49 ngày Võ Phiến vượt ngưỡng hư vô

Nam Dao

Bài về Võ Phiến, viết sau khi ông mất. Nay sau hai năm ông về cõi bên kia, xin nhớ lại, và ngậm ngùi.

Điện thư của một người quen ngày 28 tháng 9, tin báo: Võ Phiến đã đi rồi.

Nghe, lòng bồi hồi. Gọi phone hỏi, một câu thừa thãi: Ông ấy 90, đi đâu ở tuổi gần đất xa trời.

Thì đi gần thôi chứ còn đi đâu bây giờ! Rõ hay, dớ dẩn…

Vượt ngưỡng hư vô, ai dám bảo là gần? Tôi nhủ, phải gọi cho chị Viễn Phố.

Chuông reng. Không ai bắt máy. Rõ hay, gia đình người ta tang ma, ai bắt máy nói chuyện ầu ơ chia buồn! Và lại, buồn thì chia thế nào được! Đâu có như vui, càng chia càng nhiều.

Đành nhờ bạn đến viếng thì thắp giùm cho một nén hương. Bạn ta thở ra dài thườn thượt. Tôi nuốt vào trong, choáng váng! Cái choáng váng khi chạm mặt đối diện hư vô dẫu chưa đến lượt mình.

&

Lửng lơ chẳng biết là đêm, là ngày. Nhớ Nguyễn Mộng Giác và những lần cùng anh đến chơi với Võ Phiến. Lần đầu, Giác gọi Võ Phiến bằng chú và xưng cháu. Mình thì cứ anh anh em em, thấy chướng nhưng lỡ thế, cho lỡ luôn. Thời đó là thời mới in ra hai cuốn tiểu thuyết lịch sử Gió LửaĐất Trời. Giác chặc lưỡi. Anh từng bảo tôi bắt tiểu thuyết đèo bồng chuyện cực chẳng đặng, chuyện “…tìm hiểu nguyên do của một mẫu hình văn hóa Việt Nam từng khiến dân tộc chúng ta liên miên chìm đắm trong nội chiến và bạo lực”. Giác bình phẩm: “… Đó là những tư tưởng lớn, cao vọng lớn. Nhưng giao phó những cao vọng và tư tưởng lớn ấy cho tiểu thuyết, liệu có nặng nề lắm không, cho tiểu thuyết gia? Liệu có thích hợp không, cho thể loại tiểu thuyết?”. Gợi lại vấn đề này, tôi vẫn hăng say khẳng định này nọ. Tôi say sưa nói về nhiệm vụ của chữ nghĩa, và con người như tác nhân chứ không chịu cam phận làm nạn nhân của lịch sử. Võ Phiến chỉ nghe, chỉ cười, cuối cùng hỏi một câu chẳng dính líu gì đến đề tài tiểu thuyết, lịch sử và tiểu thuyết lịch sử tôi đang huênh hoang thuyết giảng. Khi viết về đất nước quê hương, anh từ tốn nói, Nam Dao ít khi sa đà vào đời sống làng mạc và những con người bình thường, và vì thế nên người đọc khó có cảm tưởng là những chuyện có thật. Tôi đáp, xả lả, thì tiểu thuyết mà anh. Vừa dứt lời, tôi giật mình. Câu anh hỏi không thể trả lời quấy quá như thế được.

Hai ngày sau, tôi điện thoại cho anh. Tôi vừa đọc lại Tuyển Tập Võ Phiến, với những nhân vật ở quê anh sống và chết bi đát trong xã hội hỗn mang một cuộc nội chiến. Đó là những nhân vật “có thật”, và sức thuyết phục của chữ nghĩa cũng đến từ cái “thật” ấy. Thì ra, anh hay anh Giác là những nhà văn có quê hương trên đó những nhân vật có da có thịt từng sống và chết. Các anh đèo bồng thứ cội nguồn sâu thẳm, có đất, có người. Các anh viết, viết mãi về cái các anh sở hữu trong tâm hồn, như tiếng chuông leng keng trong một truyện ngắn của Võ Phiến, chuông kêu lên để nhắc nhở những cuộc dâu biển đổi dời. Có lẽ chính qua những con người có “thật” trong một quê hương “thật”, các anh có thể viết về cái “thật” các anh có trong tâm hồn? Còn tôi, phải chăng tôi viết về một quê hương huyễn tưởng, thứ quê hương của đứa con lãng tử trên bước đi hoang chẳng có một ngày về?

&

Lục cuốn sổ tôi ghi lại trên những bước giang hồ, tôi tìm được một bức thư anh gửi sau chuyến hội ngộ với anh ở Cali. Nay, muốn xin phép anh để đăng lại, nhưng lược đi những cái tư riêng, và chỉ gợi lại những dính líu với cái hư vô mà trước sau ai cũng phải đối mặt. Tôi mạn phép, và mong anh lượng thứ:

Trích Thư Võ Phiến:

… Còn tôi? Ra sao? Mình mô tả chính mình, mình mà “nhận định” về mình? Lố lăng để đâu cho hết. Nhưng không thế thì phụ lòng anh. Anh cho sách, tôi đọc rồi thin thít là thế nào? Vả lại, sách của anh thật sự chấn động tôi, tại sao lại giấu giếm? Thôi, không giấu: đọc anh, tôi bất giác nghĩ về mình. Nhưng xin không dông dài: chỉ xin lôi nguyên con ra, trình anh.

Trình ngược: từ cuối đến đầu.

Cuối đời có mấy câu:

Mải miết ra đi, đâu tính đến

Đến nơi nào?

Bảy tám mươi năm rồi cũng đến

Đến rồi sao?

(11-1998)

Năm năm trước đó, nghĩ là sắp “đến”, tôi kêu:

[..] Ngẩng mặt, mây bay trời bát ngát

Ta vỗ lên cái thi thể sắp lạnh của một đời người mà hát:

Thời gian ơi, thời gian”

(8-1993)

Không phải tới giai đoạn gần sụm mới não ruột thế. Năm 18 tuổi, tôi nghĩ về mình thuở lên bảy lên tám, sống lủi thủi bên cạnh ông bà nội già nua:

… Những buổi mai rực rỡ

Trời xanh nắng chan hòa

Nghiêng nghiêng vành tai nhỏ

Lắng tiếng gọi vu vơ

Tôi thương những đứa trẻ

Sống bên cạnh người già

Âm thầm như chiếc bóng

Ngày mù và sông xa

(1943)

Tiếng gọi vu vơ từ xa – rất xa – đứa bé đã nghe từ hồi 7, 8 tuổi!

Một bẩm chất hướng về hư vô ngay từ đầu, tôi chắc nó không hợp với anh. Nhưng tôi tiếp xúc với (cái viết) anh lại không tránh khỏi náo nức. Tôi tự biết: rồi đâu lại vào đấy. Rồi tôi lại sẽ thu mình, cô độc, không bạn bè tri kỷ, không hoạt động giao du….

Tôi cảm tạ anh đã cho hưởng những giờ phút dấn thân sôi nổi vào thế cuộc. Tôi chắc chắn anh có bản lãnh, anh không nhiễm lạnh vì tôi. Nhưng tôi vẫn phải xin lỗi anh.

Thân kính

VP, quận Cam, 7-2006

&

Khoan nói về hư vô. Để tôi kể chuyện gặp lại anh bốn năm sau lần đầu. Dịp đó, Giác đau, không còn đi được với tôi đến thăm anh. Hôm trước, tôi cùng các anh Lữ Quỳnh, Thành Tôn… đến chơi với Giác. Gắng ngồi lên, Giác vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi, và khi nói đến văn chương thì anh vẫn cứ sôi nổi trẻ trung. May, Giác có chị Diệu Chi bên cạnh, lúc nào cũng cao giọng cười như đùa nghịch bất chấp phần số ngặt nghèo. May, có thầy Võ Thắng Tiết bên cạnh, đi ra đi vào làm bạn với Giác trong những phút giây bệnh tật.

Trời vào xuân, mây lơ lửng trôi trong nắng rơi trên thế gian nhuộm lên vạn vật một màu vàng óng ả. Ra vườn ngồi với Võ Phiến, tôi kể dịp mới thăm Giác, nhưng anh chỉ im lặng thở dài. Chợt nhớ ra lời Giác kể là Võ Phiến rất kiệm lời khi nói về cái chung cục ắt rồi sẽ có trong mọi đời người. Chắc hẳn anh không tin vào luân hồi, vào kiếp sau. Và không cảm thấy sự liên tục của sống và chết, nỗi kinh hoàng trước cái ta gọi là hư vô làm sao tránh được.

Anh nhờ chị Viễn Phố lấy cho anh tập sách đặt tên là Cuối Cùng anh mới cho in năm 2010. Anh ký tặng, miệng hỏi chị, Nam Dao hay Nam Giao, d trên hay gi dưới? Chị cười, nói nhỏ “Ổng nay hơi lẫn rồi!”. Thế đấy, nhưng ổng chưa lẫn đâu. Đọc hai cuốn Bể Dâu tôi in năm 2007, anh hỏi: Cuộc Chiến Việt Nam là chi? Cuộc chiến chống Đế Quốc Mỹ? Hay một cuộc chiến ủy nhiệm giữa hai phe, một bên là Tư Bản, bên kia là Cộng Sản? Hay chỉ là một cuộc nội chiến giữa người Việt? Tôi đáp, cả ba! Nhưng tôi có lẽ nhấn mạnh khía cạnh nội chiến, vì hai khía cạnh kia thì đã có văn chương “cách mạng” và văn chương “chống Cộng” rêu rao chán rồi! Khía cạnh nội chiến thì chẳng qua là sự tiêp nối oái oăm cùa lịch sử từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Không mổ xẻ để chữa trị cho lành thì vết xe cũ có thể lại lặp lại, máu người Việt lại đổ, và oán hận lại chồng chất… Anh hỏi, giọng rầu rầu, sau những cơn Bể Dâu thì ta liệu có hàn gắn với nhau được không? Câu tôi trả lời trong Bể Dâu là được, với điều kiện chúng ta hành xử với nhau như những con người vì con người và vì tương lai. Hóa giải hận thù là chuyện sống còn của cả một dân tộc đã oằn lưng ra gánh bao nhiêu oan khiên vì theo-chống, vì được-thua, vì còn-mất… Rồi hóa giải hận thù có xong thì ta mới nói được chuyện Hoà hợp Hoà giải Dân tộc.

&

Hư vô anh viết trong thư có phải là Bản Thể và Hư Vô, tên tác phẩm triết học của J.P. Sartre? Hoặc giả hư vô là Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc. Hay Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị?

Cảm thấy hư vô có phải là khi trực giác chợt nhận ra đời sống không miên viễn, và sau cái sống thì chẳng thể hay biết là nó cái gì. Đây là trường hợp của những người không tin sau vật chất có linh hồn, sau đời sống có hoặc Thiên Đàng hoặc Địa Ngục, hoặc Niết Bàn hoặc những cõi u minh chập chùng Ngạ Quỉ. Câu hỏi thiết thân về cái đến sau đời sống không được đáp trả, hư vô xuất hiện, ám ảnh, đeo đuổi khiến mọi cuộc tồn sinh tự nó đèo bồng mầm mống của cái gì rất mỏng mảnh phù du, thậm chí vô lý vô nghĩa.

Tiếng gọi của hư vô – vu vơ từ xa – rất xa – cậu bé Đoàn Thế Nhơn đã nghe từ hồi 7, 8 tuổi. Trời cho cậu thứ trực giác bén nhạy: đó là một ân huệ trong cuộc sống, thứ ân huệ đã biến cậu thành nhà văn Võ Phiến. Nhưng cái gì cũng có mặt trái. Ân huệ kia hẳn cũng đèo bồng ý thức đau đớn về cái tạm bợ trong cái cõi ta bà này.

Anh Võ Phiến, vậy thì xin cầu chúc anh vĩnh hằng ở một cõi khác, nơi rồi ta sẽ lại gặp nhau, nơi khoa học vật lý gọi là hố đen (black hole), nơi năng lượng không còn, và mọi qui luật của những thế giới vật thể đều bị phủ định.

Thân kính,

Nam Dao

3-11-2015

Comments are closed.