(Thời biến đổi gien)
Kỳ 14
Bùi Ngọc Tấn
Ngồi với các bậc huynh trưởng, Hằng Thanh mỏng mày hay hạt, bẽn lẽn như một thiếu nữ, chỉ biết cười. Chúng tôi ký vào vỏ chai uýt-xki đã cạn và giao cho Luyến đem về làm kỷ niệm. Chúng tôi tra hỏi Hằng Thanh về đề tài luận văn thạc sĩ của Hằng Thanh. Hằng Thanh nói:
– Em làm về Kiều.
Chẳng biết Tạo nói hay rượu nói:
– Luận văn về Kiều của em phải nói đến bao cao su. Không có là thiếu. Đấy, Kiều lăn lóc là như thế nhưng có mang bầu đâu.
Phải đến ba giờ chiều bữa ăn mới kết thúc. Trở về Hải Phòng tôi càng mong sách ra hơn lúc nào hết và lại cố quên thời gian bằng cách viết tiếp, cầy tiếp bài viết về Nguyên Bình, cố vượt qua đoạn khó nhất: Bình hoàn toàn từ bỏ công việc viết lách và cả chuyện ái ân, như một tu sĩ rời bỏ cõi đời, đi vào một lĩnh vực mà tôi mù tịt, với những thuật ngữ như khí công động, khai mở luân xa, chữa bệnh từ xa, rồi khơi dậy những tiềm năng của con người để sống, để tự chữa bệnh… Nhất định không nghĩ đến tập tiểu thuyết của đời mình chắc giờ đây đang được vận hành trong dây chuyền của nhà in, và lúc nào cũng nơm nớp một sự cố nào đó xẩy ra, một tin tức rụng rời nào đó sẽ đến. Thì lại có điện thoại. Chuông reo. Chuông reo vào lúc mười giờ đêm. Chuông reo lúc đêm khuya bao giờ cũng làm tôi giật mình.
– Em đây.
Đã thuộc giọng Luyến, tôi càng hoảng. Chắc chắn tin tức chẳng lành. Mà chẳng lành thật.
– Em đánh mất ảnh của anh rồi. Cả hai ảnh. Em đưa xuống nhà in. Bây giờ người ta để đâu tìm không thấy.
Tôi nghĩ ngay đến chuyện khác còn quan trọng hơn ảnh. Không có ảnh, chẳng sao:
– Đoạn trích in ở bìa bốn còn không?
Tôi hỏi mà lòng lo ngay ngáy. Bởi vì đó là những dòng chữ đã được giám đốc Bùi Văn Ngợi ký duyệt và tôi sợ rằng khó được duyệt lại lần thứ hai.
– Còn. Em vẫn giữ đây. Cả chữ anh Ngợi ký. Để có sách sớm, sáng mai em phải có ảnh xuống nhà in. Chín giờ mai em chờ anh ở nhà xuất bản.
Tôi chấp hành lệnh Luyến vô điều kiện. May. Ảnh dự trữ tôi vẫn còn và vẫn nhớ nơi cất giữ. Sớm hôm sau tôi lên. Đó là một sáng Thứ Bẩy trước tết Canh Thìn. 23, 24 tháng Chạp gì đấy. Lại ô tô. Đường 5 đã là con đường đẹp nhất cả nước. Gió lọt qua khe cửa mở hé phía sau hất ngược lên. Buốt gáy. U cả đầu. Phải quay lại bảo người ngồi ghế sau đóng chặt cánh cửa kính. Trong ô tô “chất lượng cao” tôi cũng phải trùm cái mũ len tím than mới mua ở cổng nhà máy Len, kín mũi kín mồm kín tai chỉ để hở hai con mắt. Xe ôm năm đồng — nghìn. Thả tôi xuống 62 Bà Triệu. Lại mưa lắc rắc. Càng rét. Tôi lễ phép lột mũ, hỏi anh thường trực: Thưa anh, chị Lam Luyến từ sáng đến giờ đã đến đây chưa ạ thì được trả lời là chưa. Nhìn đồng hồ. 9 giờ kém 10. Cái đồng hồ của tôi có thể nhanh vài ba phút. Rét tím tái, run lập cập, tôi tạt vào một ngõ gần đấy tránh gió và hỏi bà hàng nước vỉa hè một chén nước trà nóng. Cầm chén trà, run. Nước sánh cả ra tay. Rét quá. Gió bấc thông thốc vào ngõ. Chén nước nóng trào xuống áo khi tôi đưa nó lên miệng. Không sao giữ yên được chén nước. Tay run. Chân run. Người run.
– Bà cho điếu ba số.
Tôi mới cai thuốc. Cai lần thứ bao nhiêu rồi. Đã quyết không hút lại nữa rồi lại hút. Điếu thuốc cũng chẳng làm ấm lên bao nhiêu. Đường Bà Triệu đã tấp nập hoa đào. Năm ấy đào nở sớm trong những ngày giữa tháng ấm áp, nên dù cuối tháng giở giời giá buốt Hà Nội vẫn đầy ắp hoa đào. Đào năm nay rẻ. Bà hàng nước nói vậy. Một người bán đào ghé vào quán nước trong hẻm chào tôi:
– Bác mua cho em. Hai mươi nghìn cây này. Em lấy rẻ cho bác. Đào này đào thế, có cả gốc. Bền lắm. Hết tết chưa tàn. Chơi tết xong đem ra vườn trồng, sang năm lại có hoa…
Tôi cười. Cám ơn người bán đào. Tôi lòng dạ nào chơi hoa. Tôi đang chờ một người. Gặp người ấy xong là tôi về Hải Phòng ngay. Tôi đang đánh một canh bạc. Tôi sắp thắng. Thắng hay bại như lần trước.
Hút tàn điếu thuốc, tôi lại đến nhà xuất bản. Anh bảo vệ nói Lam Luyến vẫn chưa đến. Nhưng cứ vào cơ quan thôi. Không lang thang ngoài phố nữa. Rét lắm.
Không đi thang máy, tôi leo từng bậc thang xây cho ấm người. Tới tầng 3, tầng dành cho nhà xuất bản Kim Đồng, tôi dừng lại vì có nhiều người đang làm việc ở hành lang. Định nói khó với họ, xin gọi điện nhờ tới Lam Luyến, nhưng ngần ngại. Tính tôi vậy. Rất ngại làm phiền người khác. Ngại nói khó với người khác. Cứ lên tầng trên, tầng 4, tầng của nhà Thanh Niên chờ Luyến cái đã. Tôi lên. Các phòng tầng 4 đều khoá im ỉm. Lại nhìn xuống hành lang tầng 3. Nhiều người đang đóng sách vào những bao dứa. Tôi lững thững đi quanh hành lang. Có tiếng nói phía sau:
– Anh chờ em lâu chưa?
Luyến. Luyến gọn gàng xinh đẹp trong chiếc áo da đen, má đỏ ửng vì rét. Tôi đưa Luyến hai tấm ảnh và cùng Luyến xuống thang.
– Anh ăn sáng chưa?
– Rồi. Ăn bánh mì trên ô tô rồi.
Tôi nói cho Luyến đỡ ái ngại:
– Anh định đến thăm anh Dương Tường một tí, nhưng thôi, bây giờ anh em mình đi uống nước rồi em đưa anh ra bến xe.
Luyến đèo tôi. Vào hiệu cà phê phố Lý Thường Kiệt. Hai màu nóng. Và ba số. Lại hút. Ấm. Hỏi tình hình in ấn. Luyến cho biết tập tiểu thuyết của tôi do kỹ thuật “vào gáy” nên chỉ in được bốn tờ một thôi. Không như tập Nhà Văn Hải Phòng Thế Kỷ 20. “Tập của anh phải huy động nhiều máy làm. Anh yên tâm. Đang in tập hai rồi. Bìa chỉ in một đêm là xong thôi.” Luyến khẳng định có sách trước Tết Nguyên Đán. Khi nào anh Đình Kính lên lấy sách Nhà Văn Hải Phòng Thế Kỷ 20, em sẽ gửi anh Kính mang về cho anh luôn. Cả hai quyển cùng một nhà in mà. Hiện nay tập một của anh đã đóng xong rồi. Tập hai đang in. In nhanh lắm. Anh không hình dung được đâu. Bây giờ anh về ngay à? Em đèo anh ra bến xe. Rồi em xuống thẳng nhà in.
Tách cà phê đặc được tôi và Luyến giải quyết rất nhanh. Chỉ mấy cái sụp. Luyến ấn cả gói thuốc ba số hút dở vào túi áo Phổ Nghi ngự hàn của tôi rồi đèo tôi ra bến. Lại găng tay. Lại mũ len kéo xuống tới cổ chỉ để hở đôi mắt nin-da. Trên đường Luyến bảo:
– Sao anh không vào thăm anh Dương Tường một tí.
Làm như vậy thì cái việc tôi đi Hà Nội vất vả, rét mướt không chỉ vì Luyến đánh mất ảnh mà còn là một chuyến đi thăm bạn. Tôi nói vui để phá tan nỗi áy náy của Luyến:
– Lấy chồng thôi Luyến ạ. Kẻo lại đánh mất hai chiếc ảnh này của anh là gay lắm đấy. Hết ảnh rồi.
Luyến cười:
– Lấy chồng nhưng có ai lấy mới lấy được chứ. Anh yên tâm. Đưa anh tới bến là em phóng thẳng xuống nhà in, làm bìa ngay. Chỉ đêm nay xong bìa.
Đang phóng xe chợt Luyến dừng lại. Lấy trong túi ra điện thoại di động đưa lên: “Tôi nghe”. Và:
– Vâng. Ảnh có đây rồi. Mười lăm phút nữa mang đến.
*
Một trăm bộ Chuyện Kể Năm 2000 đã nằm trên sàn gỗ căn phòng gác 2 của tôi, chấm dứt mọi nỗi lo. Thôi không lẩm bẩm câu thơ Trần Dần như một kẻ tâm thần nữa: “Chẳng cuộc tôm-bô-la vui nào mở trúng tên tôi.” Lẩm bẩm để chuẩn bị sẵn tinh thần đón nhận thất bại. Để có thể nói một hai câu, kiểu như: Mình đã biết trước mà. Cái sự khốn nạn này chẳng đến với mình thì đến với ai. Nhưng tôm-bô-la vui lần này đã mở trúng tên tôi! Tôi đã trúng số! Điều mình nghĩ không bao giờ sẽ xẩy ra đã xẩy ra, đã biến thành sự thật. Mọi lo âu chấm dứt. Bộ tiểu thuyết của tôi đã được in. Không phải quyển tiểu thuyết mà bộ tiểu thuyết. Non một nghìn trang! Hai tập! Ngày xưa khi mới vào nghề, xếp những quyển tiểu thuyết bộ ba như bộ Con Đường Đầu Khổ của Alexis Tolstoi mà khao khát biết bao giờ mình có trilogie, tiểu thuyết bộ ba như thế này. Không hiểu Con Đường Đầu Khổ của A.Tolstoi có chân thực không khi ánh sáng dẫn dắt văn chương thời đại ấy là hiện thực xã hội chủ nghĩa và bây giờ có còn ai đọc nó nữa không khi cuộc Cách Mạng Tháng Mười Nga, một cuộc thí nghiệm tốn nhiều thời gian, tốn nhiều mạng người đã thất bại. Tiểu thuyết của mình chắc chắn không dưới sự chủ đạo của bất kỳ lý thuyết nào ngoài lý thuyết Hãy thật giản dị và chân thực.
Hai trăm quyển Chuyện Kể Năm 2000 để dưới sàn ngay cạnh giường nằm của vợ chồng tôi khiến tôi hoàn toàn mất ngủ. Sáng 26 Tết, biết Đình Kính ngày hôm sau sẽ đi Hà Nội nhận sách, tập Nhà Văn Hải Phòng Thế Kỷ 20 của Hội Văn Nghệ Hải Phòng, tôi đã nói với anh cho đi nhờ xe để nhận Chuyện Kể Năm 2000. Nhưng rồi anh xin được một chuyến xe ngay trưa hôm đó và đi, không thể chờ tôi.
Tất nhiên Kính sẽ chở sách về cho tôi nhưng tôi muốn được nhìn thấy hình dung diện mạo nó, muốn được chạm tay vào nó ngay trong nhà in, khuân nó từ nhà in lên ô tô sớm lúc nào hay lúc ấy. Và biết đâu cho đến phút cuối cùng xẩy ra sự cố gì đó, mình có mặt trên ấy cũng kịp nhìn thấy nó, kịp chạm tay vào nó, và giấu đi được mấy quyển — bằng bất kỳ giá nào cũng phải giấu đi được mấy quyển.
Suốt ngày 26 Tết năm Canh Thìn ấy tôi không liên lạc được với Kính mà chỉ gọi cho Luyến được thôi. Luyến động viên tôi:
– Chắc chắn anh Kính phải gặp em. Anh yên tâm. Em sẽ gửi anh Kính về cho anh 100 bộ.
Tất nhiên Kính sẽ chở sách về cho tôi. Kính luôn hiểu những thiệt thòi của tôi và muốn tôi sẽ được bù đắp một phần dù rất nhỏ. Chính anh đã kéo tôi đi dự trại sáng tác Quân Đội Đồ Sơn và cũng chính anh giục tôi đưa bài viết Thời Trai Trẻ Đã Qua, sản phẩm tôi viết trong trại lên dự thi cuộc vận động sáng tác 2 năm 1998–1999 Viết Trước Giao Thừa Thiên Niên Kỷ của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội và tôi đã đoạt giải thưởng. Nhưng bồn chồn. Chẳng biết làm gì. Quanh quẩn. Lại gọi điện cho Luyến. Lần này câu trả lời của Luyến làm tôi reo lên.
– Khoảng bẩy, tám giờ tối nay anh đến Hội Văn Nghệ Hải Phòng nhận sách.
Chỉ còn một khúc đường rất ngắn nữa thôi. Cầu sao mọi việc suông sẻ. Cơm tối xong, tám giờ tôi đạp xe lên Hội Văn Nghệ bởi tôi nghĩ nhanh nhất cũng phải giờ ấy Kính mới về đến Hải Phòng. Đường phố giá buốt gió bấc ào ào từng đợt như những lưỡi dao cạo bào trên da mặt nhưng vẫn rất đông người đi sắm tết. Đào, quất, hoa các loại đã ngàn ngạt hai bên đường Trần Hưng Đạo, suốt từ vườn hoa Kim Đồng tới tận Nhà Hát Lớn. Tết đến thật nhanh. Bao nhiêu cái Tết đã qua rồi. Lặp đi lặp lại. Cuộc sống con người là lặp đi lặp lại. Tập dần những thói quen. Thói quen mơ ước. Thói quen hy vọng. Thói quen thất vọng. Thói quen nói dối. Thói quen nghe nói dối. Thói quen sợ hãi. Thói quen gãi tai. Thói quen già đi. Thói quen tiếp nhận cái chết…
Dửng dưng với tất cả, người cũng như hoa, tôi lách qua những cành đào, tới cái cổng sắt đang đóng im ỉm của trụ sở hội. Đạp cánh cửa rầm rầm thay cho tiếng gọi bác bảo vệ đêm. Cũng chỉ định nhờ nếu sách về thì bác gọi điện cho tôi. Nhưng bác bảo vệ cho biết điện thoại không để ngoài. Điện thoại đặt trong phòng văn thư khoá chặt. Về nhà. Rồi lại lên. Lại về. Chẳng thấy xe, chẳng thấy người, chẳng thấy sách.
Mãi chín rưỡi mới nhận được điện thoại của Kính: Anh sang ngay nhà em lấy sách. Vội sang nhà Kính chênh chếch bên kia đường. Và rồi một xe xích lô sách đã nằm kề bậc tam cấp ngôi nhà tôi ở. Chia tay Kính không kịp nói một lời cảm ơn, một cái bắt tay. Chỉ im lặng hùng hục vác những bao tải với tốc độ nhanh nhất.
Lại im lặng khuân sách lên thang. Không thể vác cả bao mà khuân từng dây sách. Những dây sách bọc kín vuông thành sắc cạnh như những hộp gỗ cứng. Rất muốn bóc một dây ra xem nhưng thôi hãy bê lên gác đã. Bê càng nhanh càng tốt. Bê như những món hàng lậu có thể bị làm khó dễ bất kỳ lúc nào. Cùng khuân với vợ chồng tôi còn có Hải Hà, thằng cháu mới học lớp một của tôi. Nặng cong người nhưng cháu chạy rất hăng. Chúng tôi để cháu bê những dây sách thơ Dại Yêu của Lam Luyến nhẹ hơn — Luyến gửi tập thơ mới in về Hải Phòng bán. Nhưng cháu đâu có chịu. Cứ một lần ôm một dây Dại Yêu mà cháu nói Dại Yêu này là một lần cháu ôm dây sách của ông cháu, miệng nói Chuyện Kể Năm 2000 này.
Tất cả đã xong. Hải Hà đã về nhà ngủ. Đóng chặt cửa, tôi và vợ tôi hồi hộp rỡ hai dây sách. Dây tập một 15 quyển. Dây tập hai 20 quyển. Bây giờ mới được nhìn mặt sách. Chúng tôi và sách gặp nhau. Lần đầu tiên chúng tôi và sách gặp nhau. Lần đầu tiên tôi trông thấy vóc dáng, hình khối, mặt mũi của nó. Tôi im lặng và sách cũng im lặng. Một im lặng bình đẳng tự tin của sách. Nó không còn là bản thảo để tôi chữa, tôi gạch, tôi thêm, tôi ngoằng lên móc xuống, nó không còn là từ tim óc tôi, từ thân thể tôi, tay tôi kéo dài ra nữa. Từ nay nó có một cuộc sống riêng, độc lập với tôi. Nó đã bước vào đời. Nó hiện diện trên cuộc đời này, nó sẽ có mặt ở nhiều nơi hơn tôi và chắc chắn sống lâu hơn tôi.
Tôi không nhớ có ngửi thấy mùi mực in hay không, nhưng rõ ràng có hương vị của nguyên sơ và hạnh phúc từ hai trăm tập sách. Người đầu tiên tôi gọi điện báo tin là Nguyễn Công Nam, người đã chia xẻ sự mong đợi của tôi mấy hôm nay. Cú điện muộn làm anh hoảng. Nhưng anh đã reo lên trong máy. Chỉ một cú điện ấy thôi. Rồi úp máy. Sợ có sự cố gì chăng. Điện thoại lúc nào cũng bị nghe lén.
Ước nguyện của tôi đã thành sự thật. Cuối cùng sau bao năm tháng chờ đợi, cặm cụi lần giở đọc đi đọc lại chồng bản thảo viết bút bi, mơ ước đến lúc sách được in, được xuất bản để tự động viên mình, vượt qua bao mệt mỏi, kiên nhẫn bò từng chữ, ngẫm ngợi từng từ, từng ý, từng câu, vượt qua chính mình để có thể đưa được cuộc đời vào trang sách đến với mọi người.
Cầm bộ sách, tôi lật trang bìa một, trang bìa bốn. Tôi lật trang đầu, sau trang bìa lót. Trắng tinh. Ở trang này trong bản thảo của tôi là những dòng đề tặng:
Kính dâng cha mẹ giờ đây khuất núi
Tặng: vợ con
các anh chị
bè bạn
Tôi lấy bút ghi lại lời đề tặng của tôi với song thân tôi đã khuất vào một bộ. Bố tôi mất đã mười lăm năm. Mẹ tôi, mười năm. Mẹ mất hơn một tháng tôi bắt đầu viết văn trở lại để mấy tháng sau khởi công viết bộ sách này. Tôi đề tặng vợ tôi, người mà nếu không có nàng thì cũng chẳng có cuộc đời tôi như vốn có và cũng chẳng thể có bộ tiểu thuyết này.
Và đề tặng ông Hoàng Hữu Nhân, người mà tất cả những gì gia đình tôi, nghĩa là vợ chồng tôi, các con tôi có được đều gắn với sự giúp đỡ của ông, người thay đổi đời tôi, người thay đổi thơ tôi ([1]), nhưng ông không còn nữa. Ân nhân của tôi. Ông mất đầu tháng 10 năm 1999. Tôi lên Hà Nội dự ngày truyền thống Đội Thanh Niên Xung Phong tiếp quản Thủ Đô thì nghe tin ông mất. Quá đột ngột. Lần gặp ông hai tháng trước tại nhà ông, ông còn khoẻ mạnh. Vũ Tín một chân thật, một chân giả đèo tôi trên chiếc Chaly đến gặp ông. Ông nghỉ họp chi bộ để tiếp chúng tôi. Ông vẫn rất linh lợi ở cái tuổi 79 khi ông ra đi — Cha tôi cũng mất ở tuổi 79. Ông kể về những kiến nghị ông gửi Bộ Chính Trị, gửi Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, gửi tổng bí thư Lê Khả Phiêu đề nghị bỏ ngay “cái quyết định kỳ quái 19 điều cấm đảng viên mà anh Phạm Thế Duyệt ký…” Ông nói vụ — nổi lên của nông dân — Thái Bình là cái phúc của đảng. Nó báo động cho đảng tình trạng cường hào, mất dân chủ ở nông thôn… Ông nói cuộc đấu tranh tư tưởng trước thềm đại hội 9 còn căng hơn đại hội 6 rất nhiều. Chúng tôi hiểu rằng có bao nhiêu người như ông dù đã hưu trí nghỉ ngơi nhưng vẫn đầy tâm huyết với Dân, với Nước. Chính ông cũng đã có lần nhẩy lầu tự tử. Một cuộc khủng hoảng trong ông? Sức khoẻ ông suy sụp. Mắt ông mờ. Không đọc được. Nhưng ông vẫn nhận ra tôi. Và khi biết mức lương hưu của tôi quá thấp, ông vẫn viết một bức thư dài gửi chủ tịch thành phố đề nghị nâng lương cho tôi — tất nhiên đề nghị của ông không được giải quyết. Trong lần trò chuyện cuối cùng với ông, tôi rất vui mừng thấy mắt ông đã sáng trở lại, sức khoẻ ông phục hồi trở lại. Ông kể cho chúng tôi nghe thời gian ông làm bí thư tỉnh uỷ Nam Định, kết hôn với chị Hoàng Thị Chí vợ ông bây giờ là người công giáo, Hồ chủ tịch không những đồng ý còn bảo phải làm lễ ở nhà thờ, và ông theo đạo thì càng tốt. Thế là ông theo đạo. Tôi hỏi:
– Tên thánh của anh là gì?
– Tên thánh của mình là Phê-rô.
Tôi và Vũ Tín cùng thốt lên:
– Phê-rô Hoàng Hữu Nhân!
Cả ba chúng tôi cùng cười. Ông kể chuyện đám cưới của ông vừa ở trụ sở Uỷ Ban vừa ở nhà thờ có đông đủ các đồng chí lãnh đạo, các đoàn thể, cha cố và các con chiên… Chúng tôi như cùng sống lại thời tổng khởi nghĩa cướp chính quyền năm 1945, thời mà Dương Thụ đã nói một cách rất dễ hiểu là thời Việt Minh chứ chưa phải thời Việt Cộng. Cái thời cách mạng trứng nước, phải rất mềm dẻo để tập hợp thêm lực lượng. Cái thời đảng không thể thực hiện chuyên chính vô sản như bây giờ. Cái thời dân là vô cùng quan trọng, trí thức là vô cùng quan trọng… Cũng may còn được gặp ông cả buổi chiều hôm ấy. Chưa bao giờ chúng tôi chuyện với nhau lâu như thế. Và thành thật như thế. Tôi bảo ông:
– Nói thật với anh, nhân dân không quan tâm đến đại hội đảng của mấy ông bàn những gì đâu. Tôi ở cơ sở tôi biết. Họ đặt tên cho các ông là Nguyễn Y Vân, vẫn y nguyên đấy. Những điều cấm đảng viên anh vừa nói có vi phạm hiến pháp không? Chính đảng đã cấm đảng viên không được thực hiện hiến pháp.
Và nhắc lại nhận xét của tôi về ông:
– Anh như con gà giữa đàn vịt. Đứng đâu cũng trơ ra.
Biết đám tang ông được theo dõi rất chặt chẽ và không muốn xuất hiện ở những nơi đông đúc, nơi có nhiều yếu nhân, tôi đến viếng ông tại nhà.
Chị Chí vẫn nhận ra tôi. Tôi thắp hương trước ảnh ông — lúc đó chưa lập bàn thờ — nói lời vĩnh biệt ông, khấn ông phù hộ cho bộ tiểu thuyết của tôi được xuất bản. Ngày ấy chưa ký hiệp định thương mại. Ngày ấy tôi vẫn còn chờ…
Cầm bộ Chuyện Kể Năm 2000, tôi nhớ lại tất cả và ghi lời đề tặng ông trên trang bìa trong: Kính tặng anh Hoàng Hữu Nhân, ân nhân của tôi. Kính tặng chị Hoàng Thị Chí và gia đình.
Sau đó là liên miên đề tặng. Trước tiên là những người bạn quen ở Hà Nội để nhờ Đỗ Quang Hạnh cầm lên sớm mai — Thật may có Đỗ Quang Hạnh từ Hà Nội về. Anh mang cho tôi quyển Đêm Tháng Mười, tập truyện ngắn của tôi in năm 1962 có chữ tôi ký tặng nhà văn Đỗ Quang Tiến, thân phụ anh, người bạn vong niên đã mất của tôi. Và những bạn ở Hải Phòng. Rồi không ghi nữa. Nhìn sách. Nhìn nhau và ôm lấy nhau. Rồi tắt đèn đi nằm vì không bao giờ được để chung quanh biết nhà mình có việc thức khuya. Suốt ngày với công việc nội trợ, chỉ lát sau vợ tôi đã ngủ. Tôi nắm nhẹ tay vợ, thì thầm trong óc: Anh đã làm được một việc phải làm trong cuộc sống của chúng ta. Tôi nhớ lại thời gian chúng tôi sống cùng nhau trước khi bị bắt. Mười năm đầu tiên chung sống thật hạnh phúc và cũng thật ngắn ngủi, chỉ là một cái hôn dài giữa chúng tôi. Tôi nhớ lại những ngày đêm, tháng, năm tăm tối ghê rợn trong tù như mới vừa trải qua, còn bỏng dẫy sau lưng. Tôi như nhìn thấy bóng dáng nhỏ bé của vợ lang thang các chợ dọc đường dạm bán chiếc bút Trường Sơn được cơ quan phân phối và mấy bành thuốc lào bố mẹ cho để thêm tiền đi tiếp tế cho tôi.
Tôi ước ao cha mẹ còn sống để đỡ buồn về thằng con út là tôi. Lúc nào tôi cũng cảm thấy mình là một đứa con bất hiếu. Tôi nhìn thấy cha tôi ngồi trên phản khi tôi còn bé tí. Tôi ngồi trong lòng cha. Trời mưa. Mưa chéo. Gió thổi rạp ngọn tre. Lá tre lá bòng bay trên sân ướt đẫm nước. Sấm chớp ầm ầm. Cha tôi nắm hai bàn tay tôi vái vái và tôi nói theo cha: Cháu lạy ông Giời, ông đừng sấm ù nữa. Lớn hơn tí nữa, là giọng ngâm thơ của cha tôi: Bác Dương thôi đã thôi rồi / Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta. Và những câu đối khiến tôi cứ nghĩ mãi về những người đầu óc tuyệt vời chỉ trong giây lát đã sắp xếp những lời nói bình thường bên nhau hay đến thế: Bạch tửu hồng nhân diện / Hoàng kim hắc thế tâm. Hay Nghển cổ cò trông bảng không tên trời đất hỡi văn chương xuống biển / Lủi đầu cuốc về nhà gọi vợ mẹ đĩ ơi tiền bạc lên giời. Còn Gió dựa tường ngang lưng gió phẳng / Trăng nhòm cửa sổ mắt trăng vuông làm tôi kinh ngạc về con mắt nhìn gió nhìn trăng của các cụ ngày xưa. Hay vế câu đối Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi bên cửa sổ song song cứ vương vấn mãi trong đầu óc non nớt của tôi, nó khiến tôi lờ mờ cảm được vẻ đẹp và sự uyển chuyển của ngôn ngữ từ những ngày xa xưa ấy.
Tôi nghĩ đến những ngày trong tù ăn cơm với muối vì rau muống chưa được hái vỡ còn su hào đã hết từ lâu mà nhớ đến cha. Cha tôi gọi rau muống là cố tri thảo, thứ bạn cố tri của người, rất ít khi vắng mặt. Thế mà bạn cố tri ấy cũng bỏ chúng tôi. Cha tôi gọi thịt bò là quân tử vị, chỉ ngày tết chúng tôi mới được trại cho ăn quân tử vị dù nó là thịt trâu già ốm. Ăn mà nhớ đến giọng nói của cha khi mẹ lên tận chợ Thanh Lãng mua thịt bò về nấu rau cần: Bữa nay lại có quân tử vị. Rồi những lời dạy của cha tôi mà tôi đã đưa vào tiểu thuyết: Trung ngôn nghịch nhĩ. Hoạ tự khẩu xuất, bệnh tòng khẩu nhập, kỷ sở bất dục vật thi ư nhân. Cả những câu thông thường, những kinh nghiệm cuộc sống hằng ngày: Đăng cao viễn chiếu, Thủy bất cận thư…
Nếu bố mẹ còn sống đến hôm nay… Đã có lần lâu lắm rồi, khi tôi còn trong tuổi hai mươi, từ Câu Tử đạp xe sang Hải Phòng thăm tôi, qua phà Bính, nhìn thấy một người đang cầm tập sách của tôi đứng trên phà, cha đã kiêu hãnh, niềm kiêu hãnh thầm lặng về tôi…
Tôi quặn lòng nghĩ đến mẹ, khi đưa tiễn cha trở về nhà, áo xô khăn xô côi cút, sang nhà anh Châu tìm mẹ — mẹ đã được đưa sang đấy khi tổ chức tang lễ bố — thấy mẹ ngồi một mình trên giường, tay ôm mấy chiếc quần áo nâu cũ sờn bạc thấm mồ hôi của bố. Thằng cháu Thái, con anh Thành tôi nắm tay bà, an ủi bà:
– Đám ông to lắm bà ạ. Cả huyện đến đưa ông.
Hai giọt nước mắt lăn trên má mẹ.
Và tiếng mẹ nhẹ như tiếng gió:
– Đám to mà làm gì. Người có còn đâu…
Tôi nghĩ đến bờ tre nhà tôi khi tôi còn bé và đau đớn vì mảnh đất chôn nhau cắt rốn, mảnh đất của tuổi thơ thần tiên ấy đã thuộc về những người xa lạ khi cải cách ruộng đất và khao khát đến buốt lòng một lần được tha thẩn trên mảnh đất như là xương máu đó. Đứa bé con quanh quẩn trên mảnh đất, trong bờ tre ấy đã lớn lên, đã đi ngang dọc đất nước mà nó yêu say đắm, đã chịu mọi đắng cay và trở thành nhà văn đang thao thức đêm nay với tác phẩm của đời mình… Gần như suốt đêm không ngủ và khi thấy trời rạng dần, tôi trở dậy lấy túi ra đóng gói, mang sách đến khách sạn Hữu Nghị trao cho Đỗ Quang Hạnh đang chuẩn bị ra tầu. Có vẻ như đã có một dư luận về tập tiểu thuyết của tôi, hứa hẹn một “thành công đặc biệt” như Hứa Văn Định dự đoán khi anh còn sống.
Nhận sách của tôi từ tay Đỗ Quang Hạnh mang về Hà Nội, Thụy Kha đọc xong trước giao thừa và viết ngay một bài thơ tặng tôi, một bài thơ khai bút viết liền một hơi:
tôi ăn một cái tết Bùi Ngọc Tấn
sột sệt những miếng đời ngây trong
sột sệt những miếng tù lờm lợm
thật kinh sợ một thứ tù không án
không án xà lim không án ngoài đời
thật phi thường chịu đựng
phi thường những con người ác hơn cái ác
nhẫn nhục tồn tại phi thường những con người
những con chữ anh như xương hóc
không tồn tại làm sao nói được với hôm nay
về một thời không án
con người cầm giữ nhau trong ảo tưởng vòng vây
không tồn tại làm sao biết mình đã sống như chết
và từ cái chết hồi sinh
làm sao biết cõi nhân gian bé thế
làm sao tin không có gì giết chết niềm tin
những con chữ anh từ quá vãng bùn lầy nở cùng
hoa ngày tết
đỗ quyên hồng đào hồng dơn hồng
bỗng dơn trắng như không…
Khai bút năm Canh Thìn
Viết tặng anh Tấn
NGUYỄN THỤY KHA
Và sau đó là thư Lại Nguyên Ân:
Hà Nội ngày 17 tháng 2 năm 2000
Anh Tấn quý mến,
Rất cám ơn vì được anh cho sách, mà lại là cuốn gan ruột của anh. Đang đọc, rất thích, vội ghi vài dòng chia vui với anh về sự lọt-lòng-chào-đời tác phẩm rất thích này. Cầu mong tình thế chung khá hơn để cái đời chính thống cũng biết chấp nhận cuốn sách này.
Xin lỗi anh vì viết ngắn cho anh.
Mừng quá, mừng lắm. Và thích lắm, dù mới chỉ đọc một đêm xong quyển 1. Chúc anh chị và các cháu sức khoẻ, hạnh phúc.
Tiếc là không được gặp anh, chắc anh vui lắm. Niềm vui rất lớn, không phải chỉ của anh mà còn của chung nhiều anh em cùng chí hướng, tâm huyết với văn hoá dân chủ nước nhà.
Tin là anh sẽ đứng vững nếu sau buổi chào đời, cuốn sách có thể gặp nhiều sóng gió. Một lần nữa cảm ơn Anh. Cảm ơn Chị. Có lẽ nhờ có Chị mà mọi điều “vô ngôn” đã thành lời, qua ngòi bút anh đến với mọi người.
Cảm ơn Anh, cảm ơn Chị, và cả các cháu con anh chị nữa. Mong cả nhà vui trọn vẹn niềm vui này.
Thân kính
LẠI NGUYÊN ÂN.
Lại Nguyên Ân. Một người tôi vẫn nghe tên và quý mến. Trong những lần đến nhà xuất bản Hội Nhà Văn nơi anh làm việc, gặp anh, chào anh nhưng chưa một lần trò chuyện. Nhưng tôi biết anh là người tâm huyết, thiết tha với từng bước nhích lên của nền văn học nước nhà, là một nhà nghiên cứu phê bình văn học rất có trách nhiệm với công việc của mình. Bức thư anh dù rất ngắn, viết rất tức thời, chỉ là ghi vội cảm xúc khi mới đọc xong một nửa tập sách, vẫn cứ trào lên niềm vui kìm nén, niềm vui rất lớn, không phải chỉ của anh, mà còn của chung nhiều anh em cùng chí hướng, tâm huyết với nền văn hoá dân chủ nước nhà. Anh hiểu đằng sau tập sách không chỉ là tôi mà còn cả vợ tôi. Có lẽ nhờ chị mà mọi điều “vô ngôn” đã thành lời, qua ngòi bút anh đã đến với mọi người. Có biết bao điều vô ngôn. Những điều vô ngôn trùm lên tất cả, len vào từng tế bào thần kinh nhức nhối khiến ai cũng thấy cần phải nói ra nhưng chưa được nói ra. Anh không chỉ cảm ơn tôi, vợ tôi mà cảm ơn các con tôi nữa. Anh hiểu đằng sau những con chữ của tôi là máu là nước mắt của vợ con tôi.
Mong cả nhà vui trọn vẹn niềm vui này.
Đúng là chúng tôi đã có mấy ngày vui trọn vẹn. Lại Nguyên Ân đã lường trước những khó khăn sóng gió và cầu mong tình thế chung khá hơn để cái đời chính thống cũng biết chấp nhận cuốn sách này.
Cái đời chính thống là thế nào chúng tôi đều biết.
Lại Nguyên Ân biết. Tôi biết. Ai cũng biết cái “tình thế chung” “cái cuộc đời chính thống.” Nên lo. Lo nhưng vẫn hy vọng. Cố hy vọng. Gạt mọi lo lắng đi mà hy vọng. Nghĩ đến những vận động, những bước đi lên của cuộc sống mà hy vọng. Vui được ngày nào cứ vui. Cái gì đến sẽ đến. Lo nghĩ trước mà làm gì. Cho đến bây giờ đã có một niềm vui không ai tước đi được của tôi: Niềm vui được chia xẻ. Niềm vui sức lao động của mình, suy nghĩ của mình, tư tưởng của mình đến với mọi người.
Dương Tường đã đọc một lần khi nó còn là bản thảo. Giờ đây, đọc lại một lượt cả hai tập, anh ôm tôi hôn và nói:
– Ông đã hoàn thành nhiệm vụ trước bản thân, trước vợ con, bố mẹ gia đình, trước văn học, trước các bạn tù, trước bạn đọc, trước dân tộc rồi.
Hoàng Hưng từ thành phố Hồ Chí Minh gọi điện ra. Chỉ nghe giọng nói cũng đủ biết anh mừng như thế nào:
– Đọc rồi. Một mạch. Chúc mừng. Nhiều chỗ khóc. Đến dòng cuối cùng bút lực vẫn như dòng đầu tiên. Solzhenitsyn xách dép! ([2])
Ngay sau đó là giọng chị Mười, vợ Hoàng Hưng cũng vui không kém:
– Em một tập nằm trên đi văng. Anh Hưng một tập nằm dưới sàn. Đứa này thấy đứa kia cười rinh rích lại ngừng đọc, hỏi cái gì mà cười thế. Thế là lại đọc lại cả đoạn để cùng nghe. Chốc lại một đứa cười, lại bảo nhau đọc lên nghe cùng.
Hoàng Hưng đã qua ba năm tù không án hẳn là thông cảm với tôi. Anh đọc tập sách với kinh nghiệm của một người đã nằm xà lim, đã đi tập trung cải tạo, gí cái bọp như ngôn ngữ của chúng tôi. Qua điện thoại xa hàng nghìn ki-lô-mét, tiếng Hoàng Hưng đầy phấn hứng:
– Đọc sách của anh, nhiều người bảo tôi: Viết tiểu thuyết đi ông Hưng ơi. Tôi bảo chịu thôi. Mình quen với kiểu suy nghĩ của một người làm thơ, không tích cóp được nhiều chi tiết như ông Tấn viết văn xuôi. Chỉ mơ mơ màng màng thôi. Làm mấy câu thơ vớ vẩn thì được. Viết tiểu thuyết thì chịu.
Sao lại mấy câu thơ vớ vẩn. Tôi thầm cãi lại Hưng. Có khi một câu thơ của Hưng đánh đổ hàng chục trang tiểu thuyết của mình. Mình đã cố diễn đạt cảm giác sau năm năm tù trở về xã hội. Lạc hậu. Lạc lõng. Xa lạ với tất cả. Lớp trẻ đã lớn lên. Mà lớp trẻ con xuất hiện sau này khi mình đi tù về không chơi những trò chơi của lớp trước nữa, chúng chơi những trò chơi khác, nói những câu cửa miệng khác. Khi mình đi tù chưa có cái quần bò, áo bò, thứ quần áo Nguyên Bình giảng cho mình là phải đem mài cho nó sờn rồi mặc. Khi mình đi tù chưa có từ “trấn lột.” Bây giờ đâu đâu cũng nói “trấn lột.” Những bài hát phổ biến đã thay đổi. Những câu hát xuyên tạc của trẻ con cũng đã khác. Mình thấy rất lạc lõng. Chỉ mấy chữ của Hưng thôi nói được tất cả điều mình nghĩ: Tù về lạc thế kỷ.
B.N.T.
([1]) Tên một bài thơ của Chế Lan Viên.
(2) Tôi đã thay chữ xách dép bằng chữ giả về tiền trong lần nháp đầu tiên. Nhưng rồi thấy tốt nhất nên ghi lại đúng như Hoàng Hưng gọi điện. Nó phản ánh sự vui mừng bồng bột lúc ban đầu của anh. Với Quần Đảo Goulag, một tập sách tổng hợp về tình trạng phản dân chủ, về các trại tập trung, các nhà tù Xô Viết, Solzhenitsyn sừng sững trước mặt tôi như biểu tượng của lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm của một nhà văn với nhân dân, với con người, với cuộc sống.
(Xem tiếp kỳ sau)