 160 – 8.
10 – Phan Ngọc (1988), “Nguyễn Tuân, quá trình chuyển biến của một phong cách”, thông tin văn hóa văn nghệ số 4b (1988), trang 23.
11 – Dẫn theo Nguyễn Đăng Mạnh (1981), báo đã dẫn. trang 69 – 70.
12 – Một số người, nhất là các Giáo Sư Trung Học, trong các bài giảng, thường cho bài thơ này thể hiện cái tính… hà tiện, thậm chí keo kiệt của Nguyễn Khuyến.
13 – Dẫn theo Nam Chi (1987), “Vệt khói nhạt trên lư đồng”, Đoàn Kết số 395 (10.87), trang 13.
14 – In trên Làng Văn số 71 (7.90), trang 31 – 41.
15 – In trong tập Quê, Văn Nghệ, California, 1992, trang 31 – 93.
16 – Cũng được in trong Quê, trang 95 – 132.
17 – Võ Phiến (1990), “Thế cuộc”, Làng Văn số 71, trang 40.
18 – Gồm các bài “Xem sách”, “Cái còn lại”, “Ế ị”, “Giọt cà phê”, “Một ngày để tùy nghi”, “Lúc dừng nghỉ”, “Một chỗ thật tịch mịch” và “Mười giờ”.
19 – Thanh Tâm Tuyền, “Nỗi buồn trong thơ hôm nay”, in lại trong Bốn mươi năm thơ 1945 – 85, tập 2, Thi Vũ, Quê Mẹ, Paris, 1993, trang 275.
20 – Những chữ in nghiêng là của Võ Phiến trong bài “Cái còn lại” và “Mười giờ”.
Nguồn: giaocam.saigononline.com