Ghi chép về Đà Lạt (bài 3, tiếp theo)

Mai Thái Lĩnh

Bài 3: Tìm về đầu nguồn của Sông Cam Ly (tiếp theo)

Phần II: Hồ Thái Phiên

Nếu nhìn vào bản đồ tỷ lệ 1/50.000 của Nha Địa Dư Quốc Gia (Đà Lạt) phát hành năm 1965 (hình 1)[1], chúng ta thấy Hòn Bồ và một số ngọn núi lân cận (cao trên 1.600m) tạo thành một dãy núi theo hướng Nam-Bắc, trong đó cao nhất là Lap Bé Sud (Lap Bé Nam, tức Hòn Bồ) – nằm rất gần Ấp Thái Phiên. Ngọn núi này cao 1.702m (theo Địa chí Đà Lạt 2008: 1.709 mét). Những lạch nước phía Đông đường phân thủy của dãy núi này chảy về hướng Đông-Nam nhập vào Sông Da Dousoung (tức Sông La Bá) – một phụ lưu của Sông Da Nhim. Còn những lạch nước phía Tây đường phân thủy tạo thành một dòng suối chảy theo hướng Bắc-Nam (tạm gọi là Suối Thái Phiên) nối Hồ Thái Phiên với Hồ Than Thở và Hồ Mê Linh.

 

image

Hình 1: Hòn Bồ (Lap Bé Sud) và Hồ Thái Phiên (1965)

Bất cứ ai có một vốn kiến thức khoa học tối thiểu, chỉ cần nhìn vào bản đồ này cũng có thể hiểu: nếu rừng và các thảm thực vật dọc theo Suối Thái Phiên bị hủy hoại thì nạn xói mòn và bồi lắng (mà giáo sư Thái Công Tụng gọi là “xoi mòn và trầm tích”) sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Hồ Than Thở, Hồ Mê Linh, Hồ Xuân Hương và toàn bộ hệ thống Suối Cam Ly.

Vậy mà suốt vài thập niên gần đây, các quan chức có trách nhiệm của Lâm Đồng – Đà Lạt vẫn tiếp tục loay hoay với việc nạo vét Hồ Xuân Hương, xây dựng các hồ lắng, xi-măng hóa (thậm chí bê-tông hóa) các cống rãnh để cho các dòng suối chảy nhanh hơn, trong khi các hồ nước và các dòng suối lớn nhỏ phía thượng lưu dần dần bị xâm chiếm để sản xuất nông nghiệp hoặc làm nhà.

Thực trạng hiện nay của Hồ Thái Phiên

Như phần trên đã trình bày, do chỗ phát triển “nhà kính” ở Làng Hoa Thái Phiên một cách quá mức, rất khó tìm đường đi đến Hồ Thái Phiên dọc theo dòng suối. Hiện nay, cách dễ dàng nhất để tìm đến Hồ Thái Phiên là đi theo đường Huỳnh Tấn Phát. Ở gần cuối đường, nhìn về phía trái, độc giả sẽ thấy Hồ Thái Phiên.

image

Hình 2: Hồ Thái Phiên ngày nay (ảnh chụp tháng 4-2019)

Hồ Thái Phiên ngày nay là một “hồ thủy lợi” không ai chăm sóc. Đất ven hồ chen chúc những “nhà kính”, còn thông mọc ven hồ đều là thông non, không thấy có thông cổ thụ. Đứng từ cửa đập, nhìn về phía Đông (bên phải) là đường Huỳnh Tấn Phát và dãy đồi núi nối liền với Hòn Bồ. Nhìn về phía Tây (bên trái) là hai ngọn đồi có tên Đồi Kim Ngân (Kim Ngân Hills) – mà chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần sau (Hình 2).

image

Điều đáng chú ý là toàn bộ đất đai nằm dọc hai bên suối Thái Phiên đều được tận dụng để làm “nhà kính” trồng rau hoa, cho dù nơi đây đã cách xa Làng hoa Thái Phiên (Hình 3 và 4). Như vậy, “nhà kính” không chỉ lan tràn đến tận chân Hòn Bồ (Lap Bé Nam) mà còn vươn ra xa đến tận đầu nguồn của Suối Cam Ly. Đây chính là hậu quả tai hại của việc xây dựng “đại lộ” Huỳnh Tấn Phát nối liền quốc lộ 20 với quốc lộ 27C. Nếu nhận thức được đầy đủ tác động đối với môi trường sinh thái, con đường này phải được xây dựng theo một cách hoàn toàn khác – vừa giúp cho giao thông thuận lợi, vừa bảo vệ được rừng và các dòng nước đầu nguồn.

Hai ngọn đồi Kim Ngân (Kim Ngân Hills)

image

Hình 5: Hồ Thái Phiên và Kim Ngân Hills

Về phía Tây của Hồ Thái Phiên có hai ngọn đồi được đặt tên là Đồi Kim Ngân (Kim Ngân Hills). Từ lúc nào không rõ, hai ngọn đồi này đã được “giao” cho một Công ty hay một Tập đoàn tư nhân nào đó để hình thành nên Kim Ngan Hills Eco-Resort (Khu du lịch sinh thái Đồi Kim Ngân). Một trong hai ngọn đồi này – tạm gọi là Đồi Kim Ngân 2 ở phía Nam – đã được đưa vào khai thác (hình 5).

image

 

Chúng ta thử lên ngọn đồi này để xem qua hình dạng của cái-gọi-là “khu du lịch sinh thái” ở đầu nguồn Suối Cam Ly. Từ Nha Trang lên Đà Lạt bằng quốc lộ 27C, nếu không đi vào thành phố bằng đường Huỳnh Tấn Phát mà rẽ phải để vào thành phố bằng đường Ngô Gia Tự thì sau khi rời Trạm xăng dầu ở bùng binh (giao điểm của đường Huỳnh Tấn Phát và Quốc lộ 27C), đi thêm một quãng đường khoảng 1,5 km, độc giả nhìn về phía tay trái sẽ thấy một con đường trải nhựa chạy lên đồi cao. Đó là đường đi đến Khu du lịch sinh thái Đồi Kim Ngân (Hình 6 và 7).

image

Trên Đồi Kim Ngân 2 đã hình thành một khu “biệt thự và bungalow” được xây dựng và đưa vào hoạt động dưới hình thức khách sạn (Hình 8 và 9). Trong những năm gần đây, Khu du lịch 3 sao này đăng quảng cáo thường xuyên trên hàng loạt trang web du lịch – kể cả các trang quốc tế như: Agoda, Tripadvisor, Expedia, Orbitz, Kayak, …

image

Hình 10: Trang web của Khu du lịch sinh thái Đồi Kim Ngân (Kim Ngan Hills Eco-Resort)

Điều đáng chú ý là nguồn gốc của khu du lịch này. Trước hết, nhìn vào trang web chính thức của Khu du lịch sinh thái Đồi Kim Ngân, chúng ta thấy ghi rõ: Tiểu khu 151, đường Ngô Gia Tự, phường 12, TP Đà Lạt (Hình 10). Căn cứ vào bản đồ lâm nghiệp, các ngọn đồi này nguyên là đất của Tiểu khu 151 thuộc Lâm trường Lâm Viên, về sau được giao cho Ban quản lý Rừng Đặc dụng Lâm Viên. Mặt khác, xét về vị trí của khu du lịch, các ngọn đồi này có nguồn gốc từ đất rừng phòng hộ đầu nguồn, vì chúng tọa lạc sát Hồ Thái Phiên – hồ đầu nguồn của Suối Cam Ly.

Nếu là đất rừng phòng hộ đầu nguồn thì xét về nguyên tắc, đáng lẽ phải được bảo vệ như một khu bất kiến tạo (zone ædificandi, non-building area) hoặc khu bảo tồn thiên nhiên (nature reserve, réserve naturelle) nhằm giữ gìn cho hệ thống suối Cam Ly được trong sạch, ngăn ngừa hạn hán và lũ lụt, nhất là tránh được nạn “xói mòn và bồi lắng”. Nhưng trong thực tế, hai ngọn đồi này đã lọt vào tay tư nhân – dưới hình thức “giao” hay “cho thuê dài hạn” (có thể 30, 40 hoặc 50 năm?). Hơn thế nữa, trên các khu đất này, một “đại gia” hay một “tập đoàn tư bản” nào đó đã được phép xây dựng các biệt thự, bungalow để làm khách sạn. Chúng ta thấy trước mắt một viễn cảnh: khi “đại lộ” Huỳnh Tấn Phát và hai bên dòng suối Thái Phiên được đô thị hóa, nơi đây có thể được nâng cấp thành một khu đại khách sạn 5 sao nằm ngay cửa ngỏ của “Con đường nối Hoa và Biển”!

Sự xuất hiện của Khu du lịch sinh-thái Đồi Kim Ngân và rất nhiều cơ sở sản xuất khác tại vùng đầu nguồn của Suối Cam Ly gần như đồng thời với việc xây dựng đường Huỳnh Tấn Phát khiến chúng ta phải xem xét lại toàn bộ vấn đề: mục đích thật sự của Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” là gì? Là phát triển sản xuất nông nghiệp trên vùng thượng lưu của các dòng suối hay là đô thị hóa toàn bộ vùng này?

Vào cuối năm 2019, trả lời báo chí về vấn đề “nhà kính tại Đà Lạt”, Tiến sĩ Phạm S. – Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất giải pháp [2] như sau:

TP Đà Lạt cần xây dựng đề án giảm dần và tiến đến không còn nhà kính theo từng khu vực phường trung tâm. Trong đó, tiến hành rà soát sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, từng bước thay đổi từng khu vực; nghiên cứu trồng cây không trong nhà kính, song vẫn cho giá trị thu nhập cao; trồng các loài cây mới, lạ phục vụ du khách trải nghiệm… Theo nguyên tắc, giảm dần nhà kính với thời gian, đến một lộ trình khoảng 15, 20 năm sau, tại các phường sản xuất nông nghiệp trung tâm thành phố (từ phường 5 đến phường 12), không còn nhà kính để trả lại mảng xanh, tạo cảnh quan đô thị TP Đà Lạt. Cùng với đó, thực hiện chuyển dịch lao động nông nghiệp sang dịch vụ. Để triển khai đồng bộ khoa học, trước mắt, Đà Lạt cần xây dựng đề án có tính khả thi cao, thí điểm mô hình, sau đó nhân rộng theo lộ trình. [Phần nhấn mạnh là do người viết – MTL)

Ý kiến này cho thấy những người chịu trách nhiệm quy hoạch đô thị Đà Lạt không hề thấy tầm quan trọng của vùng đầu nguồn các dòng sông trên cao nguyên Lang-Bian. Vì thế:

– thay vì khôi phục rừng và thảm thực vật để chống nạn xói mòn và bồi lắng nhằm bảo vệ các dòng nước đầu nguồn, họ lại đề ra giải pháp trả lại mảng xanh trong khi vẫn tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp tràn lan trên địa bàn Đà Lạt, bất chấp hậu quả tai hại cho môi trường sống của người dân Đà Lạt;

– thay vì giải quyết yêu cầu cấp bách, họ lại đề ra một lộ trình khoảng 15, 20 năm;

– thay vì bảo vệ các khu rừng đầu nguồn, các danh lam thắng cảnh, các di sản kiến trúc nổi tiếng, họ lại chủ trương “thực hiện chuyển dịch lao động nông nghiệp sang dịch vụ”, nghĩa là tiếp tục giao đất để xây khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mãi cao cấp, các “khu dân cư đẳng cấp quốc tế”, v.v.

Với tầm tư duy như thế, việc “giao” rừng đầu nguồn cho tư nhân làm khách sạn được coi như chuyện đương nhiên, không cần bàn cãi. Cũng chưa thấy báo chí hay các nhà khoa học phê phán hình thức “giao đất” kỳ lạ này. Từ đó sinh ra một nghịch lý rất khó giải thích:

Trên đất nước Việt Nam – nơi mà quyền tư hữu về đất đai không được công nhận –, các vị đại diện của dân luôn thề thốt vì lợi ích của nhân dân, luôn tự hào là nhân văn hơn bọn tư bản đế quốc, lại sẵn sàng giao rừng phòng hộ đầu nguồn cho tư nhân để xây khách sạn? Trong khi đó, tại các quốc gia thường bị gán nhãn hiệu “tư bản chủ nghĩa” – nơi mà quyền tư hữu về đất đai luôn luôn được đề cao, tài sản công lại được bảo vệ chu đáo từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lấy ví dụ: tại Hoa Kỳ, các khu bảo tồn thiên nhiên (vd: các Công viên quốc gia) được thành lập từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay vẫn do Cục Công viên Quốc gia (National Park Service, NPS) [3] quản lý, chứ không giao cho tư nhân.

Đà Lạt, những ngày cuối tháng 9 năm 2020

M.T.L.

GHI CHÚ:

[1] Nha Địa dư Quốc gia Việt Nam, Map Information as 1965, Vietnam 1:50,000, Series 7014, Edition 1-AM. Bản đồ này ghép hai tờ Đà Lạt 6632-1 và Đơn Dương 6732-4. Một số chi tiết do người viết ghi thêm (MTL).

[2] “Được – mất và bài toán hài hòa lợi ích kinh tế – môi trường”, Nhân dân 04-10-2019: https://nhandan.org.vn/vi-moi-truong-xanh/duoc-mat-va-bai-toan-hai-hoa-loi-ich-kinh-te-moi-truong-372888/

[3] Cục Công viên Quốc gia (National Park Service (NPS) là một cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ (Department of the Interior, DOI) của Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ.

Comments are closed.