16.9.2017 Tiễn đưa nhà thơ Thanh Tùng về thế giới người hiền

Chỉ còn nàng thơ

Phạm Đình Trọng


Nhà thơ Thanh Tùng tuyên bố như tổng kết, như khái quát cuộc đời mình: Tôi đã bị hai người đàn bà bỏ, nhưng tôi quyết không để Nàng Thơ bỏ tôi!

Người đàn bà thứ nhất nhan sắc mặn mà, đằm thắm và cũng say đắm thơ, khi ra đi đã để lại cho nhà thơ nỗi đau và sự nuối tiếc. Một cuộc tình đắm say mà lỡ dở. Tâm hồn nhà thơ đã chưng cất nỗi đau ấy thành thứ rượu quí chôn vào thời gian. Thứ rượu quí đó được gọi tên là Thời Hoa Đỏ: Trong câu thơ của em / Anh không có mặt / Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết / Anh đâu buồn mà chỉ tiếc / Em không đi hết những ngày đắm say.

Dù đã bước ra khỏi cuộc đời nhà thơ, đã vắng bóng trong cuộc sống hàng ngày nhưng người đàn bà đắm say ấy chưa khi nào rời khỏi trái tim nhà thơ Thanh Tùng: Em để lại trong tim tôi một mũi dao / Thỉnh thoảng lại nhấn sâu thêm một chút / Tôi mang nó suốt đời còn em thì không biết.

Người đàn bà thứ hai làm việc với những con số khô khan, kế toán ở một công ty quản lí, chăm sóc vườn cây và thảm cỏ thành phố vì thế bàn chân không rời mặt đất, mắt luôn nhìn xuống cỏ, trong tay luôn có chiếc máy tính và những con số, những phép tính cộng trừ cứ bám riết trong nghĩ suy, trong vui buồn. Còn nhà thơ của chúng ta trong cuộc vật lộn kiếm sống nuôi vợ con đã từng làm đủ việc. Thầy giáo dạy thể dục ở trường cấp hai. Công nhân quai búa trong một xưởng cơ khí máy móc thì ít, sức người thì nhiều. Vệ sĩ áp tải hàng trên những tuyến đường sông chạy giữa um tùm sú vẹt nơi nương náu đám đầu trộm đuôi cướp. Đôi vai trần vác những bao hàng nặng một tạ chạy từ kho xuống tàu biển. Chủ sạp sách báo nhỏ bên hè phố. Người đàn ông tất bật với những công việc của cơ bắp và mồ hôi nhưng mắt luôn nhìn lên trời xanh và một chiếc lá vàng rơi cũng làm tâm hồn thảng thốt. Khác nhau hướng nhìn và tầm nhìn. Khác nhau cả sự rung động của trái tim. Nhưng hai người đến với nhau khá nhanh vì có ông mối, nhà thơ Hoàng Hưng là chỗ thân thiết, tin cậy của cả hai người.

Một buổi tối tôi đến thăm nhà thơ Hoàng Hưng khi đó gia đình anh còn ở con đường nhỏ khuất giữa những khối nhà cũ kĩ, lô xô, chen chúc, đường Nguyễn Thanh Tuyền, quận Tân Bình, gần nhà tôi khi đó. Biết hôm sau tôi ra Hà Nội, Hoàng Hưng mừng rỡ hối hả giục tôi ra Hà Nội thì xuống ngay Hải Phòng, tìm Thanh Tùng, bảo Thanh Tùng vào Sài Gòn gấp.

Cám cảnh nỗi cô đơn của ông bạn thơ Thanh Tùng, Hoàng Hưng nhắm được người phụ nữ vốn cũng là dân Hà Nội nhiều đời như anh. Bố mẹ nàng có nhà cao cửa rộng ở phố lớn giữa Hà Nội nhưng từ năm 1954 khi những người nông dân mặc áo lính và áo đại cán tràn vào làm chủ Hà Nội thì những người chủ đích thực của Hà Nội thanh lịch, hào hoa bỗng trở nên lạc loài, phải rời Hà Nội, tứ tán đi khắp nơi. Người đi mở đất khai hoang trên núi rừng Tây Bắc. Người ra vùng mỏ Đông Bắc cuốc than. Người về vùng sâu vùng xa dạy học. Còn nàng thì giấu cái gốc gác Hà Nội trong màu áo xanh thanh niên xung phong. Gần năm mươi tuổi nhưng nàng vẫn là con gái. Nghe Hoàng Hưng giới thiệu về ông nhà thơ thợ thuyền từng trải cuộc sống, lận đận tình duyên, nàng đầy thương cảm và xúc động đón nhận sự vun đắp của ông anh Hoàng Hưng. Hoàng Hưng bảo tôi rằng nàng vừa rời nhà Hoàng Hưng trước khi tôi đến chỉ vài phút.

Với nỗi nhớ cái rét, năm nào khi ngọn gió heo may xào xạc trên vòm sấu cổng cửa Bắc thành cố Hà Nội tôi cũng trở về chốn cũ để mỗi buổi chiều lại chạy xe chầm chậm dưới vòm xà cừ đường Hoàng Diệu, ngắm cổng Tây thành cổ Hà Nội, tìm lại bóng dáng thời trai trẻ tôi đã để lại nơi đây. Con đường kỉ niệm dẫn tôi ra hàng liễu bên Hồ Tây để tôi lặng nhìn màn sương huyền thoại bảng lảng trên hồ và cảm nhận ngọn gió heo may se lạnh trên má, trên cánh tay trần. Năm nay tôi ra Hà Nội ngoài nỗi nhớ đó còn vì một sứ mệnh của trái tim do nhà thơ Hoàng Hưng giao phó.

Tôi đến phố Nguyễn Đức Cảnh khi đường phố Hải Phòng vừa lên đèn. Chưa đến nhà 44 tôi đã nhận ra Thanh Tùng đang rải những rổ, rá, chậu, xô nhựa xanh, đỏ ra một khoảng hè phố. A, bây giờ nhà thơ lại làm nghề bán đồ nhựa trên vỉa hè. Thấy Thanh Tùng vui vẻ đón nhận sự mai mối của ông bạn Hoàng Hưng và chấp nhận sự điều động của ông mối, tôi thấy nhẹ nhõm vì đã hoàn thành nhiệm vụ với hai nhà thơ. Cả buổi tối đó tôi ngồi bán hàng với Thanh Tùng nhưng đến một người khách dừng lại nghiêng ngó xem hàng cũng không có.

Chỉ mấy tháng sau, tôi cùng nhà văn Trần Hoài Dương, nhà văn Trần Đồng Minh đến dự đám cưới nhà thơ Thanh Tùng ở nhà cô dâu, đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh, Sài Gòn.

Người đàn bà thứ hai đã tạo ra một bước ngoặt, một dấu mốc lớn trong cuộc đời nhà thơ Thanh Tùng, đưa nhà thơ vào với nắng gió nồng nàn, phóng khoáng đất phương Nam, đưa nhà thơ vào với ấm áp bầu bạn văn chương đang quây quần ở phương Nam, Hoàng Hưng, Trần Mạnh Hảo, Trần Hoài Dương, Nguyễn Vũ Tiềm, Nhật Tuấn, Nguyễn Thái Sơn, Trần Quốc Toàn, Lê Thiếu Nhơn… Nhưng người đàn bà đó lại không thể gắn bó được lâu dài với nhà thơ.

Nhà thơ của chúng ta hai bàn tay trắng mà đôi mắt luôn ngước lên vòm trời và trong mắt nhìn đắm đuối của nhà thơ, vòm trời cứ xanh thẳm và đầy khắc khoải. Vòm trời đó là của Nàng Thơ.

Em nào đọc nổi

Mảnh hồn tôi run mãi ở trên cao

Tôi vất vả mang trái tim đầy ắp.

Chỉ còn Nàng Thơ nồng nàn đi đến tận cùng với Thanh Tùng.

10687100_368792203270596_4069292098924367101_n

Nhà thơ Thanh Tùng đón ngày mới tại nhà riêng

20170915_150720

Nhà thơ Thanh Tùng, ngoài cùng bên trái tại Đại hội 6, Hội Nhà Văn Việt Nam, Hà Nội, 2010

21728125_724280697773313_5645099630909195896_n

Nhà thơ Thanh Tùng cùng các nhà văn, nhà thơ Trần Hoài Dương, Phạm Đình Trọng, Văn Lê, Thái Thăng Long

20170915_155733

Trong một sự kiện của nhà thơ Thanh Tùng. Ba người đàn ông giữa ảnh đã gặp lại nhau ở thế giới Người Hiền, Nhà thơ Thanh Tùng, nhà văn Trần Hoài Dương, nhà văn Trần Đồng Minh.

Comments are closed.