Ký của Đinh Quang Anh Thái (kỳ 5)

Đỗ Ngọc Yến, con người bí ẩn

(Tháng Tám 2006)

Đỗ Ngọc Yến 2

“Around the World in Eighty Days” (Vòng Quanh Thế Giới Trong 80 Ngày), là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Jules Verne. Nhân vật chính trong chuyện là Phileas Fogg. Tác giả mô tả nhân vật này: “Phileas Fogg, an enigmatic personage, of whom nothing was known but that he was a very polite man, successful man, one of the most perfect gentlemen, and one of the great orators”.


Nếu thay tên nhân vật Phileas Fogg bằng Đỗ Ngọc Yến, thì đoạn văn trên có thể dịch thoát nghĩa: “Đỗ Ngọc Yến là một người bí ẩn. Ông lễ phép, vô cùng lịch lãm, thành công và có tài biện thuyết. Thế thôi, ngoài ra, không ai biết gì hơn về con người này”.

Lễ phép: Anh Đỗ Ngọc Yến là người rất lễ phép, thậm chí có nhiều trường hợp, ngay cả với những người không đáng, anh cũng lễ phép đến độ “đau lòng”. Nhiều người không hiểu, cho rằng anh theo chủ thuyết “hòn bi”, nghĩa là tròn trịa, không muốn làm mích lòng ai. Thực ra, bản chất anh là người lễ phép, hiểu theo nghĩa đẹp nhất của cung cách ứng xử này. Tuy nhiên, lúc cần phải “chém đinh chặt sắt”, anh Yến cũng cương quyết lắm. Nhất là trong những trường hợp cần bảo vệ điều anh cho là đúng.

Lịch lãm: Từ điển của Đào Duy Anh định nghĩa “lịch lãm là hiểu biết rộng, do từng trải”.

Người ta nhận ra ngay sự lịch lãm nơi anh. Anh biết nhiều, nếu không muốn nói là quá nhiều. Mà biết tường tận chứ không phải “cưỡi ngựa xem hoa”. Điều nghịch lý, xét về bằng cấp, bằng cao nhất của anh là… muôn đời sinh viên Văn Khoa. Kiến thức của anh do trường đời bám vào; nhưng anh đọc rất nhiều – một con mọt sách.

Thành công: Không ai phủ nhận được thành công của anh Yến, ít nhất là trong hai lãnh vực mà anh theo đuổi hơn nửa đời người, là hoạt động thanh niên và làm báo. Về sinh hoạt thanh niên, có thành có bại, nhưng anh đóng góp nhiều vô cùng, kể từ những năm còn là học sinh trung học thời thập niên 50 và chỉ từ bỏ khi anh nằm xuống. Trong lãnh vực báo chí, tờ báo Người Việt do anh dày công sáng lập và chăm nom, nay trở thành tờ nhật báo tiếng Việt lớn nhất bên ngoài nước Việt Nam.

Biện thuyết: Anh Yến khó có đối thủ. Khi cần phải trình bày một đề tài, anh phát biểu gãy gọn, mạch lạc, câu chữ được cân nhắc và chọn lựa kỹ càng. Nhưng đó là tài ăn nói thôi. Chứ còn khi viết, anh thường viết những mạch văn dài từ đầu đến cuối câu không hề chấm phẩy. Có lẽ vì thế mà anh ít viết. Tôi cố tìm những bài anh viết, họa hoằn mới thấy một bài, mà phải vất vả vô cùng mới hiểu anh muốn diễn tả điều gì.

Bí ẩn: Khỏi nói. Anh Yến bí ẩn quá đi thôi. Chẳng những bạn, mà thù cũng nghĩ về anh như thế.

Ðỗ Ngọc Yến trong mắt bạn hữu

Một trong những bạn thân của anh Yến là anh Trần Ðại Lộc nhận xét rằng, “Yến lạ lắm. Tôi chơi thân với Yến mấy chục năm, vậy mà vẫn còn mù mờ về tông tích của Yến. Có thể nói, Yến là người bí ẩn nhất của thế kỷ”.

Nhận xét nói trên, anh Lộc nói với tôi vào một đêm mưa trong căn nhà của anh ở Sài Gòn, sau năm 1975. Lúc đó, những người Cộng Sản vừa vào chiếm Sài Gòn, hai anh em tìm đến nhau để kiểm xem, anh em bạn bè, ai đi, ai ở, ai còn, ai mất. Nhắc đến anh Yến lúc đó đã di tản rồi, anh Lộc bảo, có hai người sinh hoạt cùng thời mà anh phục nhất, là Ðỗ Ngọc Yến và Ðỗ Quý Toàn. Vì sao ấy hả, anh Lộc giải thích, vì cả hai người có cái nhìn sâu sắc và viễn kiến, chứ hầu hết các anh em khác – anh Lộc bảo trong đó có cả anh – đều hời hời hợt hợt. Riêng anh Yến, anh Lộc còn nói, “Lạ lắm, học hành không ra làm sao cả, nhưng cái đầu của Yến là cái đầu của một giáo sư đại học, uyên bác, và đã biết điều gì thì biết đến nơi đến chốn.” Sau này, khi gặp lại anh Lộc trên đất Mỹ, anh vẫn nhắc với tôi suy nghĩ đó về anh Yến.

Anh Hà Tường Cát, một người bạn thiết khác của anh Yến thì có lối diễn tả “ghê khiếp” như sau về anh Yến: “Tôi có thể quả quyết rằng Yến không phải là Cộng Sản. Còn bảo Yến là CIA, là KGB, là cái gì khác thì tôi cũng ngờ lắm”. Biết anh Cát, thì hiểu rằng đó chỉ là một cách nói, nhằm cho thấy anh Yến bí ẩn lắm, ngay cả đối với bạn bè.

Nhà văn Mai Thảo lúc sinh thời có lần nhận xét về anh Yến, rằng “Hành tung của Yến thì chỉ có Yến và ông Trời biết, chứ ai mà hiểu nổi.

Một người khác, anh Ðinh Bá Ái, hiện còn ở quê nhà, có lần nói với tôi, “Yến đi đâu cũng lọt, từ các bộ sở của chính phủ, các hội đoàn thanh niên, thậm chí cả với Nha Cảnh Sát, cũng không gặp vấn đề gì.”

Một lần tôi lên San Jose thăm Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, nguyên Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, ông Bình nói: “Yến lãnh tiền của Cục Tình Báo do tôi lãnh đạo.”

Với riêng tôi, tôi đã nhiều lần nghe anh “tiên đoán” trước một số việc sẽ xảy ra, mà nhiều việc liên quan đến thời thế. Và y như rằng, sự việc cứ thế tuần tự diễn ra. Tôi từng tự hỏi, làm sao anh biết trước những việc đó. Nhưng rồi để tự tạo an tâm cho mình, tôi cho rằng, cũng do sự lịch lãm của anh mà thôi, chứ không “ghê khiếp” như cách nhận xét của anh Hà Tường Cát.

Ðỗ Ngọc Yến trong mắt thù

Khi đặt bút viết bài này, thoạt đầu, tôi tính đặt tựa bài là “Cộng Sản Hà Nội rất muốn có bộ trống làm bằng da Ðỗ Ngọc Yến”.

Thật thế, tôi có bằng chứng cho thấy, anh Yến mà không nhanh chân vào những ngày cuối của tháng Tư năm 1975, thì chắc chắn anh sẽ bị Cộng Sản… lột da.

Tội gì ư? Tội “làm CIA”.

Tôi còn nhớ, ngay đêm đầu tiên trong lần bị bắt thứ nhất, lúc đó là tháng Tám, 1975, Hai Tải, một sĩ quan công an phụ trách hồ sơ của tôi, đã xấn xổ hỏi tôi về Ðỗ Ngọc Yến. Y quăng vào mặt tôi cuốn Nối Vòng Tay Lớn, tập kỷ yếu ghi lại mọi sinh hoạt của Văn Phòng Liên Lạc Sinh Viên Quốc Nội Và Hải Ngoại 1973. Chương trình này do anh Yến làm Ðiều Hợp Trưởng. Lúc đó, tôi mới vừa xong trung học và được giao vai trò Tổng Thư Ký. Hai Tải, thậm chí cả Năm Trà, Phó Giám đốc Công An Thành Phố, tra vấn tôi liên tục về Ðỗ Ngọc Yến. Họ lôi ra những sự kiện mà họ cho là “thành tích chống phá cách mạng của tên tay sai Mỹ – Ngụy, Ðỗ Ngọc Yến” và bắt tôi viết lời khai về mối quan hệ giữa hai người.

Tôi còn nhớ lời Năm Trà chì chiết: “Trong lúc đảng và nhân dân từng bước một giành thắng lợi trong cuộc chiến chống Mỹ, tên đế quốc lâu đời, tên sen đầm già nua của thế giới, thì Ðỗ Ngọc Yến đã làm tay sai cho chúng để tìm cách phá hoại nỗ lực của cách mạng”. Năm Trà còn nói, Ðỗ Ngọc Yến nguy hiểm hơn rất nhiều thành phần khác của chế độ miền Nam, vì “ẩn dưới chiêu bài hoạt động thanh niên sinh viên để chống Cộng.”

Khoảng đầu năm 1976, báo Sài Gòn Giải Phóng của Cộng Sản còn đăng loạt bài “Ðỗ Ngọc Yến là ai?”, trong đó, ngoài những chi tiết thật về vai trò của anh Yến trong phong trào thanh niên miền Nam, còn có những chi tiết dựng đứng, thêu dệt nhằm thuyết phục độc giả tin rằng, Đỗ Ngọc Yến là sản phầm của tình báo Mỹ.

Hai lần bị bắt sau, công an đều hỏi cung tôi rất nhiều về anh Yến.

Cộng Sản nghĩ về anh Yến như thế. Còn một số người Quốc Gia không ưa anh thì cho rằng, anh là Cộng Sản. Có thời, tính mạng anh còn bị đe dọa do một số người vu cho anh “thân” Hà Nội.

‘Ðỗ Yến, cháu Ðỗ Mười’

Ðây chỉ là chuyện hoàn toàn đùa giỡn, thuần túy là sản phẩm của trí tưởng tượng và do lỗi… tại tôi mọi đàng.

Chả là, lúc Ðỗ Mười vừa lên làm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, báo Người Dân, xuất bản ở Nam California, có một buổi họp mặt một số anh em trong giới hoạt động để trao đổi với nhau những ưu tư thời cuộc.

Hôm đó, tôi ra vẻ “cực kỳ nghiêm trọng” và bí mật “một cách rất công khai”, nói với những người có mặt trong buổi sinh hoạt, “Này này, chỉ trong nội bộ chúng ta thôi đấy nhé, Ðỗ Ngọc Yến là cháu gọi Ðỗ Mười bằng bác đấy.” Ðợi cho mọi người buông đũa buông chén và hướng về phía mình, tôi tiếp tục, “Ðỗ Mười tên thật là Ðỗ Ngọc Mười, là anh ruột của ba anh Yến. Thời thanh niên, lúc bắt đầu đi theo Cộng Sản, Ðỗ Mười thấy đi làm cách mạng vô sản mà có tên lót ‘Ngọc’ thì có vẻ ‘tư sản’ quá, nên quyết định bỏ chữ Ngọc để chỉ còn là Ðỗ Mười. Còn anh Yến, lúc bấy giờ mới lớn, cũng theo bác Mười, bỏ chữ lót và lấy tên là Ðỗ Yến. Sau này, khi vào Nam, sợ cách gọi Ðỗ Yến có vẻ ‘vô sản’ quá, dễ bị công an nghi ngờ, nên lấy lại tên cũ là Ðỗ Ngọc Yến và dùng cho tới bây giờ.”

Chuyện diễu dở chỉ có vậy và ngay sau đó tôi quên đi. Ai dè, một tuần sau, tờ Việt Nam Hải Ngoại xuất bản ở San Diego do Luật sư Ðinh Thạch Bích chủ biên cho đăng trong mục phiếm luận bài viết “Ðỗ Ngọc Yến là cháu Ðỗ Mười”. Tôi gọi điện thoại hỏi anh Bích, anh cười ngặt nghẽo bảo: “Tớ chọc Yến chút cho vui ấy mà”. Ðúng là “Tướng núi Ðinh Thạch Bích” của thời kháng chiến chống Pháp trong chiến khu núi Bà Ðen của Trình Minh Thế vào những năm 1950.

Mãi sau này, vào năm 1994, một hôm có dịp đi cùng nhà báo lão thành Như Phong Lê Văn Tiến và anh Yến xuống thăm ông “Tướng núi”, anh Ðinh Thạch Bích nói trước mặt mọi người, trong đó có hai anh Lê Văn Thái và Chu Tử Kỳ, rằng: “Tớ đùa tí, Yến đừng để bụng nhé”.

Anh Yến có để bụng hay không, chỉ anh biết. Nhưng trên đường về lại Quận Cam, khi chỉ có ông Như Phong và tôi, anh Yến bảo tôi bằng một thái độ hết sức nhỏ nhẹ: “Kỳ sau Thái đừng đùa như thế nữa nhé”.

Ðánh trống bỏ dùi

Nhiều anh em bạn hữu của anh Yến thường nửa đùa nửa thật, anh Yến là chuyên viên “đánh trống bỏ dùi”, hàm ý chỉ bày trò rồi bỏ mặc mọi việc cho người khác. Thậm chí còn diễu, mỗi lần dọn nhà, anh Yến phải thuê cả một xe vận tải để… chở dùi trống trong garage.

Cũng đúng, và cũng sai.

Đã xảy ra ít nhất vài lần, với tôi là nạn nhân.

Năm 1973, trong một buổi họp của Văn Phòng Liên Lạc Sinh Viên Quốc Nội và Hải Ngoại, Ðiều Hợp Trưởng Ðỗ Ngọc Yến yêu cầu tôi làm một biểu đồ sinh hoạt hàng tuần của Văn Phòng để dùng cho buổi họp hôm sau. Hì hục cả ngày mới xong. Vậy mà đến lúc họp, anh Yến không hề đã động gì đến, và tỉnh như “ruồi”, y như không hề nói với tôi điều gì về “kế hoạch thuyết trình” này.

Một lần khác, lúc phong trào cứu người vượt biển lên cao độ, anh Yến bàn luận say sưa với tôi nhiều công tác lắm. Thế rồi đến giờ họp cùng các anh em khác, anh không xuất hiện. Tôi gọi điện thoại đến nhà thì mới biết, anh đang điềm nhiên coi tin tức truyền hình.

Những anh em cùng gắn bó với anh Yến từ thời thanh niên, và nhất là sau này ở hải ngoại, cùng tụ với nhau làm tờ Người Việt đều kinh nghiệm ít nhiều về những lần “đánh trống bỏ dùi” của anh Yến. Thậm chí có người còn nói, Yến thích bàn cứ để cho anh ấy bàn, còn làm thì “forget it”.

Nhiều, còn nhiều chuyện như thế đã xảy ra.

Đó là anh Yến. Nhưng quả đáng tội, đó cũng không hẳn là anh Yến.

Theo nhận xét của tôi, thực ra, anh Yến không hẳn là người đánh trống bỏ dùi. Vì nếu quả là như thế, thì các phong trào thanh niên mà anh có công gầy dựng đã không đạt được những thành quả đáng kể trong mấy chục năm qua, và báo Người Việt không ngày càng phát triển như hiện nay. Anh Yến là người có đầu óc chiến lược. Anh nhìn ra vấn đề và thảo luận với người khác. Còn việc thực hiện, “… not his business”.

Lại nhưng. Nhưng cũng còn tùy. Có những việc anh Yến lao vào và nhất định thắng cho bằng được. Những ngày khó khăn của tờ Người Việt, anh ngày đêm một mình lầm lũi chứng minh cho quyết tâm của anh. Tôi còn nhớ, ít nhất hai lần, anh Yến trách tôi: “Thái hay bỏ cuộc dở chừng, không chịu bám trụ vào một việc gì nhất định”. Lời nhận xét của anh Yến rất đúng, 20 năm qua, tôi lang thang hết từ việc này đến việc nọ, và có lẽ bây giờ mới định được cho mình một công việc đúng theo sở thích.

Đỗ Ngọc Yến 3

Người phụ nữ sau lưng

Câu nói hầu như ai cũng biết, “sau sự thành công của một người đàn ông, lúc nào cũng có bóng dáng một người phụ nữ”.

Trong trường hợp anh Yến, bóng dáng thấp thoáng đó là chị Loan, vợ anh. Tôi hiếm thấy người nào hiền với chồng như chị Loan. Tôi có thể nói chắc nịch, vào tay người đàn bà khác, anh Yến chắc chết. Tức là chết là cái chắc. Một cách bỗ bã bình dân, “Chỉ có Giời mới chịu nổi ông ấy”.

Còn nhớ một buổi chiều năm 1974. Lúc đó, trụ sở Văn Phòng Liên Lạc Sinh Viên Quốc Nội và Hải Ngoại đã dọn từ đường Tự Do về số 19 Kỳ Ðồng. Hôm đó, tôi có việc phải ghé ngang báo Ðại Dân Tộc để gặp ký giả Mai Phương, bút hiệu của anh Yến. Tôi báo cho anh biết về buổi sinh hoạt sẽ diễn ra tại trụ sở Văn Phòng vào buổi tối. Anh bảo đã lỡ hẹn đưa chị và các cháu đi ăn tối rồi đi coi xinê. Tôi bảo, vậy anh cứ về nhà đi, đừng bận tâm về buổi sinh hoạt.

Vậy mà, chương trình vừa bắt đầu, đã thấy anh lò dò đến. Hôm đó, tất cả anh em cùng tham dự đêm không ngủ tại trụ sở. Sáng hôm sau, mới bảnh mắt, Sài Gòn vừa dứt giới nghiêm thì chị Yến tới tìm. Chị thấy anh Yến phong phanh mỗi chiếc áo may ô, nằm cuộn tròn dưới đất, bên cạnh những anh em khác. Anh Yến bật dậy, lẳng lặng ra về trên chiếc Suzuki màu đỏ.

Một lần khác, ở hải ngoại, vào năm 1994, lúc đó tôi đang sống bằng nghề lái taxi ở Hawaii. Từ “hoang đảo” trở về đất liền chơi, tôi được tin một huynh trưởng thanh niên và bạn thân của anh Yến là anh Trần Ðại Lộc cùng gia đình đang trên đường sang Mỹ định cư, và chuyến bay sẽ xuống Houston, Texas, trong hai ngày tới. Thế là các anh Ðỗ Quý Toàn, Lê Ðình Ðiểu, Hà Tường Cát và tôi mướn xe lái sang Texas đón anh Lộc. Anh Yến thì nằng nặc không đi, vì còn bận việc tờ báo, và bận “vài việc nhà”.

Vậy mà khi chúng tôi ra xe, tỉnh queo, anh leo lên và bảo tôi ghé ngang nhà để anh mang theo “một chiếc áo”. Khi trao cái túi cho anh, chị Loan thản nhiên quá chừng chừng, vì chị đã quá quen với lối sống kiểu đó của anh.

Hơn 30 năm trời quen biết anh chị Yến, tôi chưa hề một lần thấy chị Loan tỏ ra phiền hà, hay có một lời trách móc anh. Ít nhất là trước mặt bạn bè. Trong chỗ riêng tư của hai anh chị, điều này có thể xảy ra. Tôi cho rằng, chị Loan đã đóng góp rất nhiều chọ sự nghiệp của anh Yến. Mà quan trọng nhất là việc nuôi dạy các con.

Từ lúc mới biết và sau đó làm việc với anh Yến, tôi thề có Trời, chẳng bao giờ tôi nghĩ rằng, anh Yến có thời giờ nuôi dạy con cái. Làm báo, sinh hoạt suốt ngày, lại còn bù khú với bạn bè. Giờ đâu dành cho gia đình nữa? Giời ạ!

Tôi hoàn toàn sai.

Các con anh Yến nên người. Các cháu thành công, không những chỉ trong lãnh vực khoa bảng, mà còn ở mặt nhân cách. Các con của anh Yến chị Loan, khi rời quê nhà thì còn quá bé. Vậy mà, khi lớn, mặc dù đã nhập vào dòng chính trên đất Mỹ, các cháu vẫn giữ được nếp nhà.

Cả anh Yến lẫn chị Loan, tôi chưa hề nghe anh chị khoe về các cháu. Có người thì cho rằng, anh Yến ngầm đưa các con vào những vị trí then chốt của tờ Người Việt. Tôi thì nghĩ khác. Các cháu giỏi, và nhất là còn trẻ, các cháu xứng đáng để kế tục con đường mà các bác các chú trong tờ báo đã có công khai phá. Chúng ta chẳng từng tỏ mong ước là phải có thế hệ kế thừa đó sao?

Anh Yến bây giờ không còn nữa.

Tôi tin là dù không nghe nói ra, anh hẳn phải hài lòng vì những nỗ lực và thành quả mà anh đạt được. Những thất bại của anh, tôi chưa có dịp nghe anh tâm sự. Còn về những bí ẩn của đời anh, thì anh đã theo xuống tuyền đài.

Cho nên, bài viết về anh thì dài, nhưng bảo rằng hiểu nhiều về anh thì không hẳn./.

Comments are closed.